KHÔNG AI BIẾT NGÀY ĐÓ GIỜ ĐÓ, KỂ CẢ NGƯỜI CON
Lm. Giuse Phạm Duy Thạch, SVD chú giải
Bản văn và dịch sát nghĩa (Mc 13,24-32)
Hy Lạp | Việt |
24 Ἀλλ᾽ ἐν ἐκείναις ταῖς ἡμέραις μετὰ τὴν θλῖψιν ἐκείνην ὁ ἥλιος σκοτισθήσεται, καὶ ἡ σελήνη οὐ δώσει τὸ φέγγος αὐτῆς,
25 καὶ οἱ ἀστέρες ἔσονται ἐκ τοῦ οὐρανοῦ πίπτοντες, καὶ αἱ δυνάμεις αἱ ἐν τοῖς οὐρανοῖς σαλευθήσονται. 26 καὶ τότε ὄψονται τὸν υἱὸν τοῦ ἀνθρώπου ἐρχόμενον ἐν νεφέλαις μετὰ δυνάμεως πολλῆς καὶ δόξης. 27 καὶ τότε ἀποστελεῖ τοὺς ἀγγέλους καὶ ἐπισυνάξει τοὺς ἐκλεκτοὺς [αὐτοῦ] ἐκ τῶν τεσσάρων ἀνέμων ἀπ᾽ ἄκρου γῆς ἕως ἄκρου οὐρανοῦ. 28 Ἀπὸ δὲ τῆς συκῆς μάθετε τὴν παραβολήν· ὅταν ἤδη ὁ κλάδος αὐτῆς ἁπαλὸς γένηται καὶ ἐκφύῃ τὰ φύλλα, γινώσκετε ὅτι ἐγγὺς τὸ θέρος ἐστίν· 29 οὕτως καὶ ὑμεῖς, ὅταν ἴδητε ταῦτα γινόμενα, γινώσκετε ὅτι ἐγγύς ἐστιν ἐπὶ θύραις. 30 Ἀμὴν λέγω ὑμῖν ὅτι οὐ μὴ παρέλθῃ ἡ γενεὰ αὕτη μέχρις οὗ ταῦτα πάντα γένηται. 31 ὁ οὐρανὸς καὶ ἡ γῆ παρελεύσονται, οἱ δὲ λόγοι μου οὐ μὴ παρελεύσονται. 32 Περὶ δὲ τῆς ἡμέρας ἐκείνης ἢ τῆς ὥρας οὐδεὶς οἶδεν, οὐδὲ οἱ ἄγγελοι ἐν οὐρανῷ οὐδὲ ὁ υἱός, εἰ μὴ ὁ πατήρ (Mk. 13:24-32 BGT) |
24 Nhưng trong những ngày ấy, sau những thử thách ấy, mặt trời trở thành tối tăm và mặt trăng sẽ không cho ánh sáng của nó
25 Và các ngôi sao từ trời sẽ rơi xuống và các quyền lực trên trời sẽ bị lung lay 26 Và lúc ấy, người ta sẽ thấy Con Người đến trong đám mây với nhiều quyền năng và vinh quang. 27 Và lúc ấy, Người sẽ sai các thiên thần và triệu tập những người được chọn từ bốn phương từ tận cùng cõi đất và tận cùng trời cao. 28 Hãy học dụ ngôn từ cây vả khi cành của nó trở nên mềm và sinh ra lá, anh em biết là mùa hè đã đến gần. 29 Như thế, khi thấy những điều này xảy ra, anh em biết rằng Người đã gần bên, ngay bên cửa. 30 Quả thật, Thầy bảo anh em, thế hệ này sẽ không qua đi, cho đến khi những điều này xảy ra. 31 Bầu trời và trái đất sẽ qua đi, nhưng lời của Thầy sẽ không qua đi. 32 Về ngày đó và giờ đó, không ai biết, cả các thiên thần và Người Con cũng không, ngoại trừ Chúa Cha. |
Bối cảnh
Mc 12,24-32 nằm trong số những bài giảng về thời Cánh Chung trong Tin Mừng Mác-cô (13,1-37), thường được gọi là tiểu Khải Huyền,[1] đối lại với sách Khải Huyền (đại Khải Huyền). Những đoạn này cũng được tìm thấy trong Mát-thêu và Luca: Con Người quang lâm (Mt 24,29-31; Lc 21,25-28) và dụ ngôn cây vả (Mt 24,32-36; Lc 21,29-33). Sự kiện Con Người quang lâm sẽ đến sau những sự kiện liên quan đến những người mạo danh Đức Ki-tô đến và lừa gạt những người được chọn (Mc 13,6). Đức Giê-su cảnh báo các môn đệ phải coi chừng nếu không sẽ bị lừa gạt (x. Mc 13,5). Những ki-tô giả và ngôn sứ giả xuất hiện, “làm những dấu lạ và những việc khác thường, nhằm lừa gạt những người đã được tuyển chọn, nếu có thể” (Mc 13,22). Hình ảnh Con Người đến trong đám mây, gợi nhớ đến hình ảnh Con Người đến trong đám mây được nói đến trong sách Daniel. Hình ảnh “Con Người đến trong vinh quang” cũng được Đức Giê-su nhắc đến nhiều lần trong suốt quá trình rao giảng (Mt 25,31; Mc 8,38; Lc 9,26; 9,32; 21,27; 24,26).
Cấu trúc
(a) Các tinh tú: Lu mờ và sa xuống (13,24b-25a)
quyền lực trên trời sẽ bị lung lay (13,25b). (b) Con Người: Quyền năng và vinh quang (13,26) Lệnh triệu tập những người đã chọn (13,27) (a’) Hiện tượng cây vả cho biết thời điểm mùa hè (13,28) (b’) Thấy những hiện tượng ấy, biết Người đã đến gần (13, 29b) (c) Sự chắc chắn của lời: (Mc 13,30-31) (b’’) Không biết ngày giờ (13,32) |
Một số điểm chú giải
- “Trong những ngày ấy” (ἐν ἐκείναις ταῖς ἡμέραις): Là một loại ngôn ngữ được dùng cách phổ biến để diễn tả những sấm ngôn về thời cánh chung (x. Gr 3,16; 5,18; 31,29; 33,15-16; Ge 3,2; Dcr 8,23). Thành ngữ này đã xuất hiện hai lần trước trong bài giảng về cánh chung (13,17: “Khốn thay cho những người mang thai và những người đang cho con bú trong những ngày đó”; 13,19: “Vì những ngày đó sẽ là những ngày khốn cùng đến mức từ lúc khỏi đầu, từ lúc Thiên Chúa dựng nên vạn vật cho đến bây giờ, chưa khi nào xảy ra và sẽ không còn xảy ra nữa”; Mc 2,20).[2] “Những ngày” (số nhiều) ám chỉ một khoảng thời gian vô định, không biết bao lâu, nhưng chỉ biết là khoảng thời gian của của thời cánh chung.
- Sau những thử thách ấy (τὴν θλῖψιν ἐκείνην): Danh từ “thử thách” có mạo từ xác định, và đại từ chỉ định (ấy, đó) diễn tả thử thách đã nhắc trước đó. “Thử thách ấy” có thể là “giặc giả”; “dân này chống dân kia; nước này chống nước nọ”; “động đất”; “đói kém” (x. Mc 13,7-8); Sự bắt bớ, trao nộp, xảy ra ngay cả giữa những thành viên trong gia đình (x. Mc 13,9.12); Cảnh gian nan tại Giê-ru-sa-lem (x. 13,14-20).
- Mặt trời… mặt trăng… ngôi sao: Nhưng thay đổi của mặt trời, mặt trăng, và các ngôi sao là những dấu hiệu vào những ngày cuối cùng, tiếp theo những cơn gian nan khởi đầu ấy. Nếu như “cơn thử thách ấy” xảy ra chủ yếu trên mặt đất, thì trong “những ngày ấy” (những ngày cuối cùng), những ảnh hưởng liên quan đến những tinh tú trên trời: Mặt trời, mặt trăng và các vì sao. Theo J. Marcus, đây là những điềm thiêng và dấu lạ báo trước sự xuất hiện của Con Người, đối lại với những dấu lạ và điềm thiêng mà những ki-tô giả và các ngôn sứ giả trình diễn để đánh lừa những “người được chọn”.[3] Mặt trời, biểu tượng ánh sáng ban ngày, và nơi phát ra ánh sáng trên mặt đất sẽ trở nên tối tăm. Mặt trăng, một vật thể phát sáng ban đêm cũng không còn cho ánh sáng. Dĩ nhiên, theo khoa học, sở dĩ mặt trăng phát sáng được là nhờ phản chiếu ánh sáng của mặt trời. Nó không tự mình phát sáng. Các nhà du hành vũ trụ Neil Armstrong và Buzz Aldin đã đặt chân lên mặt trăng năm 1969 và đã khám phá ra mặt trăng có màu xám đen. Mặt trăng có độ sáng khác nhau là do bề mặt phản chiếu ánh sáng tiếp xúc với ánh sáng mặt trời khác nhau khi nó xoay quanh trái đất (chu kỳ 27,32 ngày). Theo khoa học tự nhiên, khi mặt trời trở nên tối tăm thì dĩ nhiên mặt trăng cũng không còn chiếu sáng nữa. Tuy nhiên, theo vũ trụ quan thế kỷ thứ nhất, có lẽ các tác giả sách Tin Mừng chưa biết tỏ tường những kiến thức khoa học này. Họ chỉ biết mặt trời chiếu sáng ban ngày, và mặt trăng chiếu sáng ban đêm, giống như đã được diễn tả trong sách Sáng Thế: “Thiên Chúa làm ra hai vầng sáng. Vầng sáng lớn hơn điều khiển ban ngày và vầng sáng nhỏ hơn điều khiển ban đêm. Người cũng làm ra các ngôi sao” (St 1,16). Những ngôi sao rơi xuống, không đề cập gì đến ánh sáng của chúng, có lẽ vì theo trình thuật Sáng Tạo, các ngôi sao không được xem như là biểu tượng ánh sáng. Sự tối tăm của mặt trời, mặt trăng cùng với sự rơi xuống của các ngôi sao cho thấy một sự đảo lộn nào đó trong trật tự sáng tạo, hoặc sự mất chức năng của các vật thể được tạo ra để làm chủ bầu trời.[4] Những hình ảnh của vũ trụ cho thấy sự phai tàn của thụ tạo rất thường thấy khi các ngôn sứ công bố “Ngày của Đức Chúa”. Ngôn sứ Giô-en mô tả rất sống động sự kiện này: “Ngày tối tăm u ám, ngày mây mù tối đen. Một dân đông đúc và hùng mạnh đang tràn ngập núi đồi như thể ánh bình mình. Một dân như vậy xưa nay chưa hề có, và muôn năm muôn đời cũng sẽ chẳng bao giờ có nữa. Đi trước dân này là khối lửa thiêu, theo sau họ là hỏa hào bốc cháy” (Ge 2,2-3). Đó là dấu hiệu cho cuộc sáng tạo mới cùng với sự phục sinh sự sống của Chúa. Trong sách Khải Huyền, độc giả cũng thấy những hình ảnh vũ trụ thay đổi tương tự. Khi Con Chiên mở ấn thứ sáu thì “có động đất mạnh. Mặt trời tối đen như vải thợ dệt bằng lông, mặt trăng hoàn toàn ra như máu. Sao trên trời sa xuống đất tựa như trái vả xanh rụng xuống từ cây vả bị gió lớn lay mạnh. Trời bị cuốn đi như một cuốn sách cuộn lại. Mọi núi non và hải đảo bị dời đi nơi khác” (Kh 6,12-14).
- Các quyền lực trên trời: Các quyền lực trên trời có thể hiểu theo hai nghĩa. Nghĩa thứ nhất, quyền lực này bao gồm mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao. Những quyền lực này sẽ lay chuyển như vừa đề cập ở trên. Những quyền lực này cũng có thể nói đến các “thần linh nguyên tố” (stoicheia tou cosmou) được cho là điều khiển những tinh tú trên trời (Gl 4,3; Cl 2,8.20; Pr 3,10.12).[5] Rất khó để hiểu các quyền lực trên trời này chính xác là ai hay quyền lực nào. Tuy nhiên, tất cả những lối diễn tả này cho thấy có một sự thay đổi, đảo lộn, rung chuyển của vũ trụ trước khi Con Người xuất hiện. Tất cả mọi ánh sáng như lu mờ trước ánh sáng thật là chính Đức Ki-tô Phục Sinh. Các quyền lực trên trời đều lay chuyển trước một quyền lực vững bền là quyền lực của Đấng Phục Sinh.
- Con Người (the Son of Man)[6]: Đây là danh xưng xuất hiện trong văn chương khải huyền của sách ngôn sứ Đa-ni-el. Đn 7,13 nói rằng “trong thị kiến ban đêm ông thấy có ai như con người, người đến với mây trời”. Con Người cũng nói với Đa-ni-el rằng “hãy hiểu rằng thị kiến đề cập đến thời gian cuối cùng” (Đn 8,17). Danh hiệu Con Người trong tiếng Hy Lạp là “ὁ υἱὸς τοῦ ἀνθρώπου” dịch sang Tiếng Việt là con trai của con người. Trong tiếng Do Thái, đó là một lối diễn đạt cá nhân hóa một danh từ chung chỉ nhân loại nói chung, bằng cách thêm vào cụm từ “con của”, diễn tả một con người cụ thể, một thành viên của loài người. Nghĩa của nó có thể như là “ai đó” hay “một người bất kỳ”. Cách dùng của Đn 7,13-14 diễn tả một Con Người đến trong đám mây, đã trở thành một vài dạng suy đoán của Do Thái và Ki-tô giáo sơ khai, đoán trước một tác nhân siêu nghiệm thời cánh chung của cuộc phán xét và giải thoát mang tính thần linh. Trong Tân Ước, tác nhân ấy gần như được đồng hóa với Đức Giê-su Phục Sinh. Thuật ngữ này xuất hiện trong cả bốn Tin Mừng và luôn luôn phát xuất từ miệng của Chúa Giê-su. Với một ngoại lệ (Ga 5,27), các sách Tin Mừng luôn luôn dùng mạo từ xác định, như thế giới thiệu thuật ngữ như là một nhân vật được biết rồi, thậm chí trong bối cảnh trong đó nó chưa được đề cập trước đó. Thuật ngữ này có thể có ám chỉ về Mê-si-ah được nói đến trong Đn 7. Trong bối cảnh này, Con Người có một vị thế hết sức quan trọng. Người “cỡi mây trời” mà đến và triệu hồi tất cả những người được chọn trong bối cảnh cuộc phán xét, thưởng – phạt phân minh.[7]
- Nhiều quyền năng và vinh quang: Vinh quang của Đức Giê-su được tỏ bày qua khả năng làm những phép lạ trong suốt hành trình rao giảng của Người. Đặc biệt, trong biến cố Biến Hình Người cũng bày tỏ vinh quang cách tỏ tường. Tuy nhiên, vinh quang ấy sẽ trở nên trọn vẹn sau khi Người Phục Sinh. “Quyền năng và vinh quang” là hai danh từ được dùng để diễn tả Đức Giê-su Phục Sinh. Đức Giê-su Phục Sinh đã khẳng định với các Tông Đồ rằng Người đã được “ban tất cả quyền lực trên trời và dưới đất” (Mt 28,18). Người cũng từng nói trước rằng Con Người “ngự đến cùng với các thiên thần, trong vinh quang của Cha Người” (Mc 8,38). Vinh quang của Đức Giê-su được tỏ hiện cho các môn đệ thấy trong biến cố Biến Hình (Lc 9,32). Vinh quang ấy sẽ được biểu lộ cách trọn vẹn sau khi Người trải qua đau khổ: “Nào Đấng Ki-tô lại chẳng phải chịu đau khổ như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao?” (Lc 24,26). Thánh Phao-lô cũng xác quyết về quyền năng của Đức Giê-su Phục Sinh: “Xét như Đấng từ cõi chết sống lại nhờ Thánh Thần, Người đã được đặt làm Con Thiên Chúa với tất cả quyền năng” (Rm 1,4). Trong thư gửi tín hữu Phi-líp-phê, thánh Phao-lô cũng cho biết Thiên Chúa đã siêu tôn Đức Giê-su và tặng ban cho Người một danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu và muôn vật trên trời, dưới đất, trong âm phủ đều bái quỳ Người (Pl 2,9-10). Sách Đa-ni-el cho thấy vinh quang và quyền năng được ban cho Con Người. Đấng Lão Thành trao cho Con Người “quyền thống trị, vinh quang và vương quyền, muôn người thuộc mọi dân tộc, quốc gia và ngôn ngữ đều phải phụng sự Người. Quyền thống trị của Người là quyền vĩnh cửu, không bao giờ mai một; vương quốc của Người sẽ chẳng hề suy vong” (Đn 7,14).
- “Những người được chọn” (τοὺς ἐκλεκτοὺς): Tính từ “eklektos” trong Tiếng Hy Lạp có nghĩa là “tuyệt vời”, “được uyển chọn”. Trước đó, Đức Giê-su đã đề cập đến những người “được tuyển chọn” khi Người nhắc đến những ngày gian nan: “Nếu Chúa không rút ngắn lại những ngày ấy thì không ai được cứu thoát, nhưng vì những kẻ Người đã tuyển chọn, Người rút ngắn những ngày ấy lại” (Mc 13,20). Người cũng nói đến những ki-tô giả và ngôn sứ giả đến để “lừa gạt những người được tuyển chọn” (Mc 13,22). Những người được chọn là ai? Họ có thể là các thành viên trong cộng đoàn ki-tô hữu. Sự chọn lựa họ là kết quả của ân sủng của Chúa, chứ không phải do đặc quyền riêng của họ.[8] Tuy nhiên, Thiên Chúa không muốn loại trừ ai cả. Đức Giê-su đến “để tìm và cứu những gì đã mất” (Lc 19,10). Dụ ngôn Khách Mời Dự Tiệc Cưới cho thấy ông chủ tiệc cho mời tất cả những người bất kể ai, từ khắp các ngã đường vào trong bữa tiệc của con trai mình. Tuy nhiên, cuối cùng, vẫn có những người bị quăng ra ngoài vì đã không mặc y phục cưới. Đức Giê-su kết luận cho dụ ngôn này “vì người được gọi thì nhiều và kẻ được chọn thì ít” (Mt 22,14). Chúa gọi rất quảng đại, nhưng những người được gọi cũng phải đóng góp phần mình để hoàn tất quá trình được tuyển chọn ấy. Sự bất hợp tác có thể làm cho lòng quảng đại của Thiên Chúa trở nên vô nghĩa. Thánh Phao-lô trong thư gửi giáo đoàn Ê-phê-xô khuyên nhủ rằng: mỗi người hãy “sống xứng đáng với ơn kêu gọi” mà họ đã được lãnh nhận (Ep 4,1). Có lẽ “người được chọn” là một từ ngữ mang tính kỹ thuật phù hợp cho cộng đoàn của Đấng Mê-si-ah về ơn cứu độ và ý nghĩa là “tất cả đều được mời (vào bữa tiệc Mê-si-ah), nhưng không phải tất cả đều tham dự”. Nói cách khác chỉ có được chọn thôi là không đủ.[9]
- “Từ tận cùng cõi đất và tận cùng trời cao”: Thành ngữ này kết hợp vối “bốn phương trời” làm nên một sự bao quát toàn thể vũ trụ, bao gồm toàn bộ mọi loài thụ tạo, không trừ một cá thể nào ở ngóc ngách nào của vũ hoàn.[10] Những người được chọn ở khắp bốn phương trời.
- “Dụ ngôn cây vả”: Một cách tự nhiên, khi cây vả đâm chồi, sinh lá non, người ta biết rằng mùa hè đã gần đến. Giống như ở Việt nam, hễ thấy phượng nở và ve kêu là học trò biết rằng mùa hè đã đến gần. Cây vả là một loại cây khá phổ biến trong vùng Địa Trung Hải. Nó rụng lá và ngủ suốt mùa đông như nhiều loại cây khác. Lá xanh lại xuất hiện vào cuối mùa xuân (vào tháng Tư, khoảng Lễ Vượt Qua)[11], ngay trước mùa hè và nó cho trái hai lần. Lần đầu tiên vào khoảng đầu tháng Năm đến tháng Sáu. Lần thứ hai vào khoảng cuối tháng Chín đến đầu tháng Mười Một. Đức Giê-su dùng từ “dụ ngôn” nhưng rõ ràng trong trường hợp này, Người muốn nói đến một quy trình thay lá tự nhiên của một cây vả, chứ không phải là một dụ ngôn. Người muốn các môn đệ áp dụng kinh nghiệm thực tế đó để nhận biết biến cố “Con Người đến trong vinh quang và quyền năng”. Đức Giê-su cũng từng dùng cách nói này để trách đám đông không nhận biết thời đại này, tức là thời đại của Đức Giê-su, trong khi họ có thể nhận ra các hiện tượng thiên nhiên một cách chính xác. Khi thấy mây kéo đến phía Tây, họ biết rằng “mưa đến nơi rồi”; và khi thấy gió thổi đến từ phía Nam, họ biết rằng “trời sẽ oi bức” (x. Lc 12,54-56). Khác với đám đông, các môn đệ phải học từ quy trình thay lá tự nhiên của cây vả, để nhận biết thời điểm Con Người xuất hiện.
- “Những điều này xảy ra”: Nhìn vào cấu trúc ở trên, độc giả có thể nhìn thấy ví dụ về quy trình thay lá của cây vả (a’) // (a) Những hiện tượng bất thường của các tinh tú trên trời: Mặt trời trở nên tối tăm, mặt trăng không còn cho ánh sáng, các quyền lực trên trời lay chuyển. Như vậy, cụm danh từ “những điều này” (xảy ra) trong bối cảnh này là những hiện tượng bất thường liên quan đến các thực thể trên trời đã đề cập trước đó. Cũng như, sự sinh lá của cây vả báo hiệu một mùa hè đang đến, hiện tượng lạ lùng của mặt trời, mặt trăng và các tinh tú báo hiệu cho sự việc Con Người đang đến. “Những điều này” cũng có thể mở rộng ra cho tất cả những cơn gian nan khởi đầu mà Đức Giê-su nói trước đó (Mc 13,5b-25) vì trong câu hỏi của các môn đệ, đại từ “ταῦτα” (những điều ấy) cũng được sử dụng.[12]
- “Người đã gần, ngay bên cửa”. Chủ từ ẩn của động từ “ἐστιν” (thì, là) ngôi thứ ba số ít có thể là Người (Con Người) hoặc là “nó” (sự đến của Con Người).[13] Sự “gần” của mùa hè song song với “gần” của Con Người. Tuy nhiên, sự “gần” của Con Người còn được bổ trợ bằng một cụm giới từ mang tính giái thích: “Ngay bên cửa”. Cụm giới từ này nhấn mạnh rằng khoảng cách thời gian là rất gần. Sau khi nói về những hiện tượng bất thường xảy ra, rồi nói đến việc Con Người ngự đến trong vinh quang. Câu hỏi đặt ra là khi nào xảy ra những điều ấy? Để trả lời cho câu hỏi đó, Đức Giê-su lại dạy các ông hãy học từ ví dụ của cây vả. Hệt như khi thấy lá của cây vả bắt đầu xuất hiện thì họ biết mùa hè gần rồi, khi thấy những hiện tượng lạ lùng từ mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao, họ cũng biết rằng Con Người sắp đến. Tuy nhiên, ví dụ cây vả thì rõ ràng nhưng sự kiện Con Người đến không thể dễ dàng nhận thấy.
- “Thế hệ này chẳng qua đi cho đến khi những chuyện này xảy ra”: Cách nói này rất khó giải thích vì rõ ràng thiếu sự hoàn tất của lời tiền báo của Người. Vấn đề đầu tiên cần xác định là ý nghĩa của cụm từ “những chuyện này”. Có phải là chúng muốn ám chỉ đến những điều đã được đề cập trong 13,3-23? Có một cách giải thích là nên hiểu câu này như là một thành ngữ khẳng định chắc chắn rằng những chuyện này sẽ xảy ra. Cách hiểu thứ hai, “những chuyện này” đề cập đến cuộc Thương Khó, Chết và Phục Sinh sắp xảy đến của Đức Giê-su, biến cố mà Người đã tiền báo đến ba lần trước đó. Cách hiểu này gợi nhớ đến lời dạy tương tự trong Mc 9,1: “Ta bảo thật các người: Trong số những người có mặt ở đây, có những người sẽ không phải nếm trải sự chết cho đến khi thấy Triều Đại Thiên Chúa đến đầy uy lực”.[14] Thế hệ này là thế hệ hiện tại, có thể kéo dài đến cuối thế kỷ thứ nhất (8,12.38).[15] Các môn đệ của Đức Giê-su cũng như những người tin vào Người sẽ trải qua những giây phút hiện tại kinh hoàng, khi họ chứng kiến Đức Giê-su bị bắt, tra tấn và giết chết. Cũng có thể họ cũng chứng kiến biến cố kinh hoàng khi Giê-ru-sa-lem và Đền Thờ Thứ Hai bị phá hủy vào năm 70.[16] Rồi, họ cũng chung số phận khi đi theo lời mời gọi “vác thập giá của mình mà theo Chúa” (Mc 8,34). Đức Ki-tô Phục Sinh vinh quang chính là niềm tin và niềm hy vọng cho họ trong những cơn gian nan thử thách. Tuy nhiên, sự kiện Con Người đến trong mây trời đầy quyền năng và vinh quang vẫn chưa xảy ra. Đây là niềm hy vọng cho các tín hữu qua mọi thời đại.
- “Không ai biết … ngoai trừ Chúa Cha”: Những lời của Đức Giê-su nói chắc chắn sẽ được ứng nghiệm. Đức Giê-su đã bảo các môn đệ hãy học lấy ví dụ về quy trình thay lá của cây vả, báo hiệu một mùa hè sắp đến. Tuy nhiên, cho đến cuối cùng người ta cũng không thể biết được ngày giờ cụ thể. Đức Giê-su lặp lại ba lần trạng từ mang nghĩa phủ định “οὐδεὶς” (không ai); “οὐδὲ οἱ ἄγγελοι ἐν οὐρανω” (các thiên sứ trên trời cũng không); “οὐδὲ ὁ υἱός” (Người Con cũng không) (x. Mc 13,32; Mt 24,36). Bí mật về “ngày” và “giờ” của sự kiện cánh chung là không thể bật mí. Nếu Đức Giê-su (Người Con) không biết thì rõ ràng Người không thể nào bật mí được. Việc Người Con được liệt kê vào trong danh sách của những người không biết “ngày ấy và giờ ấy” cánh chung làm cho các ki-tô hữu thời sơ khai không khỏi bối rối (không ngạc nhiên khi mà một vài bản chép tay trong đoạn tương đương của Mát-thêu bỏ đi chi tiết này, Luca thậm chí bỏ luôn câu này). Chi tiết này không có trong các bản Latin (Vulgate), các bản tiếng Siriac và Coptic. Có tác giả cho rằng cụm từ “ngay cả các thiên thần trên trời cũng không, ngay cả Người Con cũng không, trừ Chúa Cha” được thêm vào bản gốc vốn chỉ có cụm từ “không ai biết”. Tuy nhiên, cách nghĩ này xem ra vô lý, vì khó có thể lý giải được tại sao người ta lại thêm vào cụm từ có tính giảm thiểu kiến thức của Người Con. Chính vì thế tác giả Granfield và Grundmann khẳng định những cụm từ ấy là nguyên gốc chứ không phải thêm vào.[17] Cách nói này của Đức Giê-su có lẽ tương tự như cách nói của Người dành cho hai người con ông Dê-bê-đê, khi họ đến xin Người hai vị trí bên tả và bên hữu. Người đã trả lời họ rằng Người không có quyền cho, nhưng Cha Người chuẩn bị cho ai thì người ấy được (Mc 10,35-40; Mt 20,20-23). Điều này ngụ ý rằng Đức Giê-su “ngày” và “giờ” chính xác của biến cố cánh chung không nằm trong ý định mạc khải của Chúa.
Bình luận tổng quát
Phần cuối của những trình thuật về hành trình rao giảng của Đức Giê-su, trong Tin Mừng Nhất Lãm thường được kết thúc bằng những bài giảng về Cánh Chung – những sự sau cùng của thế giới: Chết, sống lại, phán xét, thưởng phạt, sự sống mới ở đời sau. Tin Mừng Mác-cô cũng không ngoại lệ. Hay nói khác đi, Tin Mừng Mác-cô là khuôn mẫu cho hai Tin Mừng Nhất Lãm còn lại. Khi nói về sự kiện cánh chung, một thể văn thường được sử dụng là thể văn khải huyền, một thể văn đã phát triển khá phổ biến trong văn chương Do Thái thời Cựu Ước. Chương 13 của Mác-cô được xem là một tiểu Khải Huyền nói về những biến cố sau hết của thế giới. Muốn hiểu được tiểu Khải Huyền của Mác-cô, phải đọc lại bối cảnh của hai đại Khải Huyền khác trong truyền thống Thánh Kinh: Sách Đa-ni-el trong Cựu Ước và sách Khải Huyền trong Tân Ước. Sách Đa-ni-el được soạn thảo khoảng năm 165, khi vua Antiôkhô IV của Seleucid đang cai trị đất Palestine. Ông cố gắng biến đền thờ Giê-ru-sa-lem thành nơi thánh hiến cho Chúa Thiên Đàng (Baal Shamin) và thay hế Torah (Luật của người Do Thái). Một số người đạo đức Do Thái xem những hành động này là những tai họa, vì vua Antiôkhô tước đoạt của người Do Thái Đền Thờ, Luật Pháp, đất đai của tổ tiên họ. Sách Đa-ni-el khuyên những người trung thành xem Chúa như là nguồn hy vọng duy nhất của họ. Các đế quốc hùng mạnh rồi cũng sẽ đầu hàng Thiên Chúa của họ. Sách Khải Huyền của thánh Gioan được viết vào khoảng năm 95 (triều đại của hoàng đế Domitian. Nó nhắm đến các tín hữu đang đau khổ vì sự bách hại dữ dội ở Tiểu Á. Họ bị bắt buộc tham dự vào những nghi thức thờ hoàng đế Rô-ma và các nữ thần. Tác giả khuyên các tín hữu không nên tham gia vào những nghi thức ấy và cũng không phản kháng cách bạo lực. Thay vì xem Domitian như là thần, là Chúa, các tín hữu được khuyên phải xem Đức Ki-tô Phục Sinh, Con Chiên bị giết như là Chúa đích thực, vua đích thực và vĩnh cửu. Họ được khuyến khích trung thành dù trải qua bao đau khổ của sự bắt bớ. Cuối cùng, Đức Ki-tô sẽ chiến thắng.[18]
Dưới ánh sáng của hai sách Đại Khải Huyền, độc giả có thể hiểu phần nào Tiểu Khải Huyền trong chương 13 của Tin Mừng Mác-cô. Các ki-tô hữu cộng đoàn Mác-cô đang chịu đau khổ và cần được an ủi, động viên, khích lệ, cũng như một câu trả lời cách nào đó cho những khó khăn thử thách của họ. Câu trả lời ngắn hạn cho câu hỏi của họ là tại vì lòng trung thành của họ đối với Thầy Chí Thánh Giê-su, và thông điệp của Người về Nước Thiên Chúa. Câu trả lời dài hạn là đau khổ của các tín hữu bây giờ là một phần của kế hoạch của Thiên Chúa – đỉnh cao là sự mạc khải của Con Người vinh quang và sự chiến thắng của những người được Chúa chọn (những ki-tô hữu trung thành đến cùng).
Đoạn Tin Mừng chúng ta đang tìm hiểu, chính là sự tiền báo về đỉnh cao của mạc khải của Thiên Chúa, cũng như niềm hy vọng vinh thắng cuối cùng của các tín hữu. Các thực thể đất trời, vũ trụ sẽ đảo lộn và lay chuyển. Mặt trăng, mặt trời, những nguồn ánh sáng tưởng chừng là vô tận theo mạc khải của sách Sáng Thế (St 1), cũng vụt tắt, để nhường chỗ cho sự xuất hiện uy nghi của ánh sáng thật và vĩnh cửu là Đức Ki-tô như Người đã tự bạch: “Ta là ánh sáng thế gian” (Ga 8,12; 9,5). Độc giả hẳn cũng không quên rằng trong khoảnh khắc Đức Giê-su trút hơi thở cuối cùng trên thập giá, “bóng tối bao phủ khắp mặt đất” vì ánh sáng thật sắp tắt đi trong một khoảng thời gian, để rồi chiếu sáng muôn thuở. Phụng vụ Ánh Sáng trong đêm Vọng Phục Sinh, nhắc nhở các tín hữu cách sống động rằng Đức Ki-tô phục sinh là ánh sáng thật của thế gian. Hình ảnh Con Người ngự trong đám mây mà đến, chính là hình ảnh đã được nói đến trong sách Đa-ni-el. Đó là Con Người được ban toàn quyền trên trời dưới đất và cả trong âm phủ. Vinh quang của Người chói ngời và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận. Những đau khổ của các ki-tô hữu sẽ chứng tỏ lòng trung thành của họ và chứng tỏ rằng họ đã sống ơn gọi mà họ đã được kêu gọi – vác thập giá mình mỗi ngày mà theo Đức Ki-tô. Khi trung thành với hành trình ơn gọi ấy đến cùng, họ sẽ được các thiên thần mời về như những người “được chọn” và được Con Người ban thưởng hạnh phúc vinh quang, viên mãn với Người. Tuy vậy, cho đến bao giờ, ngày nào, giờ nào Con Người sẽ trở lại trong vinh quang “để phán xét người sống và kẻ chết”? Điều đó vẫn chưa được mạc khải, hay nói đúng hơn là “thiên cơ bất khả lộ”. Xét cho cùng, bí mật này là công bằng và chính đáng đối với Chúa và với tất cả mọi người. Cuộc đời con Người phải là một chuỗi ngày chọn lựa Chúa và thánh ý Người. Họ được mời gọi luôn trung thành, liên lỉ với chọn lựa cùa mình mỗi phút, mỗi giây của cuộc đời, cho dù xảy ra biết bao đau khổ gì đi nữa. Đó không phải một toan tính trong chốc lát, nhất thời, chụp dựt, kiểu như nếu biết ngày mai Chúa đến, thì hôm nay đi xưng tội là vừa, còn cả cuộc đời hưởng thụ thân xác cho sướng. Chọn lựa Chúa là chọn lựa sống trong tương quan tình yêu luôn luôn với Chúa và với người khác chứ không phải là toan tính, mưu mô để được vào Nước Trời. Đành rằng hạnh phúc Thiên Đàng là một món quà nhưng không của Chúa và trên thực tế Người có thể ban cho một tên trộm lành trong một phút giây (Lc 23,43). Đó là một giây phút hoán cải, tin tưởng đích thực, chứ không phả được mưu mô, toan tính từ lâu. Vì thế, nếu ai có ý định “cướp” Nước Thiên Đàng ngay từ đầu thì có lẽ Chúa sẽ không ban.
Lm. Joseph Phạm Duy Thạch, SVD
Chú thích:
[1] Từ khải huyền nghĩa là mạc khải, bộc lộ, và như là một dạng văn chương, một sự khải huyền có mục đích tỏ lộ những mầu nhiệm tương lai hay lãnh vực thiên giới. Nội dung của chương 13 Tin Mừng Mác-cô nói về những sự cuối cùng (chết, sống lại, phán xét, những phần thưởng và những hình phạt, sự sống mai sau), khải huyền được xem như là giải quyết sự chung cuộc hay cánh chung. Khải huyền đôi khi được gọi là “văn chương của những yếu thế”. Nó thường xuất hiện giữa những dân bị áp bức, hoặc dân lưu lạc những người co ít cơ hội chống lại những quyền lực kinh tế, chính trị [J.R. Donahue – D.J. Harrington, The Gospel According to Mark (SP 2; Collegeville 1991) 378-9]; “In the scenario of Mark 13, the first stage, the “beginning of the birth-pains,” includes the themes of a preliminary time of evil (the beginning of the war, the deception of false messiahs in vv. 5b–6) as well as persecution (vv. 9–13). The second stage, the “tribulation,” combines the themes of divine intervention, judgment, and the fate of sinners. The judgment on the city would also affect representative leaders of the persecution against the followers of Jesus, among both the Jews and the Romans. The third stage involves the appearance of the Son of Man, described in theophanic terms, and the gathering of the elect (vv. 24–27). Chapter 13 thus contains two divine interventions, an act of divine judgment without a mediator and an act of salvation through the mediation of the Son of Man and his angels” [A.Y. Collins – H.W. Attridge, Mark. A Commentary on the Gospel of Mark (Hermeneia; Minneapolis 2007) 615].
[2] C.A. Evans, Mark 8:27-16:20 (WBC; Dallas 2002) 34B, 327.
[3] J. Marcus, Mark 8–16. A New Translation with Introduction and Commentary (AYB; New Haven – London 2008) XXVII A, 906.
[4] C.A. Evans, Mark 8:27-16:20, 328.
[5] J.R. Donahue – D.J. Harrington, The Gospel According to Mark, 374.
[6] See G. W. E. NICKELSBURG, The Anchor Bible Dictionary, “Son of Man”.
[7] X. J.P.D.Thạch, “Có Luôn Hả? Khi Nào Vậy? Chú Giải Tin Mừng CN XXXIV TN A” [LỜI BAN SỰ SỐNG ĐỜI ĐỜI ῥήματα ζωῆς αἰωνίου: CÓ LUÔN HẢ? KHI NÀO VẬY? Chú Giải Tin Mừng CN XXXIV TN A (josephpham-horizon.blogspot.com)] (Truy cập 09/11/2021)
[8] J.R. Donahue – D.J. Harrington, The Gospel According to Mark, 373.
[9] W.D. Davies – D.C. AllisonJr., A critical and exegetical commentary on the Gospel according to Saint Matthew (ICC; London – New York 2004) III, 207.
[10] J.R. Donahue – D.J. Harrington, The Gospel According to Mark, 375.
[11] Ibid.
[12] A.Y. Collins – H.W. Attridge, Mark, 616.
[13] C.A. Evans, Mark 8:27-16:20 (WBC; Dallas 2002) 334.
[14] J.E.A. Chiu, “Mark”, The Paulist Biblical Commentary (ed. R.J. Clifford et al.) (New York 2018) 1016.
[15] J. Marcus, Mark 8–16. A New Translation with Introduction and Commentary, 911.
[16] J.R. Donahue – D.J. Harrington, The Gospel According to Mark, 376.
[17] C.A. Evans, Mark 8:27-16:20 (WBC; Dallas 2002) 34B, 336.
[18] X. J.R. Donahue – D.J. Harrington, The Gospel According to Mark, 379-380.