Chú giải Tin Mừng Chúa Nhật XI Thường Niên, năm A (Mt 9,36 – 10,8)

0
3758

NHẬN MIỄN PHÍ, CHO MIỄN PHÍ

Lm. Giuse Phạm Duy Thạch, SVD chú giải

Bản văn và dịch sát nghĩa

Việt Hy Lạp
9,36 Khi nhìn thấy đám đông, Người chạnh lòng thương về tất cả họ, vì họ đang mệt mỏi và chán nản như những con chiên không có chủ chăn.

37 Rồi Người nói cùng các môn đệ của mình rằng: Mùa gặt thì nhiều, mà thợ gặt lại ít.

38 Vì vậy, hãy nài xin ông chủ của vụ mùa để ông có thể mang những người thợ gặt vào vụ mùa của mình.

10,1 Sau khi gọi mười hai môn đệ của Người lại, Người ban cho họ các quyền trên các tinh thần ô uế để họ có thể trục xuất chúng và chữa lành tất cả các chứng bệnh và tật bệnh.

2 Đây là tên của mười hai người được sai đi: Trước tiên là Simôn[1], còn gọi là Pêtrô và Anđrêa, người anh em của ông, Giacôbô, con của ông Dêbêđaiô và Gioannes, người anh em của ông.

3 Philíppô và Batholomaiô, Thôma và Mátthaiô, người thu thuế, Giacôbô, con ông Alphaiô và Thađaiô.

4 Simôn, người Canaanaiô và Giuđa Iscariôth, kẻ trao nộp Người.

5 Đức Giêsu sai mười hai người này đi, ra lệnh cho họ rằng: “Đừng đi vào đường của dân ngoại và cũng không vào thành phố của những người Samarites.

6 Tốt hơn hãy đi đến cùng những con chiên lạc của nhà Israel.

7 Trong khi đi, hãy rao giảng rằng: “Nước Trời đã đến gần”.

8 Hãy chữa lành những người đau yếu, phục sinh những người chết, thanh tẩy những người phong hủi, trục xuất quỷ. Anh em đã nhận miễn phí, thì hãy cho miễn phí.

9: 36 Ἰδὼν δὲ τοὺς ὄχλους ἐσπλαγχνίσθη περὶ αὐτῶν, ὅτι ἦσαν ἐσκυλμένοι καὶ ἐρριμμένοι ὡσεὶ πρόβατα μὴ ἔχοντα ποιμένα.

37 τότε λέγει τοῖς μαθηταῖς αὐτοῦ· ὁ μὲν θερισμὸς πολύς, οἱ δὲ ἐργάται ὀλίγοι·

38 δεήθητε οὖν τοῦ κυρίου τοῦ θερισμοῦ ὅπως ἐκβάλῃ ἐργάτας εἰς τὸν θερισμὸν αὐτοῦ.

10:1 Καὶ προσκαλεσάμενος τοὺς δώδεκα μαθητὰς αὐτοῦ ἔδωκεν αὐτοῖς ἐξουσίαν πνευμάτων ἀκαθάρτων ὥστε ἐκβάλλειν αὐτὰ καὶ θεραπεύειν πᾶσαν νόσον καὶ πᾶσαν μαλακίαν.

2 Τῶν δὲ δώδεκα ἀποστόλων τὰ ὀνόματά ἐστιν ταῦτα· πρῶτος Σίμων ὁ λεγόμενος Πέτρος καὶ Ἀνδρέας ὁ ἀδελφὸς αὐτοῦ, καὶ Ἰάκωβος ὁ τοῦ Ζεβεδαίου καὶ Ἰωάννης ὁ ἀδελφὸς αὐτοῦ,

3 Φίλιππος καὶ Βαρθολομαῖος, Θωμᾶς καὶ Μαθθαῖος ὁ τελώνης, Ἰάκωβος ὁ τοῦ Ἁλφαίου καὶ Θαδδαῖος,

4 Σίμων ὁ Καναναῖος καὶ Ἰούδας ὁ Ἰσκαριώτης ὁ καὶ παραδοὺς αὐτόν.

5 Τούτους τοὺς δώδεκα ἀπέστειλεν ὁ Ἰησοῦς παραγγείλας αὐτοῖς λέγων· εἰς ὁδὸν ἐθνῶν μὴ ἀπέλθητε καὶ εἰς πόλιν Σαμαριτῶν μὴ εἰσέλθητε·

6 πορεύεσθε δὲ μᾶλλον πρὸς τὰ πρόβατα τὰ ἀπολωλότα οἴκου Ἰσραήλ.

7 πορευόμενοι δὲ κηρύσσετε λέγοντες ὅτι ἤγγικεν ἡ βασιλεία τῶν οὐρανῶν.

8ἀσθενοῦντας θεραπεύετε, νεκροὺς ἐγείρετε, λεπροὺς καθαρίζετε, δαιμόνια ἐκβάλλετε· δωρεὰν ἐλάβετε, δωρεὰν δότε. (Matt. 9:36-10:8 BGT)

 

Bối cảnh

Mt 9,36 – 10,8 nằm trong bối cảnh của bài giảng thường được gọi là “bài giảng về sứ vụ” (Mt 10,1-42). Bài giảng này nên bắt đầu từ bối cảnh trực tiếp của nó, tức là 9,36-38, chứ không phải 10,1. Đoạn văn này  tiếp nối sau một loạt nhiều phép lạ Đức Giêsu đã làm: Chữa người bại liệt (Mt 9,1-8); chữa người phụ nữ băng huyết và cho con gái một thủ lãnh sống lại (Mt 9,18-26); chữa hai người mù (Mt 9,27-31); Chữa người bị quỷ ám, làm cho câm (Mt 9,32-34). Xen giữa các phép lạ này là trình thuật ơn gọi của ông Mátthaiô và Đức Giêsu dùng bữa với những người thu thuế và tội lỗi tại nhà ông Mátthaiô (Mt 9,9-13). Trong đoạn văn này mười hai môn đệ được mời gọi tiếp nối sứ vụ của Đức Giêsu: Rao giảng, chữa lành, làm cho người chết sống lại và tìm kiếm những con chiên lạc. Thông điệp “Nước Trời đã đến gần” là thông điệp khởi đầu và chính yếu của Đức Giêsu. Tiếp theo sau đoạn này là, loạt những cảnh báo về những thách đố mà các môn đệ phải đối diện trên hành trình sứ vụ.

 

Cấu trúc

Bối Cảnh (9,36-37)

Nhìn thấy và chạnh lòng thương

đám đông mệt mỏi và chán nản như những con chiên không có chủ chăn.

Mùa gặt thì nhiều, mà thợ gặt lại ít.

Lệnh truyền (38):

Hãy nài xin ông chủ … mang những người thợ gặt vào vụ mùa của mình.

Mời gọi và ban quyền (1-4)

Gọi mười hai môn đệ của Người

Ban cho họ các quyền để có thể trục xuất tinh thần ô uế

Chữa lành tất cả các chứng bệnh và tật bệnh

Danh sách mười hai người được sai đi

Sai đi và lệnh truyền (6)

“Đừng đi vào con đường của dân ngoại và

Cũng không vào thành phố của những người Samaritês.

Hãy đi đến cùng những con chiên lạc của nhà Israel.

Thông điệp (7): “Nước Trời đã đến gần”.

Việc làm (8a):

Chữa lành những người đau yếu,

Phục sinh những người chết,

Thanh tẩy những người phong hủi,

Trục xuất quỷ.

Lý do nền tảng (8b): Nhận miễn phí, …cho miễn phí.

 

Một vài điểm chú giải

  1. Người chạnh lòng thương về tất cả họ: Mátthêu là tác giả sử dụng nhiều nhất động từ “chạnh lòng thương” (σπλαγχνίζομαι). Có đến năm lần tác giả sử dụng động từ này (9,36; 14,14; 15,32; 18,27; 20,34) so với Máccô bốn lần (1,41; 6,34; 8,2; 9,22) và Luca ba lần (Lc 7,13; 10,33; 15,21). Trong năm lần Mátthêu sử dụng động từ này, có bốn lần Đức Giêsu là chủ từ, một lần còn lại, chủ từ là ông chủ trong dụ ngôn “người đầy tớ không biết xót thương” (Mt 18,27). Có ba lần Đức Giêsu chạnh lòng thương đám đông (9,36; 14,14; 15,32). Trong đoạn văn này, chạnh lòng thương chính là cảm xúc đầu tiên của Đức Giêsu khi thấy đám đông, từ đó dẫn đến cách hành động trao ban sứ vụ loan báo Tin Mừng.
  2. Họ mệt mỏi và chán nản như những con chiên không có chủ chăn: Liên từ chỉ lý do – bởi vì – giải thích lý do vì sao Đức Giêsu chạnh lòng thương đám đông: Vì họ bơ vơ và chán nản. Hình ảnh so sánh là “như những con chiên không có chủ chăn”. Bối cảnh của Ga chương 10, nói về người chủ chăn tốt lành và dụ ngôn con chiên lạc trong Mt 18,12-14, cũng như Êdêkiel chương 34, giúp độc giả hiểu phần nào về sự đáng thương của những con chiên không có người chăn dắt. Tác giả Gioan cho biết người chăn chiên phải gọi tên từng con chiên một, dẫn chúng ta ngoài, rồi anh đi trước, chiên đi sau. Người chủ chăn dẫn những con chiên đến đồng cỏ và suối nước. Hình ảnh những con chiên không có chủ chăn gợi lên một tình trạng của những con người bơ vơ, lạc lõng, không biết đi đâu về đâu, và đói khát dẫn đến chết chóc. Trong Mt 14,14, sự mệt mỏi và chán nản được mô tả như là tình trạng của những người bệnh cũng như là người thân của họ. Đức Giêsu đã chạnh lòng thương mà chữa lành các bệnh nhân. Trong 15,32, sự mệt mỏi và chán nản của họ là nguy cơ đói khát bánh ăn, nước uống. Đức Giêsu đã chạnh lòng thương và hoá bánh ra nhiều cho họ được ăn no thoả. Trong bối cảnh này, sự mệt mỏi và chán chường của họ là thiếu thông điệp về Tin Mừng Nước Trời, và chịu đựng bệnh tật thể lý, và bị khống chế về tâm linh (quỷ ám). Khi thiếu những lãnh đạo do Chúa bổ nhiệm dân Chúa thường được mô tả trong Thánh Kinh Do Thái như là con chiên không người chăn dắt (Ds 27,17; 1 V 22,17; 2 Sbn 18,16; Ed 34,5; Cf. Mt 26,31).[2] Đám đông nói chung vào thời Đức Giêsu vẫn có những chủ chăn như là các thượng tế, kinh sư, và Pharisêu. Tuy nhiên, có lẽ, họ không tìm thấy nơi những nhà lãnh đạo này một thông điệp Tin Mừng mang lại niềm hy vọng, sự no đủ về lương thực thể lý, cũng như những phương dược chữa lành những bệnh tật thể lý và tâm linh như Đức Giêsu đã làm.[3] Sự mệt mỏi, chán chường của đám đông có thể liên hệ đến lời mời gọi của Đức Giêsu là “hãy mang lấy ách của Tôi và hãy học từ Tôi vì Tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em tìm được sự nghỉ ngơi, vì ách Tôi tốt lành và gánh Tôi nhẹ nhàng (Mt 11,29-30). Trong Tin Mừng Mátthêu, Đức Giêsu đóng vai trò như người chăn chiên trong nhiều cách diễn tả: Trong 25,32, Người như là một quan toà thời cánh chung, tách biệt chiên ra khỏi dê; trong 26,31 Người là chủ chiên của Dcr 13,7, một chủ chiên bị đánh và những con chiên bị phân tán. 9,36, là ý tưởng Israel đang mong chờ một chủ chiên đích thực, Đức Giêsu Mêsia. Chưa hết, trong trình thuật Giáng Sinh, tác giả đã mô tả Đức Giêsu như là “chủ chăn”, chăn dắt Israel (Mt 2,6).[4]
  3. Mùa gặt thì nhiều, mà thợ gặt lại ít: Trong truyền thống Nhất Lãm, cũng như trong văn chương ngôn sứ và khải huyền Do Thái, mùa gặt được dùng như là một ẩn dụ của sự xét xử của Thiên Chúa và những người thu hoạch là Thiên Chúa và các thiên sứ (Is 18,4; 27,12; Gr 51,53; Os 6,11; Ge 4,13; Mt 3,12; 13,30.39; Mc 4,26-29; 13,27; Kh 14,14-20). Tuy nhiên, trong bối cảnh này, mùa gặt có thể là một ẩn dụ cho sứ vụ, và các môn đệ của Đức Giêsu, các thừa sai của sứ vụ là những người gặt. Như thế mùa gặt cánh chung đã được di chuyển từ thời gian tương lai đến hiện tại.[5] Sau đó, Đức Giêsu sẽ sai mười hai người môn đệ đi và họ thi hành sứ vụ rao giảng, trừ quỷ và chữa lành.
  4. Hãy cầu xin để ông chủ vụ mùa có thể mang các thợ gặt vào vụ mùa: Nhiệm vụ đầu tiên của các môn đệ là hãy nài xin ông chủ của vụ mùa. Trước khi được sai đi, các môn đệ được mời gọi cầu xin. Trong bối cảnh lời mời gọi này, ông chủ của vụ mùa có thể là Thiên Chúa. Nhưng sau đó, chính Đức Giêsu lại là Người gửi các môn đệ của mình ra đi thi hành sứ vụ. Như thế, ông chủ của vụ mùa cũng có thể là Đức Giêsu. Tác giả D.J. Harrington cho rằng ông chủ của vụ mùa rõ ràng là Thiên Chúa, nhưng khi Đức Giêsu gửi các môn đệ đi, Người hành động như là đại diện của Thiên Chúa.[6] Thợ gặt trong bối cảnh này là mười hai môn đệ. Tác giả Luca còn mở rộng thêm bảy mươi hai môn đệ. Tuy nhiên, trong lời cầu xin của các môn đệ, những người thợ gặt có thể được hiểu rộng ra cho tất cả mọi người qua mọi thời đại tham gia vào sứ vụ của Chúa. Tác giả tin rằng tác giả Mátthêu có lẽ có trong đầu rằng những người thợ gặt là những người thi hành sứ vụ sau Phục Sinh. Họ còn nghĩ rằng sứ vụ sau phục sinh không chỉ đặt nền trên những hoạt động của Đức Giêsu mà còn đặt nền trên lời mời gọi cầu nguyện của Người.[7]
  5. Gọi đến cùng (προσκαλέω) … gửi đi (ἀποστέλλω): Tác giả Máccô có câu chuyện thiết lập Nhóm Mười Hai (Mc 3,13-19) tách biệt với câu chuyện sai đi (6,7-13). Đức Giêsu đã gọi đến với Người những kẻ Người muốn và lập Nhóm Mười Hai. Mục đích của việc thành lập được tác giả nói rõ là để họ ở với Người và để Người sai họ đi rao giảng. Tác giả Luca cũng lấy lại dữ liệu của Máccô và lồng sự kiện này vào trong bối cảnh cầu nguyện (Lc 6,12-15). Tác giả Luca diễn tả hơi khác tác giả Máccô một tý: “Đức Giêsu gọi các môn đệ đến và chọn từ giữa họ mười hai người, những người mà Người gọi là những người được sai đi”. Tác giả Luca dùng động từ “tuyển chọn”, thay vì “thiết lập” và không nói đến mục đích của việc tuyển chọn. Tương tự với Máccô, tác giả Luca cũng có câu chuyện sai đi (Lc 9,1-6) tách ra khỏi câu chuyện tuyển chọn. Ngoài ra, tác giả Luca còn có thêm câu chuyện Đức Giêsu sai bảy mươi hai môn đệ đi rao giảng (Lc 10,1-12). Khác với tác giả Máccô và Luca, Mátthêu ghép câu chuyện lập Nhóm Mười Hai vào với câu chuyện sai đi rao giảng và đặt nó vào trong bối cảnh một bài giảng, thường được gọi là “bài giảng về sứ vụ” kéo dài từ 9,36 – 10,42. Tác giả W. Davies – D. Allison nghĩ rằng, sở dĩ tác giả Mátthêu muốn dời việc chọn mười hai môn đệ cho đến giai đoạn này, chứ không phải từ đầu như Máccô, là vì ông muốn để Đức Giêsu một mình là trung tâm điểm (Mt 4,23). Chỉ sau khi tường thuật lời nói và hành động của Đức Giêsu, các môn đệ mới bước vào sân khấu.[8] Mười hai môn đệ được gọi đến và được Đức Giêsu gửi đi. Danh xưng “tông đồ” – ἀπόστολος – (người được sai đi) đến từ động từ “sai đi” – ἀποστέλλω – (gửi đi; tiếng Do Thái שָׁלִיחַ, šālîaḥ). Như thế, danh xưng này dùng để mô tả chính sứ vụ của những người này.[9] Trong Tin Mừng Nhất Lãm danh xưng này thường được dùng cho những thành viên của nhóm Mười Hai. Tuy nhiên, cũng nên nhớ rằng, tác giả Luca còn nói đến việc Đức Giêsu sai bảy mươi hai người khác đi (Lc 10,1-12). Dù họ không được gọi là “các tông đồ”, nhưng họ cũng có sứ vụ tương đương. Ông Phaolô cũng tự xưng mình là “tông đồ” vì ông cũng đã được Đức Giêsu Phục Sinh sai đi (Rm 1,1; 1,5; 11,13; 1 Cr 11,1; 4,9; Cf. Cv 9,1-9; 14,14). Con số Mười Hai là con số có ý nghĩa biểu tượng. Nó tượng trưng cho mười hai chi tộc Israel (cf. 19,28) và nó cho thấy sự hoàn tất hy vọng của Israel (cf. 28,20). Nó cũng thiết lập căn tính của các môn đệ của Đức Giêsu và Giáo Hội như là Israel thật sự.[10]
  6. Các quyền trên các tinh thần ô uế: Cụm từ này trong tiếng Hy Lạp nghĩa đen là “quyền năng của các tinh thần ô uế” (Danh từ “quyền năng” + danh từ “tinh thần” và tính từ “ô uế” ở thuộc cách: ἐξουσίαν πνευμάτων ἀκαθάρτων). Các bản dịch đều hiểu là quyền năng trên các tinh thần ô uế. Tác giả Luca dùng cụm từ chính xác hơn: Năng lực và quyền năng trên quỷ (δύναμιν καὶ ἐξουσίαν ἐπὶ πάντα τὰ δαιμόνια). Các quyền Đức Giêsu ban gắn liền với các tinh thần ô uế để họ có thể trục xuất chúng. Trừ quỷ là một trong những hoạt động chính yếu của Đức Giêsu. Những nhà thừa sai cũng được thừa hưởng đặc quyền này. Ngay trước bài giảng về sứ vụ là phép lạ Đức Giêsu trục xuất quỷ ra khỏi một người câm (Mt 9,32-34). Trước đó là câu chuyện hai người bị quỷ ám ở vùng Gađara (Mt 8,28-34). Cụm từ tinh thần ô uế xuất hiện một lần khác trong 12,43, nhưng không có chỗ nào khác trong toàn bộ Tin Mừng Mátthêu. Máccô sử dụng thường xuyên danh xưng này (Mc 1,23; 3,11; 5,12). Thuật ngữ này có lẽ phản ánh quan điểm văn hoá của người Do Thái, bất cứ ai bị tinh thần xấu ám được xem như là không thanh sạch và người bị quỷ ám bị trục xuất khỏi sinh hoạt xã hội và văn hoá của cộng đoàn. Vì thế, các tinh thần ô uế có thể tương đương với các tinh thần xấu.[11]
  7. Trục xuất chúng và chữa lành tất cả các chứng bệnh và tật bệnh: Việc trục xuất quỷ gắn liền với chữa lành tất cả các chứng bệnh và tật bệnh. Với quyền năng trên các tinh thần ô uế, các nhà thừa sai có thể trục xuất quỷ và chữa lành tất cả các chứng bệnh và tật bệnh. Khi nối kết quyền trên các tinh thần ô uế với cả việc trục xuất chúng và chữa lành bệnh tật, có lẽ tác giả ngụ ý mối liên hệ giữa các tinh thần ô uế và các loại bệnh tật. Trên thực tế, trước đó, Đức Giêsu vừa trục xuất một tên quỷ làm cho người ta bị câm (Mt 9,32-34). Tác giả còn ghi chú cụ thể là khi quỷ xuất rồi, thì người câm nói được (19,33). Nhiều lần, tác giả cho thấy bệnh tật gắn liền với việc bị quỷ ám. Quỷ ám gắn liền với tật mù và câm (Mt 12,22-24). Bệnh kinh phong cũng là triệu chứng của việc bị quỷ ám (Mt 17,14-18). Chữa lành bệnh tật và trừ quỷ là dấu hiệu tỏ tường của thời đại Mêsia và sự hiện diện của Nước Thiên Chúa (Mt 12,8).
  8. Đừng đi vào con đường của dân ngoại (ὁδὸν ἐθνῶν) và cũng không vào thành phố của những người Samaritês: Có hai hướng đi mà các sứ giả được khuyến cáo không được đi đến: “Con đường của dân ngoại” (ὁδὸν ἐθνῶν) và các thành phố của những người Samarites. Các mệnh lệnh này được nhấn mạnh bằng cách đưa hai cụm giới từ nơi chốn lên trước động từ mệnh lệnh ở dạng phủ định: “Vào con đường của dân ngoại, anh em không được đi; vào thành của những người Samarites, anh em không được vào”. Dân ngoại và người Samarites được dùng song đối với dân Israel. Trong Tin Mừng Mátthêu, cụ thể là trong câu chuyện người phụ nữ Canaan, tượng trưng cho dân ngoại, Đức Giêsu nói rõ ràng với người phụ nữ là “Thầy chỉ được sai đến với các con chiên lạc nhà Israel” (Mt 15,24). Trong bối cảnh câu chuyện người phụ nữ Canaan, sự nhấn mạnh này có lẽ không phải để loại trừ cho bằng tạo ra một thử thách, đòi hỏi sự biểu lộ đức tin và sự khiêm hạ. Đức Giêsu, dĩ nhiên, biết mình phải làm gì và kết cục câu chuyện con gái của người phụ nữ này được chữa lành, nhưng chính yếu là đức tin trổi vượt của bà được tôn vinh. Trên thực tế, sứ vụ của Đức Giêsu khởi đầu trên mảnh đất của người Israel và cho người Israel trước. Vì Người chính là Đấng đã được hứa cho nhà Israel. Các môn đệ cũng là người Israel. Con số mười hai rõ ràng ám chỉ đến mười hai chi tộc Israel. Sau này, sứ vụ sẽ được mở rộng ra cho dân ngoại. Cuộc rao giảng Tin Mừng theo chiều hướng ly tâm khỏi Jêrusalem, lan tỏa đến các vùng dân ngoại, như tác giả Luca trình bày trong sách Công Vụ là minh hoạ sống động cho khuynh hướng sứ vụ. Tuy nhiên, chính Đức Giêsu cũng đã mở rộng biên giới sứ vụ, ra vùng Samarites và các vùng ngoại giáo lân cận. Trước khi về trời Đức Giêsu cũng lệnh cho các môn đệ là: “Hãy đi và làm cho tất cả các nước thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần” (Mt 28,19). Cũng nên nhớ rằng Mátthêu là tác giả duy nhất có câu chuyện “Đức Giêsu tỏ mình cho ba nhà chiêm tinh ngoại giáo đến từ Phương Đông” thường được gọi là Ba Vua (Mt 2,1-12). Nghĩa là, ngay từ đầu, tác giả Tin Mừng Mátthêu đã cho thấy một viễn ảnh Tin Mừng được loan báo cho những người ngoại. Tuy thế, cũng phải thừa nhận rằng, có một lược đồ khá rõ ràng trong ưu tiên của Đức Giêsu và cả các môn đệ sau này nữa: Trước là đến với con cái Israel, sau là đến với dân ngoại. Lược đồ này đã được các ông Phaolô và Barnaba nhìn nhận: “Anh em phải là những người đầu tiên được nghe công bố Lời Thiên Chúa, nhưng vì anh em khước từ lời ấy, và tự coi mình là không xứng đáng hưởng sự sống đời đời, thì đây chúng tôi quay về phía dân ngoại” (Cv 13,46; Cf. Cv 18,6; 28,28). Sự giới hạn sứ vụ lúc này vừa phản ánh ưu tiên về mặt lịch sử cho Israel vừa phản ánh thực tiễn là các môn đệ chưa trang bị đủ để đi qua các vùng biên giới văn hoá khác.[12]
  9. Đến cùng những con chiên lạc của nhà Israel: Con chiên lạc của Israel là diễn tả toàn thể Israel, không chỉ là một nhóm trong lòng Israel.[13] Cụm từ “những con chiên lạc” trong bối cảnh trực tiếp có thể hiểu là đám đông đang mệt mỏi và chán nản như những con chiên không có chủ chăn đã được nói đến đầu đoạn văn này. Các ngôn sứ Cựu Ước phàn nàn rằng các mục tử vô trách nhiệm làm cho những con chiên đi lạc (Gr 50,6: Ed 34,5). Có quan niệm cho rằng người Do Thái thường nghĩ đến mười chi tộc của đất nước Miền Bắc là những chi tộc bị mất sau khi bị đế quốc Assyri đánh chiếm nam 720 và sẽ được phục hồi vào thời sau hết (Jeremias 1971: 235).[14] Hai chi tộc làm nên vương quốc miền Nam cũng bị lưu đày Babylon năm 587 – 538, nhưng họ lại được Chúa cho hồi hương và tái thiết đền thờ vào thời đế quốc Ba Tư. Họ xem mình như là số còn sót lại của dân tộc Israel và duy trì căn tính dân tộc Chúa chọn.
  10. Nước Trời đã đến gần”: Đây chính là thông điệp quan trọng đầu tiên của Đức Giêsu: “Anh chị em hãy hoán cải vì Nước Trời đã đến gần” (Mt 4,17). Tác giả Mátthêu còn đồng hoá thông điệp này với thông điệp của Gioan Tẩy Giả (Mt 3,2). Ở đây không có mệnh lệnh “hãy hoán cải” như trong thông điệp của Gioan Tẩy Giả và Đức Giêsu. Nước Trời là thuật ngữ tác giả Mátthêu ưa thích dùng hơn thuật ngữ Nước Thiên Chúa, vốn được tác giả Máccô và Luca dùng. Nước Trời là chủ đề chính yếu trong lời rao giảng của Đức Giêsu. Người công bố Hiến Chương Nước Trời (Mt 5,1-12); Người chỉ cách thức để vào Nước Trời (Mt 5,20; 7,21; 18,3); Người mô tả Nước Trời bằng nhiều dụ ngôn (Mt 13).
  11. Hãy chữa lành … phục sinh … làm sạch … trục xuất: Đi kèm với thông điệp Tin Mừng “Nước Trời đã đến gần” là những hành động phi thường nhằm chứng minh sự hiện diện của Nước Trời. Đức Giêsu đã từng khẳng định rằng: “Nếu tôi dùng ngón tay Thiên Chúa mà trừ quỷ thì triều đại Thiên Chúa đã ở giữa các ông”. Chữa lành những người đau yếu (Mt 8,17), phục sinh người chết (Mt 9,18-26; 11,5), thanh tẩy người cùi (Mt 8,1-4; 11,5), trục xuất quỷ (Mt 8,28-34; 9,32-34) là những phép lạ Đức Giêsu đã làm trong các chương 8 – 9. Giờ đây, Người cũng ban quyền năng đó cho các môn đệ.
  12. Nhận miễn phí, thì hãy cho miễn phí: Điều mà các môn đệ nhận trong bối cảnh trực tiếp là quyền năng chữa lành và trừ quỷ. Họ đã nhận món quà ấy từ Chúa cách miễn phí, thì họ cũng phải trao tặng cho người khác.[15] Ngoài ra, họ cũng đã được lãnh nhận thông điệp “Nước Trời đã đến gần” cách miễn phí. Những điều các môn đệ đã nhận cách miễn phí có thể được mở rộng ra như là hồng ân theo Chúa, được sai đi, hồng ân đức tin, và tất cả những điều tốt lành họ nhận được từ Chúa. Tác giả Phaolô trong thư thứ hai gửi tín hữu Côrintô đã xác nhận về sự miễn phí trong hành động rao giảng: “Tôi rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa cho anh em cách miễn phí” (2 Cr 11,7).[16] Misnah, trong phần nói về con trai đầu lòng, cũng có ý tưởng tương tự: “Hệt như người nhận Torah không trả phí, hãy dạy nó miễn phí” (b. Berkorot, 29a).[17] Tinh thần trao ban nhưng không vừa đáp lại hồng ân mà các môn đệ lãnh nhận vừa họa lại lòng quảng đại của Thiên Chúa.

Bình luận tổng quát

Theo trình thuật của Mátthêu, Đức Giêsu đã tuyển chọn bốn môn đệ đầu tiên (4,18-22). Sau đó, Người gọi ông Lêvi khi ông đang ngồi bên bàn thu thuế (9,9). Tuy nhiên, Người chưa thiết lập Nhóm Mười Hai cho đến sau khi Người đã giảng dạy rất nhiều và làm nhiều phép lạ. Bối cảnh, mà trong đó, Đức Giêsu gọi đến Mười Hai môn đệ là bối cảnh Người chạnh lòng thương khi nhìn thấy đám đông chán nản và mệt mỏi. Đám đông trong bối cảnh này là những con chiên lạc nhà Israel. Sự mệt mỏi và chán chường của họ có thể đến từ sự thiếu thốn một mục tử tốt lành. Họ mệt mỏi và chán chường vì đói kém thông điệp Lời Chúa, đói kém lương thực thể lý, đau khổ vì bệnh tật thể lý và tâm linh; bị quỷ ám, và hoảng sợ vì sự chết. “Gọi đến” và “gửi đi” là ngôn ngữ mô tả ơn gọi và sứ vụ: Ơn gọi theo Chúa làm môn đệ và tiếp nối sứ vụ loan báo Tin Mừng của Chúa. Đức Giêsu gọi đến mười hai môn đệ và gửi họ đến với các con chiên lạc nhà Israel. Con số Mười Hai là con số rất ý nghĩa. Nó gợi nhớ đến sự quy tụ mười hai chi tộc Israel đang tản lạc khắp nơi, trong đó có mười chi tộc miền Bắc bị xem là những chi tộc bị lạc mất. Đó là nền tảng cho sự mở rộng Giáo Hội sau này. Giáo Hội không thay thế dân Israel, nhưng được mở rộng ra từ dân Israel. Lược đồ sứ vụ của Đức Giêsu cũng như của các môn đệ là khá rõ: Trước cho dân Israel, sau là dân ngoại. Để tiếp nối sứ vụ của Đức Giêsu, những người được sai đi cũng được lãnh nhận quyền năng trên các tinh thần ô uế để trục xuất chúng và chữa lành tất cả các loại bệnh tật, ngay cả phục sinh người chết. Tuy nhiên, trước tiên họ phải loan báo thông điệp Tin Mừng của Đức Giêsu: “Nước Trời đã đến gần”. Đây chính là thông điệp chính yếu của người dọn đường. Sở dĩ, người dọn đường công bố thông điệp ấy cũng vì nó là thông điệp chính yếu của Đức Giêsu. Tất cả mọi lời rao giảng, mọi hoạt động chữa lành, thanh tẩy, hay trừ quỷ đều lấy mầu nhiệm Nước Trời làm trung tâm. Thông điệp Tin Mừng được rao giảng để giúp người ta có thể nhận biết, chọn lựa, và làm mọi sự để được vào Nước Trời. Mọi bệnh tật, tình trạng nô lệ quỷ dữ được giải quyết như là dấu hiệu cho sự hiện diện của Nước Trời. Nếu như người ta thoát khỏi mọi chứng bệnh và tật bệnh thể lý và tâm linh, tình trạng nô lệ quỷ dữ, hay được thỏa mãn mọi cơn đói khát thể lý, nhưng không được vào Nước Trời, thì tất cả đều vô nghĩa. Sứ vụ của các môn đệ được thể hiện rõ nét trong sách Công Vụ Tông Đồ. Họ loan báo thông điệp Tin Mừng, làm những dấu lạ, sống đời sống chứng nhân huynh đệ, tất cả để dẫn người ta đến niềm tin vào Đức Giêsu và hoán cải để được ơn tha thứ và trở thành công dân Nước Trời. Các môn đệ đã lãnh nhận hồng ân đức tin vào Đức Giêsu, món quà năng lực đặc biệt mà Chúa ban để trục xuất quỷ và chữa lành mọi chứng bệnh, thậm chí phục sinh người chết. Họ được mời gọi dấn thân, trao ban cách miễn phí, giúp cho tất cả mọi dân, mọi nước lãnh nhận đức tin và sự sống đời đời.

Lm. Jos. Phạm Duy Thạch, SVD

Chú thích

[1] Các danh xưng riêng được phiên âm theo tiếng Hy Lạp.

[2] C.S. Keener, The Gospel of Matthew. A Socio-Rhetorical Commentary (Grand Rapids – Cambridge 2009) 308.

[3] “The notice that Israel appeared to Jesus as shepherdless sheep harmonizes well with our author’s estimate of the Jewish leadership. The scribes and the Pharisees and the others in positions of power and responsibility have, for Matthew, not performed properly, and they are one of the major causes of the people’s downfall” [W.D. Davies – D.C. Allison, A critical and exegetical commentary on the Gospel according to Saint Matthew (ICC; London – New York 2004) II, 148].

[4] W.D. Davies – D.C. Allison, Matthew, 147-148.

[5] W.D. Davies – D.C. Allison, Matthew, 149.

[6] This figure clearly is God. But by preparing his twelve apostles to share in the mission of preparation Jesus acts as the representative of God (D.J. Harrington, The Gospel of Matthew (SP 1; Collegeville 1991) 136.

[7] “Because the disciples of 9:37 are most naturally identified with the twelve (see 10:1–4), the ‘workers’ (ἐργάτας; cf. 10:10) are probably, in Matthew’s mind, to be identified with the missionaries of the post-Easter period. If so, their existence is clearly an answer to prayer. Which is to say: not only is the post-Easter mission grounded in the activities of Jesus and the twelve, it is also grounded in the prayer request of Christ the Lord” (W.D. Davies – D.C. Allison, Matthew, 149-150).

[8] From 4:23 on the evangelist wants Jesus alone to be in the spotlight. Only after reciting Jesus’ words and deeds (chapters 5–9) do the disciples really come into the picture. This is because Jesus and the disciples are two different subjects, and Matthew, with his proclivity for thematic as opposed to historical and chronological thinking, wants to handle one theme at a time. So Jesus, the model, comes first. The disciples, the followers, come second (W.D. Davies – D.C. Allison, Matthew, 151).

[9] “Although verbs do not always recall their cognate nouns (the noun does not appear in the Septuagint), the language used here for “sending” probably connotes commissioning agents with delegated authority (in recent studies, e.g., Witherington 1990: 133–35; Davies and Allison 1991: 153; Hagner 1993: 265; cf. Mt 2:16)” (C.S. Keener, The Gospel of Matthew, 313).

[10] D.A. Hagner, Matthew 1-13 (WBC; Dallas 2002) 33A, 265.

[11] The terminology reflects the cultural viewpoint of the Jewish people; anyone possessed by evil spirits was considered unclean and was then excluded from the social and religious life of the community. In many cultures, especially where religious concepts of “clean” and “unclean” do not play a major role, the nearest equivalent is “evil spirits” [B.M. Newman – P.C. Stine, A Handbook on the Gospel of Matthew (UBS; New York 1992) 283].

[12] C.S. Keener, The Gospel of Matthew, 315.

[13] D.J. Harrington, The Gospel of Matthew, 140.

[14] C.S. Keener, The Gospel of Matthew, 315.

[15] W.D. Davies – D.C. Allison, Matthew, 171

[16] D.J. Harrington, The Gospel of Matthew 140.

[17] D.A. Hagner, Matthew 1-13 (WBC; Dallas 2002) 33A, 272.

Bài trướcLỜI SỐNG (Thứ Bảy, Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ)
Bài tiếp theoLời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật, tuần 11 Thường Niên – Năm A