Lời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật 33 Thường Niên – Năm B

0
1252

Bài Ðọc I: Ðn 12, 1-3

“Khi ấy dân ngươi sẽ được cứu thoát”.

Trích sách Tiên tri Ðaniel.

Khi ấy, tổng lãnh sứ thần Micae sẽ chỗi dậy can thiệp cho con cái dân ngươi, đó sẽ là thời kỳ khốn khổ chưa từng xảy đến từ khi có các dân tộc cho tới bây giờ. Trong thời kỳ ấy dân ngươi, hễ ai đã có ghi tên trong sách, sẽ được cứu thoát.

Nhiều kẻ an giấc trong bụi đất sẽ chỗi dậy; có người sẽ được hưởng phúc trường sinh, có kẻ phải tủi nhục muôn đời.

Những người thông minh sẽ sáng chói như ánh sáng vòm trời, và những kẻ khuyên dạy sự công chính cho nhiều người, sẽ nên như các vì tinh tú tồn tại muôn ngàn đời.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 15, 5 và 8. 9-10. 11

Ðáp: Xin bảo toàn con, lạy Chúa, vì con tìm nương tựa Chúa (c. 1).

Xướng: 1) Chúa là phần gia nghiệp và phần chén của con, chính Người nắm giữ vận mạng của con. Con luôn luôn đặt Chúa ở trước mặt con, vì Chúa ngự bên hữu con, con sẽ không nao núng. – Ðáp.

2) Bởi thế lòng con vui mừng và linh hồn con hoan hỉ, ngay cả đến xác thịt của con cũng nằm nghỉ an toàn, vì Chúa chẳng bỏ rơi linh hồn con trong âm phủ, cũng không để thánh nhân của Người thấy điều hư nát. – Ðáp.

3) Chúa sẽ chỉ cho con biết đường lối trường sinh: sự no đầy hoan hỉ ở trước thiên nhan, sự khoái lạc bên tay hữu Chúa tới muôn muôn đời! – Ðáp.

Bài Ðọc II: Dt 10, 11-14. 18

“Người đã làm cho những kẻ được thánh hoá nên hoàn hảo đến muôn đời”.

Trích thư gửi tín hữu Do-thái.

Trong khi mọi tư tế hằng ngày đứng gần bàn thờ chu toàn chức vụ mình và hiến dâng cũng ngần ấy của lễ nhiều lần, nhưng không bao giờ xoá được tội lỗi, còn Người khi dâng xong của lễ duy nhất đền tội, đã ngự bên hữu Thiên Chúa đến muôn đời, và từ đây, Người chờ đợi cho đến khi thù địch bị đặt làm bệ dưới chân Người. Vì chưng, nhờ việc hiến dâng duy nhất mà Người đã làm cho những kẻ được thánh hoá nên hoàn hảo đến muôn đời. Vậy nơi nào tội lỗi được thứ tha, thì không còn việc dâng của lễ đền tội nữa.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Kh 2, 10c

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Ngươi hãy giữ lòng trung thành cho đến chết, thì Ta sẽ ban cho ngươi triều thiên sự sống”. – Alleluia.

Phúc Âm: Mc 13, 24-32

“Người sẽ quy tụ những người được tuyển chọn từ khắp bốn phương trời”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Trong những ngày ấy, sau cảnh khốn cực, mặt trời sẽ ra tối tăm, mặt trăng sẽ mất sáng, các ngôi sao sẽ từ trời rơi xuống và các sức mạnh trên trời sẽ bị lay chuyển. Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người ngự đến trên đám mây với đầy quyền năng và vinh quang. Và bấy giờ Người sẽ sai các thiên thần của Người đi quy tụ những kẻ đã được tuyển chọn từ khắp bốn phương, từ chân trời cho đến cùng kiệt trái đất. Nhìn vào cây vả, các con hãy tìm hiểu dụ ngôn này. Khi nó đâm chồi nảy lộc, các con biết rằng mùa hè gần đến. Cũng vậy, khi các con nhìn thấy tất cả những điều đó xảy ra, thì các con hãy biết là Người đã tới gần ngoài cửa rồi. Thầy bảo thật các con: Thế hệ này sẽ chẳng qua đi trước khi mọi sự đó xảy đến. Trời đất sẽ qua đi, nhưng lời Thầy nói sẽ chẳng qua đi.

“Còn về ngày đó hay giờ đó, thì không một ai biết được, dù các thiên thần trên trời, dù Con Người cũng chẳng biết, chỉ có mình Cha biết thôi”.

Ðó là lời Chúa.


 

Bài giảng chủ đề:

TỈNH THỨC VÀ SẴN SÀNG

✍️ Lm. Giuse Nguyễn Quốc Đại, SVD

Hôm nay là Chúa Nhật XXXIII thường niên năm B, phụng vụ Lời Chúa được xem như là Chúa Nhật cuối cùng của năm phụng vụ, nên Giáo Hội muốn hướng tâm trí chúng ta về ngày cánh chung, ngày chấm dứt lịch sử nhân loại. Do đó, tâm tình và thái độ sống của chúng ta trước ngày ấy đến là “tỉnh thức và sẵn sàng”.

Trong bài đọc I, trích sách ngôn sứ Đanien, với niềm tin vào Thiên Chúa là niềm hy vọng viên mãn, ngôn sứ Đanien đã có thị kiến về ngày thế mạt: Trong số những kẻ an nghỉ trong bụi đất, nhiều người sẽ trỗi dậy: người thì để hưởng phúc trường sinh, kẻ thì để chịu ô nhục và bị ghê tởm muôn đời (Đn 12,2).

Và trong bài Tin Mừng ngày hôm nay, thánh sử Máccô cho chúng ta cái nhìn bao quát về những điềm lạ trong ngày tận thế. Quả thực, tất cả chúng ta đều nhìn nhận rằng: bất cứ cái gì ở trần gian này, nếu đã có lúc khởi đầu thì chắc chắn sẽ có thời chấm dứt.

Theo Kinh Thánh, trái đất này sẽ qua đi, nghĩa là thế giới vật chất này sẽ tan biến đi để nhường chỗ cho một thế giới mới. Và khi thế giới vật chất chúng ta đang sống chấm dứt là lúc Chúa Giêsu trở lại tập hợp toàn thể loài người và toàn thể vũ trụ, để mọi người và mọi sự được hoàn tất trong Ngài.

Ngày Chúa Giêsu quang lâm hay ngày phán xét chung thẩm đã được chính Chúa Giêsu tiên báo nhiều lần. Ngày đó được mô tả như ngày đổ vỡ của thế giới vật chất. Tuy nhiên, không một ai trên thế gian này có thể biết được ngày nào hoặc giờ nào sẽ xảy ra. Ngày đó sẽ xảy đến bất ngờ, nhưng chỉ có Thiên Chúa biết mà thôi.

Vì thế, chúng ta hãy luôn luôn tỉnh thức chuẩn bị để đón chờ giây phút tận cùng đó. Nó sẽ đến khi chúng ta không ngờ. Nó sẽ đến cách bất chợt mà chúng ta chỉ có một ít thời gian hoặc là không có thời gian để chuẩn bị. Vì thế, chúng ta hãy luôn luôn sẵn sàng. Như Chúa Giêsu đã nhắc nhở các môn đệ Ngài trước khi Ngài rời bỏ thế gian mà về với Chúa Cha, rằng cuộc sống ngắn ngủi ở thế gian này chỉ là một sự chuẩn bị cho cuộc sống vĩnh cửu sau này. Vì thế, chúng ta không nên chỉ biết bám vào cuộc sống thế gian này mà đánh mất đi cảm thức về cuộc sống mai sau.

Chúng ta biết rằng, cái chết của chúng ta sẽ là bắt đầu cho một đời sống khác, đó là một đời sống vĩnh cửu. Điều đặc biệt là đời sống mai hậu ấy nếu hạnh phúc thì là hạnh phúc vĩnh cửu, và nếu đau khổ thì cũng là đau khổ vĩnh cửu. Mà hạnh phúc hay đau khổ trong đời sống ấy hoàn toàn tùy thuộc vào cách ta sống, cách ta thể hiện niềm tin, cách ta hành động ở hiện tại. Do đó, là người Kitô hữu, chúng ta phải luôn tỉnh thức để sẵn sàng đón Chúa đến (x. Mc 13,33; Lc 21,36).

Trong niềm tin vào cái chết của mỗi cá nhân, chúng ta cũng tin rằng thế giới này cũng có những ngày tận cùng. Tuy nhiên, những ngày tận cùng đó sẽ có những dấu hiệu báo trước như: động đất, mất mùa, đói kém, lũ lụt, … trên trời thì mặt trời mặt trăng mất sáng, tinh tú sa xuống, “các quyền lực trên trời bị lay chuyển”… nhân tâm thì điên đảo, chiến tranh và bạo lực lan tràn, các ngôn sứ giả xuất hiện, … Hiện nay, chúng ta thấy những hiện tượng ấy đang xẩy ra ngày càng trở nên rõ rệt, quy mô, có hệ thống và ngày càng khốc liệt. Điều đó cho thấy ngày tận cùng của thế giới đã gần kề.

Hơn thế nữa, thế giới chúng ta đang sống hiện tại là thế giới của bóng tối, của tội lỗi, đầy dẫy những bất công, những thử thách, những ngang trái, những cám dỗ, những hư hỏng, không thiếu các thiên tai, chiến tranh, bạo lực, … như Đức Hồng Y André Vingt-Trois nói, một thế giới có nhiều kẻ mượn danh tôn giáo để che đậy hành động giết hại dân lành vô tội, những kẻ nhân danh thần chết để gieo tang tóc, kinh hoàng cho bao người. Phải chăng đó là dấu hiệu của ngày tận thế?

Chúa Giêsu xác nhận sẽ có ngày tận thế, nhưng không phải để tan biến thành hư vô. Sẽ có những dấu hiệu làm nhiều người hoang mang sợ hãi, nhưng đối với các tín hữu, đó là dấu hiệu vui mừng vì mình sắp được cứu độ. Chúa mời gọi chúng ta: “Các con cũng phải sẵn sàng: vì giờ nào các con không ngờ, thì Con Người sẽ đến” (Lc 12,40).

Tuy nhiên, là người Kitô hữu chúng ta sống chờ đợi Chúa lại đến không phải bằng thái độ thụ động, nhưng bằng thái độ tích cực. Như thánh Phaolô đã khuyên nhủ các tín hữu Thessalônica: “Anh em không ở trong bóng tối, để ngày ấy như kẻ trộm bắt chợt anh em. Vì tất cả anh em là con cái ánh sáng, là con cái của ban ngày. Chúng ta không thuộc về đêm, cũng không thuộc về bóng tối. Vậy chúng ta đừng ngủ mê như những người khác, nhưng hãy tỉnh thức và sống tiết độ, hãy mặc áo giáp là đức tin và đức mến, hãy đội mũ chiến là niềm hy vọng ơn cứu độ” (1Tx 5,4-8).

Chúng ta sống đức tin, đức cậy, đức mến, trong khi chờ đợi Chúa đến, không có nghĩa là chúng ta bỏ quên sự dấn thân của mình. Như vậy, mỗi người chúng ta cần phải luôn tỉnh thức với thái độ tích cực, đồng thời nỗ lực góp phần xây dựng xã hội ngày càng tốt đẹp hơn. Trong ngày phán xét cuối cùng, điều cốt yếu mà Thiên Chúa phán xét chúng ta chính là tình yêu của chúng ta đối với tha nhân và những việc ta làm để thể hiện tình yêu ấy (x. Mt 25,31-46).

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết cộng tác với Chúa xây dựng một thế giới yêu thương và công bằng, vui tươi và hạnh phúc, để ngày Chúa đến thực là một ngày vui trọn vẹn cho mọi người và cho cả vũ trụ. Xin nuôi dưỡng nơi chúng con niềm tin vững vàng và niềm hy vọng nồng cháy, để tất cả những gì chúng con làm đều nhằm chuẩn bị cho ngày Chúa trở lại. Amen.


 

MONG MANH PHẬN NGƯỜI 

✍️ Lm. Phêrô Trần Quốc Tuấn, SVD

Trong các tuần cuối năm phụng vụ, Giáo Hội thường cho chúng ta lắng nghe và suy niệm những đoạn Lời Chúa dạy về những sự sau hết của đời người, của vũ trụ. Vì cuối năm là lúc thuận tiện nhất để mỗi người chúng ta suy ngẫm về ý nghĩa của đời mình, nhìn lại những gì đã qua. Điều đáng suy hơn cả là sự mong manh và giới hạn của thế giới, của phận người, để qua đó giúp chúng ta, những kẻ tin, nhận ra sự vĩnh cửu của Thiên Chúa và đặt trọn niềm tín thác vào Ngài.

Nói về sự mong manh, giới hạn của đời người, của vũ trụ, sách Giảng Viên chương 3 có mấy câu tựa như thơ đầy tính đối kháng, thật đáng cho mỗi người chúng ta suy ngẫm:

“Ở dưới bầu trời này, mọi sự đều có lúc, mọi việc đều có thời:

một thời để chào đời, một thời để lìa thế;

một thời để trồng cây, một thời để nhổ cây;

một thời để giữ lại, một thời để vất đi;…” (Gv 3, 1-8)

Thật vậy, mỗi người chúng ta đều biết mỗi việc có thời hạn của nó. Dường như có thời thuận lợi cho từng sự việc, nhưng khổ là chúng ta lại không biết được khi nào thời đó tới và Thiên Chúa đã quy định thời đó theo những tiêu chuẩn nào (tôi không thể biết lúc nào tôi chết…). Do vậy, con người chúng ta hoàn toàn bị động về “thời gian”.

Vâng, thế giới này trước sau rồi cũng sẽ qua đi và sẽ được thay thế bằng thế giới vĩnh cửu. Một thế giới mà Thánh Kinh gọi là “trời mới đất mới” (Kh 21,1).

Khi nói rằng: trời đất này, lịch sử này một ngày kia nó sẽ chấm dứt. Điều này xem ra có vẻ xa xôi, khó chấp nhận. Bởi vì, trong lúc cuộc sống con người đang diễn ra với bao nhiêu dự tính cho một tương lai tươi sáng: văn minh hơn, hiện đại hơn, tiện nghi hơn… mà lại nhắc đến chuyện lịch sử mong manh, thế giới có ngần có hạn thì xem ra có vẻ viển vông, lạc điệu, là không tưởng.

Nhưng đó lại là sự thật, một sự thật xem ra phũ phàng nhưng không thể tránh khỏi. Chúng ta thử nghiệm xem trên đời này, ngoài Lời Hằng Sống của Thiên Chúa, có gì mà lại không qua đi? Cuộc sống của chúng ta hẳn là không bất tử. Những của cải vật chất, tiện nghi do công khó chúng ta làm ra đến ngày kia nó chẳng thể theo chúng ta được nữa. Xuống cấp, tiêu hao, suy tàn là số phận và bản chất của sự vật. Thân xác chúng ta cũng chung số phận đó. Tất cả sẽ có hồi kết của nó.

Nói như vậy không phải để chúng ta bi quan, thụ động hay quay lưng lại với cuộc sống, sống vội, hay sống bất cần đời. Lẩn trốn cuộc đời hẳn là không đúng với tinh thần của Tin Mừng. Bởi vì, nếu cuộc đời này là đáng khinh thì Chúa Giêsu đã không sinh làm người, không nhập thế, không đổ máu mình ra để chuộc lấy nó. Nhưng Ngài muốn dạy cho chúng ta biết và nhớ rằng: cuộc đời này, thế giới hiện tại này dầu sao cũng chỉ tương đối. Tương đối vì nó chỉ là con đường, chứ chưa phải là đích điểm. Mà đã là con đường thì nó phải dẫn tới một đích điểm, một thế giới mới mà Chúa Giêsu đã hứa. Đó mới là nơi chúng ta sẽ dừng chân để an nghỉ, nơi Thiên Chúa đang đợi mỗi người chúng ta và toàn thể nhân loại đang những ngông ngóng đợi chờ.

Thế nhưng lắm lúc trong đời sống đức tin, chúng ta dễ rơi vào cơn cám dỗ của sự nghi ngờ, nghi ngờ rằng có chắc là Chúa đang đợi ta không? Có chắc ở cuối cuộc hành trình gian khó kia ta sẽ gặp Chúa không?

Chắc chắn cuộc gặp gỡ này sẽ diễn ra. Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã khẳng định điều này cách mạnh mẽ: “Trời đất sẽ qua đi, nhưng lời Ta nói sẽ chẳng qua đâu” (Mc 13,31).

Đó là chân lý và cũng là niềm hy vọng cuối cùng của những người tin. Mọi cái sẽ lần lượt qua đi, chẳng còn gì, kể cả mỗi người chúng ta, con cháu chúng ta và mọi thế hệ tiếp theo. Mỗi người sớm muộn cũng theo lượt của mình. Sau cùng chỉ còn Thiên Chúa vĩnh cửu, chỉ còn tình yêu thương vô tận và ơn cứu độ của Ngài; chỉ còn những ai trong suốt cuộc đời đã tin vào Ngài, đi theo Ngài và yêu mến Ngài; chỉ còn những gì chúng ta đã làm vì Chúa và vì tha nhân.

Vì thế, trong cuộc chiến cơm – áo – gạo – tiền đầy gian nan này, chúng ta phải không ngừng hướng về Chúa, mà thiết tha cầu khẩn: “Xin Chúa mở lòng nhân hậu mà hướng dẫn chúng con, để khi biết cách dùng những của cải chóng qua đời này, chúng con đã gắn bó với của cải muôn đời tồn tại”. (x. Lời nguyện CN XVII)

Nếu suốt cuộc đời này, chúng ta quyết tâm sống như thế thì ngày tận thế không phải để sợ hãi, nhưng để vui mừng đứng vào hàng ngũ những người được Thiên Chúa tuyển chọn khi Đức Kitô quang lâm. Ngày Chúa đến sẽ là niềm vui và hạnh phúc bất tận cho ta.

Vậy, chúng ta đừng quá lo âu, quá bận tâm về lúc nào Chúa Kitô sẽ quang lâm, nhưng hãy sống tỉnh thức trước những thay đổi, những biến chuyển trong cuộc sống, trong vũ trụ để nhận ra Ngài. Và khi Ngài đến, chúng ta thấy mình được ở trong số “những kẻ được Ngài tuyển chọn.”

 

Bài trướcChú Giải Tin Mừng Chúa Nhật XXXIII Thường Niên, Năm B (Mc 13,24-32)
Bài tiếp theoHÃY LÀ NHỮNG NHÀ TRUYỀN GIÁO HIỆP HÀNH

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.