Hãy đến những vùng ngoại biên – Madagascar

0
129

(Cảm nghiệm về hành trình thực tập mục vụ OTP/CTP tại đất nước Madagascar)

✍️ Tu sĩ Giuse Nguyễn Đình Trường
– Học Viện Ngôi Lời Sài Gòn

 

Lời mời gọi “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ mà loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo” (Mc 16,15) vẫn luôn âm vang trong lòng Giáo Hội và cách riêng nơi những người muốn dấn thân bước theo Đức Kitô trong đời sống dân hiến. Đó là sứ vụ mà Đức Kitô đã giao phó cho hết thảy mọi Kitô hữu. Cách riêng, đối với tu sĩ Dòng Truyền Giáo Ngôi Lời, lời mời gọi của Thầy Chí Thánh Giêsu như là cội nguồn của sứ vụ, điều mà Cha thánh Arnold Janssen luôn say mê suy ngẫm và thao thức: “Rao giảng Tin Mừng là hành động yêu thương đồng loại trước nhất và cao cả nhất”. Lời mời gọi của Đức Giêsu được cụ thể hoá trong thời đại hôm nay ngang qua lời mời gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô trong Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng (Evangelii Gaudium, EG):“Hãy đến những vùng ngoại biên”. Lời mời gọi này  trở thành kim chỉ nam định hướng cho đời sống sứ vụ truyền giáo của Giáo Hội hoàn vũ.

Nhìn lại hành trình mục vụ thực tập truyền giáo (OTP) tại đảo quốc Madagascar, tôi cảm nhận được rõ hơn về sứ vụ của Hội Dòng cùng với thao thức đáp lại lời mời gọi của Đức Thánh Cha. Một hành trình rời bỏ “những vùng an toàn” của bản thân để đến với những vùng ngoại biên, để gặp gỡ anh chị em và để thấy được sức sống của Tin Mừng nơi lòng dân tộc Madagascar.

  1. Tôi đã đi đến những vùng ngoại biên

Việc giới thiệu đôi nét về đất nước Madagascar sẽ là một sự cần thiết để có một cái nhìn tổng quan về con người và sứ vụ nơi đây.

Photo: Britannica.com

Madagascar là một đảo quốc nằm trên Ấn Độ Dương, ngoài bờ biển Đông nam của đại lục châu Phi. Dân số khoảng hơn 28 triệu, sinh sống trên diện tích rộng lớn hơn 592,000 km2, trong đó nước chỉ chiếm chưa đến 1% diện tích Madagascar. Một sự mô tả như vậy để cho thấy rằng nước là một trong những vấn nạn lớn của người dân của đảo quốc này. Việc thiếu nước kéo theo vấn nạn về điện lưới. Quả thật, chỉ 20% dân số tiếp cận điện lưới quốc gia và hơn 47% dân số không có nước sạch để sinh hoạt. Việc chỉ có khoảng 40% dân sống ở thành thị và xấp xỉ 76,6% dân số sống dưới ngưỡng nghèo quốc gia (khoảng1 USD/ngày) cho thấy tình trạng kém phát triển của đất nước này. Đó là những con số được thống kê bởi các trang mạng cũng như bởi các nhà nghiên cứu xã hội. Tuy nhiên, chỉ khi đặt chân đến và sống trên mảnh đất này, người ta mới thật sự cảm nhận được những khó khăn của người dân nơi đây, điều mà những con số không thể nào diễn tả hết được.

Tiếng Malagache và tiếng Pháp là hai ngôn ngữ chính của đất nước Madagascar. Dẫu rằng, trong thực tế, chỉ một số ít người dân ở thành thị sử dụng được thành thạo Pháp ngữ (75-85% người dân Madagascar chỉ có trình độ tiếng Pháp hạn chế, đặc biệt là người dân ở miền quê). Việc học hai ngôn ngữ song song là một phần quan trọng trong chương trình OTP nói riêng, cũng như cho các nhà truyền giáo ngoại quốc làm việc ở Madagascar nói chung. Việc học ngôn ngữ càng trở nên cần thiết khi đặt trong khung cảnh của mục vụ trường học, một phần không thể thiếu trong công việc mục vụ giáo xứ. Các trường công, do sự thiếu đầu tư dẫn đến tình trạng thiếu cơ sở vật chất, thiếu đội ngũ giáo viên, cả về số lượng lẫn chất lượng. Trẻ em không được tới lớp trở thành vấn nạn lớn, nhất là ở các vùng quê. Nhận thấy được sự cấp bách của nhu cầu giáo dục, các nhà truyền giáo tại Madagascar đã không ngừng xây dựng các trường học trong khuôn viên giáo xứ. Nhờ đó, việc tìm kiếm tri thức luôn gắn liền với bầu khí giáo dục Kitô giáo. Giáo dục trở thành một mối quan tâm lớn của các nữ tu, các vị mục tử tại Madagascar. Một thoáng nhìn về đất nước Madagascar gợi mở lên những hướng mục vụ và cả những thách thức cho những người dấn thân sứ vụ nơi đây.

Hành trình gần 2 năm trải nghiệm cuộc sống và sứ vụ tại Madagascar cho tôi thật nhiều những cảm nghiệm và cả những bài học quý giá cho hành trình sứ vụ của mình. Sau hành trình một năm học tiếng Pháp cũng như tiếng bản địa, tôi bắt đầu sứ vụ tại một miền truyền giáo cách thành phố Mananjary 60 km. Vùng đất được xem là “miền đất hứa” dành cho những nhà truyền giáo trẻ của Dòng Ngôi Lời tại đất nước Madagascar. “Miền đất hứa” bởi lẽ, đa phần các nhà truyền giáo mới đến làm việc Madagascar sẽ được “hứa” cho làm việc ở đây. Vùng đất ấy mang tên là Vohilava. Trong tiếng bản địa, Vohilava được ghép bởi hai từ “Vohitra” nghĩa là đồi núi uốn lượn quanh co, và “lava” nghĩa là dài. Việc cắt nghĩa từ ngữ phần nào cho thấy được địa hình và đặc điểm địa lý nơi đây. Vohilava được xem là vùng ngoại biên của giáo phận Mananjary bởi lẽ, nó nằm sâu trong rừng và cách xa thành phố. Người dân phải băng qua một chặng đường dài 60 km (35 km đường đi bộ và 25 km bằng xe bus) để có thể từ Vohilava về thành phố Mananjary. Vohilava còn là một vùng đất rộng lớn. Tại đây, hơn 25 năm trước, Miền Dòng Madagascar (thuộc Dòng Ngôi Lời) đã thành lập được một vùng truyền giáo mà nay đã có hơn 70 giáo điểm. Tháng 08.2023, một vùng truyền giáo mới mang tên Ambohihaonana, được tách ra từ Vohilava, sau đó được Đức Giám mục giáo phận Mananjary trao cho quý tu sĩ Dòng Ngôi Lời (SVD), và tôi được sai đến để thực tập mục vụ tại vùng đất mới này.

Xét về mặt địa lý, đặc điểm kinh tế – xã hội, vùng đất nơi tôi làm việc không khác gì so với vùng đất mẹ Vohilava. Việc nằm sâu trong rừng và không có những phương tiện lưu thông đều đặn khiến cho cuộc sống của người dân nơi đây gặp nhiều khó khăn. Thiếu nước sạch, điện lưới, thiếu trường học, cơ sở y tế; đường xá đi lại còn khó khăn,… là tình trạng chung của các làng mạc ở miền quê Madagascar và Ambohinihaonana. Nơi tôi thực tập mục vụ, vì thế,  cũng không ngoại lệ. Những chiếc xe chở hàng hay những người vận chuyển đường bộ phải mất cả 2 ngày để vận chuyển hàng hoá từ thành phố vào trong các làng mạc khiến cho vật giá tăng cao. Việc nhập khẩu gần như mọi thứ nhu yếu phẩm làm cho giá thành luôn ở ngưỡng cao so với mức thu nhập của người dân, nay lại càng tăng cao do chi phí lớn cho việc vận chuyện. Điều đó càng chất thêm gánh nặng cho đời sống của người dân nơi đây. Một vài điểm nét như trên cho thấy lý do Vohilava – Ambohihaonana được xem là một vùng ngoại biên, “miền đất hứa” của những nhà truyền giáo SVD. Được làm việc ở đây, trước hết, tôi cảm nhận mình đã thực sự đặt chân đến một vùng ngoại biên, xét theo khía cạnh địa lý.

  1. Rời khỏi những vùng an toàn của bản thân

Lời mời gọi của Đức Thánh Cha, “Hãy đến những vùng ngoại biên”, đâu chỉ dừng lại ở việc hiểu theo khía cạnh địa lý. Những lời kế tiếp của Ngài trong Tông huấn giúp làm sáng tỏ: “Tôi thích một Hội Thánh bị bầm dập, mang thương tích và lem luốc vì đi ra ngoài đường, hơn là một Hội Thánh ốm yếu vì bị giam hãm và bám víu vào sự an toàn của mình. Tôi không muốn một Hội Thánh chỉ lo đặt mình vào trung tâm…” (EG, số 49). Và Ngài mời gọi mỗi người “hãy can đảm rời khỏi những vùng an toàn của bản thân…”. Quả vậy, việc đi đến những vùng xa xôi, khó khăn mời gọi các nhà truyền giáo tiến xa hơn trong tinh thần và sứ vụ. Đó phải là một sự dấn thân thực sự chứ không phải chỉ là một sự hiện diện đơn thuần hay để “check in” nơi chốn. Đó quả là một thách đố thực sự đối với những tu sĩ truyền giáo. Chuyến đi đầu tiên từ thành phố Mananjary đến với giáo xứ Ambohihaonana đã dự báo về một hành trình đầy thách đố, hành trình đi đến với những vùng ngoại biên.

Công việc mục vụ của tôi tại đây chủ yếu là những chuyến thăm viếng mục vụ dài ngày. Giáo xứ của tôi có 24 giáo điểm, chia làm 2 cụm. Thông thường, những chuyến đi thăm viếng mục vụ diễn ra hàng tháng và kéo dài 12-14 ngày, tuỳ vào cụm giáo điểm. Trong chuyến thăm, tôi sẽ đến, lưu lại tại mỗi giáo điểm một ngày để chia sẻ cuộc sống với giáo dân và cử hành Lời Chúa cho họ. Những hành trình thăm viếng mục vụ cho tôi cảm nghiệm rõ ràng hơn lời ước mong của Đức Thánh Cha Phanxicô về “một Hội Thánh bị bầm dập, mang thương tích và lem luốc vì đi ra ngoài đường, hơn là một Hội Thánh bám víu vào sự an toàn của mình”.

Tôi vẫn còn nhớ chuyến đi thăm viếng đầu tiên. Lần đó, hành trình kéo dài 12 ngày. Tôi rời giáo xứ vào lúc 3h30 sáng để tới giáo điểm đầu tiên, cách giáo xứ 27km. Hành trình băng qua những con suối, những cánh rừng và đường đèo khiến tôi thấm mệt, nhất là việc thiếu nước uống. Không có bất cứ quán xa nào trên suốt đường đi. Mà cũng đúng thôi, bởi lẽ, đường đèo băng qua những cánh rừng thì lấy đâu ra quán xá. Tôi thiếp ngủ đi vì mệt sau gần 1 nửa chặng đường. Tôi tiếp tục hành trình và cũng đến được giáo điểm vào lúc 13h chiều. Tôi đã mất gần 10 tiếng đồng hồ đi bộ 27 km, trong khi, cũng quãng đường ấy, người bản địa chỉ mất khoảng 5 tiếng đi bộ mà thôi! Chuyến đi thăm viếng đầu tiên mang đến cho tôi nhiều sự bỡ ngỡ, dẫn đến việc chưa chuẩn bị tinh thần, nước uống cho hành trình dài đi bộ. Dĩ nhiên, những chuyến đi kế tiếp dần trở nên dễ dàng hơn. Tôi thường đến các giáo điểm vào khoảng tầm buổi trưa. Sau bữa ăn trưa, tôi thường tranh thủ đi thăm viếng những người đau ốm bệnh tật trong giáo điểm. Hành trình ấy đòi hỏi tôi phải sẵn sàng gặp gỡ những con người đang cần đến sự quan tâm, nhất là lời cầu nguyện. Tôi đối diện một sự giằng co nảy sinh nơi tâm hồn tôi. Một đàng, tôi cảm thấy mệt mỏi sau chuyến đi và chỉ muốn nghỉ ngơi để chuẩn bị cử hành Lời Chúa vào buổi chiều; đàng khác là sự thôi thúc đi thăm viếng giáo dân. Quả là không dễ dàng để rời khỏi “vùng an toàn” của bản thân. Tôi đã đến vùng ngoại biên nhưng vẫn chưa sẵn sàng “rời khỏi những vùng an toàn của bản thân”. Tôi chưa đủ can đảm để hoà mình vào nhịp sống của người dân nơi các buôn làng, chưa sẵn sàng để chia sẻ những đau khổ với những người đau khổ, bệnh tật. Sự thiếu thốn nơi các buôn làng: nước sạch, nơi ăn chốn ở… cùng với những chuyến đi bộ làm tôi lắm lúc muốn quay về giáo xứ, vùng an toàn và dễ chịu cho mình. Ý nghĩ như vậy đã đôi lần xuất hiện trong tâm trí tôi trên những chặng đường đi bộ để thăm viếng mục vụ. Đó quả là một thách đố thực sự.

Thế nhưng, làm sao người môn đệ của Đức Giêsu có thể co cụm trong những vùng an toàn được? “Một con tim truyền giáo ý thức về những giới hạn này và làm cho mình trở nên “yếu với người yếu… mọi sự cho mọi người” (1Cr 9,22). Nó không bao giờ đóng kín mình, không bao giờ lui về nơi an toàn của mình, không bao giờ chọn thái độ cố chấp hay tự vệ. Nó hiểu rằng nó phải gia tăng sự hiểu biết của mình về Tin Mừng và nhận ra các đường lối của Thần Khí, vì vậy nó luôn luôn làm bất cứ điều tốt lành nào có thể, dù trên đường đi, chân nó có thể bị lấm bùn” (EG, số 45). Thiên Chúa đã mời gọi và Ngài đã phán: “Ơn Ta đủ cho con” (2Cr 12, 9). Lời hứa mà Chúa dành cho thánh Phaolô khi lãnh nhận sứ vụ tông đồ dân ngoại xưa cũng dành cho tôi hôm nay. Đến với vùng ngoại biên là một thách đố nhưng cũng là một cơ hội giúp tôi tìm thấy ý nghĩa và những cảm nghiệm quý báu cho hành trình theo Đức Giêsu. Mỗi chuyến thăm mục vụ giúp tôi lớn lên thật nhiều trong đời sống đức tin và ơn gọi. Tôi không quên được hình ảnh những người giáo dân ở xa quy tụ về giáo điểm để tham dự cử hành Lời Chúa. Họ khao khát được lắng nghe Lời Chúa và được rước Mình Máu Thánh Chúa. Họ đến tham dự cử hành với lòng hân hoan. Điều đó làm tôi cảm thấy động lực to lớn cho những chuyến đi của mình. Bởi lẽ, nhờ những chuyến đi như vậy, tôi được mang Thánh Thể đến cho những con người đang khao khát Chúa. Những người vì lý do địa lý không thể tham dự Thánh Lễ tại trung tâm giáo xứ mỗi ngày được. Trong những cử hành Lời Chúa cũng như thăm viếng người đau ốm bệnh tật, tôi có cơ hội để chia sẻ Tin Mừng cho những người giáo dân. Tôi nỗ lực chuẩn bị chu đáo và can đảm chia sẻ bằng tiếng bản địa. Điều đó mang đến niềm vui cho những người tham dự cử hành. Niềm vui ấy không đến từ khả năng sử dụng ngôn ngữ bản địa cho bằng việc người giáo dân hân hoan vì những người tu sĩ trẻ đã dám bước ra khỏi “vùng an toàn” của tiếng mẹ đẻ để sử dụng ngôn ngữ của họ. Điều này làm tôi liên tưởng đến niềm vui của những người đầu tiên đã nghe các Tông Đồ giảng dạy trong ngày lễ ngũ tuần. Họ kinh ngạc nghe các Tông Đồ giảng “bằng tiếng mẹ đẻ của họ” (Cv 2,6). Niềm vui này là một dấu chỉ rằng Tin Mừng đã được công bố và đang sinh hoa kết quả. Đó là động lực để ra đi và trao ban, ra khỏi chính mình và không ngừng dấn bước đi gieo hạt giống tốt (x. EG, số 21).

Cũng trong những chuyến đi mục vụ, việc thăm viếng, đọc kinh cho những người đau ốm bệnh tật giúp tôi có cơ hội lắng nghe những câu chuyện cuộc đời. Họ dạy cho tôi bài học về đức tin và lòng tín thác. Những người dân nơi các buôn làng xa xôi chỉ được nghe và giải thích Lời Chúa cũng như học giáo lý qua những vị giáo lý viên “không qua nhiều trường lớp” trong chính ngôi làng đó. Thế mà, đức tin và lòng mến của họ sao lại mạnh đến thế? Quả thật, việc Chúa làm ôi thật kỳ diệu xiết bao. Đức tin luôn được triển nở trong lòng người tín hữu như dụ ngôn của Đức Giêsu: “Nước Thiên Chúa giống như người kia đã gieo hạt xuống đất: người đó ngủ hay thức, đêm hay ngày, hạt giống cứ đâm mầm và mọc lên thế nào người đó cũng không hay biết nữa” (Mc 4,26). Người tu sĩ truyền giáo được mời gọi can đảm ra đi khỏi “những vùng an toàn của bản thân” để gieo Lời nơi những vùng ngoại biên và chính Thiên Chúa sẽ làm cho Lời lớn lên và trổ sinh nhiều hoa trái.

Tạm kết

Nhìn lại hành trình thực tập mục vụ tại giáo xứ Ambohinihaonana, cách riêng là qua những chuyến đi thăm viếng mục vụ, tôi cảm nhận được việc “rời khỏi những vùng an toàn của bản thân” để đi đến những vùng ngoại biên thật lắm thách đố. Bởi lẽ, tôi vẫn còn thích tìm kiếm những sự dễ dàng, những điều làm thoả mãn bản thân. Hạnh phúc thay, Thiên Chúa vẫn hằng yêu thương và nâng đỡ tôi, người môn đệ truyền giáo, trên hành trình sứ vụ. Những chuyến thăm viếng mục vụ đã mang đến cho tôi những điều bất ngờ, những sự bất ngờ lôi cuốn tôi và giúp tôi tìm được ý nghĩa cho hành trình của mình. Không còn cảm giác mệt mỏi và muốn thoái lui nhưng thay vào đó là niềm hăng say và lòng yêu mến sứ vụ mà Thiên Chúa đã không ngừng mời gọi, như chính Cha Thánh Sáng Lập đã cảm nghiệm: “Rao giảng Tin Mừng là hành động yêu thương đồng loại trước nhất và cao cả nhất”.

Giờ đây, khi hành trình OTP tại đảo quốc Madagascar khép lại, tôi cảm nhận được tình thương hải hà của Thiên Chúa, Đấng đã kêu mời tôi can đảm “rời khỏi vùng an toàn của bản thân” và đi tìm ý nghĩa cho đời dâng hiến. Người môn đệ ra đi loan báo Tin Mừng, mang theo hành trang là cả những giới hạn, yếu đuối và nhát hèn. Nhưng, Thiên Chúa đã biến những giới hạn đó thành những phương thế để làm cho muôn dân được nhận biết Ngài hầu cứu độ muôn người. Quả như cảm nghiệm của vị Tông Đồ dân ngoại Phaolô, một mẫu gương cho những người môn đệ truyền giáo: Không phải mọi sự là không thể vượt qua, bởi: “Khi tôi yếu chính là lúc tôi mạnh” (2Cr 12,10). Để rồi, người môn đệ ra đi, nhìn lại hành trình sứ vụ và phải thốt lên những tâm tình tạ ơn như tác giả Thánh vịnh 125: “Việc Chúa làm cho ta, ôi vĩ đại! Ta thấy mình chan chứa một niềm vui” (c.3).

 

Bài trước“Vương” Đất Đỏ
Bài tiếp theoHÀNH TRIẾT (1): Hành trình từ Triết Học đến Minh Triết, từ Triết Gia đến Hiền Triết