✍️ Tu sĩ Antôn Phan Thành Nhân,
Học viện Ngôi Lời
Trong văn hoá Việt Nam, màu đỏ là màu sắc tượng trưng cho sự may lành và thành công. Đây cũng là màu sắc biểu trưng cho tình yêu, hạnh phúc và lòng nhiệt thành, nên người ta thường dùng làm màu sắc chủ đạo trong các dịp cưới hỏi và đầu xuân. Lâu nay, đối với tôi, màu đỏ là sắc màu mang sự tươi mới, nồng nàn và thu hút ánh nhìn.
Nhưng ca dao tục ngữ Việt Nam có câu: “Đi một ngày đàng học một sàng khôn”. “Cái khôn” do sự tích luỹ của thời gian không đơn thuần là tri thức và kinh nghiệm, nhưng còn là sự phong phú của tâm hồn và sự mở ra trong tương quan với tha nhân. Quả thật, thời gian hơn hai tháng của mục vụ mùa hè giúp tôi có một sắc thái mới về màu đỏ: màu đỏ gắn liền với nỗi nhớ và ưu tư về một vùng đất đỏ.
Hè năm nay, tôi được gửi đến cộng đoàn Tuy Đức cùng với một người anh em để thực tập mục vụ. Tuy Đức là miền đất đỏ nằm trong vùng biên của tỉnh Đắk Nông và giáp biên giới Campuchia. Cộng đoàn này thuộc địa hạt giáo xứ Thiện Tâm. Phụ trách của cộng đoàn có cha Giuse Nguyễn Đức Hòa và cha Giuse Nguyễn Văn Linh. Đây là cộng đoàn nhỏ bé về nhân sự nhưng đang hoạt động tích cực trong lãnh vực trồng trọt trên đất nông nghiệp ở ba khu vực cách xa nhau, với cây trồng chủ yếu là cà phê, macca, sầu riêng và một số cây ăn quả khác. Song song với việc trồng trọt, canh tác, hai cha còn lo việc mục vụ cho anh chị em di cư cùng đồng bào M’ Nông và Tày, nhất là đồng bào nghèo.
Khi nhớ về vùng đất Tây Nguyên, người ta thường nói tới những ngọn núi cao chót vót những thác nước hùng vĩ và những con dốc bằng đất đỏ. Huyện biên giới này cũng không ngoại lệ. Các ngôi nhà thuộc huyện Tuy Đức thường được xây trên những ngọn đồi cao. Do đó, những con đường dốc ngoằn ngoèo được xem như “đặc sản” ở nơi này. Ngoài ra, ở vùng đồi núi này còn có một “món đặc thù” khác là mưa và sương mù. Có thể nói nơi đây truân chuyên với khí hậu thất thường và khắc nghiệt. Khí hậu khắc nghiệt cộng với địa hình hiểm trở làm cho đời sống của người dân nơi đây đầy truân chuyên từ lúc bắt đầu trồng trọt, canh tác cho đến khi thu hoạch mùa vụ. Đây là một trong những nguyên nhân khiến người dân nơi đây làm mãi mà không thấy khấm khá, cố gắng hoài mà chỉ dừng ở mức đủ ăn, đủ dùng và phụ thuộc rất nhiều vào Ông Trời.
Dù sống trong điều kiện như thế, nhưng hai cha phụ trách cộng đoàn vẫn luôn hăng say trong công việc và mục vụ chuyên chăm. Đôi vai của hai cha phải gánh vác nhiều công việc cùng một lúc, từ việc sửa sang nhà cửa, chăm sóc cây trồng, thăm viếng người nghèo, đến mục vụ truyền giáo. Không chỉ lo công việc của cộng đoàn, hai cha còn cố gắng đi dâng lễ ở những điểm xa xôi trong vùng, kêu gọi các tấm lòng hảo tâm để giúp đỡ những người khó khăn xung quanh và các anh em chị đồng bào. Hai cha đã và đang cố gắng gầy dựng hình ảnh sống động của người tu sĩ Ngôi Lời bằng cách cố gắng trong công việc và trao ban niềm vui cùng sự trợ giúp cho những người xung quanh, như dấu chỉ của tình yêu Thiên Chúa dành cho họ. Đó là những trách nhiệm nặng nề của hai vị mục tử sống trong vùng đất hẻo lánh và xa xôi này. Có lần tôi được các cha tâm tư rằng: “Vừa làm cha, vừa làm nông” quả thật có hơi vất vả đó, nhưng nhà Dòng đã mời gọi thì anh em sẽ cố gắng chu toàn trách nhiệm trong trong tinh thần vui vẻ. Hình ảnh của hai người anh đi trước đã giúp tôi ý thức hơn về ơn gọi của mình là ơn gọi truyền giáo và phải đi cùng với mọi người, phải sống tinh thần thuộc về.
Nhớ lại ngày đầu chúng tôi đặt chân đến vùng đất lạ này, mọi thứ rất mới mẻ, anh em chúng tôi như một “nàng dâu” mới về nhà chồng. Nhưng cái làm cho tôi cảm thấy được gần gũi là sự chào đón và nụ cười thân thiện của hai cha, điều này khiến tôi có cảm giác “dường như tôi đã ở đây lâu lắm rồi”. Hai cha đối với tôi không phải trên cương vị là những người phụ trách tôi trong khóa mục vụ hè này, mà là trong tư cách của hai người anh đi trước. Những điều đó làm cho tôi cảm giác bản thân thuộc về nơi này.
Công việc của anh em chúng tôi trong khóa hè ngắn ngủi này là làm rẫy, phụ giúp hai cha chăm sóc cây trồng và một số công việc khác. Điều làm tôi nhớ mãi mỗi khi giặt đồ là ý nghĩ rằng “đất này quý người”. Thật vậy, mỗi khi đi làm về là đồ áo, giày dép và thậm chí trên mặt chúng tôi cũng dính đầy đất đỏ. Điều đáng nói là màu đỏ của đất rất khó để giặt sạch, đây là trải nghiệm lần đầu của tôi. Màu đỏ của đất như “vương vấn” tôi, khiến tôi dù đã rời đi, vẫn còn vấn vương miền đất đỏ ấy. Bên cạnh việc “đồng áng” đó, vào các buổi sáng Thứ Hai, Tư, Sáu, chúng tôi ra giáo xứ để dạy Tiếng anh cho các em thiếu nhi trong xứ. Lớp học này được sự khích lệ từ cha xứ và sự hưởng ứng của các phụ huynh. Mỗi sáng đến nhà thờ, tôi đều dễ dàng bắt gặp bóng dáng của các em chơi đùa trong sân nhà thờ, trong đó có những em vì hoàn cảnh gia đình khó khăn không có người đưa đón, phải đi bộ từ sớm để đến được lớp học. Đây chính là niềm vui và sự động viên của tôi, nhưng đồng thời cũng gắn liền với băn khoăn và trách nhiệm. Tôi luôn động viên mình phải cố gắng để truyền đạt cho các em kiến thức cách tốt nhất có thể. Song song với việc dạy học, chúng tôi cũng được đồng hành và sinh hoạt với anh chị em giáo lý viên của giáo xứ Thiện Tâm. Anh em chúng tôi thật may mắn khi được sự cộng tác nhiệt tình từ các anh chị giáo lý viên trong công tác chuẩn bị cũng như ổn định lớp học cho các em thiếu nhi.
Mỗi chuyến đi là mỗi lần tôi được trải nghiệm và học hỏi thêm được nhiều điều. Hai tháng hè ngắn ngủi tại cộng đoàn Tuy Đức đã giúp tôi thay đổi rất nhiều trong suy nghĩ. Từ suy nghĩ rằng làm nông sẽ rất buồn chán thành sự cảm nghiệm về niềm vui của lao động và mục vụ vì ơn ích của tha nhân; từ sự suy nghĩ về khoảng cách xa xôi với thành phố cùng sự thiếu vắng các tiện nghi thành sự cảm nhận tình huynh đệ gần gũi qua sự niềm nở đón tiếp và ân cần chăm sóc của cộng đoàn và giáo xứ; từ sự e ngại về sự hạn chế Internet và sóng điện thoại thành sự ấm áp của tình người khi mọi người nơi đây sống nối kết với nhau; từ suy nghĩ rằng vùng đất sao mà phiền khi nó cứ “nhuộm đỏ mọi thứ” lại thành trong tim tôi sự vương vấn bởi màu đất ấy. Tôi thầm nguyện chúc từ vùng đất này, với sự chăm sóc từ bàn tay các mục tử nhiệt huyết, sẽ mọc lên và trổ sinh nhiều hoa nữa trái của tình người và tình Trời.
(Tuy Đức, Mùa Hè 2024)