Sự Chân Thành trong đời sống Cộng

0
1081

“Tình Yêu Đức Kitô Quy Tụ Chúng Ta Nên Một”

Lm. Phêrô Nguyễn Trọng Đường, SVD

Dẫn Nhập:

Làm người ai lại không mong tìm thấy hạnh phúc trong cuộc sống. Vì thế, mỗi người trong chúng ta vẫn luôn khắc khoải tìm kiếm nó trong kiếp nhân sinh. Nhưng điều quan trọng là ta tìm ở đâu và tìm bằng cách nào? Làm thế nào để hạnh phúc không chỉ là của riêng mình mà còn được trao ban cho người khác trong các mối tương quan.

Để đi tìm hạnh phúc cho riêng mình và cho anh em mình không gì khác hơn là ta phải có một trái tim yêu thương chân thành. Cuộc sống quanh ta không chỉ là những nốt nhạc rời nhau mà là một bản hợp xướng với tất cả sự thăng trầm bay bổng, hòa quyện. Người nghệ sĩ muốn có một bản nhạc hay, họ phải thai nghén và đổ nhiều công sức cho sáng tác của mình.

Có một bài hát rất mộc mạc, đơn sơ và đầy ý nghĩa trong kiếp nhân sinh: “Không ai trên đời là một hòn đảo”. Nhạc và lời của Thanh Thạch, tên thật là Lm. GB. Hoàng Đình Ưng, là người anh em trong Dòng Ngôi Lời của chúng ta. Nội dung bài hát thế này: “Không ai trên đời là một hòn đảo, dẫu là hòn đảo phải gắn liền đại dương. Ta sinh ra trên đời phải biết yêu thương, sống với mọi người và sống cho mọi người”. Lời bài hát thật mộc mạc nhưng nó chứa đầy triết lý nhân sinh, mời gọi mỗi người sống hết mình vì người khác và sống cho người khác. Quả thật, Lời Chúa Giêsu nói trong thư Phaolô gửi tín hữu Philíphê: “Mỗi người đừng tìm lợi ích cho riêng mình nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác. Giữa anh em với nhau, anh em hãy có những tâm tình như chính Đức Kitô ” (Pl 2, 4-5).

Cũng vậy, sự chân thành là cần thiết nhưng nó cũng phải được đặt trong rất nhiều những yếu tố khác như: sự khiêm nhường, lòng quảng đại tha thứ, tình bằng hữu, bình đẳng và cảm thông lẫn nhau. Hay có thể đó là sự kiên nhẫn và hiền lành, biết chia sẻ và lắng nghe, biết đón nhận sự bất đồng và quan điểm của nhau. Đây cũng là điều mong muốn của Thầy Giêsu nơi các môn đệ của Người và nơi mỗi chúng ta hôm nay đang bước đi theo Đức Kitô.

Yêu Thương Nhau

Khi yêu là lúc mình biết trao ban và đón nhận: trao ban bằng con tim và đón nhận bằng con tim. Thân thể của tôi cũng chính là thân thể của bạn. Như tình yêu Ađam dành cho Evà: “Xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi” (x. St 2, 18-24). Chỉ khi ta biết trao ban và đón nhận như thế thì mới gọi là yêu thương nhau.

Nói yêu thương thì dễ, nhưng để thực hành yêu thương nhau là cả một vấn đề khó khăn, một thử thách chông gai, một bước đi đánh đổi với bản ngã, hay cái tôi của mình. Thường con người khi đồng cảm, hợp tính tình thì dễ đến với nhau, dễ chấp nhận những quan điểm của nhau, ngay cả cái xấu cũng dễ bỏ qua cho nhau. Nhưng khi đã không hợp tính tình, không có cùng sở thích, không cùng quan điểm với nhau sẽ dễ bị đảo ngược phách trong bản nhạc đời. Đô trưởng thành La thứ…

“Thương nhau củ ấu cũng tròn, ghét nhau quả bồ hòn cũng méo”. Ta thấy, bản chất củ ấu là méo, nó chẳng ra hình tượng gì. Còn bản chất bồ hòn là tròn. Thế nhưng, do định kiến con người có thể làm cho nó tròn và méo. Tròn hay méo là do quan điểm của mình. Tôi không đồng quan điểm với anh, không có nghĩa là tôi đúng, anh sai hoàn toàn và ngược lại. Tôi không chấp nhận tính tình của anh, không có nghĩa là tính tình của tôi hoàn toàn number one, hoàn toàn perfect. Người xưa chẳng dạy rằng: “nhân vô thập toàn”.

Tử Đạo Liên Lỉ

Có người cho rằng: “Đời sống cộng đoàn là một cuộc tử đạo liên lỉ”. Bởi vì, nơi đây mỗi người phải chết đi cái tôi của mình để có thể hòa hợp với những cái tôi khác. Và thật sự là thế! Ai đã từng sống kinh nghiệm của đời sống cộng đoàn sẽ cảm thấu được tất cả cay đắng ngọt bùi ấy ; sẽ hiểu việc mình phải cố gắng như thế nào để có thể tìm thấy những ngọt ngào chính từ những đắng đót mà đời sống này mang lại. Thánh Gioan Berchmans, một con người rất tha thiết với đời sống cộng đoàn đã thốt lên một kinh nghiệm không mấy lạc quan: “Khổ chế lớn nhất là đời sống chung”. Tuy vậy, Marx từng nói: “Con người là một tổng hòa các mối quan hệ xã hội”. Quả thật, con người sống là sống cùng, sống với, sống vì. Vì thế, ta không thể chạy trốn thực tại của mình mà phải can đảm đối diện, đó mới là sống hết mình, sống thật và sống chân thành.

Con đường nào gần, con đường nào xa? Con đường gần nhất và con đường xa nhất là con đường của hai trái tim của hai người. Người ta có thể xa nhau và người ta cũng có thể gần nhau. Mỗi người là một vũ trụ nhỏ mang tính ốc đảo. Vì thế, khi sống chung một mái nhà, một cộng đoàn, một hội dòng thì phải chấp nhận sự khác biệt của nhau. Và muốn yêu thương nhau phải đón nhận sự khác biệt của nhau và đón nhận anh em của mình như là món quà Thiên Chúa trao tặng. Đời sống hôn nhân gia đình dù biết rằng có sự tìm hiểu, chọn lựa, yêu đương, thế nhưng vẫn có sự đỗ vỡ tình yêu dẫn đến ly thân, ly dị. Vì thế, hạnh phúc của đời sống vợ chồng nếu không biết hy sinh, đón nhận và tha thứ cho nhau sẽ dẫn đến bất hạnh. Gia đình đời tu không như gia đình hôn nhân; người ta không được chọn cho mình một bạn đồng hành vừa vừa ý, hợp tính, hợp gu, nhưng còn là học đón nhận nhau dù mình không muốn, không ưa thích.

Là tu sĩ, chúng ta không những sống để tồn tại mà còn phải sống thật ý nghĩa dồi dào hơn, mãnh liệt hơn nhưng bằng cách nào? Khi chúng ta cũng chỉ là những con người với tất cả sự giới hạn, mỏng dòn và khiếm khuyết. Trong khi đó mỗi người không thể hoàn thành sứ mạng của mình nếu không được hun đúc trong bầu khí của cộng đoàn. Thực ra, điều này không bi quan đến độ không có một giải pháp nào mà ngược lại là có rất nhiều con đường được mở ra để chúng ta có thể tìm thấy hạnh phúc trong đời dâng hiến của mình. Nhưng đó lại là một hành trình được đan dệt bằng rất nhiều những cố gắng, những nỗ lực của bản thân, vượt ra khỏi vỏ ốc ích kỷ, ra khỏi chính cái tôi của mình, để đem lại một sự hòa điệu ngay trong chính những khác biệt của cộng đoàn mà cụ thể là một mối tương quan hài hòa và chân thành với mọi người trong cộng đoàn.

Sự Chân Thành

Sự chân thành nơi mỗi một người là điều hết sức đáng quý và cần được trân trọng. Elvis Presley đã nói “Sự chân thành là điều tốt đẹp nhất bạn có thể đem trao tặng một người. Sự thật, lòng tin cậy, tình bạn và tình yêu đều tùy thuộc vào điều đó cả” Tại sao vậy? Đơn giản chỉ vì sự chân thành bao giờ cũng là điều được ưa chuộng nhất trong cuộc sống. Người ta cho rằng một sự thật xấu xí còn hơn một điều dối trá tốt đẹp. Người có lối sống chân thành bao giờ cũng tạo một sức hấp dẫn với người khác, bởi bản chất con người là luôn hướng về sự thật, về chân lý.

Người chân thành luôn tạo ra sự tin cậy quanh họ, là chỗ dựa tinh thần ấm áp của bạn bè, người thân. Sống bên họ ta cảm thấy yên ổn, thanh thản vì không phải dò xét, dè dặt, hoài nghi, sợ bị trở mặt hay phải khám phá ra những sự thật phũ phàng, đen tối.

Sự chân thành được thể hiện không chỉ trong lời nói mà nó phải được bắt rễ sâu xa từ trong một tấm lòng thành, với tình cảm thực sự thì mới có sức thuyết phục. Hành xử trong sự chân thành, sẽ cho ta sự tự tin, sức lôi cuốn và sự vững mạnh… Hãy thành thật với người khác và với chính mình. Nhưng tất cả sự chân thành phải được thể hiện trong sự tế nhị, đôn hậu và có văn hóa, nếu không nó cũng dễ trở thành thô thiển, khó chấp nhận.

Nếu được sống giữa một cộng đoàn của những người chân thành thì đó là lúc cuộc sống đang tiến dần đến một thiên đường nơi trần thế. Nhưng tại sao người ta không chân thành? Đó là vì họ muốn che đậy chính bản thân mình qua những lớp vỏ khác, muốn tự khẳng định mình nhưng chỉ vì mình không đủ bản lĩnh …

Chúng ta biết rằng cộng đoàn tu trì là nơi qui tụ những người muốn theo sát dấu chân đức Kitô hơn trong ơn gọi thánh hiến. Họ là những người từ khắp mọi miền, không phân biệt giai cấp, màu da, sắc tộc… Họ đến và đem theo những văn hoá, tập tục, những cách sống và dòng suy nghĩ, những tâm tư tình cảm, những nét rất riêng tư của chính mình. Vì thế, cuộc sống ấy có rất nhiều những khác biệt và cũng vì thế mà đã có không ít những khó khăn khi chúng ta cùng nhau sống ơn gọi của mình. Thế nên, tôi thiết nghĩ rằng điều cần thiết và không thể thiếu nơi cộng đoàn phải là một bầu khí chân thành. Nếu không thiết lập các mối tương quan trên sự chân thành thì dường như mọi sự sẽ dễ dàng đổ gãy. Khi mọi người không chân thành với nhau thì mỗi người sẽ tự co mình vào trong vỏ ốc của mình, thiếu tin tưởng và mất bình an.

Chúng ta nghĩ thế nào nếu cuộc sống chỉ toàn là những nghi kỵ, dối trá? Tôi cho rằng: Có lẽ mọi người chỉ sống cạnh nhau mà không thể nào gặp nhau. Chỉ có sự chân thành mới là cửa ngõ đưa ta đến với nhau bằng một tình yêu thật. Nó sẽ là chìa khóa hóa giải nơi ta mọi cảm nghĩ tiêu cực về người khác. Ta đừng quên rằng mỗi khi mình có một cảm nghĩ tiêu cực về người khác là mình đang sống trong một ảo tưởng. Có một cái gì đó trục trặc nghiêm trọng nơi chính bản thân mình. Ta không nhìn ra được sự thực và thế là ta không đủ khả năng hay nói đúng hơn mình không can đảm để trân trọng người khác với những khác biệt của họ. Nếu chúng ta không đặt toàn bộ cái nhìn của mình trong sự chân thành, tôi e rằng chúng ta sẽ trở nên lời phê phán khắc nghiệt cho người khác.

Nếu sự chân thành không hiện diện nơi trái tim mình, ta sẽ đánh mất chính mình. Bởi vì xung quanh ta đang được bao bọc bởi một lớp vỏ giả tạo. Đó thực sự không phải là mình mà chỉ là điều mình nghĩ, cái tôi đối tượng mà mình đang cố làm “to phình” nó trước mặt người khác. Nếu ta sống với người khác bằng sự giả dối thì không những mọi người xung quanh không tìm thấy hạnh phúc trong mối tương quan với mình mà ngay cả chính bản thân cũng bị làm cho mình bị tổn thương.

Đời sống cộng đoàn và những vấn đề của cộng đoàn là một bộ phim nhiều tập không có kết thúc; nó cũng tựa một bài toán chẳng có đáp số chung. Tuy nhiên, không phải vì thế mà chúng ta hoàn toàn bị động. Chúng ta không chạy trốn cũng không chỉ ngồi đó đợi chờ một điều kỳ diệu xảy ra. Cha Anthony cho rằng: “Điều duy nhất có thể thay đổi là thay đổi cách hiểu của bạn. Thế giới sẽ thay đổi nếu bạn đổi thay”.

Lời Kết

Tóm lại, dù chúng ta là ai, dù chúng ta sống ở đâu, làm gì, hay ở địa vị nào, chúng ta cũng cần có được tình yêu thương. Cần có một cuộc sống chan hòa ấm áp với mọi người bên cạnh. Không ai trong chúng ta là một hòn đảo, chúng ta cần nhau như thân dây leo cần trụ bám. Trịnh Công Sơn thật có lý khi nói: “Ngày sau sỏi đá cùng cần có nhau”. Thế nên, đừng ngại để tỏ bày tình thương cho nhau, đừng ngại ngần để tha thứ và yêu thương chân thành. Thế giới hôm nay đang có nhiều biến động, xã hội nhiễu nhương này đang rất cần những con người dám dâng hiến như chúng ta. Tại sao lại chỉ sống với những gì quá tầm thường? Tại sao lại làm cho cuộc sống thêm nhiều mất mát đáng buồn? Tại sao chúng ta lại không sống hạnh phúc chỉ vì những nhỏ nhen, lặt vặt. Hãy cùng đem lại hạnh phúc cho nhau và cho mọi người. Hãy tập trung vào những gì cao đẹp hơn đem lại nhiều ích lợi cho cuộc sống cho những tâm hồn bất hạnh đang cần ta nâng đỡ ủi an.

Trong dip viếng thăm Giáo Hội Philippines 2015, ĐTC Phanxicô đã khuyến khích những bạn trẻ sống đời dâng hiến phải học ba ngôn ngữ: đó là suy tư, cảm thức và hành động. Chúng ta cũng hãy bắt chước lời khuyên của vị cha chung là phải biết suy tư để đối thoại, cảm thức để yêu thương và hành động để tha thứ cho nhau. Món quà lớn nhất mà chúng ta có thể trao tặng là tình bạn, sự quan tâm, sự dịu dàng, tình yêu thương của chúng ta đối với anh chị em mình.

 

Bài trướcTòa Thánh cương quyết phản đối các vụ thử nghiệm vũ khí hạt nhân
Bài tiếp theoLòng thương xót trong một Cộng Đoàn đa Văn Hóa

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.