Lòng thương xót trong một Cộng Đoàn đa Văn Hóa

0
301

Tu sĩ G.B. Phan Lĩnh, SVD

Sau cuộc Tu Nghị của Tỉnh Dòng Ngôi Lời Argentina vào tháng 9 năm 2014, anh em trong cộng đoàn hạt Buenos Aires lên xe từ thành phố miền trung Córdoba về lại Buenos Aires. Trên đường về, cảnh sát tuần hành dừng xe của chúng tôi lại và hỏi han giấy tờ. Mấy chú cảnh sát ngạc nhiên khi thấy mười hai cha, thầy, với bảy quốc tịch khác nhau (Argentina, Áo, Ấn Độ, Đức, Inđônêsia, Phi Luật Tân, Việt Nam) cùng đi trên một chuyến xe. Họ hỏi rồi tỏ vẻ kính trọng khi biết tất cả là anh em thuộc Dòng Ngôi Lời đang phục vụ ở đất nước này.

Một cộng đoàn đa văn hóa là Linh đạo của Dòng Truyền giáo Ngôi Lời. Hiến Pháp 301 nêu rõ: “Thiên Chúa Ba Ngôi là nguồn gốc, là nguyên mẫu và là sự thành tựu của mọi cộng đoàn nhân loại. Nhờ Bí tích Thánh Tẩy, chúng ta được mời gọi đến chia sẻ sự sống thần linh, trở nên phần tử của dân Thiên Chúa và môn đệ của Chúa Giêsu Kitô. Nhờ các lời khấn của chúng ta, chúng ta gia nhập vào một cộng đoàn được tham gia vào sứ mạng của Chúa Con và Chúa Thành Thần mà Chúa Cha đã sai đến trần gian. Cộng đoàn này củng cố trong chúng ta mối dây hiệp nhất và như thế làm cho chúng ta có khả năng rao giảng sứ điệp cứu độ một cách hữu hiệu hơn. Với tư cách là người anh em với nhau, chúng ta vun trồng những mối dây hiệp nhất này nhờ lời cầu nguyện, nhờ mối tương quan cá nhân và nhờ cùng chung hoạt động  truyền giáo với nhau”.

Đời sống cộng đoàn là nơi phát sinh nhiều hoa trái, khi tất cả hợp lòng thờ phượng Thiên Chúa, khi mỗi thành viên hiệp nhất với nhau với lòng nhiệt huyết vì sứ vụ. Lòng nhiệt huyết đó bắt nguồn từ tình yêu thương của Thiên Chúa và yêu thương con người. Nếu thiếu lòng thương hay thiếu động lực phục vụ vì tình yêu Thiên Chúa, thì đời sống cộng đoàn sẽ trở thành gánh nặng khi hằng ngày phải đối phó với các bổn phận. Trong một cộng đoàn truyền giáo đa văn hóa, điều này được thể hiện rõ hơn nơi nào hết.

Lòng thương xót vốn là đặc tính nổi bật và rất cao quý trong bất cứ cộng đoàn dòng tu nào sống theo gương Chúa Kitô. Khi suy tư về đời sống cộng đoàn đa văn hóa theo linh đạo Hội Dòng Ngôi Lời, tôi nhận thấy, những đòi hỏi về tình yêu thương thực sự rất căn cốt. Nó như là chất keo gắn kết mỗi thành viên với Thiên Chúa và với anh em, xa hơn nữa là việc mỗi anh em trong cộng đoàn chấp nhận những khác biệt – đúng hơn là sự phong phú về tính cách và thiên hướng – được Thiên Chúa phú bẩm cho mỗi thành viên. Việc khám phá ra tình thương của Thiên Chúa trong mỗi ngày sống là động lực giúp tôi phấn đấu nhiều hơn để thực hành lời dạy của Con Thiên Chúa, biết xót thương và tha thứ cho tha nhân: “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13, 35).

Tất cả con cái Thiên Chúa đều sống trong niềm tín thác nơi tình thương và lòng khoan dung của Ngài, niềm xác tín chúng ta đều là anh em con Cha trên trời. Dường như những lo toan riêng hay vì bị hòa tan trong xu thế xã hội ngoài đời, mà tôi lơ là việc thực thi điều tôi xác tín, cũng đồng nghĩa với một đời sống hời hợt trong cộng đoàn. Lơ là với bổn phận và ít thiếu tự giác trong các công việc. Tôi nhớ trong cuộc Tĩnh tâm Tỉnh Dòng năm 2013, các nhóm thảo luận về đời sống cộng đoàn, trong đó, câu hỏi trách nhiệm của mỗi thành viên trong việc góp phần thăng tiến cộng đoàn. Chắc chắn, ai cũng có câu trả lời của riêng mình. Phần tôi, tôi cho rằng, lòng nhiệt huyết và sự tự giác do nhiệt huyết trong các công việc cộng đoàn cũng có tác dụng không nhỏ trong việc tăng triển các mối tương quan với anh em và bầu khí cộng đoàn. Nói là nhỏ, nhưng nếu sự nhiệt huyết vốn không phải là tính cách con người thì cũng rất vất vả luyện tập mới thủ đắc được. Tôi nghĩ đến sự “bỏ mình” – ngay cả đối với những việc nhỏ nhặt như thế. Chính điều đó cũng có ý nghĩa khi tôi hướng đến một mục tiêu xa hơn, là thái độ sẵn sàng đón nhận và đáp lại khi lựa chọn lý tưởng truyền giáo. Ở môi trường cộng đoàn đào tạo, qua các buổi chia sẻ Lời Chúa cũng như qua sinh hoạt chung, tôi nhận thấy điều này lại là mong muốn của đa số anh em khác.

Năm thánh về Lòng Thương Xót Chúa như là một cơ hội nữa, giúp tôi lượng giá bản thân trong mối tương quan với anh em trong Cộng đoàn và sự thăng tiến trong tâm tình gắn kết với Thiên Chúa. Chính tình yêu thương huynh đệ chân thành chứ không phải chỉ nguyên việc sống và làm việc chung với nhau mới thực sự hiệp nhất chúng ta nên một (HP SVD 303.1).

Quãng thời gian sống trong những cộng đoàn liên văn hóa trong giai đoạn OTP đã giúp tôi cảm nhận được phần nào giá trị của tình cộng đoàn. Nơi mà tôi không thể bộc lộ hết những quan điểm một phần vì sự khác biệt văn hóa, một phần vì sự hạn chế ngôn ngữ. Trong môi trường mới, với xã hội khác, tôi phải từng bước làm quen với từng con người mới trong cộng đoàn và cả bên ngoài để có thể hòa nhập; ngay cả những thứ cơ bản như thức ăn, thói quen cá nhân cũng phải điều chỉnh. Điều quan trọng ở đây là tôi cần sự tôn trọng và cũng biết tôn trọng, cầu tiến học hỏi, như mục đích của chương trình OTP. Sự tôn trọng và đón nhận là biểu hiện của lòng thương xót Chúa nơi mỗi anh em trong cộng đoàn của tôi. Một trong những sắc thái nổi bật của đời sống cộng đoàn của chúng ta là có các anh em tu sĩ thuộc nhiều chủng tộc và nhiều quốc gia khác nhau cùng sống và làm việc chung với nhau. Điều này trở thành một kinh nghiệm làm phong phú cho nhau với điều kiện là chúng ta phải tôn trọng quốc tịch và nền văn hóa của mỗi người anh em (HP 303.1).

Trong sứ vụ, để đến với người khác, chắc chắn phải mở trái tim mình ra, để đón nhận những khác biệt, những khác biệt có thể làm tôi đau đớn. Điều này cũng giúp tôi ý thức mỗi ngày trong đời sống cộng đoàn giai đoạn đào tạo. Chắc chắn là trong giai đoạn này, có không ít thách thức. Cộng đoàn Ngôi Lời nhất tâm đa diện – một trái tim, nhiều khuôn mặt. Để tiến tới được vậy, tôi cần để lòng mình có thể được phong phú thêm nhờ biết tiếp thu những khác biệt. Tôi có thể học tập thêm từ những thành viên khác để thăng tiến mình. Như Chúa Giêsu mở trái tim mình để thể hiện sự trao ban nguồn sống, khi bước theo Chúa Giêsu, tôi cũng được đòi hỏi mặc lấy tâm tình hy sinh và trao ban, mặc lấy ước vọng được là môn đệ Chúa, trao ban một chút nhiệt huyết trong công việc thường nhật.

Tôi vẫn hằng cầu xin Chúa Giêsu giúp tôi ý thức về bổn phận của mình và xin tăng triển trong trái tim tôi cũng như của hết mọi người tâm tình của Chúa, để chúng ta có thể làm chứng cho tình yêu và sự bao dung của Chúa; xin cho chân dung đầy lòng thương xót của Chúa được thể hiện nhiều hơn trong cộng đoàn chúng ta và trong lòng nhân thế thời đại này.

 

Bài trướcSự Chân Thành trong đời sống Cộng
Bài tiếp theoChúa Ba Ngôi, nguồn mạch của Mạc Khải Lòng Thương Xót

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.