Chúa Ba Ngôi, nguồn mạch của Mạc Khải Lòng Thương Xót

0
523

Lm. Antôn Nguyễn Tất Bính, SVD

Thiên Chúa thương xót tôi: chân thật, da diết! Điều này buộc tôi phải cảm nhận và đào sâu về Ngài như một người có đức tin chân chính. Đặc biệt trong Năm Thánh này, Tông sắc Dung Nhan Thương Xót của Đức Giáo Hoàng Phanxicô mời gọi tôi tìm hiểu sâu hơn về lòng Chúa thương xót, cho tôi cơ hội để ngẫm về Mầu Nhiệm Tình Yêu, được mạc khải trong Chúa Ba Ngôi. Tuy nhiên, việc tìm hiểu bắt đầu từ đâu? Cơ sở đức tin đòi buộc tôi phải tìm đến với định hướng của Giáo Hội, đặc biệt là Công Đồng Vaticanô II, với Hiến Chế DEI VERBUM như là kim chỉ nam căn bản của mạc khải Thiên Chúa.

Khi bàn đến bản chất và đối tượng của mạc khải, Công Đồng Vaticanô II viết: Do lòng nhân lành và khôn ngoan, Thiên Chúa đã muốn mạc khải chính mình và tỏ cho biết Thiên ý nhiệm mầu, nhờ đó loài người có thể đến cùng Chúa Cha, nhờ Chúa Kitô, Ngôi Lời nhập thể, trong Chúa Thánh Thần, và được thông phần vào bản tính Thiên Chúa.(DV, số 2). Khẳng định này của Công Đồng dẫn tôi từng bước tìm hiểu về lòng thương xót của Thiên Chúa được thể hiện trong từng Ngôi một.

  1. Thiên Chúa Cha nguồn mạc khải

Bất cứ tôn giáo nào trên thế giới đều khẳng định rằng vị sáng lập của mình đã nhận được một ơn thần khải, nghĩa là đã tiếp xúc với Đấng Tối Cao nào đó. Nhưng lối sống của các tín hữu tôn giáo ấy mang nhiều sắc thái khác nhau, tùy quan niệm của họ về Đấng Tối Cao. Chẳng hạn Hồi Giáo, vì quan niệm Thiên Chúa như một vị quan án công minh, sát phạt thẳng thừng, không chút khoan nhượng, nên lối sống đạo của họ mang tính sợ hãi. Nói cách khác, họ có tinh thần tôi tớ nhiều hơn là con cái, tiêu cực hơn là tích cực đối với Đấng họ thờ. Đối với Thiên Chúa của Kitô giáo thì các tín hữu có thái độ khác hẳn.

Trong câu đầu của Hiến chế Mạc khải (số 2), Công Đồng Vaticanô II nêu rõ: Thiên Chúa như nguồn mạch yêu thương và thượng trí. Bất cứ điều gì Ngài làm đều xuất phát từ tình thương hải hà của mình. Tương quan giữa Ngài với loài người là tương quan phụ tử. Đức Kitô đến trong thế gian không có mục đích nào khác hơn là bày tỏ cho thế giới biết rằng Thiên Chúa là Cha đầy tình thương, và bằng chứng cụ thể của tình thương ấy là chính Đức Giêsu Kitô Đấng đã chết và sống lại để cứu thế giới.

  1. Đức Kitô là Lời

Cụm từ này nói lên vai trò có một không hai của Đức Kitô trong chương trình mạc khải. Đức Kitô đã yêu nhân loại với một tình bạn triệt để và trọn vẹn (Ga 15,13). Nên tình yêu của Thiên Chúa đối với tôi qua Đức Kitô phải là Agape. Tác giả Tin Mừng thứ tư đã diễn tả tình Agape này khi viết: Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy; và Anh em hãy yêu mến nhau như Thầy đã yêu mến anh em (Ga 15,9.12). Nội dung mạc khải ở đây không gì khác hơn là tình bạn của Thiên Chúa đối với loài người. Đó là lý do tại sao Công Đồng viết: Thiên Chúa vô hình, trong tình yêu thương chan hòa, đã ngỏ lời với loài người như với bạn hữu (DV, số 2). Nếu thế thì mỗi lời mạc khải chất chứa tình thương trọn vẹn của Thiên Chúa. Hay theo thánh Augustinô: Thánh Kinh là bức thư tình của Thiên Chúa. Qua bức thư tình ấy tôi khám phá ra Tình Yêu Thiên Chúa được diễn tả nơi việc mạc khải chính mình Ngài và ý muốn của Ngài.

Khi hai người bạn đã có khả năng bày tỏ nỗi lòng cho nhau thì người ta gọi đó là đôi bạn tri âm. Hân hạnh biết bao Thiên Chúa và tôi đã trở thành đôi bạn tri âm như thế. Bởi lẽ qua Con Một của Ngài, Ngài đã tỏ cho tôi biết Ngài là ai và yêu thương tôi như thế nào. Chúa Giêsu khẳng định với các môn đệ: Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết (Ga 15,15).

Tình Agape của Thiên Chúa bàng bạc trong những trang Thánh Kinh Cựu và Tân Ước, trong mỗi biến cố lịch sử cứu độ và nhất là trong thánh ý của Ngài trải dài trên cuộc đời tôi. Vậy đâu là Thánh ý Thiên Chúa? Tôi đã thuộc nằm lòng hai câu nói của Thánh Phaolô:

Ý muốn của Thiên Chúa là anh em nên Thánh và Thiên Chúa muốn cho mọi người nhận biết sự thật và được cứu rỗi. (x. 1Tx 4,3 và 1Tm 2,4). Ý muốn đó được tỏ bày qua lời sáng tạo – Ngài phán và mọi loài đã được dựng nên; qua hồng ân tha thứ – con hãy về đi tội con đã được tha; qua các Mầu Nhiệm và Bí Tích trong Giáo Hội.

  1. Đức Kitô hoàn tất mạc khải

Bài ca về Ngôi Lời Nhập Thể trong Tin Mừng thứ tư được kết thúc với câu: Thiên Chúa, chưa ai thấy bao giờ; nhưng Con Một vốn là Thiên Chúa và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Người đã tỏ cho chúng ta biết (Ga 1,18). Trong bài ca này, Lời Nhập Thể được giới thiệu như là sự sống, là ánh sáng, là chân lý và là nguồn sung mãn mọi ân phúc. Là sự sống, Người như một chủ chăn đến để chiên được sống và sống dồi dào (Ga 10,10). Là ánh sáng, Người soi lối đi cho bất cứ ai rảo bước trên đường đời, và giúp họ biết phân biệt đâu là chân, đâu là giả và đâu là nguồn sung mãn ân phúc. Hỏi có ai trên đời này dám kêu mời mọi người, hãy đến với mình để nhận lãnh bất cứ ân huệ nào chăng? Duy một mình Đức Kitô. Như thế, tin vào Đức Kitô là chìa khóa mở ra viễn ảnh của một trời mới đất mới. Nói cách khác tin vào Người là một nhu cầu tất yếu cho sự hiện hữu của con người vì không ai trên đời này có thể làm thỏa mãn được khát vọng của con người. Thật là khờ dại khi ai đó bỏ Người để đi tìm hạnh phúc, sự thật và sức sống nơi một đối tượng khác! Muốn biết rõ Người cần thiết cho mình đến mức nào, tôi phải đọc Tin Mừng, vì theo Công Đồng Vaticanô II chỉ Phúc Âm cho tôi thấy Chúa Con bằng tất cả sự hiện diện và cách thế tỏ bày chính mình, bằng lời nói và việc làm, bằng các dấu chỉ và phép lạ, nhất là bằng cái chết và sự sống lại vinh quang (DV, số 4).

  1. Chúa Thánh Thần, Đấng sinh động và hữu hiệu hóa mạc khải

Ngày nay tôi có trong tay toàn bộ cuốn Cựu và Tân Ước. Người ta gọi đó là Sách Thánh. Tại sao vậy?

Vì theo Công Đồng Vaticanô II, chính Chúa Thánh Thần là tác giả của sách ấy (DV, số 11). Ngài đã linh hứng để viết ra và bảo đảm cho khỏi sai lầm; đồng thời, Ngài giúp Giáo Hội khám phá ra ý nghĩa sâu xa của Lời Chúa. Suốt dòng lịch sử, Giáo Hội đã trải qua biết bao nhiêu thời kỳ, đức tin của các Kitô hữu đã bị lung lay, con thuyền của Giáo Hội bị chao đảo… thế nhưng Giáo Hội vẫn tồn tại. Nhờ ai? Thưa nhờ Chúa Thánh Thần. Chính Ngài soi dẫn, củng cố và tiếp sức để dẫn đưa dân Chúa vượt qua bóng tối của sự chết và tìm lại được niềm vui của chân lý.

  1. Bổn phận của tôi trước hồng ân mạc khải về lòng thương xót của Thiên Chúa Ba Ngôi

Là Kitô hữu, đặc biệt là tu sĩ, tôi được xếp nằm trong bản chất của Giáo Hội. Cùng với anh em tu sĩ, tôi được coi như “lá phổi” của Giáo Hội. Nghĩa là cũng như các tu sĩ, tôi có bổn phận đặc thù của mình! Là lá phổi, tất nhiên phải có khả năng hít thở. Nhưng hít thở sao được, nếu không có khí? Và khí theo nghĩa thiêng liêng chính là Thần Khí. Nhưng Thần Khí ở đâu? Thưa rõ rệt nhất là trong những trang sách Ngài đã linh hứng tức những trang sách Ngài đã “thổi” cho viết ra. Buồng phổi thiêng liêng ấy không gì khác hơn là đức tin của mọi người trong đó có tôi.

Trong Dei Verbum số 5, Công Đồng Vaticanô II định nghĩa đức tin cách hiện sinh như sau: Đối với Thiên Chúa, Đấng mạc khải, con người phải bày tỏ sự vâng phục đức tin, qua đó con người được tự do phó thác hoàn toàn cho Thiên Chúa bằng việc dâng lên Thiên Chúa, Đấng mạc khải, sự quy phục trọn vẹn của lý trí và ý chí, và tự nguyện ưng thuận mạc khải Ngài đã ban. Để có được đức tin này, cần có ân sủng Thiên Chúa đến trước nâng đỡ và sự trợ giúp bên trong của Chúa Thánh Thần, Đấng lay chuyển và quy hướng con tim về cùng Thiên Chúa, mở mắt lý trí và cho mọi người cảm thấy dịu ngọt khi ưng thuận và tin vào chân lý. Và cũng chính Thánh Thần không ngừng kiện toàn đức tin bằng các ân huệ của Ngài để giúp con người ngày càng thấu hiểu mạc khải sâu xa hơn.

Từ đoạn trích trên tôi nhận thấy có những điểm sau:

– Bản chất của đức tin: đức tin là một sự vâng phục và sự vâng phục ấy dẫn tới một sự hiến thân trọn vẹn cho Thiên Chúa bằng cách bắt lý trí và ý chí chấp nhận sự mạc khải của Ngài.

– Phương thế để có đức tin: để có đức tin này cần có ân sủng Thiên Chúa đi trước để có được sự giúp đỡ và sự trợ lực của Chúa Thánh Thần.

– Công việc của Thánh Thần: Thánh Thần làm gì? Thưa, Ngài đánh động và quy hướng con tim về cùng Thiên Chúa. Cho cảm nếm sự ngọt ngào khi ưng thuận và chấp nhận chân lý. Để đào sâu mỗi ngày kho tàng mạc khải, Thánh Thần không ngừng ban ơn và soi sáng, hầu củng cố đức tin.

Như vậy, trong câu định nghĩa trên, tôi thấy việc tiếp nhận mạc khải không chỉ phát xuất từ ý chí hay lý trí như trong niềm tin thông thường của nhân loại, nhưng là từ đức tin được tác động bởi lòng mến. Lòng mến này sẽ đạt tới mức cao nhất khi được đổ tràn trong lòng người tin nhờ Chúa Thánh Thần (Rm 5,5). Tóm lại, chỉ đức tin nhờ lòng mến Thiên Chúa tác động tôi mới khám phá ra được Lời Chúa: Đầy quyền năng cứu rỗi (Rm 1,16); có khả năng tái sinh (1Pr 1,23); làm tăng trưởng đời sống làm con Thiên Chúa (Cv 6,7).

Trong năm thánh Lòng Chúa Thương xót, được Lời Chúa khích lệ và củng cố, tôi cảm thấy phấn khởi, cậy trông và quyết tâm dành thời giờ và chất xám cho việc đọc, suy niệm và chiêm ngắm Lời Chúa. Thiết tưởng cần nhắc lại đây lời tuyên chứng của Công Đồng Vaticanô II: Giáo Hội vẫn luôn tôn kính Thánh Kinh giống như tôn kính Thánh Thể Chúa, đặc biệt trong Phụng vụ thánh, Giáo Hội không ngừng lấy bánh ban sự sống từ bàn tiệc Lời Chúa và bàn tiệc Mình Chúa Kitô để trao ban cho các tín hữu. Tạ ơn Chúa!

 

 

 

Bài trướcLòng thương xót trong một Cộng Đoàn đa Văn Hóa
Bài tiếp theoBổ nhiệm Giám Mục tại Việt Nam – Tuyên bố của Tòa Thánh ngày 14/09/2019

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.