Lòng thương xót của Thiên Chúa trước nỗi thống khổ của con người

0
2292

Tu sĩ Giuse Mai Văn Dương, SVD

Ngày nay, con người đang sống trong một xã hội, một thế giới bị tục hóa và có quá nhiều vấn đề phức tạp xảy ra như sự đau khổ, chiến tranh, hận thù, chia rẽ, phân cấp giàu nghèo, bất khoan dung tôn giáo, áp bức bóc lột, gia đình đổ vỡ, mất niềm tin lẫn nhau… Và dường như tình thương của con người đang dần chìm xuống trong sự vô vọng, phẩm giá con người đang dần bị mất đi, bị chà đạp.

Con người cảm thấy ngột ngạt, đau khổ trong chính thực tại mình đang sống. Họ cảm thấy bất lực trước số phận. Họ nghĩ rằng không ai có thể hiểu thấu và giải thoát mình. Nhiều người đã thốt lên từ những nỗi đau khổ cùng cực của mình, và đặt ra quá nhiều câu hỏi, rằng phải chăng cuộc sống này không còn ý nghĩa gì? Phải chăng không có Thiên Chúa, bởi nếu có thì tại sao Thiên Chúa lại để đau khổ xảy ra?

Cuộc đời vẫn phảng phất mùi vị của niềm vui và đau buồn. Nhưng chỉ vì thiếu đời sống cầu nguyện, kết hợp mật thiết với Thiên Chúa, và thiếu sự tin tưởng, phó thác trong bàn tay quan phòng của Ngài, nên nhiều người đã không nhận ra bước chân của Chúa đang đi với mình trên những chặng đường quanh co của cuộc sống; họ nghĩ rằng Ngài vẫn im lặng trước nỗi đau của họ hay Thiên Chúa đã quên thương xót.

Đấng là Mục Tử Nhân Lành hay thương xót vẫn muốn chúng ta tiếp tục ở lại trong thế giới này, tiếp tục rảo bước qua những thung lũng âm u trên hành trình của cuộc sống. Nhưng bên cạnh đó, Ngài luôn hiện diện trong mỗi nhịp sống của từng con người. Ngài không im lặng và không để cho ai phải vác thánh giá quá nặng đối với sức chịu đựng của mình. Có thể Ngài để đau khổ xảy ra nhằm mục đích thanh luyện con người và muốn mọi người được hưởng ơn cứu độ, nhưng một số người đã không nhận ra và không cảm nhận được lòng thương xót của Thiên Chúa. Thiên Chúa luôn mời gọi chúng ta hãy lắng nghe tiếng Ngài, chìm sâu trong Ngài và chia sẻ, cảm thông với những con người bất hạnh.

Trên hành trình Đức Tin của chúng ta, khi lắng nghe, suy gẫm và cầu nguyện với lời Chúa, chúng ta đang bước vào con đường gặp gỡ Thiên Chúa, và Ngài cũng mời gọi chúng ta hãy có lòng thương xót giống như Ngài: Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ (Lc 6,36).

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng nhắc nhở các tín hữu trong Tông sắc về Năm Thánh Lòng Thương Xót của Thiên Chúa: Lòng thương xót là con đường liên kết Thiên Chúa với con người, vì mở rộng tâm hồn cho niềm hy vọng được yêu thương mãi mãi, mặc dù có những giới hạn do tội lỗi chúng ta; lòng thương xót là luật căn bản ngự trị ở trong tâm hồn mỗi người đang nhìn chân thành vào đôi mắt của anh chị em mình trên đường đời; là xà nhà nâng đỡ cuộc sống của Giáo Hội; là lý tưởng sống và là tiêu chuẩn xác định xem niềm tin của chúng ta có đáng tín nhiệm hay không (số 02). Chúa Giêsu khẳng định rằng lòng thương xót không chỉ là một hành động của Chúa Cha, nó trở thành một tiêu chuẩn để xác thực ai là con cái thật sự của Ngài. Nói vắn tắt, chúng ta được mời gọi để tỏ lòng thương xót vì lòng thương xót đã được thể hiện ra cho chúng ta trước (số 09).

Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng lòng thương xót không phải là một dấu chỉ sự yếu nhược, nhưng đúng hơn là phẩm tính toàn năng của Thiên Chúa. Trong Chúa Giêsu, tất cả đều nói về lòng thương xót và sự cảm thương, vì con người của Chúa Giêsu không gì khác hơn là tình thương, một tình thương trao ban. Tình yêu của Thiên Chúa che chở chúng ta, đem lại cho chúng ta sự bình an. Đối với Ngài, chúng ta là những người con yêu dấu. Trong đôi mắt Ngài, từng người chúng ta thật quý giá. Vì quý giá nên Ngài gìn giữ chúng ta và ban cho chúng ta sự bình an.

Sự công chính và công lý ở trong một thế giới bất công, đã là một hành động của lòng thương xót đối với những người thấp cổ bé miệng. Như vậy, sứ điệp của lòng thương xót không phải là một ân ban rẻ tiền. Thiên Chúa cũng chờ đợi nơi con người chúng ta hành động đúng đắn theo luật lệ và sự công chính: Ta chỉ muốn cho lẽ phải như nước tuôn trào, cho công lý như dòng suối không bao giờ cạn (Am 5, 24). Như thế, lòng thương xót không đối nghịch với sự công chính và công lý. Trong lòng thương xót, Thiên Chúa dừng cơn giận dữ của Ngài lại, và ban tặng cho con người những cơ hội mới để sám hối ăn năn trở về. Cuối cùng, lòng thương xót là ân sủng giúp con người ý thức ăn năn sám hối trở về với Đấng yêu thương.

Linh đạo về Chúa Ba Ngôi của Dòng Ngôi Lời mời gọi tất cả các tu sĩ hãy mở tung bức màn khép kín che phủ tấm lòng mình để đến với người khác; hãy phá đổ bức tường ngăn cách giữa mọi người với nhau; hãy ra đi và sống, tiếp đón mọi người không loại trừ bất kì ai, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo, chức quyền, màu da, sắc tộc, văn hóa…; hãy đem niềm vui và hy vọng đến cho người khác; hãy dũng cảm trước nỗi đau khổ của anh chị em đồng loại, và sống tình yêu thương hiệp nhất trong tình yêu của Chúa Ba Ngôi; hãy yêu như Chúa đã yêu.

Trong thực tế, để yêu thương, tha thứ và đồng cảm với những người đau khổ ngay bên cạnh mình như Chúa đã yêu, đã sống thật không dễ, đòi hỏi mỗi người cần có sự hy sinh từ bỏ tận căn và chấp nhận, yêu mến nhau như chính mình. Cần phải có đời sống cầu nguyện, nội tâm sâu sắc, kết hợp mật thiết với Chúa thì mới có thể thực thi điều Chúa dạy. Khi đó, chính Chúa Thánh Thần sẽ hoạt động chứ không phải cá nhân người đó.

Khi tiếp xúc với người đang rơi vào tình trạng khốn cùng của cuộc sống, thật khó để có thể hiểu hay giúp đỡ họ cầu nguyện khi chính bản thân chúng ta chưa gặp phải hoàn cảnh đó hay chưa có đủ lòng thương yêu. Những lúc đó, chỉ có thể hướng họ học nơi Chúa Giêsu, cách Ngài cầu nguyện trong ngày Chúa bị tử nạn trong vườn Ghếtsêmani – ngày đen tối nhất cuộc đời Ngài.

Bạn và tôi đừng sợ, dù phải bước đi trong màn đêm u tối. Trong đêm đen của cuộc đời, đừng quên cầu nguyện, đừng quên chạy đến với lòng thương xót của Thiên Chúa, đừng bao giờ sợ hãi đến nỗi vung tay ra khỏi bàn tay Chúa. Ngài là nguồn của ánh sáng đang nắm lấy đôi tay nhỏ bé của mỗi người, ngay trong đêm đen đang phủ lấp cuộc đời. Ngài ở đó và Ngài biết tất cả. Đừng lo toan quá sức đến nỗi không để Chúa là Đấng chăn chiên lo cho chúng ta. Có Ngài ở bên và chăm lo, mọi giây phút của cuộc đời chúng ta sẽ được bình an và hạnh phúc.

 

Bài trướcThư chung của Hội nghị Mục vụ Di dân 2019 gửi anh chị em Công Giáo xa quê
Bài tiếp theoHọc Viện Ngôi Lời Khai Giảng Năm Học Mới 2019 – 2020

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.