Thường Niên – Tuần IV – Năm C

0
399

Chúa Nhật – Ngày 3 – Tháng 2

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN IV

Bài đọc 1 : Gr 1,4-5,17-19;

Bài đọc 2 : 1Cr 12,31-13,13

Tin Mừng : Lc 4,21-30

Hôm ấy, tại hội đường Nadarét, sau khi đọc sách ngôn sứ Isaia, Người bắt đầu nói với họ: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe.” Mọi người đều tán thành và thán phục những lời ân sủng từ miệng Người nói ra.

Họ bảo nhau: “Ông này không phải là con ông Giuse đó sao? Người nói với họ: “Hẳn là các ông muốn nói với tôi câu tục ngữ: Thầy lang ơi, hãy chữa lấy mình! Tất cả những gì chúng tôi nghe nói ông đã làm tại Caphácnaum, ông cũng hãy làm tại đây, tại quê ông xem nào!” Người nói tiếp: “Tôi bảo thật các ông: không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình.” […]

 

NGÔN SỨ

Dân làng Nadarét hôm ấy đã tỏ ra nghi ngờ Đức Giêsu vì họ chỉ đặt Người vào vị trí của một người con của quê hương mà không chịu nhận ra nơi Người một bản tính khác, trong tư cách là một ngôn sứ. Họ thán phục đó, trầm trồ đó, nhưng tuyệt nhiên không tin vào Người. Sự cố chấp của họ đã ngăn cản họ tiến vào hành trình đức tin, để rồi chính Đức Giêsu phải ngán ngẩm thốt lên: “Không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình” (Lc 4, 24b). Sự thật là Người đã thất bại trong việc làm cho dân làng mình nhận ra sứ điệp Tin Mừng, chỉ vì họ khước từ tư cách ngôn sứ của Người.

Nơi các giáo phận, thường thường các đức giám mục sẽ không sai các linh mục về các xứ đạo đồng hương. Nguyên do có lẽ là người đồng hương biết rõ vị linh mục, để rồi lời giảng dạy của ngài có thể không được đón nhận đúng tầm mức quan trọng của nó.

Dù thế nào thì sứ vụ ngôn sứ của người môn đệ Đức Giêsu vẫn cứ phải thi hành, dù là nơi quê hương hay nơi vùng xa xôi hẻo lánh, dù sứ điệp được tiếp nhận hay chính người rao giảng bị khước từ. Bởi lẽ, ngôn sứ của Thiên Chúa không phải là người đi tìm đồng minh. Họ cũng không phải là người đi tìm sự thành công và sự tán dương của người khác. Tất cả những điều ấy các ngôn sứ bao đời đã không làm và chính Đức Giêsu cũng đã không làm. Tất cả những gì các ngài làm là thi hành ý muốn của Thiên Chúa và sứ điệp của Ngài được loan đi bằng mọi giá. Như thế,  người ngôn sứ hôm nay cũng phải chấp nhận thử thách và dám đi ngược lại nguyện vọng thỏa mãn chính mình, chỉ để Lời Chúa được rao giảng.

Lạy chúa, xin thêm sức cho tất cả những ai mang trong mình sứ mạng ngôn sứ để họ biết trung thành loan đi lời của Thiên Chúa. Amen.

Tu sĩ Phêrô Nguyễn Hữu Liêm Chánh, SVD

 

Thứ Hai – Ngày 4 – Tháng 2

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN IV

Bài đọc : Hr 11,32-40

Tin Mừng : Mc 5,1-20

Khi ấy, Đức Giêsu và các môn đệ sang bờ bên kia Biển Hồ, vùng đất của dân Ghêrasa. Người vừa ra khỏi thuyền, thì từ đám mồ mả, có một kẻ bị thần ô uế ám liền ra đón Người. Anh này thường sống trong mồ mả và không ai có thể trói anh ta lại được, dầu phải dùng đến cả xiềng xích. Thật vậy, nhiều lần anh bị gông cùm và bị xiềng xích, nhưng anh đã bẻ gãy xiềng xích, và đập tan gông cùm. Và không ai có thể kiềm chế anh được. Suốt đêm ngày, anh cứ ở trong đám mồ mả và trên núi đồi, tru tréo và lấy đá rạch mình. Thấy Đức Giêsu tự đằng xa, anh ta chạy đến bái lạy Người và kêu lớn tiếng rằng: “Lạy ông Giêsu, con Thiên Chúa Tối Cao chuyện tôi can gì đến  ông? Nhân danh Thiên Chúa, tôi van ông đừng hành hạ tôi!” Thật vậy, Đức Giêsu đã bảo nó: “Thần ô uế kia xuất khỏi người này!” Người hỏi nó: “Tên ngươi là gì?” Nó thưa: “Tên tôi là một đạo binh, vì chúng tôi đông lắm.” Nó khẩn khoản nài xin Người đừng đuổi chúng ta khỏi vùng ấy. Ở đó có một bầy heo rất đông đang ăn bên sườn núi. Đám thần ô uế  nài xin  Người rằng: “Xin sai chúng tôi đến nhập vào những con heo kia”. Người cho phép. Chúng xuất khỏi người đó và nhập vào bầy heo. Cả bầy heo chừng hai  ngàn con, từ trên sườn núi lao xuống biển và chết ngộp dưới đó. Các kẻ chăn heo bỏ chạy, loan tin trong thành và thôn xóm.  […]

CẬY DỰA VÀO CHÚA

Bài Tin Mừng hôm nay cho ta thấy hình ảnh một người bị quỷ ám thường sống trong mồ mả và không ai có thể trói anh ta lại được, dầu phải dùng đến cả xiềng xích. Anh đã ở trong bóng tối từ lâu vì sự khống chế của thần ô uế, nhưng cuối cùng được Đức Giêsu giải thoát.

Thần ô uế này là một đạo binh, một sức mạnh ghê gớm, mạnh đến nỗi có thể “bẻ gãy xiềng xích và đập tan gông cùm.” Tuy nhiên, khi gặp Đức Giêsu, chúng hoàn toàn bị khuất phục ngay lập tức; thậm chí chúng phải van xin Người cho phép chúng ra khỏi vùng ấy. Qua đây ta thấy rằng Đức Giêsu là Đấng có thẩm quyền, có thể ra lệnh cho cả thần ô uế vì Người là Con Thiên Chúa thật.

Mang thân phận tội lỗi, con người dễ hướng về bóng tối, thích bóng tối hơn ánh sáng. Mỗi người có thể có một sức mạnh sự dữ bên trong chờ đợi ta sơ hở để có thể tấn công. Tự sức mình, con người khó có thể chiến thắng sức mạnh sự dữ. Vì thế, mỗi người chúng ta cần lấy Đức Kitô làm trung tâm, lấy sức mạnh của Đức Kitô làm vũ khí chống lại sự dữ, để được tự do chọn lựa những gì đúng đắn.

Lạy Chúa Giêsu, ngày xưa Ngài đã đối đầu với ma quỷ và chinh phục nó, thì giờ đây xin thêm sức và đồng hành cùng con trong từng bước chân truyền giáo để con chu toàn các việc bổn phận và vượt thắng được các cơn cám dỗ của ma quỷ.

Tu sĩ Phêrô Kỳ Khắc Chí, SVD

 

Thứ Ba – Ngày 5 – Tháng 2

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN III

MỒNG MỘT TẾT NGUYÊN ĐÁN KỶ HỢI

CẦU BÌNH AN CHO NĂM MỚI

Bài đọc 1 : St 1,14-18;

Bài đọc 2 : Pl 4,4-8

Tin Mừng : Mt 6,25-34

Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Thầy bảo cho anh em biết: đừng lo cho mạng sống: lấy gì mà ăn; cũng đừng lo cho thân thể: lấy gì mà mặc. Mạng sống chẳng trọng hơn của ăn, và thân thể chẳng trọng hơn áo mặc sao? Hãy xem chim trời: chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho; thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng. Anh em lại chẳng quý giá hơn chúng sao? Hỏi có ai trong anh em, nhờ lo lắng, mà kéo dài đời mình thêm được dù chỉ một gang tay? Còn về áo mặc cũng thế, lo lắng làm gì? Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng mọc lên thế nào: chúng không làm lụng, không kéo sợi; thế mà, Thầy bảo cho anh em biết: ngay cả vua Salômôn, dù vinh hoa tột bậc, cũng không mặc đẹp bằng một bông hoa ấy.” […]

ĐỪNG LO LẮNG VỀ NGÀY MAI

Ngày đầu năm, mọi người thường chúc nhau sức khỏe, bình an, thịnh đạt và những lời chúc tốt đẹp khác. Ai cũng muốn lời chúc được hiện thực, tức là mong muốn mọi điều tốt đẹp đến cho nhau suốt cả năm. Phải chăng nhờ lo lắng mà cả năm được bình an?

Trước khi có mọi sự tốt lành khác thì bình an phải là điều kiện cần có đầu tiên. Có bình an con người sẽ có được những thứ khác, vì nó là gốc của mọi điều tốt lành khác. Như Chúa Giêsu đã dạy: “Thầy bảo cho anh em biết: đừng lo cho mạng sống: lấy gì mà ăn; cũng đừng lo cho thân thể: lấy gì mà mặc. Mạng sống không trọng hơn của ăn, và thân thể không trọng hơn áo mặc sao?”

Mạng sống và thân thể được bình an thì chắc chắn sẽ làm ra được nhiều thứ tốt đẹp trong cuộc sống. Nếu ngày đầu năm có chúc nhau làm ăn phát đạt, thì cũng từ thân thể và mạng sống bình an khỏe mạnh mới có thể thực hiện được lời chúc. Dẫu vậy, cái lo lắng hằng ngày thường làm cho người ta quên mất đi cái chính yếu mà mình đang có đó là “mạng sống và thân thể.” Chúa nhắc chúng ta nhìn về điều chính yếu Chúa ban cho đó là mạng sống, cái mà con người không thể làm ra, không kéo dài mà cũng không thể rút ngắn dược. Tuy nhiên, Chúa dạy “Cha anh em trên trời thừa biết anh em cần gì” không có nghĩa là phó mặc cho Chúa quan phòng tất cả.., nhưng Chúa muốn dạy chúng ta phải biết nỗ lực hết sức để cộng tác với Chúa trong niềm tin tưởng Chúa sẽ chúc lành.

Nguyện xin Chúa ban phúc lành cho chúng con một năm mới bình an, và xin cho chúng con cảm nghiệm những ơn Chúa ban để bớt đi những lo lắng và biết phó thác trong sự quan phòng của Chúa.

Lm. Phêrô Đỗ Cao Cương, SVD

 

Thứ Tư – Ngày 6 – Tháng 2

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN IV

MỒNG HAI TẾT

Kính nhớ Ông Bà Tổ Tiên

Bài đọc 1 : Hc 44,1.10-15

Bài đọc 2 : Ep 6,1-4.18-23

Tin Mừng : Mt 15,1-6

Bấy giờ có mấy người Pharisêu và mấy kinh sư từ Giêrusalem đến gặp Đức Giêsu và nói rằng: “Sao môn đệ ông vi phạm truyền thống của tiền nhân, không chịu rửa tay khi dùng bữa?” Người trả lời: “Còn các ông, tại sao các ông dựa vào truyền thống của các ông mà vi phạm điều răn của Thiên Chúa? Quả thế, Thiên Chúa dạy: Ngươi hãy thờ cha kính mẹ; kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử. Còn các ông, các ông lại bảo : ‘Ai nói với cha với mẹ rằng: những gì con có để giúp cha mẹ, đều là lễ phẩm dâng cho Chúa rồi, thì người ấy không phải thờ cha kính mẹ nữa.’ Như thế, các ông dựa vào truyền thống của các ông mà huỷ bỏ lời Thiên Chúa.”

 

GIỮ ĐIỀU RĂN CHÚA

 

Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại cuộc tranh luận giữa Chúa Giêsu và những người Pharisêu. Trong khi những người Pharisêu thắc mắc việc các môn đệ Chúa Giêsu không chịu rửa tay khi dùng bữa, thì Chúa Giêsu lại lên án họ vì không giữ điều răn của Thiên Chúa về chữ hiếu.

Theo cái nhìn của Chúa Giêsu thì những người Pharisêu đã “dựa vào truyền thống của tiền nhân mà vi phạm điều răn của Thiên Chúa”. Cụ thể, họ chỉ chăm chú giữ truyền thống tiền nhân là đòi buộc rửa tay trước khi ăn mà lơ là bổn phận thờ cha kính mẹ là điều răn của Chúa.

Việc rửa tay trước khi ăn là một truyền thống tốt đẹp, nhưng xét cho cùng đó cũng chỉ là qui định của con người. Trái lại, việc thảo kính cha mẹ là điều răn của Thiên Chúa; thậm chí kẻ nào nguyền rủa cha mẹ thì phải bị xử tử (x. Mt 15,5; Lv 20,9). Vì thế, người ta không thể chối từ thực hiện giới răn thảo hiếu đối với cha mẹ; thậm chí không được lấy cớ “dâng lễ phẩm cho Chúa” mà thoái thác việc “phải thờ kính cha mẹ”.

Nhìn lại cuộc sống, đôi khi chúng ta cũng dùng những lý do nhỏ để thoái thác việc lớn; dùng những việc phụ thuộc để lơ là bổn phận quan trọng; dùng những lý do của loài người, để không tuân giữ giới răn của Thiên Chúa; dùng lý lẽ của phàm nhân để chối từ thực hiện những bổn phận đối với Thiên Chúa.

Lạy Chúa, xin ban cho chúng con trí khôn ngoan để biết phân định tốt, xấu mà biết chọn lựa điều hay lẽ phải; biết đặt giới răn Chúa lên trên những suy nghĩ và toan tính theo kiểu con người, để ưu tiên thực hiện ý Chúa nhiệm mầu hơn là ý riêng giới hạn của chúng con.

Tu sĩ Phaolô A Hóa, SVD

 

Thứ Năm – Ngày 7 – Tháng 2

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN IV

MỒNG BA TẾT

Thánh Hóa Công Ăn Việc Làm

Bài đọc 1 : St 2,4b-9.15

Bài đọc 2 : Cv 20,32-35

Tin Mừng : Mt 25,14-30

Bấy giờ, Đức Giêsu kể cho các môn đệ nghe dụ ngôn này: “Người kia sắp đi xa, liền gọi đầy tớ đến mà giao phó của cải mình cho họ. Ông cho người này năm yến, người kia hai yến, người khác nữa một yến, tuỳ khả năng riêng mỗi người. Rồi ông ra đi. Lập tức, người đã lãnh năm yến lấy số tiền ấy đi làm ăn buôn bán, và gây lời được năm yến khác. Cũng vậy, người đã lãnh hai yến gây lời được hai yến khác. Còn người đã lãnh một yến thì đi đào lỗ chôn giấu số bạc của chủ. Sau một thời gian lâu dài, ông chủ đến tính sổ với các đầy tớ và thanh toán sổ sách với họ. Người đã lãnh năm yến tiến lại gần, đưa năm yến khác, và nói: “Thưa ông chủ, ông đã giao cho tôi năm yến, tôi đã gây lời được năm yến khác đây.” Ông chủ nói với người ấy: “Khá lắm! hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành! Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao nhiều cho anh. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh!” […]

TÂM TÌNH ĐẦU XUÂN

“Anh đúng là tôi tớ tài giỏi và trung thành” (Mt 25,21). Lời ông chủ nói với người đầy tớ là câu đánh động tôi trong đoạn Tin Mừng theo thánh Mátthêu hôm nay. Đó không chỉ là lời động viên mà còn như lời khẳng định cho niềm tin mà anh đã tạo được khi chu toàn trách nhiệm được giao phó.

Trong cuộc sống, việc lao động giúp con người có thể sinh tồn và sống tương quan với mọi người. Câu tục ngữ: “Tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ” từ ngàn đời nay vẫn nguyên giá trị. Đó mới là sự chăm sóc về mặt thể lý; việc chăm sóc tâm hồn giúp ta sống hạnh phúc đích thực lại cần thiết hơn biết dường nào. Mỗi ngày, tôi đang tích luỹ cho mình những kinh nghiệm thiêng liêng cần thiết cho bản thân. Đó sẽ là hành trang không thể thiếu cho tôi trong sứ vụ tương lai để có thể “hưởng niềm vui” nhà Chúa.

Hôm nay cũng là mồng ba Tết, ngày cầu nguyện cho công ăn việc làm. Tôi sinh trưởng tại Đăk Lăk, nơi người dân chủ yếu gắn bó với nghề nông qua việc trồng những loại cây nông nghiệp dài ngày như cà phê và tiêu. Trong những năm gần đây, thời tiết thất thường cùng với những sự biến động của thị trường đã khiến bà con đón Tết trong lo lắng. Dẫu vậy, trong niềm hy vọng về những điều tốt đẹp, mọi người vẫn chung lòng nguyện ước cho năm mới được nhiều phúc lành của Chúa. Ước mong sao năm nay mưa thuận gió hòa để mọi người cùng đón năm mới trong niềm an vui và hạnh phúc vì có Chúa là mùa xuân.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho con mỗi ngày thêm khiêm nhường và hăng say chu toàn công việc bổn phận trong tin yêu; đồng thời xin giúp con thăng tiến trong ân thánh.

Tu sĩ Giuse Tạ Quang Duy, SVD

Thứ Sáu- Ngày 8 – Tháng 2

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN IV

Bài đọc : Hr 13,1-8

Tin Mừng :  Mc 6,14-29

[…] Thật vậy, vua Hêrôđê biết ông Gioan là người công chính thánh thiện, nên sợ ông, và còn che chở ông. Nghe ông nói, nhà vua rất phân vân, nhưng lại cứ thích nghe. Một ngày thuận lợi đến: nhân dịp mừng sinh nhật của mình, vua Hêrôđê mở tiệc thết đãi bá quan văn võ và các thân hào miền Galilê. Con gái bà Hêrôđia vào biểu diễn một điệu vũ, làm cho nhà vua và khách dự tiệc vui thích. Nhà vua nói với cô gái: “Con muốn gì thì cứ xin, ta sẽ ban cho con.” Vua lại còn thề: “Con xin gì, ta cũng cho, dù một nửa nước của ta cũng được.” Cô gái đi ra hỏi mẹ: “Con nên xin gì đây?” Mẹ cô nói: “Đầu Gioan Tẩy Giả.” Lập tức cô vội trở vào đến bên nhà vua và xin rằng: “Con muốn ngài ban ngay cho con cái đầu ông Gioan Tẩy Giả, đặt trên mâm.” Nhà vua buồn lắm, nhưng vì đã trót thề, lại thề trước khách dự tiệc, nên không muốn thất hứa với cô. Lập tức, vua sai thị vệ đi và truyền mang đầu ông Gioan tới. Thị vệ ra đi, chặt đầu ông ở trong ngục, bưng đầu ông trên một cái mâm trao cho cô gái, và cô gái trao cho mẹ. Nghe tin ấy, môn đệ đến lấy thi hài ông và đặt trong một ngôi mộ. […]

HÃY SỐNG THEO SỰ THẬT

Xã hội ngày nay có rất nhiều biến động, mọi thứ dường như bị đảo lộn, thật giả lẫn lộn, đúng sai khó phân biệt. Vì thế, mỗi người chúng ta được mời gọi hãy sống theo sự thật và làm chứng cho chân lý,  lẽ phải.

Người ta thường nói sự thật thì mất lòng. Sự thật là chuyện rất khó nói, và người dám nói sự thật thường gặp bất lợi. Điển hình trong trường hợp của Gioan Tẩy giả mà bài Tin Mừng hôm nay đề cập đến. Trước sự loạn luân của vua Hêrôđê, lương tâm của vị ngôn sứ đã thúc đẩy Gioan lên tiếng can ngăn và tố cáo những hành vi sai trái của nhà vua. Vì lên tiếng cho sự thật, ông đã bị vua chém đầu. Ông Gioan đã cho thấy vai trò ngôn sứ bằng một thái độ can đảm, mạnh mẽ và bất khuất; trước quyền lực, ông dám nói sự thật, dám bảo vệ công lý, cho dù sự thật đó dẫn ông đến tù đày và cái chết.

Cuộc sống ngày nay rất cần tiếng nói ngôn sứ, tiếng nói của sự thật. Khi chúng ta dám nói lên sự thật là chúng ta đang giới thiệu Chúa cho mọi người. Khi nói lên sự thật, và làm chứng cho sự thật thì chúng ta sẽ bị thiệt thòi, bị chống đối, bị hãm hại. Khi chúng ta sống theo sự thật, thì chúng ta đến cùng ánh sáng (x. Ga 3,21), và sự thật sẽ giải phóng chúng ta khỏi sự dữ, sự xấu (x. Ga 8,32). Một khi chúng ta e ngại và sợ hãi, không đủ can đảm nói thật và sống thật, thì chúng ta đang đi xa Chúa và đường lối sự thật của Ngài.

Lạy Chúa Giêsu là Đường là Sự Thật và là Sự Sống, xin cho chúng con biết vượt qua sự yếu đuối của bản thân, biết tôn trọng sự thật, và sống vì sự thật.

Tu sĩ Giuse Mai Văn Dương, SVD

 

Thứ Bảy – Ngày 9 – Tháng 2

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN IV

Bài đọc : Hr 13,15-17.20-21

Tin Mừng : Mc 6,30-34

Khi ấy, các Tông Đồ tụ họp chung quanh Đức Giêsu, và kể lại cho Người biết mọi việc các ông đã làm, và mọi điều các ông đã dạy. Người bảo các ông: “Chính anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút.” Quả thế, kẻ lui người tới quá đông, nên các ông cũng chẳng có thì giờ ăn uống nữa. Vậy, thầy trò xuống thuyền đi lánh riêng ra một nơi hoang vắng. Thấy các ngài ra đi, nhiều người hiểu ý, nên từ khắp các thành, họ cùng nhau theo đường bộ chạy đến nơi, trước cả các ngài. Ra khỏi thuyền, Đức Giêsu thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt. Và Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều.

CHẠNH LÒNG THƯƠNG

 Ngày nay có một thực tế trái ngược: một đàng, con người đang cố gắng làm ra những cỗ máy sao cho thật giống người cả về mặt tình cảm lẫn trí tuệ; đàng khác, con người đã và đang đào tạo con người thành những “cỗ máy” vô cảm trước những hoàn cảnh của đồng loại. Bài Tin Mừng hôm nay lại phác hoạ cho chúng ta một hình ảnh rất khác về Thiên Chúa: đó là Đấng nhân từ và luôn xót thương hết thảy mọi người

Chúa Giêsu đã chạnh lòng thương mà ở lại dạy dỗ cho đám đông dân chúng vì nhận thấy họ đang thiếu vắng và cần một mục tử thực sự để lãnh đạo họ. Vì thiếu mục tử nên họ như đàn chiên đang đói khát và sống lay lắt. Họ đói khát vì phải sống trong cảnh “một cổ hai tròng” khi đồng thời phải chịu sự thống trị tàn bạo của các tổng trấn La Mã và chính quyền nhà nước Do Thái bù nhìn. Và có lẽ họ cũng đói khát cả về mặt tinh thần khi các chức sắc Do Thái giáo áp đặt lề luật một cách giáo điều trên họ, không đáp ứng được khát vọng của tâm hồn họ.

Trong cuộc sống hằng ngày tôi đã bắt gặp biết bao nhiêu mảnh đời bất hạnh đang cần đến sự giúp đỡ. Họ chính là hiện thân của Chúa; họ chính là những người Chúa gởi đến cho tôi để tôi bày tỏ lòng xót thương cho chính Chúa, bởi Chúa đã nói “những gì các ngươi làm cho một trong những kẻ bé mọn này là làm cho chính ta vậy” (Mt 25, 31-46). Thế nhưng cũng biết bao lần tôi thờ ơ hay từ chối giúp đỡ tha nhân mặc dầu tôi có thể.

Qua mẫu gương của Đức Giêsu, Đấng giàu lòng thương xót, tôi được kêu mời tới kín múc lòng thương xót từ Thiên Chúa để có thể sẻ chia lòng thương xót Chúa cho tha nhân.

Lạy Chúa, xin cho con có được trái tim và bàn tay của Chúa để  con luôn sẵn lòng giúp đỡ tha nhân, vì khi con làm điều ấy chính là lúc con giúp đỡ cho chính Chúa và cho phần rỗi của con vậy.

Tu sĩ Giuse Nguyễn Văn Đạt, SVD

Bài trướcLời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật 4 Thường Niên – Năm C
Bài tiếp theoGiáo xứ Mỹ Sơn: Ăn Tết với những người có hoàn cảnh khó khăn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.