Lời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật 4 Thường Niên – Năm C

0
682

Bài Ðọc I: Gr 1, 4-5, 17-19

“Ta sẽ đặt ngươi làm tiên tri trong các dân tộc”.

Trích sách Tiên tri Giêrêmia.

Trong thời vua Giosia, lời Chúa phán cùng tôi rằng: “Trước khi Ta tạo thành ngươi trong lòng mẹ, Ta đã biết ngươi, và trước khi ngươi ra khỏi lòng mẹ, Ta đã hiến thánh ngươi. Ta đã đặt ngươi làm tiên tri trong các dân tộc.

Vậy phần ngươi, ngươi hãy thắt lưng, hãy chỗi dậy, và nói cho họ biết tất cả những điều Ta truyền dạy cho ngươi. Ðừng run sợ trước mặt họ, vì Ta không làm cho ngươi kinh hãi trước mặt họ. Hôm nay Ta làm cho ngươi nên một thành trì vững chắc, một cậy cột bằng sắt, một vách thành bằng đồng trước mặt các vua Giuđa, các hoàng tử, các tư tế và dân chúng xứ này. Họ sẽ chiến đấu chống ngươi, nhưng họ không thắng được ngươi, vì Ta ở với ngươi để giải thoát ngươi”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 70, 1-2. 3-4a. 5-6ab. 15ab và 17

Ðáp: Miệng con sẽ loan truyền sự Chúa công minh (c. 15a).

Xướng: 1) Lạy Chúa, con tìm đến nương nhờ Ngài, xin đừng để con tủi hổ muôn đời; theo đức công minh Chúa, xin cứu nguy và giải thoát con, xin ghé tai về bên con và giải cứu. – Ðáp.

2) Xin trở nên thạch động để con dung thân, và chiến luỹ vững bền hầu cứu độ con: vì Chúa là Ðá Tảng, là chiến luỹ của con. Lạy Chúa con, xin cứu con thoát khỏi tay đứa ác. – Ðáp.

3) Bởi Ngài là Ðấng con mong đợi, thân lạy Chúa. Lạy Chúa, Ngài là hy vọng của con tự hồi thanh xuân. Ngay từ trong bụng mẹ, con đã nép mình vào Chúa; từ trong thai mẫu, Chúa là Ðấng bảo vệ con, con đã luôn luôn cậy trông vào Chúa. – Ðáp.

4) Miệng con sẽ loan truyền sự Chúa công minh, và suốt ngày kể ra ơn Ngài giúp đỡ. Lạy Chúa, Chúa đã dạy con từ hồi niên thiếu, và tới bây giờ con còn kể (ra) những sự lạ của Ngài. – Ðáp.

Bài Ðọc II: 1 Cr 12, 31 – 13, 13 (bài dài)

“Ðức tin, đức cậy, đức mến vẫn tồn tại, nhưng đức mến là trọng hơn cả”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, anh em hãy cầu mong những ơn cao trọng hơn. Và tôi chỉ bảo cho anh em một con đường hoàn hảo nhất. Nếu tôi nói được các tiếng của loài người và thiên thần, mà tôi không có bác ái, thì tôi chỉ là tiếng đồng la vang dội hoặc não bạt vang động. Và nếu tôi được nói tiên tri, thông biết mọi mầu nhiệm và mọi khôn ngoan; nếu tôi có đầy lòng tin, đến nỗi chuyển dời được núi non, mà không có bác ái, thì tôi vẫn là không. Nếu tôi phân phát mọi của cải tôi có để nuôi kẻ nghèo khó, nếu tôi nộp mình để chịu thiêu đốt, mà tôi không có bác ái, thì không làm ích gì cho tôi.

Bác ái thì kiên tâm, nhân hậu. Bác ái không đố kỵ, không khoác lác, không kiêu hãnh, không ích kỷ, không nổi giận, không suy tưởng điều xấu, không vui mừng trước bất công, nhưng chia vui cùng chân lý, tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, trông cậy tất cả, chịu đựng tất cả.

Bác ái không khi nào qua đi. Ơn tiên tri sẽ bị huỷ diệt, ơn ngôn ngữ sẽ chấm dứt, ơn thông minh sẽ biến mất. Vì chưng chúng ta hiểu biết có giới hạn, chúng ta nói tiên tri có giới hạn, nhưng khi điều vẹn toàn đến, thì điều có giới hạn sẽ biến đi. Khi còn bé nhỏ, tôi nói như trẻ nhỏ, suy tưởng như trẻ nhỏ, lý luận như trẻ nhỏ; nhưng khi tôi đã trưởng thành, tôi loại bỏ những gì là trẻ nhỏ. Hiện giờ, chúng ta thấy mờ mịt như qua tấm gương, nhưng lúc bấy giờ, diện đối diện. Hiện giờ tôi biết có giới hạn, nhưng lúc bấy giờ, tôi sẽ biết như tôi được biết. Hiện giờ, đức tin, đức cậy, đức mến, tất cả ba đều tồn tại, nhưng trong ba nhân đức, đức mến là trọng hơn cả.

Ðó là lời Chúa.

Hoặc đọc bài vắn này: 1 Cr 13, 4-13

“Ðức tin, đức cậy, đức mến vẫn tồn tại, nhưng đức mến là trọng hơn cả”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Bác ái thì kiên tâm, nhân hậu. Bác ái không đố kỵ, không khoác lác, không kiêu hãnh, không ích kỷ, không nổi giận, không suy tưởng điều xấu, không vui mừng trước bất công, nhưng chia vui cùng chân lý, tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, trông cậy tất cả, chịu đựng tất cả.

Bác ái không khi nào qua đi. Ơn tiên tri sẽ bị huỷ diệt, ơn ngôn ngữ sẽ chấm dứt, ơn thông minh sẽ biết mất. Vì chưng chúng ta hiểu biết có giới hạn, chúng ta nói tiên tri có giới hạn, nhưng khi điều vẹn toàn đến, thì điều có giới hạn sẽ biến đi. Khi còn bé nhỏ, tôi nói như trẻ nhỏ, suy tưởng như trẻ nhỏ, lý luận như trẻ nhỏ; nhưng khi tôi đã trưởng thành, tôi loại bỏ những gì là trẻ nhỏ. Hiện giờ, chúng ta thấy mờ mịt như qua tấm gương, nhưng lúc bấy giờ, diện đối diện. Hiện giờ tôi biết có giới hạn, nhưng lúc bấy giờ, tôi sẽ biết như tôi được biết. Hiện giờ, đức tin, đức cậy, đức mến, tất cả ba đều tồn tại, nhưng trong ba nhân đức, đức mến là trọng hơn cả.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 6, 64b và 69b

Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, lời Chúa là thần trí và là sự sống; Chúa có lời ban sự sống. – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 4, 21-30

“Chúa Giêsu, như Êlia và Êlisê, không phải chỉ được sai đến với người Do-thái”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu bắt đầu nói trong hội đường rằng: “Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh mà tai các ngươi vừa nghe”. Mọi người đều làm chứng cho Người và thán phục Người về những lời từ miệng Người thốt ra, và họ nói: “Người này không phải là con ông Giuse sao?”

Và Người nói với họ: “Hẳn các ngươi sắp nói cho Ta nghe câu ngạn ngữ này: ‘Hỡi thầy thuốc, hãy chữa lấy chính mình!’ Ðiều chúng tôi nghe xảy ra ở Capharnaum, ông hãy làm như vậy tại quê hương ông'”. Người nói tiếp: “Quả thật, Ta bảo các ngươi, không một tiên tri nào được đón tiếp tại quê hương mình. Ta bảo thật với các ngươi, đã có nhiều bà goá trong Israel thời Elia, khi trời bị đóng lại trong ba năm sáu tháng, khi nạn đói lớn xảy ra khắp trong xứ; dầu vậy, Elia không được sai đến cùng một người nào trong các bà đó, nhưng được sai đến bà goá tại Sarepta thuộc xứ Siđon. Cũng có nhiều người phong cùi trong Israel thời tiên tri Elisêô, thế mà không người nào trong họ được lành sạch cả, ngoại trừ Naaman, người Syria”.

Khi nghe đến đó, mọi người trong hội đường đều đầy căm phẫn, họ chỗi dậy và trục xuất Người ra khỏi thành. Họ dẫn Người lên triền núi, nơi xây cất thành trì của họ, để xô Người xuống vực thẳm. Nhưng Người rẽ qua giữa họ mà đi.

Ðó là lời Chúa.


 

Bài giảng chủ đề:


 

SỨ MẠNG NGÔN SỨ

Lm. G. B. Nguyễn Văn Huân, SVD

Bài Tin Mừng hôm nay tường thuật việc Chúa Giêsu trở về làng quê Nadarét. Ngày Sabát, Người vào hội đường giải thích Kinh Thánh như một vị ngôn sứ đầy quyền năng: “Hôm nay ứng nghiệm Lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe” (Lc 4,21). Mọi người đều thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người (x. Lc 4,22). Mặt khác, những người đồng hương biết rõ về gốc tích của Người là “con ông Giuse”, nên họ coi thường và thử thách Người làm phép lạ nữa. Hiểu được suy nghĩ của họ, Chúa Giêsu đã không làm một phép lạ nào ở đó như họ yêu cầu, nên họ đã tức giận và đuổi Người ra khỏi thành (x. Lc 4,29). Qua Lời Chúa hôm nay, chúng ta cùng nhau suy gẫm về những phản ứng của người đồng hương Nadarét và sứ mạng ngôn sứ của Chúa Giêsu.

Phản Ứng Của Dân Làng Nadarét

Trước hết, phản ứng của những người đồng hương Nadarét với Chúa Giêsu thật lạnh nhạt. Lẽ ra họ phải vui mừng và hãnh diện khi thấy một người làng xóm của mình nổi tiếng trở về quê và được người ta ca tụng là Đấng có uy quyền trong lời giảng dạy: “Người giảng dạy như Đấng có uy quyền” (Mc 1,22), bởi “một người làm quan thì cả họ được cậy”. Nhưng họ chỉ thán phục Người ngoài môi miệng thôi. Có lần Chúa Giêsu phải thốt lên: “Dân này tôn kính Ta bằng môi miệngcòn lòng chúng thì lại xa Ta” (Mc 7,6).

Mặt khác, dân làng Nadarét coi thường Chúa Giêsu bởi họ biết rõ nguồn gốc của Người là “con bác thợ mộc Giuse”. Từ đó, họ nghi ngờ về lời giảng dạy và giáo huấn của Người. Thay vì khiêm tốn đón nhận sứ điệp của Người, họ lại đòi những dấu lạ như Người đã làm ở Caphácnaum (x. Lc 4,23). Trái lại, đối với Chúa Giêsu, dấu lạ không phải là một hình thức để biểu diễn hay ra oai, mà chỉ dành cho những người tin mà thôi. Vì thế, trước thái độ cứng lòng tin của dân làng Nadarét, Chúa Giêsu đã không làm một phép lạ nào tại đó khiến họ giận giữ và đuổi Người ra khỏi thành (x. Lc 4,29).

Quả thật, dân làng Nadarét chỉ mong chờ Chúa Giêsu mang lại cho họ những lợi lộc trước mắt theo ý họ, dành riêng cho họ mà thôi. Họ không thể chấp nhận được thực tế rằng vào thời ngôn sứ Êlia, Thiên Chúa đã từng nuôi sống một bà góa dân ngoại lúc xảy ra hạn hán và đói kém (x. Lc 4,25-26; 1 V 17,7-16). Hay vào thời ngôn sứ Êlisa, Thiên Chúa đã chữa lành một người dân ngoại khỏi bệnh phong hủi (x. Lc 4,27; 2 V 5,1-14). Chúa Giêsu dành phúc lộc cho những ai tin cậy nơi Người, chứ không hề thiên vị ai chỉ vì họ là người thân quen hay đồng hương với Người.

Thái độ khép kín và thành kiến, sự ghen tị, thiếu hiểu biết, thiếu khiêm nhường và sự cứng cỏi về lòng tin đã làm cho dân làng Nadarét mờ mắt nên không thể nhận ra Chúa Giêsu là Đấng Mêsia. Theo quan niệm của họ, Đấng Mêsia không thể sinh ra từ một gia đình nghèo ở miền quê nhỏ bé, cha mẹ và anh em rất bình thường đang sống với họ như vậy được; Trái lại, họ đang chờ một Đấng Mêsia toàn năng, đầy quyền lực, mạnh mẽ, oai hùng, giàu sang. Họ bị đóng khung trong một cái nhìn nào đó về Đức Kitô khác, nên họ đã không tin vào Chúa Giêsu là Thiên Chúa thật.

Sứ Mạng Ngôn Sứ Của Chúa Giêsu

Sứ mạng ngôn sứ của Chúa Giêsu tại quê hương xem như thất bại bởi Người không được đón tiếp như những nơi khác vì sự ghen tị và óc phán đoán hẹp hòi của họ. Người bị chối từ ngay tại nơi gần gũi, thân thương nhất của mình: “Người đã đến nhà mìnhnhưng người nhà chẳng chịu đón nhận” (Ga 1,11). Người cũng hiểu rõ rằng vai trò của một vị ngôn sứ nơi quê hương thường không được trọng dụng: “Không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình” (Lc 4,24).

Thật vậy, ngôn sứ không phải đến rao giảng để được mọi người tán thưởng, nhưng để làm chứng cho sự thật (x. Ga 18,37). Ngôn sứ thật không vâng lời người phàm mà chỉ vâng lời Thiên Chúa. Ngôn sứ là người nói lời Thiên Chúa và thực hiện sứ mệnh Người trao phó. Chính Chúa Giêsu đã xác định cuộc đời và sứ mạng của Người là “vâng theo ý Chúa Cha” và thực hiện chương trình cứu độ của Thiên Chúa Cha, cho dù bị từ chối hay loại trừ. Sứ mạng ngôn sứ của Chúa Giêsu cũng không gì các ngôn sứ trong Cựu Ước: Bị ngược đãi và có thể phải trả giá bằng chính mạng sống của mình.

Tuy nhiên, ngôn sứ không hề đơn độc bởi Thiên Chúa hứa ở cùng để trợ lực trong những lúc khó khăn, thử thách. Quả thế, khi đặt Giêrêmia làm ngôn sứ cho chư dân (x. Gr 1,5b), Thiên Chúa đã động viên ông hãy nói tất cả những gì Người truyền cho ông mà đừng run sợ (x. Gr 1,17). Qua sứ mạng ngôn sứ, Thiên Chúa làm cho ông Giêrêmia nên thành trì kiên cố, nên cột sắt tường đồng, để dù có phải chống lại cả xứ, ngay cả những kẻ quyền thế, họ cũng không thể làm gì được bởi có Thiên Chúa ở cùng để giải thoát ông (x. Gr 1,18-19). Số mạng của các ngôn sứ ở trong tay Thiên Chúa nên dù họ có bị ngược đãi và giết chết về phần xác, phần hồn họ luôn thuộc về Người.

Tóm lại, sứ điệp Lời Chúa hôm nay nhắn gởi mỗi người chúng ta hai điều. Thứ nhất, hãy có cái nhìn tích cực, không đố kỵ, không có thành kiến với tha nhân và trước những sự viêc mới lạ mà mình chưa biết đủ hay nghĩ tới. Đồng thời, Chúa cũng muốn chúng ta cũng biết khiêm tốn mở lòng ra để đón nhận anh chị em và những gì mình không yêu thích một cách chân thành và tôn trọng. Thứ hai, Chúa cũng mời gọi mỗi người chúng ta hãy trở thành ngôn sứ cho Chúa để nói lời yêu thương, lời chân thật, lời an ủi, cũng như lời cảnh báo, trách phạt cách thẳng thắn và công minh, dù có phải chấp nhận chịu thiệt thòi vì Chúa và Tin Mừng của Người.

Lạy Chúa Giêsu, xin dạy con biết tôn trọng, quên mình, quảng đại, yêu thương để đón nhận và đối xử tốt với cả những anh chị em nhỏ bé nhất trong cuộc sống hằng ngày. Xin cho con luôn can đảm nói lên tiếng nói ngôn sứ dù phải bị thiệt thòi hay chống đối để làm chứng cho Tin Mừng. Amen. 


SỨ MẠNG NGÔN SỨ

Lm. Đaminh Lê Văn Đức, SVD

Bài Tin Mừng trong Thánh lễ hôm nay nối tiếp tư tưởng Chúa Nhật tuần trước. Thánh Luca trình thuật cho chúng ta một sự thật phũ phàng, một lời tiên báo về sự chống đối và bách hại mà Chúa Giêsu sẽ trải qua trong sứ vụ rao giảng của Ngài.

Trong Chúa Nhật tuần trước, thánh Luca đã mượn lời ngôn sứ Isaia công khai tuyên bố về sứ vụ ngôn sứ của Chúa Giêsu. Ngài là Đấng Mêsia, Đấng được Chúa Cha thánh hóa và sai xuống trần gian với sứ mạng rao giảng Tin Mừng cứu độ: Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa(Lc 4,18-19).

Thánh Luca đã khéo léo nối kết hai sự kiện Chúa Giêsu công bố Ngài là Đấng Mêsia đến từ Thiên Chúa, với sự kiện Chúa Giêsu bị chống đối tại hội đường Nadarét để báo trước diễn tiến trong sứ vụ rao giảng trong viễn cảnh cuộc thương khó.

Sự cứng lòng tin của người dân Nadarét là nguyên nhân họ không nhận được một phép lạ nào. Việc Chúa Giêsu từ chối làm phép lạ trên quê hương mình ám chỉ đến việc hủy bỏ tính đặc quyền trong ơn cứu độ của dân Israel; vì vậy, dân chúng Nadarét nổi giận chống lại Người. Viễn tượng mở ra lời hứa cho dân ngoại đón nhận ơn cứu độ của Thiên Chúa.

Thật vậy, thánh Luca đã tập trung tất cả những yếu tố xảy ra trong hội đường Nadarét để báo trước những gì sẽ xảy ra trong sứ vụ rao giảng, nhất là trong cuộc thương khó của Chúa Giêsu. Thái độ phấn khởi của đám đông dân chúng với những lời ca tụng về Chúa Giêsu báo trước thái độ phấn khởi đầy vui mừng của đám đông dân chúng khi Ngài tiến vào Giêrusalem. Cơn phẫn nộ của đám đông dân chúng trong hội đường Nadarét báo trước cơn phẫn nộ của đám đông dân chúng trong cuộc thương khó. Đám đông dân chúng trong hội đường Nadarét muốn xô Ngài xuống vực thẳm để giết chết vì tức giận báo trước các thành viên của Thượng Hội Đồng Do Thái cũng sẽ lôi người ra khỏi thành và kéo người lên đỉnh núi để đóng đinh Ngài. Tất cả những diễn tiến đó để ứng nghiệm lời Kinh Thánh: “Như Môsê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy[…]. Phần Tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi” (Ga 12, 32).

Tất cả Cựu Ước chuẩn bị cho Chúa Cứu Thế đến. Các ngôn sứ thời Cựu Ước loan báo về Đấng Mêsia. Ngôn sứ Isaia loan báo về Đấng Mêsia người Tôi Trung của Thiên Chúa. Gioan Tẩy Giả chỉ cho dân thấy khi Người xuất hiện “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian” (Ga 1, 29).

Chúa Giêsu đến trần gian không chỉ để làm cho lời các ngôn sứ được ứng nghiệm, Ngài cũng là vị ngôn sứ đúng nghĩa nhất. Ngôn sứ vì tình yêu, một tình yêu lớn lao không gì so sánh được như  lời Chúa đã nói : “Không có tình yêu nào lớn lao hơn tình yêu của người dám thí mạng mình vì bạn hữu (x. Ga 15,13).

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay vừa nhắc nhở, vừa mời gọi chúng ta ý thức sứ mạng ngôn sứ được Chúa trao phó qua Bí Tích Thanh Tẩy, sứ mạng làm chứng cho Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô, sứ mạng đem Tin Mừng đến cho muôn dân, sứ mạng đem ánh sáng Tin Mừng đi vào đời sống xã hội. Đây là sứ mạng cao cả và vinh dự nhưng cũng đầy gian nan thử thách. Vì thế, chúng ta có thể đặt câu hỏi: Tôi phải loan báo Tin Mừng như thế nào? Một gợi ý trong thư của thánh Phaolô gửi giáo đoàn Côrintô trong bài đọc II hôm nay là sống đức ái. Điều này ai cũng có thể làm được nhưng có điều chúng ta có ý thức về sứ vụ của mình để làm hay không?

Những lời nói và việc làm vì đức ái đều có giá trị chứng nhân dù việc làm đó thành công hay thất bại. Sống đức ái đem lại niềm vui và bình an cho chính mình và tha nhân. Sống đức ái là chu toàn lề luật. Nói khác đi, chúng ta cần thực thi sứ vụ ngôn sứ qua đời sống chứng nhân của mình. Như lời thánh Giáo Hoàng Phaolô VI đã nói: “Người thời nay tin vào các chứng nhân hơn là thầy dạy, và nếu họ có tin vào thầy dạy là vì các thầy dạy ấy đã là những chứng nhân.”

 

Bài trướcLỜI SỐNG (Thứ Bảy, Tuần 3 TN)
Bài tiếp theoLời Chúa + Bài giảng ngày 2/2 – Dâng Chúa Giêsu trong Đền Thờ, lễ kính

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.