Chúa Nhật – Ngày 03 – Tháng 12
MÙA VỌNG – TUẦN I – NĂM B
Bài đọc 1 : Is 2, 1-5
Bài đọc 2 : Rm 13; 11-14
Tin Mừng : Mt 24, 37-44
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Quả thế, thời ông Nôê thế nào, thì ngày Con Người quang lâm cũng sẽ như vậy. Vì trong những ngày trước nạn hồng thuỷ, thiên hạ vẫn ăn uống, cưới vợ lấy chồng, mãi cho đến ngày ông Nôê vào tàu. Họ không hay biết gì, cho đến khi nạn hồng thuỷ ập tới cuốn đi hết thảy. Ngày Con Người quang lâm cũng sẽ như vậy. Bấy giờ, hai người đàn ông đang làm ruộng, thì một người được đem đi, một người bị bỏ lại ; hai người đàn bà đang kéo cối xay, thì một người được đem đi, một người bị bỏ lại. “Vậy anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em đến. Anh em hãy biết điều này : nếu chủ nhà biết vào canh nào kẻ trộm sẽ đến, hẳn ông đã thức, không để nó khoét vách nhà mình đâu. Cho nên anh em cũng vậy, anh em hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến.
TỈNH THỨC VÀ SẴN SÀNG
Để hiểu ý nghĩa Mùa Vọng, chúng ta nhìn vào lịch sử Ơn Cứu Độ, nhìn về sự mong đợi của dân tộc Israel nơi Thiên Chúa Giavê và nhìn vào niềm hy vọng của Hội Thánh. Chúng ta hiểu thế nào?
Mùa Vọng có nghĩa là “đến”. Vọng là mong, đợi, chờ điều gì đó sắp đến với mình. Mùa Vọng nhắc nhở mỗi Kitô hữu về các ý nghĩa sau:
Mùa Vọng cho phép ta gợi nhớ lại thời gian dân Do Thái, dân riêng của Chúa mong đợi Đấng Mêsia (Đấng Kitô) đến để giải phóng, cứu thoát dân Israel ra khỏi ách nô lệ tội lỗi. Ngài đã đến lần thứ nhất cách đây hơn 2000 năm. Ngài đã giải phóng họ khỏi ách tội lỗi bằng giáo huấn và cái chết của Ngài.
Mùa Vọng còn mời gọi chúng ta hãy chuẩn bị tâm hồn thanh sạch để mừng biến cố trọng đại của toàn thể nhân loại: “Lễ Chúa Giáng Sinh”.
Mùa Vọng còn có ý nghĩa cho ta chuẩn bị đón Chúa Kitô sẽ đến lần thứ hai vào ngày tận thế. Không một ai có thể biết được ngày giờ này. Vì thế, Hội Thánh, qua phụng vụ lời Chúa của Chúa Nhật I hôm nay, mời gọi chúng ta hãy “tỉnh thức và sẵn sàng”. Điều quan trọng nhất là nhắc nhở mỗi người cần “tỉnh thức, sẵn sàng” đón Chúa đến vào ngày tận thế đời mình, tức là giờ chết của mình, để Chúa đón nhận linh hồn về Nước Trời muôn đời của Ngài.
Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn biết tỉnh thức và sẵn sàng giữa cạm bẫy thế gian đang làm lu mờ ánh sáng và sự thật của Chúa. Xin cho chúng con luôn biết chọn lựa những gì thuộc về Chúa và vì Chúa.
Phêrô Nguyễn Trọng Đường
Thứ Hai – Ngày 04 – Tháng 12
MÙA VỌNG – TUẦN I – NĂM B
Bài đọc : Is 2,1-5
Tin Mừng : Mt 8,5-11
Khi Đức Giêsu vào thành Caphácnaum, có một viên đại đội trưởng đến gặp Người và nài xin: “Thưa Ngài, tên đầy tớ của tôi bị tê bại nằm liệt ở nhà, đau đớn lắm.” Người nói: “Chính tôi sẽ đến chữa nó.” Viên đại đội trưởng đáp: “Thưa Ngài, tôi chẳng đáng Ngài vào nhà tôi, nhưng xin Ngài chỉ nói một lời là đầy tớ tôi được khỏi bệnh. Vì tôi đây, tuy dưới quyền kẻ khác, tôi cũng có lính tráng dưới quyền tôi. Tôi bảo người này: ‘Đi!’, là nó đi, bảo người kia: ‘Đến!’, là nó đến, và bảo người nô lệ của tôi: ‘Làm cái này!’, là nó làm.” Nghe vậy, Đức Giêsu ngạc nhiên và nói với những kẻ theo Người rằng: “Tôi bảo thật các ông: tôi không thấy một người Ítraen nào có lòng tin như thế […]
TIN TƯỞNG CẦU XIN
Tin Mừng hôm nay ghi lại câu chuyện Đức Giêsu chữa lành bệnh cho người đầy tớ của viên đại đội trưởng, để trình bày về sứ vụ cứu thế của Đức Kitô cho cả những lương dân có lòng tin nữa.
Chúng ta thấy thánh Mátthêu muốn đề cao đức tin và lòng khiêm hạ của viên sĩ quan ngoại giáo. Viên sĩ quan là người có đức tin, một đức tin lớn đến nỗi Chúa phải lấy làm lạ.
Trước hết, ông tin Chúa có thể chữa lành vì những điều ông đã nghe về Ngài. Đây chính là sự tinh túy của đức tin, tức là niềm tin dựa trên chứng cớ. Đức tin không phải là sự tin tưởng mơ hồ hoặc không tưởng hay nay đổi mai thay, nhưng suy luận dựa trên những chứng cớ đáng tin cậy. Ông đã nghe nhiều về quyền năng và lòng nhân từ của Chúa, nên ông tin rằng Ngài có khả năng chữa lành và Ngài sẽ làm điều đó.
Hơn nữa, ông lý luận từ sự kiện trước mắt đến xa xôi, từ kinh nghiệm riêng của ông tới Thiên Chúa. Nếu quyền bính của ông mà còn có hiệu lực như vậy, thì quyền bính của Chúa sẽ công hiệu hơn ông biết bao. Ông đã đến vói Chúa Giêsu
bằng thái độ tin cậy hoàn toàn. Đồng thời ta còn thấy lòng tin của ông lại đi theo với lòng kính trọng và khiêm tốn.
Sau cùng, một con người đã quen chỉ huy này có một sự khiêm nhu lạ lùng trước sự cao cả thật. Chính đức tin khiêm
tốn này đã khiến Chúa cảm kích. Nên Ngài tuyên bố: Thật, Ta bảo thật, trong Israel, không có ai có đức tin mạnh như người này. Có thể nói, niềm tin và lòng khiêm hạ là hai thái độ căn bản của người Kitô hữu và không thể tách rời nhau được.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta ý thức về sự dấn thân của niềm tin chúng ta. Niềm tin đích thực phải là niềm tin được tuyên xưng và liên kết cả cuộc sống. Sống niềm tin như thế, chúng ta sẽ khơi dậy hạt giống đức tin mà chúng ta đã gieo vãi trong lòng mọi người.
Nguyện xin Chúa củng cố đức tin chúng ta và giúp chúng ta sống đức tin một cách thiết thực bằng cả cuộc sống tín thác, quảng đại và yêu thương.
Giuse Lâm Văn Việt
Thứ Ba – Ngày 05 – Tháng 12
MÙA VỌNG – TUẦN I – NĂM B
Bài đọc : Is 11, 1-10
Tin Mừng : Lc 10, 21-24
Ngay giờ ấy, được Thánh Thần tác động, Đức Giêsu hớn hở vui mừng và nói: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha.
“Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết người Con là ai, trừ Chúa Cha, cũng như không ai biết Chúa Cha là ai, trừ người Con, và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho.”
Rồi Đức Giêsu quay lại với các môn đệ và bảo riêng: “Phúc thay mắt nào được thấy điều anh em thấy! Quả vậy, Thầy bảo cho anh em biết: nhiều ngôn sứ và nhiều vua chúa đã muốn thấy điều anh em đang thấy, mà không được thấy, muốn nghe điều anh em đang nghe, mà không được nghe.”
MẠC KHẢI CHO NGƯỜI BÉ MỌN
Qua bài Tin Mừng, Chúa Giêsu đã mặc khải cho chúng ta biết về Chúa Cha và mối tương quan giữa Ngài với Chúa Cha. Đồng thời, mầu nhiệm về Nước Trời không phải nhận biết bằng con mắt khả giác, hay bằng sự khôn ngoan của con người, nhưng từ chính mặc khải của Thiên Chúa.
Thiên Chúa chỉ mặc khải cho những tâm hồn đơn sơ khiêm hạ, biết nhìn nhận mình yếu đuối và phó thác chân thành trong tình yêu của Ngài. Những người bé mọn không phải do họ thiếu hiểu biết mới nghe lời Chúa, nhưng họ mang trong lòng sự khiêm tốn đón nhận Tin Mừng do chính Chúa Giêsu mặc khải. Còn những kẻ cậy mình khôn ngoan lại
không được biết những bí nhiệm của Trời cao. Họ thường kiêu ngạo, cho mình là thông tuệ, nên không mở lòng ra đón nhận mạc khải của Chúa. Thiên Chúa mà họ quan niệm không phải là Thiên Chúa như được mặc khải qua Đức Giêsu Kitô.
Trước một lối sống thực dụng ngày nay, cách sống đơn sơ chân thành thường dễ bị thua thiệt. Thế nhưng, sống đơn sơ là bước căn bản để gặp được Thiên Chúa, Đấng là nguồn bình an và hạnh phúc. Chính trong sự nhỏ bé của con người, huyền nhiệm tình yêu sẽ được tỏ bày.
Lạy Chúa, xin ban cho chúng con lòng khiêm tốn và kiên trì tìm kiếm Nước Trời trong cuộc sống trần gian. Xin cho chúng con biết chạy đến cùng Chúa để nhờ ơn Chúa chúng con vượt qua mọi thách đố cuộc đời.
Giuse Mai Văn Dương
Thứ Tư – Ngày 06 – Tháng 12
MÙA VỌNG – TUẦN I – NĂM B
Bài đọc : Is 25,6-10a
Tin Mừng : Mt 15,29-37
Khi ấy, Đức Giêsu đến ven biển hồ Galilê. Người lên núi và ngồi ở đó. Có những đám người đông đảo kéo đến cùng Người, đem theo những kẻ què quặt, đui mù, tàn tật, câm điếc và nhiều bệnh nhân khác nữa. Họ đặt những kẻ ấy dưới chân Người và Người chữa lành, khiến đám đông phải kinh ngạc vì thấy kẻ câm nói được, người tàn tật được lành, người què đi được, người mù xem thấy. Và họ tôn vinh Thiên Chúa của Ítraen. Đức Giêsu gọi các môn đệ lại mà nói: “Thầy chạnh lòng thương đám đông, vì họ ở luôn với Thầy đã ba ngày rồi và họ không có gì ăn. Thầy không muốn giải tán họ, để họ nhịn đói mà về, sợ rằng họ bị xỉu dọc đường.” Các môn đệ thưa: “Trong nơi hoang vắng này, chúng con lấy đâu ra đủ bánh cho đám đông như vậy ăn no?” Đức Giêsu hỏi: “Anh em có mấy chiếc bánh?” Các ông đáp: “Thưa có bảy chiếc bánh và một ít cá nhỏ.” Bấy giờ, Người truyền cho đám đông ngồi xuống đất. Rồi Người cầm lấy bảy chiếc bánh và mấy con cá, dâng lời tạ ơn, bẻ ra, trao cho môn đệ, và môn đệ trao cho đám đông. Ai nấy đều ăn và được no nê. Những mẩu bánh còn thừa, người ta thu lại được bảy thúng đầy.
GIÊSU, MẪU NGƯỜI LÝ TƯỞNG
Bài Tin Mừng hôm nay mô tả quang cảnh một đám đông dân quần chúng tìm đến với Chúa Giêsu.
Họ tìm đến Chúa để mong được chữa lành, được an ủi. Họ tìm đến với Chúa Giêsu bởi Ngài là một Đấng quyền năng, đầy yêu thương và thấu hiểu. Ngài chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền cho dân. Ngài xoa dịu mọi nỗi đau cho những ai đến với Ngài. Ngài còn thấu hiểu cả những nhu cầu vật chất của họ: “Thầy chạnh lòng thương đám đông vì họ ở với Thầy đã ba ngày rồi và họ không có gì ăn. Thầy không muốn giải tán họ, để họ nhìn đói mà về, sợ rằng họ bị xỉu dọc đường” (Mt 15,32).
Đức Giêsu là hình mẫu lý tưởng cho người Kitô hữu nói chúng và người mục tử nói riêng. Cuộc sống của Ngài là sống cho con người, sống với con người và sống vì con người chúng ta. Khi chiêm ngắm mẫu hình đó, tôi xin chọn Ngài làm thần tượng của đời mình để cố gắng bắt chước Ngài. Mỗi ngày tôi học nơi Giêsu: Học cách biết chạnh lòng trong từng trường hợp, từng hoàn cảnh của những người xung quanh; Học đón nhận và thấu hiểu mỗi nhu cầu của những người bên tôi, để cảm thông và chia sẻ. Ngày qua ngày, tôi cố gắng bước theo hình mẫu lý tưởng là thần tượng Giêsu, để trở nên càng giống Ngài hơn.
Lạy Chúa, xin cho con biết luôn học nơi Chúa là Đấng đầy yêu thương.
Giacôbê Nguyễn Hoàng Long
Thứ Năm – Ngày 07 – Tháng 12
MÙA VỌNG – TUẦN I – NĂM B
Thánh Ambrôsiô, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh. Lễ nhớ (Tr)
Bài đọc : Is 26,1-6
Tin Mừng : Mt 7,21.24-27
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Không “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: ‘Lạy Chúa! Lạy Chúa!’, là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi. “Vậy ai nghe những lời Thầy nói đây mà đem ra thực hành, thì ví được như người khôn xây nhà trên đá. Dù mưa sa, nước cuốn, hay bão táp ập vào, nhà ấy cũng không sụp đổ, vì đã xây trên nền đá. Còn ai nghe những lời Thầy nói đây, mà chẳng đem ra thực hành, thì ví được như người ngu dại xây nhà trên cát. Gặp mưa sa, nước cuốn hay bão táp ập vào, nhà ấy sẽ sụp đổ, sụp đổ tan tành.”
THI HÀNH LUẬT CHÚA
Đá, mỗi khi được nhắc đến trong Kinh Thánh, đều mang ý nghĩa của sự vững chắc, hay là cột trụ an toàn cho công trình xây dựng. Đức Giêsu được xem như là tảng đá nằm ở góc tường giúp cho toàn thể căn nhà đứng vững (x. Mc 12,10). Ông Simôn được Đức Giêsu đổi tên thành Phêrô nghĩa là tảng đá; từ tảng đá này, Ngài sẽ xây Hội Thánh của Ngài (x. Mt 16,18).
Cùng ý nghĩa đó, tảng đá vững chắc trong bài Tin Mừng hôm nay có thể được hiểu như là lời của Chúa. Căn nhà của chúng ta chỉ có thể được xây dựng trên tảng đá này khi chúng ta biết đem ra thực hành những gì chúng ta nhận được.
Là Kitô hữu, chúng ta không khó để có thể lắng nghe hay đọc lời Chúa hàng ngày. Thế nhưng, nếu chỉ dừng lại ở đó, chúng ta lại chẳng khác gì những cỗ máy biết đọc, biết nghe mà không biết suy nghĩ. Ngược lại, chỉ khi chúng ta biết đem ra thực hành những điều đã tiếp nhận được, căn nhà của chúng ta mới thực sự vững chắc vì đã được xây trên nền đá.
Việc thực hành những điều Chúa nói quả thực rất khó khăn, bởi vì những điều Chúa dạy thường đi ngược lại với cách sống quen thuộc của con người. Tuy nhiên, đi sát vào lời Chúa chúng ta thấy rằng mình chỉ cần thi hành duy nhất một giới luật đó mến Chúa và yêu người. Trong mọi hoàn cảnh, chúng ta chỉ cần đặt tình yêu của mình vào đó là đã thi hành tất cả các giới luật khác.
Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết lắng nghe để có thể hiểu, xin giúp chúng con biết hiểu để có thể yêu, và xin giúp chúng con biết yêu như Chúa đã yêu.
Giuse Nguyễn Văn Lý
Thứ Sáu – Ngày 08 – Tháng 12
MÙA VỌNG – TUẦN I – NĂM B
ĐỨC MẸ VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI – Lễ trọng (Tr)
Bài đọc 1 : St 3,9-15.20
Bài đọc 2 : Ep 1,3-6.11-12
Tin Mừng : Lc 1,26-38
Khi ấy, Bà Êlisabét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáprien đến một thành miền Galilê, gọi là Nadarét, gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giuse, thuộc dòng dõi vua Đavít. Trinh nữ ấy tên là Maria. Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà.” Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì. Sứ thần liền nói: “Thưa bà Maria, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đavít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Giacóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận.” […]
ĐẶC ÂN NHIỆM MẦU
Đặc ân Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội là một hồng ân lớn lao cho Giáo hội và cho những ai biết cậy trông vào Mẹ và nhờ Mẹ dẫn dắt chúng ta gặp gỡ, thân thưa với Thiên Chúa. Bởi đâu mà Mẹ Maria được diễm phúc này?
Trước hết, qua trang Tin Mừng hôm nay, thánh sử Luca đã thuật lại biến cố truyền tin cho Đức Maria. Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà”. Chính miệng của sứ thần Gáprien đã cho thấy Đức Maria quả là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội. Mẹ đã được Thiên Chúa tuyển chọn và gìn giữ ngay từ thuở ấu thơ. Vì mẹ là Đấng đầy ân sủng và có Thiên Chúa là Đấng tuyệt mỹ, tốt lành và thánh thiện, là Chân – Thiện – Mỹ luôn ở cùng. Đức Maria được chìm trong ân sủng của Thiên Chúa thì làm sao Mẹ có thể nhiễm tội truyền được.
Thứ đến, đặc ân Vô Nhiễm của Mẹ đã được Đức Giáo Hoàng Piô IX, đã nhân danh quyền vô ngộ của Tòa Thánh Phêrô tuyên bố tín điều: “Đức Mẹ Vô Nhiễm” vào ngày 08 tháng 12 năm 1854. Và chúng ta càng xác tín hơn khi chính Mẹ Maria xác nhận vào ngày 25/ 03/1858 với chị Bemadette tại Lộ Đức và Mẹ tiết lộ: “Ta Là Đấng Vô Nhiễm Nguyên tội.”
Trong tâm tình mừng lễ kính Mẹ Maria là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội, Chúng ta xin Mẹ luôn cầu thay nguyện giúp cho chúng ta là kẻ tội lỗi trước nhan thánh Chúa. Đồng thời chúng ta nguyện xin Chúa thanh tẩy tâm hồn và thân xác của chúng ta khi chúng ta đón rước chính Con Một của Ngài vào trong lòng ta. Và xin cho chúng ta luôn biết mau mắn trở về bên Chúa, kín múc nguồn ân sủng để được chữa lành.
Phêrô Hoàng Quốc Việt
Thứ Bảy – Ngày 09 – Tháng 12
MÙA VỌNG – TUẦN I – NĂM B
KỶ NIỆM CUNG HIẾN VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG SÀI GÒN – Lễ kính (Tr)
Bài đọc : Is 56,1.6-7 hoặc Ep 2,19-22
Tin Mừng : Ga 4,19-24
Khi ấy, có người phụ nữ Samari nói với Đức Giêsu: “Thưa ông, tôi thấy ông thật là một ngôn sứ. Cha ông chúng tôi đã thờ phượng Thiên Chúa trên núi này; còn các ông lại bảo: Giêrusalem mới chính là nơi phải thờ phượng Thiên Chúa.” Đức Giêsu
phán: “Này chị, hãy tin tôi: đã đến giờ các người sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải trên núi này hay tại Giêrusalem. Các người thờ Đấng các người không biết; còn chúng tôi thờ Đấng chúng tôi biết, vì ơn cứu độ phát xuất từ dân Do thái. Nhưng giờ đã đến -và chính là lúc này đây – giờ những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật, vì Chúa Cha tìm kiếm những ai thờ phượng Người như thế. Thiên Chúa là thần khí, và những kẻ thờ phượng Người phải thờ phượng trong thần khí và sự thật.”
THỜ PHƯỢNG ĐÍCH THẬT
Bài Tin Mừng hôm nay là một cuộc đối thoại đúng nghĩa giữa Chúa Giêsu và người phụ nữ Samaria. Đó là sự đối thoại về thái độ của chúng ta đối với việc thờ phượng Thiên Chúa. Vậy, đâu là một thái độ thờ phượng đích thực? Sau đây là hai thái độ thờ phượng Thiên Chúa mà Chúa Giêsu đã nhắn nhủ người phụ nữ Samari cũng như mỗi Kitô hữu:
Thứ nhất, thờ phượng Thiên Chúa trong thần khí. Nếu chúng ta đến nhà thờ chỉ như khán thính giả, đọc kinh như một con rôbốt thì chưa phải là thái độ thờ phượng đích thực. Thờ phượng Thiên Chúa trong thần khí đòi hỏi mỗi con người là một của lễ dâng lên Đấng mà chúng ta tôn thờ. Thiên Chúa không chỉ hiện diện trên núi này hay núi nọ, trong nhà thờ hay nhà nguyện, mà quan trọng nhất là nơi mỗi tâm hồn. Vì thế, đều quan trọng là mỗi người hãy là một đền thờ sống động của Thiên Chúa ngự trị, như Thánh Phaolô có nói: “Anh em chẳng biết rằng thân xác anh em là Đền Thờ của Chúa Thánh Thần sao? Mà Thánh Thần đang ngự trong anh em là Thánh Thần chính Thiên Chúa đã ban cho anh em” (1 Cr 6,19).
Thứ hai, thờ phượng Thiên Chúa trong sự thật. Chúng ta lựa chọn thờ phượng trong sự thật nghĩa là chúng ta lựa chọn một lối sống không tin một cách mù quáng và bảo thủ. Chúng ta lựa chọn sự thật vì nơi Thiên Chúa không hề có sự giả dối. Chọn sự thật là chúng ta sống mỗi phút giây trong công bình, lẽ phải, không giả hình dối trá. Nhiều khi ta thờ phượng Thiên Chúa chỉ bằng một sự tuân giữ luật cứng nhắc chứ không phải bằng một tấm lòng yêu mến Thiên Chúa thật sự.
Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn biết thờ phượng Chúa trong thần khí và sự thật.
Carôlô Nguyễn Đình Giá