♦ Lm. Antôn P. Nguyễn Phi Tiến, SVD trích dịch sang Việt ngữ từ: Abbot Guéranger, O.S.B., “The Liturgical Year: Advent”, Volume 2, (bản dịch tiếng Anh của Domlaurence Shepherd, O.S.B.), St. Bonaventure Publications 2000, tr. 1-5.
CHƯƠNG I: LỊCH SỬ MÙA GIÁNG SINH
Chúng ta sử dụng tên gọi Mùa Giáng Sinh để chỉ khoảng thời gian 40 ngày, bắt đầu từ Lễ Giáng Sinh, ngày 25 tháng 12 và kết thúc vào ngày lễ Thanh Tẩy Đức Trinh Nữ Diễm Phúc (Purification of the Blessed Virgin), vào ngày 2 tháng 2. Đây là một khoảng thời gian đặc biệt của Năm Phụng Vụ. Do bởi tính đặc thù của nó, nên Mùa Giáng Sinh tạo nên sự khác biệt rõ ràng với các mùa khác trong Năm Phụng Vụ như: Mùa Vọng, Mùa Chay, Mùa Phục Sinh, hoặc Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Trong Mùa Giáng Sinh, cùng một Mầu Nhiệm được Giáo Hội cử hành và kéo dài trong suốt 40 ngày. Ngay cả các ngày Lễ Kính Các Thánh, vốn rất được phổ biến trong mùa này; cũng như thời kỳ Bảy Mươi (Septuagesima)[1] với sắc tím u buồn, thường bắt đầu khi Mùa Giáng Sinh kết thúc cũng không thể làm xao lãng Mẹ Hội Thánh khỏi niềm vui vô biên mà Giáo Hội đã nhận được từ các Thiên Thần[2] trong Đêm vinh quang ấy, đêm mà thế gian đã mong đợi suốt 4 ngàn năm. Các tín hữu phải nhớ rằng Phụng Vụ tưởng niệm sự mong đợi lâu dài này qua bốn tuần sám hối của Mùa Vọng.
Truyền thống cử hành trọng thể Lễ Giáng Sinh của Đấng Cứu Thế bằng một Thánh Lễ hoặc bằng nghi thức tưởng niệm kéo dài 40 ngày được đặt nền tảng trong Tin Mừng; vì Tin Mừng nói với chúng ta rằng, Đức Trinh Nữ Maria Diễm Phúc, sau khi dành bốn mươi ngày để chiêm niệm Quả Phúc Bởi Lòng Bà, với lòng khiêm nhường sâu thẳm nhất, Mẹ đã lên Đền Thờ để thực hiện các nghi lễ mà Luật Môsê truyền dạy đối với các thiếu nữ Israel, khi họ trở thành những người mẹ.
Do đó, Lễ Thanh Tẩy Đức Maria là một phần của Sinh Nhật Chúa Giêsu; và tập tục gìn giữ thời gian thánh thiện và vinh quang của bốn mươi ngày này là một Lễ Hội liên tục đã có từ rất xa xưa, ít nhất là trong Giáo Hội Rôma. Và trước hết, nói về biến cố Sinh Nhật của Đấng Cứu Thế vào ngày 25 tháng 12. Trong Bài Giảng về Thánh Lễ Giáng Sinh, thánh Gioan Kim Khẩu cho chúng ta thấy rằng các Giáo Hội Tây Phương đã cử hành ngày lễ này từ thuở ban đầu của Kitô Giáo. Thánh nhân không hài lòng khi chỉ đơn thuần đề cập đến tập quán; ngài đã nổ lực chứng minh rằng tập quán này có cơ sở vững chắc, vì Giáo Hội Rôma có mọi phương thế để biết được ngày sinh chính xác của Đấng Cứu Thế, bởi các tài liệu về cuộc kiểm tra dân số được thực hiện tại Giuđêa theo lệnh của Augustô đã được lưu giữ trong văn khố chung của Rôma. Vị thánh tiến sĩ đưa ra luận chứng thứ hai được đặt nền tảng trên Tin Mừng theo thánh Luca, thánh nhân lý giải rằng: Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng thị kiến trong Đền Thờ mà Tư Tế Zacharia nhận được phải xảy ra trong kỳ ăn chay của tháng thứ bảy[3], sau đó, bà Êlizabét thụ thai thánh Gioan Tẩy Giả. Như thế, có thể suy ra rằng Đức Trinh Nữ Diễm Phúc, như Tin Mừng thánh sử Luca thuật lại, đã được Tổng Lãnh Thiên Thần Gabriel viếng thăm – truyền tin và Mẹ thụ thai Đấng Cứu Thế trong tháng thứ sáu thai kỳ của bà Êlizabét, có nghĩa là vào tháng Ba, và do đó, Sinh Nhật của Chúa Giêsu phải diễn ra vào tháng 12.
Nhưng phải đến thế kỷ thứ IV, các Giáo Hội Đông Phương mới bắt đầu cử hành Lễ Sinh Nhật của Đấng Cứu Thế vào tháng 12. Cho đến thời điểm đó, họ đã cử hành Lễ Sinh Nhật của Đấng Cứu Thế chung với Lễ Hiển Linh vào ngày 6 tháng Giêng, để kỷ niệm việc Đấng Cứu Thế tỏ mình ra cho các Nhà Chiêm Tinh, và qua họ cho dân ngoại; vào một thời điểm khác, như Clêmentê thành Alexandria kể lại, họ đã cử hành lễ Giáng Sinh vào ngày 25 của tháng Pachon (ngày 15 tháng 5), hoặc vào ngày 25 của tháng Pharmuth (ngày 20 tháng 4). Trong bài Giảng vào năm 386 mà chúng ta vừa trích dẫn, Thánh Gioan Kim Khẩu nói với chúng ta rằng truyền thống cử hành lễ Giáng Sinh của Đấng Cứu Thế vào ngày 25 tháng 12 của người Rôma chỉ mới được Giáo Hội Antiôkia áp dụng sau đó mười năm. Có thể sự thay đổi này đã được thực hiện nhằm sống tinh thần vâng phục Toà Thánh, được củng cố bởi sắc lệnh của các Hoàng Đế Thêôđôsiô và Valentinianô ban hành vào cuối thế kỷ IV, quy định rằng Lễ Giáng Sinh và Lễ Hiển Linh nên được cử hành thành hai ngày lễ riêng biệt. Chỉ có một Giáo Hội duy nhất duy trì truyền thống cử hành hai mầu nhiệm vào cung một ngày 6 tháng Giêng là Giáo Hội Armenia; chắc chắn là do đất nước này không nằm dưới quyền cai trị của các Hoàng Đế, cũng như đã sớm tách rời khỏi ảnh hưởng của Rôma do sự ly giáo và dị giáo.
Bốn mươi ngày của Mùa Giáng Sinh được khép lại bởi Lễ Đức Mẹ Thanh Tẩy. Đây là ngày lễ rất cổ xưa trong Giáo Hội Latinh; quả thật cổ xưa đến mức không thể xác định được thời điểm hình thành của ngày lễ này. Theo ý kiến chung của các nhà Phụng vụ, đây là lễ cổ nhất trong tất cả các Lễ kính Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa; và vì việc Thanh Tẩy của Đức Mẹ được thuật lại trong chính Tin Mừng, nên các nhà Phụng vụ đã có lý khi suy luận rằng ngày lễ kỷ niệm này đã được cử hành trọng thể ngay từ buổi đầu của Kitô Giáo. Dĩ nhiên, điều này chỉ được hiểu trong Giáo Hội Rôma. Còn đối với Giáo Hội Đông Phương, chúng ta biết rằng ngày Lễ này không được ấn định chắc chắn vào ngày mồng 2 tháng 2 cho đến thời kỳ trị vì của Hoàng Đế Giustinianô vào thế kỷ thứ VI. Đúng là các Kitô hữu Đông Phương trước thời điểm đó đã từng có môt hình thức tưởng niệm về Mầu Nhiệm này, nhưng nó chưa bao giờ trở thành truyền thống phổ quát, và được cử hành sau Lễ Giáng Sinh ít ngày chứ không phải vào chính ngày Đức Mẹ lên Đền Thờ.
Nhưng thử hỏi đặc tính của Lễ Giáng Sinh trong Phụng Vụ Latinh là gì? Thưa có hai đặc tính: thứ nhất, đó là niềm vui mà toàn thể Giáo Hội cảm nhận được khi Ngôi Lời Thiên Chúa mặc lấy xác phàm; và thứ hai là sự ngưỡng mộ đối với Đức Trinh Nữ vinh hiển, Đấng đã làm Mẹ của Thiên Chúa. Hầu như không có lời cầu nguyện hay nghi thức nào trong Phụng Vụ của Mùa mừng vui này lại không qui chiếu về hai Mầu nhiệm cao cả này: Một Hài Nhi Thiên Chúa và một người Mẹ Đồng Trinh.
Chẳng hạn, vào tất cả các ngày Chúa Nhật và các Ngày Lễ mà không trùng với các Lễ Trọng, thì trong suốt bốn mươi ngày này, Giáo Hội tưởng niệm sự trinh khiết của Mẹ Thiên Chúa bằng ba lời cầu nguyện đặc biệt trong Hy Tế Thánh Lễ. Giáo Hội nghiêng mình cảm phục Đức Maria bằng việc cao rao phẩm giá của Mẹ Thiên Chúa và sự trinh khiết của Mẹ ngay cả sau khi Mẹ sinh Hài Nhi Giêsu. Và một lần nữa bài Thánh Ca tuyệt vời, Alma Redemptoris (Hiền Mẫu Của Đấng Cứu Độ), được sáng tác bởi tu sĩ Herman Tật Nguyền, tiếp tục được cất lên làm phần kết thúc của mỗi Giờ Kinh Phụng Vụ cho đến ngày Lễ Thanh Tẩy. Chính qua những biểu lộ tình yêu và lòng tôn kính này mà Giáo Hội tôn vinh Chúa Con trong Mẹ và thể hiện niềm vui thánh thiện của mình trong suốt mùa này của Năm Phụng Vụ mà chúng ta gọi là Mùa Giáng Sinh.
Các độc giả đều biết rằng, khi Chúa Nhật Phục Sinh rơi vào thời điểm muộn nhất – nghĩa là vào tháng Tư – thì trong Lịch Phụng Vụ Của Giáo Hội, Mùa Giáng Sinh sẽ có sáu Chúa Nhật tính sau Lễ Hiển Linh. Mùa Giáng Sinh (thường kéo dài bốn mươi ngày bắt đầu từ Lễ Giáng Sinh đến Lễ Thanh Tẩy) đôi khi bao gồm bốn trong sáu Chúa Nhật này; thường thì chỉ có hai Chúa Nhật; và đôi khi chỉ có một Chúa Nhật, như trong trường hợp khi Lễ Phục Sinh đến rất sớm và buộc phải giữ Mùa Bảy Mươi (Septuagesima)[4], và thậm chí cả Chúa Nhật Sexagesima[5] (Mùa Sáu Mươi) vào tháng Giêng. Tuy nhiên, không có gì thay đổi như chúng ta đã nói trong các nghi thức phụng vụ của mùa vui mừng này, ngoại trừ chỉ vào hai Chúa Nhật (Septuagesima Sunday and Sexagesima Sunday), là những thời điểm khởi đầu của Mùa Chay, các lễ phục chuyển sang màu tím, và bài ca “Vinh Danh Thiên Chúa Trên Các Tầng Trời” không được hát.
Mặc dù Mẹ Hội Thánh tôn kính Mầu Nhiệm Con Chúa Nhập Thể một cách đặc biệt trong suốt mùa Giáng Sinh; nhưng Giáo Hội cũng buộc đưa vào Phụng Vụ của mùa này những trích đoạn Tin Mừng liên quan đến đời sống hoạt động công khai của Chúa Giêsu, dẫu có vẻ hơi sớm. Lý do là bởi Lịch Phụng Vụ chỉ có chưa đến sáu tháng để cử hành toàn bộ công trình Cứu Chuộc của Con Thiên Chúa: nói cách khác, Giáng Sinh và Phục Sinh ở rất gần nhau, ngay cả khi lễ Phục Sinh đến rất muộn, thì các Mầu Nhiệm cũng cần phải được cử hành trong khoảng thời gian này, nên điều này cần phải được tiên liệu trước. Tuy nhiên, Phụng Vụ phải luôn qui chiếu vào Chúa Hài Đồng và người Mẹ vô song của Ngài, và không ngừng ca tụng các Ngài trong suốt khoảng thời gian từ lễ Giáng Sinh cho đến ngày Đức Maria lên Đền Thờ để dâng Chúa Giêsu.
Người Hy Lạp cũng thường xuyên tưởng niệm Mẫu Tâm của Đức Maria trong các Giờ Kinh Phụng Vụ của Mùa này: nhưng họ dành một sự tôn kính đặc biệt trong 12 ngày, kể từ Lễ Giáng Sinh đến Lễ Hiển Linh mà trong Phụng Vụ của người Hy Lạp gọi là “Dodecameron”[6]. Trong thời gian này, các Hoàng Đế Phương Đông đã ban bố chỉ thị rằng họ không phải ăn chay kiêng thịt, không được làm công việc nặng nhọc, các Toà án phải đóng cửa, người nô lệ phải được nghỉ việc cho đến sau ngày 6 tháng Giêng là để tôn kính Mầu Nhiệm trọng đại này.
Từ những nét phác thảo về lịch sử mùa Phụng Vụ thánh, chúng ta có thể hiểu được nét đặc trưng của phần thứ hai trong Năm Phụng Vụ mà chúng ta gọi là Mùa Giáng Sinh, và mùa này luôn được yêu mến trong thế giới Kitô Giáo. Những Mầu Nhiệm được cử hành trong Phụng Vụ của mùa này sẽ được trình bày trong chương tiếp theo.
CHƯƠNG II: MẦU NHIỆM GIÁNG SINH>>>
_________________________________________
Lm. Antôn Pađôva Nguyễn Phi Tiến, SVD trích dịch
Lm. Antôn Nguyễn Phi Tiến, SVD trích dịch từ: Abbot Guéranger, O.S.B., “The Liturgical Year: Advent”, Volume 2, (bản dịch tiếng Anh của Domlaurence Shepherd, O.S.B.), St. Bonaventure Publications 2000, tr. 1-5.
______________________________________
Chú thích:
[1] Khi lịch phụng vụ Công Giáo sửa đổi vào năm 1969, các ngày lễ và ý nghĩa thời gian này đã được lược bỏ.
[2] x. Lc 2, 10.
[3] x. Lv 23, 24 và các phân đoạn tiếp theo. Tháng thứ Bảy (hoặc là tháng Tisti) phù hợp với thời điểm cuối tháng Chín và đầu tháng Mười.
[4] “Septuagesima” bắt nguồn từ tiéng Latinh, có nghĩa là “thứ bảy mươi”, tượng trưng cho khoảng 70 ngày trước lễ Phục Sinh. Nó đánh dấu sự bắt đầu của một thời kỳ chuẩn bị cho Mùa Chay, được gọi là Mùa Septuagesima. Ý nghĩa của từ “Septuagisima”: kêu gọi người tín hữu bắt đầu suy tư về cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu và chuẩn bị tâm hồn cho Mùa Chay. Trong lịch Phụng vụ Công Giáo hiện hành (sau Công Đồng Vatican II), Mùa Septuagesima không còn được chính thức cử hành, nhưng nó vẫn giữ ý nghĩa lịch sử. và được duy trì trong một số nghi lễ truyền thống.
[5] Sexagesima Sunday: Khoảng 60 ngày trước lễ Phục Sinh.
[6] “Dodecameron” (bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp: “doceca” nghĩa là ‘mười hai’ và “meros” nghĩa là ‘phần’) là một thuật ngữ dùng trong Phụng vụ của Giáo Hội Chính Thống Hy Lạp để chỉ “Mười Hai Ngày” giữa Lễ Giáng Sinh và Lễ Hiển Linh. Trong Phụng vụ Hy Lạp, những ngày này được gọi là “Dodecameron” và là thời gian đặc biệt để tôn vinh Mẫu Tâm Đức Maria và sự ra đời của Chúa Giêsu.