LỄ GIÁNG SINH
LỄ ĐÊM
Bài Ðọc I: Is 9, 2-4. 6-7 (Hr 1-3. 5-6)
“Chúa ban Con của Người cho chúng ta”.
Trích sách Tiên tri Isaia.
Dân tộc bước đi trong u tối, đã nhìn thấy sự sáng chứa chan. Sự sáng đã bừng lên trên những người cư ngụ miền thâm u sự chết. Chúa đã làm cho dân tộc nên vĩ đại, há chẳng làm vĩ đại niềm vui? Họ sẽ vui mừng trước nhan Chúa, như thiên hạ mừng vui trong mùa gặt lúa, như những người thắng trận hân hoan vì chiến lợi phẩm, khi đem của chiếm được về phân chia. Vì cái ách nặng nề trên người nó, cái gông nằm trên vai nó, cái vương trượng quyền của kẻ áp bức. Chúa sẽ nghiền nát ra, như trong ngày chiến thắng Mađian. [Bởi lẽ mọi chiếc giày đi lộp cộp của kẻ chiến thắng, mọi chiếc áo nhuộm thắm máu đào sẽ bị đốt đi và trở nên mồi nuôi lửa.]
Bởi lẽ một hài nhi đã sinh ra cho chúng ta, và một người con đã được ban tặng chúng ta. Người đã gánh nhận vương quyền trên vai, và thiên hạ sẽ gọi tên Người là “Cố Vấn Kỳ Diệu, Thiên Chúa Huy Hoàng, Người Cha Muôn Thuở, Ông Vua Thái Bình”. Người sẽ mở rộng vương quyền, và cảnh thái bình sẽ vô tận; Người sẽ ngự trên ngai vàng của Ðavít, và trong vương quốc Người, để củng cố và tăng cường, trong sự công minh chính trực, ngay tự bây giờ và cho đến muôn đời. Lòng ghen yêu của Chúa thiên binh sẽ thực thi điều đó.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 95, 1-2a. 2b-3. 11-12. 13
Ðáp: Hôm nay Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta, Người là Ðức Kitô, Chúa chúng ta (Lc 2, 11).
Xướng: 1) Hãy ca mừng Thiên Chúa bài ca mới, hãy ca mừng Thiên Chúa đi, toàn thể địa cầu. Hãy ca mừng Thiên Chúa, hãy chúc tụng danh Người. – Ðáp.
2) Ngày ngày hãy loan truyền ơn Người cứu độ. Hãy tường thuật vinh quang Chúa giữa chư dân, và phép lạ Người ở nơi vạn quốc. – Ðáp.
3) Trời xanh hãy vui mừng và địa cầu hãy hân hoan. Biển khơi và muôn vật trong đó hãy reo lên. Ðồng nội và muôn loài trong đó hãy mừng vui. Các rừng cây hãy vui tươi hớn hở. – Ðáp.
4) Trước nhan Thiên Chúa: vì Người ngự tới, vì Người ngự tới cai quản địa cầu. Người sẽ cai quản địa cầu cách công minh và chư dân cách chân thành. – Ðáp.
Bài Ðọc II: Tt 2, 11-14
“Ân sủng của Chúa đã đến với mọi người”.
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi cho Titô.
Ân sủng của Thiên Chúa, Ðấng Cứu Ðộ chúng ta, đã xuất hiện cho mọi người, dạy chúng ta từ bỏ gian tà và những dục vọng trần tục, để sống tiết độ, công minh và đạo đức ở đời này, khi trông đợi niềm hy vọng hạnh phúc và cuộc xuất hiện sự vinh quang của Ðức Giêsu Kitô là Thiên Chúa cao cả và là Ðấng Cứu Ðộ chúng ta. Người đã hiến thân cho chúng ta để cứu chuộc chúng ta khỏi mọi điều gian ác, luyện sạch chúng ta thành một dân tộc xứng đáng của Người, một dân tộc nhiệt tâm làm việc thiện.
Ðó là lời Chúa.
Alleluia: Lc 2, 10-11
Alleluia, alleluia! – Ta báo cho anh em một tin mừng: Hôm nay Ðấng Cứu Thế, là Chúa Kitô, đã giáng sinh cho chúng ta. – Alleluia.
Phúc Âm: Lc 2, 1-14
“Hôm nay Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Ngày ấy, có lệnh của hoàng đế Cêsarê Augustô ban ra, truyền cho khắp nơi phải làm sổ kiểm tra. Ðây là cuộc kiểm tra đầu tiên, thực hiện thời Quirinô làm thủ hiến xứ Syria. Mọi người đều lên đường trở về quê quán mình. Giuse cũng rời thị trấn Nadarét, trong xứ Galilêa, trở về quê quán của Ðavít, gọi là Bêlem, vì Giuse thuộc hoàng gia và là tôn thất dòng Ðavít, để khai kiểm tra cùng với Maria, bạn người, đang có thai.
Sự việc xảy ra trong lúc ông bà đang ở đó, là Maria đã tới ngày mãn nguyệt khai hoa, và bà đã hạ sinh con trai đầu lòng. Bà bọc con trẻ trong khăn vải và đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong hàng quán.
Bấy giờ trong miền đó có những mục tử đang ở ngoài đồng và thức đêm để canh giữ đoàn vật mình. Bỗng có thiên thần Chúa hiện ra đứng gần bên họ, và ánh quang của Thiên Chúa bao toả chung quanh họ, khiến họ hết sức kinh sợ. Nhưng thiên thần Chúa đã bảo họ rằng: “Các ngươi đừng sợ, đây ta mang đến cho các ngươi một tin mừng đặc biệt, đó cũng là tin mừng cho cả toàn dân: Hôm nay Chúa Kitô, Ðấng Cứu Thế, đã giáng sinh cho các ngươi trong thành của Ðavít. Và đây là dấu hiệu để các ngươi nhận biết Người: Các ngươi sẽ thấy một hài nhi mới sinh, bọc trong khăn vải và đặt nằm trong máng cỏ”.
Và bỗng chốc, cùng với các thiên thần, có một số đông thuộc đạo binh thiên quốc đồng thanh hát khen Chúa rằng: “Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời, và bình an dưới thế cho người thiện tâm”.
Ðó là lời Chúa.
Bài giảng chủ đề:
THIÊN CHÚA Ở CÙNG CHÚNG TA
Lm. F.X. Nguyễn Quốc Vương, SVD
Hôm nay Chúa Kitô, Ðấng Cứu Thế, đã giáng sinh cho các ngươi trong thành của Ðavít. Và đây là dấu hiệu để các ngươi nhận biết Người: Các ngươi sẽ thấy một hài nhi mới sinh, bọc trong khăn vải và đặt nằm trong máng cỏ” (Lc 2,11). Đó là lời loan báo của sứ thần Thiên Chúa với các mục đồng tại Bêlem năm xưa. Vâng, quả thật là như thế. Thiên Chúa sẵn sàng ban cho chúng ta một Đấng cứu thế để ở cùng chúng ta, Ngài đến để ban bình an xuống cho nhân trần như lời các thiên thần ca hát: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời. Bình an dưới thế cho người lòng ngay” (Lc 2,14). Thế nên, nếu niềm tin chúng ta quả quyết và đặt trọn tấm lòng vào lời hứa mà Thiên Chúa qua miệng các thiên sứ báo tin, thì chúng ta hiểu “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” như thế nào? Và đâu là ân phúc, là bình an, là ơn cứu độ mà chúng ta hiểu khi đức tin chúng ta đặt vào “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”.
Thiên Chúa ở cùng chúng ta nơi gia phả nhân loại
Vâng, có lẽ hầu hết chúng ta đều mong muốn món quà mà Thiên Chúa ban tặng sẽ là điều làm cho chúng ta được hưởng thụ mọi thứ trong nhu yếu của con người với sự tự do thoả mãn. Thế nhưng, món quà mà Thiên Chúa ban tặng cho nhân loại không phải chỉ là cơm áo gạo tiền mà là niềm vui của bình an hoan lạc trong Chúa. Thử hỏi, có tiền mà sống trong loạn lạc, có lẽ cũng chẳng có bụng dạ nào để no say hưởng thụ. Có tiền mà không có lương tâm an bình có lẽ cũng chẳng có niềm vui và hạnh phúc từ trong sâu thẳm tâm hồn.
Quả thế, Con Thiên Chúa làm người ở cùng chúng ta trước hết Người muốn trở nên như một con người nơi trần gian này. Người cũng có gia phả, cũng có nguồn cội, và có thể cũng bao nhiêu gia phả khác trong sự tốt lành hay tì vết. Thế nên, chúng ta thấy, Ngài là Con Thiên Chúa nhưng lại chịu làm con một người thợ mộc tầm thường. Cái bình thường ấy nói lên một sự sẵn sàng hiện hữu vì tình yêu nhân loại. Nhưng không phải là xấu hổ trong gia phả hay cuộc sống nhân loại, nhưng Ngài đã cho chúng ta thấy được những điều tốt đẹp trong nguồn cội của nhân loại này để hướng về điều thiện hảo tốt lành. Bởi thế, dầu sống bình thường, nhưng tuổi thơ của Ngài lại làm cho vị Vua Hêrôđê đầy kiêu ngạo và gian ác phải khiếp sợ.
Hơn nữa, Ngài là Đấng giàu có tột đỉnh trong Nước Trời, nhưng lại chịu trở nên nghèo nàn vô cùng trên trái đất. Ngài nghèo đến nỗi, khi sinh ra, không có chỗ đặt lưng, phải nằm nhờ ở một máng cỏ trong hang chứa súc vật của một người không quen biết. Hay khi gặp hiểm nguy đến tính mạng, ngài cũng phải nhờ cha mẹ bồng ẵm đi tị nạn. Ngài không có tiền đến nỗi phải bảo một môn bắt cá để tìm một đồng bạc nơi miệng cá để đóng thuế. Muốn đãi toàn dân một bữa ăn, Ngài phải nhờ bánh và cá của một em bé. Khi muốn qua bên kia bờ biển, Ngài phải đi nhờ thuyền của người chài lưới. Muốn vào thành Giêrusalem Ngài phải dùng con lừa mượn của người khác. Khi chết, Ngài chỉ còn một cái áo, nhưng bọn lính cũng lấy cái áo đó của Ngài. Sau khi chết, Ngài không có tiền để lại để mua một cái huyệt, mà người ta phải trôn Ngài trong một cái huyệt của người khác. Tất cả những điều ấy chẳng phải nói lên rằng Ngài đang ở cùng chúng ta trong nhân loại này để hiện hữu, để đồng hành, để chia sẻ cùng nhân loại cho dù nhân loại có thế nào đi nữa.
Thiên Chúa ở cùng chúng ta nơi cuộc sống
Một điểm khác biệt mà chúng ta nhận thấy nơi Đức Giêsu, Con Thiên Chúa làm người, đó là chúng ta luôn nhìn thấy Ngài nơi cuộc sống nếu chúng ta đặt trọn niềm tin vào Ngài. Tuổi thơ của Ngài được Tin Mừng thuật lại chỉ là con bác thợ mộc, nhưng cho dù sự khôn ngoan cao nhất của chúng ta trải qua với bằng cấp này, chứng nhận kia, cũng không sao so sánh được với sự khôn ngoan của Ngài. Khi mới mười hai tuổi, Ngài đã làm cho bao người thông thái ngạc nhiên vì những lời đối đáp cao siêu của mình. Nghe lời Ngài giảng dạy, mọi người phải ngạc nhiên vì Ngài giảng dạy có uy quyền và khác hẳn những người khác, vì Ngài có đầy đủ thẩm quyền phán quyết cho mọi vấn đề. Ngài có quyền trên định luật thiên nhiên. Một tiệc cưới bất ngờ thiếu rượu, Ngài đã biến nước thành rượu để gia chủ khỏi bẽ mặt trong ngày vui. Chỉ dùng một phần ăn của một em nhỏ với năm cái bánh và hai con cá, Ngài đã đãi hơn năm ngàn người một bữa ăn no nê lại còn dư ra mười hai giỏ đầy. Một đêm khuya kia trong một cơn giông dữ dội, Ngài đã coi thường định luật hấp lực của trái đất, đã đi trên mặt biển để đến với các môn đệ. Họ đang kinh hãi vì các ngọn sóng biển cao gào thét, nhưng Ngài không sợ mà trái lại, Ngài đã quở gió và biển, chúng phải vâng lệnh im lặng như tờ. Việc lạ lùng đến nỗi các môn đệ kinh ngạc hỏi nhau “Ngài là ai?”
Các bác sĩ phải dùng thuốc để chữa bệnh, nhưng Ngài chỉ dùng lời phán để chữa lành mọi bệnh tật. Thật lạ lùng! Ngài đã giải tán đám tang bằng cách rờ vào quan tài cho cậu trai sống lại rồi đi về nhà cùng bà mẹ của cậu. Ngài biến cảnh thương tâm tử biệt của Mátta thành cảnh vui mừng xum họp bằng cách gọi Ladarô sống lại, ra khỏi mồ, dù chàng đã chết chôn bốn ngày.
Ngài chẳng hề viết một cuốn sách nhưng hiện nay trên thế giới, không có một thư viện nào có đủ chỗ chứa sách viết về Ngài. Ngài không hề vẽ một bức tranh nhưng ngày nay không biết bao nhiêu bức tranh vẽ về Ngài. Ngài không sáng tác một bài nhạc hay một bài ca ngợi về Ngài, nhưng những bản nhạc đại hòa tấu chúc tụng Ngài nhiều vô kể và đang vang tiếng khắp bốn bể năm châu.
Ngài không hề có vũ khí trên tay. Ngài cũng không hề tuyển mộ binh sỹ để thành lập quân đội như bao tướng lãnh đạo khác, nhưng chỉ với sự hiện hữu và tình yêu vô tận nơi cuộc sống của mình, từ hơn hai ngàn năm nay, có biết bao nhiêu người đã sẵn sàng sống vì Ngài và phục vụ như Ngài. Vâng, tất cả những điều ấy phải chăng là để mỗi lần mừng lễ Giáng Sinh, chúng ta nhớ lại hình ảnh của Ngài nơi cuộc sống của mỗi người chúng ta. Và hơn thế nữa, chúng ta có Thiên Chúa ở cùng nơi cuộc sống này bằng một tình yêu hiến tế vì nhân loại, vì ơn cứu độ mà Thiên Chúa mong muốn gửi tặng cho con người.
Thiên Chúa ở cùng chúng ta bằng tình yêu hiến tế
Đức Giêsu đã nhắn nhủ với chúng ta rằng: “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13). Thật như lời Ngài đã nhắn với chúng ta, Ngài đã sẵn sàng đón nhận mọi đau khổ, mọi sự xỉ vả, mọi tội lỗi của nhân loại này để bằng giá máu của mình làm cho nhân loại, cho con người nhận ra “Thiên Chúa luôn ở cùng” nhân loại. Chúng ta đang vui mừng đón lễ Giáng Sinh, hay Noel với không khí tràn đầy ấm áp, thử hỏi rằng bởi đâu mà có? Đó không phải là chính Con Thiên Chúa đang ở cùng nhân loại sao? Nếu Thiên Chúa không sẵn sàng hiến tế bằng tình yêu trên nhân loại để muốn nhân loại được hưởng ơn cứu độ thì nhân loại có thể vượt qua được nỗi thống khổ trong cuộc sống này chăng. Có lẽ chúng ta cũng khẳng định rằng, không ai dám hi sinh tính mạng vì bạn hữu của mình trong tình yêu, nhưng Đấng EmmanuEL – “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” đã sẵn sàng vì tình yêu hiến tế ấy.
Tất cả ai nấy đều chết vì mình, nhưng Đức Giêsu, Con Thiên Chúa lại chết vì tội nhân. Tất cả mọi người đều sợ hãi trước sự chết, nhưng Đức Giêsu đã chiến thắng sự chết và bước ra khỏi mồ một cách khải hoàn. Chúng ta rời cuộc đời trần thế bằng nắm mồ trong lòng đất, nhưng Ngài rời cuộc đời trần thế bằng cách thăng thiêng về Nước Trời. Ngài đã từng bị khinh bỉ nhục nhã, nhưng nay Ngài đang ngồi trên ngai vinh hiển của Thiên Chúa. Niềm tin, niềm hy vọng mà Đức Giêsu, Con Thiên Chúa làm người đã để lại cho nhân loại này là cũng được lên trời vinh hiển nếu chúng ta nhận biết “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”.
Bởi thế, hôm nay, Ngôi Lời đã làm người và sống giữa chúng ta. Hôm nay, trong đêm ân sủng này, thời gian được mở ra đến cõi đời đời, bởi vì Ngài, Lạy Chúa Kitô, Ngài đã từ trời cao mà sinh xuống giữa chúng con. Ngài sinh xuống trần gian từ cung lòng của một người nữ đã được chúc phúc hơn mọi người nữ. Ngài là Con Thiên Chúa, Đấng Tối Cao. Sự thánh thiện của Ngài đã thánh hóa thời gian của chúng con một lần vĩnh viễn luôn mãi. Với sự Giáng Sinh của Ngài, Ngài là “Thiên Chúa ở cùng chúng con”, Ngài đã làm cho thời gian trở thành cái hôm nay, cuộc sống này của nhân loại luôn sống trong niềm hy vọng với ơn cứu độ mà “Thiên Chúa ở cùng chúng con” đã trao ban.
Lạy Chúa, xin cho chúng con mỗi khi chiêm ngắm cảnh nghèo hèn nơi Bê lem nơi Hài Nhi Giêsu, Con Thiên Chúa làm người và ở cùng chúng con, xin hãy làm cho chúng con cảm nghiệm và tin tưởng với niềm xác tín “Thiên Chúa ở cùng chúng con” mọi ngày trong cuộc sống. để chúng con luôn trở nên những chứng nhân của tình yêu Chúa, một tình yêu hiến tế đã thôi thúc Ngài cởi bỏ vinh quang Thiên Chúa để sinh ra sống giữa con người và chịu chết vì chúng con. Amen.
VÌ SAO ĐỨC GIÊSU PHẢI SINH RA TẠI BÊLEM?
♦ Lm. Giuse Phạm Duy Thạch, SVD
Đêm vọng Giáng Sinh là đêm hồi tưởng, kỷ niệm, mừng kính Sinh Nhật Đấng Cứu Thế. Phụng vụ bài đọc kể lại bối cảnh, và sự kiện Chúa Giáng Sinh làm người, theo như lời Người đã
hứa với dân Người trong sách Cựu Ước. Ngài là Thiên Chúa làm người nên cần một không gian và thời gian để Ngài hiện diện trong không gian và thời gian. Tuy nhiên, Ngài cũng là Thiên Chúa đến từ trời cao nên cũng được sinh ra trong cảnh các cơ binh thiên thần ca hát vang trời. Ngài ở cùng nhân loại với đủ mọi thứ thành phần dân chúng nhưng Ngài chọn sinh hạ với sự hiện diện của tầng lớp bình dân đến nghèo hèn. Tất cả niềm vui mừng, sự giao hòa giữa đất thấp với trời cao sẽ được trình bày trong đêm Giáng Sinh này. Cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa với nhân loại được diễn ra trong khung cảnh hết sức bình thường nhưng mang lại một cảm xúc bất thường, ngỡ ngàng. Trong đêm cực thánh này người ta sẽ tìm thấy “một Đấng Cứu Độ đã sinh ra” trong thành “của vua Đavít”, và “nằm trong máng cỏ” vì yêu nhân loại.
Một Đấng Cứu Độ đã sinh ra
Đêm Giáng Sinh còn được gọi là đêm huyền diệu, đêm thánh, đêm ánh sáng chiếu soi vào u tối. Bài trích sách ngôn sứ Isaia diễn tả cảnh dân đang bước đi trong tối tăm và nhìn thấy một ánh sáng huy hoàng. Dân sẽ được vui mừng vì Chúa sẽ làm cho họ nên vĩ đại. Chúa sẽ nghiền nát ách nô lệ mà họ đang mang. Tất cả được thể hiện qua việc Chúa sẽ ban tặng cho họ một người con. Tên của Người là “cố vấn kỳ diệu, Thiên Chúa Huy Hoàng, Người Cha Muôn thuở và Vua Thái Bình”. Bối cảnh Isaia loan báo Tin Vui này là bối cảnh quốc gia Ítraen đang lâm vào tình trạng nô lệ đế quốc Átsua một cách khốn khổ. Tin vui “một người con sẽ sinh ra” quả là một niềm hy vọng lớn lao cho toàn dân. Người con này, thuộc dòng dõi vua Đavít, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận (x. 2 Sm 7). Tin vui ấy đã tròn đầy khi Đức Giêsu được sinh ra.
Trong thành của vua Đavít
Đức Giêsu được Thánh Kinh nói trước là một Đấng Mêsia, thuộc dòng dõi vua Đavít. Ngài nhất thiết phải được sinh ra trên quê hương của vua Đavít. Đó là Bêlem (tiếng Do Thái là Beth-Lehem, nghĩa là nhà của lương thực) (x. Mc 5,1-2; Mt 2,1). Người sẽ được một trinh nữ sinh ra một cách lạ kỳ (x. Is 7,14), bởi vì Người cũng là Con Thiên Chúa làm người. Tất cả những tiên báo liên quan đến sự Giáng Sinh của Người sẽ được ứng nghiệm trong trình thuật Giáng Sinh theo thánh Luca. Tuy nhiên, nhà của Maria, theo tường thuật Truyền Tin, là ở Nagiarét, và Giuse cũng định cư tại Nagiarét, dù rằng ông có nguyên quán là Bêlem. Ông có nguyên quán ở Bêlem vì ông là con cháu hoàng gia Đavít. Cuộc kiểm kê dân số đầu tiên đã đưa Giuse và Đức Maria về Bêlem trong lúc Đức Maria đã sắp đến thời sinh nở. Lẽ ra, sẽ tốt hơn nếu cô được ở trong bệnh viện lúc ấy. Sự việc tưởng chừng như ngẫu nhiên, nhưng lại rất hữu ý trong ý định của Thiên Chúa. Nếu như không có cuộc kiểm tra dân số đúng thời điểm Đức Maria gần đến ngày mãn nguyệt khai hoa, và nếu như Giuse không có nguyên quán ở Bêlem và không phải về Bêlem để đăng ký, thì Đức Giêsu không thể sinh ra tại Bêlem. Đức Giêsu không sinh ra tại Bêlem thì không sinh ở quê hương của vua Đavít và cũng không ứng nghiệm lời ngôn sứ Micah: “nhưng ngươi, Bêlem, Épratha, mặc dù ngươi nhỏ nhất trong các chi tộc của Giuđa, từ nơi ngươi, sẽ xuất hiện cho ta một người, người sẽ chăn dắt trên Ítraen” (Mk 5,1-2).
Nằm trong máng cỏ, giữa các thiên thần và các mục đồng
Đức Giêsu được sinh ra tại Bêlem, quê hương của tổ tiên Người là Đavít. Thế nhưng, điều đặc biệt lạ lùng là Người không được sinh ra trong cung điện, cũng không phải ở trong một ngôi nhà đàng hoàng. Ngài được sinh ra trên cánh đồng vắng, trong một cái chuồng bò lừa và được đặt nằm trong máng cỏ chứ không phải chiếc giường nệm ấm chăn êm. Tuy được sinh ra bởi cha mẹ nhân loại trong một bối cảnh lịch sử nhân loại và giữa cánh đồng Bêlem cũng rất nhân loại, rất đỗi tầm thường, nhưng Hài Nhi ấy, thuộc trời cao như đã được nói trước với Đức Maria trong trình thuật Truyền Tin (Người sẽ nên cao cả và sẽ được gọi là con Đấng Tối Cao). Giờ đây, một lần nữa trong một trình thuật Truyền Tin khác, bởi một thiên sứ khác, cho một nhóm người khác, nhóm người chăn chiên đang qua đêm trên đồng. Thiên sứ của Thiên Chúa, trong bối cảnh vinh quang Thiên Chúa chiếu tỏa bao trùm, đã báo tin cho các mục đồng rằng: “hôm nay Đấng Cứu Độ, Đấng Mêsia và là Đức Chúa đã sinh ra cho các ngươi trong thành của Đavít” (Lc 2,10). Ngài chính là “đứa trẻ được bọc tả và được đặt nằm trong máng cỏ” (Lc 2,12). Sứ giả của Thiên Chúa, vinh quang của Chúa bao trùm, Hài Nhi được sinh ra là Đấng Cứu Độ, Đấng Mêsia và Đức Chúa. Rồi, đoàn cơ binh thiên thần ca hát, tán dương “vinh danh Chúa trên các tầng trời”. Tất cả những chi tiết ấy nhằm tô đậm nét đẹp của bức tranh hùng vĩ của cánh đồng Bêlem. Bức tranh này khắc họa một sự mạc khải rằng Hài Nhi Giêsu có nguồn gốc từ trời cao, dẫu cho Ngài vẫn đang được đặt trong một máng cỏ trong hang bò lừa. Trước lời truyền tin ấy chính các mục đồng cũng hân hoan hối hả đi Bêlem để kiểm chứng, và tìm hiểu. Họ đã tìm thấy Đức Maria, thánh Giuse và Hài Nhi Giêsu nằm trong máng cỏ y như lời sứ thần nói. Họ đã tường thuật tất cả những gì đã xảy ra, và những lời sứ thần nói với họ. Họ còn kể lại cho tất cả dân cư thành Bêlem nữa. Và tất cả những ai nghe lời họ tường thuật đều hết sức kinh ngạc. Chính các mục tử thì trở về với niềm hân hoan khôn tả, họ vừa đi vừa ca tụng và ngợi khen vinh quang Chúa. Riêng Đức Maria thì “gìn giữ những sự việc ấy như kho tàng” và “suy đi nghĩ lại trong lòng”. Đây là đặc tính riêng, chỉ có Đức Maria mới có được. Đến khi Đức Giêsu bị lạc, ngồi trong đền thờ Giêrusalem, vừa nghe vừa đặt câu hỏi, Đức Maria lại “gìn giữ những sự ấy như kho tàng” trong lòng mình (Lc 2,51).
Cho chúng ta
Chiêm ngắm hang đá máng cỏ mầu nhiệm Giáng Sinh, các tín hữu được mời gọi gợi nhớ lại ký ức của lần gặp gỡ Chúa đầu tiên khi Ngài Giáng Sinh làm người. Ngài làm người như bao đứa trẻ khác. Nhưng Ngài cũng khác biệt bao đứa trẻ khác ở chỗ Ngài là Con Thiên Chúa. Ngài hạ mình đến, không ngại đi vào hang bò lừa, chốn nghèo hèn để mang bình an cho nhân loại. Bình an Ngài ban tặng là bình an vĩnh cửu, vững chắc, dù có những sóng gió của cuộc đời. Ai gặp gỡ Ngài sẽ có được niềm vui, một niềm vui đến nỗi không cưỡng lại được việc cất lên lời ngợi khen Thiên Chúa. Một niềm vui thúc bách sự chia sẻ loan tin cho người khác, chứ không giữ riêng cho mình, để cả nhân loại cùng chung niềm vui gặp gỡ con Thiên Chúa làm người. Trời đất giao hòa, nhà nhà người người cùng chung niềm vui với nhau. Đó là niềm vui trọn vẹn tròn đầy của Đêm Giáng Sinh, Đêm Hồng Phúc. Ước gì Đức Giêsu vẫn là niềm mong đợi thiết tha nhất của con người ngày nay. Để mỗi Mùa Giáng Sinh đến, nhân loại lại được tràn ngập niềm vui vì gặp gỡ được Đấng Cứu Độ Giáng Sinh cho chúng ta.
BÌNH AN CỦA CHÚA GIÁNG SINH
Tu sĩ Phaolô Trần Khắc Công, SVD
Có thể nói, một trong những nỗi ước mong lớn nhất của con người đó là có được sự bình an. Nỗi ước mong đó được thể hiện qua nhiều khía cạnh khác nhau trong cuộc sống thường ngày. Mỗi khi tưởng niệm về một cuộc chiến nào đó, người ta thường thả những chú bồ câu, biểu tượng của sự hòa bình, với mong ước được sống trong yên bình. Trong các dịp lễ lớn, hoặc khi có người đi xa, người ta cũng thường chúc cho nhau có được cuộc sống bình an, hoặc lên đường bình an. Tất cả những điều đó nói lên được tầm quan trọng của sự bình an trong cuộc sống. Thế nhưng chúng ta đã hiểu thế nào về sự bình an? Và đâu là nguồn bình an đích thực cho mỗi người chúng ta?
Bình an có thể được hiểu theo nhiều mức độ khác nhau. Trước hết, đối với một số người, bình an đơn giản chỉ là những yếu tố bên ngoài có thể đảm bảo được cho cuộc sống của mình. Đó có thể là tiền bạc, của cải, danh vọng, chức quyền. Khi có được những yếu tố đó, họ cảm thấy cuộc sống mình được an toàn. Với quan niệm như thế, họ đã cố công đi tìm cho được nguồn bình an đó, nguồn bình an vốn dựa trên những giá trị vật chất đơn thuần.
Thế nhưng, lối quan niệm về sự bình an như thế rõ ràng đã không đáp ứng được khát vọng sâu xa của con người. Đã có biết bao người sống trên tiền bạc, của cải với đầy đủ danh vọng, chức quyền, thế nhưng họ vẫn cảm thấy chán nản, thất vọng, bất an, để rồi cuối cùng đã tìm đến cái chết như một sự phản ứng với cuộc sống vô nghĩa này.
Với thực tế như thế, một số khác lại có một chủ trương khác về sự bình an. Theo họ, sự bình an không thể dựa trên các yếu tố vật chất bên ngoài nhưng phải dựa vào cái tâm bên trong của mình. Nói khác đi, chính cái “tâm” của ta mới quyết định cho ta có được bình an hay không. Với quan niệm sự bình an xuất phát từ nội tâm như thế, nên cách tốt nhất để giữ được sự bình an, là người ta phải rèn luyện tâm tính của của mình để cho tâm của ta luôn “đứng vững”, không bị dao động bởi các cảm xúc, ham muốn của mình. Chỉ khi nào cái tâm của ta “bất biến”, không bị cuốn theo những sự buồn vui của dòng đời, khi đó cuộc sống của ta mới an bình, hạnh phúc.
Quan niệm về sự bình an nội tâm này, dù rất hấp dẫn và lôi cuốn, nhưng ta thấy vẫn không giải quyết triệt để vấn đề của con người. Dù có nỗ lực cách mấy, người ta cũng phải thừa nhận rằng đã có những lúc mình thấy bất an, lo lắng. Những nỗi bất an này, không phải là vì cái tâm của ta chưa vững, chưa dứt bỏ hoàn toàn với những ham muốn của giác quan, nhưng là vì thân phận yếu đuối tội lỗi của ta. Ai trong chúng ta cũng ý thức được con người tội lỗi của mình. Khi ta phạm tội, ta không thể sống an vui hạnh phúc; khi ta phạm tội, ta không thể không lo lắng, ưu phiền. Những tội lỗi này là những điều tự sức ta không thể tránh khỏi. Thế nên, chỉ có Đấng nào không có tội lỗi, đứng trên tội lỗi và có khả năng tha thứ tội lỗi cho ta, Đấng ấy mới có thể ban cho ta nguồn bình an đích thực.
Hôm nay Giáo Hội Công Giáo chúng ta long trọng mừng lễ Giáng Sinh, một trong những lễ trọng đại nhất của chúng ta. Biến cố giáng sinh của Con Thiên Chúa đã đánh dấu một cột mốc mới, đã mở ra một trang sử mới trong lịch sử nhân loại. Kể từ đây, con người không còn phải sống trong lo âu sợ sệt, trong sự bất an nữa. Chính Ngôi Hai Thiên Chúa sẽ giải thoát con người khỏi những nỗi bất an sợ sệt, sẽ diệt trừ tội lỗi, đem lại cho con người một cuộc sống mới, một cuộc sống bình an, hạnh phúc trong mối tương quan tốt đẹp với Thiên Chúa. Chính vì thế, biến cố xuống thế làm người của Ngôi Hai Thiên Chúa trong lễ Giáng Sinh đêm nay quả là một Tin Mừng trọng đại, một niềm vui lớn lao cho những ai đang khao khát, đang trên đường đi tìm sự bình an cho chính mình.
Trước hết, biến cố nhập thế của Ngôi Hai Thiên Chúa đã thiết lập một mối tương quan mới giữa con người với Thiên Chúa. Sau khi sa ngã, tổ tông loài người đã phá vỡ đi mối tương quan tốt đẹp, hài hòa giữa con người với Thiên Chúa. Kể từ đây, con người đã sống trong sự mâu thuẫn xung đột, trong những nỗi buồn phiền, đau khổ, đầy tràn những nỗi bất an, lo lắng. Đó là hậu quả của tội lỗi mà con người đã gây ra cho chính mình. Chính trong thực trạng đáng thương đó, Con Thiên Chúa đã xuống thế để giải thoát con người khỏi mọi xiềng xích của tội lỗi, cất bỏ đi những nỗi bất an lo lắng cho con người. Với việc xuống thế làm người, Ngôi Hai Thiên Chúa đã nối kết lại nhịp cầu hòa hợp giữa trời và đất, đã giao hòa lại giữa con người với Thiên Chúa, đem lại cho con người một cuộc sống hài hòa, bình an, hạnh phúc như thuở ban đầu.
Thế nhưng Ngôi Hai Thiên Chúa không chỉ xuống thế để đem lại sự bình an cho chúng ta mà hơn thế nữa, chính Ngài còn là sự bình an. Việc Ngôi Hai biến thành xác phàm để hiện diện, đồng hành với chúng ta quả là một quà tặng bình an đích thực, một quà tặng vô giá mà Thiên Chúa đã trao ban cho nhân loại chúng ta. Khi được Thiên Chúa đồng hành, hiện diện, chúng ta sẽ cảm thấy có một nguồn bình an đích thực, tuyệt đối nơi mình. Đó cũng chính là cảm nghiệm mà các ngôn sứ trong Cựu Ước đã trải qua. Khi cảm nghiệm được việc “Thiên Chúa đang ở cùng”, các ngôn sứ đã trở nên mạnh mẽ, can đảm, không còn phải lo âu sợ sệt nữa. Sự hiện diện, ở cùng của Thiên Chúa đã đem lại cho các ông một sự bình an tuyệt đối.
Cảm nhận được nguồn bình an lớn lao của Ngôi Lời qua biến cố giáng sinh, ắt hẳn ai trong chúng ta cũng cảm thấy vui. Vui vì từ nay chúng ta không còn phải sống trong lo âu sợ sệt, nhưng đã có một nguồn bình an đích thực là Ngôi Hai giáng thế. Các thiên thần đã cảm nhận niềm vui này ngay khi Ngôi Hai giáng sinh, vì thế các ngài đã tung hô:
“Vinh danh Thiên Chúa trên trời
Bình an dưới thế cho loài người Chúa thương” (Lc 2,14).
Món quà bình an của Ngôi Hai Giáng Sinh đã đến với nhân loại chúng ta. Thế nhưng chúng ta có chịu đón nhận món quà đó hay không lại tùy thuộc vào chính chúng ta.
Đã hơn hai ngàn năm trôi qua kể từ khi Chúa giáng sinh, ta thấy nhân loại vẫn đang sống trong những nỗi bất an, lo lắng, sợ sệt. Vẫn còn có những xung đột mâu thuẫn, vẫn còn có những cuộc chiến tranh, vẫn còn có những sự hận thù, chia rẽ. Tất cả những điều đó như một bức tranh ảm đạm làm lu mờ đi món quà bình an của Thiên Chúa. Dường như sự bình an chỉ là một ước mơ xa xôi, một lời ca xa xưa của các thiên thần trong đêm Chúa giáng sinh vọng về mà thôi.
Để có được sự bình an của Thiên Chúa, chúng ta cần phải thay đổi lối sống, cải biến tâm hồn của mình. Một tâm hồn còn chứa đầy những sự ghen ghét hận thù, còn chứa đầy những sự ích kỷ, chia rẽ thì sự bình an của Thiên Chúa không thể bén rễ và lớn lên được. Chỉ khi nào tâm hồn chúng ta đầy tràn yêu thương, biết tha thứ và quảng đại, khi đó sự bình an của Thiên Chúa mới có điều kiện nảy nở, lớn lên trong tâm hồn chúng ta. Từ đó, chúng ta sẽ làm cho món quà bình an của Thiên Chúa được lan tỏa ra khắp thế gian này.
Lạy Chúa, Chúa đã cho Người Con yêu dấu của Chúa xuống thế để trở thành nguồn bình an cho chúng con. Đó quả là một Tin Mừng trọng đại cho chúng con – những người đang lần mò trong đêm tối để đi tìm sự bình an cho chính mình. Xin cho chúng con biết sửa đổi tâm hồn để xứng đáng đón nhận món quà bình an của Chúa.