CHƯƠNG I: LỊCH SỬ MÙA VỌNG

0
95

Lm. Antôn P. Nguyễn Phi Tiến, SVD trích dịch sang Việt ngữ từ: Abbot Guéranger, O.S.B., The Liturgical Year: Advent, Volume 1, (bản dịch tiếng Anh của Domlaurence Shepherd, O.S.B.), St. Bonaventure Publications 2000, tr. 21-27.

👆  CHƯƠNG II: MẦU NHIỆM MÙA VỌNG

👆  CHƯƠNG III: THỰC HÀNH MÙA VỌNG>>>


CHƯƠNG I: LỊCH SỬ MÙA VỌNG[1]

Thuật ngữ “Adventus”[2] đã được áp dụng trong Giáo Hội Latin để ám chỉ một phần thời gian trong Năm Phụng Vụ, trong khoảng thời gian ấy, Giáo Hội mời gọi các tín hữu chuẩn bị mừng đại lễ Giáng Sinh, kỷ niệm ngày sinh nhật của Đức Giêsu Kitô. Mầu nhiệm của ngày trọng đại này phải được tôn kính một cách đặc biệt bằng đời sống cầu nguyện và việc thực hành sám hối. Nhưng trong thực tế, không thể khẳng định điều gì chắc chắn cho đến khi Mùa Vọng lần đầu tiên được thiết lập (vì việc thực hành của mùa này đã được áp dụng từ rất sớm trước khi được chính thức gọi tên “Mùa Vọng”). Tuy nhiên, dường như việc thực hành Mùa Vọng lần đầu tiên được áp dụng ở Tây Phương, nhưng lúc đó vẫn chưa được xem là thời gian chuẩn bị cho đại lễ Giáng Sinh, cho đến khi lễ Giáng Sinh được ấn định cách rõ ràng vào ngày 25 tháng 12. Ở Đông Phương, ngày lễ Giáng Sinh chỉ bắt đầu vào cuối thế kỷ thứ IV; trong khi đó, Giáo Hội Rôma đã tổ chức lễ này vào ngày 25 tháng 12 từ rất sớm.

Chúng ta phải khám phá Mùa Vọng dưới hai chiều kích khác nhau: Thứ nhất, Mùa Vọng là thời gian chuẩn bị, nói đúng hơn là khoảng thời gian hướng tới ngày sinh nhật của Đấng Cứu Thế bằng những việc làm sám hối; và thứ hai, Mùa Vọng là một chuỗi Giờ Kinh của Giáo Hội thiết lập để chuẩn bị cho đại lễ Giáng Sinh. Từ thế kỷ thứ V, chúng ta tìm thấy phong trào cổ võ dân chúng chuẩn bị cho đại lễ Giáng Sinh. Chúng ta có hai bài giảng của thánh Maximus thành Turin nói về chủ đề này, ngoài ra, còn có những bài viết khác mà trước đây được gán cho là của thánh Ambrose và thánh Augustine, nhưng có lẽ đã được viết bởi thánh Cesarius thành Arles. Nếu những tài liệu này không nói cho chúng ta biết rõ Mùa Vọng kéo dài bao lâu và những việc thực hành trong mùa thánh này là gì, thì ít nhất chúng cũng cho chúng ta thấy cách phân biệt thời gian thực hành cổ xưa về Mùa Vọng nhờ các bài giảng đặc biệt này. Thánh Ivo thành Chartres, thánh Bernard và một vài tiến sĩ khác ở thế kỷ XI – XII đã để lại cho chúng ta những bộ sách bài giảng “de Adventu Domini” khá rõ ràng từ những bài giảng lễ Chúa Nhật của các ngài về Phúc Âm của mùa đó. Vào năm 846, trong tác phẩm “capitularia” của Charles de Bald, các giám mục cảnh báo rằng, hoàng đế không được gọi các mục tử đi ra khỏi giáo phận của họ trong suốt thời gian Mùa Chay hoặc Mùa Vọng vì lý do công việc quốc gia hay nhu cầu chiến tranh. Điều đó cho thấy rằng các ngài có nhiệm vụ đặc biệt phải thi hành và cách riêng là việc giảng dạy trong suốt thời gian thánh đó.

Trong một tài liệu cổ nhất, chúng ta tìm thấy thời gian và các việc thực hành của Mùa Vọng được đề cập đến một cách rõ ràng, là một phân đoạn trong quyển sách thứ hai về “History of the Franks” bởi thánh Gregory thành Tours, trong đó ngài nói rằng thánh Perpetuus, một trong những vị tiền nhiệm của ngài đã buộc ăn chay ba lần một tuần, kể từ lễ kính thánh Martin đến lễ Giáng Sinh vào khoảng năm 480. Cũng không thể khẳng định được liệu thánh Perpetuus đã thiết lập một tập tục mới thông qua các quy định của mình, hay chỉ đơn thuần thực hiện một điều luật đã tồn tại trước đó. Tuy nhiên, chúng ta hãy lưu ý đến khoảng thời gian 40 hoặc 43 ngày đã được đề cập một cách rõ ràng và được ấn định cho việc sám hối, như thể đó là Mùa Chay thứ hai, mặc dù không nghiêm khắc và nhiệm nhặt bằng thời gian Mùa Chay trước lễ Phục Sinh.

Sau này, chúng ta tìm thấy quy luật thứ chín của Công Đồng Marcon đầu tiên được tổ chức vào năm 582, quy định rằng trong khoảng thời gian giữa ngày lễ thánh Martin và lễ Giáng Sinh, các ngày thứ Hai, thứ Tư và thứ Sáu nên ăn chay và Nghi Lễ nên được cử hành theo nghi thức Mùa Chay. Trước đó ít năm, chính xác là vào năm 567, Công Đồng thành Tours lần thứ hai đã buộc các đan sĩ phải ăn chay từ đầu tháng 12 cho đến lễ Giáng Sinh. Việc thực hành sám hối này sớm được kéo dài suốt 40 ngày, thậm chí cho cả giáo dân: và thường được gọi là Mùa Chay của thánh Martin. Trong ấn phẩm số 6 của Charlemagne với tựa đề “Capputularia” đã giúp chúng ta tin tưởng hơn về vấn đề này; và trong ấn phẩm số hai của Rabanus Maurus với tựa đề “Institution of clerics” đã đưa ra bằng chứng về sự thực hành này. Thậm chí còn có những cuộc vui mừng đặc biệt được tổ chức vào ngày lễ kính thánh Martin, giống như chúng ta thấy được thực hành hiện nay trong Mùa Chay và Mùa Phục Sinh.

Dẫu không được trình bày cách rõ ràng, nhưng bổn phận buộc tuân giữ thời gian chay tịnh này và điều đó dần dà đạt được nhờ sức mạnh của luật thánh. Thời gian chay tịnh bắt đầu được nới lỏng, 40 ngày chay tịnh kể từ lễ thánh Martin đến lễ Giáng Sinh được rút ngắn lại còn 4 tuần. Như chúng ta tìm thấy trong lịch sử của thánh Berna Khả Kính, lần đầu tiên việc giữ chay này bắt đầu được thực hiện ở Pháp; sau đó đến Anh; ở Ý, luật giữ chay xuất hiện trong một văn kiện chính thức của Astolphus, vua của Lombards năm 753; rồi tới Đức, Tây Ban Nha… Tất cả những chứng từ này có thể được tìm thấy trong công trình nghiên cứu của Dom Martène, trong tác phẩm the ancient rites of the Church (các nghi lễ cổ xưa của Giáo Hội). Điều được đề cập trước hết là Mùa Vọng được rút ngắn lại thành 4 tuần như đã được tìm thấy ở thế kỷ thứ IX, trong một lá thư của Đức thánh Giáo Hoàng Nicolast I gửi cho giáo dân Bungari. Chứng từ của Ratherius thành Verona, và của Abbo, Fleury, cả hai tác giả của thế kỷ thứ X, cũng nhằm chứng minh rằng, vấn nạn về việc rút ngắn thời gian chay tịnh Mùa Vọng xuống 1/3, dầu vậy, đó vẫn là quan điểm đúng đắn. Vào thế kỷ XI, thánh Peter Damian nói về thời gian chay tịnh Mùa Vọng vẫn còn kéo dài 40 ngày; và hai thế kỷ sau, thánh Louis vẫn giữ chay tịnh Mùa Vọng trong khoảng thời gian đó; và cho đến hôm nay, vị thánh vương này vẫn được nhắc đến, hẳn là do lòng sùng kính của ngài đã thúc đẩy ngài có những thực hành như vậy.

Trong vài năm gần đây, sau khi đã rút ngắn thời gian của chay tịnh Mùa Vọng, qui luật của các Giáo Hội Tây Phương như muốn thay đổi việc ăn chay bằng việc tiết chế đơn giản hơn. Ở điểm này, chúng ta có thể tìm thấy nơi các Công Đồng của thế kỷ XII, như Công Đồng Selingstadt năm 1122 và Công Đồng Avranches năm 1172, dường như chỉ đòi hỏi hàng giáo sĩ tuân giữ việc chay tịnh này. Còn Công Đồng Salisbury được tổ chức vào năm 1281 dường như không mong đợi gì hơn ngoài các tu sĩ giữ luật chay tịnh này. Mặt khác, không còn nghi ngờ gì nữa vì tất cả các vấn đề còn rất mơ hồ, bởi chưa bao giờ có bất kỳ sự thống nhất nào về kỷ luật liên quan đến việc giữ chay Mùa Vọng trong Giáo Hội Tây Phương. Chúng ta thấy trong lá thư của Đức Giáo Hoàng Innocente III gửi cho Giám mục của Braga, đề cập đến tập tục ăn chay trong suốt thời gian Mùa Vọng, như đã được áp dụng tại Rôma. Và cũng vào thế kỷ XIII, trong tác phẩm “Rationed on the Divine Offices” của Durandus cho thấy rằng, ở Pháp việc ăn chay Mùa Vọng được thực hành liên tục trong suốt thời gian thánh.

Photo: Christian.net

Điều chắc chắn rằng, tập tục ăn chay cho đến nay đã không còn được áp dụng, nhưng vào năm 1362, Đức Giáo Hoàng Urban V đã cố gắng ngăn chặn sự suy thoái hoàn toàn của việc sám hối Mùa Vọng. Ngài nhấn mạnh rằng tất cả các giáo sĩ trong giáo phận của ngài phải ăn chay trong suốt Mùa Vọng. Tuy nhiên, luật này không bắt buộc giáo dân và các giáo sĩ ngoài giáo phận của ngài. Thánh Charles Borromeo cũng đã cố gắng mang lại cho giáo dân của ngài ở Milan tinh thần sống thực hành cổ xưa này một cách cẩn trọng và chu đáo. Trong Công Đồng thứ tư, ngài yêu cầu các cha xứ thúc đẩy các tín hữu đến tham dự Thánh Lễ ngày Chúa Nhật, ít nhất trong Mùa Chay và Mùa Vọng. Và sau đó, ngài đã gửi một lá thư mục vụ cho các cha sở, trong đó, ngài nhắc nhở các ngài về các bổn phận phải thực hiện trong thời gian thánh này. Ngài mạnh mẽ thúc giục các tín hữu ăn chay ít nhất vào những ngày thứ Hai, thứ Tư và thứ Sáu mỗi tuần trong Mùa Vọng. Cuối cùng, Đức Giáo Hoàng Benedict XIV, khi còn làm Tổng Giám mục Bologna, tiếp nối những truyền thống tốt đẹp này, đã viết nên “Định Chế thứ XI của ngài về Giáo Hội” cho mục đích khơi dậy trong tâm trí giáo dân thuộc giáo phận của ngài ý tưởng cao quý mà các Kitô hữu thời xưa đã có về Mùa Vọng, và loại bỏ được một quan điểm sai lầm đã thịnh hành ở những nơi đó, cụ thể họ cho rằng Mùa Vọng chỉ dành riêng cho các tu sĩ chứ không dành cho giáo dân. Ngài dạy cho giáo dân thấy rằng quan niệm như thế, xét theo nghĩa chặt là một sự cẩu thả và khiếm nhã trừ khi điều đó bị giới hạn vào hai việc tập luyện ăn chay và khổ chế, vì không thể phủ nhận rằng trong những quy định và truyền thống của Giáo Hội hoàn vũ có những thực hành đặc biệt, với mục đích để chuẩn bị cho các tín hữu đón mừng đại lễ Sinh Nhật của Đức Giêsu Kitô.

Giáo Hội Hy Lạp vẫn tiếp tục tuân giữ thời gian chay tịnh Mùa Vọng, mặc dầu bớt nhiệm nhặt hơn so với Mùa Chay. Thời gian chay tịnh Mùa Vọng gồm 40 mươi ngày, bắt đầu từ ngày 14 tháng 11, ngày mà Giáo Hội Hy Lạp mừng lễ thánh Tông Đồ Philip. Trong suốt thời gian này, người tín hữu ăn chay kiêng thịt, bơ, sữa và trứng; nhưng họ vẫn được phép dùng những thức ăn mà họ không được phép dùng trong Mùa Chay như cá, dầu và rượu. Việc ăn chay một cách tuyệt đối chỉ bắt buộc 7 ngày trong 40 ngày; và toàn bộ thời kỳ này được gọi là Mùa Chay của thánh Philip. Người Hy Lạp biện minh cho những sự nới lỏng này bằng cách nói rằng: Mùa Chay trước lễ Giáng Sinh chỉ là một qui định của các đan sĩ, trong khi Mùa Chay trước lễ Phục Sinh là qui luật của các Tông Đồ.

Nhưng, nếu các thực hành bên ngoài của việc sám hối vốn trước đây đã góp phần thánh hoá thời gian Mùa Vọng, thì dần được nới lỏng trong Giáo Hội Tây Phương đến mức đã hoàn toàn trở nên lỗi thời, ngoại trừ trong các đan viện,[3] thì đặc tính chung của phụng vụ về thời gian thánh này vẫn không thay đổi; và chính bằng lòng đạo đức sống theo tinh thần của Mùa Vọng, các tín hữu sẽ chứng minh được sự nghiêm túc của họ trong việc chuẩn bị cho đại lễ Giáng Sinh.

Mô hình phụng vụ của Mùa Vọng có được như hiện nay trong Giáo Hội Rôma đã trải qua những tu chỉnh nhất định. Thánh Gregory được xem là người đầu tiên soạn thảo Nghi Thức Phụng Vụ cho mùa này, mà ấn bản đầu tiên gồm năm Chúa Nhật và rõ ràng được lấy từ sách “Các Bí Tích” cổ nhất của vị Giáo Hoàng vĩ đại này. Ý tưởng này đã được Amalarius của Metz, Berno của Reichnau, Dom Martène và Benedict XIV chấp nhận, nghĩa là cho rằng thánh Gregory đã khởi xướng luật phụng vụ về Mùa Vọng, mặc dù tập tục dành một khoảng thời gian dài hay ngắn hơn để chuẩn bị cho đại lễ Giáng Sinh đã được thực hành từ xa xưa, và việc ăn chay kiêng thịt của mùa thánh này lần đầu tiên được thực hiện ở Pháp. Vì vậy, đối với các Giáo Hội theo nghi lễ Latin, thánh Gregory đã ấn định mô hình Nghi Thức Phụng Vụ Mùa Vọng giống như Mùa Chay, và sự phê chuẩn việc ăn chay đã được thiết lập, chấp nhận phạm vi nhất định cho một số Giáo Hội về cách thức thực hành của mùa này.

Sách Bí Tích của thánh Gelasius không phải là sách Lễ cũng không phải là Kinh Phụng Vụ để chuẩn bị cho lễ Giáng Sinh; lần đầu tiên, chúng tôi tình cờ gặp thấy là trong sách nghi lễ Gregory, và khi quan sát, chúng tôi thấy có năm Thánh Lễ. Điều đáng chú ý là những Chúa Nhật này sau đó được tính ngược lại, nghĩa là Chúa Nhật gần lễ Giáng Sinh nhất được gọi là Chúa Nhật I và cứ tiếp tục như vậy với các Chúa Nhật còn lại. Cho đến sau thế kỷ thứ IX và X, các Chúa Nhật này đã được rút ngắn lại còn bốn Chúa Nhật, như chúng tôi nghiên cứu từ Amalarius, thánh Nicolas I, Berno ở Reichnau, Ratherius ở Verona… và đây cũng là con số trong sách nghi lễ Gregory của Pamelius; những điều này dường như đã được chép lại cùng khoảng thời gian ấy. Kể từ thời điểm đó, Giáo Hội Rôma luôn luôn tuân theo trình tự này về Mùa Vọng, nghĩa là Mùa Vọng có bốn tuần, và ngày lễ Giáng Sinh sẽ rơi vào tuần thứ tư, trừ khi ngày 25 tháng 12 là ngày Chúa Nhật. Do đó, chúng ta có thể chú ý đến qui luật hiện tại về việc tuân giữ Mùa Vọng đã kéo dài hàng ngàn năm, ít nhất là đối với Giáo Hội Rôma. Còn một vài Giáo Hội ở Pháp vẫn duy trì con số năm Chúa Nhật mãi đến tận thế kỷ XIII.

Thậm chí cho đến ngày nay, phụng vụ Ambrosio có sáu tuần Mùa Vọng và sách lễ Gothic hoặc Mozarabic cũng vậy. Đối với phụng vụ Gallican, một số cổ bản được Dom Mabillon thu thập không cung cấp cho chúng ta thông tin nào cả; nhưng dĩ nhiên với quan điểm của học giả uyên bác này vốn đã được Dom Martène xác nhận thì thật dễ hiểu nếu chúng ta giả thiết rằng Giáo Hội ở Gaul (Pháp) đã tiếp nhận các tập tục và nghi lễ của Giáo Hội Gothic, nghĩa là Mùa Vọng có sáu Chúa Nhật và bao gồm sáu tuần.

Đối với người Hy Lạp, luật chữ đỏ (lễ qui) cho Mùa Vọng được ban hành tại Menea, ngay sau Giờ Kinh Phụng Vụ ngày 14 tháng 11. Họ không có một Giờ Kinh Phụng Vụ riêng biệt cho Mùa Vọng, và cũng không cử hành Thánh Lễ trong thời gian này như họ đã thực hiện trong Mùa Chay. Chỉ có các Giờ Kinh Phụng Vụ dành cho các thánh, mà ngày lễ của các ngài diễn ra giữa ngày 14 tháng 11 và Chúa Nhật gần lễ Giáng Sinh nhất, thường ám chỉ đến sinh nhật của Đấng Cứu Thế, đến vai trò làm mẹ của Đức Maria và hang đá Bethlehem… Vào Chúa Nhật trước lễ Giáng Sinh, để cử hành việc mong đợi Đấng Mêsia đến, họ tuân giữ những gì mà họ gọi là ngày lễ của các thánh tổ phụ, nghĩa là việc tưởng nhớ các thánh trong Luật cũ. Họ ghi danh trước Lễ Giáng Sinh từ ngày 20, 21, 22 và 23 tháng 12; và mặc dù họ đọc kinh Phụng Vụ của một số vị thánh vào bốn tuần này, nhưng mà mầu nhiệm Giáng Sinh của Chúa Giêsu bao trùm toàn bộ phụng vụ.

👆  CHƯƠNG II: MẦU NHIỆM MÙA VỌNG>>>

Chú thích

[1] Lm. Antôn Nguyễn Phi Tiến, SVD trích dịch từ: Abbot Guéranger, O.S.B., “The Liturgical Year: Advent”, Volume 1, (bản dịch tiếng Anh của Domlaurence Shepherd, O.S.B.), St. Bonaventure Publications 2000, tr. 21-27.

[2] Từ tiếng Latinh: “Adventus”, có nghĩa là “đang đến”

[3] Người Anh gần đây cũng tuân giữ việc ăn chay và kiêng thịt vào những ngày thứ Tư và thứ Sáu trong Mùa Vọng, theo một nghĩa nào đó, có thể được xem như dấu tích của kỷ luật cổ xưa.

Bài trướcĐÔI MẮT TẦM NGÂN
Bài tiếp theoQuý Ông Bà Cố Dòng Ngôi Lời họp mặt tại CĐ. Ngôi Lời Kim Lâm