ĐÔI MẮT TẦM NGÂN

0
226

✍️ Tu sĩ Antôn Nguyễn Hồng Sơn

Mùa hè 2024, tôi thực hiện chuyến đi mục vụ đầu tiên trong ơn gọi truyền giáo Ngôi Lời. Vì lẽ đó, ngoài những hành trang tối thiều thì tôi mang thêm trong mình rất nhiều sự lo lắng. Dẫu vậy, sự háo hức và hy vọng học thêm nhiều thứ hữu ích, gặp gỡ nhiều người mới đã thôi thúc tôi hăng hái lên đường. Gói ghém tất cả trong sự phó thác vào Chúa, tôi lên đường đến với giáo xứ Tầm Ngân. Mỗi chuyến đi thường luôn để lại cho từng người một vài kỷ niệm và các cung bậc cảm xúc khác biệt. Sau chuyến đi lần này, đôi mắt là thứ mang đến cho tôi rất nhiều ấn tượng. Sau khi gặp gỡ và sống với những giáo dân ở Tầm Ngân, tôi cảm nhận được nét đẹp của câu nói: “đôi mắt là cửa sổ tâm hồn”. Nơi đó, đôi mắt của người dân không chỉ đẹp về trên phương diện hình thức nhưng còn cả phương diện tinh thần. Đôi mắt của họ lột tả niềm vui, lòng chân thành và sự gần gũi. Cuộc sống vật chất tuy khó khăn nhưng đôi mắt của họ luôn chứa đựng niềm hy vọng và sự quảng đại. Để rồi khi nhìn vào đó, tôi như được tiếp thêm sức mạnh và động lực cho những lúc khó khăn trong thời gian mục vụ. Tôi cũng cảm nhận được sự đúng đắn của lời ai đó đã nói: “góp nhặt những điều nhỏ bé có thể mang đến ý nghĩa to lớn giúp ta hết mình cho sứ vụ trong tương lai”.

Giáo xứ Tầm Ngân (thuộc giáo hạt Ninh Sơn, giáo phận Nha Trang) có vị trí hành chính tại thôn Tầm Ngân 1, xã Lâm Sơn, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận. Giáo xứ Tầm Ngân đã hình thành từ dinh điền Tín Mục dành cho người dân tộc K’ho của chính quyền miền Nam Việt Nam vào năm 1957. Tới năm 1963, Tầm Ngân là giáo điểm truyền giáo thuộc giáo xứ Sông Pha. Năm 2011, giáo họ Tầm Ngân được nâng lên giáo xứ với khoảng 1.100 giáo dân. Hiện nay, số giáo dân đã tăng lên hơn 2.000 với năm giáo họ: Phêrô, Anrê, Gioan Baotixita, Đa Minh và Đức Mẹ Mân Côi. Ngoài xa, giáo xứ cũng có hai giáo điểm ở khá xa là Suối Lê và Phước Bình. Trong đó, người dân tộc K’ho chiếm khoảng 80% và số còn lại là dân tộc Raglai, Chu Ru, Chăm, Êđê. Giáo dân ở đây là thuộc các dân tộc thiểu số nên điều kiện sống thiếu thốn và kinh tế rất khó khăn. Nghề nghiệp chính của giáo dân là làm rẫy, chăn nuôi gia súc, gia cầm và đánh bắt cá ở sông, suối. Tuy đời sống vật chất còn thiệt thòi nhưng tâm tình sống đạo của người dân khá tốt và mỗi ngày một phát triển. Điều này thể hiện qua việc giáo dân tham dự khá đông các thánh lễ, các hội đoàn, thiếu nhi tham gia học giáo lý và phụ giúp các công việc của giáo xứ. Hàng tuần, có những giáo dân đã vượt hàng chục cây số để tới nhà thờ vào chiều thứ bảy, nghỉ đêm và tham dự thánh lễ ngày Chúa Nhật. Dường như, càng khó khăn thì niềm khao khát đến với Chúa lại càng mãnh liệt. Một cái chiếu, chẳng có chăn hay gối cũng không thể ngăn cản nỗi khắc khoải được đức tin trong họ.

Trong thời gian mục vụ tại giáo xứ, công việc chính của tôi là phụ với các cô giáo được cha xứ liên hệ để dạy văn hóa cho các em thiếu nhi từ mẫu giáo đến lớp 9. Tôi cảm nhận được niềm vui và ý nghĩa trong những việc mình làm. Tôi cũng nhận thấy những công việc của tôi vẫn rất nhỏ để đáp ứng nhu cầu thực tế. Những phép tính cộng trong phạm vi 100 hay bảng cửu chương, đây là điều rất dễ đối với người Kinh nhưng lại là sự gian nan đối với các em thiếu nhi ở đó. Không ít những bạn lớp 8, lớp 9 vẫn còn phải đánh vần từng từ khi được mời đứng dậy đọc một đoạn văn tiếng Việt đơn giản. Nhìn vào các em, tôi không thấy thất vọng nhưng thấy thương và chạnh lòng. Cùng là người con đất Việt nhưng các em lại nhận lấy nhiều phần thiệt thòi hơn. Trong những lúc đó, tôi nhìn vào đôi mắt của các em, đôi mắt của sự hồn nhiên, cố gắng và hy vọng. Để rồi, tôi cố gắng hơn mà giúp các em tốt hơn qua từng ngày dù chỉ là chút ít. Tôi vẫn hay nói với các em rằng: “tất cả các con chỉ cần biết tính tiền và hát được karaoke là thầy vui rồi, ai giỏi hơn nữa thì tốt”. Thoạt nghe, chúng ta thấy sao mà mục tiêu đơn giản và tầm thường thế. Tuy nhiên, đây là thực tế mà các em thiếu nhi ở đó đang gặp phải.

Bên cạnh đó, cha xứ nhờ tôi cộng tác vào việc đi đến từng nhà để thu thập một vài thông tin cho việc hoàn tất hồ sơ của giáo xứ vào mỗi Chúa Nhật. Đây là cơ hội để tôi hiểu được những khó khăn của người dân tộc thiểu số nói chung và của việc truyền giáo nói riêng. Ở các nơi khác, bên cạnh những hoàn cảnh thiếu thốn thì vẫn có nhiều gia đình khá giả. Tuy nhiên, Tầm Ngân lại “đồng bộ” hoàn cảnh khó khăn. Những căn nhà đủ để người dân ngủ nghỉ và che mưa che nắng. Những vật dụng mà thời đại hôm nay coi là tối thiểu như tivi, tủ lạnh hay máy giặt,… trở nên xa xỉ với người dân ở Tầm Ngân. Người ta vẫn thường nói với tôi: “con xin lỗi vì nhà con không có bàn ghế để cho thầy ngồi ghi sổ”. Họ phải xin lỗi về những điều mà dù cố gắng rất nhiều cũng không có được. Không phải vì họ lười biếng nhưng vì hoàn cảnh và điều kiện tự nhiên không thuận lợi. Khi nghe điều này, tôi cảm giác vô cùng chạnh lòng, đầy cảm thông và phần nào bất lực. Khi đối diện với những khó khăn thực tế, tôi cảm nhận được những gì tôi được học từ trước tới nay vẫn chưa thấm vào đâu, như thể “chút muối bỏ biển”. Những khó khăn trước mắt có thể lại chẳng là gì so với những khó khăn mà tôi sẽ phải đón nhận khi theo đuổi ơn gọi truyền giáo. Chính vì thế, tôi cần nỗ lực, cố gắng nhiều hơn nữa trên con đường đang theo đuổi với hy vọng mang tình thương của Chúa đến với nhiều người có hoàn cảnh đặc biệt. Tuy vậy, nỗ lực nơi bản thân là chưa đủ; tôi cần đến sự giúp đỡ của nhiều người, nhất là các anh em cùng chí hướng và đặc biệt là cậy nhờ vào ơn Chúa.

Hành trình mục vụ hè giúp tôi học được thêm nhiều điều. Đôi mắt của tôi chứng kiến những điều mà trong tương lai sẽ gặp phải khi theo ơn gọi Ngôi Lời. Đôi mắt tôi đã được mở rộng tầm nhìn khi chạm vào ánh mắt của những đôi mắt thân thương ở Tầm Ngân. Tôi phải đối diện với một vài khó khăn nhưng cũng đón nhận rất nhiều niềm vui. Tôi xác tín rằng, mỗi sự ưu tư hay nỗi buồn đều mang đến kinh nghiệm giúp tôi rèn luyện để trở nên mạnh mẽ hơn qua từng ngày. Ngoài ra, tôi biết rằng rất nhiều đôi mắt nữa với niềm khao khát đang chờ đợi được nhìn đến để được cảm thông và được lãnh nhận ánh mắt vui tươi từ các nhà truyền giáo quảng đại. Do đó, tôi không thoái thác nhưng yêu mến hơn, nỗ lực hơn và cậy trông hơn với ước mong trở thành nhà truyền giáo nhiệt tâm vì Nước Trời.

Cuối cùng, tạ ơn Chúa đã luôn đồng hành, ban ơn và mang đến cho con một mùa hè thật ý nghĩa. Xin Chúa tiếp tục quan phòng và nâng đỡ con trên chặng đường phía trước.

Bài trướcLời Chúa + Bài giảng Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam
Bài tiếp theoCHƯƠNG I: LỊCH SỬ MÙA VỌNG