CẢM NGHIỆM THỰC TẬP OTP TẠI TỈNH DÒNG NGÔI LỜI COLOMBIA

0
191

✍️ Tu sĩ Phêrô Nguyễn Văn Căn, SVD

Ơn gọi dâng hiến là của Chúa và hành trình ơn gọi của mỗi người được hình thành từ những giai đoạn khác nhau trong cuộc đời. Qua mỗi giai đoạn đó, Thiên Chúa muốn đào tạo những ai Người tuyển chọn để họ ngày càng trưởng thành hơn và trở nên người làm vườn đắc lực hơn trong cánh đồng truyền giáo của Người. Gần hai năm thực tập mục vụ OTP tại Tỉnh dòng Colombia cũng là một trong những giai đoạn đặc biệt trên hành trình ơn gọi của tôi. Cuộc sống luôn cho ta những trải nghiệm để học hỏi thêm những điều mới mẻ nhằm giúp cho mỗi người lớn lên trong ơn gọi và lý tưởng sống của mình. Nhưng để có thể tiếp nhận và phát triển hơn nữa những kinh nghiệm sống trong đời dâng hiến, tôi cần phải có những quảng thời gian để hồi tâm và nhìn lại hành trình mà tôi đã đi qua. Dưới đây là những cảm nghiệm của tôi sau gần hai năm sống và thực tập mục vụ tại đất nước Colombia.

I. KHÁI QUÁT VỀ ĐẤT NƯỚC VÀ CON NGƯỜI COLOMBIA

Tên chính thức là Cộng hòa Colombia. Đứng đầu nhà nước là tổng thống. Thủ đô là Bogotá. Colombia tuyên bố độc lập ngày 20/7/1810. Ngôn ngữ chính thức là tiếng Tây Ban Nha và có khoảng 68 ngôn ngữ bản địa được công nhận.

Colombia là cửa ngõ của Nam Mỹ: phía Đông giáp với Venezuela và Brazil; phía Tây giáp với Thái Bình Dương và nước Panama; phía Nam giáp với Ecuado và Peru; phía Bắc giáp với biển Đại Tây Dương qua biển Caribe. Diện tích của Colombia là 1.138.910 km2. Dân số khoảng 51.6 triệu người (2023). Mật độ dân số 45 người/km2.

Về kinh tế, Colombia có nền kinh tế lớn thứ tư ở châu Mỹ Latinh, sau Brazil, Mexico và Argentina và thứ 30 trên thế giới (2020). Các ngành kinh tế chính gồm: Nông nghiệp 9%, công nghiệp 38%, dịch vụ và du lịch 53%.

Về khí hậu, Colombia không có mùa rõ rệt. Các vùng khí hậu đặc trưng như nóng, lạnh, ấm áp, mát mẻ được phân bố ở mỗi vùng với các độ cao và lượng mưa khác nhau. Các vùng đất thấp thường nóng và nhiệt độ giảm khoảng 2°C với mỗi 300m đi lên cao so với mực nước biển. Bởi đó, đất nước Colombia được chia thành năm vùng lãnh thổ kèm theo những đặc điểm khí hậu đặc trưng của mỗi vùng. Thứ nhất là vùng Caribe, có khí hậu nhiệt đới, nhiệt độ từ 22-35°C. Độ ẩm trung bình là 80%, đây là nguyên nhân gây ra cảm giác oi bức của khu vực này. Mùa mưa từ tháng 4 đến tháng 11 và mùa khô từ tháng 12 đến tháng 3. Thứ hai là vùng Pacífica, có khí hậu rừng rậm nhiệt đới ẩm, nhiệt độ trung bình 24-32°C. Lượng mưa quanh năm ~4000mm. Tỉnh Chocó, là một trong những khu vực có lượng mưa nhiều nhất trên thế giới. Thứ ba là vùng Andina, có khí hậu thay đổi tùy theo độ cao và vị trí địa lý. Đây là nơi có khí hậu ôn hòa, nhiệt độ từ 12-18°C. Những nơi cao hơn, nhiệt độ có thể xuống tới 0°C. Lượng mưa từ 1000- 3000 mm/năm. Thứ tư là vùng Oriniquía, có khí hậu đặc trưng bởi nhiệt độ cao và mưa dồi dào trong suốt cả năm, nhiệt độ trung bình là 27°C, vào mùa khô nhiệt độ có thể lên tới 35°C. Thứ năm là vùng Amazonía, có khí hậu ấm áp và ẩm ướt. Nhiệt độ dao động từ 25-28°C. Lượng mưa trung bình 3000 mm mỗi năm.

Chính những đặc điểm khí hậu đặc biệt đó đã làm cho đất nước Colombia trở thành một trong những quốc gia giàu nhất thế giới về sự đa dạng sinh học. Colombia được coi là khu bảo tồn lớn thứ hai trên thế giới (sau Brazil). Đồng thời, hệ thực vật vô cùng đa dạng, với ước tính khoảng 40.000 đến 45.000 loài, chiếm gần 15% hệ thực vật trên thế giới. Bên cạnh đó, Colombia còn được gọi là thiên đường của các loại chim, với số lượng khoảng 1.876 loài, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Tuy nhiên, nạn chặt phá rừng và sự biến đổi khí hậu đang đặt nhiều loài đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.

Về nhân chủng học thì Colombia là một đất nước đa sắc tộc, đa văn hóa, trong đó nhóm người da trắng chiếm 73% dân số; người lai chiếm 12%; người gốc Phi châu 8%; người gốc Ả Rập 4% và người bản địa 3%. Thật vậy, Colombia ngày nay là kết quả của một quá trình phát triển phức tạp, bao gồm lịch sử, văn hóa và truyền thống của người châu Âu, châu Phi, người Ả-Rập và các dân tộc bản địa. Do đó, các nhóm khác nhau này làm cho Colombia trở thành quốc gia đa văn hóa và phong phú về truyền thống.

Về tôn giáo, Colombia được coi là một quốc gia Kitô giáo. Theo thống kê từ Văn phòng Quốc tế về tự do tôn giáo của Mỹ năm 2022 thì Colombia có 73% dân số là Công giáo; 14% Tin lành, 2% là tôn giáo khác và 11% dân số không xác định tôn giáo hoặc vô thần. Do ảnh hưởng lâu dài của Kitô giáo trên sự phát triển về văn hóa, lịch sử và truyền thống nên người dân mang trong mình tâm thức Kitô giáo. Kitô giáo đóng một vai trò quan trọng trong hệ thống giáo dục của đất nước. Chính bởi đặc điểm này mà các giáo sĩ và những nhà truyền giáo rất được tôn trọng và bảo vệ tại đất nước này. Tuy nhiên, cũng chính vì sự đa sắc tộc, đa văn hóa, đa tôn giáo nên những nghi thức thực hành đức tin của người dân cũng có nhiều sự pha trộn và đạo Công giáo tại đây cũng không tránh được sự ảnh hưởng này.

Bởi vì Colombia là một quốc gia đa sắc tộc, bình đẳng và tự do nên quanh năm ở đây đều là mùa lễ hội. Tháng 7,10,11 có 1 lễ hội. Tháng 4,5,6,9 có 2 lễ hội. Tháng 1,8,12 có 3 lễ hội. Tháng 3 có 4 lễ hội. Trong đó, có nhiều lễ hội được UNESCO công nhận là di sản phi vật thể của thế giới như: Carnaval de blancos y negros en Pasto (lễ hội trắng và đen tại Pasto); Carnaval de Barranquilla (lễ hội văn hóa dân gian tại Barranquilla); Semana Santa en Popayán (Tuần Thánh tại Popayán); San Pacho en Quibdo y Chocó (lễ hội thánh Phanxico Assisi tại Quibdo và Chocó). Kèm theo đó là một nền ẩm thực đa dạng và hấp dẫn của Colombia. Đặc trưng trong mỗi bữa ăn phải kể đến súp đậu đỏ, cơm, arepas (bánh bột ngô), empanadas (bánh chiên), chuối, trứng, bơ, xúc xích và jugo (nước ép trái cây). Colombia được xem là quê hương của những loại cà phê ngon nhất thế giới.

II. ĐÔI NÉT VỀ TỈNH DÒNG COLOMBIA

Năm 2022, Tỉnh dòng Colombia kỷ niệm 60 năm hiện diện và phát triển của Hội dòng Ngôi Lời. Trước đây, Tỉnh dòng hoạt động ở hai quốc gia là Colombia và Venezuela. Nhưng vì sự biến động cũng như thay đổi về xã hội và chính trị, nên năm 2015, chính phủ Venezuela không đồng ý gia hạn visa cho những nhà truyền giáo ngoại quốc đang làm việc tại đây, do đó họ đều phải quay về Colombia để làm việc.

Ngày nay, Tỉnh dòng Ngôi Lời Colombia gồm có năm Hạt phân bổ trên ba vùng lãnh thổ của đất nước. Trong đó, Hạt Bogotá, Medellin và Cali/Dagua nằm ở vùng Andina; Hạt Montería/Planeta Rica nằm ở vùng Caribe và Hạt Atrato nằm ở vùng Pacífica. Tỉnh dòng Ngôi Lời Colombia có 41 thành viên, trong đó có 36 linh mục, 2 tu  huynh, 2 thực tập sinh OTP và 1 đệ tử. Các thành viên của Tỉnh dòng đến từ 11 quốc gia khác nhau: Colombia 8, Indonesia 12, Việt Nam 6, Ấn Độ 6, Balan 2, Ghana 2, Tây Ban Nha 1, Đức 1, Brazil 1, Ecuado 1 và Togo 1. Bề trên Giám tỉnh hiện tại là cha Marcelino  người Indonesia cùng các thành viên khác trong Tỉnh dòng hiện đang sống và làm việc tại 11 giáo xứ. Nhà Chính và nhà Đào tạo của Tỉnh dòng được đặt tại thủ đô Bogotá. Ngoài ra, Tỉnh dòng còn có hai nhà sách cùng một nhà biên tập xuất bản tại Bogotá và một nhà sách ở thành phố Medellin. Bên cạnh đó, Tỉnh dòng còn đặc biệt chú trọng về Tông đồ Thánh Kinh, JPIC và linh hoạt viên truyền giáo.

Ngoại trừ thủ đô Bogotá và thành phố Medellin thì các giáo xứ, nơi mà các nhà truyền giáo đang làm việc, đều đang rất khó khăn. Đời sống người dân còn nghèo, đường sá đi lại phức tạp, như: Giáo xứ thánh Phêrô Clave (Hạt Montería/Planeta Rica) có hơn 28 giáo điểm nhưng nằm rải rác khắp vùng đồng cỏ Planeta Rica. Đường sá nơi đây khi vào mùa khô thì nhiều bụi vì là đường đất đỏ, còn vào mùa mưa thì sình lầy. Giáo xứ Đức Mẹ Chữa Lành (Hạt Cali/Dagua) thì có hơn 30 giáo điểm, tất cả đều nằm ở trên vùng núi cao. Trước đây, các nhà truyền giáo phải dùng ngựa để đến với giáo dân, nhưng ngày nay nhà nước đã mở những con đường lớn hơn nhờ đó xe ôtô và xe máy có thể lên tới đa số các giáo điểm. Tuy nhiên, vẫn còn một số giáo điểm phải đi bộ tới. Đặc biệt là Giáo xứ Đức Mẹ Chữa Lành  và Giáo xứ thánh Batolomeo (Hạt Atrato) là những nơi khó khăn nhất. Đây là vùng đất của người Colombia gốc Phi châu và những người thổ dân bản địa. Thuyền là phương tiện duy nhất để đến được vùng đất này và cũng như để đi mục vụ ở các giáo điểm. Nơi đây không chỉ khó khăn về phương tiện đi lại, mà còn nguy hiểm về mặt chính trị vì có nhiều nhóm tự trị có đầy đủ vũ trang, cũng như những nhóm tội phạm trồng cây côca để chiết xuất thuốc phiện.

Tuy nhiên, Colombia là một đất nước Kitô giáo nên đa phần người dân rất chào đón và tôn trọng các nhà truyền giáo. Do đó, anh em trong Tỉnh dòng tuy phải đối diện với nhiều khó khăn và nguy hiểm nhưng sự gần gũi của người dân và sự quan tâm một cách đặc biệt của Giáo phận đã mang đến cho các nhà truyền giáo của Tỉnh dòng có thêm nguồn động lực để tiếp tục dấn thân cho sứ vụ. Tôi cũng rất may mắn khi được đi thăm và thực tập mục vụ ở tất cả các Hạt của Tỉnh dòng. Sau gần hai năm sống tại đất nước Colombia, được làm việc với các nhà truyền giáo đến từ nhiều quốc gia khác nhau đã mang lại cho tôi nhiều cảm nghiệm thú vị.

III. CẢM NGHIỆM MỤC VỤ

“Lòng nhân hậu và tình thương Chúa ấp ủ tôi suốt cả cuộc đời” (Tv 22,6).

Sau khi kết thúc chương trình triết học tại học viện Phanxicô (2019-2022), tôi được Tỉnh dòng Ngôi Lời Việt Nam gửi đi thực tập OTP tại Tỉnh dòng Colombia. Ngày 26/8/2022, tôi lên đường tới Colombia. Đây là lần đầu tiên trong đời tôi xuất ngoại để đến với một đất nước hoàn toàn mới lạ về mọi mặt nên tôi không tránh khỏi những bồn chồn lo lắng. Do đó, tôi chọn Thánh vịnh 22,6 như sợi chỉ đỏ để giúp tôi gieo bước hành trình trong sứ vụ mới. Tôi xác tín rằng, tất cả đều nằm trong chương trình tình yêu của Thiên Chúa, tôi chỉ việc tin tưởng và tín  thác vào sự quan phòng của Ngài, như con trẻ nắm chặt tay cha mình để người dẫn đi.

Đối với tôi, việc thích nghi múi giờ sinh học, khí hậu và thực phẩm nơi đây không gặp quá nhiều khó khăn. Các cha trong cộng đoàn Nhà Chính khuyên tôi không nên ngủ trưa để có thể ngủ nhiều hơn vào buổi tối. Nhờ đó, sau gần một tuần tôi đã thích nghi và có thể ngủ nghỉ một cách bình thường. Khí hậu của Colombia thuộc khí hậu nhiệt đới. Nhiệt độ của đất nước này không quá lạnh cũng không quá nóng và không khắc nghiệt như ở Nghệ An quê tôi. Còn về thực phẩm thì người dân Colombia cũng ăn cơm, cá, thịt và các loại rau củ quả như ở Việt Nam, nên tôi cũng không gặp quá nhiều khó khăn trong việc làm quen với thực phẩm nơi đây. Tuy phong cách nấu và nêm nếm gia vị có hơi khác với Việt Nam nhưng tôi thấy ngon miệng và ăn uống bình thường. Nhờ đó, sức khỏe của tôi không bị ảnh hưởng và được duy trì ổn định. Tôi nghĩ rằng, việc thích nghi một cách nhanh chóng múi giờ sinh học, môi trường khí hậu và thực phẩm là một điểm thuận lợi và quan trọng đối với các nhà truyền giáo. Bởi vì, khi họ thích nghi một cách nhanh chóng thì cuộc sống sẽ sớm ổn định, họ không mất quá nhiều thời gian cho giai đoạn làm quen ban đầu với môi  trường mới. Nhờ đó, họ sớm tập trung vào sứ vụ của bản thân.

Ấn tượng đầu tiên mà tôi cảm nhận khi sống trong cộng đoàn Nhà Chính là sự thân thiện, cởi mở và luôn sẵn  sàng giúp đỡ của quý cha. Họ làm tan biến đi sự bồn chồn lo lắng của tôi trước đó. Một cộng đoàn quốc tế nhưng mang đến bầu không khí gia đình đã giúp tôi có thể bắt nhịp sống một cách nhanh chóng và thuận lợi. Hơn nữa, trước khi bước vào chương trình OTP, quý cha trong Hội  đồng Tỉnh dòng cũng đã cho tôi biết ý định của họ về chương trình của thực tập sinh OTP trong hai năm. Điều này giúp tôi xây dựng một kế hoạch cụ thể và chủ động hơn cho bản thân trong quá trình thực tập mục vụ nơi đây.    Sự chu đáo của quý cha trong Hội đồng mang đến cho tôi bài học về sự chuẩn bị và sắp xếp cho một chương trình cụ thể, ngắn ngày cũng như dài hạn.

Trước khi bước vào học ngôn ngữ, tôi được quý cha cho đi tham quan những công trình kiến trúc nổi tiếng nơi đây, như: Dinh Tổng thống, nhà thờ Chính Tòa, Viện bảo tàng vàng, Vương cung Thánh Đường Muối, Thánh đường Monserrate… những kiến trúc này được xây dựng theo trường phái gothic nên làm toát lên sự cổ kính và tráng lệ. Khi hiện diện ở những nơi đó, tôi như được hòa mình vào dòng chảy lịch sử phát triển của đất nước này. Một bề dày lịch sử phát triển và chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi văn hóa châu Âu (Tây Ban Nha). Tôi cảm nhận được lòng sùng đạo của con người nơi đây ngang qua những kiến trúc ấy. Họ muốn dâng lên Thiên Chúa những gì tốt đẹp nhất, long trọng nhất khi đóng góp rất nhiều công sức và tiền của để xây dựng nên những công trình nguy nga đồ sộ, điều mà tôi cũng cảm nhận được một cách sâu sắc nơi văn hóa Á Đông.

Sau những ngày tham quan đây đó, tôi bắt đầu bước vào chương trình học ngôn ngữ tại Cộng đoàn Nhà Chính với một giáo viên bản địa.  Ngôn ngữ là chìa khóa để khai mở cánh cửa cho tôi bước vào một nền văn hóa mới. Nếu không có ngôn ngữ, tôi không thể nói được – như một người bị câm, tôi cũng không thể nghe hiểu được – như một người bị điếc và như thế mọi mối tương quan của tôi với thế giới bên ngoài đều bị   đóng kín. Do đó, nhiệm vụ đầu tiên mà tôi đặt ra  cho bản thân là tận dụng thời gian để đầu tư vào việc học ngôn ngữ. Mặc dù, việc viết và đọc tiếng Tây Ban Nha không quá khó khăn đối với anh em Việt Nam, nhưng để có thể nắm vững ngữ pháp và có một vốn từ vựng phong phú thì cần phải có thời gian và sự kiên trì. Như việc chúng ta gieo một hạt giống, chăm sóc, bảo vệ rồi ngày đêm chờ đợi nó nảy mầm và dần lớn lên.

Một điều mà tôi cảm thấy may mắn trong việc học ngôn ngữ đó là sự giúp đỡ, hướng dẫn một cách nhiệt tình và kiên trì của quý cha trong Hội đồng Tỉnh dòng. Trong nhà, tôi như một đứa bé đang bập bẹ tập nói, tập nghe. Tôi cảm nhận được niềm vui trên nét mặt của họ, như người cha người mẹ vui mừng khi thấy đứa con bé nhỏ nghe hiểu được điều họ nói và nó có thể nói với họ được một câu hoàn chỉnh. Chính sự kiên trì và sự khích lệ của họ đã giúp tôi vượt qua được sự áp lực trong việc học ngôn ngữ. Tôi nhận thấy rằng, bên cạnh việc tập nghe tin tức thời sự, đọc sách báo và nghe nhạc để nhanh chóng làm quen với một ngôn ngữ mới, thì việc mạnh dạn giao tiếp là một điều rất quan trọng. Tôi được cha Nelson (Phó Giám tỉnh) hướng dẫn đọc Lời Chúa mỗi ngày sau bữa tối. Và tu huynh Renato (Thành viên Hội đồng Tỉnh dòng) là một người thầy, một người anh và một người bạn thân thiết của tôi trong suốt thời gian tôi sống tại Colombia. Thầy không chỉ đã dành rất nhiều thời gian để trò chuyện cùng tôi như một người hướng đạo, mà còn hướng dẫn tôi trong việc học ngôn ngữ dù chúng tôi có ở cùng chung hay khác cộng đoàn.

Bên cạnh việc học ngôn ngữ tại Cộng đoàn Nhà Chính, tôi có thêm một tháng để học ngôn ngữ tại trường đại học. Từ việc được tiếp xúc với nhiều bạn trẻ đến từ nhiều quốc gia khác nhau, mang đến cho tôi nhiều ấn tượng tốt đẹp với bạn bè quốc tế và đó cũng là cơ hội để tôi thực hành ngôn ngữ khi giới thiệu với họ về những nét đẹp và đặc trương về văn hóa, ẩm thực, truyền thống, con người… của quê hương Việt Nam.

Bởi vì tôi là một chủng sinh, chỉ có khoảng hai năm để sống và thực tập tại Tỉnh dòng này nên Bề trên Giám tỉnh đã lên một chương trình chi tiết để tôi có thể có cơ hội trải nghiệm ở tất cả các giáo điểm của Tỉnh dòng. Do đó, phần lớn thời gian tôi được sống và đồng hành cùng các nhà truyền giáo đến từ nhiều nước khác nhau trên thế giới. Tôi được sống và hòa mình vào trong cộng đoàn quốc tế, điều mà tôi chưa được trải nghiệm khi sống tại Tỉnh dòng Mẹ. Tôi nhận thấy rõ sự khác biệt của mỗi thành viên trong cộng đoàn về phong cách sống, lối ứng xử, phương pháp làm việc, sở thích cá nhân… nhưng tất cả đều chấp nhận sự khác biệt của nhau và cùng chung một ý hướng là dấn thân cho sứ vụ truyền giáo. Trong việc mục vụ giáo xứ, mỗi thành viên đều có nhiệm vụ riêng của mình. Nhưng trong đời sống cộng đoàn, không phân biệt cha xứ hay thành viên, tất cả chúng tôi cùng nhau làm việc: dọn dẹp, xây dựng, sửa chữa, trồng trọt, nấu ăn… Như một gia đình, chúng tôi cùng chung tay xây dựng cộng đoàn trong bầu không khí tràn ngập niềm vui và tiếng cười.

Tôi cảm thấy mình thật may mắn khi được sống và đồng hành cùng với các nhà truyền giáo đến từ nhiều đất nước khác nhau. Ở những nơi mà tôi được Bề trên gửi đến, tất cả các ngài đều chào đón tôi một cách nhiệt tình, cởi mở, gần gũi và thân thiện. Các ngài xóa tan đi trong tôi sự cô đơn, lẻ loi và khác biệt bằng những cái ôm ấm áp tình huynh đệ, bằng những sự quan tâm chia sẻ và đồng hành. Bên cạnh đó, các ngài còn tạo cho tôi cơ hội được thực hành ngôn ngữ qua việc tập chia sẻ Lời Chúa; tạo cơ hội cho tôi thực hành phụng vụ khi cộng tác với các ngài trong việc cử hành phụng vụ Lời Chúa và Thánh Thể cũng như thăm viếng bệnh nhân. Nhất là vào dịp Tuần Thánh, cha Kris, người Indonecia, linh mục quản xứ Nuestra Señora de los Remedios đã cho tôi có cơ hội được sống cùng và mục vụ cho giáo dân tại hai giáo điểm của giáo xứ trong suốt Tuần Thánh. Chính tình yêu và sự tin tưởng mà các ngài dành cho tôi, đã giúp tôi cảm thấy mình như được thuộc về nơi đó, được cùng cộng tác với các ngài trong sứ vụ truyền giáo. Điều đó đã thúc đẩy tôi dấn thân một cách triệt để hơn và không ngừng cố gắng hơn trong việc học hỏi, quan sát để tích lũy cho bản thân những bài học, những kinh nghiệm quý giá cho sứ vụ của tôi trong  tương lai.

Có thể nói rằng, trong gần hai năm sống và thực tập tại Colombia, những ngày tháng mục vụ ở các giáo xứ mang lại nhiều kỷ niệm đẹp nhất trong tôi. Không chỉ những hình ảnh đẹp trong đời sống của một cộng đoàn huynh đệ quốc tế, mà còn là những ngày tháng mục vụ, sống và trải nghiệm đời sống của người giáo dân Colombia. Bên cạnh việc đồng hành cùng quý cha đi dâng lễ ở các giáo điểm, thì vào các ngày thứ năm hàng tuần, tôi được giao nhiệm vụ thăm viếng và trao Mình Thánh Chúa cho những người già và bệnh nhân trong giáo xứ. Mỗi khi đến với họ, sau khi giúp họ lắng nghe Lời Chúa và lãnh nhận bí tích Thánh Thể, tôi thường ngồi lại để lắng nghe họ nói chuyện, chia sẻ. Cảm nhận đầu tiên khi tôi đến với họ đó là sự bất ngờ về tình cảm mà họ dành cho tôi. Dường như, không có bất cứ một rào cản nào có thể ngăn cản được họ mở lòng ra và chào đón tôi như một người thân quen trong gia đình của họ. Họ trò chuyện, chia sẻ với tôi về chính cuộc đời của họ, những biến cố của bản thân và gia đình.

Không phân biệt người nước nào hay nói tiếng gì, tuổi già và những ngày tháng bệnh tật là quảng thời gian Thiên Chúa ban cho, để họ nhìn lại tất cả những gì đã xảy ra trong cuộc đời, và họ cần có một người biết lắng nghe, chia sẻ với họ. Chỉ tiếc rằng, sự giới hạn về vốn từ vựng làm cho tôi không thể hiểu hết những gì họ chia sẻ và tôi cũng không thể nói với họ những lời nói an ủi một cách phù hợp nhất. Nhưng tôi nhận thấy, điều quan trọng và cần thiết hơn trong lúc đó là một người hiện diện ở đó, với họ, lắng nghe họ và cùng hiệp ý dâng lên Thiên Chúa những lời nguyện ngắn, những câu kinh Lạy Cha, Kính Mừng. Những giọt nước mắt của họ mỗi khi tôi chào ra về gợi lên trong tôi một cảm giác khó tả, một sự níu giữ vô hình làm nặng nề bước chân rời đi của tôi. Thầm cám ơn họ về đức tin mạnh mẽ mà họ dành cho Chúa và về tình cảm mà họ dành cho tôi. Mỗi gương mặt, vóc dáng của họ sẽ còn đọng mãi trong tâm trí, trong lời nguyện mỗi ngày của tôi. Tôi thầm tạ ơn Chúa vì đã cho tôi những cảm nghiệm quý giá về đồng hành thiêng liêng trên hành trình đức tin và ơn gọi của tôi.

Quả thật, khi được sống và làm việc như một nhà truyền giáo tại Tỉnh dòng Colombia, sứ vụ đã cho tôi có được cơ hội đi từ thành phố đến những vùng quê xa xôi hẻo lánh; từ những nơi thuận lợi đến những giáo điểm trên cao, những giáo điểm hun hút trong rừng sâu. Ở nơi đó, luôn có hình bóng của những nhà truyền giáo Ngôi Lời đang làm việc. Những chuyến hành trình ấy mang đến cho tôi cảm nhận sâu sắc rằng, dù là ở đâu đi chăng nữa, những nhà truyền giáo Ngôi Lời luôn cháy hết mình vì đoàn chiên, luôn trăn trở và lo lắng cho đoàn chiên bất chấp mọi khó khăn, thử thách và thiếu thốn để làm sống động lên sự hiện diện của Thiên Chúa nơi vùng đất của họ. Giúp họ cảm nhận được rằng, tình yêu của Thiên Chúa luôn tuôn chảy trên họ ngang qua sự hiện diện của những nhà truyền giáo ngoại quốc. Những con người hoàn toàn xa lạ, nói những thứ ngôn ngữ xa lạ, có những nét văn hóa xa lạ nhưng đến và ở với họ, sống giữa họ, nói ngôn ngữ của họ, ăn những thực phẩm hằng ngày của họ và nhất là trở nên một người anh em trong số họ…

“Đẹp thay bước chân những sứ giả loan báo Tin Mừng” (Rm 10,15). Các nhà truyền giáo đã can đảm thưa tiếng xin vâng để dấn thân theo tiếng gọi tình yêu của Thiên Chúa, để trở nên cánh tay nối dài của Ngài trong việc chăm sóc đoàn chiên. Như kinh nghiệm thiêng liêng của cha thánh Arnold Jassen: “Việc làm trên hết và ý nghĩa nhất đó là loan báo Tin Mừng cho mọi người”. Những nhà truyền giáo Ngôi Lời tại Tỉnh dòng Colombia, những người mà tôi may mắn được đồng hành, là những chứng nhân sống động thôi thúc tôi can đảm gieo bước hành trình, giúp tôi hâm nóng hơn nữa ngọn lửa khát khao được dấn thân cho sứ vụ của một nhà truyền giáo.

Trên hết, một cảm nghiệm thiêng liêng mà tôi có được sau những ngày tháng thực tập mục vụ tại Tỉnh dòng Colombia đó là sự gắn kết mật thiết với Chúa Giêsu Thánh Thể ngang qua các giờ kinh và thánh lễ; cùng sự đồng hành thiêng liêng của Mẹ Maria ngang qua tràng chuỗi Mân Côi. Tôi như một đứa bé đi giữ cánh đồng thế gian nhưng tôi không hề cô độc. Tình yêu của Chúa và tình thương của Mẹ luôn ấp ủ, hướng dẫn và dìu dắt tôi trên mỗi bước hành trình. Quả thật, không có ơn Chúa, tôi không thể làm được gì. Tôi đã trải qua gần hai năm tại một đất nước xa lạ, đi và đến khắp các vùng đất khác nhau trên đất nước này và mọi sự đều diễn ra trong thuận lợi và bình an. Chính nhờ sự gắn kết mật thiết với Thiên Chúa và Mẹ Maria giúp tôi vượt qua những thách đố, khó khăn và nhất là sự cô đơn trong hành trình thực tập mục vụ tại Colombia.

Tôi rút ra cho bản thân bài học rằng, để có thể bước đi và bước tiếp trên hành trình sứ vụ của một nhà truyền giáo, tôi phải bám rễ sâu và thật chắc trong tình yêu của Đức Kitô và Mẹ Maria. Như tất cả mọi công trình đều được khởi xây từ nền móng, nền móng càng vững chãi thì công trình xây trên đó càng kiên cố. Sứ vụ truyền giáo cũng không phải là một công trình ngoại lệ. Tất cả mọi việc làm, mọi hy sinh phục vụ đều trở nên tầm thường nếu không khởi đi từ tình yêu – Tình Yêu của Đấng là Chân Thiện Mỹ. Chỉ khởi đi từ tình yêu và có mối dây liên đới mật thiết với Đấng là Tình Yêu thì những việc làm, những hy sinh phục vụ mới được Ngài gìn giữ và chúc phúc. Nhờ đó, những hy sinh ấy mới mang lại những giá trị bền vững và mới đem lại lợi ích thiêng liêng cho tha nhân.

IV.  KẾT LUẬN

Trên đây là những cảm nghiệm của bản thân tôi về đất nước, con người Colombia; về Tỉnh dòng Colombia và các thành viên đang làm việc nơi đây và nhất là về hành trình thực tập mục vụ của tôi tại đất nước này. Còn rất nhiều những điều mới mẻ về con người và đất nước cũng như những cảm nghiệm khác nữa của bản thân trong những tháng ngày được sống và thực tập tại Tỉnh dòng Colombia mà tôi chưa thể nêu lên hết được. Tất cả những trải nghiệm và bài học mà tôi có được, như những viên gạch quan trọng trong việc xây dựng công trình ơn gọi của bản thân.

Nhìn lại hành trình thực tập mục vụ tại Tỉnh dòng Colombia: thuận lợi có, khó khăn có, những điều làm được và cả những điều còn dang dở thiếu sót. Tất cả như những màu sắc sáng tối khác nhau vẽ nên bức tranh “Chương trình thực tập OTP” của tôi. Bức tranh ấy sẽ mãi còn đó như một kỷ niệm quý giá, một giai đoạn quan trọng trong hành trình ơn gọi, mà tôi may mắn có được. Nhưng để bức tranh ấy phát huy hết giá trị của nó, tôi cần phải ngắm nhìn nó mỗi ngày như một lời nhắc nhở đối với bản thân cần phải không ngừng cố gắng hơn nữa.

Colombia, một đất nước xinh đẹp, thân thiện và tất cả các thành viên trong Tỉnh dòng Colombia vẫn luôn hiện diện ở đó, trong trái tim tôi. Tất cả những bài học và kinh nghiệm mà tôi có được sau gần hai năm thực tập sẽ là những hành trang quý giá cho hành trình tiếp theo của tôi.

Sau cùng, điều mà tôi muốn nói nhất khi hoàn thành hành trình thực tập mục vụ tại Tỉnh dòng Colombia chính là “Tạ Ơn” và “Cám Ơn”: Tạ ơn Chúa và Mẹ Maria vì đã ban muôn ơn lành cho con trong suốt những ngày tháng thực tập. Chúa Mẹ luôn bên con trên mỗi bước hành trình, trong mỗi việc làm, sự thuận lợi và bình an mà con có được trong những tháng ngày thực tập nơi đất nước Colombia là những bằng chứng rõ ràng nhất về tình yêu thương, chăm sóc và gìn giữ của Chúa và Mẹ dành cho con.

Tôi cũng chân thành cám ơn cha Giám tỉnh, Quý cha Giám đốc OTP, Quý cha trong Ban Đào tạo của hai Tỉnh dòng đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho tôi cả về vật chất cũng như tinh thần. Cùng cám ơn tất cả Quý cha, Quý thầy trong hai Tỉnh dòng cũng như gia đình và ân thân nhân… bằng cách này hay cách khác đặc biệt là qua lời cầu nguyện đã luôn đồng hành cùng tôi trong hành trình sứ vụ vừa qua. Xin Quý vị tiếp tục nâng đỡ và cầu nguyện cho tôi. Sự yêu thương, quan tâm, hướng dẫn của Quý vị là sự an ủi và là động lực thúc đẩy tôi ngày càng trở nên mạnh mẽ và can đảm hơn. Nhờ đó, tôi có thể vượt qua những thách đố trên hành trình ơn gọi, hầu ngày càng trưởng thành và nhiệt tâm hơn để dấn thân cho sứ vụ mà Thiên Chúa ngang qua Dòng Ngôi Lời tin tưởng trao phó cho tôi.

Bài trướcLỜI SỐNG (Chúa Kitô Vua – Chúa Nhật Tuần 34 TN-B)
Bài tiếp theoLỜI SỐNG (24/11, Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, lễ trọng)