Bài đọc 1: 2Mcb 7,1.20-23.27B-29 ; Bài đọc 2: Rm 8,31b-39
Tin Mừng: Lc 9,23-26
Khi ấy, Đức Giêsu nói với mọi người: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy. Vì người nào được cả thế giới mà phải đánh mất chính mình hay là thiệt thân, thì nào có lợi gì? Ai xấu hổ vì tôi và những lời của tôi, thì Con Người cũng sẽ xấu hổ vì kẻ ấy, khi Người ngự đến trong vinh quang của mình, của Chúa Cha và các thánh thiên thần.
—– o0o —–
Suy niệm
TỪ BỎ CHÍNH MÌNH (Tu sĩ Giuse Nguyễn Bảo Lộc, SVD)
Qua bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đòi hỏi người môn đệ điều kiện phải có để được theo Người: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo”(Lc 9, 23). Điều này cho thấy cuộc đời của người môn đệ theo Chúa phải có sự từ bỏ và liều mất mạng sống mình vì Người.
Chúa Giêsu không chỉ mời gọi môn đệ vác thập giá, mà chính Người vác thập giá trước. Thập giá mà Người vác là gánh nặng tội cho nhân loại. Thập giá mà Người vác là từ bỏ chính mình và vâng theo thánh ý của Chúa Cha (x. Mt 26,39.42.44; Mc 14,36; Lc 22,42). Như thế, người môn đệ của Chúa mang thập giá là chấp nhận từ bỏ chính mình. Thật vậy, Chúa Giêsu không dùng những lời tốt đẹp để nói về một viễn cảnh huy hoàng cho cuộc sống của những người muốn theo Người. Trái lại, Người cho họ thấy con đường theo Chúa là con đường của sự từ bỏ để thực thi ý muốn của Thiên Chúa. Con đường đó chúng ta phải vác hàng ngày, đón nhận mọi sự xảy đến trong niềm tin tưởng và phó thác trọn vẹn trong tay Chúa. Bởi vì, đi theo Chúa là đi ngược với thế gian. Và cuộc sống của người môn đệ không phải là đi tìm chính mình, tìm vinh quang cho mình, nhưng là đi tìm Chúa và làm vinh danh Người. Chính khi người môn đệ dám bỏ chính mình vì Chúa, thì họ mới tìm được chính bản thân, như Đức Bênêđictô XVI đã nói: con đường “chịu mất chính mình” là điều cần thiết đối với con người, và nếu không có điều này, thì nó không thể tìm lại được chính mình.” (x. BENECITO XVI, Đức Giêsu thành Nagiarét 2007, 333).
Lời Chúa hôm nay cũng mời gọi mỗi chúng ta noi gương các Thánh tử đạo Việt Nam. Bởi lẽ, họ là những con người đã trung tín đi theo Chúa với tinh thần từ bỏ ý riêng và chấp nhận mọi sự xảy đến trong đời mình. Họ đã sẵn sàng “liều mất mạng sống mình” để làm chứng cho Chúa Giêsu.
Lạy Chúa, xin Chúa giúp chúng con biết từ bỏ chính mình, vác thánh giá đời mình mỗi ngày để theo Chúa. Amen.
Ý NGHĨA CỦA VIỆC VÁC THẬP GIÁ MÌNH (Tu sĩ Giuse Nguyễn Văn Đạt, SVD)
Vào thời Chúa Giêsu, thập giá là hình phạt cao nhất dành cho một tội nhân. Thật vậy đây là án tử mà tội nhân sẽ phải chịu vì những tội lỗi đã gây ra. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã dùng hình tượng này để đặt điều kiện cho những ai muốn theo Ngài.
Khi nói người môn đệ phải vác thập giá mình hằng ngày, Chúa không có ý nói rằng họ phải mang vào mình một án tử theo nghĩa đen, nhưng là nói về cách thế mà người môn đệ phải làm để tu luyện bản thân. Hằng ngày họ sẽ phải không ngừng sửa đổi và “lên án tử” cho những thói hư, tật xấu của mình để có thể toàn tâm, toàn ý bước theo Chúa. Đây là một phương pháp sư phạm đúng đắn, đầy tính thực tiễn chứ không phải là những cam kết hay hứa hẹn hão huyền. Như thế, thập giá không những không còn là sự ô nhục hay án lệnh kinh khiếp nữa nhưng là một biểu tượng của tình yêu, lòng mến, sự hy sinh phục vụ, hiến tế và là niềm vinh dự cho những ai muốn theo Chúa.
Các Thánh Tử Đạo Việt Nam mà hôm nay chúng ta long trọng mừng kính là những chứng nhân anh dũng cho điều này. Vì lòng yêu mến Chúa, các ngài đã không hề xấu hổ và nhất quyết không bước qua thập giá, dù cho có phải chịu bao cực hình hay thậm chí là bị giết chết. Ngày nay, chúng ta cũng được mời gọi hãy noi gương các ngài mà vác thập giá mình để đóng đinh con người tội lỗi và yếu hèn vào thập giá ấy hầu trở nên những chứng nhân bất khuất của Chúa.
Lạy Chúa, trên hành trình theo Chúa, đã bao lần chúng con cảm thấy mệt mỏi, gục ngã và muốn buông bỏ thập giá của chúng con. Xin Chúa giúp chúng con nhận ra ý nghĩa và giá trị đích thực của thập giá đời mình để can đảm vác lấy và đón nhận thập giá như là niềm vinh dự của chúng con. Amen.
VÁC THẬP GIÁ? (Lm. GB. Nguyễn Hữu Duy, SVD)
TRAO BAN (Tu sĩ Đaminh Trần Vĩnh Trung, SVD)
Ai muốn cứu mạng sống mình sẽ mất, ai liều mất mạng sống mình vì tôi thì sẽ cứu được mạng sống ấy. Điều này nghe có vẻ thật nghịch lý. Thế nhưng, đó lại là chân lý nơi Đức Kitô.
Trình thuật Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu mời gọi chúng ta chọn lựa sống con đường trao ban theo gương của Người để được nhận lại sự sống đời đời. Sống trao ban là qui luật tất yếu nơi sự sống và chúng ta có kinh nghiệm về qui luật này. Lời mời gọi của Đức Giêsu quả thật là một thách đố khó để vượt qua, bởi chúng ta luôn ưa chuộng đề cao bản thân hơn là sống trao ban, thích hưởng thụ hơn là vác thập giá hằng ngày. Như thế, lời mời của Đức Giêsu không chỉ là một thách đố, nhưng còn mở ra cho chúng ta con đường hướng đến sự sống vĩnh cửu. Bởi lẽ, hạnh phúc phải trải qua khổ đau, ví như hạt lúa mì phải chịu mục nát mới có thể trổ sinh nhiều hạt khác. Trao ban là sự hy sinh máu thịt của cha mẹ để nhận lại sự sống nơi con cái, thậm chí chấp nhận cái chết để bảo toàn sự sống cho con. Trao ban cũng là sống đời dâng hiến, để Thiên Chúa làm chủ cuộc đời nhằm phát sinh hoa trái nơi nhiều người. Hơn nữa, sự sống muốn được triển nở gấp trăm thì phải trao ban chính mình. Như Đức Giêsu trao ban chính Ngài cho nhân loại, để rồi sự sống được lan tỏa trên chúng ta.
Thế nhưng, cuộc sống luôn là một cuộc chiến giữa những điều nghịch lý, giữa ánh sáng và bóng tối, và lời rao giảng Tin Mừng cũng là một rào cản lớn cho thế gian. Vì thế, người sống theo Tin Mừng luôn bị bách hại. Do đó, sống trao ban đòi buộc chúng ta phải chấp nhận chết đi chính mình, hiến thân hơn nữa vì Tin Mừng và Nước Trời mai sau.
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết sống trao ban mỗi ngày, ngõ hầu hạt giống chúng con gieo vãi luôn được triển nở gấp trăm trong thế giới này. Amen.