♦ Lm. Antôn P. Nguyễn Phi Tiến, SVD trích dịch sang Việt ngữ từ: Abbot Guéranger, O.S.B., “The Liturgical Year: Advent”, Volume 2, (bản dịch tiếng Anh của Domlaurence Shepherd, O.S.B.), St. Bonaventure Publications 2000, tr. 15-29.
CHƯƠNG I: LỊCH SỬ MÙA GIÁNG SINH>>>
CHƯƠNG II: MẦU NHIỆM GIÁNG SINH>>>
CHƯƠNG III: THỰC HÀNH MÙA GIÁNG SINH
Đã đến lúc tâm hồn người tín hữu được tận hưởng hoa trái từ những nỗ lực mà Giáo Hội đã thực hành trong suốt những tuần sám hối của Mùa Vọng, nhằm chuẩn bị một nơi cư ngụ xứng đáng cho Con Thiên Chúa, Đấng hằng ước mong được sinh ra trong cung lòng Giáo Hội. “Nào ta hãy vui mừng hoan hỷ và dâng Chúa vinh quang, vì ngày cưới của Con Chiên đã đến, và Hiền Thê của Người đã sửa soạn sẵn sàng”[1]. Giờ đây, Hiền Thê chính là Giáo Hội và Hiền Thê cũng chính là tâm hồn mỗi người tín hữu chúng ta. Thiên Chúa chúng ta trao hiến chính mình cho đoàn chiên và cho từng con chiên một với một tình yêu tròn đầy như thể Ngài chỉ yêu một mình con chiên đó. Chúng ta sẽ mặc y phục nào để đi gặp Chàng Rể? Chúng ta sẽ tìm ở đâu những viên ngọc quý và đồ trang sức đẹp để tô điểm cho tâm hồn mình khi tham dự cuộc gặp gỡ hạnh phúc này? Mẹ Giáo Hội sẽ nói với chúng ta tất cả những điều này trong Phụng Vụ. Không còn nghi ngờ gì nữa, kế hoạch tốt đẹp nhất để chuẩn bị cho Lễ Giáng Sinh là theo sát Giáo Hội và làm những gì Giáo Hội làm; vì Giáo Hội là Hiền Thê yêu dấu nhất của Thiên Chúa và Giáo Hội là Mẹ của chúng ta, do đó, chúng ta phải vâng nghe tất cả những gì Mẹ Giáo Hội chỉ dạy.
Nhưng trước khi chúng ta đề cập đến cuộc Viếng Thăm nhiệm mầu của Ngôi Lời Nhập Thể trong tâm hồn chúng ta; và đồng thời đề cập đến những huyền nhiệm trong mối tương quan sâu thẳm giữa Đấng Tạo Hoá và tạo vật; tiên vàn, chúng ta học nơi Giáo Hội những trách nhiệm mà bản tính nhân loại và mỗi tâm hồn tín hữu chúng ta phải có đối với Chúa Hài Đồng, Đấng mà từ Trời Cao đã ban cho chúng ta như Sương Mai tươi mát, như mưa nguồn đổ xuống mặt đất. Trong suốt Mùa Vọng, chúng ta cùng hiệp thông với các thánh thời Cựu Ước để cầu xin Đấng Mêsia, Đấng Cứu Chuộc chúng ta ngự đến; giờ đây, khi Ngài đã đến, chúng ta hãy suy ngẫm xem chúng ta phải làm gì để thần phục suy tôn Ngài.
Trong suốt mùa thánh này, Giáo Hội dâng lên Chúa Hài Đồng sự kính tôn sâu thẳm, niềm vui tưng bừng hoan hỉ, lòng biết ơn khôn tả và một tình yêu nồng cháy. Cũng thế, mỗi người Kitô hữu cũng phải dâng lên Hài Nhi Giêsu, Đấng Emmanuel, Hài Nhi Bêlem, bốn lễ phẩm này: sự tôn thờ, niềm vui hân hoan, lòng biết ơn và tình yêu mến. Những tâm tình này sẽ được diễn tả trong kinh nguyện Phụng Vụ mà không có một cách thế đạo đức nào khác có thể nói lên được. Tuy nhiên, để có thể áp dụng tốt hơn cho chính mình những cách thức thực hành tuyệt vời này của Giáo Hội, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu sâu hơn bản chất của mỗi tâm tình.
Bổn phận trước hết mà chúng ta phải có bên máng cỏ Chúa Cứu Thế là Tôn Thờ. Tôn Thờ là hành vi tôn giáo đầu tiên, nhưng trong Mầu Nhiệm Chúa Giáng Sinh, dường như hành vi tôn thờ này trở nên cần thiết gấp bội. Trên thiên đàng, các Thiên Thần phải che mặt và phủ phục trước nhan Thiên Chúa; hai mươi bốn vị Kỳ Mục đặt triều thiên của mình trước ngai Con Chiên[2]. Vậy, còn chúng ta – hỡi những kẻ tội lỗi và là những phần tử bất xứng thuộc đoàn dân của Đấng Cứu Thế – chúng ta phải làm gì khi chính Thiên Chúa cao quang giờ đây tỏ mình ra cho chúng ta, Ngài đã hạ mình vì chúng ta và từ bỏ mọi vinh quang của Ngài? Giờ đây là lúc mà bổn phận thờ phượng của mọi loài thụ tạo dành cho Đấng Tạo Hoá lại được chính Đấng Tạo Hoá thành toàn sao? Giờ đây chẳng lẽ Đấng vốn là Thiên Chúa Hằng Sống không chỉ cúi mình trước Uy Linh Tối Cao của Thiên Chúa, mà còn hạ mình xuống trước loài người tội lỗi, tạo vật của Ngài sao?
Vậy chúng ta hãy hiện thực những hành vi tôn thờ sâu thẳm của chúng ta đối với Thiên Chúa là Đấng đã tự hạ mình vì chúng ta. Chúng ta hãy dâng lại cho Ngài những gì chính Ngài đã từ bỏ và tự hiến chính mình vì yêu thương chúng ta và để vâng phục thánh ý của Chúa Cha. Bổn phận của chúng ta là hãy nỗ lực hết mình để bắt chước những tâm tình của các Thiên Thần trên trời và đừng bao giờ đến với Chúa Hài Nhi mà không mang theo lễ vật là hương thơm lòng của tâm tình thờ lạy, tâm tình chân nhận sự bất xứng tột cùng của chính mình và sau cùng là sự tôn thờ Chúa bằng tất cả con người của chúng ta. Tất cả những điều này đều xứng đáng với Vinh Quang vô biên của Hài Nhi Giêsu, Đấng mà mỗi người chúng ta phải hết lòng tôn thờ, bởi vì Ngài đã trở nên nhỏ bé vì chúng ta. Thật vô phúc nếu chúng ta chỉ nhìn thấy cái dáng vẻ bề ngoài yếu ớt của Hài Nhi Thiên Chúa, hay bởi sự hạ mình thẳm sâu và gần gũi để yêu thương chúng ta, khiến chúng ta lơ là bổn phận tôn thờ Ngài hoặc quên đi thân phận chúng ta là gì và Ngài là ai!
Hình ảnh Đức Maria, Mẹ Chí Thánh dạy cho chúng ta mẫu gương về lòng khiêm hạ. Đức Maria hạ mình trước sự hiện diện của Thiên Chúa, ngay cả trước khi Đức Maria trở nên Mẹ của Đấng Cứu Thế; nhưng một khi đã là Mẹ của Con Thiên Chúa, Đức Maria đối đãi với Hài Nhi Giêsu, vừa là Con của Mẹ vừa là Thiên Chúa, với lòng khiêm nhường thẳm sâu hơn bao giờ hết. Chúng ta cũng vậy, với thân phận nghèo hèn tội lỗi, chúng ta phải phụng thờ Thiên Chúa với tất cả sức lực, tâm trí và linh hồn mình vì Ngài đã hạ mình xuống thẳm sâu vì chúng ta. Do đó, chúng ta phải học cho biết làm thế nào để với lòng khiêm nhường, chúng ta có thể dâng lên của lễ đền bù đối với Hài Nhi Giêsu vì máng cỏ nghèo hèn, vì những tấm bọc đơn sơ, và vì vinh quang của Ngài bị lu mờ. Thế nhưng, tất cả những sự khiêm nhường của chúng ta sẽ không bao giờ sánh nỗi với sự hạ mình thẳm sâu của Con Thiên Chúa. Không, chỉ có Thiên Chúa mới có thể đạt tới sự khiêm hạ sâu thẳm của Ngài.
Nhưng Giáo Hội, Mẹ của chúng ta không chỉ dâng lên Chúa Hài Nhi lễ phẩm của lòng tôn thờ thẳm sâu. Mầu nhiệm “Emmauel” nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” là nguồn vui đặc biệt cho Giáo Hội. Hãy nhìn vào những bài thánh ca tuyệt diệu của Mẹ Giáo Hội trong Mùa Thánh này và anh chị em sẽ thấy hai tâm tình được hoà quyện cách tuyệt vời – đó là lòng tôn thờ sâu thẳm của Giáo Hội dành cho Ngôi Hai Thiên Chúa, và niềm vui hân hoan của Giáo Hội trước mầu nhiệm Giáng Sinh của Ngài. Hãy vui mừng hân hoan, vì chẳng phải các Thiên Thần đã xuống trần gian và mời gọi Giáo Hội hãy mừng vui sao? Vì vậy, Giáo Hội đã noi gương và bắt chước các mục đồng năm xưa hớn hở chạy đến hang Bêlem với niềm vui sướng[3]; và như các vị Đạo Sĩ vui mừng phấn khởi rời khỏi Giêrusalem và theo ánh sao lạ chỉ đường để tìm đến“nơi Hài Nhi sinh hạ”[4]. Niềm vui Giáng Sinh là một bản chất của Kitô giáo, và chính niềm vui này đã khởi nguồn cho những bài Thánh Ca Giáng Sinh, vốn giống như nhiều truyền thống tuyệt đẹp khác của các thời đại Đức tin, đáng tiếc thay nó dần bị mai một giữa chúng ta. Nhưng ở Rôma, truyền thống này vẫn được khuyến khích, hằng năm thành phố vui mừng đón các ban nhạc đường phố, gọi là các Pifferari đến từ dãy núi Apennines (Tây Bắc Ý), làm cho các nẻo đường ở Kinh Thành Vĩnh Cửu này trở nên nhộn nhịp bởi các giai điệu réo rắt của họ.
Vì vậy, hỡi những người con trung thành của Giáo Hội, chúng ta hãy cùng nhau chia sẻ niềm vui với Mẹ Giáo Hội! Đây không phải là thời điểm khóc lóc và rên rỉ. Vì “Một Hài Nhi đã sinh ra cho chúng ta”[5]. Người là Đấng từ lâu chúng ta mong đợi; và Ngài đã đến và “cư ngụ giữa chúng ta”[6]. Quả thật, sự trông mong chờ đợi của chúng ta càng dài và càng mãnh liệt thì lòng yêu mến, khao khát đón mừng và có được Ngài càng gấp bội. Ngày ấy sẽ đến rất sớm khi mà Hài Nhi được sinh ra cho chúng ta, Ngài sẽ trở thành Người Tôi Trung Đau Khổ[7], khiến chúng ta động lòng trắc ẩn cho Ngài. Nhưng hiện tại, chúng ta phải vui mừng và hân hoan vì Ngài đã đến viếng thăm, và cùng với các Thiên Thần, chúng ta phải hát ca tưng bừng bên máng cỏ của Hài Nhi Giêsu. Niềm vui thiên quốc đã được tặng ban: chúng ta hãy vui mừng vì bốn mươi ngày chuẩn bị cũng quá đủ để chúng ta sẵn sàng tận hưởng niềm vui ấy. Kinh Thánh đã chỉ cho chúng ta thấy rằng “những người có lòng vui vẻ luôn được hưởng sự vui mừng”[8], và một tâm trí vững vàng chỉ có thể tồn tại khi có sự bình an. Bình An mà những ngày thánh này mang đến cho trần gian; Bình an mà các Thiên Thần đã hát vang: “Bình an dưới thế cho người thiện tâm!”.
Gắn bó mật thiết và không thể tách rời với niềm vui huyền nhiệm và tuyệt diệu này chính là tâm tình biết ơn. Quả thật, lòng biết ơn chính là bổn phận của chúng ta phải có đối với Ngài, Đấng không hề bị ngăn cản bởi sự bất xứng của chúng ta, cũng không bị giới hạn bởi sự tôn kính vô biên dành cho uy quyền tối cao của Ngài, nhưng đã hạ cố sinh ra từ giữa muôn thụ tạo của Ngài và chọn hang bò lừa làm nơi chào đời. Ôi! Ngài đã khát khao mãnh liệt biết bao để thực hiện công trình cứu độ chúng ta, loại bỏ những gì cản ngăn và làm chúng ta sợ hãi khi đến gần Ngài; rồi bằng gương sống khiêm nhường của mình, Ngài đã khích lệ và nâng đỡ để chúng ta trở về Quê Trời là nơi mà chúng ta đã lạc mất vì lòng kiêu ngạo.
Do đó, với lòng biết ơn, chúng ta hãy đón nhận món quà quý giá – là Thiên Chúa Hài Nhi, Đấng Cứu Độ chúng ta. Ngài là Con Một yêu dấu của Chúa Cha “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Người”[9]. Chính Chúa Con đã thông hiệp trọn vẹn với thánh ý Chúa Cha, và đã đến để hiến dâng thân mình làm của lễ, vì đó cũng chính là ý muốn của Ngài[10]. Như thánh Tông đồ diễn tả “Đến như chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tiếc, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta. Một khi đã ban Người Con đó, lẽ nào Thiên Chúa lại chẳng rộng ban tất cả cho chúng ta?”[11]. Ôi món quà vô giá! Làm sao chúng ta có thể đáp trả cho cân xứng với lòng biết ơn của chúng ta, vì chúng ta là những kẻ nghèo hèn vốn không biết làm thế nào cho phải? Chỉ có Thiên Chúa, và Hài Nhi Giêsu nơi máng cỏ, mới biết rõ được giá trị của mầu nhiệm Bêlem đã được ban tặng cho chúng ta.
Làm sao chúng ta có thể trả được món nợ này? Không phải thế! Chúng ta có thể trả được món nợ này bằng tình yêu, mặc dầu tình yêu của chúng ta hữu hạn, nhưng lại trao ban vô hạn và luôn triển nở và mãnh liệt hơn. Chính vì lý do này mà Giáo Hội, sau khi đã dâng lên Chúa Hài Nhi Cứu Thế tâm tình tôn thờ, những bản thánh ca vui mừng hân hoan và lòng biết ơn, lại tiếp tục dâng lên Ngài tình yêu dịu ngọt nhất của mình. Giáo Hội thân thưa lên cùng Chúa Hài Nhi: “Lạy Người Yêu Dấu của tôi, em đẹp biết bao, em xinh tươi làm sao!”[12]. Ôi, Ánh Mặt Trời Công Chính! Sự toả sáng của Ngài ngọt ngào biết bao đối với tôi! Trái tim tôi bừng lên trong sự ấm áp bởi những tia sáng của Ngài! Lạy Chúa Giêsu yêu dấu, những phương thế mà Ngài sử dụng để quy phục tôi về với Ngài thật hấp dẫn không thể cưỡng lại được – đó chính sự yếu ớt và khiêm hạ của một Hài Nhi! Vì thế, mọi ngôn từ của Giáo Hội giờ đây đều được gói gọn trong hai từ “tình yêu”; tất cả những tâm tình thờ lạy, ngợi khen, tạ ơn được Giáo Hội diễn tả trong những bài thánh ca đều được biến đổi thành tình yêu.
Hỡi anh em là những Kitô hữu! Chúng ta hãy bắt chước Mẹ của chúng ta mà dâng tất cả trái tim của chúng ta cho Đấng Emmanuel. Các Mục Đồng đã dâng cho Ngài những món quà đơn sơ, các nhà Đạo Sĩ đã dâng cho Ngài những lễ vật quý giá, và không một ai đến với Hài Nhi Thiên Chúa và dâng lên lễ phẩm cho Ngài mà không được Ngài đón nhận. Vậy, chúng ta hãy nhớ rằng, không có gì làm vui lòng Ngài cho bằng lễ phẩm của tình yêu, vì chính Ngài từ trời xuống để yêu và được yêu. Đó chính là lý do mà Ngài hạ sinh xuống thế vì chúng ta. Quả thật, trái tim cằn cõi khô cứng nào dám nói: Ngài sẽ không có được tình yêu của tôi đâu!
Vậy, đây là những bổn phận mà chúng ta phải làm đối với Thầy Chí Thánh của chúng ta trong ngày Ngài đến lần thứ nhất này, ngày mà như thánh Bênađô nói: “Thiên Chúa mặc lấy xác phàm và sự yếu đuối của con người”, để cứu độ chứ không phải để xét xử thế gian.
Nói về một cuộc viếng thăm khác, đó là cuộc viếng thăm mà Ngài ngự đến trong vinh quang và uy quyền vào Ngày Tận Thế, chúng ta đã suy ngẫm về điều đó trong suốt Mùa Vọng này. Nỗi lo sợ về Cơn Thịnh Nộ của Thiên Chúa ập xuống lẽ ra sẽ làm thức tỉnh tâm hồn chúng ta khỏi tình trạng uể oải, thiếu sẵn sàng, và chuẩn bị cho chúng ta một tâm hồn khiêm nhường và tỉnh thức để đón chờ cuộc viếng thăm nhiệm mầu của Chúa Giêsu khi Ngài âm thầm đến gõ cửa linh hồn chúng ta. Giờ đây chúng ta sẽ giải thích về mầu nhiệm khôn tả của lần Thiên Chúa viếng thăm này.
Chúng ta đã trình bày ở một chỗ khác rằng: thời gian của Mùa Vọng thuộc về giai đoạn của đời sống thiêng liêng mà trong Thần Học Huyền Nhiệm gọi là Thanh Luyện Đời Sống. Trong thời gian đó, linh hồn được thanh tẩy khỏi tội lỗi và các dịp tội nhờ vào nỗi sợ hãi trước sự phán xét của Thiên Chúa, và bằng cách chiến đấu chống lại những dục vọng xấu xa. Hiển nhiên là mỗi tâm hồn người tín hữu phải vượt qua trên những con đường chông gai này trước khi có thể được bước vào tham dự Bữa Tiệc mà Giáo Hội mời gọi toàn thể nhân loại tham dự. Giáo Hội đã mượn lời của ngôn sứ Isaia trong bài đọc ngày thứ Bảy, Tuần II Mùa Vọng để nói với chúng ta: “Đây là Thiên Chúa chúng ta; chúng ta từng trông đợi Người, và Người đã đến cứu độ chúng ta. Đây là Đức Chúa chúng ta hằng trông đợi; nào ta cùng hoan hỷ vui mừng bởi được Người cứu độ!”[13]. Vì “Trong nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở”[14]. Tương tự, vào đại lễ Giáng Sinh, khi mà những lời của ngôn sứ Isaia được cất lên, thì Mẹ Giáo Hội thấy giữa vô số người lãnh nhận Bánh Hằng Sống có muôn vàn tâm tình và thái độ. Một số tín hữu đã qua đời, giờ đây với ân sủng tràn ngập trong Mùa Vọng thánh thiện, được ban thưởng sự sống vĩnh cửu. Còn những ai đang sống trong đời sống thánh thiện, họ xem ra như đang được luyện tập thêm trên con đường nhân đức để gia tăng gấp bội tình yêu của họ đối với Thiên Chúa, và với họ, con đường dẫn vào thành Bêlem là một sự đổi mới trong đời sống tâm hồn của họ.
Giờ đây mỗi người chúng ta đều được mời đến Bêlem, nghĩa là được bước vào Ngôi Nhà Bánh Hằng Sống, và được kết hợp mật thiết với Đấng là Ánh Sáng của thế gian, để tâm hồn chúng ta không còn bước đi trong bóng tối nữa. Mầu nhiệm Giáng Sinh là mầu nhiệm của Ánh Sáng; và ân sủng mà mầu nhiệm này đem lại trong tâm hồn thật lớn lao, dẫn đưa tâm hồn chúng ta bước vào giai đoạn thứ hai của Huyền Nhiệm Đời Sống, được gọi là Đời Sống được Chiếu Soi. Vì thế, từ nay chúng ta không còn phải mong ngóng chờ đợi ngày Đấng Cứu Thế đến nữa; Ngài đã đến và đã chiếu sáng trên chúng ta và chúng ta quyết tâm giữ lấy ánh sáng ấy. Hơn thế, chúng ta nuôi dưỡng ánh sáng ấy trong tâm hồn chúng ta khi mà các mùa ân phúc và mầu nhiệm trong Năm Phụng Vụ được mở ra. Nguyện xin Thiên Chúa ban ơn để chúng ta có thể phản chiếu trong tâm hồn mình sự phát triển tiệm tiến Ánh Sáng thần linh này của Giáo Hội; và nhờ ánh sáng ấy dẫn dắt, chúng ta đạt đến sự Hiệp Thông trọn vẹn, một sự Hiệp Thông làm nên vinh quang cho cả Năm Phụng Vụ của Giáo Hội và cả tâm hồn người tín hữu, những ai đã sống trọn Năm Phụng Vụ dưới sự hướng dẫn của Giáo Hội!
Trong mầu nhiệm của Mùa Giáng Sinh, Ánh Sáng ấy đã được ban cho chúng ta, đã nói với chúng ta, đã hạ mình xuống với chúng ta, nhưng bởi vì sự yếu đuối con người nên chúng ta chưa thể đón nhận được ánh sáng ấy. Quả thật, đây chính là Ngôi Lời Thiên Chúa, Đấng Khôn Ngoan của Chúa Cha, Đấng mà chúng ta được mời gọi để nhận biết và noi gương Ngài. Thế nhưng, Ngôi Lời ấy, Đấng Khôn Ngoan ấy lại xuất hiện với chúng ta dưới hình hài một Trẻ Thơ. Đừng để điều gì ngăn cản chúng ta đến với Ngài. Chúng ta có thể sợ hãi nếu Ngài ngự trên ngai vàng trong cung điện của Ngài; nhưng Ngài lại đang nằm trong máng cỏ nơi hang bò lừa! Giả như đó là thời gian khổ nạn của Ngài, Mồ Hôi Máu của Ngài, Thập Giá của Ngài, sự mai táng Ngài, hay thậm chí cả Vinh Quang và Chiến Thắng của Ngài. Vâng, chúng ta có lý để nói rằng mình không đủ can đảm: nhưng thử hỏi chúng ta cần can đảm thế nào để đến gần Ngài nơi hang đá Bêlem, nơi mà mọi thứ đều ngọt ngào và tỉnh lặng, và một Hài Nhi đơn sơ bé nhỏ chào đời! Như lời Thánh Vịnh gia mời gọi: “Hãy đến với Ngài, và sẽ được Ngài chiếu sáng!”[15].
Chúng ta có thể tìm thấy ở đâu một lời giải thích cho hai mầu nhiệm song đối được cử hành trong mùa thánh này – mầu nhiệm về thời thơ ấu của Chúa Giêsu trong tâm hồn con người, và mầu nhiệm thời thơ ấu của con người trong chính Đức Giêsu? Không có một vị thánh Giáo Phụ nào đề cập đến mầu nhiệm này một cách đáng khâm phục như thánh Giáo Hoàng Lêô: “Chúng ta hãy lắng nghe những lời vĩ đại của ngài”.
“Mặc dầu thời thơ ấu mà Con Thiên Chúa đầy uy nghi đã không ngần ngại mặc lấy, đã lớn lên và trưởng thành theo thời gian, để rồi đạt tới sự viên mãn của một con người hoàn hảo; và sau cuộc Thương Khó và Phục Sinh vinh thắng của Ngài, mọi sự sỉ nhục và hành hạ mà Ngài phải chịu vì chúng ta đã qua đi; tuy nhiên, Ngày Lễ mà chúng ta đang cử hành hôm nay lại nhắc nhở chúng ta nhớ về ngày Giáng Sinh cực thánh của Hài Nhi Giêsu, Chúa chúng ta, Con của Đức Trinh Nữ Maria. Để khi tôn kính mầu nhiệm Giáng Sinh của Ngài, chúng ta thật sự cử hành mầu nhiệm Chúa Kitô là nguồn gốc của dân Kitô giáo; ngày Giáng Sinh của Ngài là Sinh Nhật của chúng ta, chính Ngài là Đầu và chúng ta là Thân Thể của Ngài. Thật vậy, mỗi Kitô hữu đều có địa vị riêng của mình, và con cái của Giáo Hội được sinh ra trong những thời điểm khác nhau; tuy nhiên, toàn thể cộng đoàn các tín hữu một khi được tái sinh trong giếng rửa tội, đều được sinh ra cùng với Chúa Kitô vào Ngày Lễ Giáng Sinh này; giống như họ đã cùng chịu đóng đinh với Ngài trong Cuộc Khổ Nạn, được chỗi dậy với Ngài trong Sự Phục Sinh, và được đặt ngồi bên hữu của Chúa Cha trong vinh quang trên trời cùng với Ngài. Vì mỗi tín hữu, dù thuộc thành phần nào của nhân loại đều được tái sinh trong Đức Kitô; sự ra đời của chúng ta theo lẽ tự nhiên không còn được nói đến; chúng ta trở nên con người mới nhờ được tái sinh, chúng ta không còn được gọi là con cái theo tính xác thịt, mà là con cái của Đấng Cứu Thế, Đấng đã trở nên Người Con của nhân loại, để chúng ta có thể trở thành con cái của Thiên Chúa.”[16]
Vâng, đây chính là Mầu Nhiệm được thực hiện trong chúng ta qua Mùa Giáng Sinh thánh thiện! Mầu Nhiệm này được diễn tả trong trích đoạn Tin Mừng theo thánh Gioan mà Giáo Hội chọn đọc trong thánh lễ thứ ba Đại Lễ Giáng Sinh: “Còn những ai đón tiếp Người, thì Người ban cho họ quyền làm con Thiên Chúa, vì họ đã tin vào danh của Người. Họ được sinh ra, không phải bởi máu huyết, không phải do xác thịt, cũng không phải do ước muốn của người đàn ông, nhưng do bởi Thiên Chúa”[17]. Để tất cả những ai được thanh tẩy tâm hồn sẽ được giải thoát khỏi tình trạng nô lệ thân xác và từ bỏ mọi thứ thuộc về con người, vì con người cũng đồng nghĩa là tội nhân, nay ước mong mở lòng mình ra với Ngôi Lời, Ngài là Ánh Sáng chiếu soi trong bóng tối và bóng tối đã không diệt được ánh sáng[18]. Họ được sinh ra cùng với Đức Giêsu và bắt đầu một đời sống mới như chính Con Thiên Chúa đã làm trong mầu nhiệm Giáng Sinh tại Bêlem.
Đẹp biết bao những điều khởi đầu của đời sống Kitô giáo! Vĩ đại làm sao vinh quang của Bêlem, nghĩa là Ngôi Nhà Bánh Tiến của Mẹ Thánh Giáo Hội chúng ta! vì giữa lòng Giáo Hội đã sinh ra biết bao con cái của Thiên Chúa ở khắp nơi trên thế giới trong những ngày Giáng Sinh này. Ôi! sự sống động không ngừng phát triển nơi các mầu nhiệm của chúng ta! Như Con Chiên, Đấng đã bị giết từ lúc tạo thiên lập địa[19], vẫn không ngừng hiến tế chính mình cho nhân loại chúng ta. Cũng vậy, một khi được sinh ra bởi Đức Trinh Nữ Maria, thì chính Ngài vẫn tiếp tục làm cho sự sống ấy triển nở và tràn đầy vinh quang trong tâm hồn nhân loại. Do đó, chúng ta không được mảy may nghĩ rằng phẩm giá của Thiên Chức làm Mẹ Thiên Chúa nơi Đức Maria bị giảm bớt, hoặc là linh hồn chúng ta được hưởng vinh quang danh dự cao cả như đã được ban cho Đức Mẹ: trái lại, như chân phước Bêđa nói: cùng với toàn thể Giáo Hội Công Giáo, chúng ta hãy cất tiếng ca vang giữa nhân loại và nói với Đấng Cứu Độ chúng ta như lời người phụ nữ đã nói trong Tin Mừng: Phúc thay lòng dạ đã cưu mang Người và đã cho Người bú mớm[20]. Đặc ân của Đức Maria quả thật không thể chia sẻ, và điều đó làm cho Mẹ trở nên Mẹ Thiên Chúa và Mẹ của nhân loại. Thế nhưng chúng ta cũng phải nhớ lại điều mà Đấng Cứu Thế đã trả lời cho người phụ nữ khi thốt ra những lời ấy: “Đúng hơn phải nói rằng, phúc cho những ai lắng nghe và tuân giữ Lời Chúa”[21]. Do đó, chân phước Bêđa tiếp tục khẳng định rằng không chỉ Đức Maria đã được diễm phúc cưu mang Ngôi Lời của Thiên Chúa, mà cả những người đã nỗ lực để cưu mang Ngôi Lời một cách thiêng liêng bằng việc lắng nghe của niềm tin, sinh hạ và nuôi dưỡng Ngài bằng việc tuân giữ và thực thi điều thiện hảo cho bản thân và tha nhân. Vì chính Mẹ Thiên Chúa đã được chúc phúc trong những gì Mẹ đã làm. Mẹ đã trở nên người phục vụ cho mọi nhu cầu của Ngôi Lời Nhập Thể; hơn thế, Mẹ được chúc phúc bởi vì Mẹ luôn tuân giữ và thi hành đức ái trọn hảo dành cho chính Con của Mẹ.
Cùng một chân lý ấy, trong Tin Mừng theo thánh Mátthêu, Chúa Giêsu dạy chúng ta rằng: “Vì phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi”[22]. Và tại sao Sứ Thần lại được ưu ái sai đến với Đức Maria thay vì với tất cả những thiếu nữ khác của Israel, nếu không phải Đức Maria đã sớm đón nhận Ngôi Lời Thiên Chúa trong trái tim mình bằng một tình yêu không chia sẻ và mãnh liệt, bằng một tấm lòng khiêm nhường cao thượng và sâu thẳm và nhờ công trạng vô song của đức trinh khiết của Mẹ. Tại sao Đấng được gọi có phúc hơn mọi người nữ lại thánh thiện vượt trên hết mọi loài thụ tạo, là bởi vì một khi cưu mang và sinh hạ Con Thiên Chúa, người mãi mãi là Mẹ của Thiên Chúa. Mẹ trở nên Mẹ của Thiên Chúa nhờ lòng trung tín của Mẹ trong việc thực thi ý muốn của Cha trên trời, nhờ tình yêu của Mẹ dành cho ánh sáng vĩnh cửu của Ngôi Lời Thiên Chúa, và nhờ sự kết hợp mật thiết của Mẹ như là Hiền Thê với Thần Khí thánh hoá.
Thế nhưng không một ai trong nhân loại chúng ta bị loại ra khỏi niềm vinh dự là noi gương Đức Maria, sống tình Mẫu Tử thiêng liêng của Mẹ một cách khiêm nhường: vì qua việc sinh hạ Đức Giêsu tại Bêlem mà chúng ta đang cử hành sẽ dẫn đưa nhân loại vào trong các mầu nhiệm của Thiên Chúa, thì Đức Maria, Đấng luôn được chúc phúc là Mẹ của Chúa Giêsu đã chỉ cho chúng ta cách thế để có thể trở nên đồng hình đồng dạng trong đặc ân cao quý của Mẹ. Chúng ta phải chuẩn bị một con đường cho Đức Chúa[23] trong suốt thời gian Mùa Vọng; và như thế, tâm hồn chúng ta đã cưu mang Ngài và những việc lành của chúng ta đã sinh ra Ngài, bởi Cha trên trời không nhìn đến chính chúng ta, nhưng là nhìn đến Đức Giêsu, Con của Người đang ở trong chúng ta lúc này, và qua đó có thể nói với mỗi người chúng ta trong tình thương yêu của Người, điều mà Người đã tầng nói về Ngôi Lời nhập thể: Đây là con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người[24].
Chúng ta hãy lắng nghe những lời giải thích của thánh tiến sĩ Bônaventura về mầu nhiệm Giáng Sinh của Chúa Giêsu nơi tâm hồn con người trong một bài giảng vào ngày lễ Giáng Sinh như sau: “Cuộc sinh hạ hồng phúc này diễn ra khi mà tâm hồn đã được chuẩn bị bằng việc suy gẫm và phản tỉnh trong một thời gian lâu dài, và sau đó đi đến hành động; khi xác thịt được khuất phục trước tinh thần, và các việc lành được thực hiện đúng lúc: khi đó, sự bình an nội tâm và niềm hân hoan trở lại trong tâm hồn. Trong cuộc giáng sinh này, không có đau khổ, cũng không có sự sợ hãi; tất cả đều là sự ngưỡng mộ, niềm vui sướng và vinh quang. Vì thế, hỡi những tâm hồn đạo đức! ngươi khát khao cuộc giáng sinh này, hãy tưởng tượng mình giống như Đức Maria. Maria có nghĩa là sự cay đắng; hãy cay đắng cho tội lỗi của ngươi: nó còn có nghĩa là người soi sáng (illuminatrix), hãy để ngươi được soi sáng bởi các nhân đức của mình. Và cuối cùng, nó cũng có nghĩa là Nữ Vương (Mistress); hãy học cách trở thành nữ vương và người làm chủ những đam mê tội lỗi của ngươi. Khi đó, Đức Kitô sẽ được sinh ra từ nơi ngươi, và ôi! niềm hạnh phúc sẽ dành cho ngươi. Bởi sau khi linh hồn nếm cảm và nhìn thấy được sự ngọt ngào làm sao của Chúa Giêsu, Con của Mẹ. Mẹ trải nghiệm sự ngọt ngào này khi người nuôi dưỡng Thiên Chúa Hài Nhi trong sự chiêm ngắm thánh thiện; khi Mẹ bao bọc Người bằng những giọt nước mắt; khi Mẹ mặc cho Người chiếc áo là trái tim của Mẹ, trong vòng tay âu yếm thánh thiện; và khi Mẹ ấp ủ Người trong hơi ấm của tình yêu nòng cháy. Ôi hạnh phúc thay máng cỏ Bêlem, nơi ngươi, ta tìm thấy Đức Vua vinh hiển: nhưng còn hạnh phúc hơn ngươi là những linh hồn đạo hạnh, kẻ nắm giữ chính Đức Vua trong chính tâm hồn mình, Đấng mà ngươi chỉ có thể ôm giữ Người về mặt thể lý.
Giờ đây chúng ta có thể đi từ khái niệm thiêng liêng tới cuộc giáng sinh của Chúa Giêsu, nói cách khác, để chúng ta có thể đi từ Mùa Vọng đến Lễ Giáng Sinh, chúng ta phải không ngừng hướng đôi mắt tâm hồn mình về Ngài, Đấng mong muốn được sinh ra trong chúng ta, và trong Ngài, thế gian được tái sinh trong một đời sống mới. Do đó, việc tìm kiếm và khát vọng của chúng ta quy hướng vào việc làm thế nào để bắt chước Ngài và làm sao để trở nên giống Chúa Giêsu nhất; vì dầu sự bắt chước không cần phải hoàn hảo, nhưng chúng ta biết như lời của thánh Tông Đồ nói rằng chính Chúa Cha trên trời đã ban điều này như là một dấu chỉ của những người được tuyển chọn – rằng họ được tạo dựng giống hình ảnh Con của Người[25].
Vì thế, chúng ta hãy lắng nghe lời mời gọi của các Thiên Thần, và hãy tiến về Bêlem[26]. Chúng ta hãy biết rằng dấu chỉ sẽ được ban cho chúng ta để nhận biết Đức Giêsu – là một Trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ[27]. Vì thế, hỡi các Kitô hữu! Anh chị em phải trở nên như trẻ thơ; anh chị em đừng ngần ngại chấp nhận bị ràng buộc như trẻ thơ trong những mối dây liên kết của đời sống thiêng liêng với Chúa; anh chị em hãy hạ mình xuống từ sự kiêu hãnh của mình và đến gặp Đấng Cứu Thế, Đấng đến từ trời cao, và cùng với Ngài, ẩn mình trong sự khiêm nhường của máng cỏ. Vì thế, cùng với Ngài, anh chị em sẽ bắt đầu một cuộc sống mới. Như thế, Ánh Sáng tựa ánh bình minh, rực rỡ thêm cho đến hồi chính ngọ[28] cũng sẽ soi chiếu cho anh chị em suốt chặng đường còn lại của hành trình. Như vậy, việc chiêm ngắm Thiên Chúa, Đấng đem lại đức tin mà anh chị em đón nhận tại Bêlem, sẽ xứng đáng cho anh chị em được nhìn thấy Ngài diện đối diện trên núi Tabo, và chuẩn bị cho anh chị em sự Hiệp Nhất viên mãn, không chỉ có Ánh Sáng nhưng còn là sự sung mãn và bình an trong Tình Yêu.
Cho đến nay, chúng ta chỉ mới nói đến những thành phần đang sống hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội, họ là những người đã bắt đầu đời sống ân sủng trong Mùa Vọng thánh thiện này, hoặc đang thực sự sống trong ân sủng của Chúa Thánh Thần khi Năm Phụng Vụ bắt đầu hay họ đã dành suốt Mùa Vọng để chuẩn bị được sinh ra cùng với Đức Giêsu trong Năm Phụng Vụ mới này. Nhưng làm sao chúng ta bỏ qua những anh chị em của chúng ta là những người đã chết trong tội lỗi; và họ chết đến nỗi mà ngay cả cuộc viếng thăm của Đấng Emmanuel, hay gương sáng của các Kitô hữu trên khắp Giáo Hội hoàn vũ đang sốt sắng chuẩn bị cho cuộc viếng thăm của Chúa, cũng không thể thức tỉnh lòng họ? Không, chúng ta không thể lãng quên họ: chúng ta yêu mến họ và đến nói với họ (vì ngay cả lúc này họ vẫn có thể mở lòng đón nhận ân sủng và sự sống) biết rằng Đấng cứu độ chúng ta đã biểu lộ lòng nhân hậu và tình yêu thương của Người[29]. Nếu tập sách này tình cờ rơi vào tay của bất kỳ ai trong số những người chưa đáp lại lời mời gọi của ân sủng, thì nhờ đó thúc giục họ hoán cải trở về với Hài Nhi ngọt ngào ở Bêlem, Thiên Chúa của họ. Họ là những người thay vì dành thời gian thánh của Mùa Vọng để chuẩn bị tâm hồn đón Chúa vào ngày lễ Giáng Sinh, thì họ lại sống thời gian thánh này trong sự thờ ơ và tội lỗi: có lẽ chúng ta sẽ giúp họ nhận ra sự nghiêm trọng về tình trạng của họ, bằng cách nhắc nhở họ về kỷ luật cổ xưa của Giáo Hội, điều mà bó buộc tất cả các tín hữu phải rước lễ vào ngày lễ Giáng Sinh cũng như lễ Phục Sinh và lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, nếu không muốn bị xem là không còn phải là người Công Giáo. Chúng ta tìm thấy một sắc lệnh chính thức về bổn phận này được ban hành trong điều 15 của công đồng Agatha (Agde) được tổ chức vào năm 506. Chúng ta cũng muốn mời gọi các tội nhân khốn khổ này suy ngẫm về niềm vui của Giáo Hội khi chứng kiến trên khắp toàn thế giới có đông đảo con cái của Giáo Hội cả những người đạo đức và cả những người nguội lạnh vẫn cử hành mừng lễ Giáng Sinh của Con Chiên Thiên Chúa bằng việc tham dự Bí Thánh Thể và nhận lãnh Mình và Máu Thánh Người.
Hỡi các tội nhân! Hãy can đảm lên. Đại lễ Giáng Sinh là ngày lễ của ân sủng và lòng thương xót cho tất cả mọi người, người công chính cũng như tội nhân, cùng hiệp thông trong niềm vui chung của Mầu Nhiệm Giáng Sinh. Cha trên trời đã quyết định tôn vinh ngày Giáng Sinh của Con Một Người bằng cách ban ơn tha thứ cho tất cả mọi người, ngoại trừ những ai cố chấp từ chối ân sủng này. Ôi! Thật huyền nhiệm thay Cuộc Viếng Thăm của Đấng Emmanuel yêu quý của chúng ta được tôn vinh bằng ân sủng tha thứ của Thiên Chúa!
Không phải chúng ta đưa ra những lời mời gọi, nhưng là chính Giáo Hội. Đúng vậy, chính Giáo Hội, với quyền năng Thiên Chúa mời gọi anh chị em khởi đầu hành trình đời sống mới của mình vào ngày mà Con Thiên Chúa bắt đầu hành trình cuộc sống dương thế của Ngài. Để có thể thông truyền lời mời gọi của Giáo Hội đến với anh chị em một cách xứng đáng hơn, chúng ta mượn lời của một vị Giám mục vĩ đại, thánh thiện và đức độ thời Trung Cổ, Đức cha Rabanus Maurus, đã viết trong một bài giảng về lễ Giáng Sinh của Chúa chúng ta, ngài động viên các tội nhân hãy đến và đứng bên cạnh những người công chính nơi máng cỏ Bêlem, nơi mà ngay cả bò lừa cũng nhận biết Thiên Chúa của chúng trong hình hài một Trẻ Thơ đang nằm trong máng cỏ.
“Anh chị em rất thân mến, tôi khẩn nài anh chị em hãy đón nhận những lời mà Chúa chúng ta nói với anh chị em qua tôi trong ngày lễ đầy ngọt ngào nhất này; ngày mà cả những người dân ngoại và tội nhân cũng được đánh động bởi lòng sám hối; ngày mà người gian ác được thúc giục biết thương xót, người có tâm hồn ăn năn hy vọng được tha thứ, kẻ bị lưu đày hy vọng ngày trở về quê hương, và người đau ốm khát khao được chữa lành; ngày mà Chiên Con được sinh ra để xoá bỏ tội trần gian, đó là Đức Kitô, Đấng Cứu Độ chúng ta. Trong ngày lễ Giáng Sinh này, người có lương tâm trong sạch sẽ vui mừng hân hoan hơn mọi ngày, còn người đang mang trong mình lương tâm tội lỗi sẽ cảm thấy sợ hãi nhưng đó là một nỗi sợ lành thánh… Vâng, đây là một Lễ trọng đại đầy ngọt ngào, mang đến sự an ủi thiêng liêng và ơn tha thứ thực sự cho tất cả những ai thật lòng sám hối. Hỡi những người con bé nhỏ của cha, cha hứa với các con một cách kiên định rằng, bất cứ ai trong ngày này thật lòng sám hối và từ bỏ con đường tội lỗi nhơ nhuốc của mình thì sẽ nhận được ơn lành mà người ấy cầu xin; chỉ cần người nào cầu nguyện với một đức tin vững vàng và dứt khoát từ bỏ các thú vui tội lỗi.”
“Trong ngày này, tội lỗi của toàn thể nhân loại được xoá bỏ: vậy tại sao các tội nhân lại phải thất vọng?… Anh chị em rất thân mến, trong ngày Sinh Nhật của Chúa chúng ta, anh chị em hãy dâng lên Đức Giêsu những lời khấn hứa của chúng ta và giữ trọn những lời ấy như đã chép trong Thánh Vịnh rằng: “Hãy giữ trọn những điều các ngươi đã khấn hứa cùng Đức Chúa là Thiên Chúa các ngươi; và hãy dâng lên Ngài những lễ vật xứng đáng”[30]. Hãy dâng lên Chúa những lời khấn hứa của chúng ta với lòng tin tưởng và yêu mến; chính Người sẽ ban sức mạnh để chúng ta giữ trọn những lời ấy… Và khi nói đến những lời khấn hứa, xin đừng ai nghĩ rằng tôi ám chỉ đến những lời khấn hứa về của cải vật chất chóng qua ở đời này. Không – tôi muốn nói rằng mỗi người chúng ta nên dâng lên Đấng Cứu Độ chúng ta điều gì, đó chẳng phải chính là linh hồn chúng ta sao? ‘Và có người sẽ nói rằng: nhưng làm thế nào? Làm sao chúng ta sẽ dâng linh hồn chúng ta cho Người, cho Đấng mà linh hồn chúng ta thực sự thuộc về Người?’. Tôi xin trả lời phải làm thế nào? Vâng, bằng một đời sống thánh thiện, nuôi dưỡng những tư tưởng trong sạch, thực hiện những việc lành phúc đức, từ bỏ điều xấu xa, theo đuổi điều thiện hảo, yêu mến Thiên Chúa, yêu thương tha nhân, thực hành lòng thương xót (vì chính chúng ta cũng cần đến lòng thương xót, trước khi được cứu chuộc), tha thứ cho những ai lỗi phạm đến chúng ta (vì chính chúng ta cũng đã từng xúc phạm và tổn thương người khác), và đánh đổ sự kiêu ngạo, bởi chính sự kiêu ngạo đã làm cho tổ tông của chúng ta đã bị lừa dối và sa ngã”.[31]
Chính vì thế, Mẹ Giáo Hội đầy yêu thương dịu hiền mời gọi các tội nhân đến tham dự Tiệc của Chiên Thiên Chúa. Mẹ Giáo Hội sẽ không được thoả mãn cho đến khi Ngôi Nhà của Giáo Hội được đầy tràn[32]. Ân sủng của Mầu Nhiệm Giáng Sinh Mới được ban cho Giáo Hội qua Mặt Trời Công Chính, đổ tràn niềm vui trên Hiền Thê của Đức Giêsu. Một Năm Phụng Vụ mới đã bắt đầu cho Giáo Hội, giống như tất cả những năm trước, một năm đầy tràn hoa trái và phúc lành. Giáo Hội canh tân sức trẻ của mình như đại bàng tung cánh và mở ra một chu kỳ Năm Phụng Vụ mới với các mầu nhiệm của Giáo Hội và tuôn đổ muôn ân sủng của Thiên Chúa xuống trên những người con trung tín của Giáo Hội qua chu kỳ của Năm Phụng Vụ này. Trong Mùa Giáng Sinh này, chúng ta được ban những hoa trái đầu mùa của các ân sủng, đó là sự nhận biết và tình yêu của Chúa Hài Đồng: hãy đón nhận các ân sủng ấy với trái tim ân cần và rộng mở, để chúng ta xứng đáng lớn lên cùng với Chúa Giêsu càng thêm tuổi càng thêm khôn ngoan và ân sủng trước mặt Thiên Chúa và người đời[33]. Mầu Nhiệm Giáng Sinh là cửa ngõ dẫn vào các mầu nhiệm khác trong suốt Năm Phụng Vụ; nhưng đây là một cánh cửa mà tất cả chúng ta đều có thể bước vào, bởi lẽ, dầu thuộc về thiên giới, nhưng cánh cửa ấy lại chạm đến trần gian. Bởi, như thánh Augustinô đã diễn tả thật tuyệt đẹp trong một bài giảng về lễ Giáng Sinh rằng:[34] “chúng ta chưa thể chiêm ngắm sự rực rỡ huy hoàng của Đấng được sinh ra từ Chúa Cha trước khi hừng đông xuất hiện[35], thế thì chúng ta hãy đến viếng thăm Đấng đã được sinh ra bởi Đức Trinh Nữ Maria trong đêm đông lạnh lẽo tại Bêlem. Chúng ta không thể hiểu được làm sao mà Danh Người đã trường tồn vạn kỷ từ trước khi có mặt trời[36], thế thì chúng ta hãy xác tín rằng Ngài đã đặt nơi cư ngụ của mình trong cung lòng Đấng thanh khiết hơn cả mặt trời[37]. Chúng ta cũng chưa thể nhìn thấy Con Một duy nhất đang ngự nơi cung lòng Chúa Cha; thế thì hãy suy niệm về hình ảnh Tân Lang rời khỏi loan phòng[38]. Chúng ta cũng chưa sẵn sàng bước vào bàn tiệc của Cha trên trời; thế thì hãy đến gần máng cỏ của Chúa Giêsu, Chúa chúng ta[39].”
Lm. Antôn Pađôva Nguyễn Phi Tiến, SVD trích dịch
Chú thích
[1] Kh 19,7.
[2] Kh 4, 10.
[3] x. Lc 2, 16.
[4] x. Mt 2, 10.
[5] Is 9, 6.
[6] Ga 1, 14.
[7] Is 53, 3.
[8] Cn 15, 15.
[9] Ga 3,16.
[10] Is 53,7
[11] Rm 8,32.
[12] Dc 1,15.
[13] Is 25, 9.
[14] Ga 14, 2.
[15] Tv 33,6.
[16] Bài giảng thứ sáu vào ngày Lễ Giáng Sinh, ch. 2.
[17] Ga 1, 12.
[18] Ga 1, 5.
[19] x. Kh 13, 8.
[20] Bài diễn giảng Tin Mừng Luca, Quyển 4, ch. 49.
[21] Lc 11, 28.
[22] Mt 12, 50.
[23] Mt 3, 4; Is 40, 3.
[24] Mt 3, 17.
[25] Rm 8, 29.
[26] Lc 2, 15.
[27] Lc 2, 12.
[28] Cn 4, 18.
[29] Tt 3, 4.
[30] Tv 75, 12.
[31] Bài giảng thứ tư vào Lễ Giáng Sinh của Chúa Giêsu Kitô.
[32] Lc 10, 2.
[33] Lc 2, 52.
[34] Bài Giáng thứ 11 về Lễ Giáng Sinh.
[35] Tv 109, 3.
[36] Tv 71, 17.
[37] Tv 18, 6.
[38] Tv 18, 6.
[39] Is 1, 3.