♦ Lm. Antôn P. Nguyễn Phi Tiến, SVD trích dịch sang Việt ngữ từ: Abbot Guéranger, O.S.B., “The Liturgical Year: Advent”, Volume 2, (bản dịch tiếng Anh của Domlaurence Shepherd, O.S.B.), St. Bonaventure Publications 2000, tr. 6-14.
CHƯƠNG I: LỊCH SỬ MÙA GIÁNG SINH>>>
CHƯƠNG II: MẦU NHIỆM GIÁNG SINH
Tất cả đều là Mầu Nhiệm trong mùa thánh này. Ngôi Lời của Thiên Chúa, Đấng đã hiện hữu trước khi có đất trời[1], Ngài được sinh ra trong thời gian – một Hài Nhi chính là Thiên Chúa – một Trinh Nữ trở thành Mẹ, nhưng vẫn là một Trinh Nữ – những điều thiêng thánh hòa quyện với nhân loại – và một sự đối lập không thể diễn tả được thánh Gioan Tông Đồ trình bày trong Tin Mừng của ngài: “NGÔI LỜI ĐÃ TRỞ NÊN NGƯỜI PHÀM”, được lặp đi lặp lại nhiều lần và bằng nhiều cách khác nhau trong tất cả các lời cầu nguyện của Giáo Hội; và điều này hoàn toàn xác đáng, nó thật kỳ diệu vì đã biểu lộ toàn bộ Mầu Nhiệm vĩ đại, hợp nhất trong một bản tính Ngôi Vị của con người và bản tính Thiên Chúa.
Vẻ huy hoàng của mầu nhiệm Giáng Sinh làm choáng ngợp tâm trí chúng ta, nhưng lại tràn ngập niềm vui trong tâm hồn. Đây là sự viên mãn về chương trình cứu độ của Thiên Chúa trong thời gian. Hơn nữa, Mầu Nhiệm này cũng là nguồn mạch và nguyên lý phúc lộc vĩnh cửu. Chúng ta hãy cùng xem Giáo Hội trình bày Mầu Nhiệm Giáng Sinh như thế nào cho con cái của mình, một mầu nhiệm được ẩn giấu dưới các biểu tượng của Phụng Vụ.
Bốn Tuần chuẩn bị của chúng ta đã qua – đó là hình ảnh của bốn nghìn năm trước khi biến cố Chúa Giáng Sinh đến – và với thời gian thanh luyện đầy niềm vui và hy vọng, chúng ta đã đạt tới ngày 25 tháng 12, như một thời khắc được mong chờ từ lâu. Nhưng tại sao việc cử hành ngày Sinh Nhật của Đấng Cứu Thế lại là đặc ân vĩnh cửu gắn liền với một ngày cố định; trong khi toàn bộ chu kỳ Phụng vụ hằng năm phải thay đổi và điều chỉnh để phù hợp với ngày lễ Phục Sinh – Chúa Nhật Phục Sinh?
Đây là vấn đề được đặt ra một cách rất tự nhiên và đã được thánh Âugúttinô giải đáp vào thế kỷ IV trong những lá thư mục vụ của ngài gửi cho Januariô. Vị thánh Tiến Sĩ đã giải thích: chúng ta long trọng mừng Sinh Nhật Đấng Cứu Thế, là để chúng ta có thể tôn vinh Chúa Giáng Sinh, Đấng cứu độ chúng ta; tuy nhiên, ngày chính xác mà Ngài được sinh ra thì không mang bất kỳ một dấu hiệu huyền bí nào cả. Trái lại, Chúa Nhật, ngày Phục Sinh của Chúa chúng ta là ngày được đánh dấu đặc biệt trong chương trình của Đấng Tạo Hoá, nhằm diễn tả một mầu nhiệm sẽ được tưởng nhớ qua mọi thời đại. Thánh Isiđôrô thành Sêvillê và các nhà chú giải thời trung cổ về các Nghi Lễ Thánh, những người mà lâu nay được cho là các học giả Alcuin, cũng đã chấp nhận lời giải thích của Giám mục Hipô; và các độc giả của chúng ta có thể xem những lời giải thích của các ngài qua tác phẩm Rationale[2] của Đuranđô.
Do đó, các học giả này nhận thấy rằng, theo một truyền thống thánh thiện, thì công trình tạo dựng con người đã diễn ra vào ngày thứ Sáu và Đấng Cứu Thế của chúng ta cũng đã chịu chết vào ngày thứ Sáu để cứu chuộc nhân loại; hơn nữa, Chúa Phục Sinh vào ngày thứ ba sau cái chết của Ngài, nghĩa là vào ngày Chúa Nhật, đó là ngày mà ánh sáng đã được khai sinh, như chúng ta tìm thấy trong Sách Sáng Thế – ‘hai Biến Cố Trọng Đại đó là Cuộc Khổ Nạn và Phục Sinh của Chúa Giêsu’. Thánh Âugúttinô nói: “hai biến cố này không chỉ nhắc nhở chúng ta về những mầu nhiệm linh thánh đó; nhưng hơn thế còn trình bày và tiên báo những điều nhiệm mầu và thánh thiêng khác”[3].
Tuy nhiên, chúng ta không nên cho rằng vì lễ Chúa Giáng Sinh không gắn liền với một ngày cố định cụ thể nào trong tuần, nên lễ Giáng Sinh vào ngày 25 tháng 12 sẽ không có mầu nhiệm nào được tỏ bày. Trước hết, với quan niệm của các nhà Phụng Vụ xưa, chúng ta có thể nhận thấy rằng, Lễ Giáng Sinh được tổ chức luân phiên mỗi ngày trong tuần, để sự thánh thiện này có thể xóa tan và giũ bỏ lời nguyền của năm xưa do tội nguyên tổ của Ađam để lại. Thứ đến, mầu nhiệm vĩ đại của ngày 25 tháng 12 là Sinh Nhật của Đấng Cứu Độ chúng ta không liên quan đến sự phân chia thời gian do chính Thiên Chúa ấn định nhưng liên quan đến quỹ đạo của Mặt Trời Công Chính, Đấng ban sự sống, ánh sáng và hơi ấm cho nhân loại. Đức Giêsu, Đấng Cứu Độ chúng ta là Ánh Sáng cho Thế Gian[4], được sinh ra khi đêm tối của sự sùng bái ngẫu tượng và tội lỗi đang hoành hành và thống trị. Bởi thế, ngày Sinh Nhật của Đấng Cứu Thế, ngày 25 tháng 12 trở thành ngày mà Mặt Trời Công Chính bắt đầu thống trị trên triều đại của đêm đen tội lỗi và chứng tỏ cho nhân loại thấy rằng quyền năng của Thiên Chúa đã chiến thắng rực rỡ bóng tối và tội lỗi.
Trong ‘Mùa Vọng’, theo các thánh Giáo Phụ, chúng ta đã cho thấy rằng sự suy giảm của ánh sáng vật lý có thể được xem là biểu tượng của những thời kỳ đen tối ấy trước khi mầu nhiệm Nhập Thể của Con Chúa xuất hiện. Cùng với Mẹ Giáo Hội và hiệp với Dân Chúa trong Cựu Ước, chúng ta dâng lên Thiên Chúa, Đấng là Mặt Trời Công Chính những lời nguyện cầu tha thiết để xin Ngài đoái thương và đến giải thoát chúng ta khỏi cái chết của thể xác và linh hồn. Và Thiên Chúa đã lắng nghe những lời cầu nguyện của chúng ta nên chính vào ngày Đông Chí[5], Ngài sẽ ban cho chúng ta cả ánh sáng tự nhiên và ánh sáng siêu nhiên, Đức Giêsu Kitô chính là Ánh Sáng của linh hồn chúng ta.
Thánh Grêgôriô thành Nisa, thánh Ambrôsiô, thánh Maximô thành Turinô, thánh Lêô, thánh Bernarđô, và các Chuyên Gia Phụng Vụ nòng cốt đã chiêm ngắm một cách đầy thoả mãn về mầu nhiệm kín ẩn này, mầu nhiệm mà Đấng Tạo Hóa của toàn thể vũ trụ đã muốn in dấu trên cả thế giới tự nhiên lẫn siêu nhiên. Chúng ta sẽ thấy Giáo Hội cũng liên tục nhắc đến mầu nhiệm này trong suốt Mùa Giáng Sinh, giống như đã làm trong Mùa Vọng vậy.
Thánh Grêgôriô thành Nisa nói rằng, ‘vào Ngày mà Thiên Chúa đã làm nên’, ‘ngày mà bóng tối bị xua tan, ánh sáng bừng lên và đêm đen bị đẩy lùi. Không, thưa anh em, đây không phải là một sự thay đổi ngẫu nhiên, cũng không phải do ý muốn của thọ tạo, mà sự thay đổi tự nhiên này bắt đầu vào ngày Ngôi Hai Thiên Chúa tỏ mình trong ánh sáng rực rỡ nơi cuộc giáng lâm của Người, và đó là Sự Sống siêu nhiên của nhân loại. Đó là mạc khải tự nhiên, và dưới biểu tượng này, đang hé mở một huyền nhiệm cho nhưng ai có con mắt đủ tinh nhạy để nhận ra; ý tôi là, cho những ai có khả năng hiểu được ý nghĩa sâu xa của mầu nhiệm Chúa Cứu Thế giáng trần. Thiên nhiên dường như nói tôi với chúng ta rằng: Hỡi con người! hãy biết rằng dưới những điều ta phô bày trước mắt ngươi, có những mầu nhiệm ẩn giấu. Há ngươi chẳng thấy đêm trường kéo dài đã đột ngột bị chặn lại sao? Hãy hiểu rằng đêm đen của tội lỗi, cái đêm mà đạt đến đỉnh điểm bởi sự chất chứa của muôn vàn tội lỗi, ngày hôm nay đã bị đẩy lùi. Vâng, kể từ hôm nay, thời gian tồn tại của nó sẽ bị rút ngắn lại, cho đến khi sẽ chẳng còn gì ngoài Ánh Sáng. Hãy nhìn xem, trên Mặt Trời, Ta cầu nguyện cho ngươi và hãy thấy rằng những tia sáng của nó sẽ mạnh mẽ hơn, vị trí của nó trên bầu trời cũng cao hơn: từ đó hãy nhận ra rằng có một Ánh Sáng khác, Ánh Sáng của Tin Mừng, giờ đây đang toả lan khắp cõi địa cầu’[6].
Thánh Âugúttinô kêu mời, ‘anh em thân mến, chúng ta hãy vui mừng’[7] vì ‘ngày hôm nay là một ngày thánh, không phải vì mặt trời hữu hình, mà vì mầu nhiệm Giáng Sinh của Ngôi Hai Thiên Chúa, Ngài là Đấng Tạo Hóa vô hình… Ngài đã chọn ngày này để giáng sinh cũng như đã chọn người Mẹ để sinh ra Ngài, và chính Ngài đã tạo nên cả ngày này cũng như Thân Mẫu của Ngài. Ngày mà Ngài chọn là ngày đầy ánh sáng, là công trình của Chúa Kitô, Đấng canh tân nội tâm con người chúng ta từng ngày. Vì Đấng Tạo Hoá vĩnh cửu, khi muốn sinh ra trong thời gian thì Sinh Nhật của Ngài hẵn là phải hoà hợp với muôn loài thọ tạo.’
Trong một bài giảng khác về lễ Giáng Sinh, thánh Giáo Phụ đã giải thích cho chúng ta về một câu nói đầy ẩn ý của Thánh Gioan Tẩy Giả. Khi nói về Chúa Kitô, Vị Tiền Hô vĩ đại đã nói: “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại”[8]. Theo nghĩa đen, những lời tiên tri này có nghĩa là sứ mệnh của thánh Gioan Tẩy Giả đã đến hồi kết, vì Chúa Giêsu đang bắt đầu công khai sứ mệnh của Ngài. Nhưng theo tương truyền kể lại và như thánh Âugúttinô khẳng định với chúng ta về một ý nghĩa thứ hai: “thánh Gioan đến trần gian này vào mùa trong năm khi ngày ngắn lại; còn Chúa Giêsu được sinh ra vào mùa khi ngày dài ra”[9]. Do đó, có một mầu nhiệm xuất hiện cả trong sự mọc lên của Ngôi Sao vinh quang ấy và cả trong sự trỗi dậy của Mặt Trời Công Chính giữa mùa Đông tăm tối[10].
Đã có những người dám chế giễu Kitô giáo là mê tín, bởi vì họ phát hiện ra rằng những người ngoại giáo cổ đại thường tổ chức lễ hội mặt trời vào ngày đông chí! Trong sự hiểu biết nông cạn, họ đã kết luận rằng một Tôn giáo không thể được thiết lập bởi thần thánh, và nếu tôn giáo đó có những nghi thức hoặc phong tục cụ thể hẳn là được bắt nguồn từ sự tương đồng với các hiện tượng nhất định của thế giới này: nói cách khác, các tác giả này đã phủ nhận những điều Mặc Khải khẳng định, đó là, Thiên Chúa sáng tạo thế giới này vì lợi ích của Chúa Kitô và Giáo Hội của Ngài. Chính vì những sự thật mà các kẻ thù của Giáo Hội đã đưa ra những học thuyết để chống lại Đức tin chân thật đối với người Công Giáo chúng ta.
Như vậy, sau khi chúng ta đã giải thích Mầu Nhiệm nền tảng về Bốn Mươi Ngày của Mùa Giáng Sinh, bằng cách làm sáng tỏ mầu nhiệm vĩ đại này, một mầu nhiệm được dấu kín trong chương trình và thiên ý vĩnh cửu của Thiên Chúa, nghĩa là ngày 25 tháng 12 sẽ là ngày Giáng Sinh của Con Thiên Chúa trên trần gian này. Giờ đây chúng ta hãy kính cẩn tìm hiểu một mầu nhiệm khác: đó là mầu nhiệm liên quan đến nơi sinh của Đấng Cứu Thế.
Nơi ấy là Bêlem. Tiên tri Mikha nói, “Phần ngươi, hỡi Bê-lem Ép-ra-tha, ngươi nhỏ bé nhất trong các thị tộc Giu-đa, từ nơi Ngươi, Ta sẽ cho xuất hiện một vị có sứ mạng thống lãnh Ít-ra-en. Nguồn gốc của Người có từ thời trước, từ thuở xa xưa”[11]. Các Tư Tế Do Thái nhận thức rõ về lời tiên tri, và ít ngày sau sẽ tiên báo với Hêrôđê.[12] Nhưng tại sao thị trấn nhỏ bé này lại được chọn làm nơi sinh của Chúa Giêsu? Hỡi các Kitô hữu, hãy chú ý đến mầu nhiệm này! Tên của Thành Đavít có nghĩa là Ngôi Nhà Bánh Tiến: do đó, Đấng là Bánh hằng sống từ trời xuống,[13] đã chọn nơi đây làm ngôi nhà hữu hình đầu tiên của Người. Cha ông chúng tôi đã ăn Manna trong sa mạc và đã chết[14]; nhưng kìa! Đây là Đấng Cứu Độ trần gian, đã đến để ban sự sống cho nhân loại bằng chính Máu Thịt của Ngài[15]. Cho đến lúc này, Đấng Tạo Hóa và thụ tạo đã bị tách rời nhau; và kể từ hôm nay, nghĩa là từ khi Con Thiên Chúa giáng trần, thì Đấng Tạo Hoá và thụ tạo sẽ kết hợp mật thiết với nhau. Hòm Bia Giao Ước chứa đựng Manna để nuôi dưỡng thân xác, giờ đây được thay thế bằng Hòm Giao Ước Mới, tinh tuyền và trường tồn hơn mọi thứ khác: Đức Trinh Nữ Maria vô song, Đấng ban tặng Chúa Giêsu cho chúng ta, Bánh Thiên Thần, lương thực thiêng liêng để nuôi dưỡng và biến đổi chúng ta; vì chính Chúa Giêsu đã nói: “Ai ăn thịt và uống máu Tôi, thì ở lại trong Tôi và Tôi ở lại trong người ấy”[16].
Chính vì sự biến đổi thiêng liêng này mà nhân loại đã mong đợi suốt bốn ngàn năm, và Giáo Hội đã chuẩn bị cho biến cố này qua bốn tuần của Mùa Vọng. Cuối cùng ngày ấy cũng đã đến, và Chúa Giêsu đang đến với chúng ta, nếu chúng ta mở lòng đón nhận Ngài[17]. Ngài muốn được kết hợp mật thiết với mỗi người chúng ta, như Ngài đã kết hợp với toàn thể nhân loại qua Mầu Nhiệm Nhập Thể; và vì mục đích này, Ngài muốn trở nên Bánh, nguồn lương thực thiêng liêng cho chúng ta. Đây là mục đích chính yếu khi Ngài đến trong tâm hồn nhân loại. Ngài đến “không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ”[18], và để mọi người được sống và sống dồi dào[19]. Vì vậy, Đấng Thánh đầy yêu thương của tâm hồn chúng ta sẽ không được thỏa mãn cho đến khi chính Ngài thay thế chúng ta, để chúng ta sống nhưng không phải là chúng ta sống cho chính mình, nhưng chính Ngài sống trong chúng ta; và để mầu nhiệm này được thực hiện một cách ngọt ngào hơn, thì dưới hình hài của một trẻ thơ, Hoa Trái tuyệt đẹp của Bêlem muốn được ngự vào trong tâm hồn chúng ta, ở đó Ngài sẽ được lớn lên và khôn ngoan trước mặt Thiên Chúa và người đời[20].
Và khi Ngài đã đến viếng thăm chúng ta bằng ân sủng và nuôi dưỡng chúng ta trong tình yêu thương của Ngài thì chính Ngài sẽ biến đổi chúng ta nên giống Ngài, như thế sẽ có một mầu nhiệm thâm sâu hơn nữa được thành toàn trong chúng ta. Trở nên một trong tinh thần và tâm trí với Chúa Giêsu, Con của Cha trên trời, chúng ta cũng sẽ trở nên con cái của chính Thiên Chúa là Cha của chúng ta. Khi nói về phẩm giá của chúng ta, Người Môn Đệ yêu dấu kêu lên: “Anh em hãy xem Chúa Cha yêu chúng ta dường nào: Người yêu đến nỗi cho chúng ta được gọi là con Thiên Chúa – mà thật sự chúng ta là con Thiên Chúa!”[21]. Giờ đây chúng ta sẽ không dừng lại để suy xét niềm hạnh phúc vô biên ấy nơi tâm hồn người Kitô hữu chúng ta, vì chúng ta sẽ có dịp thích hợp hơn để nói về điều này, và đồng thời chia sẻ những phương thế tốt nhất để duy trì và phát triển niềm hạnh phúc vô biên này.
Cũng có một chủ đề khác mà chúng ta rất tiếc chỉ được đề cập một cách thoáng qua. Đó là kể từ ngày lễ Giáng Sinh của Đấng Cứu Thế đến ngày lễ Thanh Tẩy của Đức Maria, trong Lịch Phụng vụ có một sự phong phú đặc biệt về những ngày lễ kính các thánh, nhằm tôn vinh đại lễ Giáng Sinh ở Bêlem và quy tụ quanh máng cỏ của Chúa Hài Đồng với lòng tôn thờ và yêu mến. Chưa kể đến bốn Ngôi Sao vĩ đại là thánh Stêphanô, thánh Gioan Tông Đồ tác giả Tin Mừng, các thánh Anh Hài và thánh Tôma thành Cantơbơri đã lấy tất cả vẻ đẹp huy hoàng của mình để chiếu sáng rực rỡ bên Mặt Trời Công Chính: Thử hỏi có mùa nào khác trong Năm Phụng Vụ mà trong cùng một thời gian ngắn lại thể hiện được những ngày lễ kính các thánh như vậy không? Hội Các Tông Đồ đã để lại hai ngôi sao sáng vĩ đại là thánh Phêrô và thánh Phaolô: Thánh Phêrô là vị Giáo Hoàng đầu tiên và ngai toà của ngài tại Rôma; còn thánh Phaolô cũng là cột trụ thứ hai của Giáo Hội qua phép lạ hoán cải của ngài. Phần đông các thánh Tử Đạo cho chúng ta những chiến sĩ anh hùng tuyệt vời của Chúa Kitô, thánh Timôthê, Inhaxiô thành Antiôkia, thánh Pôlicáp, Vincentê và Sêbátiên. Hàng ngũ sáng chói của các Giáo Hoàng Rôma cũng cho chúng ta bốn khuôn mặt khả ái, đó là Giáo Hoàng Silvéstê, Têlêphôrô, Higinô và Mácxellô.
Trường phái cao cả của các thánh tiến sĩ cũng cho chúng ta những vị thánh như: thánh Hilariô, thánh Gioan Kim Khẩu và thánh Inđêphôngsô; và trong đó có một vị thánh Giám mục thứ tư – thánh Phanxicô Đệ Salê đáng mến. Vương quốc của các thánh chứng nhân Đức tin như: thánh Phaolô ẩn tu, thánh Antôn, người chinh phục Satan, thánh Môrô, tông đồ của đời sống Đan tu, thánh Phêrô Nôlascô, người đưa tù nhân và thánh Raymonđô thành Pennaphô, nhà tiên tri của Giáo Luật và người hướng dẫn lương tâm cho con người. Những người lính bảo vệ Giáo Hội ban tặng cho chúng ta những vị thánh và nhân vật quan trọng như vua Canutê ngoan đạo, người đã chết để bảo vệ Mẹ Giáo Hội và vua Charlemagne (Charles Đại Đế), vị vua yêu thích ký tên mình là “chiến sĩ khiêm nhường của Giáo Hội”. Đoàn các thánh Trinh Nữ cho chúng ta thánh Annê dịu dàng, thánh Emêrentiana quảng đại và Martina bất khuất. Và cuối cùng, từ hàng ngũ thánh hiền đứng dưới các thánh Trinh Nữ – các Góa phụ thánh thiện – chúng ta có Paula, người yêu mến Chúa Giêsu nồng nàn. Quả thật, Mùa Giáng Sinh của chúng ta là một mùa lễ hội huy hoàng! Thật huy hoàng trong Lịch Phụng Vụ của Giáo Hội! Thật là một bữa tiệc cho chúng ta qua Phụng Vụ!
Một từ ngữ mang tính biểu tượng về các màu sắc được Giáo Hội sử dụng trong Mùa Giáng Sinh. Đó chính là Màu Trắng và Giáo Hội sử dụng màu này từ lễ Giáng Sinh đến Bát Nhật của lễ Hiển Linh. Để tôn vinh hai vị thánh tử đạo của Giáo Hội là thánh Stêphanô và thánh Tôma thành Cantơbơri, Giáo Hội sử dụng lễ phục màu đỏ. Và để chia buồn với bà Raken khóc thương vì những đứa con vô tội của mình bị sát hại, Giáo Hội sử dụng lễ phục màu tím, nhưng đây là những trường hợp ngoại lệ duy nhất. Vào khoảng 20 ngày khác trong Mùa Giáng Sinh, Giáo Hội sử dụng Lễ Phục màu trắng nhằm biểu lộ niềm vui mà các Thiên Thần đã loan báo cho nhân loại; biểu lộ vẻ đẹp của Mặt Trời Công Chính đã mọc lên tại Bêlem; biểu lộ sự trinh khiết không tỳ vết của Đức Mẹ Đồng Trinh và tâm hồn thanh sạch của những ai đến thờ lạy nơi máng cỏ huyền nhiệm.
Trong suốt 20 ngày còn lại, Giáo Hội sử dụng các phẩm phục sao cho phù hợp với các lễ mà Giáo Hội cử hành. Giáo Hội thay đổi màu sắc để hài hòa với những đoá Hồng đỏ[22] tô điểm cho một vị thánh Tử Đạo, hoặc với những đoá hoa Bất Tử màu trắng điểm tô cho các thánh Giám mục và các thánh chứng nhân Đức tin, hoặc là với những đoá hoa Lily tinh khiết tượng trưng cho vương miện của các thánh Trinh Nữ. Vào các ngày Chúa Nhật trong thời gian này, tông màu các lễ phục là màu xanh, trừ khi có một Lễ Trọng đòi hỏi buộc sử dụng lễ phục màu đỏ hoặc màu trắng, hoặc trừ khi mùa Septuagesima[23] đã bắt đầu với ba tuần sầu thảm chuẩn bị cho Mùa Chay sắp tới. Các chuyên gia Phụng Vụ giải thích rằng điều này nhằm dạy chúng ta rằng, trong ngày Sinh Nhật của Chúa Giêsu, Ngài là đoá hoa giữa các cánh đồng, lần đầu tiên chúng ta nhận được niềm hy vọng cứu rỗi, và sau mùa đông lạnh lẽo u tối, đã mở ra khoảng thời gian mùa xuân tươi mới của ân sủng.
Với điều này, chúng ta phải khép lại phần giải thích mang tính mầu nhiệm về các nghi thức liên quan đến Mùa Giáng Sinh nói chung. Các độc giả của chúng ta sẽ nhận thấy rằng vẫn còn có nhiều thực hành thánh thiêng và mang tính biểu tượng khác mà thậm chí chúng ta chưa thể để cập tới; nhưng vì các mầu nhiệm đặc biệt liên quan tới một số ngày nhất định, do đó, chúng ta không thể tìm hiểu một cách phổ quát đầy đủ đối về phần này trong Năm Phụng Vụ. Chúng tôi dự định sẽ trình bày chi tiết về tất cả những điều đó trong những ngày Lễ riêng biệt.
Lm. Antôn Nguyễn Phi Tiến, SVD trích dịch từ: Abbot Guéranger, O.S.B., “The Liturgical Year: Advent”, Volume 2, (bản dịch tiếng Anh của Domlaurence Shepherd, O.S.B.), St. Bonaventure Publications 2000, tr. 6-14.
Chú thích:
[1] x. Tv 109, 3.
[2] “Rationale” làm một tác phẩm của Durandus, một tu sĩ và học giả Trung Cổ, trong đó ông giải thích các nghi lễ trong Giáo Hội Công Giáo. Từ “Rationale” ở đây có nghĩa là “lý do” hoặc “giải thích họp lý”, và tác phẩm này nhằm cung cấp lý do hoặc sự giải thích sâu sắc về các hành động Phụng Vụ, các nghi thức và các biểu tượng trong Phụng Vụ Công Giáo, từu đó giúp mọ ngừoi hiểu đươc ý nghĩa thiêng liêng và thần học.
[3] Epis. Ad Januarium: là bức thư mà thánh Augustinô viết gửi cho Januarius. Trong thư này, thánh Augustinô giải thích các vấn đề liên quan đến Phụng Vụ, lễ nghi và ý nghĩa của các ngày lễ trong Giáo Hội, đặc biệt liên quan đến biến cố Giáng Sinh và Phục Sinh.
[4] Ga 8,12.
[5] “The day of the Winter Solstice”: “ngày Đông Chí” – là thời điểm trong năm khi Mặt Trời đạt đến vị trí thấp nhất trong bầu trời, và ngày ngắn nhất, đêm dài nhất, thường xẩy ra vào khoảng ngày 21 hoặc 22 tháng 12.
[6] Bài giảng của thánh Grêgôriô vào ngày lễ Giáng Sinh.
[7] Bài giảng về ngày Chúa Giáng Sinh, III.
[8] Ga 3, 30.
[9] Bài giảng vào Lễ Chúa Giáng Sinh, XI.
[10] Hầu như không cần thiết phải thêm rằng học thuyết của các Thánh Giáo phụ được thể hiện trong Phụng vụ mùa Giáng sinh không bị làm sai lệch bởi trong thực tế, có một số nơi ngày Chúa Giáng Sinh rơi vào mùa trái ngược với Mùa Đông. Chúa chúng ta đã chọn nơi sinh của Ngài, một nơi đã tạo nên Mùa đông khi Ngài đến thế gian; và bằng sự lựa chọn đó, Ngài đã đánh dấu mầu nhiệm đã được ghi chép trong sổ sách về mùa của tối tắm và lạnh lẽo. Chẳng hạn, anh em của chúng ta ở Úc sẽ có mầu nhiệm là không có Mùa Đông, khi họ đang cử hành lễ Giáng Sinh; hay nói chính xác hơn, đức tin và Phụng Vụ Thánh sẽ liên kết chúng ta, cả trong đêm đông và Mầu Nhiệm Giáng Sinh vĩ đại ở Bêlem.
[11] Mk 5, 2.
[12] x. Mt 2, 5.
[13] Ga 6, 41.
[14] Ga 6, 49.
[15] x. Ga 6, 56.
[16] Ga 6, 56.
[17] x. Ga 1, 12.
[18] Ga 3, 17.
[19] x. Ga 10, 10.
[20] x. Lc 2, 40. 52.
[21] 1 Ga 3, 1.
[22] Cụm từ “red Roses” có thể dịch “những đoá Hồng đổ”. Trong ngữ cảnh tôn giáo, nó thường tượng trưng cho sự hy sinh và đức tin mạnh mẽ của các thánh Tử Đạo.
[23] “Septuagisima” là một thuật ngữ trong Lịch Phụng Vụ của Giáo Hội Công Giáo, chỉ một thời gian chuẩn bị kéo dài ba tuần trước Mùa Chay. Nó bắt đầu vào Chúa Nhật Septuagesima, tức là 70 ngày trước Lễ Phục Sinh (theo cách tính lịch cổ điển). Thời kỳ này được coi là một giai đoạn chuẩn bị, mang sắc thái sầu thảm và ăn năn, để giúp tín hữu chuẩn bị tâm hồn cho Mùa Chay.