THIÊN CHÚA LÀM NGƯỜI (25/12, LỄ CHÚA GIÁNG SINH – RẠNG ĐÔNG)

0
359

Is 62,11-12; Tt 3,4-7; Ga 1,1-18

Tin Mừng: Ga 1,1-18

1 Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa.2 Lúc khởi đầu, Người vẫn hướng về Thiên Chúa.Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành, và không có Người, thì chẳng có gì được tạo thành. Điều đã được tạo thành4 ở nơi Người là sự sống, và sự sống là ánh sáng cho nhân loại.5 Ánh sáng chiếu soi trong bóng tối, và bóng tối đã không diệt được ánh sáng.6 Có một người được Thiên Chúa sai đến, tên là Gio-an.7 Ông đến để làm chứng, và làm chứng về ánh sáng, để mọi người nhờ ông mà tin.8 Ông không phải là ánh sáng, nhưng ông đến để làm chứng về ánh sáng.9 Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người.10 Người ở giữa thế gian, và thế gian đã nhờ Người mà có, nhưng lại không nhận biết Người.11 Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận.12 Còn những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa.13 Họ được sinh ra, không phải do khí huyết, cũng chẳng do ước muốn của nhục thể, hoặc do ước muốn của người đàn ông, nhưng do bởi Thiên Chúa.14 Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta. Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người, là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật.15 Ông Gio-an làm chứng về Người, ông tuyên bố: “Đây là Đấng mà tôi đã nói: Người đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi”.16 Từ nguồn sung mãn của Người, tất cả chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác.17 Quả thế, Lề Luật đã được Thiên Chúa ban qua ông Mô-sê, còn ân sủng và sự thật, thì nhờ Đức Giê-su Ki-tô mà có.18 Thiên Chúa, chưa bao giờ có ai thấy cả; nhưng Con Một vốn là Thiên Chúa và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Người đã tỏ cho chúng ta biết.

—– o0o —–

BÀI GIẢNG

THIÊN CHÚA LÀM NGƯỜI ( Lm. Phêrô Hoàng Văn Loan, SVD)

Khoảng giữa năm 2021, đại dịch Covid bùng phát trở lại và làn tràn ở miền Nam Việt Nam, làm đảo lộn cuộc sống thường ngày của nhiều người sinh sống tại đây. Chắc hẳn ai cũng còn nhớ hình ảnh hàng ngàn người tháo chạy khỏi Sài Gòn tìm chốn bình yên hơn ở quê nhà. Quãng đường cả nghìn cây số làm họ mệt mỏi. Vài người bị tai nạn và nhiều người khác phải nằm vất vưởng dọc đường quốc lộ để nghỉ ngơi, lấy sức đi tiếp. Trong muôn vàn hình ảnh đau lòng đó, có một hình ảnh đã làm nhiều người xúc động rơi nước mắt. Hình ảnh người mẹ trẻ ngồi cạnh chồng và đứa con sơ sinh nằm ngủ trên đám cỏ vệ đường. Một hình ảnh đẹp nhưng cũng xót xa làm sao!

  1. Thiên Chúa Làm Người Để Ở Giữa Chúng Ta

Hôm qua, khi suy niệm bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe, hình ảnh đứa trẻ sơ sinh nằm trên đám cỏ dọc đường quốc lộ 1A lại sống dậy trong tôi, thật tội nghiệp. Tôi thoáng hỏi: ‘Thiên Chúa ở đâu, sao để người ta khổ thế?’ Và sáng nay, khi nhìn vào hang đá, tôi thấy Con Thiên Chúa cũng đang nằm trong máng cỏ đơn sơ nghèo hèn, cạnh những con vật hôi hám. Tôi không còn tự hỏi Thiên Chúa đang ở đâu nữa. Vì Ngài đang nằm đó, trong chiếc tã màu trắng, bên vệ đường, với họ. Khi rời ngai Thiên Chúa nhập thể làm người, Ngài đã chọn để được sinh ra nơi hang bò lừa, dọc đường vội vã về quê, hầu thông chia những cơ cực và thiếu thốn nhất của phận người. Thực vậy, “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế.” (Pl 2, 6-7).

  1. Thiên Chúa Làm Người Để Con Người Được Làm Con Chúa

Nhiều khi chúng ta cũng có thể tự hỏi có nhất thiết Thiên Chúa phải hạ cố làm người, chấp nhận sinh ra trong cảnh đơn hèn như vậy không? Thánh Tôma Aquinô bảo Ngài có thể chọn cách khác nhưng đây là cách thế tốt nhất để Ngài đến được với trái tim của con người, nhất là những người “phận nhỏ”, sống bên lề xã hội. Ngài không muốn bất cứ một ai, dù thấp kém tầm thường đến mức nào, không cảm nhận được sự gần gũi của Ngài. Ngài đã hoà mình vào nỗi cùng cực của nhân loại để họ được thông chia sự sống của Thiên Chúa. Ngài hạ mình xuống thấp tột độ để nâng con người lên cao tột đỉnh. Hay nói như Clemente Alexandria: “Thiên Chúa làm người để con người được làm Chúa”. Vì muốn giúp con người kết hiệp nên một với Thiên Chúa, Con Thiên Chúa đã hoà mình vào phận người, nhất là những phận người nhỏ bé trong xã hội.

  1. Những Người Phận Nhỏ Được Đón Mừng Đấng Cứu Thế

Trong bài Tin Mừng hôm nay, những người chăn chiên bò cực nhọc, vất vả ngày đêm với đàn vật, ít được ai coi trọng, lại được Thiên Chúa ưu tiên mạc khải và cho chiêm ngưỡng Đấng Cứu Thế trước hết. Và hơn nữa, họ là những người đầu tiên rao truyền Tin Mừng về sự xuất hiện của Đấng Cứu Thế cho người khác. Theo lẽ thường, có thông tin gì quan trọng người ta báo cho người có quyền lực, có thông báo tin gì cần thiết người ta tìm đến người có tiếng nói. Nhưng Thiên Chúa lại ưu tiên cho những người thấp cổ bé miệng là các mục đồng. Như vậy, sự xuất hiện của Con Thiên Chúa giữa loài người đã làm đảo lộn các giá trị xã hội. Thiên Chúa ưu tiên tỏ mình ra cho những người phận nhỏ, như chính miệng Đức Giêsu đã nói: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha.” (Lc 10, 21).

  1. Họ Là Những Người Nghèo Của Đức Chúa

Hẳn đây không phải là lần đầu tiên Thiên Chúa mạc khải chính mình cho những người có địa vị thấp trong xã hội. Trong lịch sử cứu độ, Ngài đã chọn những người yếu thế hầu mạc khải chính mình, và để qua họ ‘danh Ngài được rạng rỡ vinh quang.’ Họ là những người sống âm thầm nhưng trung tín giữa lòng dân thánh. Họ được gọi là những người nghèo của Đức Chúa. Họ một lòng mong đợi ngày Đức Chúa cứu thoát như lời ngôn sứ Xôphônia đã nói: “Ta sẽ cho sót lại giữa ngươi một dân nghèo hèn và bé nhỏ; chúng sẽ tìm nương ẩn nơi danh Đức Chúa” (Xp 3,12). Nổi bật trong những người nghèo của Đức Chúa là Trinh Nữ Maria: “Người đã chiếm chỗ nhất trong những người khiêm nhượng và nghèo khó của Đức Chúa, là những kẻ hy vọng nhận lãnh sự cứu rỗi từ nơi Người với hết lòng tin tưởng” (GH 55). Quả vậy, vào thời bình minh ơn cứu rỗi, Mẹ Maria, nữ tỳ hèn mọn của Thiên Chúa đã trở nên Mẹ của Đấng muôn dân hằng trông đợi. Và trong bài Tin Mừng hôm nay, ngoài Mẹ Maria và thánh Giuse, những mục đồng đại diện cho những người nghèo khó của Đức Chúa đã chính thức đón mừng Đấng Cứu Thế giáng trần cứu độ muôn dân. Các mục đồng nêu gương cho chúng ta về sự đơn sơ đón nhận và mau mắn thực hành Lời Chúa qua miệng sứ thần (x. Lc 2, 15-16). Chạy đến với Chúa một cách mau lẹ như thế chắc hẳn họ đã cảm nhận được sự mong manh của phận người và sự cần thiết của ơn cứu chuộc. Loài người không thể được cứu độ nếu Thiên Chúa không ra tay cứu vớt.

Nói tóm lại, mỗi khi đối diện với tai ương hoạn nạn, dịch bệnh, chết chóc, chúng ta cảm nhận được sự yếu nhược, bất toàn của cõi nhân sinh và sự bất lực của nhân loại. Ước mong rằng cảm nhận đó làm chúng ta khiêm tốn hơn hầu trở nên những người nghèo của Đức Chúa trong thời đại chúng ta. Xin cho một thế giới đang kiêu hãnh với những thành tựu khoa học kỹ thuật biết chấp nhận giới hạn của mình và mở lòng ra đón nhận Đấng Cứu Độ trần gian. Xin cho mỗi chúng ta biết noi gương các mục đồng hạ mình quì gối trước Chúa Giêsu Hài Đồng bé nhỏ để được Ngài nâng lên cao, rất cao, tận ngai Thiên Chúa.

Bài trướcChú giải Tin Mừng Lễ Giáng Sinh, Lễ chính ngày 25/12 (Ga 1,1-18)
Bài tiếp theoChú Giải Tin Mừng Lễ Thánh Gia, năm C (Lc 2,41-52)