LỜI SỐNG (26/12, Thánh Stephanô, lễ kính, Bát Nhật GS)

0
631

Tin Mừng: Mt 10,17-22

“Hãy coi chừng người đời. Họ sẽ nộp anh em cho các hội đồng, và sẽ đánh đập anh em trong các hội đường của họ. Và anh em sẽ bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền vì Thầy để làm chứng cho họ và các dân ngoại được biết. Khi người ta nộp anh em, thì anh em đừng lo phải nói làm sao hay phải nói gì, vì trong giờ đó, Thiên Chúa sẽ cho anh em biết phải nói gì: thật vậy, không phải chính anh em nói, mà là Thần Khí của Cha anh em nói trong anh em. “Anh sẽ nộp em, em sẽ nộp anh cho người ta giết; cha sẽ nộp con, con cái sẽ đứng lên chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết. Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát.

—– o0o —–

Suy niệm

CON ĐƯỜNG THEO CHÚA (Tu sĩ Phêrô Trần Văn Diệm, SVD)

Mở đầu bài hát Đường Con Theo Chúa của cha Ân Đức có những câu thơ như sau: “Trên con đường đi theo Chúa, có đủ bốn mùa Xuân – Hạ – Thu – Đông; có cả nụ cười và nước mắt, có cả niềm vui và nỗi buồn”… Hôm nay, Chúa Giêsu cũng đưa ra những khó khăn, thử thách khi sống theo Tin Mừng. Ngài cảnh báo các môn đệ về những thách đố mà họ sẽ phải đối diện.

Chúa không giấu đi sự thật về hành trình đi theo Chúa. Những ai theo Chúa sẽ phải đối mặt với sự thù địch, sự phản đối, thậm chí bị đánh đập và có khi còn mất mạng. Sự bách hại là số phận không thể tránh được của người môn đệ theo Chúa. Bởi nếp sống và sứ điệp của họ phơi bày những tật xấu của thế gian. Tuy nhiên, điều quan trọng ở đây không phải là những gì ta phải đối mặt, mà còn là cách ta đối mặt với chúng. Chúa Giêsu đã dạy các Tông Đồ rằng trong những lúc khó khăn, bách hại thì “anh em đừng lo phải nói làm sao hay phải nói gì, vì trong giờ đó, Thiên Chúa sẽ cho anh em biết phải nói gì” (x. Mt 10,19). Điều này cho thấy người môn đệ không phải đơn độc khi đối mặt với thử thách, mà có sức mạnh của Chúa trợ giúp. Người còn dạy rằng dưới danh Chúa, chúng ta có thể bị mọi người thù ghét, nhưng “kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát” (Mt 10,22). Là con người đôi lúc ta cảm thấy mình yếu đuối, không thể tự mình chống lại những bách hại. Nhưng tin rằng có Chúa luôn đồng hành với ta trong cuộc hành trình theo Chúa và mọi thử thách đều có ý nghĩa và giá trị trong mắt Ngài. Sự yếu hèn của ta lại là sức mạnh của Thiên Chúa, “vì khi tôi yếu đuối, chính là lúc tôi mạnh” (2 Cr 12,10). Bởi khi biết mình yếu đuối, ta mới hết lòng tin tưởng vào Chúa, sống gắn bó và phó thác hoàn toàn cho Ngài.

Noi gương thánh Stêphanô mà Giáo Hội mừng kính hôm nay, xin Chúa cho chúng con luôn trung kiên trên hành trình theo Chúa dẫu gặp muôn vàn thử thách và khó khăn. Amen.


ĐỪNG LO PHẢI NÓI GÌ! (Tu sĩ Phêrô Lê Việt Tân, SVD)

Ngày nay, mỗi khi phải đứng trước đám đông hay khi cần bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, người ta thường chuẩn bị rất kĩ lưỡng. Tôi cần phải nói gì và nói sao cho thuyết phục nhất? Thế nhưng, trong trình thuật Lời Chúa hôm nay, Đức Giêsu lại bảo rằng: “… anh em đừng lo phải nói làm sao hay nói gì…” (x. Mt 10,19). Lời khuyên đó có ý nghĩa gì?

Khi bị bắt bớ vì sự thật, khi bị hàm oan và khi chân lý nằm trong chính bản thân mình, chúng ta không cần suy nghĩ phải nói gì vì những sự thật là điều chính chúng ta biết rõ ràng và phân minh nhất. Thế nhưng vì sợ hãi, vì bảo vệ quyền lợi cá nhân, đôi khi chúng ta chơi những “trò chơi ngôn ngữ”: một là đổi trắng thay đen; hai là nói những điều mơ hồ lấp lửng; ba là chỉ nói một nửa sự thật. Đức Giêsu khi đứng trước toà án của Philatô không một lời bào chữa, nói thẳng thắn và làm chứng cho sự thật toàn vẹn. Chính vì thế, Ngài nói lời của Thần Khí vì Thần Khí là sự thật, là sự sáng là chính những điều Ngài biết rõ ràng là đúng và chấp nhận hậu quả của nó là cái chết. Chân lý đòi hỏi một cái giá không hề nhỏ cho những ai yêu mến nó.

Cuộc sống nhân loại hôm nay, mấy ai dám làm chứng và làm chứng cho chân lý. Ngay cả những người nắm giữ “cán cân công lý” cũng tìm cách bóp méo sự thật. Khái niệm mơ hồ nhất đối với cuộc sống con người hôm nay đó là “Chân lý” với câu hỏi bất hủ của Philatô “Sự thật là gì?” (Ga 18,38); đó là Lời của Thần Khí hay là cái “lý của kẻ mạnh bao giờ cũng thắng” (Jean de La Fontaine). Chúng ta, những người Kitô hữu là những người làm chứng cho sự thật bất chấp hậu quả của nó. Thánh Stêphanô vị tử đạo tiên khởi được mừng kính hôm nay là nhân chứng sống động cho mỗi người nhìn ngắm, suy ngẫm và học hỏi.

Lạy Chúa, xin ban Thánh Thần của Chúa đồng hành và soi sáng cho mỗi người chúng con, để chúng con biết nói sự thật, tôn trọng sự thật và làm chứng cho sự thật bằng mọi giá. Amen.


 

CHỨNG NHÂN TIN MỪNG (Tu sĩ Louis Nguyễn Tuấn Lâm, SVD)

Hôm qua, chúng ta hân hoan mừng lễ Con Thiên Chúa xuống thế làm người thì hôm nay, Giáo Hội lại đưa chúng ta đến sự chết chóc, đổ máu của thánh Stêphanô Tử Đạo. Mẹ Hội Thánh như muốn nhắn nhủ mỗi người con của mình không thể không đối diện với sứ vụ mà Chúa Giêsu đã truyền dạy. Sứ vụ này luôn mang đến cho con người niềm vui mặc dù sẽ có thập giá, đau khổ và cả chết chóc.

Bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đưa ra ba điều, và chính thánh Stêphanô cũng đã thực hiện hoàn hảo các điều ấy. Thứ nhất, “các con sẽ bị điệu đến nhà cầm quyền và vua chúa vì Thầy” (Mt 10,18). Đây là cơ hội để chúng ta tuyên xưng đức tin và tình yêu vào Đấng đã hy sinh cho chúng ta. Khi ta bị ngược đãi, bị thách thức, thì đó luôn là điều mang lại lợi ích, nếu ta bám chặt vào Chúa Giêsu và làm chứng cho Ngài. Như thánh Stêphanô, người đầy Thánh Thần đã can đảm giảng dạy tại hội đường dù cho những người bắt bớ ngài. Thứ hai, khi người ta bắt nộp các con, thì các con đừng lo nghĩ phải nói thế nào và nói gì (Mt 10,18). Khi tình yêu vào Chúa Giêsu đủ lớn, thì Chúa Thánh Thần cũng ở trong lòng chúng ta dồi dào. Chính lúc đó, Chúa Thánh Thần sẽ nói những lời mà chính chúng ta không thể thốt nên lời, và cũng không hiểu mình đã nói gì. Như thánh Stêphanô cũng đã phát lên lời nói từ Thánh Thần: “Lạy Chúa Giêsu, xin đón nhận tâm hồn con”; “Lạy Chúa, xin đừng trách cứ họ về tội lỗi này”. Thứ ba, “ai bền đỗ đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu độ” (Mt 10,22). Câu nói như là lời động viên và là lời hứa cho chúng ta, hãy kiên định, bám chặt vào Chúa, và giữ vững niềm tin nơi Ngài dù có phải chết. Có như vậy, chúng ta mới có thể vào Nước Trời.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết học nơi thánh Stêphanô, sẵn sàng làm chứng cho Chúa, để chúng con có thể đón nhận niềm vui trên Thiên Quốc mà Ngài đã hứa ban. Amen.


BỀN CHÍ ĐẾN CÙNG (Lm. GB. Nguyễn Hữu Duy, SVD)

 

Bài trướcLời Chúa + Bài giảng (25/12, LỄ CHÚA GIÁNG SINH – LỄ RẠNG ĐÔNG)
Bài tiếp theoLỜI SỐNG (27/12, Thánh Gioan Tông đồ)