Lời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật 15 Thường Niên – Năm B

0
703

Bài Ðọc I: Am 7, 12-15

“Hãy đi nói tiên tri cho dân Ta”.

Trích sách Tiên tri Amos.

Trong những ngày ấy, Amasia (vị tư tế ở Bêthel) nói cùng Amos rằng: “Hỡi tiên tri, người hãy trốn sang đất Giuđa, sinh sống và nói tiên tri ở đó. Chớ tiếp tục nói tiên tri ở Bêthel, vì đó là thánh điện của vua và là đền thờ của vương quốc”. Amos trả lời cùng Amasia rằng: “Tôi không phải là tiên tri, cũng không phải là con của tiên tri, nhưng là đứa chăn bò (và chuyên) đi hái trái sung. Khi tôi đang đi theo đàn chiên, thì Chúa dẫn tôi đi và nói cùng tôi rằng: “Ngươi hãy đi nói tiên tri cho dân Israel của Ta”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 84, 9ab -10. 11-12. 13-14

Ðáp: Lạy Chúa, xin tỏ lòng từ bi Chúa cho chúng con, và ban ơn cứu rỗi cho chúng con (c. 8).

Xướng: 1) Tôi sẽ nghe Chúa là Thiên Chúa của tôi phán bảo điều chi? Chắc hẳn Người sẽ phán bảo về sự bình an. Vâng, ơn cứu độ Chúa gần đến cho những ai tôn sợ Chúa, để vinh quang Chúa ngự trị trong đất nước chúng tôi. – Ðáp.

2) Lòng nhân hậu và trung thành gặp gỡ nhau, đức công minh và sự bình an hôn nhau âu yếm. Tự mặt đất, đức trung thành sẽ nở ra, và đức công minh tự trời nhìn xuống. – Ðáp.

3) Vâng, Chúa sẽ ban cho mọi điều thiện hảo, và đất nước chúng tôi sẽ sinh bông trái, đức công minh sẽ đi trước thiên nhan Chúa, và ơn cứu độ theo sau lốt bước của Người. – Ðáp.

Bài Ðọc II: Ep 1, 3-10 {hoặc 3-14}

“Ngài đã chọn chúng ta trong Người trước khi tạo dựng thế gian”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Êphêxô.

Chúc tụng Thiên Chúa là Cha Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, Ðấng đã chúc lành cho chúng ta bằng mọi phúc lành thiêng liêng trên trời, trong Ðức Kitô. Như Ngài đã chọn chúng ta trong Người trước khi tạo dựng thế gian, để chúng ta được nên thánh thiện và tinh tuyền trước mặt Ngài trong tình yêu thương.

Chiếu theo thánh ý Ngài, Ngài đã tiền định cho ta được phúc làm con nhờ Ðức Giêsu Kitô, để chúng ta ca tụng vinh quang ân sủng của Ngài mà Ngài đã ban cho chúng ta được ơn cứu chuộc nhờ máu Người, được ơn tha tội theo sự phong phú của ân sủng Ngài. Ân sủng này, Ngài đã đổ tràn đầy trên chúng ta với tất cả sự khôn ngoan thượng trí, khiến chúng ta được biết mầu nhiệm ý định của Ngài, theo ý Ngài đã định về Người, để kiện toàn trong thời gian viên mãn, là thâu hồi vạn vật trên trời dưới đất trong Ðức Kitô.

{Cũng trong Người mà chúng tôi được kêu gọi làm thừa tự, được tiền định theo ý định của Ngài là Ðấng tác thành mọi sự theo thánh ý Ngài, để chúng tôi trở thành lời ca vinh quang của Ngài, chúng tôi là những kẻ trông cậy vào Ðức Kitô. Trong Người, cả anh em nữa, sau khi anh em đã nghe lời chân thật là Tin Mừng cứu rỗi anh em, anh em đã tin và được ghi dấu Thánh Thần, như đã hứa. Người là bảo chứng phần gia nghiệp của chúng ta, để chúng ta được ơn cứu chuộc, và được ca ngợi vinh quang Ngài.}

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 1, 14 và 12b

Alleluia, alleluia! – Ngôi Lời đã làm người và đã ở giữa chúng ta. Những ai tiếp rước Người, thì Người ban cho họ quyền làm con Thiên Chúa. – Alleluia.

Phúc Âm: Mc 6, 7-13

“Người bắt đầu sai các ông đi”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu gọi mười hai tông đồ và sai từng hai người đi, Người ban cho các ông có quyền trên các thần ô uế. Và Người truyền các ông đi đường, đừng mang gì, ngoài cây gậy, không mang bị mang bánh, không mang tiền trong túi, nhưng chân đi dép, và đừng mặc hai áo. Người lại bảo: “Ðến đâu, các con vào nhà nào, thì ở lại đó cho đến khi ra đi. Ai không đón tiếp các con, cũng không nghe lời các con, thì hãy ra khỏi đó, phủi bụi chân để làm chứng tố cáo họ”. Các ông ra đi rao giảng sự thống hối. Các ông trừ nhiều quỷ, xức dầu chữa lành nhiều bệnh nhân.

Ðó là lời Chúa.

Bài Giảng chủ đề:

NGƯỜI HOÁN CẢI THÀNH NGƯỜI RAO GIẢNG (Lm. Giuse Phạm Duy Thạch, SVD)

Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, là Đấng Kitô. Người cũng là Lời từ cung lòng Chúa cha, là sứ giả của Chúa Cha để mang thông điệp cho nhân loại vào thời sau hết: “Nhưng vào thời cuối cùng của những ngày này, Ngài đã nói với chúng ta trong Con của Ngài, Đấng mà Ngài đã đặt quyền thừa kế mọi sự, và Đấng mà qua đó Ngài đã tạo thành thế giới” (Dt 1,2). Thế nhưng Đức Giêsu không làm sứ vụ rao giảng Tin Mừng một mình, như Người đã nói: “Như Chúa Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em” (Ga 20,21). Muốn có những người để sai đi thì Đức Giêsu phải chọn, gọi, và đào tạo. Thật vậy, ngay sau khi Đức Giêsu khai mạc sứ vụ rao giảng với thông điệp nòng cốt: “Thời kỳ đã tròn đầy, Triều đại của Thiên Chúa đã đến gần. Anh chị em hãy hoán cải và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,14-15), Đức Giêsu đã chọn gọi bốn môn đệ đầu tiên. Đó là hai cặp anh em: Căp anh em Phêrô và Anrê; và cặp anh em Giacôbê và Gioan. Họ đã bỏ mọi sự đề theo Đức Giêsu rày đây mai đó rao giảng Tin Mừng. Động từ “μετανοέω” (mêtanoieô) (thường được dịch là sám hối) trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là thay đổi tận căn từ trí, lòng, tinh thần, thể xác, suy nghĩ, hành động theo chương trình và ý muốn của Chúa. Bốn môn đệ này chính là những người đầu tiên đã “hoán cải”, thay đổi hướng đi của cuộc đời mình để đi theo Chúa. Họ là những người có nghề nghiệp đàng hoàng; có gia đình đầm ấm; có cuộc sống ổn định và thậm chí có thể là giàu có nữa. Các nhà khảo cổ học đương đại đã tìm ra trên cổ thành Caphácnaum một nền móng của đền thờ hình bát giác được cho là xây trên nền nhà của ông Phêrô. Họ đoán rằng Phêrô, Anrê cũng như Giacôbê và Gioan là những người ngư phủ nhưng không phải là những người chật vật kiếm sống qua ngày. Rất có thể họ là những chủ tàu đánh cá, có công nghệ khai thác, kinh doanh và chế biến cá nữa. Gia đình ông Dêbêđê có cả những “người làm công” (Mc 1,20). Nói như thế để thấy rằng thân phận và địa vị của những người Chúa chọn gọi không phải nghèo nàn, thất học, tầm thường như thường được thi vị hóa xưa nay. Phêrô chắc hẵn là một nhân vật có đia vị và uy tín thì mới mong làm lãnh đạo Nhóm Mười Hai được. Tiếp theo sau đó, Đức Giêsu gọi Lêvi ngay trên bàn thu thuế. Đây rõ ràng là một người có học thức và có địa vị xã hội, tiền của có thừa. Nhìn cách Mátthêu cấu trúc Tin Mừng thứ nhất đủ thấy trình độ của ông ở mức một nhà văn chứ chẳng chơi. [1] Sau khi tuyển chọn những môn đệ riêng lẻ, Đức Giêsu bắt đầu lập Nhóm Mười Hai. Mục đích của việc lập nhóm này là “để họ ở với Người và để Người sai họ đi rao giảng với quyền trừ quỷ” (Mc 3,4-5).

Sau một khoảng thời gian họ ở với Người, nghe những bài giảng của Người, chứng kiến Người làm nhiều phép lạ đủ thứ loại, họ bắt đầu được sai đi rao giảng. Sự kiện sai đi được ghi lại trong Mc 6,6b-13. Đức Giêsu gọi nhóm Mười Hai đến và sai họ đi. Cách thức sai đi mà Đức Giêsu áp dụng là “từng hai người một”. Cách thức này trước tiên cho thấy tính cộng đoàn, sự tương trợ, nâng đỡ, bổ khuyết cho nhau trên đường sứ vụ. Kế đến, cách thức này đảm bảo cho tính hiệu lực theo pháp lý của một chứng cứ mà Cựu Ước đã nói đến (Đnl 19,15; Ds 35,30). [2]

Đức Giêsu trao cho các ông quyền trên thần ô uế để các ông có thể trừ nhiều quỷ như Người đã làm. Đó là cuộc chiến giữa giai dẳng Xatan và sứ giả của Thiên Chúa, khởi đi từ cơn cám dỗ trong cơn địa đàng và Ông Bà nguyên tổ đã sa ngã.

Đức Giêsu đã chiến thắng Xatan trong sa mạc. Các môn đệ của Người cũng phải chiến thắng và trục xuất quỷ ra khỏi những người bị chúng ám. Chỉ thị khắt khe với nhiều chữ “không”: không mang theo gì, không mang bánh mì, không mang bao bị, không mang tiền dắt lưng cho thấy nhiều điều trong hành trình của Người môn đệ. Thứ nhất, họ phải bảo đảm được một lối sống thanh thoát khỏi những bận rộn lo lắng cơm, áo, gạo, tiền để toàn tâm toàn ý cho sứ vụ. Một đời sống không “lo cho mạng sống lấy gì mà ăn, không bận tâm cho thân thể lấy già mà mặc” (Mt 6,25; Lc 12,22) là khuôn mẫu mà Đức Giêsu đã dạy các môn đệ và những ai tin vào Người. Kế đến, “không mang theo gì” là một thái độ dám phó thác tin tưởng vào sự quan phòng, chăm nom của Chúa dành cho sứ giả Tin Mừng. Chúa không để cho những sứ giả của Người phải thiếu thốn điều gì. Cuối cùng, mệnh lệnh giản lược hành trang cách khắt khe cũng biểu lộ một đời sống hòa nhập, tin tưởng vào lòng hiếu khách của dân bản địa. Họ được mời gọi “ăn những thứ mà người ta dọn cho” (Lc 10,8)) không đòi hỏi, không kỳ thị, chê bai đặc sản địa phương. Các sứ giả Tin Mừng được phép mang theo gậy và dép quai hậu. Đây là hai phương tiện cần thiết tối thiểu cho một cuộc hành trình trong vùng đất sa mạc Ít-ra-el. Gậy để chống đỡ khi đi qua những nơi trơn trượt, gồ ghề, dốc đá. Đây cũng là dụng cụ hữu ích cho khách bộ hành khi gặp thú dữ hoặc kẻ cướp. Dép quai hậu sẽ bảo vệ cho đôi chân trên những đoạn đường sỏi đá, gai góc. Các vị được khuyên “ở lại” một nhà cho đến lúc ra đi. Đó là khoảng thời gian đủ để cho họ làm dậy men Tin Mừng cũng như Đức Giêsu đã từng ở lại nhà Gia kêu hay ở vùng Samari. “Ở lại một nơi” cũng giúp cho các môn đệ thoát khỏi được cám dỗ tìm nơi thuận tiện, tiện nghi nhất cho mình, trái lại với những đòi hỏi giảm thiểu hành trang như đã nói trên. Muốn lập một cộng đoàn địa phương thì cũng cần thời gian “ở lại một nơi” như thế.

Sự chối từ, không đón tiếp và không muốn nghe sứ giả Tin Mừng là những điều không thể tránh khỏi. Những khi ấy, vị sứ giả được khuyên là “giũ bụi chân lại” nhằm “làm bằng chứng tố cáo” họ. Hành động này không nên hiểu như là một sự loại trừ và kết án chung cuộc những người chưa đón nhận Tin Mừng. Tốt hơn, nên hiểu nó như là một cảnh báo, cảnh tỉnh, nhắc nhở rõ ràng, dứt khoát để những người này có thể thức tỉnh vào một lúc nào đó trong cuộc đời mình.

Sau khi nghe lời căn dặn của Đức Giêsu, các Tông đồ đã ra đi rao giảng. Mục đích của lời rao giảng của họ là “để người ta có thể hoán cải”. “Hoán cải” là lời mời gọi của Gioan Tẩy Giả, sứ giả của Đức Giêsu. Nó cũng là lời mời gọi nòng cốt của Đức Giêsu và rồi, của chính các môn đệ. Hơn ai hết các Tông Đồ, đặc biệt là bốn môn đệ đầu tiên và Mátthêu, là những chứng nhân sống động cho cuộc “hoán cải” thay đổi đời sống cách ngoạn mục. Các phép lạ trừ quỷ là hiệu quả của năng lực “quyền trên các thần ô uế” mà Đức Giêsu đã trao ban. Việc xức dầu và chữa lành các bệnh nhân cũng là tiếp nối sứ vụ chữa lành của Đức Giêsu trong suốt sứ vụ trần thế của Người.

Sứ vụ của các Tông Đồ dĩ nhiên không phải là sứ vụ độc quyền. Đó là sứ vụ chung cho tất cả những người tin vào Đức Giêsu. Tất cả các tín hữu đều được mời gọi “hoán cải” triệt để như các Tông Đồ để rồi cũng trở thành những chứng nhân sống động, mạnh dạn mời gọi người ta hoán cải theo tin thần của Tin Mừng. Những phép lạ trừ quỷ hoặc chữa lành bệnh nhân, theo nghĩa đen, không phải tín hữu nào cũng có thể làm được, bởi phần đa họ chưa đạt được sự thánh thiện và đức tin như các thánh. Tuy nhiên, điều mà tất cả các tín hữu có thể làm được là xoa dịu những vết thương thể xác và tinh thần cho những bệnh nhân qua những sáng kiến hành động cụ thể. Họ có thể trục xuất quỷ ra khỏi mình và người khác bằng cách sống và cổ võ lối sống thánh thiện và yêu thương mọi lúc, mọi nọi trong cuộc đời mình.

Chú thích____________

1 Cấu trúc Tin Mừng của Mát-thêu gồm 5 bài giảng: Bài Giảng trên núi (5 – 7); Bài giảng về sứ vụ (10); Bài giảng về dụ ngôn (13); Bài giảng về Giáo hội (18); Bài giảng về cánh chung (24 – 25). Xen vào mỗi Bài giảng là những trình thuật kể chuyện.

2 “trong mỗi trường hợp đánh chết người, người ta sẽ dựa vào lời khai của chứng nhân mà xử tử kẻ sát nhân. Tuy nhiên, lời khai của một chứng nhân duy nhất sẽ không làm cho ai bị kết án tử hình” (Ds 35,30); “Một nhân chứng duy nhất không thể đứng lên buộc tội một người về bất cứ tội lỗi nào về bất cứ lỗi nào người ấy phạm, phải căn cứ vào lời của hai nhân chứng hay căn cứ vào lời của ban nhân chứng, sự việc mới được cứu xét” (Đnl 19,15)


 

ĐI!  (Tu sĩ G. B. Đinh Dương Minh Quân, SVD)

Cuộc sống con người, trong tiến trình thành toàn, được hiện thực hóa như là những chuyến đi. Trước hết, từ việc đi ra khỏi lòng mẹ, con người cất tiếng khóc chào đời. Con người học hỏi và trưởng thành trong cuộc sống từ hành trình đi vào xã hội. Con người lãnh nhận thiên chức là chồng, là vợ bằng cách đi vào đời sống hôn nhân gia đình. Và kết thúc cuộc đời là đi vào lòng đất mẹ. Vì thế, con người, tự bản chất, là ĐI. Tuy vậy, con người vẫn luôn đau đáu về kiếp người của mình, vẫn luôn khắc khoải tìm kiếm đường đi cho bản thân để cuộc đời trở nên có ý nghĩa hơn.

Với cái nhìn như trên, chính sự dính dự của Thiên Chúa, trong phần phụng vụ Lời Chúa của Chúa Nhật hôm nay, đã làm cho cuộc đời của con người thêm ý nghĩa và giá trị. Thiên Chúa đã đẩy con người ĐI đến với tha nhân và từ tha nhân ĐI vào sự hiện diện với Ngài.

Hãy Đi Tuyên Sấm…

Trước hết, mở đầu của phụng vụ Lời Chúa hôm nay là hình ảnh của ngôn sứ Amốt[1]. Trình thuật trong bài đọc một mô tả lại cuộc gặp gỡ giữa ngôn sứ Amốt và Amátgia (tư tế đền thờ Bết-ên). Nhưng cuộc gặp gỡ này chẳng mấy gì là tốt đẹp và hòa thuận. Tư tế Amátgia đã không tiếc lời và “tống cổ” ngôn sứ Amốt đi, “Này thầy chiêm ơi, mau chạy về đất Giuđa, về đó mà kiếm ăn, về đó mà tuyên sấm…” (Am 7,12-13). Bởi lẽ đối với Amátgia, ngôn sứ Amốt là “kỳ đà cản mũi” cho những công việc của ông tại đất nước Ítraen miền Bắc.

Tuy nhiên, với câu trả lời, ngôn sứ Amốt đã tỏ lộ con đường ĐI của mình. “Tôi chỉ là người chăn nuôi súc vật và chăm sóc cây sung. Chính ĐỨC CHÚA đã bắt lấy tôi khi tôi đi theo sau đàn vật, và ĐỨC CHÚA đã truyền cho tôi: “Hãy đi tuyên sấm cho Ítraen dân Ta” (Am 7,14). Amốt là người được Thiên Chúa chọn gọi và sai đi, khi ông chăn chiên, Chúa túm lấy ông, Chúa lôi ông đi. Từ đây, chúng ta có thể nhận thấy rằng, một con người bình thường, cũng ĐI cách rất bình thường, nhưng chính sự mời gọi và sai đi của Thiên Chúa đã biến Amốt thành một con người của sự công chính và sống một đời sống tràn đầy ý nghĩa.

Đồng thời, Thánh Phaolô – con người thành Tarsô, một thầy biệt phái đầy nhiệt thành – cũng giống như ngôn sứ Amốt, được chính Thiên Chúa tuyển chọn và mời gọi đi ra với dân ngoại.

…Đi, Hiểu Biết Và Lãnh Nhận…

Phụng vụ Lời Chúa của Chúa Nhật hôm nay được tiếp nối với bài đọc hai được trích trong thư của thánh Phaolô gửi các tín hữu của giáo đoàn Êphêsô. Trích đoạn Ep 1,3-14 là một bài Thánh Thi trang trọng trình bày kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa dành cho con người. Trong đó, mầu nhiệm Ba Ngôi được thánh Phaolô trình bày cách tỏ tường với ý nghĩa: Chúa Cha chọn gọi chúng ta trong tình yêu cứu độ của Chúa Con, và ban Thánh Thần để thánh hóa và sai đi.

Qua đó, thánh Phaolô đã khắc họa rõ nét một Thiên Chúa, Đấng Yêu Thương, và yêu thương con người cho đến tận cùng. Chính Thiên Chúa đã đến và mời gọi con người sống cách đầy niềm vui và ý nghĩa. Con người được đẩy ĐI ra đến với người khác, qua đó, con người trở nên hiểu biết và lãnh nhận sự sống mới nơi Đức Kitô.

…Người Gọi…Và Bắt Đầu Sai Đi…

Trung tâm của phụng vụ Lời Chúa hôm nay là diễn từ Đức Giêsu sai nhóm 12 đi rao giảng (Mc 6,7-13). Khởi đi từ việc mời gọi, tuyển chọn và ban quyền năng, Đức Giêsu đã mở ra cho các môn đệ một sứ vụ mới, một hướng ĐI mới. Đi để rao giảng về tình yêu của Thiên Chúa dành con người, và qua đó, làm cho cuộc sống của tha nhân thêm vui mừng, phấn khởi và tràn đầy hy vọng. Chính qua những công việc này, các môn đệ trở nên vui mừng vì thấy cuộc sống bản thân trở nên tràn đầy ý nghĩa (tẩy trừ tội lỗi, chữa lành người bệnh tật), nhận ra sự hiện diện đầy quyền năng và giàu lòng xót thương của Thiên Chúa.

Tuy nhiên, để có thể ra ĐI, các môn đệ được mời gọi từ bỏ. “Người chỉ thị cho các ông không được mang gì đi đường, chỉ trừ cây gậy; không được mang lương thực, bao bị, tiền đồng để giắt lưng; được đi dép, nhưng không được mặc hai áo” (cc. 8-9). Đối với người Do Thái, những chuyến đi luôn phải có sự chuẩn bị. Bởi lẽ với địa hình sa mạc, thời tiết nắng nóng và nhiều hiểm trở, thì những phương tiện cần thiết như quần áo, bao bị, thức ăn và tiền bạc là điều cần thiết và không thể thiếu. Nhưng việc Đức Giêsu yêu cầu các môn đệ phải từ bỏ những phương tiện thiết yếu này ngụ ý rằng, sứ vụ ra đi này cao trọng hơn tất cả mọi thứ khác trong cuộc sống, và rất cấp bách.

Chính vì thế, phần phụng vụ Lời Chúa của Chúa Nhật hôm nay đẩy chúng ta đến cách nhìn về ý nghĩa thực sự của cuộc đời. Cuộc sống trần thế này là những chuyến đi, nhưng chúng ta phải đi như thế nào để cuộc sống trở nên ý nghĩa và mang niềm vui, sự hy vọng đến với mọi người.

…ĐI Vào Hiện Thực…Hướng ĐI Tương Lai

Tuy nhiên, để sống tràn đầy và nhận biết Thiên Chúa, Đấng Vô Hình, nhưng thực sự Hữu Hình nơi trần thế này, thật sự quá khó khăn đối với con người. Bởi lẽ, trong thực tế cuộc sống, theo một cách thức nào đó, giá trị của niềm vui Tin Mừng không được đón nhận bởi tất cả mọi người. Con người chúng ta vẫn thích ĐI theo những trào lưu của thế giới, ĐI theo những giá trị của tiền tài, địa vị, danh vọng, … mà xã hội mặc định là có thể giúp ta sống hạnh phúc và bình an. Thậm chí, con người còn tôn vinh những giá trị này như là kim chỉ nam của đời sống, và hướng tất cả những ai, đang đau đáu kiếm tìm cho mình một con đường ĐI riêng, phải chấp nhận và thực hành nó như là một lối sống cao quí và đích thực.

Cách riêng nơi chúng ta, những người đang sống đời thánh hiến. Chúng ta đôi khi cũng ĐI, đi để kiếm tìm những lợi ích riêng cho bản thân, hay để tôn vinh chính mình. Cuộc sống người môn đệ – trong cách thức này – đã, đang và sẽ gạt bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc đời mình. Và rồi chúng ta sẽ không còn “lửa” của sự vui mừng nữa, và thay vào đó, những mặt trái của con người sẽ xâm chiếm tâm hồn chúng ta. Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói: “Tôi ước mong rằng giữa chúng ta không có những khuôn mặt buồn rầu, những con người bực bội bất mãn, bởi vì ai buồn bã đi theo Chúa thì việc đi theo Chúa đáng buồn.”[2]

Lạy Chúa Giêsu Kitô, chúng con là Kitô hữu, là những người được Chúa mời gọi, được thánh hiến và sai đi thi hành sứ vụ của Người. Xin Chúa ban Thánh Thần, để Ngài thánh hóa, hướng dẫn, nâng đỡ và giúp chúng con luôn nhận ra con đường ĐI đích thực của đời mình. Từ đó chúng con trở nên vui mừng, và thông truyền niềm vui này cho tha nhân. Amen.

___________________

Chú thích:

[1] Ngôn sứ Amốt ở miền Nam Giuđê nhưng đi rao giảng ở miền Bắc Ítraen. Ông là người đương thời với hai Ngôn Sứ Hôsê và Isaia, hoạt động vào khoảng năm 750 TCN, thời vua Giêrôbôam II. Ông Amốt qua đời năm 745 TCN.

[2] Tông Thư Gửi Tất Cả Các Người Tận Hiến Nhân Dịp Năm Đời Sống Thánh Hiến, 2014.


 

THI HÀNH SỨ VỤ CỦA CHÚA (Lm. Giuse Trần Quang Chinh, SVD)

      Mỗi người chúng ta khi lãnh nhận bí tích Rửa Tội là chúng ta đã mang trên mình sứ vụ mà Chúa Giêsu đã trao ban cho chúng ta, đó là sứ vụ truyền giáo. Ngày xưa khi Chúa Giêsu bắt đầu sứ vụ, Người đã chọn các môn đệ đến ở với Người và được sai đi làm sứ vụ. Trong tinh thần này, phần mở Hiến pháp Dòng Ngôi Lời đã xác quyết: “Cuộc sống của Người là cuộc sống của chúng ta, sứ vụ của Người là sứ vụ của chúng ta”. Đó là mục tiêu mà phụng vụ Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi người chúng ta, là những tông đồ của Đức Giêsu, được cộng tác với Người, để mở rộng vương quốc tình yêu mà Đức Giêsu đã dạy, đã làm. Muốn được như vậy thì chúng ta phải:

      Hiểu Lời Chúa hôm nay muốn nói với chúng ta điều gì?

      Chúng ta thi hành sứ vụ của Chúa như thế nào?

  1. Hiểu Lời Chúa hôm nay muốn nói với chúng ta điều gì?

      Tin Mừng thánh Máccô hôm nay thuật lại cho chúng ta biết việc Chúa Giêsu đã chọn mười hai Tông Đồ, mục đích là để các ông ở với Ngài, được huấn luyện và sai đi rao giảng Tin Mừng. Chúa Giêsu sai mười hai Tông Đồ đi rao giảng trước hết là cho dân Ítraen, sau là cho toàn thể thế giới. Người đã ban cho các ông những quyền năng như trừ quỷ, xức dầu chữa bệnh… Chúa Giêsu sai từng hai người một như có ý nhắc các ông hãy làm chứng với tính cách cộng đoàn, chứ đừng mang tính cá nhân. Vì chứng tá của hai người hay một nhóm người thì cao hơn là một người làm riêng rẽ.

      Nhóm Mười Hai nhận chỉ thị mang hành trang sứ vụ một cách rất đơn sơ, với thái độ không gắn bó với với của cải vật chất hay những gì không hoàn toàn cần thiết cho sứ vụ rao giảng. Ra ra đi với hành trang đơn sơ như vậy đòi buộc các môn đệ phải đặt trọn niềm tin vào Thiên Chúa và những người Chúa gởi đến cho mình. Vì theo phong tục Phương Đông, việc ân cần tiếp đãi khách lạ được xem như là bổn phận thiêng liêng. Và chắc chắn người thời ấy đã tiếp đón các môn đệ như vậy.[1] Chúa Giêsu đã trao cho các ông quyền trừ quỷ, chữa bệnh và khuyên bảo người ta ăn năn sám hối để đón nhận triều đại Thiên Chúa. Sứ mạng rao giảng đòi hỏi các môn đệ phải hiến thân, dứt khoát để theo Đức Giêsu, phải sống nghèo, trưởng thành và can đảm để làm chứng cho đức tin.

      Trong bài đọc I mà chúng ta vừa nghe, khi gọi Amốt, Chúa đã nói với ông: “Hãy đi tuyên sấm cho Ítraen dân Ta” (Am 7,15). Dù bị buộc phải rời khỏi Ítraen, nhưng ngôn sứ Amốt vẫn cương quyết chống lại, vì ông đã nhận được lệnh là phải rao giảng, dù người ta không ưa lời rao giảng của ông. Ông đã can đảm làm chứng cho đức tin của mình và luôn trung thành với thánh ý của Thiên Chúa.

  1. Chúng ta thi hành sứ vụ của Chúa như thế nào?

      Đối với mỗi người chúng ta ngày hôm nay thì sao? Khi chúng ta lãnh nhận bí tích Rửa Tội là chúng ta đã mang trên mình sứ vụ loan báo Tin Mừng của Chúa đến cho mọi người. Nhưng chúng ta đã thi hành sứ vụ đó như thế nào? Vì từ đời đời Thiên Chúa đã muốn cho tất cả chúng ta thành con cái của Ngài, và giao cho Con Một của Ngài thực hiện quyết định lạ lùng đó. Thánh Phaolô đã bày tỏ chương trình của Thiên Chúa trong thư gởi tin hữu Êphêxô mà chúng ta vừa nghe đọc trong bài đọc 2. Mục đích của việc loan báo Tin Mừng, chính là giới thiệu đức tin, tình yêu và niềm trông cậy của chúng ta vào Thiên Chúa Ba Ngôi, Đấng tạo dựng, yêu thương và cứu độ chúng ta.

      Nhìn vào lịch sử cứu độ, Thiên Chúa chọn gọi mỗi người theo một cách thức và thời điểm khác nhau và với những công việc khác nhau. Chính Đức Giêsu đã chọn Nhóm Mười Hai để trao cho các ông sứ vụ mà Người đã lãnh nhận từ Chúa Cha (Ga 20,21). Đồng thời, Người cũng muốn những người được chọn, gọi hãy luôn có một thái độ tin tưởng và tín thác vào Thiên Chúa (Ga 14,1).

      Mỗi người chúng ta không thể làm cho người khác trở thành môn đệ của Đức Kitô mà bản thân của mình không tín thác cậy trông vào Đức Kitô. Mà để tín thác cậy trông vào Chúa đòi hỏi người môn đệ phải cố gắng sống đời sống cầu nguyện, tu luyện mỗi ngày và lớn lên dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, như các Tông Đồ xưa kia: “Họ cầu nguyện xong, thì nơi họ họp nhau rung chuyển; ai nấy đều được đầy Thánh Thần và mạnh dạn nói lời Thiên Chúa” (Cv 4, 31). Qua sự tín thác, cầu nguyện, chúng ta mới có kinh nghiệm về Chúa. Vì có kinh nghiệm về Chúa, chúng ta mới nói về Chúa cho người khác. Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã nói: “Con người thời đại ngày nay cần nghe những chứng nhân hơn những thầy dạy”.

      Nguồn gốc của sứ vụ không phải khởi nguồn từ Giáo Hội mà là bắt nguồn từ Ba Ngôi Thiên Chúa. Để thi hành sứ vụ một cách hiệu quả, mỗi một người, mỗi gia đình, mỗi cộng đoàn cần phải có đời sống nội tâm, hoán cải, hiệp thông với Thiên Chúa Ba Ngôi. Phải nên giống Đức Kitô trong tư tưởng, lời nói và việc làm. Như Chúa Cha đã sai Đức Kitô, Chúa Kitô cũng sai chúng ta, vừa để tiếp nối sứ mạng của Chúa, vừa cho người khác nhận ra sứ mạng của Chúa. Truyền giáo không phải ý muốn nhất thời của mỗi người chúng ta, nhưng đó là quà tặng, ân ban của Thiên Chúa đối với mỗi người. Công việc của chúng ta là cảm nghiệm được Tin Mừng của Chúa và chia sẻ Tin Mừng đó cho người khác. Chúng ta chỉ có thể tiếp nối sứ mạng của Đức Kitô khi chúng ta kinh nghiệm về Chúa, yêu Chúa qua sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.

      Ước gì phụng vụ Lời Chúa hôm nay giúp mỗi người chúng ta ý thức hơn về sứ vụ của mình. Có ý thức được sứ vụ của mình, chúng ta mới biết cách Phúc Âm hóa gia đình mình, nỗ lực thi hành sứ vụ rao truyền Tin Mừng ngay từ trong gia đình mình. Sống kết hiệp với Ba Ngôi trong tình con thảo, sống tình huynh đệ trong gia đình cũng như với những người chung quanh chúng ta. Xin cho mỗi người trong chúng ta biết cộng tác với nhau để tìm mọi cách Phúc Âm hóa những người và môi trường nơi chúng ta đang sống.

[1] Hoàng Đắc Ánh, Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô Theo Thánh Mác-cô, Mai Khôi, 2011. tr. 102.

Bài trướcLỜI SỐNG (Chúa Nhật Tuần 15 TN)
Bài tiếp theoTổng Tu Nghị XIX của Dòng Ngôi Lời (16/06 – 14/07/2024)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.