Thường Niên – Tuần XV – Năm B

0
339

Chúa Nhật – Ngày 15 – Tháng 7

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XV

(Không cử hành lễ Thánh Bônaventura, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh.)

Bài đọc 1 : Am 7,12-15

Bài đọc 2 : Ep 1,3-14

Tin Mừng : Mc 6,7-13

Khi ấy, Chúa Giêsu gọi mười hai tông đồ và sai từng hai người đi, Người ban cho các ông có quyền trên các thần ô uế. Và Người truyền các ông đi đường, đừng mang gì, ngoài cây gậy, không mang bị mang bánh, không mang tiền trong túi, nhưng chân đi dép, và đừng mặc hai áo. Người lại bảo: “Ðến đâu, các con vào nhà nào, thì ở lại đó cho đến khi ra đi. Ai không đón tiếp các con, cũng không nghe lời các con, thì hãy ra khỏi đó, phủi bụi chân để làm chứng tố cáo họ”. Các ông ra đi rao giảng sự thống hối. Các ông trừ nhiều quỷ, xức dầu chữa lành nhiều bệnh nhân.

CÙNG ĐI VÀ Ở LẠI

Chúa Giêsu gọi các môn đệ và sai các ông “từng hai người” đi thực hiện sứ mạng mà Người trao phó. Đồng thời, Người cũng căn dặn các ông “đến đâu, vào nhà nào, thì ở lại đó cho đến khi ra đi”. Ra đi với tinh thần đoàn kết, nâng đỡ lẫn nhau; ra đi và ở lại nơi mình được gởi tới là những chỉ thị quan trọng của Chúa Giêsu cho các môn đệ mọi nơi, mọi thời.

Trước hết, Chúa Giêsu sai “từng hai người” là để lời chứng của các ông có tính thuyết phục hơn; đồng thời “hai người” có thể chia sẻ và nâng đỡ nhau trong sứ vụ, nhất là những lúc gặp khó khăn, thử thách. Hơn nữa, sự hiện diện và cầu nguyện của “hai người” còn là sự bảo đảm chắc chắn có Chúa cùng ở giữa họ (x. Mt 18,20). Tuy vậy, ở đâu có “hai người” ở đó cũng dễ xảy ra xung đột, bất hòa, nhưng không vì thế mà cộng đoàn “hai người” mất đi ý nghĩa; đơn giản vì đó là ý định của Thiên Chúa.

Sau nữa, Chúa Giêsu cũng căn dặn các môn đệ hãy ở lại nơi họ được sai đến cho đến khi ra đi, nghĩa là họ cần ở lại đủ lâu để có thể hiểu, hội nhập, thích nghi với hoàn cảnh mới. Các môn đệ không thể cảm hóa được những người họ phục vụ; cũng như không thể học hỏi được từ những người họ gặp gỡ nếu các ông đến và đi trong vội vàng. Vì thế, các môn đệ cần ở lại đủ lâu để hạt giống Tin Mừng mà các ông mang theo có đủ thời gian mọc lên và lớn mạnh.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con học sống và làm việc cùng nhau trên cánh đồng truyền giáo; và xin cho chúng con kiên nhẫn ở lại nơi chúng con được gởi tới, ở lại đủ lâu để hạt giống Tin Mừng có thời gian đâm rễ và sinh hoa trái. Amen.

Lm. Gioan Baotixita Nguyễn Hữu Duy, SVD

 

Thứ Hai- Ngày 16 – Tháng 7

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XV

Bài đọc : Is 1,10-17

Tin Mừng : Mt 10,34 -11,1

Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Anh em đừng tưởng Thầy đến đem bình an cho trái đất; Thầy đến không phải để đem bình an, nhưng để đem gươm giáo. Quả vậy, Thầy đến để gây chia rẽ giữa con trai với cha, giữa con gái với mẹ, giữa con dâu với mẹ chồng. Kẻ thù của mình chính là người nhà. “Ai yêu cha yêu mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai yêu con trai con gái hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai giữ lấy mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được “Ai đón tiếp anh em là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy. “Ai đón tiếp một ngôn sứ, vì người ấy là ngôn sứ, thì sẽ được lãnh phần thưởng dành cho bậc ngôn sứ; ai đón tiếp một người công chính, vì người ấy là người công chính, thì sẽ được lãnh phần thưởng dành cho bậc công chính. “Và ai cho một trong những kẻ bé nhỏ này uống, dù chỉ một chén nước lã thôi, vì kẻ ấy là môn đệ của Thầy, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu.” Ra chỉ thị cho mười hai môn đệ xong, Đức Giêsu rời chỗ đó, đi dạy dỗ và rao giảng trong các thành thị trong miền.

TỪ BỎ MÌNH ĐỂ THEO ĐỨC GIÊSU

Cuộc sống của chúng ta gắn liền với những chọn lựa. Mỗi người chúng ta ít nhiều cũng có lần đứng giữa những sự lựa chọn. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nhấn mạnh đến việc từ bỏ những sự thế gian để theo Đức Kitô chí thánh.

Thiên Chúa ban cho con người một đặc ân vô cùng lớn đó chính là sự tự do. Tuy nhiên, tự do chọn lựa cũng đồng nghĩa với trách nhiệm. Eleanor Roosevelt nói: “Triết lý của một người không được thể hiện tốt nhất bằng ngôn từ; nó được thể hiện trong những lựa chọn của anh ta… và những lựa chọn của chúng ta rốt cuộc chính là trách nhiệm của chúng ta”.

Người môn đệ chọn bước theo Chúa Kitô phải đặt tình yêu Người lên trên mọi mối tương quan gia đình, trên chính mạng sống mình. Đối với một người môn đệ của Chúa Giêsu như tôi, những từ bỏ đó quả thật là một thách đố cho bản thân tôi. Chọn Đức Giêsu là chọn lựa cùng trách nhiệm thực thi ý muốn của Đấng tối cao. Đó là một đòi hỏi quyết liệt và tuyệt đối.

Lạy Chúa Giêsu, để được nên đồng hình đồng dạng với Người, con cần phấn đấu và nỗ lực hết sức mình. Nhưng ôi lạy Chúa, thân con còn mang nặng những sự thế gian, xin Chúa ban thêm cho con sức lực Thần Khí để con quyết thực thi sứ vụ của Ngài đã giao phó.

Tu sĩ Phêrô Kỳ Khắc Chí, SVD

 

Thứ Ba – Ngày 17 – Tháng 7

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XV

Bài đọc : Is 7,1-9

Tin Mừng : Mt 11,20-24

Khi ấy, Đức Giêsu bắt đầu quở trách các thành đã chứng kiến phần lớn các phép lạ Người làm mà không sám hối: “Khốn cho ngươi, hỡi Khoradin! Khốn cho ngươi, hỡi Bếtxaiđa! Vì nếu các phép lạ đã làm nơi các ngươi mà được làm tại Tia và Xiđôn, thì họ đã mặc áo vải thô, rắc tro lên đầu tỏ lòng sám hối. Vì thế, Ta nói cho các ngươi hay: đến ngày phán xét, thành Tia và thành Xiđôn còn được xử khoan hồng hơn các ngươi. Còn ngươi nữa, hỡi Caphácnaum, ngươi tưởng sẽ được nâng lên đến tận trời ư? Ngươi sẽ phải nhào xuống tận âm phủ! Vì nếu các phép lạ đã làm nơi ngươi mà được làm tại Xơđôm, thì thành ấy đã tồn tại cho đến ngày nay. Vì thế, Ta nói cho các ngươi hay: đến ngày phán xét, đất Xơđôm còn được xử khoan hồng hơn các ngươi.”

DẤU LẠ

Nhìn xuyên suốt các Tin Mừng, Chúa Giêsu đã thực hiện rất nhiều phép lạ, và đây cũng là cách mà Chúa Giêsu mạc khải cho chúng ta thấy quyền năng của Ngài. Thế nhưng, trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã tức giận và quở trách các thành Khoradin, Bếtxaiđa và Caphácnaum đã  chứng kiến những dấu lạ mà Người đã làm nhưng lại không tỏ lòng sám hối.

Thật trớ trêu, Khoradin và Bếtxaiđa là hai thành phố có trình độ học vấn cao, lại được chứng kiến nhiều phép lạ Chúa Giêsu làm nhưng dân chúng lại không đón nhận Tin Mừng. Khi được thấy những dấu lạ, đáng lẽ họ phải là những người công chính thì họ lại không tỏ lòng sám hối, sống bê tha, lỗi đạo, và nhất là không đặt niềm hy vọng vào sự sống đời sau mà Thiên Chúa đã hứa ban cho những ai biết tỏ lòng sám hối.

Khi chứng kiến Chúa Giêsu tức giận với dân chúng trong các thành này, chúng ta cũng tự hối về chính bản thân mình trong thời đại ngày hôm nay. Chúa Giêsu đã yêu mến và thiết lập Giáo Hội. Người đã ban chúng ta những phương tiện cần thiết cho ơn cứu rỗi và những con đường để nên thánh. Người cũng đồng hành, hướng dẫn chúng ta vượt qua những phong ba thử thách của cuộc đời. Người đã chỉ cho chúng ta thấy đâu là những lối sống phi nhân, gian ác và tội lỗi qua các sách Tin Mừng. Và nhất là Người đã hiến mạng sống vì tình yêu. Đây là dấu lạ thiết thực nhất của mọi dấu lạ, ơn huệ của mọi ơn huệ. Ước gì chúng ta nhận ra dấu lạ của Chúa và tỏ lòng sám hối, ăn năn về những lỗi lầm của mình hầu tránh xa những tỗi lỗi để được ơn cứu độ.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con nhận biết các dấu lạ của Ngài, tỏ lòng sám hối để được hưởng hạnh phúc mai sau.

Tu sĩ Giuse Huỳnh Ngọc Thiên Ân, SVD

 

Thứ Tư – Ngày 18 – Tháng 7

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XV

Bài đọc : Is 10,5-7.13-16

Tin Mừng : Mt 11,25-27

Khi ấy, Đức Giêsu cất tiếng nói : “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha. “Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết rõ người Con, trừ Chúa Cha; cũng như không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho.”

CHÂN LÝ VĨNH CỬU CHỈ DÀNH CHO NGƯỜI BÉ MỌN

Lời Chúa hôm nay chỉ vỏn vẹn ba câu nhưng chứa đựng một nội dung lớn lao: Chân lý vĩnh cửu chỉ mạc khải cho những người bé mọn.

Nhưng ai là kẻ bé mọn? Dựa trên tiêu chí nào để biết ai là “những kẻ bé mọn”? Quả thực, là phận người, tất cả chúng ta đều mong manh trước thời gian, không gian, vũ trụ và Thiên Chúa. Trở về với chính mình chúng ta thấy mình thật nhỏ bé. Nếu ở bình diện này bình diện kia chúng ta cao cả, chúng ta khôn ngoan thông thái, thì đó chỉ là chúng ta được tham dự vào sự thông minh thượng trí của Thiên Chúa mà thôi. Một khi không ý thức được điều này là chúng ta rơi vào ảo tưởng, rồi tự đặt mình lên vị trí độc tôn mà quên rằng chúng ta được Thiên Chúa dựng nên. Chúng ta tự mãn cho rằng mình “lớn” trước Thiên Chúa, chúng ta say sưa xác lập những giá trị và rồi chiếm đoạt những giá trị do chính chúng ta dựng nên, trong cái thế giới của mình đầy những phiền toái và lọc lừa. Và như thế làm sao chúng ta có cơ may đón nhận những mạc khải của Thiên Chúa? Chúng ta quên rằng chúng ta thực sự là thụ tạo? Thân phận con người chúng ta tự nó là một thụ tạo bé nhỏ, và chúng ta được mời gọi đến với Đức Giêsu dể học làm người và làm “kẻ bé mọn”. Bởi chính Đức Giêsu đã trở nên “người bé mọn” trong mầu nhiệm Nhập Thể và Ngài là khuôn mẫu để chúng ta mặc lấy tâm tình bé mọn trong Thánh Tâm Ngài, tâm tình hiền hậu và khiêm nhường (x. Mt 11, 28-30).

Lạy chúa, xin cho chúng con biết nỗ lực trở nên “người bé mọn” trước mặt Chúa, để có thể nghe lời Chúa và đón nhận được những chân lý mạc khải. Như thế, chúng con sẽ thực sự tìm được ngơi nghỉ và sự bình an sâu thẳm mà phận người chúng con ước mong. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Tất Bính, SVD

 

Thứ Năm – Ngày 19 – Tháng 7

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XV

Bài đọc : Is 26,7-9.12.16-19

Tin Mừng : Mt 11,28-30

Khi ấy, Đức Giêsu cất tiếng nói: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng.”

THỬ THÁCH VÀ NIỀM TIN

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu đã tha thiết mời gọi chúng ta, “những ai đang vất vả mang gánh nặng nề hãy đến cùng tôi.” Ngài kêu mời chúng ta hãy đến và chia sẻ những nỗi khó khăn và thử thách mà mình đang mang lấy.

Thế nhưng, khi có khó khăn, chúng ta thường rất ít chia sẻ với người khác. Chúng ta luôn có khuynh hướng đóng cửa tâm hồn của mình, và gặm nhấm nỗi đau. Hơn thế nữa, nếu những gánh nặng kéo dài, chúng ta dễ trở nên bi lụy, hoang mang, mất hy vọng và lầm lạc, vì kêu cầu hoài mà Chúa không đoái nhìn. Chúng ta từ chối Thiên Chúa vì Ngài không giúp được gì cho mình. Vậy, điều này có đúng không?

Khi xét lại bản thân của mình, tôi cũng đã từng có khoảng thời gian rời xa Thiên Chúa do những khó khăn của bệnh tật. Tôi kêu cầu mà không thấy Chúa giúp. Tôi dần dần xa rời Thiên Chúa. Chỉ cho đến khi, tôi thật sự bình tâm, chia sẻ và tâm sự cùng Chúa, tôi mới nhận ra mình đã sai và bắt đầu đứng dậy mà đi về cùng Chúa.

Khi biết đứng lên mà đi về cùng Chúa, tôi như được tiếp thêm sức mạnh để đối diện với những khó khăn. Thiên Chúa có thể không cất đi những khó khăn mà tôi đang gặp phải, nhưng đồng hành và cho tôi thêm sức mạnh để đủ can đảm đối diện và vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Khi tôi biết trao gánh nặng vào tay Chúa, tôi không còn một mình loay hoay với những khó khăn của mình cách đơn độc và vô vọng, nhưng tôi tìm được sự ủi an, nâng đỡ, đúng như lời Chúa Giêsu đã hứa: “Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng.”

Lạy Chúa, cuộc sống ngày nay luôn tràn ngập những khó khăn và thử thách, trong những lúc ấy, chúng con thường thiếu niềm tin và dễ ngã lòng. Xin Chúa luôn đồng hành, che chở, và bổ sức cho chúng con, hầu chúng con luôn sẵn sàng đứng dậy mỗi khi vấp ngã để bước tiếp cuộc lữ hành đời mình trong an bình vì tin rằng luôn có Chúa ở cùng. Amen. 

Tu sĩ G.B. Đinh Dương Minh Quân, SVD

 

Thứ Sáu – Ngày 20 – Tháng 7

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XV

Bài đọc : Is 38,1-6.21-22.7-8

Tin Mừng : Mt 12,1-8

Khi ấy, vào ngày sabát, Đức Giêsu đi băng qua một cánh đồng lúa; các môn đệ thấy đói và bắt đầu bứt lúa ăn. Người Pharisêu thấy vậy, mới nói với Đức Giêsu: “Ông coi, các môn đệ ông làm điều không được phép làm ngày sabát!” Người đáp: “Các ông chưa đọc trong Sách sao? Ông Đavít đã làm gì, khi ông và thuộc hạ đói bụng? Ông vào nhà Thiên Chúa, và đã cùng thuộc hạ ăn bánh tiến. Thứ bánh này, họ không được phép ăn, chỉ có tư tế mới được ăn mà thôi. Hay các ông chưa đọc trong sách Luật rằng ngày sabát, các tư tế trong Đền Thờ vi phạm luật sabát mà không mắc tội đó sao? Tôi nói cho các ông hay: ở đây còn lớn hơn Đền Thờ nữa. Nếu các ông hiểu được ý nghĩa của câu này: Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế, ắt các ông đã chẳng lên án kẻ vô tội. Quả thế, Con Người làm chủ ngày sabát.”

TINH THẦN CỦA LUẬT

Tuân giữ pháp luật là một điều cần thiết trong thế giới văn minh. Đối với người Do Thái, đặc biệt là giới luật sĩ và nhóm Pharisêu, giữ luật  là điều đầu tiên và tối thượng trong đời sống của họ. Đức Giêsu không phải là người bác bỏ lề luật nhưng Ngài sống và hành động trên cả lề luật nhằm làm cho luật trở thành phương tiện giúp cho con người sống tốt lành hơn.

Đối với những người Pharisêu và luật sĩ, tuân giữ lề luật là không được phép làm sai dù chỉ là một điều nhỏ trong sách luật đã ghi. Điều này cũng dễ hiểu, bởi đối với họ giữ luật đồng nghĩa với giữ cuộc sống của họ, nghĩa là cứ phải giữ thật cẩn thận kẻo bị Thiên Chúa đánh phạt. Tuy nhiên, điều này chỉ đúng được một phần trong việc thi hành luật, bởi giữ luật không chỉ giữ ở trên từng câu chữ, nhưng còn phải hướng đến tinh thần của luật dạy, điều được hoàn thiện nơi Đức Giêsu.

Quả vậy, Đức Giêsu đã phán, một chấm một phết trong lề luật cũng không thay đổi, nghĩa là Ngài cũng giữ luật như người Do Thái. Tuy nhiên, điểm nổi bật trong cách tuân giữ luật của Ngài là tinh thần của luật, nghĩa là luật phải phục vụ cho lợi ích của con người, phải nhắm đến con người là mục tiêu tối thượng.

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết tuân giữ luật trong tình nghĩa huynh đệ, dùng luật để giúp đỡ nhau đạt đến sự sống và sự tự do trưởng thành của con cái Chúa. Amen.

Tu sĩ Phaolô Trần Phúc Chân, SVD

 

Thứ Bảy – Ngày 21 – Tháng 7

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XV

Bài đọc : Mk 2,1-5

Tin Mừng : Mt 12,14-21

Khi ấy, nhóm Pharisêu ra khỏi hội đường, bàn bạc để tìm cách giết Đức Giêsu. Biết vậy, Đức Giêsu lánh khỏi nơi đó. Dân chúng theo Người đông đảo và Người chữa lành hết. Người còn cấm họ không được tiết lộ Người là ai. Như thế là để ứng nghiệm lời ngôn sứ Isaia đã nói: Đây là người Tôi Trung Ta đã tuyển chọn, đây là người Ta yêu dấu: Ta hài lòng về Người. Ta cho Thần Khí Ta ngự trên Người. Người sẽ loan báo công lý trước muôn dân. Người sẽ không cãi vã, không kêu to, chẳng ai nghe thấy Người lên tiếng giữa phố phường. Cây lau bị giập, Người không đành bẻ gãy, tim đèn leo lét, chẳng nỡ tắt đi, cho đến khi Người đưa công lý đến toàn thắng, và muôn dân đặt niềm hy vọng nơi danh Người.

VỊ VUA TÌNH THƯƠNG

Trong chiến tranh, người ta thường có chính sách “phá sạch, giết sạch”. Mục đích là để cho kẻ thù bị xóa sổ và không có khả năng phục hồi để có thể gây nguy hại cho mình trong tương lai. Thế nên những kẻ dù đã sa cơ, thất thế, không có khả năng kháng cự nữa cũng bị giết hết. Đó cũng là một trong những chính sách mà biết bao vị vua của nhiều triều đại trong lịch sử đã áp dụng khi có chiến tranh xảy ra.

Trái ngược với cách hành sử thông thường đó, bài Tin Mừng hôm nay nói đến một vị vua hoàn toàn khác. Dù Người là đấng Mêsia được Thiên Chúa tuyển chọn, với đầy đủ quyền hành, nhưng Người lại đối xử với muôn dân bằng một tình thương bao la. Tình thương đó còn dành cho kẻ thù nữa- những kẻ mà trước đây đã từng làm cho vương quốc Người điêu đứng, tang thương. Nhưng nay họ đã sa cơ, suy yếu. Họ như những cây lau đang bị bầm giập, như những tim đèn chỉ còn leo lét khói. Thế nhưng không vì tình cảnh đó mà Người đành nỡ bẻ gãy những cây lau, hay thổi tắt những ngọn đèn leo lét kia đi.

Hình ảnh về đấng Mêsia mà Cựu Ước đã loan báo đó đã được ứng nghiệm trọn vẹn nơi Đức Giêsu Kitô. Nơi Người, tình yêu của đấng Mêsia đó đã được thể hiện và nên trọn vẹn. Cuộc đời của Người là một cuộc đời thể hiện tình yêu thương, một tình thương bao la, vô bờ bến, dành cho tất cả mọi người, kể cả những kẻ chống đối, hãm hại, gây đau khổ cho mình.

Lạy Chúa, tâm lý chung của con người chúng con là muốn trả thù và loại bỏ những kẻ đã hãm hại chúng con. Nhưng Chúa lại không hành xử như vậy. Chúa yêu thương và tha thứ cho tất cả mọi người, kể cả những kẻ đã giết hại Chúa. Xin Chúa biến đổi chúng con, để chúng con có thể bắt chước Chúa mà tha thứ cho hết mọi người. Amen.

Tu sĩ Phaolô Trần Khắc Công, SVD

Bài trướcThánh Lễ Tuyên Khấn Lần Đầu 2018 – Tỉnh Dòng Ngôi Lời Việt Nam
Bài tiếp theoTỉnh Dòng Ngôi Lời Việt Nam và Gia đình anh chị K’TRÉ + H’PRATYA

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.