NGHÈO KHÓ, LIÊN ĐỚI VÀ SỨ VỤ (Arnoldus Nota, 3/2022)

0
267

Thông điệp của Cha tổng quyền Paulus Budi Kleden, SVD và Ban Lãnh Đạo Dòng Ngôi Lời:

Audio link, bấm nghe trên YouTube: https://youtu.be/8Vf1ntVcchU

Khi những dự chi ngân sách làm cho tất cả chúng ta lên kế hoạch, thì đây là lúc đáng suy tư và phân định làm sao chúng ta sống lời khấn khó nghèo vừa với tư cách cá nhân vừa là những thành viên của cộng đoàn. Chúng ta cần nhìn lại cam kết của mình cho tình liên đới, tình huynh đệ cộng đồng, và sứ vụ. Liên đới và chia sẻ tài nguyên hướng đến sự tự túc của các tỉnh dòng/ miền dòng/ giáo điểm (TMG) đã là mối quan tâm trong các Tổng Tu Nghị gần đây. Trong bài suy tư này, chúng tôi tập trung chú ý đến 3 điểm: Cuộc sống Chúng Ta là chứng tá cho Ngôi Lời; Nghèo khó, Tình liên đới, và Tình huynh đệ; và Đồng hành viên, Cộng tác viên và Sứ vụ của chúng ta.

1. Cuộc sống của Chúng Ta là chứng tá

Các Tổng Tu Nghị (TTN) 2006, 2012, 2018 đã nhấn mạnh đến cuộc sống chúng ta là chứng tá. Các TTN này hướng dẫn chúng ta tập trung tầm nhìn của mình để duy trì sự dấn thân cho Thiên Chúa trong sứ vụ liên quan đến sự dâng cúng của các quỹ, các nguồn tài nguyên, và những tài năng (TTN2006, #66, TTN2012, #36-41, TTN2018, #34-35). Hơn nữa, chúng nhắc cho chúng ta về lời khấn khó nghèo phúc âm, cho phép chúng ta hằng cậy dựa vào Thiên Chúa, buông bỏ những mục tiêu trần thế, và mở lòng cho Thiên Chúa và cho các đối tác đối thoại của chúng ta (TTN2006, #67). Đây là một ơn gọi hãy luôn cắm rễ vào (căn tính) mình là ai và được gọi để làm gì.

Nhớ đến cuộc thẩm vấn thẳng thắn đã định hướng cho chúng ta nhiều năm trước đây thuyết phục chúng ta rằng sống cuộc sống nghèo khó không những là một lựa chọn cho chúng ta mà còn cần thực hiện trung thành như thể nó là chứng tá sống động của chúng ta cho Ngôi Lời là Đấng đã gọi chúng ta theo Ngài. Đấng mà chúng ta bước theo đặt ra tiêu chuẩn cho đời sống những nhà truyền giáo của chúng ta. Lời khấn khó nghèo phúc âm là một thực tại cho tất cả chúng ta. Nó không phải chỉ là một lựa chọn chúng ta có chọn sống hay không. Cam kết của chúng ta cho các lời khấn của mình là một sự chấp nhận có hiệu lực và tích cực cho những gì chúng ta rao giảng về lựa chọn ưu tiên cho người nghèo, sự liên đới, công lý, hòa bình và sự toàn vẹn của tạo thành.

Sống trung thành với lời khấn khó nghèo là một “văn hóa đối lập” với ảnh hưởng của chủ nghĩa tiêu thụ đang phát triển và sự toàn cầu hóa trên thế giới, và làm cho chúng ta trở thành những ngôn sứ của thời đại này.

Thách đố trung thành với lời khấn để sống một cách điều độ cũng là một con đường giải phóng chúng ta trở thành những đối tác đối thoại sẵn lòng và đón nhận. Những đối tác đối thoại thực thi nhiệm vụ gặp gỡ không chỉ những những ai chúng ta mến chuộng và háo hức gặp gỡ, nhưng còn đặc biệt là những ai ở vùng ngoại biên. Sự hiện diện đơn thuần của họ thách đố chúng ta hãy kiểm điểm lại lối sống và các cộng đoàn của chúng ta. Họ chất vấn những giá trị chúng ta sống. Họ có thể là những ai quan sát gương sống của chúng ta liên quan đến kinh nghiệm nghèo khó và việc bị gạt ra bên lề (xã hội), và trông mong chúng ta làm sáng tỏ điều này, dường như là sự bất bình đẳng của thế giới.

Cuộc sống của chúng ta là những chứng tá cho tình yêu, lòng thương xót, và nhân từ của Chúa. Chúng ta được gọi để nhìn đến những ai gặp khó khăn về kinh tế và những ai tìm kết nối lại với Giáo hội và Thiên Chúa bất kể sản nghiệp và tình trạng của họ. Lối sống đơn giản của chúng ta, sự cởi mở các khuynh hướng, và sự sẵn lòng tương tác với các đối tác đối thoại, là những phương tiện gặp gỡ và đối thoại tốt hơn với những cộng tác viên truyền giáo, và xây dựng một cộng đồng của sự liên đới và tình huynh đệ.

2. Nghèo khó, Sự liên đới, và Tình huynh đệ

“Ơn gọi truyền giáo của chúng ta đòi hỏi chúng ta chia sẻ sự nghèo khó của Đức Kitô, đưa tất cả những gì chúng ta có để phục vụ sứ mệnh tông đồ (Hiến pháp SVD #207).  Do đó, đến lúc và một lần nữa, chúng tôi mời gọi rất cả chúng ta luôn cắm rễ vào đời sống nghèo khó. Nó không chỉ là sự vâng lời và trung thành với các lời khấn mà chúng ta đã tuyên hứa trước Thiên Chúa; nó còn là cử chỉ yêu thương và sự liên đới với những anh em, với những cộng đoàn và với người dân nói chung gặp khó khăn về kinh tế.

Sự nghèo khó của chúng ta là một tuyên bố về khao khát tiếp tục sống tình huynh đệ và sự hiệp thông. Sống nghèo khó và từ bỏ việc tích góp những của cải vật chất không cần thiết là những hành động của sự liên đới với người nghèo và người thiếu thốn, sống cuộc sống của chúng ta trong sự liên đới và tình huynh đệ cộng đồng. Từ ngày 23 tháng 5 đến 11/06/1993, những Thủ Quỹ SVD đã họp nhau tại Nemi và tuyên bố rằng trân trọng lối sống đơn giản là sự thể hiện liên đới với người nghèo và là một minh chứng chống lại xã hội tiêu thụ. Chúng tôi nhắc lại điều này hôm nay. Anh em thân mến, chúng ta không ngừng được nhắc nhở rằng cuộc sống khó nghèo của chúng ta không phải là một sự lựa chọn tùy thích. Tất cả chúng ta phải làm chứng cho các giá trị của Tin Mừng: dựa vào Thiên Chúa, liên đới với cái nghèo của chúng ta và các anh chị em đau khổ, sự hiệp thông, và tình huynh đệ.

Sự liên đới và tình huynh đệ đòi hỏi chúng ta phải cẩn thận về tài chính trong việc chi tiêu và quản trị, cam kết trách nhiệm giải trình, và từ bỏ lối sống phung phí và xa hoa. Do đó, sự thận trọng tài chính và quản lý trách nhiệm là ơn gọi của từng SVD ở mọi ngóc ngách trên thế giới.  Chúng ta phải sống khó nghèo cá nhân và cộng đoàn, và chia sẻ các nguồn tài nguyên cho sứ vụ truyền giáo toàn cầu. Đây là một chứng tá của từng anh em và tỉnh dòng, nhằm quan tâm cho những nơi có ít tài nguyên vật chất hơn nhưng lại chia sẻ cùng sự nhiệt thành cho sứ vụ truyền giáo.

3. Đồng hành viên, Cộng tác viên, và Sứ vụ

“Lời khấn khó nghèo của chúng ta có đặc tính truyền giáo. Là những anh em cùng một gia đình, chúng ta chia sẻ những nguồn tài nguyên của mình với các anh em và các cộng đoàn thiếu thốn hơn” (Hiến pháp SVD số 201.1). Chúng ta luôn dấn thân cho missio ad gentes (truyền giáo cho muôn dân) và gặp gỡ với những đối tác đối thoại của chúng ta nơi các tiền tuyến. Chúng ta cũng nhắc nhở chính mình rằng chúng ta là những nhà truyền giáo có trách nhiệm và thẳng thắn được gọi để sống cuộc sống khó nghèo, sự liên đới và tình huynh đệ. Raison d’être (lý do tồn tại) của chúng ta là sứ vụ truyền giáo. Chúng ta sống không vì thăng tiến và vinh quang cá nhân, nhưng cho sự phát triển cộng đồng và tình huynh đệ đi hướng về hoàn thành sứ mạng được trao phó cho chúng ta. Trong TTN thứ 18, chúng ta được nhắc nhở rằng việc nhấn mạnh vào sự tự lực không cản trở việc chia sẻ giữa các tỉnh dòng và giữa các cộng đoàn. Chúng ta nhận ra giá trị của việc chia sẻ các nguồn lực tài chính giữa các tỉnh dòng và các cộng đoàn là cách biểu lộ sự hiệp thông, liên đới và quảng đại.

Tính đơn giản của chúng ta là một tuyên bố cho khao khát kiên định trong sự liên đới với/ và những đồng hành viên của người nghèo và người bị gạt ra bên lề, là những cộng tác viên vào những cố gắng truyền giáo của Hội dòng bằng mọi cách có thể – về của cải vật chất, tài năng và thời gian.

Cuối cùng chúng ta hãy tự nhắc nhở mình rằng cuộc sống của chúng ta là những chứng tá cho tình thương, sự quảng đại, và nghèo khó của Ngôi Lời, Đấng chúng ta rao truyền. Chúng ta hãy thách đố chính mình nhạy cảm với những thực tế của xã hội tiêu thụ mà chúng ta sống và những cám dỗ tích góp tiền của. Thay vào đó, chúng ta được mời gọi hãy cắm rễ vào lời khấn khó nghèo và mong muốn liên đới với người nghèo. Chúng ta ở trong sự hiệp thông và tình huynh đệ. Chúng ta hãy nhạy cảm nhận ra rằng trong khi một người trong chúng ta được phúc lành lai láng thì các anh em khác ở những nơi truyền giáo xa xôi cần phần thặng dư của chúng ta hỗ trợ cho những nhu cầu của họ.

Chúng ta hãy canh tân cam kết của mình cho việc chi tiêu cẩn thận và có trách nhiệm. Cuộc sống nghèo khó của chúng ta duy trì sự đồng hành với các đối tác đối thoại của chúng ta. Chúng ta liên đới với người nghèo, với người bị gạt ra bên lề, và những cộng tác viên với sứ vụ truyền giáo của Hội Dòng. Chúng ta bước theo cuộc sống của Ngôi Lời là Đấng “trở nên nghèo khó để làm cho chúng ta nên giàu có nhờ cái nghèo của Ngài. Ngài đã yêu cầu rằng những “đồng nghiệp” của Ngài phải từ bỏ tất cả để bước theo Ngài” bởi vì raison d’être (lý do tồn tại) của chúng ta là sứ vụ truyền giáo.

___________________

Thông điệp Tháng 3 năm 2022 của Cha tổng quyền Paulus Budi Kleden, SVD và Ban Lãnh Đạo Dòng Ngôi Lời, trong Arnoldus Nota, March 2022, trang 1-2. Lm. Giuse Đỗ Nguyên Vũ, SVD chuyển ngữ. Nguồn: svdcuria.org

* Liên kết đến Thông điệp Tháng 1 & 2 năm 2022: NHỊP THỞ SỨ VỤ DÒNG NGÔI LỜI Ở CHÂU ÂU NGÀY NAY

 

Bài trướcHôm qua, hôm nay, và ngày mai …
Bài tiếp theoChú Giải Tin Mừng Chúa Nhật 1 Mùa Chay, năm C (Lc 4,1-13)