Đón nhận Ánh Sáng: Khám phá những chiều kích đặc trưng trong Sứ vụ Dòng Ngôi Lời

0
109

Bề Trên Tổng Quyền

Nghe audio trên YouTube, bấm: https://youtu.be/zMZ3A67Q4CM

Tổng Tu Nghị năm 2000 đã nhận thấy các chiều kích đặc trưng của cuộc sống và sứ vụ truyền giáo: i) Tông đồ Thánh Kinh; ii) Linh hoạt truyền giáo; iii) Công lý, Hòa bình, Phát triển Nhân sinh và Môi trường (JPIC); và iv) Truyền thông Xã hội. Tất cả làm nên bốn đặc trưng căn tính của đời sống truyền giáo trong Dòng Ngôi Lời, đồng thời định hình việc phục vụ truyền giáo, không phải theo kiểu độc quyền của những chuyên gia, nhưng là một dấu hiệu phân biệt mà từng anh em SVD ở mỗi giai đoạn của đời sống tông đồ. Các chiều kích cũng định hình nên đời sống cộng đoàn vì nơi cộng đoàn chúng ta thực hành chia sẻ Lời Chúa, khuyến khích nhau thi hành sứ vụ, phấn đấu vì hòa bình và công lý hiển trị giữa mọi người, và có mối liên hệ huynh đệ với nhau.

Mỗi chiều kích ngụ ý một thái độ cơ bản trong đời sống và phục vụ của chúng ta. Trong Tông đồ Thánh Kinh, thái độ cơ bản là sống tập trung vào Chúa; linh hoạt truyền giáo giúp nối kết mọi người tham gia, khuyến khích họ bằng nhiệt tình của chúng ta theo đường lối Nước Trời và cũng để mọi người động viên ủng hộ chúng ta; trong JPIC, thái độ cơ bản phải là dấn thân biến đổi xã hội và thế giới thông qua việc phân tích những cơ cấu bất công, cổ võ phẩm giá con người, bảo vệ môi trường thay vì giữ im lặng trước những thảm kịch và bạo lực; truyền thông bao gồm việc đến với người khác, nhất là những đối tác đối thoại của chúng ta (theo TTN XVI, #9). Để chuẩn bị cho Tổng Tu Nghị sắp tới, hướng dẫn suy tư lần thứ hai bao gồm một số câu hỏi giúp đào sâu bốn chiều kích.

Ngôi Lời Nhập Thể là ánh sáng thế gian

Chúng ta biết ơn các Tỉnh Dòng/ Miền Dòng/ Giáo điểm đã nhận thấy và cổ võ Tông đồ Thánh Kinh từ các hội thảo và các chủng viện tới việc xuất bản các sách và tài liệu liên quan đến Kinh Thánh. Tuy nhiên, việc tông đồ này cần được liên kết với cá nhân và đời sống cộng đoàn do Lời Chúa linh hứng; Tông đồ Thánh Kinh có yếu tố nội tại để giữ vững các cộng đoàn được biến đổi để cho Lời Chúa nuôi dưỡng, củng cố, và thúc đẩy.

Ai dâng hiến cuộc sống để tìm hiểu Kinh Thánh hoặc loan truyền thông điệp Kinh Thánh thì không thể dửng dưng trước những đối tượng nghiên cứu của Kinh Thánh, và trước khi làm việc tông đồ này, thì nên tu dưỡng thái độ lắng nghe Lời Chúa. Hiếp pháp SVD số 106 nói: “Nhờ lắng nghe và sống Lời Chúa mà chúng ta trở thành những cộng sự của Ngôi Lời.” Nhằm chuẩn bị cho Tổng Tu Nghị tiếp theo, chúng ta được mời gọi nhìn vào tầm nhìn của thánh Arnold Janssen về Ngôi Lời Nhập Thể là Ánh Sáng thế gian đào sâu mối quan hệ của chúng ta với Ngôi Lời.

Bước đi cùng nhau trong sứ vụ

Linh hoạt truyền giáo bắt nguồn từ việc xác tín rằng toàn thể Giáo Hội là truyền giáo, và tất cả các Kitô hữu được mời gọi tham gia vào sứ vụ của Thiên Chúa. Linh hoạt truyền giáo dựa vào ý tưởng nền tảng này và mang lại hiệu quả cho đời sống chúng ta, đồng thời phải đem lại những thay đổi cụ thể trong sứ vụ của chúng ta, chẳng hạn như chuyển từ việc thích điều khiển người khác sang làm việc nhóm cùng với nhau, và từ chủ nghĩa lý tưởng cá nhân sang sự phân quyền. Điều này bao gồm cả việc từ bỏ chủ nghĩa giáo quyền và chủ nghĩa cá nhân trong đời sống và hoạt động tông đồ. Nó yêu cầu sự sáng tạo các điều kiện để người giáo dân phát triển tài năng và những ơn riêng nhằm thực thi sứ vụ của họ trong Giáo hội và trên thế giới.

Chúng ta rất biết ơn về nhiều hoạt động do Tỉnh Dòng/ Miền Dòng/ Giáo điểm (TMG) tổ chức nhằm nâng cao nhận thức về sứ vụ truyền giáo của người dân, như các lễ hội truyền giáo, các sự kiện cầu nguyện, hành hương, các chương trình đào tạo giáo dân, v.v. Ngoài ra, trong một số TMG, rất nhiều nhà hảo tâm hỗ trợ tài chính và cầu nguyện, đã tham gia vào sứ vụ của chúng ta. Tuy nhiên, hoạt động truyền giáo chủ yếu bao gồm việc thu hút người khác tham gia, chứ không bị cám dỗ muốn kiểm soát mọi thứ hoặc nghĩ rằng chúng ta có thể một mình làm mọi thứ.

Thế giới bị tổn thương là tâm điểm của sứ vụ chữa lành

Một cảm nghiệm sâu xa về Thiên Chúa, nguồn mạch của mọi lòng trắc ẩn, là sức mạnh đằng sau các hành động trong JPIC và là lời mời gọi hoán cải tâm hồn thường xuyên. Hiến pháp số 112 nhắc nhở chúng ta rằng “đức tin của chúng ta hối thúc chúng ta nhận ra sự hiện diện của Chúa Kitô trong những người nghèo và những người bị áp bức”, đồng thời thêm rằng nhiệm vụ của chúng ta là “cổ võ công lý theo tinh thần Phúc Âm trong tình liên đới với những người nghèo và người bị áp bức”. Chiều kích JPIC đi tiếp bằng những sáng kiến ​​hỗ trợ cụ thể nhằm giải quyết các vấn đề như nạn đói, và giảm bớt đau khổ do chiến tranh hoặc thiên tai gây ra. Nó bao gồm cuộc đấu tranh “chống lại tội lỗi trong lòng người, vì tội lỗi là cội rễ sâu xa của những cơ cấu và hệ thống áp bức sản sinh ra những điều xấu đó” (HP. 112.2).

Do đó, JPIC mang tính ngôn sứ đi theo hai hướng làm phong phú lẫn nhau: lên án sự dữ và dấn thân làm việc thiện. Một sứ vụ gắn liền với Lời ngôn sứ cũng đòi hỏi sự nhìn nhận phẩm giá của mỗi con người và đánh giá các tạo vật đang bị đe dọa bởi sự khai thác bóc lột vô độ. JPIC cũng kêu gọi sự chú ý liên tục đến những bất công trong các cộng đoàn của chúng ta, và sự thờ ơ với nhận thức về sinh thái đôi khi xảy ra nơi hành vi cá nhân và cộng đoàn. Để chuẩn bị cho Tu nghị, chúng ta phải tập trung “vào việc thúc đẩy việc chữa lành để khôi phục phẩm giá cuộc sống và sự toàn vẹn của trật tự xã hội.”

Truyền thông ánh sáng là truyền thông sự sống

Một số cơ cấu trong lĩnh vực truyền thông trong Dòng Ngôi Lời tạo ra nhiều hoạt động đa dạng và sử dụng nhiều phương tiện khác nhau, chẳng hạn như báo in, truyền hình, đài phát thanh, trang web, YouTube, phương tiện truyền thông xã hội, v.v. Nhưng truyền thông, như một khía cạnh đặc trưng, ​​​​không chỉ là một bộ công cụ và công nghệ thông tin; nó cũng là nghệ thuật cổ vũ sự gần gũi và gặp gỡ với người khác. Theo quan điểm Kitô giáo, mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi là nguồn gốc và mô hình truyền thông. Vì lý do này, chúng ta được thách thức lớn lên trong sự hiệp thông với Thiên Chúa và tìm cách biến bản thân và cộng đồng của chúng ta thành “sự biểu hiện bản chất truyền thông của Thiên Chúa, đó là cộng đoàn và sự giao tiếp” (Các chiều kích đặc trưng SVD, #68).

Giống như Chúa Giêsu, nhà truyền giáo không truyền bá một thông điệp nhưng phải chia sẻ cuộc sống của mình. Việc chia sẻ này đòi hỏi một thái độ lắng nghe và hoán cải, đặt sự chú ý của mình vào Người Khác và những người khác bởi vì “việc truyền thông theo nghĩa sâu xa nhất là việc trao ban chính bản thân trong tình yêu” (HP. 115). Bằng cách này, chúng ta góp phần truyền bá ánh sáng Ngôi Lời, vượt qua bóng tối của thế gian và mang lại niềm hy vọng và niềm vui cho tất cả con cái Thiên Chúa.

Nêu ra những thách đố để thực hiện sứ vụ truyền giáo

Dòng Ngôi Lời đã bổ nhiệm nhân sự và phân bổ nguồn lực để thành lập các cơ cấu và mục vụ nhằm nuôi dưỡng và thực hiện bốn chiều kích đặc trưng. Tuy nhiên, Tổng Tu nghị có thể giúp chúng ta giải quyết hai thách thức để thực hiện sứ mệnh của mình với tư cách là những môn đệ trung thành và sáng tạo. Đầu tiên là thúc đẩy hơn nữa sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa bốn chiều kích đặc trưng. Như Giáo hội Hiệp hành [tức là Thượng hội đồng Giáo Hội] hiện nay nói với chúng ta, chính bằng hành trình và làm việc cùng nhau mà chúng ta xây dựng sự hiệp thông, thúc đẩy sự tham gia và dấn thân vào sứ vụ.

Một thách thức khác là làm sâu sắc thêm sự hiểu biết của chúng ta về các chiều kích như những thái độ cơ bản trong cuộc sống của chúng ta, những biểu hiện về căn tính tu sĩ truyền giáo của chúng ta, chứ không chỉ là những mục vụ chuyên môn được thực hiện bởi các chuyên gia. Do đó, các chiều kích đặc trưng có thể trở thành công cụ sáng tạo cho công cuộc phục vụ truyền giáo của mỗi thành viên SVD và các cộng tác viên truyền giáo.

Cha Tổng Quyền Paulus Budi Klenden, SVD và Ban Lãnh Đạo Dòng Ngôi Lời.

(Lm. Giuse Đỗ Nguyên Vũ, SVD chuyển ngữ. Nguồn: Arnoldus Nota, March 2024, tr. 1-2).

Bài trướcLỜI SỐNG (Thứ Năm, Tuần 3 MC)
Bài tiếp theoLỜI SỐNG (Thứ Sáu, Tuần 3 MC)