LỜI SỐNG (Thứ Ba, Tuần 3 MC)

0
543

Bài đọc: Đn 3,25.34-43

Tin mừng: Mt 18,21-35

21 Khi ấy, Phêrô đến thưa cùng Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, khi anh em xúc phạm đến con, con phải tha thứ cho họ mấy lần ? Có phải đến bảy lần không ?”

22 Chúa Giêsu đáp: ”Thầy không bảo con phải tha đến bảy lần, nhưng đến bảy mươi lần bảy. 23 Về vấn đề này thì Nước Trời cũng giống như ông vua kia muốn tính sổ với các đầy tớ.

24 Trước hết, người ta dẫn đến vua một người mắc nợ mười ngàn nén bạc. 25 Người này không có gì trả, nên chủ ra lệnh bán y, vợ con và tất cả tài sản của y để trả hết nợ.

26 Người đầy tớ liền sấp mình dưới chân chủ và van lơn rằng: ‘Xin vui lòng cho tôi khất một kỳ hạn và tôi sẽ trả lại cho ngài tất cả.’ 27 Người chủ động lòng thương trả tự do và tha nợ cho y.

28Khi ra về, tên đầy tớ gặp một người bạn mắc nợ y một trăm bạc. Y tóm lấy, bóp cổ mà nói rằng: ‘Hãy trả nợ cho ta.’ 29 Bấy giờ người bạn sấp mình dưới chân và van lơn rằng: ‘Xin vui lòng cho tôi khất một kỳ hạn, tôi sẽ trả hết nợ cho anh.’

30 Y không nghe, bắt người bạn tống giam vào ngục. Cho đến khi trả nợ xong. 31 Các bạn y chứng kiến cảnh tượng đó, rất khổ tâm, họ liền đi thuật với chủ tất cả câu chuyện.

32 Bấy giờ, chủ đòi y đến và bảo rằng: ‘Tên đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết nợ cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta; 33 còn ngươi, sao ngươi không chịu thương bạn ngươi như ta đã thương ngươi ?’

34 Chủ nổi giận, trao y cho lý hình hành hạ, cho đến khi trả hết nợ. 35 Vậy Cha Thầy trên trời cũng xử với các con đúng như thế, nếu mỗi người trong các con không hết lòng tha thứ cho anh em mình”.

—– o0o —–

—– SUY NIỆM —–

THA THỨ CHO NHAU (Tu sĩ  G. B. Nguyễn Văn Đồng, SVD)

Vào ngày 13/5/1981, thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II bị ám sát ngay tại quảng trường thánh Phêrô. Nhưng, sau khi bị bắn, những lời đầu tiên của ngài là: “Tôi cầu nguyện cho người anh em, người đã tấn công tôi, người mà tôi chân thành tha thứ.” Sứ điệp tha thứ này còn được thể hiện mạnh mẽ hơn khi ngài đã đến nhà tù Rebibbia ở Rôma, vào phòng giam của Ali Agca, ôm lấy anh thanh niên muốn sát hại ngài. Ngài đã tha thứ cho anh.

Cũng vậy, trong trình thuật Tin Mừng hôm nay, thánh Mátthêu thuật lại cho chúng ta một bài học của Đức Giêsu về sự tha thứ. Ông Phêrô đã đến gần Đức Giêsu mà hỏi rằng: “Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không?” Đức Giêsu trả lời phải tha thứ đến bảy mươi lần bảy. Liền sau đó, Đức Giêsu đã kể dụ ngôn người mắc nợ không biết thương xót để minh họa cho bài học của Người.

Kinh nghiệm của bản thân tôi cho thấy rằng sự tha thứ luôn được xem là những cách giúp tôi trân quý cuộc sống này hơn, tránh được buồn phiền và cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa. Đặc biệt, nó giúp tôi có thêm bạn và bớt thù. Trong cuộc sống cũng còn có người đã không thể tha thứ cho anh em mình, để rồi mang tư tưởng trả thù. Từ việc không thể tha thứ đó, con người dễ đánh mất bình an trong tâm hồn. Bài học về tha thứ của Chúa Giêsu là cách thức giúp chúng ta không những có được bình an nội tâm nhưng đạt đến sự hoàn thiện. Thiên Chúa là Đấng hoàn thiện, Đấng luôn tha thứ cho con người. Có lẽ ai trong chúng ta cũng đã từng phạm phải những lỗi lầm thiếu sót nào đó với Chúa và với nhau. Thiên Chúa đã luôn yêu thương và tha thứ cho chúng ta, thì chúng ta cũng được Thiên Chúa mời gọi luôn luôn yêu thương và tha thứ cho nhau.

Lạy Chúa, xin dạy con luôn biết tha thứ cho anh chị em con, như chính Chúa đã tha thứ cho những lỗi lầm của con. Amen.


THA THỨ VÔ HẠN (Tu sĩ Phêrô Hoàng Quốc Việt, SVD)

Tha thứ là một động từ mà ai cũng có thể nói được, nhưng để thực hành nó thì không phải ai cũng làm được. Vì “tha thứ” nói thì rất dễ nhưng làm thì không dễ chút nào. Ngang qua trình thuật Lời Chúa hôm nay, Chúa Giêsu dạy cho chúng ta bài học tha thứ vô hạn.

Trong khung cảnh của Tin Mừng, thánh Phêrô đã kêu lên với Chúa trước sự mệt mỏi khi phải tha thứ: “Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha thứ đến mấy lần? Có phải bảy lần không?” Và Đức Giêsu đã cho Phêrô một đáp án thật rõ ràng rằng: “Thầy không bảo là tha thứ đến bảy lần, mà là bảy mươi lần bảy”, nghĩa là tha thứ luôn luôn, tha thứ vô điều kiện và không có giới hạn.

Có lẽ ai trong chúng ta cũng đều có kinh nghiệm về “tha thứ” và được “thứ tha”. Tha thứ cho những người mình đã có thành kiến hay là kẻ thù của mình thì thật khó biết bao. Quả thật, nếu ai trong chúng ta đã trải qua và đối diện với những nỗi đau khó tha thứ như: Bị người yêu phản bội, bị người khác hãm hại, làm tổn thương đến tinh thần hay mạng sống của mình và của người thân yêu thì thật không dễ tha thứ. Thế nhưng, nếu cuộc sống không biết tha thứ thì thế giới sẽ tràn lan sự bất hoà, oán ghét, chia rẽ, hận thù và chết chóc. Do đó, với phận người yếu đuối và bất toàn trong tương quan với Chúa và với tha nhân, chúng ta không thể tránh khỏi những thiếu sót và lỗi phạm. Thiên Chúa luôn sẵn sàng tha thứ cho chúng ta mỗi khi bị vấp ngã và biết sám hối ăn năn. Thiên Chúa cũng mời gọi ta biết sẵn sàng bao dung tha thứ cho anh chị em mình như thế, nhưng không phải là tha thứ bảy lần mà là “bảy mươi lần bảy”.

Lạy Chúa, xin ban cho chúng con lòng bao dung và quảng đại của Chúa để chúng con biết yêu thương và tha thứ cho anh chị em con khi vô tình hay chủ ý xúc phạm hoặc làm tổn thương đến chúng con. Amen.


 

LÒNG THA THỨ (Tu sĩ Phêrô Trần Văn Dương, SVD)

Biết bao điều tiêu cực xảy đến trong đời sống khi con người không biết đón nhận và cảm thông cho nhau, khi mà sự tha thứ trở thành một điều xa xỉ giữa người với người. Đức Giêsu, ngang qua Tin Mừng hôm nay, mời gọi chúng ta hãy sống với “lòng tha thứ” vì đó là điều làm đẹp lòng Thiên  Chúa và là cách thế chữa lành những vấn nạn của thời đại.

“Thầy không bảo là bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy” (x. Mt 18,22), câu trả lời của Đức Giêsu giúp các môn đệ hiểu được đâu là sự tha thứ mà Thiên Chúa mong muốn. Đó là một sự tha thứ không giới hạn, tha thứ mãi mãi. Qua đó, Người mời gọi mỗi người cần có lòng tha thứ khi đối xử với nhau. Nhờ đó, cuộc sống sẽ trở nên dễ chịu và thoải mái hơn biết bao, tình người sẽ mãi chan hoà và bền chặt dường nào.

Dẫu tốt đẹp như vậy, thế nhưng, lời dạy của Thầy Giêsu đã chẳng dễ dàng đi vào cuộc sống và thực tế minh chứng điều đó. Thái độ hận thù, những xung đột, thậm chí là những vụ án thương tâm như là biểu hiện của sự thiếu vắng lòng tha thứ trong tương quan của con người. Điều đó đang kéo nhân loại tiến gần đến “nền văn minh của sự chết”, như lời Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã từng nhận định.

Quả vậy, “nhân vô thập toàn”, con người không ai hoàn hảo cả. Thế nên, Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi người hãy biết tha thứ cho nhau. Những lúc như vậy, cả đôi bên sẽ tìm được sự bình an trong tâm hồn, như lời kinh Hoà Bình đã diễn tả: “vì chính khi thứ tha là khi được tha thứ”. Bởi đó, chúng ta cầu xin ơn Chúa giúp sức, đồng thời nỗ lực học nơi mẫu gương Đức Giêsu hầu có thể sống tha thứ theo ý Thiên Chúa mong muốn.

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết khiêm tốn nhìn nhận con người thật của mình, để mở lòng ra đón nhận ơn tha thứ của Chúa và anh em. Amen.


YÊU THƯƠNG LÀ THA THỨ (Lm. Giuse Nguyễn Văn Dũng, SVD)

Con người thời nay dường như chỉ chú tâm phát triển các nền văn minh về vật chất, nhưng lại bỏ quên một nền văn minh rất quan trọng, được xem như cái gốc của các nền văn minh khác, đó là nền văn minh tình thương. Nền văn minh ấy, hôm nay được Chúa Giêsu đề cập đến một cách gián tiếp trong bài Tin Mừng ngang qua việc thi hành luật yêu thương.

Trình thuật Tin Mừng cho biết, ông Phêrô muốn biết phải xử trí ra sao và tha thứ bao nhiêu khi chính mình bị xúc phạm. Phêrô đã đưa ra con số bảy, một con số coi là tượng trưng cho sự hoàn hảo. Thế nhưng, Chúa Giêsu lại vượt hẳn mức độ trong chuyện này. Ngài đưa ra con số tượng trưng là bảy mươi lần bảy, nhưng qua con số này ý Chúa muốn nói là: tha không giới hạn, không điều kiện nào. Bởi lý do để tha thứ không nằm ở nơi người có lỗi khi họ biết hối hận, cũng chẳng phải ở nơi kẻ bị xúc phạm với lòng quảng đại hay nhân đức của họ…, nhưng tất cả là ở nơi tình thương và lòng bao dung của Thiên Chúa.

Qua dụ ngôn hôm nay, Chúa Giêsu cố ý làm nổi bật sự khác biệt giữa hai món nợ và hai thái độ để cho thấy lòng nhân từ quảng đại của Thiên Chúa và sự vô lý của lòng dạ con người khi không sẵn sàng tha thứ cho kẻ khác. Qua dụ ngôn này, lý do thúc đẩy ta tha thứ cho anh em mình chính là tình thương hải hà của Thiên Chúa đối với chúng ta, chứ không phải được tha lỗi vì người có lỗi biết hối hận hay xin lỗi, cũng không phải từ lòng cao thượng hay nhân đức của kẻ bị xúc phạm.

Lạy Thiên Chúa là nguồn mạch mọi yêu thương, của lễ đẹp lòng Chúa nhất là sự khiêm nhường, lòng hối cải và sự tha thứ cho nhau. Xin cho chúng con biết sẵn sàng tha thứ cho kẻ khác như chính Chúa đã tha thứ cho chúng con. Amen.


 

HẾT LÒNG THA THỨ (Lm. GB. Nguyễn Hữu Duy, SVD)

Bài trướcLỜI SỐNG (Thứ Hai, Tuần 3 MC)
Bài tiếp theoLỜI SỐNG (Thứ Tư, Tuần 3 MC)