1. Bài giảng của Đức thánh cha Gioan Phaolô II
trong thánh lễ phong thánh cho ba vị: Arnold Janssen, Joseph Freinademetz, và Daniel Comboni vào Chúa Nhật, 05/10/2003 tại Vatican
- “Hãy đi rao giảng Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo” (Mc 16:15). Với lời này trước khi lên Trời, Chúa Phục Sinh đã trao phó trách nhiệm truyền giáo phổ quát cho các Tông đồ. Rồi ngay sau đó, Ngài đã bảo đảm rằng Ngài sẽ trợ giúp họ trong lệnh truyền sứ vụ này (x. Mc 16,20).
Những lời này vang lên hùng hồn trong đại lễ hôm nay. Chúng tạo thành thông điệp mà ba vị Thánh mới canh tân cho chúng ta: Daniel Comboni, Giám mục, Đấng sáng lập Dòng “Truyền giáo Comboni của Thánh Tâm Chúa Giêsu” và Dòng “Nữ tỳ Truyền giáo Comboni”; Arnold Janssen, Linh mục, Đấng sáng lập Dòng Ngôi Lời, Dòng Nữ tỳ Thánh Linh Truyền Giáo, và Dòng Nữ tỳ Thánh Linh Chiêm Niệm; Joseph Freinademetz, Linh mục thuộc Dòng Ngôi Lời.
Cuộc đời của họ chứng tỏ rằng rao giảng Tin Mừng “là sự phục vụ quan trọng bậc nhất mà Giáo hội có thể cống hiến cho mọi người và cho toàn nhân loại” (Redemptoris Missio, #2). Những vị Thánh mới này dạy chúng ta rằng rao giảng Tin Mừng luôn bao gồm việc loan báo rõ ràng về Đức Kitô cộng với sự cộng tác dấn thân của con người dù đôi khi gặp nguy hiểm tỏ tường, như trải nghiệm của nhiều nhà truyền giáo cho thấy. Đây là ví dụ, di sản quý báu mà ba vị Thánh được tuyên phong vinh quang nơi bàn thánh hôm nay, đã được truyền lại cách đặc biệt từ các gia đình đạo hạnh của họ. Ưu tiên của những hội dòng truyền giáo là sứ vụ “ad gentes” [đến với muôn dân] phải được được đặt lên trước những cam kết xã hội và nhân đạo, nhưng cần thiết.
- “Mọi dân tộc sẽ được nhìn thấy vinh quang Thiên Chúa.” Câu đáp Thánh Vịnh mà chúng ta vừa hát nhấn mạnh sự cấp bách của sứ vụ “ad gentes”, ngay cả trong thời đại của chúng ta. Chúng ta cần những sứ giả loan báo Tin Mừng bằng sự nhiệt thành và bước chân tông đồ của giám mục Daniel Comboni, vị tông đồ của Đức Kitô ở giữa những người Phi châu. Ngài đã tựa vào những nguồn lực nhân cách phong phú và tâm linh vững vàng để loan báo Chúa Kitô và được đón nhận ở Phi châu, lục địa mà ngài đã rất mực yêu thương.
Ngày nay, làm thế nào chúng ta lại có thể không đoái hoài gì đến bằng tâm tình và quan tâm những dân tộc yêu quý này? Châu Phi, vùng đất giàu tình người và nguồn lực tâm linh, tiếp tục mang vết sẹo của những khó khăn và vấn đề. Ước chi cộng đồng quốc tế tích cực giúp đỡ châu lục này xây dựng tương lai hy vọng. Tôi phó thác nguyện ước của tôi cho sự bầu cử của thánh Daniel Combini, nhà truyền giáo và người bảo vệ tuyệt vời của “Lục Địa Đen”.
- “Mọi dân tộc sẽ nhìn thấy ánh sáng của ngươi.” (Is 60,3). Hình ảnh ngôn sứ của Giêrusalem mới loan truyền ánh sáng của Thiên Chúa trên tất cả các dân tộc rõ ràng phác họa cuộc sống và công việc tông đồ không mệt mỏi của thánh Arnold Janssen. Ngài đã hăng hái thực thi nghĩa vụ mục tử, loan báo Lời Chúa bằng các phương tiện truyền thông đa phương tiện mới, nhất là bằng báo chí.
Những rào cản không hề làm ngài nhụt chí. Ngài thích lặp đi lặp lại: “Rao giảng Tin Mừng là hành động yêu thương đồng loại trước nhất và cao cả nhất”. Giờ đây, ngài phù trợ gia đình tu sĩ của ngài từ Trời cao, để tiếp tục trung thành bước theo lối mà ngài đã vạch ra, là làm chứng nhân cho những giá trị trường tồn của sứ vụ rao giảng tin mừng của Giáo hội.
- “Và họ đã đi rao giảng khắp mọi nơi.” (Mc 16,20). Thánh Máccô đã kết thúc Tin Mừng của ngài bằng những lời này. Sau đó, ngài thêm rằng Thiên Chúa không ngừng đồng hành với các hoạt động của các Tông đồ bằng quyền năng làm các phép lạ. Vang lại những lời của Chúa Giêsu, những lời của thánh Giuse Freinademetz đầy lòng tin mạnh mẽ: “Tôi không xem cuộc sống truyền giáo như là hy sinh tôi dâng cho Chúa, nhưng như là hồng ân cao cả mà Chúa có thể đã mãi ban rộng rãi trên tôi.” Với sự bền bỉ đặc trưng của người miền núi, vị “chứng nhân tình yêu” quảng đại này đã dâng đời mình làm món quà cho người Trung Hoa vùng Nam Sơn Đông. Vì yêu và bằng tình yêu, ngài đã nâng niu những điều kiện sống của họ, với việc vâng theo tâm niệm truyền giáo của chính ngài: “Công việc truyền giáo là vô ích nếu người ta không yêu thương và không được yêu thương”. Là một mô hình mẫu của Tin Mừng hội nhập văn hóa, vị Thánh này đã bắt chước Chúa Giêsu, người đã cứu thoát con người cả nam lẫn nữ bằng việc chia sẻ cuộc sống của họ cho đến cùng.
- “Hãy đi khắp tứ phương thiên hạ.” Ba vị Thánh mà chúng ta hoan hỷ tôn phong hôm nay nhắc cho chúng ta về ơn gọi truyền giáo của mọi tín hữu. Tất cả các Kitô hữu được sai đi truyền giáo, nhưng để thành những chứng nhân đích thực của Chúa Kitô, thì chúng ta phải cố gắng không ngừng sống thánh thiện (x. Redemptoris Missio, #90).
Anh chị em thân mến, chúng ta hãy chấp nhận lời mời gọi này đến với chúng ta gợi lên từ việc cử hành hôm nay. Nguyện xin Nữ Vương Các Thánh, Ngôi Sao của Tân Phúc Âm Hóa, soi chiếu chúng ta từ Thiên Đàng. Chúng ta hãy tin tưởng nhìn lên Mẹ, nhất là trong Tháng Mười, hiến dâng cho Mẹ Mân Côi và cho sứ vụ truyền giáo. Lạy Đức Maria rất thánh, Nữ Vương Truyền Giáo, xin cầu cho chúng con!
(Lm. Giuse Đỗ Nguyên Vũ, SVD chuyển ngữ từ: https://www.vatican.va/content/john-paul-ii/en/homilies/2003/documents/hf_jp-ii_hom_20031005_canonizations.html)
_________________o O o___________________
2. Tiểu sử vắn tắt về cha thánh Arnold Janssen
Arnold Janssen sinh ngày 05/11/1837 tại Goch, một thành phố nhỏ vùng Rhineland (Đức). Là con thứ hai trong gia đình có 10 anh chị em, cha mẹ của ngài đã truyền cho ngài lòng sùng đạo sâu sắc. Ngài được thụ phong linh mục ngày 15/08/1861 trong giáo phận Muenster và được bổ nhiệm dạy các môn khoa học tự nhiên và toán học trong trường cấp hai tại Bocholt. Ngài nổi tiếng là nghiêm khắc nhưng lại là thầy giáo chân chính. Vì lòng sùng kính sâu thẳm đối với Thánh Tâm Chúa Giêsu nên ngài được chọn làm Giám đốc Hội Tông Đồ Cầu Nguyện tại Giáo phận. Việc tông đồ này đã khuyến khích Arnold mở lòng mình cho các Kitô hữu thuộc các giáo phái khác.
Từng chút một ngài đã trở nên ý thức hơn về những nhu cầu tinh thần của người khác vượt ra khỏi những giới hạn của chính giáo phận ngài, phát triển mối quan tâm sâu sắc hơn cho sứ vụ phổ quát của giáo hội. Ngài đã quyết định hiến dâng đời mình để đánh thức nghĩa vụ truyền giáo của giáo hội tại Đức. Với ý hướng này, năm 1873, ngài đã từ nhiệm vị trí giảng dạy, và ngay sau đó đã thành lập tờ báo Sứ Giả Nhỏ của Thánh Tâm (The Little Messenger of the Sacred Heart). Tạp chí phát hành rộng rãi hằng tháng này đã đăng tải những tin tức về các hoạt động truyền giáo và nó khuyến khích những người Công giáo nói tiếng Đức hãy làm nhiều hơn nữa cho sứ vụ truyền giáo.
Giáo hội Công giáo tại Đức đã có những lúc khó khăn. Otto von Bismark đã gây ra cái gọi là “Kulturkampf” (chiến tranh văn hóa) với nhiều luật lệ chống lại Công giáo, và đã dẫn đến việc trục xuất các linh mục và tống giam nhiều giám mục. Trong tình thế hỗn loạn này, Arnold Janssen đã đề nghị rằng một số các linh mục bị trục xuất có thể làm sứ vụ truyền giáo ở nước ngoài hoặc tối thiểu là giúp chuẩn bị [đào tạo] những nhà truyền giáo. Chậm mà chắc, cùng với chút thúc giục từ Đại diện Tông tòa ở Hồng Kông, Arnold đã khám phá ra rằng Thiên Chúa đang mời gọi mình đảm nhận nhiệm vụ cam go này. Nhiều người đã cho rằng ngài không phải là người thích hợp cho việc này, hoặc đây không phải là lúc cho kế hoạch này. Arnold đã trả lời: “Thiên Chúa thử thách đức tin của chúng ta để làm điều gì mới, cụ thể là lúc nhiều thứ đang sụp đổ trong Giáo hội.”
Với sự ủng hộ của một vài giám mục, Arnold đã khánh thành ngôi Nhà truyền giáo vào ngày 08/09/1875 tại Steyl, Hà Lan, và từ đó bắt đầu Dòng Truyền Giáo Ngôi Lời [SVD]. Ngay từ 02/03/1879, hai nhà truyền giáo đầu tiên đã lên đường đi Trung Hoa. Một trong những người này là thánh Giuse Freinademetz sau này.
Ý thức tầm quan trọng của việc xuất bản để thu hút ơn gọi và gây quỹ, Arnold đã bắt đầu một nhà in chỉ bốn tháng sau khi khánh thành ngôi Nhà. Hàng ngàn giáo dân quảng đại đã đóng góp thời gian và nỗ lực cho việc linh hoạt truyền giáo tại các quốc gia nói tiếng Đức bằng cách giúp phân phối các tạp chí từ Steyl. Từ đầu, Hội Dòng đã phát triển một cộng đoàn gồm cả các linh mục và các tu huynh.
Những thiện nguyện viên tại ngôi Nhà truyền giáo gồm cả nữ và nam. Thực tế ngay từ đầu, một nhóm phụ nữ, bao gồm chân phước Maria Helena Stollenwerk, đã phục vụ cộng đoàn. Nhưng mong ước của họ là để phục vụ sứ vụ truyền giáo như là những Nữ tu. Việc tự do dâng hiến phục vụ trung thành và quên mình của họ, cùng với việc nhận thấy tầm quan trọng vai trò của phụ nữ cho sứ vụ truyền giáo xa hơn, đã thôi thúc Arnold thành lập Dòng “Nữ tỳ Thánh Linh Truyền Giáo” (SSpS) vào ngày 08/12/1889. Những nữ tu đầu tiên đi truyền giáo đã đến Argentina vào năm 1895.
Năm 1896, cha Arnold đã tuyển chọn một số Nữ tu để thành lập một nhánh tu chiêm niệm, được biết đến với tên Dòng “Nữ tỳ Thánh Linh Chiêm Niệm” (SSpSAP). Việc phục vụ truyền giáo của họ là chầu Mình Thánh Chúa liên lỉ, cầu nguyện ngày đêm cho Giáo hội và đặc biệt là cho hai Hội Dòng truyền giáo hoạt động [SVD và SSpS].
Arnold đã qua đời ngày 15/01/1909. Ngài đã dành cả đời để không ngừng tìm kiếm ý Chúa, đầy tín thác trong sự quan phòng của Chúa, và chăm chỉ làm việc. Công trình của ngài đã được chúc phúc rõ ràng qua sự phát triển sau này của những cộng đoàn mà ngài đã thành lập: hơn 6.000 nhà truyền giáo [linh mục và tu huynh] Dòng Ngôi Lời hoạt động tại 63 quốc gia, hơn 3.800 nữ tu Dòng Nữ tỳ Thánh Linh Truyền Giáo, và hơn 400 nữ tu Dòng Nữ tỳ Thánh Linh Chiêm Niệm. [số liệu năm 2003]
(Lm. Giuse Đỗ Nguyên Vũ, SVD chuyển ngữ từ: https://www.vatican.va/news_services/liturgy/saints/ns_lit_doc_20031005_janssen_en.html)
Kính mời độc giả đọc thêm sách về linh đạo và cuộc đời của Thánh Arnold Janssen trong quyển: “ANH CHỊ EM LÀ ĐỀN THỜ CỦA CHÚA THÁNH THẦN“, link đặt sách tại Nhà sách Đức Bà Hòa Bình: https://ducbahoabinhbooks-osp.com/anh-chi-em-la-den-tho-cua-chua-thanh-than/
*Đăng lần đầu ngày 2/10/2023.