Hôm qua, hôm nay, và ngày mai …

0
301
Photo: https://www.breadforbeggars.com/

Tác giả: Lm. Phêrô Nguyễn Đức Vinh, SVD

Có một thiên sứ chạm vào …

Mất đi hết sự tự tin vì bị bà Ideven, vợ vua Akháp, đe dọa lấy mạng, vị ngôn sứ lớn của Cựu Ước rơi vào tình trạng sợ hãi và tuyệt vọng. Ông bỏ chạy từ bắc chí nam rồi trốn vào sa mạc. Con đường dài một mình đã cho Êlia cơ hội nhìn lại cuộc đời, để rồi đi đến kết luận rằng ông chẳng hơn gì người xưa (1 V 19,4-8) – trong khi con hơn cha thì nhà mới có phúc! Ai đi một ngày đàng như Êlia, không ăn không không uống và không người đồng hành trong sa mạc, người ấy tìm cái chết.

„Con chẳng hơn gì cha ông của con” rõ ràng không là một đánh giá tích cực cho một đời người. Mọi dấn thân và các thành quả gây ấn tượng trước đó không giúp Êlia có cái nhìn lạc quan hơn. Ai nói “Đủ rồi!” như ngôn sứ Êlia thì người đó đã mất hết hi vọng, không còn nhìn thấy một viễn ảnh tươi sáng nào nữa. Tuyệt vọng là khi người ta chỉ còn có thể nhìn vào tương lai trong một lối đi duy nhất, thật ngắn với điểm đến là cái chết. Mỗi năm có đến 40.000 người Việt vì trầm cảm mà tìm đến lối “đi tắt” mang cái chết đó[1].

Êlia không còn có thể tự giúp mình. Người suy sụp hoàn toàn như ông cần ai đó đứng bên cạnh và giúp vực dậy. Cần ai đó nói lời trao sức mạnh vượt qua ưu phiền: không là lời giảng giải dài dòng hay khẩu hiệu đạo đức yên ủi cho có cho qua, mà là lời chỉ cho việc cần làm để đứng vững trên đôi chân mình, chỉ cho một hướng đi, trao cho một ý nghĩa giữa những điều vô nghĩa mà những mất mát và thất vọng gây ra. Đây là một nhiệm vụ lớn và khó thực hiện.

“Dậy mà ăn!” là lời thiên sứ nói với con người đói lã, kiệt sức và không còn thiết tha sống. Êlia cần một lời động viên nhắc nhở như vậy. Nhưng để lời đó chạm được bản năng sinh tồn của kẻ tuyệt vọng, thì nó phải được nói ra với thái độ của một thiên thần[2]. Nghĩa là nhẹ nhàng tìm đến và ở lại bên con người cô đơn với sự dịu dàng của một người tình người mẹ, chịu đựng với người đó những nỗi đau và mất mát, những dày vò và khốn khổ mà không đánh giá, lên án và xếp loại. Rồi qua đó, thiên sứ bước được vào lòng của con người đã đóng kín đời, bước vào căn nhà tối tăm đầy những vụn vỡ của sợ hãi, chán nản và thất vọng.

Kiên nhẫn là đặc tính của thiên thần, và người kiệt lực tuyệt vọng cần thời gian để hồi sức nên thiên thần “trở lại lần nữa, đụng vào người ông [lần nữa]”. Và lần này thiên sứ nói cho Êlia biết sự cần thiết của việc ăn: “Vì ngươi còn phải đi đường xa.” Đời vị ngôn sứ chán đời chưa kết thúc ở đây. Êlia còn nhiều bước ở phía trước để đi, còn nhiều điều liên quan đến Thiên Chúa và về mình cần được khám phá. Còn sứ vụ khác đang chờ ông. Êlia chưa đạt đích đời mình.

… vì ngươi còn phải đi đường xa

Đúng là đường còn xa, rất xa cho một người sức tàn lực kiệt và muốn buông xuôi. Êlia còn phải đi tiếp sâu vào trong sa mạc 40 ngày liền. Và tất nhiên là ông phải đi một mình như ngày trước đó. Êlia đã đi từ đất Israel đến hết miền đất Giuđa để tới được sa mạc. Nhưng gốc cây kim tước không là đích Thiên Chúa muốn cho ông, mà là Núi Khô-rép. Cái tên Khô-rép có nghĩa là “khô”: đoạn đường trước mặt nghe như không dễ hơn quãng đường mà Êlia đã đi qua. Dù vậy, vị ngôn sứ cần một thời gian sa mạc dài đủ, để tìm thấy lại mình và cởi mở hồn hoàn toàn cho sự sống mới. Nơi núi Khô-rép Êlia sẽ được gặp Thiên Chúa – tức là ông tiến một bước xa hơn trên con đường niềm tin. Nói đúng hơn: ông sẽ chạm đỉnh điểm của niềm tin. Khô-rép, còn được gọi là Núi Sinai, là nơi ông Môsê đã ở 40 ngày đêm để đón nhận Mười Điều Răn và nơi Thiên Chúa đã lập Giao Ước với Dân Người.

Con số 40 là biểu tượng cho sự hoàn tất và trưởng thành: Êlia phải đi tiếp con đường sa mạc để trở nên chín chắn và toàn vẹn hơn. Mọi điều to lớn cần đến sự thinh lặng để có thể sinh ra trong con người. “Nhận thức thực sự chỉ hình thành trong thinh lặng” theo lời của Romano Guardini[3]. Kinh nghiệm của các đan sĩ của Giáo hội thời đầu nhìn “sự tĩnh lặng như là hoa trái của sự khôn ngoan và chứa đựng nhận thức về mọi sự”.[4] Con đường đó cũng sẽ dạy cho Êlia, rằng thinh lặng là liều thuốc cứu chữa cho một tâm hồn “vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa, mà […] phải thiệt thân” (Tv 69,10). Việc sát hại 450 ngôn sứ của thần Baal, những sợ hãi lo lắng của một kẻ phải chạy trốn để cứu mạng, đói khát, kiệt sức, chán thường, tất cả những trải nghiệm đó để lại nhiều dấu vết không lành trên hồn ông.

Nói vậy, độ dài của con đường không được đo nơi cát đá của sa mạc, nhưng là ở mức độ vị ngôn sứ làm quen với bản thân và với Thiên Chúa. Điều này được hiểu như là kết quả của những nỗ lực cá nhân, đồng thời là nhờ ân sủng – là sự khôn ngoan được ban cho. Cám dỗ là những gì chờ đợi con người trong sa mạc. Nhưng đó cũng là cơ hội tốt nhất để biết rõ những gì nằm sâu trong bản thân, những gì gây ảnh hưởng, điều khiển các hành vi, lời nói của tôi. Và Êlia cần làm quen với một hình ảnh Thiên Chúa mới, khác với những gì ông cho rằng đã biết đã quen.

Êlia cũng cần học thay đổi thái độ sống niềm tin. Gặp gỡ thiên sứ là việc không tính toán trước và

vào lúc không ai chờ đợi. Tạo vật dịu dàng thanh thoát này đến bất chợt trên những bước chân nhẹ nhàng. Nghĩa là chỉ trong tĩnh lặng con người mới ghi nhận được sự xuất hiện của thiên sứ. Cuộc gặp gỡ thiên thần lúc này giữa sa mạc nhắc cho Êlia (và chúng ta) điều quan trọng đó. Trong hang núi Khô-rếp, nơi ông tới sau 40 ngày đường tiếp theo, chính Thiên Chúa xác nhận điều này, khi Người xuất hiện trong gió hiu hiu, chứ không trong sự ồn ào gây ấn tượng của gió to bão lớn làm phân xẻ núi non hay trong động đất hay lửa cháy (1 V 19,9tt).

Ngày qua mách bảo cho ngày tới[5]

Thái độ mới đến từ kinh nghiệm, rằng niềm tin vào Thiên Chúa là một con đường cần được khám phá mỗi ngày. Sức mạnh và ánh sáng cho bước sau được Thiên Chúa ban cho từng ngày – như dân Israel nhận manna từng buổi sáng cho ngày hôm đó mà thôi. Cho nên không thể bám víu vào hay nghỉ yên trên một kinh nghiệm hay một hiểu biết về Thiên Chúa. Trái lại, cần tập tành một lối nhìn mới: cởi mở cho một Thiên Chúa của lịch sử và của những ngạc nhiên.

Êlia học được rằng: ngôn sứ của Thiên Chúa không chờ đợi lễ trao bằng khen hay được trọng thưởng, vì những thành tích to lớn đạt được và vì sự dấn thân đến kiệt lực cho toàn dân. Chẳng có những tiệc mừng và những cơn say chiến thắng. Đời ngôn sứ không được xây trên sự ngưỡng mộ và những lời tung hô của đám đông. Trái lại, sau khi đã “nhiệt tâm cho việc nhà Chúa” là thực tế bị “cháy sạch” (kiệt sức, burnout)[6]. Sau giờ phút trên đỉnh núi Carmel như một ngôn sứ đầy quyền năng, có khả năng hô phong hoán vũ khiến toàn dân và vua chúa phải kinh khiếp, Êlia đã phải làm quen với sợ hãi, trốn chạy, đói khát, cô đơn và thất vọng tột độ. Nhưng khi thừa nhận sự tuyệt vọng của mình với Đấng đã gọi và sai ông đi, thì Thiên thần Chúa có lối, dù thật khó đi, tìm đến cứu giúp ông. Êlia không phải kết thúc cuộc đời với cái chết một mình dưới bụi cây trong sa mạc.

Ngôn sứ của Thiên Chúa không được mời gọi ở lại trên đỉnh, mà cứ phải xuống núi, vào sa mạc để làm lại từ đầu. Truyền thống Do thái-Kitô tường thuật lại: những ai muốn bắt đầu lại (và muốn trưởng thành) thì tìm đến sa mạc. Dân Israel, Môsê, Đức Giêsu, đều phải đi vào sa mạc trước khi bắt đầu sứ vụ mới. Bắt đầu ở những nhu cầu cơ bản nhất: đói khát – với thực phẩm là bánh mì và nước lã chứ không là cao lương mỹ vị. Ngôn sứ phải ôn lại kinh nghiệm: Tôi không chỉ biết sống vì sống cho “toàn dân” và chỉ là người ban phát, mà tôi trước hết sống cho mình và cũng là người đón nhận. Tôi cũng cần đến sự động viên an ủi, trợ giúp của người khác.

Sa mạc là nơi Thiên Chúa bắt đầu lại với Êlia. Sau một cuộc dấn thân đòi hết và cho hết, Êlia trở thành người trắng tay trắng hồn. Sa mạc dạy ông rằng cứ phải bắt đầu lại để tranh đấu cho niềm tin, cho Thiên Chúa, cho con người. Học nhìn nhận sự tồn tại của các ngoại thần và những ngôn sứ của chúng như cỏ lùng giữa đồng lúa. Giết sạch, nhổ sạch vì cho rằng chỉ có một chân lý; trắng hay đen, hoặc tôi hoặc anh, không là lối suy sát thực tế đa dạng và phức tạp của thế giới. Nếu không, Êlia chỉ còn có thể kể chuyện ngày xưa và mất liên hệ với ngày nay, nghĩa là không lớn lên trong niềm tin và nhân cách. Là một con đường nên bước này theo sau bước kia. Nơi Êlia nghĩ rằng là kết thúc lại là một khởi đầu mới – đó là sứ điệp của thiên sứ dành cho ông. ▄

Chú thích

[1]  Nghĩa là gấp 2,5 lần so với số người chết vì tai nạn giao thông. Các nguyên nhân khác không được tính đến. Thời xưa những người tự tử không được chôn trong Đất thánh. Nhận thức rằng con người chọn kết thúc cuộc đời do tuyệt vọng, chứ không hoàn toàn “tự do và thật lòng”, giúp thay đổi cách ứng xử trong mục vụ.

[2] Anselm Grün, 50 Engel für das Jahr. Ein Inspirationsbuch, Freiburg 231997.

[3] Romano Guardini (1885-1968) là một linh mục và học giả Công giáo người Đức. Ngài là một nhân vật quan trọng trong đời sống trí thức Công giáo thế kỷ 20.

[4] Đan sĩ Johannes Climacus, in: Anselm Grün 1997,108.

[5] “Ngày qua mách bảo cho ngày tới, đêm này kể lại với đêm kia” (Tv 19,3).

[6] Burnout được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) định nghĩa như là “hội chứng gây ra bởi căng thẳng mãn tính không kiểm soát được ở nơi làm việc” với các triệu chứng như: cảm thấy cạn kiệt năng lượng, mất hết hứng thú, suy nghĩ tiêu cực, thiếu minh mẫn và sáng tạo, hoài nghi, dễ cáu kỉnh, mất tập trung, chán nản trầm uất …

Bài trướcThơ: Linh Mục của Chúa
Bài tiếp theoNGHÈO KHÓ, LIÊN ĐỚI VÀ SỨ VỤ (Arnoldus Nota, 3/2022)