Họ đạo Mỹ Sơn – ngày “tống cựu nghinh tân”

0
791

HỌ ĐẠO MỸ SƠN – NGÀY “TỐNG CỰU NGHINH TÂN”

Thứ Tư ngày 16/08/2017 vừa qua, Cha Giuse Nguyễn Văn Kha, SVD (Dòng Ngôi Lời) đã chính thức được bổ nhiệm làm chánh sở Họ đạo Mỹ Sơn, Giáo hạt Cái Mơn, Giáo phận Vĩnh Long thay thế cho cha Giuse Phan Hoàng Huy, SVD trong Thánh Lễ với bầu khí “tống cựu nghinh tân” mà mọi người thường gọi Lễ này là “lễ vui lễ buồn”, bởi lẻ họ rất vui mừng đón tiếp vị chủ chăn mới, nhưng họ lại phải tiếc nhớ nói lời chia tay với vị chủ chăn cũ, người đã từng gắn bó với họ trong suốt thời gian dù ngắn dù dài, và đã để lại trong trái tim của nhau giữa mục tử và đoàn chiên những kỷ niệm khó phai.

Họ đạo Mỹ Sơn, mặc dù nhà thờ tương đối khang trang, nhưng nhà xứ chính là ngôi nhà thờ cũ được được sửa chữa và tái sử dụng nên đã xuống cấp rất nhiều. Hiện tại vẫn còn rất nhiều việc để cha tân quản sở lưu tâm. Hy vọng với lòng nhiệt thành và sự hy sinh của ngài, cộng với sức trẻ và sự dấn thân, Họ đạo Mỹ Sơn sẽ tiếp tục phát triển đời sống đức tin, tinh thần đạo đức, cũng như cả về phương diện cơ sở vật chất, lòng nhiệt thành nơi Họ đạo và nơi anh chị em tín hữu vùng sông nước này.

VÀI NÉT LỊCH SỬ VỀ HỌ ĐẠO MỸ SƠN

Nhà thờ đầu tiên của giáo họ Mỹ Sơn thô sơ vách lá được dựng lên ở ngoài vàm Mỹ Sơn (Mỹ Sơn dưới) trong phần đất ông Câu Tú dâng cho Nhà thờ vào năm 1884 với số giáo dân khoảng 70 người.Việc dạy giáo lý do các Dì Mến Thánh Giá Cái Mơn. Ban ngày dạy học và giáo lý, ban đêm xuống ghe ra sông hoặc cồn đậu nghỉ vì lệnh cấm đạo thời Vua Tự Đức. Lâu lắm mới có cha đến dâng lễ. Ngày Chúa nhật giáo dân đi lễ ở nhà thờ Phú Hiệp.

Đến năm 1910 bà Mađalêna Miêng dâng cho Nhà thờ Mỹ Sơn cái chuông. Hiện tại còn cái chuông này.

Năm 1943-1952 số giáo dân tăng khoảng 80 đến 100 người. Phần đất Nhà thờ gần bờ sông. Bị sạt lở và bị chiến tranh tàn phá. Cha Louis Nguyễn Hữu Vinh cho dời vào phần đất do ông Nguyễn Văn Giảng dâng cho Nhà thờ 8 công và dựng lại Nhà thờ bằng cây lợp lá.Trong thời gian này, thỉnh thoảng được cha Phêrô Nguyễn Văn Tý đến dâng lễ.

Năm 1952 – 1966 cha Tađêô Nguyễn Lương Thiện xây dựng lại ngôi Nhà thờ mới, chưa xong, chưa có bàn thờ và mặt tiền Nhà thờ phải ngưng vì chiến tranh bùng nổ.

Nhất là từ năm 1961 bà con giáo dân đi tản cư lánh nạn, chỉ còn số ít giáo dân giữ nhà. Khoảng ba, bốn tháng có cha Giuse Khánh, cha Marcô Thạch ở Ba Vát hoặc Phú Hiệp đến dâng lễ.

Đến ngày 10/03/1970 cha Phêrô Đinh Tài Tướng đến đây dâng Thánh lễ khoảng một tháng một lần. Cha ở Phú Hiệp nhưng cha có tu sửa Nhà thờ nhiều, khang trang và làm bờ kè chống lở đất.

Đến ngày 27/10/2002 họ đạo Mỹ Sơn được Đức Cha Tôma Nguyễn Văn Tân giao cho cha Giuse Nguyễn Ngọc Thích phụ trách. Được phép của Tòa Giám Mục Vĩnh Long và chính quyền tỉnh Bến Tre. Cha Giuse Nguyễn Ngọc Thích giao cho cha Giuse Hùng là cha phó phụ trách việc xây dựng, cùng giáo dân bắt tay vào việc dọn đất và xây dựng mới.

Nhà thờ được khởi công ngày 10/10/2003. Giáo dân nghèo, góp công góp sức; chi phí do TGM Vĩnh Long và ân nhân xa gần giúp đỡ.

Đến ngày 14/05/2005, nhà thờ hoàn thành. Chi phí khoảng 650.000.000 đồng Việt Nam và 100 ngày công giáo dân phụ giúp.

Ngày 10/02/2006, Đức Cha Tôma Giám Mục Vĩnh Long chủ tế lễ Tạ Ơn Chúa, và họ đạo Mỹ Sơn được Đức Cha Tôma Nguyễn Văn Tân bổ nhiệm cha sở đầu tiên là cha Đôminicô Bùi Văn Đằng.

Năm 2009: Giáo họ Mỹ Sơn được Đức Giám mục Giáo phận giao cho Dòng Ngôi Lời và được Cha Antôn Võ Công Ánh, SVD làm chánh sở.

Năm 2012: Cha Giuse Phan Hoàng Huy, SVD được bổ nhiệm chánh sở thay cho Cha Antôn. Năm 2015: được sự hỗ trợ từ Nhà Dòng, cha Giuse Phan Hoàng Huy, SVD đã xây dựng được nhà máy nước sạch hỗ trợ cho người dân nghèo ở đây. Năm 2016: Phần cung thánh, tượng đài Đức Mẹ cũng được cha nâng cấp, sửa sang nên trông đẹp và khang trang hơn. Nhờ sự nhiệt huyết của Cha Giuse và hỗ trợ của Dòng Truyền Giáo Ngôi Lời, giáo họ Mỹ Sơn nay đã được thay da đổi thịt. Số giáo dân hiện nay khoảng gần 800 người sống rải rác trên một diện tích khá rộng lớn và lẫn lộn cả lương lẫn giáo. Bà con giáo dân ở đây sống chủ yếu bằng nghề ươm trồng cây giống, giáo dân chủ yếu là người nghèo.

Ban Truyền Thông Ngôi Lời Việt Nam

 

 

 

Bài trướcKhai mạc Khóa thường huấn Tu sĩ Giáo tỉnh miền Bắc lần thứ nhất tại Giáo phận Thái Bình
Bài tiếp theoCha CHRISTOPHER – SVD và Tỉnh Dòng Ngôi Lời Việt Nam

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.