Bên Nồi Bánh Chưng

0
898

Giuse Hồ Xuân Hương – Thỉnh sinh Ngôi Lời

Bên ngoài lạt trắng chuối xanh

Bên trong nếp đỗ mỡ hành hạt tiêu

Gói nghĩa tình, gói yêu thương

Dẻo thơm từ thuở Lang Liêu tới giờ.

Có lẽ, không nơi đâu có truyền thống nấu bánh chưng, bánh tét như ở Việt Nam. Món ăn bình dị ngày Tết nhưng nếu không có nó, tết sẽ chẳng được tròn đầy. Chẳng ai ngờ, giữa một thành phố hoa lệ này, lại có những nồi bánh chưng thơm ngon, đậm chất mùi thôn quê tại mái nhà Thỉnh viện Ngôi Lời Nha Trang. Bên bếp lửa hồng, anh em chúng tôi ngồi đợi những chiếc bánh chín, và trong không khí ấm cúng đó, bao câu chuyện, bao ký ức lại ùa về.

Giữa đêm se se lành lạnh, làn gió nhẹ thổi ánh lửa bập bùng, những tàn lửa đỏ bay lên tan dần trong đêm tối. Tôi nhớ đến lời bài hát nào đó của nhạc sĩ Lâm Ngân: “Bên mái tranh nghèo ngồi quanh bếp hồng, trông bánh chưng ngồi chờ sáng, đỏ hây hây những đôi má đào”. Lâu lắm rồi tôi mới được sống lại cảm giác sum vầy bên nồi bánh chưng. Hồi nhỏ, tôi vẫn thường hay gói bánh với ông, nhưng sau này ông mất, xã hội cũng hiện đại, người ta thích sự tiện lợi nên thường đặt sẵn hơn là ngồi gói, rồi canh từng chiếc bánh. Vì thế, phong tục nấu bánh chưng cũng trở nên nhạt dần.

Cứ khoảng 30 phút đến 1 tiếng, nồi bánh phải thêm nước một lần. Mỗi lần mở vung,  làn hơi trong nồi bánh bay lên, tỏa ra, mùi lá chuối, mùi nếp thơm, mùi đậu xanh, mùi thịt mỡ phảng phất theo gió trời đi theo sống mũi, gợi lại những miền xa xăm của ký ức. Ký ức của những ngày tan trường đi qua cánh đồng lúa chín, những bông lúa vàng trĩu hạt, nghiêng mình dưới ánh nắng hoàng hôn đỏ nhạt, mùi lúa thơm nhẹ nhàng, trong đó có vị mồ hôi của người nông dân, của những lo toan vất vả kiếp người. Ký ức của một thời ngồi trên lưng trâu thả diều, thổi sáo, tắm sông cùng đám trẻ quê nghèo hiền lành, chất phác. Ký ức tuổi thơ sau lũy tre làng xanh xanh, nơi đây biết bao thế hệ ngã xuống và đứng lên. Những chiếc bánh chưng xanh gói gọn cả bức tranh thôn quê mà như Đức Cha Phaolô đã viết: quê hương là gò đất, mảnh vườn, thửa ruộng, bờ đê, lũy tre, mái tranh, bếp lửa , con đường, dòng sông, dãy núi…. chính những điều này giao hòa với nhau tạo thành sự sống, cơm gạo, xóm làng, tình nghĩa, bản sắc của cả một dân tộc .[1]

1 canh, 2 canh..3 canh.. Bánh chín rồi. Tiếng kêu báo hiệu vang lên giữa đêm tối tĩnh mịch. Những chiếc bánh đầu tiên được vớt ra để ráo nước. Ai cũng háo hức thử chiếc bánh đầu tiên. Những chiếc bánh được buộc chặt bằng lạt tre vót mỏng, mở lớp lá chuối ra là lớp nếp tròn đã nhuộm xanh màu lá chuối. Ở giữa, những miếng thịt mỡ ngầy ngậy, mà theo kinh nghiệm của những người nấu bánh, thì thịt mỡ mới làm bánh thêm ngon và hấp dẫn, bên ngoài lớp thịt là lớp đậu xanh bùi bùi, thơm thơm. Tất cả những thứ ấy hòa quyện vào nhau tạo nên một món ăn truyền thống dân dã đậm chất hồn Việt, có một không hai.

Ấy nên, cho dù đi đến nơi đâu xa xăm trên thế giới, đến những thành phố hiện đại, hay ăn những món cao lương mỹ vị,  tôi cũng sẽ luôn nhớ mình là người Việt, vì tôi chẳng bao giờ quên được món bánh chưng nơi chứa đựng cả một bầu trời thương nhớ quê hương.

__________________________

[1]  Nguyễn Thái Hợp, Giá trị đạo đức trong cơn lốc thị trường, 2000, tr 19.

Bài trướcHỌC VIỆN NGÔI LỜI MỪNG TẤT NIÊN 2020
Bài tiếp theoThứ Hai tuần IV thường niên B