Ơn Chúa Thánh Thần

0
11540

                        ♦    Lm. Phêrô Nguyễn Đức Vinh, SVD

Photo:https://img.freepik.com

Truyền thống Công giáo biết đến bảy ơn Chúa Thánh Thần, như được nói đến trong Sách Giáo lý của Giáo hội Công giáo số 1831. Hoạt động của Ngôi Ba Thiên Chúa được thể hiện cụ thể và rõ ràng nơi con người nơi các ơn: khôn ngoan, thông minh, biết lo liệu, dũng cảm, hiểu biết, đạo đức và kính sợ Chúa. Trình tự này được nói đến trong sách ngôn sứ Isaia 11,2t.[1] Tuy nhiên, ở đó, trong bản gốc tiếng Hibri, chỉ nhắc đến sáu ơn. Ơn thứ bảy đã được thêm vào trong bản dịch tiếng Hy-lạp Septuaginta và bản dịch tiếng La-tinh Vulgata. Hai bản dịch này sử dụng hai từ khác nhau: một cho “Lòng đạo đức” và một cho “Lòng kính sợ Chúa”.

Số bảy xuất hiện không do lỗi dịch thuật, mà vì nhắm đến một liên hệ mang tính tượng trưng với bảy đức  (tin, cậy, mến, khôn ngoan, công bằng, dũng cảm và điều độ), rồi bảy mối tội đầu do Giáo hoàng Grêgôriô Cả biên soạn (kiêu ngạo, bủn xỉn, mê dục vọng, ghen tị, háu ăn, nóng giận, lười biếng), cũng như bảy bí tích (Rửa tội, Thêm sức, Thánh thể, Sám hối, Hôn phối, Truyền chức thánh, Xức dầu bệnh nhân).

Ngôn sứ Isaia hứa hẹn sự xuất hiện của Đấng Mêssia vào một thời điểm, khi nhiều vị vua yếu kém của dân Israel lạm dụng quyền lực và quay lưng lại với Thiên Chúa. Vị vua mới này sẽ khôi phục lại mối quan hệ giữa Thiên Chúa và Dân được chọn. Israel mong mỏi sự củng cố giao ước này. Các vua Đavít và Salômôn nêu gương như những vị vua mạnh mẽ, khôn ngoan và mộ đạo. Đấng Mêssia được ngôn sứ Isaia loan báo xuất thân từ nhà Đavít, nghĩa là gắn liền với thời huy hoàng đó. Isaia đặt tên cho cha của Vua Đavít là Ysai: “Một chồi sẽ xuất từ gốc Ysai, và từ rễ nó, lộc sẽ mọc lên”[2] (Is 11,1). Đấng Mêssia mà Isaia loan báo được thêm sức mạnh bởi Thần Khí Thiên Chúa. Isaia liệt kê sáu ơn, đi từng cặp và làm nổi bật ba khía cạnh khác biệt: (1) Khôn ngoan (trí tuệ) và sự thông hiểu (sáng suốt) là những phẩm chất liên quan đến sức mạnh con người của vua; (2) Lo liệu và sức mạnh là những nét đặc trưng của vua trong việc quản cai vương quốc; (3) Nhận biết và kính sợ Chúa nói đến lòng đạo, mối quan hệ cần thiết với Thiên Chúa của người nắm quyền.

Chúa Thánh Thần không chỉ hoạt động nơi Đấng Mêssia, mà còn nơi mọi người tin vào Chúa và để luật Chúa định hình cuộc sống của họ – nghĩa là khi họ để Chúa đóng vai trò trung tâm trong đời mình. Con người bất toàn, yếu đuối và dễ sai lầm nên không thể tự sức mình tìm đến với Thiên Chúa. Nhưng chúng ta có thể tin cậy rằng chính Chúa sẽ củng cố thêm sức cho mình trong tiến trình này. Chính vì vậy, chúng ta tin rằng Chúa Thánh Thần là mối liên kết giữa con người và Thiên Chúa, và Ngài trang bị cho chúng ta những đức tính giúp thay đổi tích cực và phát triển nhân cách của mình. Chúng ta gọi những ơn phúc này, những gì định hình và củng cố chúng ta, là “các ơn Chúa Thánh Thần”.

Trước hết, Chúa Thánh Thần giúp tôi hiểu biết sâu sắc hơn Lời của Chúa và ý muốn của Người. Qua đó, tôi nhận biết mình là “con yêu dấu của Thiên Chúa” (Mc 1,11). Là một nhân vị: một con người được tác tạo theo hình ảnh Chúa (St 1,26), “không kém thần linh là mấy” (Tv 8), và “đã được cứu chuộc nhờ bửu huyết của Con Chiên vẹn toàn, vô tỳ tích, là Đức Kitô” (1Pr 1, 19).

Thần Khí Chúa giúp tôi biết phân biệt điều thiên thánh với điều thuộc con người – để không bị lừa dối và không gán giá trị bền vững cho những gì chóng qua – do thiếu hiểu biết và thiển cận. Ơn Chúa tác động giúp tôi phấn đấu để đạt được sự hoàn hảo nhất trong mọi thứ, nhận ra ý nghĩa những sự việc xảy ra trong đời mình, cũng như điều Chúa muốn dạy tôi qua đó.

Ơn khôn ngoan giúp phân định thiện ác trong một thế giới, nơi sự thích nghi để tồn tại lâu năm đã xóa nhòa ranh giới tốt xấu. Ơn này thật cần thiết để tôi nhận ra sự đảo ngược các giá trị sống, như là một hệ quả của thời chiến và sự chối bỏ Thiên Chúa, cũng như bệnh thành tích che khuất điều dữ điều gian. Ánh sáng của Thần Khí làm rõ rằng: Tính thực dụng tìm những lợi ích trước mắt chắn che tầm nhìn xa cần thiết của linh hồn. Tôi nhận diện lối sống không-thật nơi chính mình, khi phải sống bằng mặt không bằng lòng, cũng như việc duy trì và tạo bất công, khi tôi luôn tìm những ưu đãi cho mình nhờ vào vị thế hay quyền lực của “người nhà”. “Dựa thế quỷ vương Bê-en-dê-bun mà trừ quỷ” (Lc 11,15) là một cám dỗ lớn cho con người trong một cơ chế xã hội độc tài.

Ơn khôn ngoan giúp tôi ý thức rõ hơn chân lý, rằng khi hồn đói thì cần “ăn Chúa” (Ga 16,51t). Cơm bánh cần thiết, nhưng hồn còn cần đến Lời của Chúa (Mt 13,1tt.) để sống. Nếu không, con người sẽ không thể hạnh phúc no thỏa, dù có ăn đủ mọi thứ! Một cuộc sống sung mãn, như Thiên Chúa muốn cho tôi (Ga 10,1t), chỉ có thể thực hiện trong tương quan tình yêu 3-D: yêu Chúa, yêu mình và “yêu người thân cận như chính mình” (Mc 12,31). Như thế, ơn Chúa giúp tôi học nhìn mình, nhìn người và nhìn mọi sự trong cuộc sống qua con mắt của Chúa, theo như Chúa nhìn.

Nói vậy, ơn khôn ngoan trước hết không nhắm đến mục đích thực tế, là giúp con người cư xử thận trọng và khôn khéo để thành công trên đời. Trái lại, ơn này muốn dạy tôi biết “kính sợ Chúa” vì đó “là đầu mối, là tuyệt đỉnh của sự khôn ngoan.” (Tv 111,10). “Bình an và sức khoẻ dồi dào” đến từ đó (Hc 1,18). Kinh nghiệm sống đạo xác nhận rằng: “Ai đẹp lòng Thiên Chúa, thì Người ban cho trí khôn ngoan, sự hiểu biết và niềm vui.” (Gv 2,26). Được nhìn trong liên hệ với Thiên Chúa, nên “khôn ngoan chỉ tìm thấy ở trong sự chân thật” (Goethe[3]) – nghĩa là “sự khôn ngoan không thể len lỏi vào đầu óc của kẻ thiếu ý hướng ngay lành” (Cách ngôn La-tinh). Thánh Giacôbê đã kể ra những phẩm chất khôn ngoan do Chúa ban: “Đức khôn ngoan Chúa ban làm cho con người trở nên trước là thanh khiết, sau là hiếu hoà, khoan dung, mềm dẻo, đầy từ bi và sinh nhiều hoa thơm trái tốt, không thiên vị, cũng chẳng giả hình.” (Gc 3, 15-17). ●

Chú thích:

[1] “Thần khí Đức Chúa sẽ ngự trên vị này: thần khí khôn ngoan và minh mẫn, thần khí mưu lược và dũng mãnh, thần khí hiểu biết và kính sợ Đức Chúa.

[2] Bản dịch của Lm. Giuse Nguyễn Thế Thuấn.

[3] Johann Wolfgang von Goethe (1749-1832) là một nhà thơnhà viết kịchtiểu thuyết gianhà vănnhà khoa họchọa sĩ người Đức. Ông được coi như là một vĩ nhân trong nền văn chương thế giới (Wikipedia).

Bài trướcLỜI SỐNG (Thứ Năm, Tuần 4 Phục Sinh)
Bài tiếp theoChú giải Tin Mừng Chúa Nhật IV Phục Sinh, Năm A (Ga 10,1-10)