LỜI SỐNG (Chúa Nhật, Tuần 3 Phục Sinh – A)

0
134

Bài đọc 1: Cv 2,14.22b-33 ;  Bài đọc 2: 1Pr 1,17-21

Tin Mừng: Lc 24, 13-35

13 Vào ngày thứ nhất trong tuần, có hai người trong nhóm môn đệ đi đến một làng kia tên là Em-mau, cách Giê-ru-sa-lem chừng mười một cây số.

14 Họ trò chuyện với nhau về tất cả những sự việc mới xảy ra. 15 Đang lúc họ trò chuyện và bàn tán, thì chính Chúa Giê-su tiến đến gần và cùng đi với họ.

16 Nhưng mắt họ còn bị ngăn cản, không nhận ra Người. 17 Người hỏi họ: “Các anh vừa đi vừa trao đổi với nhau về chuyện gì vậy ?” Họ dừng lại, vẻ mặt buồn rầu.

18 Một trong hai người tên là Cơ-lê-ô-pát trả lời: “Chắc ông là người duy nhất trú ngụ tại Giê-ru-sa-lem mà không hay biết những chuyện đã xảy ra trong thành mấy bữa nay”.

19 Chúa Giê-su hỏi: “Chuyện gì vậy ?” Họ thưa: “Chuyện ông Giê-su Na-da-rét. Người là một ngôn sứ đầy uy thế trong việc làm cũng như lời nói trước mặt Thiên Chúa và toàn dân.

20 Thế mà các thượng tế và thủ lãnh của chúng ta đã nộp Người để Người bị án tử hình, và đã đóng đinh Người vào thập giá.

21 Phần chúng tôi, trước đây vẫn hy vọng rằng chính Người là Đấng sẽ cứu chuộc Ít-ra-en. Hơn nữa, những việc ấy xảy ra đến nay là ngày thứ ba rồi.

22 Thật ra, cũng có mấy người đàn bà trong nhóm chúng tôi đã làm chúng tôi kinh ngạc. Các bà ấy ra mộ hồi sáng sớm, 23 không thấy xác Người đâu cả, về còn nói là đã thấy thiên thần hiện ra bảo rằng Người vẫn sống.

24 Vài người trong nhóm chúng tôi đã ra mộ, và thấy sự việc y như các bà ấy nói; còn chính Người thì họ không thấy”.

25 Bấy giờ Chúa Giê-su nói với hai ông rằng: “Các anh chẳng hiểu gì cả! Lòng trí các anh thật là chậm tin vào lời các ngôn sứ!

26 Nào Đấng Ki-tô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao ?

27 Rồi bắt đầu từ ông Mô-sê và tất cả các ngôn sứ, Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh.

28 Khi gần tới làng họ muốn đến, Chúa Giê-su làm như còn phải đi xa hơn nữa.

29 Họ nài ép Người rằng: “Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn”. Bấy giờ Người mới vào và ở lại với họ.

30 Khi đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ. 31 Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người, nhưng Người lại biến mất.

32 Họ mới bảo nhau: “Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao ?”

33 Ngay lúc ấy, họ đứng dậy, quay trở lại Giê-ru-sa-lem, gặp Nhóm Mười Một và các bạn hữu đang tụ họp tại đó.

34 Những người này bảo hai ông: “Chúa trỗi dậy thật rồi, và đã hiện ra với ông Si-môn”.

35 Còn hai ông thì thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh.

—– o0o —–

VỊ KHÁCH LẠ (Tu sĩ Phanxicô X. Nguyễn Tuấn Kiệt, SVD)

Khung cảnh của bài Tin Mừng hôm nay là hình ảnh hai môn đệ đang lê những bước chân mệt nhoài rời khỏi Giêrusalem, lòng trĩu nặng và thất vọng. Bởi lẽ họ hằng hy vọng rằng chính Đức Giêsu là Đấng sẽ cứu chuộc Ítraen, nhưng nay Người đã bị các thượng tế và thủ lãnh kết án tử hình và đã đóng đinh Người vào thập giá (x. Lc 24,19-24).

Vậy là những năm tháng theo Thầy Giêsu của hai ông coi như uổng công. Cái chết của Đức Giêsu là dấu chấm hết cho một cuộc hành trình. Tuy nhiên, sự xuất hiện bất ngờ của “vị khách lạ” đã thay đổi hành trình của hai môn đệ. Ban đầu, vị này dường như quá ngây ngô, vì ông không hề biết gì về sự kiện ông Giêsu trong mấy ngày qua. Thế nhưng, qua một lúc trò chuyện, chính vị này lại từ từ giải thích cho hai môn đệ về những gì Sách Thánh chép về Đức Kitô. Sau cùng, hai môn đệ đã nhận ra vị khách lạ chính là Đức Giêsu qua cử chỉ bẻ bánh, và lòng hai ông đã bừng cháy lên. Hai ông hân hoan trở lại Giêrusalem, bắt đầu những ngày tháng tràn đầy hy vọng trong Đức Kitô Phục Sinh. Như hai môn đệ, đôi khi chúng ta tưởng rằng mình biết rõ mọi chuyện, nhưng thật ra lại chẳng biết gì. Và những người chúng ta xem là “ngây ngô” lại là những người giúp chúng ta mở mang trí óc. Trên hành trình cuộc sống, Chúa Giêsu lắm lúc cũng đến với chúng ta qua những con người bình thường, thậm chí còn mang dáng dấp ngây ngô để đồng hành, an ủi và nâng đỡ chúng ta. Vì thế, chúng ta cần có một tấm lòng cởi mở để đón nhận tất cả mọi người như đón nhận chính Chúa Giêsu vậy, để qua những con người bình thường, Chúa thực hiện cho ta những điều phi thường.

Lạy Chúa, xin cho chúng con nhận ra sự đồng hành của Chúa trên hành trình cuộc sống này. Xin Chúa đến với chúng con những khi chúng con chìm trong thất vọng và chán chường, giúp chúng con bừng cháy lên niềm vui và hy vọng, để chúng con có thể đem niềm vui và an bình đến với tha nhân. Amen.


 

CUỘC GẶP GỠ DIỆU KỲ (Lm. GB. Nguyễn Hữu Duy, SVD)

 

Bài trướcLời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật 3 Phục Sinh – Năm A
Bài tiếp theoLỜI SỐNG (Thứ Hai, Tuần 3 Phục Sinh)