LỜI SỐNG (Thứ Tư, Tuần 10 TN)

0
542

Tin Mừng: Mt 5,17-19

“Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Môsê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn. Vì, Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong Lề Luật cũng sẽ không qua đi, cho đến khi mọi sự được hoàn thành. Vậy ai bãi bỏ dù chỉ là một trong những điều răn nhỏ nhất ấy, và dạy người ta làm như thế, thì sẽ bị gọi là kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời. Còn ai tuân hành và dạy làm như thế, thì sẽ được gọi là lớn trong Nước Trời.


 

Suy niệm

SỐNG LUẬT ĐỂ YÊU THƯƠNG (Tu sĩ  Micae Trần Quốc Thạch, SVD)

Theo truyền thống, người Do Thái xác tín rằng thi hành Luật Môsê và lời các ngôn sứ là một bảo đảm vững chắc cho sự hoàn thiện bản thân và họ sẽ được cứu rỗi. Tuy nhiên, Chúa Giêsu cho họ thấy luật cũ là đúng nhưng chưa đủ và Ngài đã mặc cho nó một cái nhìn mới mẻ.

Trước hết, Chúa Giêsu khẳng định rằng: “Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Môsê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn” (Mt 5,17-18). Điều đó cho thấy rằng Chúa Giêsu không huỷ bỏ một lề luật nào, toàn bộ luật trong Cựu Ước và lời các tiên tri vẫn luôn có giá trị, như là chuẩn mực để làm nên một con người đạo đức và công chính. Thế nhưng, sự đạo đức và công chính này còn rất hẹp hòi ở chỗ là họ chỉ bo bo giữ cho mình, thi hành luật để mình được ơn cứu độ mà không quan tâm đến người khác. Chúa Giêsu đã kiện toàn và mặc cho luật lệ ấy một tinh thần mới, một cách sống mới sâu xa và ý nghĩa hơn. Đó là sống luật để yêu thương, Ngài không coi trọng việc tuân thủ hay thi hành luật qua những hành vi bên ngoài, nhưng chính yếu và cội rễ của việc thi hành luật là phải có tình yêu, lòng bác ái và thương xót nữa. Nó phải xuất phát trước hết là từ con tim chân thành và lòng yêu mến.

Thứ đến, Chúa Giêsu nhấn mạnh: “Ai tuân hành và dạy làm như thế thì sẽ được gọi là lớn nhất trong Nước Trời” (Mt 5,19b). Nghĩa là sự trung thành tuân giữ luật Chúa cách trọn hảo sẽ khơi dậy lòng đạo đức và sự công chính của mình được thể hiện qua tình yêu thương và sự phục vụ. Từ đó, ta mới có thể khuyên bảo, động viên người khác thi hành luật Chúa. Vì theo bản tính tự nhiên, con người luôn có xu hướng phá bỏ lề luật và thích sống buông thả.

Lạy Chúa, có những điều con không hiểu, có những điều con thấy khắt khe, nhưng xin Chúa giúp con biết đón nhận trong đức tin. Và xin Chúa giúp chúng con biết động viên nhắc nhở nhau trung thành với luật Chúa mỗi ngày. Amen.


LUẬT THIÊN CHÚA (Phêrô Kỳ Khắc Chí)

Luật Cựu Ước là những điều luật mà Thiên Chúa  truyền  cho  dân  Ítraen. Đây được xem là những chuẩn mực tinh thần mà Thiên Chúa muốn dân Người thực hiện để giải thoát họ ra khỏi vòng nô lệ tội lỗi. Khi Đức Giêsu đến, Người không hề bãi bỏ luật nhưng là kiện toàn và mặc cho luật ấy một tinh thần mới, một sức sống mới.

Luật Thiên Chúa, với nòng cốt là Mười Điều Răn, là những điều luật mang lại nhiều ích lợi cho những người trung thành thi hành. Thế nhưng, trong quá trình áp dụng luật, người ta còn thêm vào nhiều chi tiết mang tính nặng nề, khiến luật đánh mất đi tinh thần vốn có của nó. Hơn hết, luật phải vì con người chứ không phải con người vì luật.

Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, đã đến thế gian. Không những Người không hề phá bỏ hay bài trừ lề luật của tiền nhân mà còn công nhận giá trị bắt buộc của luật. Người nói: “Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi và cho đến khi mọi sự hoàn thành, thì một chấm một phết trong sách luật cũng không thể bỏ đi được” (Mt 5,18). Quả thật, Đức Giêsu đến để mang lại một tinh thần mới trong cách giữ luật cũ của người Do Thái, đó là tinh thần yêu thương. Bởi luật đặt ra là vì hạnh phúc của con người chứ không phải con người gồng mình để giữ luật. Những ai biết giữ lề luật vì tình yêu thì không có gì là nặng nề, gượng ép nữa. Vì “Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ Lời Thầy” (Ga 14,23).

Là Kitô hữu, chúng ta cần nhìn nhận lại cách giữ luật của mình. Lắm khi lòng mến Chúa bị cạn kiệt theo thời gian, chúng ta dễ dàng nguỵ tạo những lý do để bào chữa cho mình, để không phải giữ điều luật buộc. Chính lúc đó, chúng ta lại trở thành nô lệ của lề luật, nô lệ của tội lỗi. Vì thế, giữ luật Chúa trong tình yêu là chứng tỏ lòng trung thành và lòng mến của ta đối với Đấng ta tin và tôn thờ.

Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con trung thành giữ luật Chúa để mỗi ngày chúng con được nên hoàn thiện hơn. Amen.


 

KIỆN TOÀN (Lm. GB. Nguyễn Hữu Duy, SVD)


 

NGƯỜI LỚN KẺ NHỎ (Tu sĩ Giuse Trần Văn Huyến, SVD)

Người lớn và kẻ nhỏ là hai hình ảnh trái ngược nhau được Đức Giêsu dùng để mời gọi những người sống luật mới và dạy điều mình sống với những ai muốn loại bỏ luật mới của Đức Giêsu.

Luật của Đức Giêsu được đặt nền tảng trên Luật Môsê. Chính Người đã nói trong bài Tin Mừng hôm nay rằng: “Thầy đến không phải để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn.”(Mt 5,17). Luật mới được Đức Giêsu kiện toàn này mang tên là luật yêu thương, luật đem lại sự sống vĩnh cửu cho tất cả mọi người. Vì vậy, ai sống luật mới này và dạy người khác sống như mình thì sẽ được hưởng ân phúc Nước Trời. Ân phúc này được Đức Giêsu gọi nôm na là trở thành người lớn trong Nước Trời. Ngược lại, nếu không sống luật mới này thì họ sẽ bị gọi là kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời.

Trở nên người lớn kẻ nhỏ trong việc sống luật mới của Đức Giêsu giống như khi ta ngồi trên chiếc cầu bập bênh: bên này thể xác và bên kia là luật mới. Khi ta coi nhẹ luật Chúa, tìm cách gạt bỏ luật Chúa khỏi đời ta, chiếc cầu bập bênh sẽ nghiêng về phía thể xác. Lúc này, với sức nặng của xác thịt sẽ làm cho ta rơi vào những hưởng thụ nhục dục mà quên đi niềm vui bên Chúa. Trái lại, khi ta coi trọng luật Chúa, biết tuân giữ từng điều răn Chúa dạy và rập đời mình theo mẫu gương Đức Giêsu, đó là lúc chiếc cầu bập bênh ở vị trí cân bằng. Luật sẽ giữ đời sống ta ở tư thế cân bằng trên hành trình về bên Chúa. Và, từ kinh nghiệm giữ luật và được luật giữ, nếu ta dạy cho người khác, thì ta thật sự là người lớn nhất trong Nước Trời.

Lạy Chúa Giêsu, luật mới của Người giúp chúng con dễ dàng đi đến với Đấng Vĩnh Cửu. Xin cho chúng con biết sống đúng tinh thần của luật Chúa và cũng dạy người khác sống như vậy! Amen.


 

KIỆN TOÀN LỀ LUẬT ( Tu sĩ Phêrô Vũ Đức Thắng, SVD)

Người Do Thái thường chỉ trích và thậm chí lên án Đức Giêsu là người vi phạm lề luật, nhưng tại sao Tin Mừng của thánh Mátthêu hôm nay lại nói Đức Giêsu đến là để kiện toàn lề luật?

Luật Do Thái hay còn gọi là Lề luật (Torah) là đặc trưng cơ bản của Do Thái giáo. Bộ luật này là những lời giáo huấn của Thiên Chúa, trong đó dạy điều gì được phép và điều gì không được phép làm đối với Thiên Chúa và đối với tha nhân. Tuy nhiên, bộ luật đó đã bị bóp méo do cách giải thích và thực hành quá tỉ mỉ và nặng hình thức của người Pharisiêu và các Kinh sư, cho nên bộ luật này đã biến thành gánh nặng được chất lên vai người dân. Chính vì thế, Đức Giêsu đã khẳng định với các môn đệ rằng: “Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ luật Môsê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn” (Mt 5,17).

Thật vậy, Đức Giêsu đã kiện toàn tất cả từng chi tiết một trong Lề luật bằng cách đặt vào đó tình yêu của Ngài. Tình yêu đó đã làm cho Lề luật trở nên Tin Mừng và chân lý đến trong thế gian. Đồng thời thúc đẩy tình yêu nhân loại hướng về Thiên Chúa và hướng về nhau. Vậy nên, với tình yêu của Thiên Chúa thì mọi Lề luật sẽ trở nên công cụ để bày tỏ tình yêu đối với Chúa và cho nhau.

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta có cái nhìn đúng đắn về Lề luật, và thi hành tất cả Lề luật với tâm tình mến Chúa và yêu người, cũng như tránh tinh thần vị luật để giúp mình và người khác được sống trong sự toàn thiện của Thiên Chúa. (x. Mt 5,46).

Lạy Chúa, xin giúp chúng con  luôn  ghi nhớ và sống giới luật “mến Chúa yêu người” trong mọi tâm tình và thái sống của chúng con với Chúa và với tha nhân. Amen.

Bài trướcLỜI SỐNG (11/6, Thánh Barnaba Tông đồ, lễ kính)
Bài tiếp theo[VIDEO] 🔴 THÁNH LỄ HỒNG ÂN VĨNH KHẤN Dòng Ngôi Lời (SVD) Việt Nam* 08h30′, Thứ Năm, 13/06/2024