Tin Mừng: Mt 17,22-27
Khi thầy trò tụ họp ở miền Galilê, Đức Giêsu nói với các ông: “Con Người sắp bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ngày thứ ba Người sẽ trỗi dậy.” Các môn đệ buồn phiền lắm. Khi thầy trò tới Caphácnaum, thì những người thu thuế cho đền thờ đến hỏi ông Phêrô: “Thầy các ông không nộp thuế sao?” Ông đáp: “Có chứ!” Ông về tới nhà, Đức Giêsu hỏi đón ông: “Anh Simôn, anh nghĩ sao? Vua chúa trần gian bắt ai đóng sưu nộp thuế? Con cái mình hay người ngoài?” Ông Phêrô đáp: “Thưa, người ngoài.” Đức Giêsu liền bảo: “Vậy thì con cái được miễn. Nhưng để khỏi làm gai mắt họ, anh ra biển thả câu; con cá nào câu được trước hết, thì bắt lấy, mở miệng nó ra: anh sẽ thấy một đồng tiền bốn quan; anh lấy đồng tiền ấy, nộp thuế cho họ, phần của Thầy và phần của anh.”
Suy niệm
SỰ VÔ ƠN (Tác giả: Tu sĩ Phêrô Nguyễn Xuân Thành, SVD)
Quan sát cuộc sống thường ngày, ta thấy sự vô ơn diễn ra nhan nhản giữa con người với nhau và giữa con người với Thiên Chúa. Trình thuật Lời Chúa hôm nay là một ví dụ điển hình về bức tranh toàn cảnh của sự vô ơn tệ bạc mà con người dành cho Thiên Chúa.
Tin Mừng hôm nay là lời tiên báo lần thứ hai của Đức Giêsu về cuộc khổ nạn của Ngài: “Con Người sắp bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người và ngày thứ ba Người sẽ chỗi dậy” (Mt 17,22-23). Đức Giêsu tiên báo về cuộc khổ nạn Ngài sắp phải chịu nhưng đáng buồn thay kẻ nộp Ngài và đưa Ngài đến án tử chính là một trong những môn đệ thân tín. Thật đau buồn khi phải chứng kiến cảnh phản bội của trò dành cho Thầy. Điều đó nói lên sự vô ơn của con người trước tình yêu hải hà của Thiên Chúa. Trong cuộc đời dương thế, Chúa Giêsu không sống cho mình, nhưng chỉ biết sống cho nhân loại. Là Con Thiên Chúa, Ngài đáng được địa vị và vinh quang như Chúa Cha, nhưng Ngài đã khước từ và hủy mình ra không. Chỉ vì yêu nhân loại mà Ngài làm tất cả. Đối lại, con người lại vô ơn, bội tín với Ngài.
Nhìn lại lịch sử cứu độ, sự vô ơn diễn ra ở mọi nơi và mọi thời. Trong Cựu Ước, con người vô ơn với Thiên Chúa bằng việc không trung tín với Người. Đến thời Tân Ước, con người chối bỏ, trao nộp, đóng đinh và treo chính Con một Chúa lên thập giá. Ngày nay, chúng ta cũng không ít lần vô ơn với Thiên Chúa bằng nhiều cách thức khác nhau như chọn địa vị, danh vọng, tiền bạc là cứu cánh và mục đích tối hậu cho đời mình. Lời Chúa hôm nay nhắc nhở chúng ta hãy mở lòng mình để biết nhận ra tình yêu vô biên của Thiên Chúa; một tình yêu hiến trao, cho đi đến cùng và vô điều kiện. Để từ đó, chúng ta luôn biết tôn vinh, chúc tụng và tri ân Thiên Chúa mọi nơi mọi lúc.
Lạy Chúa, xin Chúa mở tâm trí chúng con để biết nhận ra tình yêu vô biên của Chúa và không ngớt dâng lời ngợi khen Ngài suốt cuộc đời. Amen.
TRÁCH NHIỆM (Tu sĩ G.B. Nguyễn Văn Thuyên, SVD)
Cuộc sống của con người luôn luẩn quẩn trong vòng xoay với bao bộn bề của công việc. Trong bất kể vai trò nào, ta cũng được mời gọi hoàn thành những trách nhiệm được giao phó cách tốt nhất. Ngang qua trách nhiệm, ta góp phần làm nổi bật lên từng nét đẹp trong bức tranh tuyệt hảo của Thiên Chúa.
Tin Mừng hôm nay được thánh Mátthêu thuật lại những lời tiên báo của Chúa Giêsu về cuộc khổ nạn của Người (x. Mt 17,22-27). Cuộc khổ nạn ấy phải trải qua nhiều đớn đau về thể xác và kết thúc là cái chết trên đồi Canvê. Tuy nhiên, nhờ cái chết của Người, sự sống vĩnh cửu được khai mở. Các sự việc mà Người tiên báo chắc chắn sẽ xảy ra, nhưng không vì thế mà Chúa Giêsu bỏ mặc mọi sự. Người vẫn sống hết mình cho sứ vụ bằng những lời rao giảng và chữa lành mọi bệnh tật. Và trên hết, Đức Giêsu ý thức và chu toàn những trách nhiệm của một người công dân qua việc nộp thuế. Nộp thuế chính là chu toàn bổn phận và thể hiện một con người có trách nhiệm với cộng đồng xã hội mình đang sống. Ngang qua Lời Chúa hôm nay, chúng ta được nhắc nhở để nhìn lại và đối diện với con người của mình. Có bao giờ chúng ta ý thức về bổn phận và việc chu toàn trách nhiệm với cuộc đời, với gia đình và với cộng đoàn chưa?
Là Kitô hữu, sứ vụ của chúng ta ở trần gian này là để làm sáng danh Nước Thiên Chúa. Đó luôn luôn là một lời mời gọi và nguồn sức mạnh thúc đẩy để mọi người không ngừng sống tốt, sống trách nhiệm. Điều này được thể hiện qua nhiều khía cạnh trong cuộc sống, từ trong suy nghĩ, lời nói, việc làm. Chúng ta cũng mang trách nhiệm sống cùng, sống với và sống cho người khác bằng những hành động cụ thể, thiết thực qua những việc làm ý nghĩa. Khi đó, chính chúng ta đang thực thi những điều tốt đẹp mà Chúa Giêsu đã dạy.
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết ý thức về trách nhiệm mà Người đã giao phó nơi thế gian này, để mỗi ngày chúng con không ngừng rao giảng về Nước Thiên Chúa cho mọi người. Amen.
TINH THẦN TRÁCH NHIỆM (Lm. GB. Nguyễn Văn Sỹ, SVD)
SỰ SỐNG VÀ SỰ CHẾT (Tu sĩ Giuse Mai Văn Dương, SVD)
Khi nói đến sự sống và sự chết, ai trong chúng ta cũng muốn sống và không muốn chết. Nhưng có sinh thì có tử, nên ai cũng phải chết, đó là quy luật tất yếu của cuộc sống. Tuy nhiên, chết không phải là hết, nhưng là cách thế để bước sang một cuộc sống mới, vinh thắng và khải hoàn.
Thật vậy, chết không phải là con đường cụt nhưng là con đường dẫn tới sự sống mới. Nếu không chết đi thì sẽ không có sự Phục Sinh. Như hạt lúa mì, nếu không mục nát và tan biến, thì sẽ không sinh nhiều bông hạt khác. Tuy nhiên, khi đối diện với cái chết của chính mình hay người thân, chúng ta luôn mang tâm trạng buồn phiền và thất vọng.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, khi Chúa Giêsu tiên báo cho các môn đệ về sự đau khổ và cái chết của mình, để hoàn tất kế hoạch cứu chuộc nhân loại, các môn đệ rất buồn phiền. Các môn đệ buồn phiền, vì các ông chỉ hiểu sự chết theo khía cạnh con người. Lúc này, các ông chưa được tỏ lộ bởi ơn trên, chưa hiểu được mầu nhiệm đau khổ, sự chết và sự Phục Sinh vinh quang của Người, cũng như ơn cứu độ mà sự hy sinh của Người mang lại nên các ông buồn.
Chính vì thế, Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta. Hãy tin tưởng và tín thác vào Chúa trong mọi hoàn cảnh. Chúng ta hãy thanh luyện tâm hồn, hãy biết chết đi cho tính ích kỷ, tham lam và tội lỗi; chết đi cho những yếu đuối và bất toàn, để mưu cầu lợi ích cho bản thân, tha nhân và Giáo Hội. Như thế, cuộc sống ta sẽ bình an, nhẫn nại, bao dung, và hiền hòa hơn.
Lạy Chúa, sự sống và sự chết là một mầu nhiệm. Xin Chúa giúp chúng con thấu hiểu ý nghĩa về mầu nhiệm này, để chúng con sống hạnh phúc và có ý nghĩa hơn. Amen.
BỔN PHẬN VÀ TRÁCH NHIỆM (Tu sĩ Giuse Nguyễn Trung Tâm, SVD)
Hành trình đời người, ai ai cũng phải có những bổn phận và trách nhiệm với chính mình và người khác. Bài Tin Mừng hôm nay, thánh Matthêu cho chúng ta thấy rằng Đức Giêsu không những là mẫu gương tốt cho chúng ta mà còn là Người luôn biết chu toàn bổn phận và nghĩa vụ nộp thuế đền thờ đối với một công dân Do Thái.
Đức Giêsu và các Tông đồ tới Caphácnaum, thì các người thu thuế cho đền thờ đến yêu cầu Người và các Tông Đồ nộp thuế. “Thầy các ông không nộp thuế sao?” (Mt 17,24). Câu hỏi đó như một lời nhắc nhở bổn phận và nghĩa vụ đối với tất cả công dân phải thi hành. Nhưng nghĩa vụ đó với Đức Giêsu thì không bị bó buộc phải thi hành vì: “Anh Simon, anh nghĩ sao… con cái mình hay người ngoài? Phêrô đáp: Thưa người ngoài. Đức Giêsu liền bảo: vậy thì con cái được miễn” (Mt 17,25-26). Tuy nhiên, trong hoàn cảnh này, Đức Giêsu đã không làm như thế, vì để khỏi gây cớ cho người ta bàn tán, xì xào và hơn hết là gây cớ cho người ta vấp phạm vì Người. Mặc dù là Con Thiên Chúa nhưng Người cũng đã chu toàn mọi lề luật nơi trần thế.
Như vậy, Chúa Giêsu đến thế gian, Người không đòi hỏi người ta phải công nhận Người có quyền là “Con Thiên Chúa”, mà trái lại Người đã nêu gương thi hành bổn phận và nghĩa vụ của một con người như bao người khác. Với chúng ta thì sao? Trước hết là một Kitô hữu, linh mục, tu sĩ, những người dâng hiến cho Thiên Chúa. Chúng ta có xem đó như là một đặc quyền để khỏi phải thi hành bổn phận và trách nhiệm không?
Lạy Chúa, xin giúp chúng con luôn biết siêng năng học hỏi Lời Chúa, để Lời biến đổi chúng con, và qua đó chúng con biết chu toàn bổn phận và trách nhiệm của người con Chúa.