LỜI SỐNG (Thứ Tư, Tuần 19 TN)

0
514

Tin Mừng: Mt 18,15-20

“Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó,một mình anh với nó mà thôi. Nếu nó chịu nghe anh, thì anh đã chinh phục được người anh em. Còn nếu nó không chịu nghe, thì hãy đem theo một hay hai người nữa, để mọi công việc được giải quyết, căn cứ vào lời hai hoặc ba chứng nhân. Nếu nó không nghe họ, thì hãy đi thưa Hội Thánh. Nếu Hội Thánh mà nó cũng chẳng nghe, thì hãy kể nó như một người ngoại hay một người thu thuế.”

 “Thầy bảo thật anh em: dưới đất, anh em cầm buộc những điều gì, trên trời cũng cầm buộc như vậy; dưới đất, anh em tháo cởi những điều gì, trên trời cũng tháo cởi như vậy. Thầy còn bảo thật anh em: nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho. Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ.”


 

Suy niệm

SỬA LỖI HUYNH ĐỆ (Tu sĩ P. X. Đinh Duy Thiên, SVD)

Sửa lỗi cho người khác là điều không dễ. Bởi lẽ, việc sửa lỗi đòi hỏi ta phải có sự khéo léo, thiện ý và phương pháp thích hợp. Nếu không, việc sửa lỗi sẽ không đạt được hiệu quả mà còn làm người khác tổn thương.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu không chỉ đưa ra cho chúng ta cách thế xử sự trước lỗi phạm của người anh em, mà Người còn dạy chúng ta một khoa sư phạm về sửa lỗi huynh đệ. Phương pháp ấy được thực hiện theo các mức độ tiệm tiến: Trước tiên là sửa lỗi cách kín đáo, nghĩa là chỉ riêng hai người với nhau.

Cách làm này vừa giúp ta giữ gìn thanh danh và uy tín cho người mà mình sửa lỗi, vừa làm cho người được sửa lỗi thấy họ được tôn trọng. Nếu người đó nghe thì thật là tốt; còn nếu không nghe, thì ta mới chuyển sang mức độ thứ hai, mức độ cần thêm những chứng nhân. Với việc có thêm một hay hai nhân chứng, lời nhận xét sẽ trở nên khách quan hơn và hy vọng nhờ đó mà người có lỗi nhận ra vấn đề nơi mình để sửa đổi. Nhưng nếu người ấy vẫn không nghe, lúc đó ta mới chuyển sang mức độ thứ ba, mức độ công khai ra cộng đoàn, nghĩa là báo cho những người có trách nhiệm của người ấy, để những người có trách nhiệm giúp người đó nhận ra vấn đề. Còn nếu người ấy vẫn không chịu nghe, thì mức độ cuối cùng được áp dụng. Đó là loại trừ người đó khỏi cộng đoàn, coi người ấy như người ngoại. Tuy nhiên, dù thực hiện ở mức độ nào, thì người thực hiện cũng cần phải có sự chân thành và bác ái chứ không phải vì bực tức nên mới sửa lỗi người anh em mình.

Lạy Chúa, sửa lỗi huynh đệ là điều không dễ, nhưng lại là điều hữu ích cho chúng con trên bước đường nên hoàn thiện. Xin Chúa giúp chúng con biết sửa lỗi cho nhau trong chân thành, yêu thương và bác ái để mỗi ngày chúng con nên giống Chúa hơn. Amen.


SỬA LỖI (Tu sĩ Carôlô Lê Văn Toàn, SVD)

Mang thân phận yếu đuối của kiếp người, không ai dám vỗ ngực cho mình là thập toàn. Bởi thế, lỗi lầm là điều không thể tránh khỏi nơi phận người và nếu đã sai thì cần phải sửa đổi để trở nên tốt hơn. Thế nhưng, theo kinh nghiệm thì sửa lỗi cho nhau là điều không hề dễ dàng. Đối với người được sửa lỗi thì “sự thật mất lòng” và đối với chính người đi sửa lỗi cũng cảm thấy e ngại khi mình cũng là tội nhân. Vậy làm cách nào để sửa lỗi anh em một cách dễ dàng?

Nơi Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã khuyên các môn đệ rằng: “Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó” (Mt 18,15). Đức Giêsu mời gọi chúng ta sửa lỗi qua ba bước: Bước một là gặp gỡ riêng tư với người anh em phạm lỗi. Sự kín đáo cho thấy danh dự của người này được tôn trọng. Nếu chưa được, ta mới qua bước hai. Cuộc gặp gỡ lần này đông hơn vì có thêm một hai người nữa, hy vọng người phạm lỗi gặp được cái nhìn khách quan hơn. Nhưng nếu người ấy vẫn không nghe, lúc đó mới đưa ra trước cộng đoàn Hội Thánh, bước thứ ba. Cả ba bước đều cho thấy rằng, Chúa luôn tìm mọi cách và kiên nhẫn để đưa người lầm lạc trở về. Thiên Chúa không muốn ai phải hư mất nhưng được hưởng hạnh phúc như Chúa Giêsu đã nói: “Trên trời sẽ vui mừng vì một người tội lỗi hối cải hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần hối cải” (Lc 15, 7).

Lời Chúa hôm nay nhắc nhở mỗi người cần mạnh dạn sửa lỗi cho nhau không chỉ vì lợi ích cho cá nhân nhưng còn cho xã hội và Giáo Hội. Tuy nhiên, khi sửa lỗi chúng ta cần tôn trọng, tế nhị và hành động với tình thương, tha thứ. Như vậy, việc sửa lỗi của chúng ta sẽ được đón nhận và giúp người khác thay đổi.

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết tinh tế, bao dung và yêu thương khi sửa lỗi hay góp ý cho anh chị em mình. Amen.


 

SỬA LỖI (Lm. GB. Nguyễn Hữu Duy, SVD)


SỬA LỖI CHO NHAU (Tu sĩ Phêrô Vũ Đức Thắng, SVD)

Sửa lỗi cho chính mình đã khó nhưng là điều cần trước khi sửa lỗi cho người khác. Và việc sửa lỗi đó phải là việc làm đặt trên nền tảng tình yêu và đức ái thì mục đích giúp cho người khác thăng tiến sẽ đạt hiệu quả và ý nghĩa hơn rất nhiều. Bài Tin Mừng hôm nay, sau khi dạy các môn đệ phải làm gì và phải làm như thế nào để sửa lỗi cho nhau thì Đức Giêsu tóm lại rằng: “Thầy cũng bảo thật các con, nếu hai người trong các con, ở dưới đất, mà hiệp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho họ điều đó. Vì ở đâu có hai hoặc ba người tụ họp nhân danh Thầy, thì Thầy ở giữa những người ấy” (Mt 18,19-20).

Khi nói điều này, Ngài cũng muốn dặn dò các môn đệ rằng trước khi sửa lỗi, chẳng hạn như tìm bằng chứng hay tìm nhân chứng để chứng minh điểm sai lầm của một người anh em mình, thì hãy họp nhau lại cầu nguyện cho người anh em đó trước đã. Vậy thì bước đầu tiên trong việc sửa lỗi cho một người anh em của mình theo cách của Chúa là cầu nguyện cho họ theo tính cách cá nhân, theo tính cách tập thể, và theo tính cách chung trong cả Giáo Hội. Khi làm điều này là chúng ta đặt người anh em của chúng ta vào tay Chúa và để Người sửa dạy uốn nắn anh em ta trong tình yêu thương của Ngài và trong lời cầu nguyện của chúng ta.

Lạy Chúa, thế giới mà chúng con đang sống, luôn đầy ắp cạm bẫy tội lỗi. Nhưng xin cho chúng con nhận ra rằng, bằng việc sửa lỗi cho nhau trong đời sống cộng đoàn, hay trong đời sống gia đình, chính là lúc Chúa dùng những “lỗi phạm” đó để tôi luyện mỗi người chúng con.

Bài trướcChú giải Tin Mừng Lễ Đức Mẹ Lên Trời (Lc 1,39-56)
Bài tiếp theoLời Chúa + Bài giảng Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời – Lễ Trọng (15/8)