Chú giải Tin Mừng Lễ Đức Mẹ Lên Trời (Lc 1,39-56)

0
2930
Photo: Svitozar Nenyuk / Pinterest

Lm. Giuse Phạm Duy Thạch, SVD chú giải

Bản văn Lc 1,39-56

Hy Lạp Việt
39 Ἀναστᾶσα δὲ Μαριὰμ ἐν ταῖς ἡμέραις ταύταις ἐπορεύθη εἰς τὴν ὀρεινὴν μετὰ σπουδῆς εἰς πόλιν Ἰούδα,

40 καὶ εἰσῆλθεν εἰς τὸν οἶκον Ζαχαρίου καὶ ἠσπάσατο τὴν Ἐλισάβετ.

41 καὶ ἐγένετο ὡς ἤκουσεν τὸν ἀσπασμὸν τῆς Μαρίας ἡ Ἐλισάβετ, ἐσκίρτησεν τὸ βρέφος ἐν τῇ κοιλίᾳ αὐτῆς, καὶ ἐπλήσθη πνεύματος ἁγίου ἡ Ἐλισάβετ,

42 καὶ ἀνεφώνησεν κραυγῇ μεγάλῃ καὶ εἶπεν· εὐλογημένη σὺ ἐν γυναιξὶν καὶ εὐλογημένος ὁ καρπὸς τῆς κοιλίας σου.

43 καὶ πόθεν μοι τοῦτο ἵνα ἔλθῃ ἡ μήτηρ τοῦ κυρίου μου πρὸς ἐμέ;

44 ἰδοὺ γὰρ ὡς ἐγένετο ἡ φωνὴ τοῦ ἀσπασμοῦ σου εἰς τὰ ὦτά μου, ἐσκίρτησεν ἐν ἀγαλλιάσει τὸ βρέφος ἐν τῇ κοιλίᾳ μου.

45 καὶ μακαρία ἡ πιστεύσασα ὅτι ἔσται τελείωσις τοῖς λελαλημένοις αὐτῇ παρὰ κυρίου.

46 Καὶ εἶπεν Μαριάμ· Μεγαλύνει ἡ ψυχή μου τὸν κύριον,

47 καὶ ἠγαλλίασεν τὸ πνεῦμά μου ἐπὶ τῷ θεῷ τῷ σωτῆρί μου,

48 ὅτι ἐπέβλεψεν ἐπὶ τὴν ταπείνωσιν τῆς δούλης αὐτοῦ. ἰδοὺ γὰρ ἀπὸ τοῦ νῦν μακαριοῦσίν με πᾶσαι αἱ γενεαί,

49 ὅτι ἐποίησέν μοι μεγάλα ὁ δυνατός. καὶ ἅγιον τὸ ὄνομα αὐτοῦ,

50 καὶ τὸ ἔλεος αὐτοῦ εἰς γενεὰς καὶ γενεὰς τοῖς φοβουμένοις αὐτόν.

51 Ἐποίησεν κράτος ἐν βραχίονι αὐτοῦ, διεσκόρπισεν ὑπερηφάνους διανοίᾳ καρδίας αὐτῶν·

52 καθεῖλεν δυνάστας ἀπὸ θρόνων καὶ ὕψωσεν ταπεινούς,

53 πεινῶντας ἐνέπλησεν ἀγαθῶν καὶ πλουτοῦντας ἐξαπέστειλεν κενούς.

54 ἀντελάβετο Ἰσραὴλ παιδὸς αὐτοῦ, μνησθῆναι ἐλέους,

55 καθὼς ἐλάλησεν πρὸς τοὺς πατέρας ἡμῶν, τῷ Ἀβραὰμ καὶ τῷ σπέρματι αὐτοῦ εἰς τὸν αἰῶνα.

56 Ἔμεινεν δὲ Μαριὰμ σὺν αὐτῇ ὡς μῆνας τρεῖς, καὶ ὑπέστρεψεν εἰς τὸν οἶκον αὐτῆς.

(Lk. 1:39-56 BGT)

39 Trong những ngày ấy, sau khi đã trỗi dậy, Maria đã đi với sự vội vã vào một vùng đồi núi trong thành Giu-đa.

40 và cô đã đi vào nhà của ông Da-ca-ri-a và chào hỏi bà Ê-li-sa-bét

41 Xảy ra là khi bà Ê-li-sa-bét nghe lời chào của cô Maria, hài nhi trong bụng của bà nhảy lên vui mừng và bà Ê-li-sa-bét được đầy P-nêu-ma thánh (Thánh Thần)

42 Bà kêu lên một tiếng kêu lớn và nói rằng: ‘Em thật là người đã được chúc phúc trong các phụ nữ và đứa bé (hoa trái) trong lòng em cũng đã được chúc phúc.

43 Từ đâu điều này xảy ra cho tôi rằng Thân Mẫu của Đức Chúa của tôi đã đến với tôi?

44 Vì, này, khi lời chào của em đi vào tai tôi, hài nhi trong lòng tôi đã nhảy lên trong niềm vui sướng

45 Phúc cho người đã tin rằng sẽ có sự hoàn tất cho lời Đức Chúa nói cùng cô ấy.

46 và Maria nói: Linh hồn tôi chúc tụng Đức Chúa,

47 Tinh thần (p-nêu-ma) tôi vui mừng trong Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ của tôi,

48 vì Người đã để tâm đến sự khiêm hạ (thấp hèn) của tôi tớ của Người, vì, này, từ đây tất cả muôn thế hệ sẽ xem tôi là có phúc,

49 vì Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi những điều lớn lao, và danh Người là thánh.

50 Lòng thương xót của Người trải qua thế hệ này đến thế hệ khác cho những ai kính sợ Người.

51 Người đã làm quyền năng trong cánh tay của Người, phân tán những kẻ kêu căng trí lòng.

52 Người đã lấy quyền lực khỏi những người quyền thế và nâng cao những kẻ thấp hèn.

53 Những người đói Người đã cho no đầy, người giàu có, Người đã đuổi về tay không.

54 Người đã giúp đỡ Ít-ra-el con cái (tôi tớ) của Người, vì Người nhớ đến lòng thương xót

55 như thể Người đã nói cùng cha ông chúng tôi, Áp-ra-ham, và với con cháu của ông đến muôn đời.

56 Rồi Maria đã ở lại với bà ấy (Ê-li-sa-bét) chừng 3 tháng, rồi cô trở về nhà của cô.

 

 

Bối cảnh bản văn

Trong bối cảnh rộng, bản văn nằm trong trình thuật về Giáng Sinh và Thời Thơ Ấu của Đức Giê-su trong Tin Mừng Luca (Lc 1,5 – 2,52). Trong bối cảnh trực tiếp đoạn văn Lc 1,39-56 nối tiếp sau đoạn văn nói về việc Truyền Tin cho Đức Maria và tiếp theo sau đoạn văn này là trình thuật nói về sự giáng sinh của Gioan Tẩy Giả và trình thuật liên quan đến việc cắt bì và đặt tên cho bé Gioan (2,57-66). Việc Đức Maria mang thai Con Thiên Chúa do quyền năng Chúa Thánh Thần, đã được tỏ ra cho người đầu tiên đó là bà Ê-li-sa-bét. Bà đã gọi Đức Maria là Thân Mẫu của Chúa tôi. Sự tác động lạ lùng của Hài Nhi Giê-su trên hài nhi Gioan là dấu hiệu để bà xác tín niềm tin ấy. Bà Ê-li-sa-bét chúc phúc cho Đức Maria là người đã tin vào sự hoàn tất của lời Chúa nói cùng cô, gợi nhớ đến lời chúc phúc của một người phụ nữ khác trong bối cảnh Đức Giê-su đang giảng dạy: “Phúc cho dạ đã mang ngài và vú đã cho ngài bú” (Lc 11,27). Đức Giê-su đã mở rộng mối phúc này ra cho những kẻ đã nghe và vâng giữ lời của Chúa (Lc 1,28). Dĩ nhiên, Đức Maria đứng đầu trong số những người nghe và tuân giữ lời Chúa. Bài Magnificat của Đức Maria song song với bài Benedictus của ông Da-ca-ria, ngay sau trình thuật về việc cắt bì và đặt tên cho bé Gioan. Nó cũng nối kết chặt chẽ với bài ca tụng của bà Anna, mẹ của Samuel trong sách Samuel quyển thứ nhất 1 Sm 2,1-11. Bài ca tụng của Đức Maria nối kết với truyền thống Cựu Ước khi cho thấy lòng thương xót của Chúa trải qua muôn ngàn thế hệ với chính Đức Maria, với nhiều người qua muôn ngàn thế hệ, và đặc biệt cho Ít-ra-el. Bài chúc tụng cũng nhắc đến lời hứa với tổ phụ Áp-ra-ham và cho con cháu của ông đến muôn đời. Người nghèo được no thỏa cũng nhắc nhớ đến mối phúc của Luca: “Phúc cho anh em bây giờ phải đói, vì Thiên Chúa sẽ cho anh em được no lòng” (Lc 6,21). Đức Maria cảm thấy mình được Chúa thương ghé mắt đoái nhìn song song với hình ảnh Đức Maria tự xem mình là nữ tỳ của Chúa trong trình thuật truyền tin (Lc 1,38).

Cấu trúc

Bản văn gồm có phần mở đầu, phần kết thúc và hai phần chính. Phần mở đầu giới thiệu về không gian, thời gian và nhân vật. Không gian là hành trình lên miền núi của thành Giu-đa, vào nhà của ông Da-ca-ri-a. Thời gian là “trong những ngày ấy”. Nhân vật bao gồm: Đức Maria, bà Ê-li-sa-bét, và ông Da-ca-ri-a (được nhắc đến). Phần kết luận bao gồm nhân vật Maria và Ê-li-sa-bét. Không gian là hành trình ngược lại từ nhà ông Da-ca-ri-a về nhà của Đức Maria. Phần I: Tường thuật về cuộc gặp gỡ giữa Đức Maria và người chị họ Ê-li-sa-bét. Phần này gồm có hai cặp tiểu phần song song với nhau. (A) Hài nhi trong bụng của bà Ê-li-sa-bét nhảy lên và bà được đầy Thánh Thần // (A’) Hài Nhi trong bụng nhảy lên vui sướng; (B) Sự được chúc phúc của 3 nhân vật: Đức Maria, hoa trái trong lòng của cô và bà Ê-li-sa-bét. Bà Ê-li-sa-bét tự thấy mình được phúc, vì được Mẹ của Đức Chúa của bà viếng thăm. Phần II: Bài chúc tụng của riêng Đức Maria. Bài chúc tụng này cũng có thể được chi làm hai tiểu phần: (A) Chúc tụng và vui mừng; (B) Lý do cho sự chúc tụng và vui mừng đó. Phần lý do bao gồm những hành động tốt lành của Đức Chúa cho: (a) Cá nhân Đức Maria; (b) Nhiều người; (c) Ít-ra-el.

Mở đầu: Không gian; thời gian; nhân vật (1,39-40)

I.    Cuộc Gặp gỡ Maria-Ê-li-sa-bét:

(A) Hài Nhi nhảy lên vui mừng – được đầy Thánh Thần (1,41)

(B) Được chúc phúc: Maria – Đứa Bé – Ê-li-sa-bét (1,42-43)

(A’) Hài nhi trong bụng nhảy lên trong niềm vui sướng (1,44)

(B’) Phúc cho người đã tin vào sự hoàn tất của lời Chúa nói (1,45)

II.    Bài ca chúc tụng (Magnificat)

(A) Chúc tụng và vui mừng (1,46-47)

(B) Lý do: Nhiều điều Đức Chúa đã làm

(a) Cho cá nhân Đức Maria (1,48-49)

(b) Cho nhiều người (1,50-55)

(c) Cho Ít-ra-el (1,54-55)

Kết thúc: Không gian; thời gian; nhân vật (1,56)

 

Một số điểm chú giải

  1. Maria đã gieo bước hành trình với sự vội vã: Tin Mừng Luca cho biết Đức Maria sinh sống ở “một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-gia-rét” (Lc 1,26). Theo truyền thống, gia đình của ông Da-ca-ri-ah ở En-ka-rem (Dòng suối vườn nho), cách Giê-ru-sa-lem 8 km về phía Tây, và cách Na-gia-rét hơn kém 144 km. Nếu đi bộ thì phải gần 2 ngày một đêm mới đến được. Với lại, Đức Maria đang trong giai đoạn chờ đợi rước dâu về nhà chồng, đi xa như vậy quả là một vấn đề. Thật khó, để tưởng tượng Đức Maria phải vất vả thế nào với một hành trình như thế. Chỉ có một mình Luca kể cuộc hành trình này. Hành trình được xảy ra ngay sau trình thuật “truyền tin cho Đức Maria”. Qua lời sứ thần Đức Maria biết được người chị họ đang mang thai tháng thứ sáu. Hành trình này được mô tả là “với sự vội vã” (μετὰ σπουδῆς). Cụm giới từ “với sự vội vã” cũng có thể được hiểu là “với sự háo hức”.[1] “Sự vội vã” (háo hức) của Đức Maria có thể có 2 lý do. Thứ nhất, Đức Maria cần chia sẻ mầu nhiệm mang thai Con Thiên Chúa. Đức Maria vừa nhận lời truyền tin. Tâm trạng vừa mừng, vừa lo, có thể cả bối rối nữa, nên cần tâm sự, chia sẻ với người chị có tuổi và đạo hạnh. Thứ hai, bà Ê-li-sa-bét cần được chia sẻ. Một người phụ nữ lớn tuổi, mang thai lần đầu, có lẽ rất cần một người chị em để chăm sóc, đỡ đần trong giai đoạn khó khăn, nhất là lúc sinh nở. Khoảng thời gian Đức Maria ở lại 3 tháng, vừa đúng với khoảng thời gian người chị họ sanh con. Vì thế, lý do thứ hai xem ra khá rõ ràng. Đây không phải là lần duy nhất Đức Maria hành trình Bắc-Nam như thế. Luca còn kể lại một chuyến hành trình Bắc-Nam khác của Đức Maria cùng với thánh Giuse. Đó là hành trình từ Na-gia-rét về Bê-lem để làm kiểm tra dân số. Hành trình này gian nan gấp bội, vì Đức Maria đã mang thai gần đến ngày sinh nở. Một hành trình Bắc – Nam khác cũng chứa chan nhiều lo lắng. Đó là hành trình cả gia đình Đức Maria đi lên đền thánh Giê-ru-sa-lem, lúc Đức Giê-su lên mười hai tuổi. Người ở lại đền thờ làm cho cha mẹ một phen hú vía, tìm kiếm hơn 3 ngày. J. Green xem hành trình của Đức Maria ở đây có một vai trò thần học then chốt: “Chuyến khởi hành liên quan đến việc hoàn tất mục mục đích của Thiên Chúa”, giống như hành trình Đức Giê-su lên Giê-ru-sa-lem, để chịu khổ nạn và chịu chết (Cf. 9,51).[2]
  1. Ông Da-ca-ri-ah … bà Ê-li-sa-bét: Tên gọi của Da-ca-ri-a và Ê-li-sa-bét có nguồn gốc từ tiếng Do Thái. Da-ca-ri-ah được gọi là tên gắn với Thiên Chúa (trong tên đó có chữ Chúa, hay thần). Da-ca-ri-ah trong tiếng Do Thái được ghép bởi hai phần: Đức Chúa + động từ nhớ (זְכַרְיָה). (יָה) (đọc là yah) là viết tắt của tên mà Chúa đã tỏ cho ông Mô-sê (יְהוָ֞ה) (YHWH). Trước đây danh xưng này thường được dịch là “Gia-vê” (Yahweh). Bây giờ các chuyên gia tránh không gọi là Yahweh nữa vì kỵ húy (không được gọi tên của Chúa). Vì thế, ngày nay các bản dịch Tiếng Anh thường là “the Lord”, tương đương với bản dịch Việt ngữ là “Đức Chúa”. CGKPV chọn dịch danh xưng “YHWH” là “Đức Chúa” để phân biệt với “Thiên Chúa” trong tiếng Do Thái là Ê-lô-him (אֱלֹהִ֑ים). Động từ zakar (זָכַר) có nghĩa là nhớ đến. Tên Da-ca-ri-ah nghĩa là Đức Chúa nhớ đến. Ê-li-sa-bét trong tiếng Do Thái là “Ê-li-sê-va” (אֱלִישֶׁ֧בַע) cũng được kết hợp bởi (אֱלִי) (Thiên Chúa của tôi) + (שֶׁ֧בַע) (sự thỏa mãn, dồi dào). Như vậy, tên Ê-li-sa-bét nghĩa là “Thiên Chúa của tôi là một sự dồi dào”. Da-ca-ri-a và Ê-li-sa-bét là hai nhân vật chỉ xuất hiện trong Tin Mừng Luca. Họ là cha mẹ của Gioan Tẩy Giả. Ông Da-ca-ri-a cũng nhận được lời sứ thần truyền tin tương tự như Đức Maria, còn bà Ê-li-sa-bét thì có thai một cách lạ lùng như Đức Maria. Bà mang thai lúc tuổi già mặc dù bị mang tiếng là son sẻ (Lc 1,36). Ông Da-ca-ri-ah là “một tư tế thuộc nhóm A-vi-gia, còn Ê-li-sa-bét cũng thuộc dòng tộc tư tế A-ha-ron. Cả hai đều là người công chính trước mặt Chúa, sống đúng theo mọi điều răn Chúa và mệnh lệnh của Chúa, không ai chê trách được điều gì” (Lc 1,5-6).
  1. Lời chào của cô Maria: Luca không ghi lại Đức Maria đã chào như thế nào. Tuy nhiên, trong văn hóa Do Thái, người ta thường chào nhau bằng một chữ “shalom” (bình an). Đây là lời chào rất ý nghĩa. Đó chính là lời chào mà Đa-vít đã dặn các thuộc hạ chào ông Na-ban: “Bình an cho ông, bình an cho nhà của ông và bình an cho tất cả những gì ông có” (1 Sm 25,6). Chúng ta có thể gặp thấy lời chào ấy trong sứ vụ rao giảng mà Đức Giê-su trao cho các môn đệ: “Vào bất cứ nhà nào trước tiên hãy nói: “Bình an cho nhà này” (Lc 10,5). Nhất là, Đức Giê-su dùng lời chào bình an rất nhiều lần với các môn đệ sau khi Người Phục Sinh (Ga 20,19.2.26). Do vậy, có thể, Đức Maria cũng đã chào người chị họ bằng lời chúc “bình an” như thường lệ. Nhưng tác dụng của lời chào này thật phi thường như sẽ thất sau.
  2. Hài nhi trong bụng của bà nhảy lên vui mừng … nhảy lên trong niềm vui sướng”: Đức Maria có thể đã chào chúc “bình an” một cách thông thường nhưng đã mang lại niềm vui phi thường cho người chị họ. Người thuật chuyện kể rằng: “Chuyện xảy ra là khi bà Ê-li-sa-bét nghe lời chào của Maria, đứa bé trong bụng đã nhảy vì vui sướng” (1,41). Chi tiết này lại được chính bà Ê-li-sa-bét xác nhận sau đó: “Này, khi lời chào của em đi vào tai tôi, đứa bé trong lòng tôi đã nhảy lên trong niềm hân hoan” (1,44). Đây là chi tiết khá quan trọng, vì nó lặp lại hai lần trong một đoạn văn ngắn. Nó cho thấy một sự tác động bên trong chứ không còn là lời chào hỏi bình thường bên ngoài. Dĩ nhiên, lời chào của Đức Maria chứa đựng tấm lòng của hiền muội đã không ngại đường xa mà đến thăm người chị họ, nhưng lời chào ấy không ấm áp, nồng nàn đến nỗi làm cho đứa bé chưa chào đời “nhảy lên” biểu lộ niềm vui sướng. Điều khiến cho hài nhi Gioan phải nhảy lên vui sướng là hài nhi mà Đức Maria đang mang trong lòng. Có lẽ, Gioan tuy chưa chào đời đã kịp nhận ra sự thăm viếng của Đấng Cứu Thế, Đấng mà ông sẽ dọn đường cho trong tương lai. Bé Gioan vui sướng không phải vì lời chào của Đức Maria cho bằng vì sự hiện diện, viếng thăm của Đấng Tối Cao. L. Johnson cho rằng động từ “nhảy lên vui sướng” (ἐσκίρτησεν) phảng phất một sự nhận biết mang tính cánh chung như các Vịnh gia đã nói đến trong Cựu Ước: “Các ngọn núi đã nhảy nhót như thể những con cừu; các ngọn đồi [nhảy nhót] như thể những con chiên” (Tv 114,4.6). Như thế, Gioan được chứng tỏ như là một “ngôn sứ của Đấng Tối Cao” đã được sứ thần báo trước trong Lc 1,15.[3] Fitzmyer thì xem hành động “nhảy lên vui mừng” ở đây cho thấy Gioan nhận biết mối tương quan với Đức Giê-su. Động từ “nhảy lên vui sướng” giống như động từ dùng trong St 25,22, nơi mà hai đứa con sinh đôi của Rê-bê-ca cũng “nhảy lên vui sướng”, báo trước những tương quan trong tương lai của chúng.[4]
  3. Bà Ê-li-sa-bét được đầy Pnêu-ma thánh (Thánh Thần): Pnêu-ma (πνεύμα) trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là gió, khí, hơi, tinh thần. “Hagion” (ἁγίος) có nghĩa là “thánh”. “P-nêu-ma hagion” (πνεύματος ἁγίου) dịch sát nghĩa là “Tinh Thần Thánh” hoặc “Khí Thánh”. Bản dịch Tiếng Anh là Holy Spirit (ESV); Tiếng Ý là Spirito Santo (CEI); Tiếng Pháp là Saint Esprit (TOB). Bản Tiếng Việt (Công Giáo) là “Thánh Thần” (CGKPV; NTT). Bản Tiếng Việt (Tin Lành) là “Thánh Linh” (NVB). Xem ra cách chuyển ngữ của Tin Lành nghe dễ chịu hơn. Tuy nhiên, người Công Giáo quen với cách gọi là “Thánh Thần” hay “Thần Khí”. Nên nhớ là trong nguyên ngữ thuật ngữ này không có chút gì là “Thần” cả. Cụm từ “đầy Pnêu-ma thánh” (đầy Thánh Thần) là một cụm từ mang đậm nét văn chương và thần học Luca. Gioan Tẩy Giả đã được sứ thần tiền báo là “đầy Pnêu-ma thánh” ngay khi còn trong dạ mẹ (Lc 1,15). Bà Ê-li-sa-bét được “đầy Pnêu-ma thánh” sau khi nghe lời chào của Đức Maria (Lc 1,41). Có thể đây là khoảnh khắc ứng nghiệm lời tiền báo về việc Gioan được “đầy Pnêu-ma thánh” khi còn ở trong lòng mẹ.  Ông Da-ca-ri-ah cũng được “đầy Pnêu-ma thánh” trước khi nói tiên tri (Lc 1,67). Như vậy, cả gia đình của ông Da-ca-ri-ah đều được đầy “Pnêu-ma thánh”. Đức Giê-su sau khi chịu phép rửa tại sông Gio-đan, được “Pnêu-ma thánh” ngự xuống trên mình và được đầy “Pnêu-ma thánh” trở về từ sông Gio-đan” (Lc 4,1). Rồi được “Pnêu-ma thánh” dẫn đi trong hoang địa suốt 40 ngày chịu ma quỷ cám dỗ (Lc 4,2). Trong sách Công vụ Tông Đồ, tác giả tiếp tục cho thấy nhóm các Tông Đồ cùng những người hiện diện trong phòng Tiệc Ly “đầy Pnêu-ma thánh” và bắt đầu nói những ngôn ngữ khác như “Pnêu-ma thánh” ban cho (Cv 2,1). Cá nhân thánh Phê-rô cũng được “đầy Pnêu-ma thánh” và cất lời rao giảng sau phép lạ “Cho người què đi được” (Cv 4,8). Thánh Phao-lô cũng được “đầy Pnêu-ma thánh” khi ông Anania đặt tay trên ông theo lệnh của Đức Giê-su (Cv 9,17; Cf. 13,9). Thánh Ste-pha-nô cũng được cho là “đầy Pnêu-ma thánh” khi ông được tuyển chọn và khi sắp bị ném đá “đầy Pnêu-ma thánh” (Cv 6,5), ông đăm đăm nhìn trời và thấy vinh quang Thiên Chúa và Đức Giê-su đang ngự bên hữu Thiên Chúa” (Cv 7,55). Phao-lô cùng Ba-na-ba cảm thấy đầy niềm vui và “đầy Pnêu-ma thánh” khi bị những người Do Thái trục xuất (Cv 13,52). Theo mẫu thức Luca thường sử dụng: “…Đầy Pnêu-ma thánh … nói:…” được áp dụng cho cả ông Da-ca-ri-a (1,67), nhóm Các Tông Đồ (Cv 2,1), và Phê-rô (4,48), thì ở đây bà Ê-li-sa-bét cũng được “đầy Pnêu-ma thánh” và kêu lên một tiếng lớn. Như thế, phần “và bà Ê-li-sa-bét được đầy Pnêu-ma thánh” nên phần đầu của 1,42 chứ không phải phần cuối của 1,41.[5] Như vậy, Lc 1,42 sẽ trở thành: “Và bà Ê-li-sa-bét được đầy Pnêu-ma thánh và bà kêu lên một tiếng kêu lớn: “Em có phúc giữa những người phụ nữ và hoa trái trong lòng em cũng được chúc phúc”.  Trong bối cảnh này, “Pnêu-ma thánh” làm cho bà biện phân được ý nghĩa sự chuyển động của hài nhi trong bụng của bà và làm cho bà cất giọng về sự nhận biết Đức Maria cũng như hài nhi chưa chào đời trong lòng cô.[6]
  4. Bà kêu lên một tiếng kêu lớn”: Đây là lối diễn tả cho một cảm giác phấn khích tột cùng. Cấu trúc bao gồm: Một động từ có nghĩa “kêu la” + danh từ “tiếng kêu” + tính từ “to lớn” đi kèm với tiếng kêu (ἀνεφώνησεν κραυγῇ μεγάλῃ). Có lẽ, không còn cách nào có thể diễn tả hơn nữa cường độ của hành động “kêu lên” của bà Ê-li-sa-bét. Tiếng kêu này có lẽ vang cả núi rừng thành Giu-đa. Qua cách diễn tả này, Luca cho thấy sự phấn khích cực độ trong lòng thai phụ già nua tuổi tác được tác động bởi hài nhi trong bụng và đầy Thánh Thần. Đồng từ “kêu lớn tiếng” (anephonesen) của bà chỉ được dùng để chỉ những tiếng tung hô trong phụng vụ (1Sb 16,45.42) và đặc biệt cuộc di chuyển Hòm Bia (1 Sb 15,28; 2Sb 5,13).”[7] Vì thế, bà Ê-li-sa-bét như đang ở trong một bối cảnh Phụng Vụ đón tiếp Đức Maria và Con Thiên Chúa.
  5. Người đã được chúc phúc trong các phụ nữ và đứa bé cũng đã được chúc phúc”: Câu nói này mang âm hưởng của ân sủng của “Pnêu-ma thánh”. Pnêu-ma thánh đã làm cho bà la lớn và Người cũng cho bà nhìn thấy phúc lành nơi Đức Maria. Bà Ê-li-sa-bét nhìn nhận vị trí ưu việt của người em họ giữa những người phụ nữ. Chính trong vai trò làm mẹ, Đức Maria sẽ đóng góp vào công trình cứu độ cho dân mình.[8] Đức Maria được chúc phúc qua ơn gọi làm mẹ. Hay nói cách khác, Đức Maria được chúc phúc nhờ mang thai Con Thiên Chúa. Đức Giê-su được chúc phúc và Đức Maria được hưởng nhờ sự chúc phúc từ Đức Giê-su. L. Johnson gọi khả năng nhận biết phúc lành của Đức Maria và hài nhi Giê-su là “sự nhận biết sâu sắc mang tính ngôn sứ”. Không cần ai nói, Ê-li-sa-bét dường như tỏ tường mọi sự về vai trò của người em họ và sự cao cả vượt trổi của hài nhi Giê-su so với Gioan.[9]
  6. Thân Mẫu của Đức Chúa của tôi”: Lời tuyên xưng này vẫn nằm trong sự tác động của “Pnêu-ma thánh”. Đức Maria không còn là người chị em họ hàng nữa mà là “Thân Mẫu của Đức Chúa”. Bà Ê-li-sa-bét kính trọng Đức Chúa bao nhiêu thì cũng quý trọng “Thân Mẫu” của Đức Chúa bấy nhiêu. Kiểu nói: “Từ đâu chuyện này xảy ra cho tôi rằng Thân Mẫu Chúa tôi đến cùng tôi” cho thấy bà Ê-li-sa-bét cũng cảm thấy mình có phúc, được vinh dự đón tiếp người em họ trong địa vị Mẹ của Đức Chúa. Gặp gỡ Đức Maria là gặp gỡ chính Chúa. Đức Maria đến viếng thăm cũng là Đức Chúa đến thăm.
  7. Phúc cho người đã tin”: Đức tin của Đức Maria, ngược lại với sự “không tin” của ông Da-ca-ri-a vào những lời sẽ được hoàn tất đúng lúc, và ông đã bị câm (1,20). Theo cấu trúc việc Đức Maria được tuyên xưng “là người được chúc phúc trong các người phụ nữ” song song với “mối phúc” dành cho người đã tin rằng sẽ có sự hoàn tất cho lời mà Chúa hứa. Tính từ “μακαρία” trong tiếng Hy Lạp thường được dùng để bắt đầu cách “Mối Phúc” như trong Mt 5,3-12 và Lc 6,20-23 (Phúc cho anh em là những người nghèo, vì Nước Thiên Chúa là của anh em…). J. Fitzmyer cho rằng Luca giới thiệu mối phúc thứ nhất trong Tin Mừng của ông.[10] Các “Mối Phúc” này được Đức Giê-su công bố và nó thường có hai phần: “Phúc… + vì…”. Tuy nhiên, trong mối phúc mà bà Ê-li-sa-bét dành cho người em họ không có phần “vì…”. Có lẽ, phần “vì…” bao hàm trong “sự hoàn tất của lời đã được nói từ Đức Chúa. Sự hoàn tất đó có thể là toàn bộ lời mà sứ thần Gáp-ri-el đã nói cùng Đức Maria trong buổi truyền tin: “Maria đầy ơn phúc… Đức Chúa ở cùng cô… Cô sẽ mang thai sinh hạ một con trai…Người sẽ nên cao cả và được gọi là Con Đấng Tối Cao…”. Đức Maria đã tin tất cả những lời sứ thần nói và đã cầu xin trong sự khiêm hạ: “Này tôi là nữ tỳ của Đức Chúa, xin hãy xảy ra cho tôi theo như lời sứ thần nói”. Đức Maria đã đáp trả một cách tích cực rộng rãi cho lời mời của sứ thần. Cô đã đón mời mầu nhiệm và tín thác hoàn toàn cho chương trình của Thiên Chúa, vì ý thức rằng mình chỉ là “nữ tỳ” của Chúa. Tất cả những lời sứ thần nói đã xảy ra, và giờ đây Đức Maria đang mang thai Con Thiên Chúa. Được làm Thân Mẫu của Con Chúa là điều mà bao phụ nữ hằng mơ ước. Tính từ “phúc thay” (μακαρία) lại được một “người phụ nữ trong đám đông” dùng để tôn vinh Mẹ của Đức Giê-su: “Phúc thay dạ đã cưu mang ngài và vú đã cho ngài bú” (Lc 11,27). Qua lời giải thích của Đức Giê-su, độc giả hiểu thêm “tốt hơn nên nói là phúc cho những người đã lắng nghe và giữ lời của Thiên Chúa” (Lc 11,28). Đức Maria đã có phúc vì đã tin, nghe, và giữ lời của Thiên Chúa. Trong Cựu Ước, chúng ta cũng gặp thấy hình ảnh bà Lê-a nói rằng “bà có phúc vì những người phụ nữ xem bà là có phúc” (St 30,13). Đức Maria được người chị họ khen là “có phúc” và sau này “muôn thế hệ” cũng nhìn nhận cô là người có phúc (1,48).
  8. Linh hồn… chúc tụng… tinh thần vui mừng: Lời kinh Magnificat được khởi đầu bằng một cấu trúc song song: Linh hồn của tôi (ἡ ψυχή μου)// Tinh thần của tôi (pnêu-ma của tôi); chúc tụng (ngợi khen) // Vui mừng trong Thiên Chúa. “Xu-khê” (ἡ ψυχή) trong tiếng Hy Lạp là linh hồn, sự sống, nguyên lý sống, “trung tâm của sự sống bên trong con người trong nhiều khía cạnh khác nhau của nó” như là cảm xúc và cảm giác.[11] “πνεῦμα” là phần làm cho cơ thể trở nên sống động (hơi thở, hay tinh thần sống); hay là “một phần cá tính của con người” (tinh thần) (đối lại với xác thịt: tinh thần và xác thịt). Sự sống bên trong của con ngươi được chia thành hai phần: “Linh hồn” và “tinh thần” (ψυχὴ καὶ πνεῦμα).[12] Trong thư thứ hai gửi tín hữu Thes-sa-lo-ni-an, thánh Phao-lô nói đến 3 phần của một con người: Tinh thần, linh hồn, và thể xác (τὸ πνεῦμα καὶ ἡ ψυχὴ καὶ τὸ σῶμα) (1 Tx 5,23: “Giờ đây nguyện xin Thiên Chúa thánh hóa anh em cách hoàn toàn, và nguyện xin cho toàn thể tinh thần, linh hồn và thân thể anh em được gìn giữ vẹn toàn không gì đáng trách, vào lúc Đức Giê-su Ki-tô ngự đến”).  Trong bối cảnh này, chúng ta cũng có thể thấy được tác động của mầu nhiệm nhập thể trên 3 phần con người của Đức Maria. Lời nói của Đức Maria (biểu trưng cho hoạt động của thân xác), nói lên sự chúc tụng, ngợi khen của linh hồn và sự mừng vui khôn tả của tinh thần. Magnificat thường được xem làm một bài ca. Có lẽ, Đức Maria đã hát bài ca, ca tụng công trình của Thiên Chúa. Hình ảnh Đức Maria ca tụng Thiên Chúa đối lại với sự “kêu lên một tiếng kêu lớn” của người chị họ, nhằm ca tụng phúc lành của Chúa dành cho người em họ.
  9. Đức Chúa ( κύριος), Thiên Chúa ( θεός), Đấng Cứu Độ ( σωτήρ), Đấng Toàn Năng ( δυνατός): Có bốn danh xưng được dùng để diễn tả Thiên Chúa trong đoạn văn này. Bà Ê-li-sa-bét dùng danh xưng “Đức Chúa” (ὁ κύριος) dành cho Đức Giê-su (1,43: Mẹ của Đức Chúa của tôi đến với tôi) và cho cả Thiên Chúa (1,45: Phúc cho người tin rằng sẽ có sự hoàn tất cho những lời Đức Chúa đã nói). Đức Maria dùng hai danh xưng “Đức Chúa” và “Thiên Chúa” để gọi Thiên Chúa: “Linh hồn tôi ca tụng Đức Chúa, tinh thần tôi vui mừng trong Thiên Chúa” (1,46-47). Có lẽ, vì Đức Maria muốn sử dụng tất cả danh xưng mà cô có được để gọi Thiên Chúa. Hơn nữa, Đức Maria còn dùng thêm hai danh xưng khác nữa để diễn tả Thiên Chúa: (i) Thiên Chúa là Đấng Cứu Độ (1,47) và (ii) Thiên Chúa là Đấng Toàn Năng. Đấng Cứu Độ là Đấng giải thoát, giải phóng con người khỏi ách nô lệ. Đấng Toàn Năng là Đấng có khả năng làm tất cả mọi sự, nhất là những điều cao cả. Ngoài ra, trong lời ca tụng của Đức Maria, độc giả cũng tìm thấy “danh Đức Chúa là thánh” (1,49). Sách Thánh Cựu Ước nói đến Thiên Chúa là Đấng Cứu Độ theo nghĩa giải thoát khỏi áp bức của quân thù, nhất là giải thoát khỏi nô lệ Ai-cập (Tv 106,21; Is 19,20; 43,3). Vua Đa-vít ca tụng Đức Chúa là “núi đá, thành lũy, là Đấng giải thoát” vua; “là khiên mộc, là Đấng Cứu độ quyền năng” (2 Sm 22,2-3; Cf. Tv 18,1-50). Ngôn sứ Isaiah ghi lại rằng: Đức Chúa là Đấng Cứu Độ duy nhất (Is 43,12; Cf. Os 13,4). “Đấng Cứu Độ” mà Đức Maria đề cập có lẽ bao trùm toàn thể truyền thống Cựu Ước về ý niệm giải thoát khỏi tay quân thù và khỏi mọi cơn nguy khốn. Trong bài ca chúc tụng “Benedictus” của ông Da-ca-ri-a song song với bài “Magnificat” của Đức Maria, ông Da-ca-ri-a cũng nói rằng: “Trong nhà của tôi tớ Người là Đa-vít, Người đã cho xuất hiện một quyền năng cứu độ” (Lc 1,69). Đức Giê-su được gọi là Đấng Cứu Độ sinh ra trong thành của vua Đa-vít (Lc 2,11). Như vậy, lời ca tụng của Đức Maria vừa ôn lại kinh nghiệm quá khứ, vừa báo trước công trình nơi Đấng Cứu Độ Giê-su. Và ơn cứu độ của Đức Giê-su bao gồm hành động “tha thứ mọi tội lỗi” và sự chết (Lc 1,77.79). Đức Chúa là Đấng Toàn Năng và là Đấng Cứu Độ đối lại với thân phận Đức Maria là tôi tớ khiêm hạ, hèn mọn, cần được Chúa đoái thương.
  10. Những hành động của Thiên Chúa: Dành cho 3 đối tượng.
  • Trên Đức Maria: (Đoái nhìn; làm những điều lớn lao). Trong Bài Ca Tụng của mình, Đức Maria cảm nhận tình thương Chúa dành cho cá nhân mình rồi cho toàn thể nhân loại, cụ thể là dân tộc Ít-ra-el. Đức Maria tự miêu tả mình là “tôi tớ thấp hèn” đối lại với sự “đoái nhìn” của Đấng Toàn Năng cao cả. Danh từ “δούλη” (doule) vừa có nghĩa là “nữ phục vụ”, vừa có nghĩa là “nữ nô lệ”. Đức Maria nhận thấy địa vị của mình chẳng đáng là gì so với đia vị của của Đức Chúa. Chính sự chênh lệch địa vị này làm cho cô cảm thấy tình thương, vinh dự của Chúa dành cho cô lớn lao như thế nào. Ơn huệ lớn lao đến nỗi người chị họ phải “kêu lên một tiếng kêu lớn” khi nói về sự chúc lành của Chúa dành cho người em họ. Không phải chỉ có người chị họ khen rằng “em thật có phúc” trong lúc biến cố viếng thăm, nhưng mà “từ nay muôn thế hệ sẽ xem rằng tôi có phúc” (μακαριοῦσίν με) (Lc 1,48). Tất cả là vì Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi những điều cao cả. Những điều cao cả có thể là những điều mà sứ thần đã đề cập đến trong biến cố truyền tin. Cao cả nhất là trở thành “Thân Mẫu của Đức Chúa”.[13]
  • Trên mọi người: (Dành lòng thương xót cho những ai kính sợ; Tỏ quyền năng trong cánh tay Người – phân tán những kẻ kêu căng; Lấy quyền lực khỏi những người quyền thế – nâng cao kẻ thấp hèn; Làm no thỏa những người đói – đuổi người giàu về tay không). Tình thương Chúa được mở rộng ra cho tất cả “những ai kính sợ” Người. Những “kẻ kêu căng tự hào trong tim của họ”, Chúa “đuổi đi”, “phân tán”. Trong những trình thuật của Luca những kẻ “kêu căng”, “tự hào” kiểu như thế không thể đón nhận sự viếng thăm của Chúa (Lc 5,21-22.30; 6,8; 7,39; 13,14; 14,1). Đặc tính “kiêu căng” đối nghịch lại với đặc tính “khiêm hạ” nơi Đức Maria.[14] Luca đưa hai cặp song đối về hình ảnh rất sống động: “Người quyền thế, bị tước lấy uy quyền đối lại với kẻ thấp hèn lại được nâng lên”; “Người đói được no thỏa và người giàu lại trở về tay không”. Thiên Chúa bênh vực kẻ “đói kém” và “nghèo hèn”. Trong các “Mối Phúc” Đức Giê-su cũng chúc phúc cho những “người nghèo”: “Phúc cho anh em là những người khó nghèo, vì nước Thiên Chúa là của anh em”; Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ phải đói, vì Thiên Chúa sẽ cho anh em được no lòng” (Lc 6,20-21). Đức Giê-su cũng nhấn mạnh “những người giàu có khó vào Nước Thiên Chúa biết bao! … Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn Người giàu có vào Nước Thiên Chúa” (Lc 18,24-25; Cf. Mc 10,23-27). Sự kiện người thủ lãnh giàu có đã buồn rầu trước lời mời gọi “bán hết của cải và cho người nghèo” cho thấy sự khó khăn mà Đức Giê-su đề cập đến (Lc 18,23). Không được vào nước Thiên Chúa có nghĩa là “trở về tay không” cách vĩnh viễn.
  • Dân tộc Ít-ra-el: Giúp đỡ, phù trì Ít-ra-el. Sự giúp đỡ này dựa trên “sự nhớ lại lòng thương xót” dành cho tổ phụ Áp-ra-ham và cho con cháu đến muôn đời. Trong bài Benedictus, Ông Da-ca-ri-ah cũng đến “lời thề mà Đức Chúa đã thề với tổ phụ Áp-ra-ham (Lc 1,73). Đức Giê-su đã công bố ơn cứu độ đã đến cho nhà của ông Gia-kêu, vì ông cũng là một người con của Áp-ra-ham (Lc 19,9). Sách Công Vụ ghi lại lời hứa với Áp-ra-ham: “Trong con cái của ngươi tất cả các gia đình trên trái đất được chúc lành” (Cv 3,24). Lời hứa này Chúa đã nói cùng Áp-ra-ham từ ngàn xưa: “Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân vĩ đại, và Ta sẽ chúc lành cho ngươi và làm cho tên ngươi vĩ đại, để ngươi được chúc lành… trong ngươi tất cả các gia đình của trái đất sẽ được chúc lành” (St 12,2-3; Cf. 15,5; 17,7-8; 18,8; 22,17).

Bài “Magnificat” của Đức Maria có nhiều nét tương đồng với bài ca của bà Anna trong sách Samuel quyển thứ nhất.[15]

1 Sm 2,1-11 (Bài ca của bà Anna) Lc 1,46-55 (Magnificat)
1 Bà An-na cầu nguyện và nói:

“Tâm hồn (ἡ καρδία) con hoan hỷ vì ĐỨC CHÚA, nhờ ĐỨC CHÚA, con ngẩng đầu hiên ngang. Con mở miệng nhạo báng quân thù: Vâng, con vui sướng vì được Ngài cứu độ.

2 Chẳng có Ðấng thánh nào như ĐỨC CHÚA, chẳng một ai khác, ngoại trừ Ngài, chẳng có Núi Ðá nào như Thiên Chúa chúng ta.

3 Các người chớ nhiều lời huênh hoang tự đắc, miệng đừng thốt ra điều ngạo mạn, vì ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa quán thông, mọi hành vi, chính Người xét xử.

4 Cung nỏ người hùng bị bẻ tan, kẻ yếu sức lại trở nên hùng dũng.

5 Người no phải làm mướn kiếm ăn, còn kẻ đói được an nhàn thư thái. Người hiếm hoi thì sinh năm đẻ bảy, mẹ nhiều con lại ủ rũ héo tàn.

6 ĐỨC CHÚA là Ðấng cầm quyền sinh tử, đẩy xuống âm phủ rồi lại kéo lên.

7 ĐỨC CHÚA bắt phải nghèo và cho giàu có, Người hạ xuống thấp, Người cũng nhắc lên cao.

8 Kẻ mọn hèn, Chúa kéo ra khỏi nơi cát bụi, ai nghèo túng, Người cất nhắc từ đống phân tro, đặt ngồi chung với hàng quyền quý, tặng ngai vinh hiển làm sản nghiệp riêng. Vì nền móng địa cầu là của ĐỨC CHÚA, Người đặt cả hoàn vũ lên trên.

9 Chúa gìn giữ bước chân người trung hiếu, còn ác nhân bị tiêu diệt trong chốn mịt mù, vì con người đâu phải mạnh mà thắng.

10 Kẻ thù ĐỨC CHÚA sẽ bị đập tan, từ trời cao, người cho sấm sét giáng trên đầu. ĐỨC CHÚA xét xử khắp cùng cõi đất, ban quyền năng cho đức vua Người chọn, nêu uy thế đấng Người đã xức dầu tấn phong.”

 

46 và Maria nói: Linh hồn tôi chúc tụng Đức Chúa

47 Tinh thần (p-nêu-ma) tôi vui mừng trong Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ của tôi

48 vì Người đã để tâm đến sự khiêm hạ (thấp hèn) của tôi tớ của Người, vì này từ đây tất cả muôn thế hệ sẽ xem tôi là có phúc,

49 vì Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi những điều lớn lao, và danh Người là than.h

50 Lòng thương xót của Người trải qua thế hệ này đến thế hệ khác dành cho những ai kính sợ Người.

51 Người đã làm quyền năng trong cánh tay của Người, phân tán những kẻ kêu căng trí lòng.

52 Người đã lấy quyền lực khỏi những người quyền thế và nâng cao những kẻ thấp hèn

53 Những người đói Người đã cho no đầy, người giàu có, Người đã đuổi về tay không.

54 Người đã giúp đỡ Ít-ra-el con cái (tôi tớ) của Người, vì Người nhớ đến lòng thương xót,

55 như thể Người đã nói cùng cha ông chúng tôi, Áp-ra-ham, và với con cháu của ông đến muôn đời.

 

 

BÌNH LUẬN TỔNG QUÁT

Đức Maria đã vội vã lên đường “trong những ngày ấy”. Đó là những ngày sau khi cô nhận lời truyền tin của sứ thần và biết được thông tin rằng người chị họ đang thai, đã được sáu tháng (Lc 1,36). Sự viếng thăm này thoạt nhìn có thể có hai lý do: (1) Đức Maria muốn chia sẽ gánh nặng thai nghén cùng người chị họ già nua tuổi tác; (2) Đức Maria cũng muốn chia sẻ với người chị họ là một người có kinh nghiệm, đạo hạnh, về mầu nhiệm Nhập Thể mà cô đã nhận lời cộng tác. Tuy nhiên, phản ứng của hài nhi Gioan cho thấy rằng, cuộc gặp gỡ này không còn là cuộc viếng thăm chia sẻ tình chị em cách thông thường nữa, mà là một hành trình mang ý nghĩa Cứu Độ. Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người.[16] Hài Nhi Gioan – người đã được thiên sứ báo trước là sẽ “đầy Pnêu-ma-thánh khi còn trong lòng mẹ” (1,15) và sẽ mang tước hiệu “Ngôn sứ của Đấng Tối Cao”, “sẽ đi trước Chúa và mở lối cho Người” (1,76) – đã nhận biết sự viếng thăm của Đấng Cứu Độ và thông báo cho mẹ mình bằng hành động “nhảy lên vui sướng”. Phản ứng của bé Gioan đã giúp cho bà mẹ Ê-li-sa-bét nhận ra người em họ chính là Thân Mẫu của Đức Chúa. Sự nhận biết này mang lại cho bà một niềm vui và sự phấn khích khôn tả đến nỗi bà đã phải thốt lên, kêu lớn tiếng ca tụng rằng Đức Maria đã được chúc phúc và hài nhi trong bụng của cô cũng được chúc phúc. Rồi bà cũng cảm nhận vinh dự lớn lao khi được Thân Mẫu Chúa của bà đến viếng thăm. Đây không còn là cuộc gặp gỡ giữa hai người chị em họ, nhưng là cuộc gặp gỡ giữa hai người đang ghé vai cộng tác vào công trình cứu độ của Thiên Chúa: Nếu như người em mang thai Ngôi Hai Thiên Chúa Nhập Thể, thì người chị cũng đang mang thai người dọn đường cho Đấng Cứu Thế. Cuộc gặp gỡ này làm cho tất cả mọi người đều chan chứa niềm vui khôn tả, vì những hồng phúc và chúc lành của Đức Chúa, Đấng Toàn năng dành cho mình và cho nhân loại. Bà Ê-li-sa-bét đã ca ngợi phúc lành của Chúa dành cho người em họ và cho chính gia đình mình, khi được Thân Mẫu Chúa đến viếng thăm. Đức Maria đã ca tụng Thiên Chúa với vô số những danh xưng, Đức Chúa, Thiên Chúa, Đấng Toàn Năng, Đấng Cứu Độ vì muôn vàn hồng ân Chúa đã đổ xuống trên cô, nhân loại và dân tộc Ít-ra-el. Thiên Chúa cao cả từ chốn trời cao đã ghé mắt nhìn đến tôi tớ thấp hèn nơi trần thế. Đức Maria từ thân phận nữ tỳ thấp hèn được trở thành Mẹ Thiên Chúa. Không những người chị họ ngợi khen cô có phúc cách long trọng mà “từ nay muôn thế hệ sẽ xem cô có phúc”. Sự có phúc của cô vượt thời gian, không gian và được nhìn nhận bởi tất cả mọi người. Qua biến cố Nhập Thể, một tình thương lớn lao Chúa dành cho nhân loại, Đức Maria nhớ lại và ca tụng lòng thương xót của Đức Chúa trải dài muôn thế hệ cho những ai kính sợ Người: “Phân tán những kẻ kiêu căng ngạo nghễ; Cho người đói được no thỏa; Người giàu có Người đuồi về tay không; Nâng cảo kẻ thập hèn; Hạ bệ người quyền thế”. Lòng thương xót của Đức Chúa cũng trải dài trong lịch sử Ít-ra-el theo như lời hứa mà Người đã “nói cùng tổ phụ Áp-ra-ham và cho con cháu đến muôn đời”.

Mừng Lễ Đức Mẹ Lên Trời, suy gẫm lại những biến cố trong cuộc đời Đức Mẹ, người tín hữu nhận ra những “bước chân” đi về trời của Mẹ. Dĩ nhiên, được về trời cả hồn lẫn xác là một hồng ân đặc biệt của Chúa. Đức Ki-tô là hoa trái đầu mùa của những kẻ yên giấc (1 Cr 15,23: Mỗi người theo thứ tự của mình, hoa trái đầu mùa là Đức Ki-tô, rồi đến những kẻ thuộc về Người khi Người quang lâm). Đức Maria chắc chắn là hoa trái tiếp theo ngay sau Đức Ki-tô. Tuy đặc ân thăng thiên cả hồn lẫn xác là đặc ân nhưng không của Thiên Chúa, nhưng chúng ta không thể phủ nhận được sự cộng tác tích cực của Đức Maria trong việc lãnh nhận hồng ân này. Bước chân thăm viếng người chị họ Ê-li-sa-bét là một trong những bước chân dài rộng trong hành trình lên trời của Đức Maria. Đó là bước chân mang Tin Vui, Tin Mừng, mang chính Chúa đến cho người khác. Đó là bước chân làm cho nơi mình đến trở thành nơi ca tụng Thiên Chúa không ngừng. Là bước ân làm vỡ òa niềm vui, vì nhớ lại và nhận thức lòng thương xót của Chúa dành cho chính mình, cho muôn người và cho muôn ngàn thế hệ. Nếu như mỗi bước chân đi đến với người khác, nơi khác, đều có Chúa hiện diện và làm chủ như thế, thì ơn cứu độ của Người sẽ được thể hiện và ai ai cũng sẽ bước vào Nước Thiên Chúa. Những cuộc gặp gỡ thường ngày, giữa những người bình thường, với công việc bình thường, cũng sẽ trở thành phi thường vô hạn, nếu tất cả mọi người đều biết đặt Chúa làm trung tâm của mọi cuộc gặp gỡ với bất cứ ai, ở bất cứ nơi đâu, và vì bất cứ công việc gì.

 Joseph Phạm Duy Thạch SVD

(Đăng lần đầu tháng 8/2021)

Chú thích

[1] J.A. Fitzmyer, The Gospel according to Luke I–IX. Introduction, translation, and notes (AYB; New Haven – London 2008) XXVIII, 362.

[2] J.B. Green, The Gospel of Luke (NICNT; Grand Rapids 1997) 95.

[3] L.T. Johnson, The Gospel of Luke (SP 3; Collegeville 2005) 40.

[4] J.A. Fitzmyer, The Gospel according to Luke I–IX. Introduction, translation, and notes, 363.

[5] Cần lưu ý là bản văn khi được soạn thảo bằng tiếng Hy Lạp, không được phân chia thành chương và câu như bây giờ. Việc phân chia câu của bản văn chỉ được làm vào năm 1551 bởi Robert Estienne. Lm. Stephan Langton là người phân chia sách Tân Ước thành chương vào năm 1226. Những sự phân chia này đôi khi chỉ mang tính tương đối.

[6] J.B. Green, The Gospel of Luke, 96.

[7] J.P.D.Thạch, “Đức Giê-su, Trung Tâm của Mọi Cuộc Gặp Gỡ” [LỜI BAN SỰ SỐNG ĐỜI ĐỜI (ῥήματα ζωῆς αἰωνίου): ĐỨC GIÊ-SU, TRUNG TÂM CỦA MỌI CUỘC GẶP GỠ (josephpham-horizon.blogspot.com)] (truy cập 13/08/2021).

[8] J.B. Green, The Gospel of Luke, 96.

[9] L.T. Johnson, The Gospel of Luke, 41.

[10] J.A. Fitzmyer, The Gospel according to Luke I–IX. Introduction, translation, and notes, 365.

[11] A Greek-English lexicon of the New Testament and other early Christian literature (ed. F.W. Danker) (BDAG; Chicago – london 2001) “ψυχή”, 1099.

[12] BDAG, “πνεῦμα”, 833.

[13] Xem thêm, Joseph Phạm Duy Thạch SVD, “Sáu nét đẹp của Đức Maria trong Biến Cố Truyền Tin” (Lc 1,26-38) [LỜI BAN SỰ SỐNG ĐỜI ĐỜI (ῥήματα ζωῆς αἰωνίου): SÁU NÉT ĐẸP CỦA ĐỨC MARIA TRONG BIẾN CỐ TRUYỀN TIN (Lc 1,26-38) (josephpham-horizon.blogspot.com)] (truy cập 12/08/2021).

[14] L.T. Johnson, The Gospel of Luke, 42.

[15] Xem thêm về những điểm tương đồng giữa bài “Magnificat” với các bản văn Cựu Ước trong, T.H.Đ. Ánh, Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Lu-ca. Dẫn vào và Chú Giải Chúa Nhật và Đại Lễ (TpHCM 2011) 68-69.

[16] “Có rất nhiều điểm tương đồng trong sách 2Sm 6 (đoạn nói về vua Đavít chuyển Hòm Bia giao ước từ Giu-đa về Giêrusalem) với Lc 1,39-56. Hai sự kiện cùng xảy ra trong xứ Giu-đa; vua Đa-vít nhảy mừng trước Hòm Bia – Gioan  nhảy mừng trong lòng mẹ; Hòm Bia vào nhà ông Ô-vêt Ê-đom – Đức Maria vào nhà ông Dacaria; Hòm Bia: nguồn phúc – Đức Maria: nguồn phúc; Vua Đa-vít nói: Hòm Bia Thiên Chúa đến với tôi thế nào được – Bà Ê-lisa-bét nói: “Bởi đâu tôi được thân mẫu Chúa tôi đến với tôi?”; Hòm Bia ở nhà ông Ô-vêt Ê-đom ba tháng – Đức Maria ở lại nhà bà Ê-lisa-bét ba tháng. Những chi tiết tương đồng ấy cho thấy Đức Maria đến nhà người chị họ không đơn giản chỉ là cuộc thăm viếng mang tính cách cá nhân. Luca hẳn là muốn nói với độc giả rằng Đức Maria được ví như Hòm Bia Thiên Chúa hiện diện giữa dân Người.” [J.P.D. Thạch, SVD, “Đức Giê-su, trung tâm của mọi cuộc gặp gỡ”, LỜI BAN SỰ SỐNG ĐỜI ĐỜI (ῥήματα ζωῆς αἰωνίου): ĐỨC GIÊ-SU, TRUNG TÂM CỦA MỌI CUỘC GẶP GỠ (josephpham-horizon.blogspot.com)] (truy cập 13/08/2021).

Bài trướcLỜI SỐNG (Chúa Nhật, Tuần 19 TN – A)
Bài tiếp theoLỜI SỐNG (Thứ Hai, Tuần 19 TN)