Tin Mừng : Mt 13,36-43
Bấy giờ, Đức Giêsu bỏ đám đông mà về nhà. Các môn đệ lại gần Người và thưa rằng: “Xin Thầy giải nghĩa dụ ngôn cỏ lùng trong ruộng cho chúng con nghe.” Người đáp: “Kẻ gieo hạt giống tốt là Con Người. Ruộng là thế gian. Hạt giống tốt, đó là con cái Nước Trời. Cỏ lùng là con cái Ác Thần. Kẻ thù đã gieo cỏ lùng là ma quỷ. Mùa gặt là ngày tận thế. Thợ gặt là các thiên thần. Vậy, như người ta nhặt cỏ lùng rồi lấy lửa đốt đi thế nào, thì đến ngày tận thế cũng sẽ xảy ra như vậy. Con Người sẽ sai các thiên thần của Người tập trung mọi kẻ làm gương mù gương xấu và mọi kẻ làm điều gian ác, mà tống ra khỏi Nước của Người, rồi quăng chúng vào lò lửa; ở đó, chúng sẽ phải khóc lóc nghiến răng. Bấy giờ người công chính sẽ chói lọi như mặt trời, trong Nước của Cha họ. Ai có tai thì nghe.
Suy niệm
LÚA VÀ CỎ LÙNG (Tu sĩ Antôn Hà Thừa Lực, SVD)
Trong hành trình rao giảng Tin Mừng, Đức Giêsu thường dùng những hình ảnh rất quen thuộc và gần gũi với con người để bày tỏ về mầu nhiệm Nước Trời. Một trong những hình ảnh đó là lúa và cỏ lùng.
Cỏ lùng là loại cỏ rất phổ biến trong nông nghiệp, đặc biệt là trong các ruộng lúa. Về hình dáng, cỏ lùng và lúa lúc còn non trông giống như nhau khiến người ta khó để phân biệt được. Người ta chỉ có thể phân biệt được chúng khi chúng trổ bông. Trong Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu cũng dùng hình ảnh lúa và cỏ lùng để nói về con cái Thiên Chúa và con cái ác quỷ. Cỏ lùng được ví là con cái ác thần. Còn lúa chính là hạt giống tốt và được ví như là con cái Thiên Chúa. Con cái của Thiên Chúa thì thuộc về thiên Chúa và làm điều thiện. Trong thực tế, chúng ta thấy ranh giới giữa điều thiện và điều ác, giữa cỏ lùng và lúa thật mong manh, vì trong tâm hồn của mỗi người luôn tồn tại hai thái cực thiện và ác. Nói cách khác, bất cứ lúc nào chúng ta cũng có thể trở nên lúa hoặc cỏ lùng. Điều này hệ tại ở sự chọn lựa và hành động của chúng ta.
Nếu chúng ta chọn lựa điều tốt và hành động tốt thì chúng ta sẽ là lúa, thuộc về con cái ánh sáng. Trái lại, nếu chúng ta lựa chọn hành động theo điều ác thì chúng ta sẽ trở nên cỏ lùng. Thiên Chúa ban cho chúng ta sự tự do để chọn lựa làm điều thiện hoặc nghiêng chiều theo điều xấu. Do đó, chọn trở thành lúa hay cỏ lùng là hệ tại ở mỗi người. Tuy nhiên, qua Tin Mừng hôm nay, Thiên Chúa cũng đưa ra một viễn cảnh và chung cuộc cho việc lựa chọn giữa điều thiện hay điều ác. Nếu chúng ta sử dụng tự do để trở nên lúa thì chúng ta sẽ được hạnh phúc; trái lại chúng ta sẽ bị quẳng vào lửa bị thiêu đốt như số phận của cỏ lùng.
Lạy Chúa, giữa một thế giới đầy hưởng thụ và cám dỗ, xin dạy chúng con luôn biết trở thành những hạt giống tốt và luôn được lớn lên cách lành mạnh và tốt đẹp trong tay của Ngài. Amen.
LỰA CHỌN (Tu sĩ G. B. Đinh Dương Minh Quân, SVD)
Thiên Chúa luôn chờ đợi con người: “Cây lau bị dập, Ngài không đành bẻ gãy, tim đèn leo lét Ngài chẳng nỡ tắt đi” (Mt 12,20). Dụ ngôn cỏ lùng nơi bài Tin Mừng hôm nay, được Đức Giêsu giải nghĩa là dụ ngôn về tình yêu, lòng tha thứ, sự khoan dung của Thiên Chúa.
“Xin Thầy giải nghĩa dụ ngôn cỏ lùng trong ruộng cho chúng con nghe” (Mt 13,36). Trong số các dụ ngôn Chúa Giêsu giảng dạy, dụ ngôn “cỏ lùng” có vẻ làm cho các môn đệ rối trí nhất. Đây là dụ ngôn duy nhất mà họ hỏi Đức Giêsu. Dụ ngôn “cỏ lùng” cho người nghe hiểu rằng ông chủ ruộng có một kẻ thù bí nhiệm, hắn hành động lén lút ban đêm như một người có quyền năng giới hạn. Ông chủ không hề xao động; ông bình thản chờ đợi thời vụ; ông biết rằng ông sẽ có lời phán quyết sau cùng. “Cỏ lùng” sẽ không ngăn cản được mùa bội thu, công trình của Thiên Chúa sẽ không bao giờ thất bại cả. Qua đó, dụ ngôn này mời gọi mỗi người chúng ta cùng suy ngẫm về đời mình qua những quyết định của sự lựa chọn hoặc theo tình yêu của Chúa hoặc chìm đắm vào thế gian này.
Thật vậy, “đường đời chật hẹp người chen lấn. Lối Đạo thênh thang hiếm kẻ vào” (St). Con người chúng ta đang không trải nghiệm những phút giây được thấm nhập bởi Lời Chúa, chúng ta bị lôi cuốn đi theo “đường đời chật hẹp”, nơi có vô vàn những lo toan, khát vọng chen lấn, nơi “cỏ lùng” đang triển nở. Ai ai cũng bộn bề bận rộn, cố gắng bon chen để trở thành người này người kia, để đạt được thành tích này nọ, để kiếm được tiền bạc, danh tiếng và sự quan tâm của người khác,… Chúng ta chạy theo đủ thứ “cỏ lùng”, làm đủ loại công việc. Nhưng có một việc quan trọng nhất, mở ra một thực tại đẹp đẽ nhất thì chúng ta lại thường xuyên bỏ lỡ, đó là lắng nghe “giống tốt” gieo vào lương tâm ta.
Lạy Chúa, xin giúp chúng con lắng nghe Lời Ngài trong cuộc sống, để chúng con luôn bước đi theo đường lối của Ngài. Amen.
NGÀY TẬN THẾ (Lm. GB. Nguyễn Hữu Duy, SVD)
LÚA TỐT HAY CỎ LÙNG (Tu sĩ Phaolô Trần Văn Bằng, SVD)
Trong bản thân mỗi chúng ta luôn tồn tại hai mặt tốt và xấu, thánh thiện và ác tính. Những mặt đối lập này là hình ảnh của lúa tốt và cỏ lùng đang song hành điều khiển mọi hoạt động của chúng ta. Lời Chúa hôm nay đưa chúng ta trở về nơi sâu thẳm nhất trong lương tâm của mình, để phản tỉnh và đi tìm đáp án cho câu hỏi: đâu là lúa tốt, đâu là cỏ lùng trong ta?
Một điều chúng ta cần khẳng định chắc chắn rằng: Thiên Chúa là Đấng thiện hảo và tốt lành, mọi sự phát xuất từ Người luôn mang lại lợi ích cho con người bởi chúng được thực hiện dựa trên nền tảng của tình yêu. Người cho ta được hiện diện trên thế gian, với khơi mầm từ hạt giống tốt. Hạt giống đó mang tiềm thể của lòng thương xót, tình bác ái, liên đới, hiệp nhất, đoàn kết và vị tha ẩn chứa trong cái tôi trọn vẹn của mình. Thiên Chúa cho con người được chung phần vào chương trình tốt đẹp của Người trong ruộng lúa thế gian.
Tuy nhiên, là con người, chúng ta cũng phải đón nhận những bất toàn và yếu đuối. Sự bất toàn đó được thể hiện nơi tính hẹp hòi, ích kỷ, hận thù, chia rẽ, ghen ghét và đố kị. Vì thế, con người của chúng ta vừa mang những phẩm tính thiện lành như cây lúa, nhưng cũng chứa đựng những xấu xa và giới hạn như cỏ lùng. Nhiều lúc, chúng ta cảm giác mình như cây lúa tốt tươi thuộc trọn về Chúa, nhưng có khi lại nuông chiều thân xác, chạy theo những sự dễ dãi tầm thường để mặc sức cho cỏ lùng mọc lên vô ích. Lúa và cỏ lùng vẫn còn trộn lẫn trong chính con người của ta. Vì thế, ngay trong những việc tốt chúng ta làm vẫn còn chứa đựng mục đích không thanh sạch.
Lạy Chúa là cha nhân từ và nhẫn nại, Chúa ban cho chúng con điều thiện hảo, nhưng cũng đón nhận những yếu đuối trong chúng con. Xin cho chúng con luôn biết kiên trì và khôn ngoan để giảm bớt những xấu xa hầu một lòng quy hướng về sự thiện hảo và tốt lành nơi Chúa. Amen.