LỜI SỐNG (Thứ Sáu, Tuần 6 Phục Sinh)

0
713
Photo: Growing in Grace

Bài đọc: Cv 18,1-8

Tin Mừng: Ga 16,20-23a

Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Thật, Thầy bảo thật anh em: anh em sẽ khóc lóc và than van, còn thế gian sẽ vui mừng. Anh em sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui. Khi sinh con, người đàn bà lo buồn  vì đến giờ của mình; nhưng sinh con rồi, thì không còn nhớ đến cơn gian nan nữa, bởi được chan chứa niềm vui vì một con người đã sinh ra trong thế gian. Anh em cũng vậy, bây giờ anh em lo buồn, nhưng Thầy sẽ gặp lại anh em, lòng anh em sẽ vui mừng; và niềm vui của anh em, không ai lấy mất được. Ngày ấy, anh em không còn phải hỏi Thầy gì nữa.”


 

Suy niệm: 

NỖI BUỒN TRỞ THÀNH NIỀM VUI (Tu sĩ  Phêrô Trần Phúc Giáp, SVD)

Vui-buồn là hai sắc thái đối nghịch và luôn hiện diện trong cuộc sống. Dĩ nhiên, ai cũng muốn đời mình thật nhiều niềm vui còn nỗi buồn, xin hãy tránh cho xa. Nhưng cuộc đời nào đâu dễ dàng đến vậy. Nỗi buồn vẫn cứ tìm cách len lỏi làm khó chúng ta. Qua cơn mưa trời lại sáng, biết lấy nỗi buồn làm động lực tìm kiếm hạnh phúc và niềm vui, đấy mới là sống.

Trong hành trình bước theo Chúa, chúng ta nhận ra không ai có thể tránh khỏi phút giây buồn bã, cô đơn và thậm chí là thất vọng. Hiểu được điều đó, trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã báo trước cũng như an ủi các Tông Đồ: “Anh em sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui” (Ga 16,20b). Gian nan thử thách không lẩn tránh bất kì một ai, dù có là Tông Đồ theo Chúa lâu năm đi chăng nữa. Chúng ta cũng thấy các ngài đã hoảng hốt sợ hãi thế nào khi Chúa bị bắt; thất vọng thế nào khi Chúa chịu chết. Thế nhưng, miễn là chúng ta không đánh mất niềm tin, biết phó thác vào Chúa thì nỗi buồn, thất vọng sẽ biến thành hoan hỉ. Hai môn đệ trên đường Emmau vui mừng thế nào khi họ nhận ra Chúa qua việc Người bẻ bánh. Các Tông Đồ hạnh phúc biết mấy khi Chúa sống lại và hiện ra với các ngài. Các thánh cũng đã phải chịu biết bao đau khổ mới được vinh thắng khải hoàn trên Nước Trời.

Thực trạng hiện nay, chúng ta chứng kiến nhiều người trẻ dễ dàng đánh mất niềm tin vào cuộc sống. Chỉ một chút khó khăn, vấp ngã, thất bại hay một chút “buồn” thôi, là họ coi như là thế giới đã sụp đổ, cuộc sống đã kết thúc. Chỉ một chút sóng cỏn con, họ đã ngã tay chèo buông xuôi. Do đó, khi gặp gian nan thử thách, chúng ta không được gục ngã hay mất niềm tin vào Thiên Chúa. Niềm tin là điều biến nỗi buồn thành niềm vui.

Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn biết tin tưởng và phó thác vào Chúa. Nhờ ơn Chúa giúp, chúng con vững bước vượt qua phong ba bão táp của cuộc đời. Amen.


NIỀM VUI (Giuse Maria Phạm Văn Thế)

Sau cơn mưa trời lại sáng. Bởi cơn mưa sẽ giúp cho bầu trời trong lành, vạn vật tốt tươi. Ý nghĩa của bài Tin Mừng hôm nay cũng vậy: “Có một niềm vui vĩnh cửu sau khi trải qua đau khổ” (x. Ga 16, 20-23a).

Mở đầu Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu phán cùng các môn đệ: “Anh em sẽ khóc lóc và than van, còn thế gian sẽ vui mừng” (Ga 16,20), và Người nhắc nhớ các ông: đừng để mình gục ngã. Bởi những người theo Đức Giêsu thì thường cản trở sự sa đoạ của thế gian, bị thế gian ghét bỏ và loại trừ. Hơn nữa, ở đây Đức Giêsu còn muốn loan báo một cuộc Khổ nạn sắp sửa bắt đầu. Thế nhưng, Người đã mách bảo các Tông Đồ rằng:“Các con sẽ buồn sầu, nhưng nỗi buồn của các con sẽ trở thành niềm vui” (Ga 16,20). Và Chúa Giêsu đã đưa ra sự so sánh tuyệt vời với việc chuyển dạ sinh con. “Khi sinh con thì lo buồn, nhưng khi đã sinh con rồi, thì mừng rỡ, không còn nhớ đến cơn đau, bởi vì đã có một người sinh ra đời” (Ga 16,21). Niềm vui này cũng sẽ trở nên lớn nhất và bất tận, không ai lấy được (x. Ga 16,22-23a). Bởi khi đó, các môn đệ đã được hẹn gặp Đức Giêsu khi Người sống lại và gặp nhau vĩnh viễn trên thiên đàng.

Là con người, ai cũng mong muốn hạnh phúc. Thế nhưng, đau khổ và sự chết là hai vấn nạn không tránh khỏi của phận người. Thế nhưng, chính thái độ đón nhận đau khổ của ta, làm nên ý nghĩa cuộc sống. Và nơi đau khổ, ta cũng có thể thấy được sức mạnh và tình yêu của Thiên Chúa; bước qua những “cuộc vượt qua”, chiến đấu chống lại tội lỗi, những yếu đuối của bản thân, ta mới không còn ở lại nơi “tạm bợ trần thế”. Vì thế, “Những thử thách của cuộc sống, đang khi giúp chúng ta hiểu được mầu nhiệm Thập giá và dự phần vào đau khổ của Chúa Kitô (x. Cl 1,24), là khúc dạo đầu cho niềm vui và hy vọng mà đức Tin dẫn đến” (ĐTC Bênêđictô XVI – Tự Sắc Porta Fidei).

Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho con sức mạnh của Chúa để con kiên tâm bền chí trước gian lao thử thách mà theo Chúa đến cùng, Amen.


 

NỖI BUỒN THÀNH NIỀM VUI (Lm. GB. nguyễn Hữu Duy, SVD)


 

NIỀM VUI ĐÍCH THỰC (Tu sĩ G. B. Nguyễn Văn Đồng, SVD)

Theo thống kê của tổ chức Open Doors, mỗi ngày trên thế giới có 13 tín hữu bị giết vì đức tin, 12 nhà thờ hoặc cơ sở Thiên Chúa Giáo bị tấn công. Điều này cho thấy Giáo Hội Chúa đang chịu đau khổ như lời Người cảnh báo trong Tin Mừng hôm nay: “Các con sẽ khóc lóc và than van” (Ga 16,20a) Nhưng “lòng các con sẽ vui mừng” (x. Ga 16,22b).

Chúa Giêsu không úp mở khi nói về tương lai cho các môn đệ, rằng họ sẽ gặp đau khổ thử thách, đó cũng là lời cảnh báo cho những người môn đệ đích thực của Người. Người cũng thông báo về những đau khổ Người sẽ phải chịu: sẽ bị nộp, bị đánh đòn, bị sỉ nhục, bị đóng đinh… Người cũng động viên các môn đệ đừng đánh mất niềm hy vọng của họ:

“Nhưng nỗi buồn của các con sẽ thành niềm vui” (Ga 16,20b). Thật vậy, các Tông Đồ và các thánh suốt dòng lịch sử Giáo Hội đã trải qua quá trình bị bắt bớ, bị giết chết. Họ trải qua nhiều thử thách nhưng đã không đánh mất Đức Tin và giờ đây họ được hưởng phúc Thiên Đàng.

Những thử thách mà Chúa Giêsu đã cảnh báo cũng là lời nhắc nhở cho tất cả chúng ta, người môn đệ của Chúa trong thời đại hôm nay. Dù trong hoàn cảnh sống hay ơn gọi nào thì tất cả chúng ta cũng sẽ kinh qua những thử thách đó. Quan trọng là, liệu chúng ta có giữ vững được đức tin và phó thác hay không. Hãy nhớ rằng để có được niềm vui đích thực, chúng ta phải “chết đi” tức phải biết hy sinh chấp nhận gian khổ với niềm vui và hy vọng vào Thiên Chúa. Người phụ nữ lo buồn và đau đớn khi chuyển dạ nhưng khi sinh con rồi thì sẽ vui mừng vì đã đạt được hoa trái của mình. Cũng vậy, chúng ta sẽ vui mừng sau những gian truân vì sẽ tìm thấy niềm vui đích thực của cuộc đời là chính Chúa.

Lạy Chúa, khi gặp thử thách buồn phiền của cuộc sống, xin dạy chúng con biết rằng Chúa là niềm vui đích thực và là lẽ sống của cuộc đời chúng con. Amen.


 

NIỀM VUI TRỌN VẸN (Tu sĩ Carôlô Nguyễn Đình Giá, SVD)

Là một con người, không ai lại không đau buồn trước cảnh chia ly từ biệt. Trong bối cảnh bài Tin Mừng hôm nay, lòng của các môn đệ cũng đầy thất vọng đau buồn trước cảnh chia ly từ biệt với người Thầy yêu dấu của mình. Vì thế, Chúa Giêsu đã an ủi các ông và báo trước rằng chính sự phục sinh của Ngài sẽ là niềm vui mừng trọn vẹn cho các môn đệ.

Niềm vui trọn vẹn của các môn đệ chính là đặt trên sự hiện diện của Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh. Chúa Phục Sinh mang lại niềm vui trọn vẹn vì các ông được gặp lại Thầy mình. Niềm vui ấy trở nên hoàn hảo bởi sự phục sinh ấy đã đảm bảo cho các ông về một sự sống mới, sự sống bất diệt đến từ lời hứa cứu độ của Thiên Chúa. Đó cũng chính là niềm vui cho toàn thể nhân loại, bởi vì Chúa Giêsu Phục Sinh đã đánh bại thần chết, phục hồi những giá trị mà con người đã đánh mất, mang bình an cho nhân loại, và quan trọng nhất là ban cho loài người một niềm hy vọng về một sự sống vĩnh cửu với Ngài. Hạnh phúc lớn lao nhất của con người là chi nếu như không phải là được hưởng sự sống bên Chúa. Đây chính là niềm vui của những ai kiên tâm vững tin vào Thiên Chúa dù có gặp bao nghịch cảnh của đời sống đức tin.

Đời sống đức tin của mỗi Kitô hữu cũng sẽ phải đối diện với biết bao bóng tối của cuộc đời. Thế nhưng, dù bất cứ trong hoàn cảnh nào, chúng ta cũng không bao giờ thất vọng; mà thay vào đó là một lòng vững tin vào Thiên Chúa, bởi lẽ chúng ta còn đó một niềm hy vọng về một sự sống vĩnh cửu trong Thiên Chúa.

Lạy Chúa, giữa biết bao khó khăn của cuộc đời, xin cho con luôn vững tin rằng chỉ có Chúa mới mang lại niềm vui trọn vẹn cho chúng con. Amen.

Bài trướcLỜI SỐNG (Thứ Năm, Tuần 6 Phục Sinh)
Bài tiếp theoChú giải Tin Mừng Chúa Nhật, Lễ Thăng Thiên (B) – (Mc 16,15-20)