LỜI SỐNG (25/07, Thánh Giacôbê Tông đồ (cả), Lễ kính)

0
215

Tin mừng: Mt 20, 20-28

Khi ấy, bà mẹ các con ông Giêbêđê cùng với hai con đến gặp Chúa Giêsu. Bà sấp mình xuống lạy Người, có ý xin Người điều chi đó. Người hỏi: “Bà muốn gì?” Bà ta thưa lại: “Xin Ngài hãy truyền cho hai con tôi đây được ngồi một đứa bên hữu, một đứa bên tả Ngài, trong Nước Ngài”. Chúa Giêsu đáp lại: “Các ngươi không biết điều các ngươi xin. Các ngươi có thể uống chén mà ít nữa đây ta sắp uống chăng?” Họ nói với Người: “Thưa được”. Người bảo họ: “Vậy các ngươi sẽ uống chén của Ta, còn việc ngồi bên hữu hay bên tả, thì không thuộc quyền Ta ban, nhưng Cha Ta đã chuẩn bị cho ai thì người ấy mới được”. Nghe vậy, mười người kia tỏ ra bất bình với hai anh em.

Chúa Giêsu gọi họ lại mà bảo: “Các con biết thủ lãnh của các dân tộc thì thống trị họ và những người làm lớn thì hành quyền trên họ. Giữa các con thì không được thế. Trong các con, ai muốn làm lớn, thì hãy phục vụ các con, và ai muốn cầm đầu các con, thì hãy làm tôi tớ các con. Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng để phục vụ và phó mạng sống làm giá chuộc cho nhiều người”.


 

Suy niệm

LÀM LỚN – PHỤC VỤ (Tu sĩ Giuse Nguyễn Văn Lý, SVD)

Quyền lực là một trong những cám dỗ rất lớn thu hút con người. Các môn đệ của Đức Giêsu xưa cũng không thoát khỏi thực tế đó. Họ cũng khao khát được làm lớn. Thế nhưng, đối với Đức Giêsu, kẻ làm lớn phải là kẻ đi đầu trong việc phục vụ.

Ngồi bên tả hay bên hữu của Đức Giêsu trong nước của Người thực sự là mong muốn của tất cả các môn đệ. Thế nhưng, không một ai dám mở miệng xin Đức Giêsu điều đó. Hai anh em con ông Dêbêđê được cho là bạo dạn trong chuyện này thì cũng phải nhờ đến sự đồng hành của mẹ mình. Thế nhưng, những người này chỉ chú tâm vào vị thế cao lớn mà lại không hiểu trách nhiệm đi kèm với vị thế đó. Đối với Đức Giêsu, làm lớn không có nghĩa là “ăn trên ngồi trốc”, “chỉ tay năm ngón”, nhưng phải là người đi tiên phong trong việc phục vụ. Chính Đức Giêsu, Đấng là Con Thiên Chúa, là Đấng vô tội mà còn đến để phục vụ và hy sinh thân mình để đền tội cho đám tội nhân. Kẻ muốn làm lớn trong vương quốc của Người sẽ chẳng thể nào đi trên một con đường khác được. Nếu chọn làm lớn, họ đồng thời cũng phải chọn phục vụ.

Thánh Giacôbê mà chúng ta mừng kính hôm nay đã từng hiểu sai vai trò làm lớn ấy. Nhưng trên chặng đường đi theo Chúa, ngài đã từng bước hoán cải đời mình để trở nên một con người phục vụ, đặc biệt là phục vụ người nghèo. Trong thư của mình, ngài đã mạnh mẽ bênh vực cho quyền lợi của những người nghèo khổ, đói rách (x. Gc 2,1-13). Ước gì mỗi người chúng ta cũng biết hoán cải để chọn sống phục vụ trước khi chọn làm lớn.

Lạy Chúa, chúng con là những kẻ thuộc về Chúa nhưng vẫn còn bị những ham muốn của thế gian lôi kéo. Xin Chúa biến đổi chúng con mỗi ngày để chúng con sống tinh thần phục vụ giống như Chúa đã nêu gương cho chúng con. Amen.


 

KHÔNG BIẾT… (Lm. GB. Nguyễn Hữu Duy, SVD)


 

ĐÍCH ĐIỂM CỦA NGƯỜI MÔN ĐỆ (Tu sĩ Phêrô Nguyễn Kim Kỳ Anh, SVD)

Trong bất kỳ lãnh vực nào của cuộc sống, ta vẫn thường đặt ra cho mình những đích điểm. Đích điểm ấy vừa mang đến áp lực nhưng đồng thời cũng tạo nên động lực thôi thúc bản thân ta suy nghĩ, hành động để thăng tiến chính mình.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, người mẹ của hai môn đệ Gioan và Giacôbê đã xin Đức Giêsu một đích điểm cho hai người con: “Xin Thầy truyền cho hai con tôi đây, một người ngồi bên hữu và một người ngồi bên tả Thầy trong Nước Thầy” (Mt 20,21). Đáp lại lời cầu xin ấy, Đức Giêsu đã đưa ra cho họ một thách đố kèm theo điều họ muốn xin: “Các người không biết các người xin gì! Các người có uống nổi chén Thầy sắp uống không?” (Mt 20,22). Câu trả lời của Đức Giêsu cũng chính là lời cảnh tỉnh cho mỗi người Kitô hữu về đích điểm của mình.

Nhìn lại bản thân, chúng ta hãy tự hỏi mình rằng liệu chúng ta đã biết cầu nguyện để nhận ra và vâng theo thánh ý Chúa hay chưa? Hay đó chỉ là những lời cầu xin về những điều mình thiếu và những điều mình cần, mình muốn? Trong tư cách là con cái Thiên Chúa, đâu là đích điểm mà ta đang hướng tới? Thiết nghĩ, cầu nguyện không phải là chỉ chú tâm đến “điều ta cần” hay “cái ta muốn” mà quan trọng và cần thiết hơn là tìm ra thánh ý của Thiên Chúa. Chính khi nhận ra thánh ý của Chúa thì đích điểm ta kiếm tìm và hướng tới mới là cùng đích đích thực cho cuộc hành trình của ta.

Lạy Chúa Giêsu, cuộc sống với nhiều lo toan cùng những đau khổ dễ khiến con chỉ nghĩ đến cái lợi của bản thân, thậm chí nhiều khi con còn nhân danh Chúa để chỉ làm thỏa mãn nhu cầu của mình. Xin cho con biết đặt Chúa là đích điểm của đời mình để trong từng ngày sống, con biết ca tụng Danh Thánh Chúa hơn. Amen.

Bài trướcLỜI SỐNG (Thứ Hai, Tuần 16 TN)
Bài tiếp theoGX. VĨNH TUY: HƯỞNG ỨNG NGÀY THẾ GIỚI ÔNG BÀ VÀ NGƯỜI CAO TUỔI