SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC PHANXICÔ CHO NGÀY THẾ GIỚI CẦU NGUYỆN CHO VIỆC BẢO VỆ CÔNG TRÌNH TẠO DỰNG NĂM 2024

0
57

HÃY HY VỌNG VÀ HÀNH ĐỘNG VỚI CÔNG TRÌNH TẠO DỰNG

Ngày Thế giới cầu nguyện cho việc bảo vệ công trình tạo dựng sẽ được mừng vào ngày 1 tháng 9 năm 2024, với chủ đề: “Hãy hy vọng và hành động với công trình tạo dựng”. Nhân dịp này, Đức Phanxicô đã đưa ra, vào Thứ Năm ngày 27 tháng Sáu, một sứ điệp về đức tin, hy vọng và tình yêu. Trong khi quy chiếu đến bức thư của Thánh Phaolô gửi giáo đoàn Rôma, ngài kêu gọi dân Chúa hãy để mình được Chúa Thánh Thần hướng dẫn. Ngài nhắc nhở rằng đức tin là một hồng ân, nhưng cũng là một sứ mạng để sống giới răn yêu thương của Chúa Giêsu nơi những bi kịch của thân xác khổ đau và hy vọng của con người : « Hy vọng và hành động với công trình tạo dựng có nghĩa là sống một đức tin nhập thể, biết đi vào thân xác đau khổ và tràn đầy hy vọng của con người ». Đức Thánh Cha đặc biệt kêu gọi sự hoán cải của con người và đồng thời nhắc nhớ các Kitô hữu rằng việc bảo vệ công trình tạo dựng là một vấn đề đạo đức và thần học.

Trích dẫn Laudate Deum, ngài kêu gọi « suy nghĩ lại vấn đề sức mạnh con người, ý nghĩa và giới hạn của nó ». Bởi vì « sức mạnh của chúng ta đã phát triển một cách quá độ chỉ trong vài thập niên. …, và chúng ta không nhận ra rằng, đồng thời, chúng ta đã trở nên cực kỳ nguy hiểm, có khả năng gây nguy hiểm cho sự sống của nhiều sinh vật cũng như sự sống còn của chính chúng ta ». Từ đó, Đức Phanxicô cảnh báo : « tham vọng sở hữu và thống trị thiên nhiên, thao túng nó theo ý muốn, là một hình thức thờ ngẫu tượng. Chính con người phiên bản thần Prométhé, say sưa với quyền lực kỹ trị của mình, đã kiêu ngạo đặt trái đất vào tình trạng “thất sủng”, nghĩa là tước đi ân sủng của Thiên Chúa. »  Tuy nhiên, trích dẫn Đức Bênêđíctô XVI, Đức Thánh Cha tuyên bố: “Không phải khoa học cứu chuộc con người. Con người được cứu chuộc bởi tình yêu”. Và đó là ý nghĩa của « quy nhân luận thần học » của Kitô giáo. Con người ở trung tâm của vũ trụ, nhưng luôn quy hướng về Thiên Chúa và mở ra cho tha nhân và công trình tạo dựng : « Có một động lực siêu việt (thần học-đạo đức) buộc người Kitô hữu phải cổ võ công lý và hòa bình trên thế giới, thông qua nguyên tắc mục đích phổ quát của của cải. »

Photo: rappler.com

Dưới đây là sứ điệp của Đức Thánh Cha:

Anh chị em thân mến !

“Hãy hy vọng và hành động với công trình tạo dựng”: đây là chủ đề của Ngày cầu nguyện cho việc bảo vệ công trình tạo dựng, ngày 1 tháng Chín. Nó quy chiếu đến lá thư của Thánh Phaolô gửi tín hữu Rôma 8, 19-25: Thánh Tông đồ giải thích ý nghĩa của việc sống theo Thần Khí và tập trung vào niềm hy vọng chắc chắn về ơn cứu độ nhờ đức tin, vốn là đời sống mới trong Chúa Kitô.

  1. Chúng ta hãy khởi đi từ một câu hỏi đơn giản, nhưng có thể không có câu trả lời rõ ràng: khi nào chúng ta thực sự là những tín hữu, có đức tin hệ tại điều gì? Không phải chỉ vì “chúng ta tin” vào một thực tại siêu việt mà lý trí của chúng ta không thể hiểu được, vào mầu nhiệm không thể tiếp cận được về một Thiên Chúa xa xôi, vô hình và không thể gọi tên; nhưng đúng hơn, Thánh Phaolô sẽ nói, đó là vì Chúa Thánh Thần cư ngụ trong chúng ta. Vâng, chúng ta là những tín hữu vì chính Tình Yêu của Thiên Chúa đã được “đổ vào lòng chúng ta” (Rm 5, 5). Do đó, Chúa Thánh Thần giờ đây thực sự là “bảo chứng phần gia nghiệp của chúng ta” (Êp 1, 14), như một sự thúc giục để chúng ta luôn sống hướng tới của cải vĩnh cửu, theo sự viên mãn của nhân tính, đẹp đẽ và tốt lành, của Chúa Giêsu. Chúa Thánh Thần làm cho người tín hữu có tính sáng tạo, chủ động trong đức ái. Tuy nhiên, Ngài dẫn họ vào một cuộc hành trình tự do thiêng liêng lớn lao, tuy nhiên, không miễn trừ cuộc chiến đấu giữa lôgic của thế gian và lôgic của Thánh Thần, vốn mang lại những hoa trái trái ngược nhau (x. Gl 5,16-17). Chúng ta biết rằng hoa trái đầu tiên của Thánh Thần, được cô đọng từ tất cả những hoa trái khác, là tình yêu. Do đó, được Chúa Thánh Thần hướng dẫn, các tín hữu là con cái Thiên Chúa và có thể, như Chúa Giêsu, thân thưa với Ngài bằng cách gọi Ngài là “Abba, Cha ơi” (Rm 8,15) trong sự tự do của một người không còn sợ chết nữa, vì Chúa Giêsu đã sống lại từ cõi chết. Đây là niềm hy vọng lớn lao: tình yêu của Thiên Chúa đã chiến thắng, nó luôn chiến thắng và sẽ còn chiến thắng. Đối với con người mới sống trong Thánh Thần, vận mệnh vinh quang đã chắc chắn rồi, bất chấp viễn cảnh về cái chết thể xác. Niềm hy vọng này không làm chúng ta thất vọng, như Sắc lệnh triệu tập của Năm Thánh sắp tới cũng nhắc nhở chúng ta. [1]
  2. Sự hiện hữu của người Kitô hữu là một đời sống đức tin hoạt động trong bác ái và tràn đầy hy vọng chờ đợi Chúa tái lâm trong vinh quang. Sự “trì hoãn” tái lâm, lần đến thứ hai của Người, không thành vấn đề. Câu hỏi khác là: “Nhưng khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng? » (Lc 18, 8). Đúng vậy, đức tin là một hồng ân, hoa trái của sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong chúng ta, nhưng nó cũng là một sứ mạng phải được thực hiện trong sự tự do, trong sự vâng phục giới răn yêu thương của Chúa Giêsu. Đây là niềm hy vọng diễm phúc mà chúng ta phải làm chứng: ở đâu? khi nào ? như thế nào ? Nơi những bi kịch của thân xác đau khổ của con người. Nếu người ta ước mơ, thì người ta phải ước mơ với đôi mắt rộng mở, tràn đầy những tầm nhìn về tình yêu, tình huynh đệ, tình bạn và công lý cho tất cả mọi người. Ơn cứu rỗi của Kitô giáo thấm sâu vào nỗi đau của thế giới vốn không chỉ bao gồm con người, mà còn cả vũ trụ, chính thiên nhiên, oikos (ngôi nhà) của con người, môi trường sống của con người; nó hiểu công trình tạo dựng như một “thiên đường trần gian”, như là đất mẹ vốn phải là nơi vui vẻ và hứa hẹn hạnh phúc cho tất cả mọi người. Sự lạc quan Kitô giáo dựa trên một niềm hy vọng sống động: nó biết rằng mọi sự đều hướng tới vinh quang của Thiên Chúa, sự hoàn thành cuối cùng trong sự bình an của Ngài, sự phục sinh thân xác trong công lý, “từ vinh quang đến vinh quang”. Nhưng khi thời gian trôi qua, chúng ta chia sẻ nỗi đau đớn và khổ đau: toàn thể công trình tạo dựng đều rên siết (x. Rm 8, 19-22), các Kitô hữu rên siết (x. câu 23-25) và chính Chúa Thánh Thần cũng rên siết (x. câu 26-27). Tiếng rên siết biểu hiện sự lo lắng và đau khổ, cũng như khát vọng và ước muốn. Tiếng rên siết diễn tả niềm tin tưởng vào Thiên Chúa và sự phó thác cho sự đồng hành yêu thương và đòi hỏi của Ngài, nhằm thực hiện kế hoạch của Ngài là niềm vui, tình yêu và bình an trong Chúa Thánh Thần.
  3. Toàn thể công trình tạo dựng đều tham gia vào quá trình tái sinh này và đang rên siết chờ đợi sự giải thoát. Đó là một sự phát triển tiềm ẩn đang trưởng thành, gần giống như “hạt cải trở thành cây lớn” hay “men trong bột” (x. Mt 13, 31-33). Sự khởi đầu rất nhỏ, nhưng kết quả mong đợi có thể vô cùng đẹp đẽ. Như sự mong đợi về một cuộc hạ sinh – sự mặc khải về con cái Thiên Chúa – niềm hy vọng giúp chúng ta có thể đứng vững trong nghịch cảnh, không nản lòng trước những gian truân hay trước sự dã man của con người. Niềm hy vọng Kitô giáo không làm thất vọng, nhưng cũng không lừa dối: tiếng rên siết của công trình tạo dựng, của các Kitô hữu và của Chúa Thánh Thần là sự báo trước và chờ đợi ơn cứu độ đang diễn ra rồi, trong khi chúng ta hiện đang chìm đắm trong nhiều đau khổ mà Thánh Phaolô mô tả là “gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo” (x. Rm 8,35).

Do đó, niềm hy vọng là một cách đọc khác, không ảo tưởng nhưng thực tế, về lịch sử và các biến cố của con người, về tính hiện thực của đức tin nhìn thấy được điều vô hình. Niềm hy vọng này là sự mong chờ đầy kiên nhẫn, như nơi Abraham, người đã không nhìn thấy. Tôi muốn nhắc lại người tín hữu có tầm nhìn vĩ đại này là Joachim de Flore, Tu viện trưởng vùng Calabria “được ban cho tinh thần tiên tri”, theo Dante Alighieri. [2] Vào thời kỳ có những cuộc đấu tranh đẫm máu, xung đột giữa Giáo hoàng và Đế quốc, các cuộc Thập tự chinh, các lạc giáo và sự thế tục hóa Giáo hội, ông đã biết chỉ ra lý tưởng về một tinh thần chung sống mới giữa con người, được đánh dấu bằng tình huynh đệ phổ quát và hòa bình Kitô giáo, những hoa trái của Tin Mừng sống động. Tôi đã đề xuất tinh thần tình bạn xã hội và tình huynh đệ phổ quát này trong Fratelli tutti. Và sự hòa hợp này giữa con người với nhau này cũng phải mở rộng đến công trình tạo dựng trong một “quy nhân luận (anthropocentrisme) cao đẹp” (x. Laudate Deum, số 67), với trách nhiệm đối với một hệ sinh thái nhân bản và toàn diện, con đường cứu rỗi của ngôi nhà chung của chúng ta và của chính chúng ta là những người đang sống trong đó.

  1. Tại sao trên thế giới có rất nhiều sự dữ? Tại sao có rất nhiều bất công, có rất nhiều chiến tranh huynh đệ tương tàn khiến trẻ em chết, tàn phá các thành phố, làm ô nhiễm môi trường sống của con người, đất mẹ bị xâm phạm và tàn phá? Khi ngầm đề cập đến tội lỗi của Ađam, Thánh Phaolô nói: “Chúng ta biết rằng: cho đến bây giờ, muôn loài thọ tạo cùng rên siết và quằn quại như sắp sinh nở” (Rm 8, 22). Cuộc đấu tranh luân lý của các Kitô hữu gắn liền với tiếng “rên siết” của công trình tạo dựng, bởi vì nó “đã lâm vào cảnh hư ảo” (c. 20). Toàn bộ vũ trụ và mọi thụ tạo đều rên siết và khao khát “một cách nôn nóng”, để tình trạng hiện tại có thể được khắc phục và tình trạng ban đầu được phục hồi. Thật vậy, việc giải phóng con người cũng bao hàm việc giải phóng tất cả các thụ tạo khác, khi liên đới với thân phận con người, cũng đã bị đặt dưới ách nô lệ.

Giống như nhân loại, công trình tạo dựng – không phải do lỗi của nó – bị nô lệ và không thể làm những gì nó được dự kiến để làm, tức là có một ý nghĩa và một mục đích bền vững. Nó có thể bị phân hủy và chết, vốn trở nên trầm trọng hơn do sự lạm dụng thiên nhiên của con người. Nhưng trái lại, ơn cứu rỗi của con người trong Chúa Kitô là niềm hy vọng chắc chắn cho công trình tạo dựng “cũng sẽ được giải thoát, không phải lệ thuộc vào cảnh hư nát, mà được cùng với con cái Thiên Chúa chung hưởng tự do và vinh quang” (Rm 8, 21). Như vậy, trong ơn cứu chuộc của Chúa Kitô, có thể chiêm ngắm, trong niềm hy vọng, mối dây liên đới giữa con người và mọi thụ tạo khác.

  1. Trong niềm hy vọng và kiên trì chờ đợi sự trở lại vinh quang của Chúa Giêsu, Chúa Thánh Thần giữ cho cộng đồng tín hữu luôn tỉnh thức và liên tục hướng dẫn họ, Ngài kêu gọi họ hoán cải lối sống, chống lại sự suy thoái môi trường do con người gây ra, và thể hiện sự phê bình xã hội này, mà trước hết là bằng chứng cho khả năng thay đổi. Sự hoán cải này hệ tại việc chuyển từ sự kiêu ngạo của những người muốn thống trị tha nhân và thiên nhiên – bị biến thành một sự vật để thao túng – đến sự khiêm nhường của những người quan tâm đến người khác và công trình tạo dựng.

“Con người, khi tự phụ thay thế Thiên Chúa, sẽ trở thành mối nguy hiểm tồi tệ nhất cho chính mình” (Laudate Deum, số 73), bởi vì tội lỗi của Ađam đã phá hủy các mối quan hệ cơ bản mà con người sống: những mối quan hệ với Thiên Chúa, với chính mình và với những người khác, và cả những mối quan hệ với vũ trụ. Tất cả những mối quan hệ này phải được hợp lực khôi phục, cứu vớt, “được trả lại công bằng”. Không thể thiếu đi mối quan hệ nào. Nếu thiếu một trong số đó, mọi thứ sẽ sụp đổ.

  1. Hy vọng và hành động với công trình tạo dựng trước hết có nghĩa là hợp lực, bằng cách đồng hành với tất cả mọi người nam nữ thiện chí, góp phần “suy nghĩ lại vấn đề sức mạnh con người, ý nghĩa và giới hạn của nó. Quả thực, sức mạnh của chúng ta đã phát triển một cách quá độ chỉ trong vài thập niên. Chúng ta đã đạt được tiến bộ công nghệ đầy ấn tượng và đáng kinh ngạc, và chúng ta không nhận ra rằng, đồng thời, chúng ta đã trở nên cực kỳ nguy hiểm, có khả năng gây nguy hiểm cho sự sống của nhiều sinh vật cũng như sự sống còn của chính chúng ta” (Laudate Deum, số 28). Sức mạnh không được kiểm soát sẽ tạo ra quái vật và quay lưng lại với chính chúng ta. Đây là lý do tại sao ngày nay thật cấp bách để đặt ra các giới hạn đạo đức cho sự phát triển của trí tuệ nhân tạo mà, với khả năng tính toán và mô phỏng của nó, có thể được sử dụng cho mục đích thống trị con người và thiên nhiên, hơn là để phục vụ cho hòa bình và sự phát triển toàn diện. (Xem Thông điệp Ngày Hòa bình Thế giới 2024).
  2. “Chúa Thánh Thần đồng hành với chúng ta trong cuộc sống”. Đây là điều mà các thiếu nhi quy tụ tại Quảng trường Thánh Phêrô nhân Ngày Thế giới đầu tiên của các em, trùng với Chúa Nhật Lễ Chúa Ba Ngôi, đã hiểu rõ. Thiên Chúa không phải là một ý tưởng trừu tượng về sự vô hạn, nhưng Ngài là Chúa Cha đầy yêu thương, là Chúa Con bạn hữu và Đấng cứu chuộc mọi người, và là Chúa Thánh Thần, Đấng hướng dẫn chúng ta bước đi trên con đường bác ái. Việc vâng phục Thánh Thần tình yêu thay đổi hoàn toàn thái độ của con người: từ “kẻ săn mồi” trở thành “người vun trồng” khu vườn. Trái đất được giao phó cho con người, nhưng vẫn thuộc về Thiên Chúa (x. Lv 25, 23). Đây là quy nhân luận thần học của truyền thống Do Thái-Kitô giáo. Vì vậy, tham vọng sở hữu và thống trị thiên nhiên, thao túng nó theo ý muốn, là một hình thức thờ ngẫu tượng. Chính con người phiên bản thần Prométhé, say sưa với quyền lực kỹ trị của mình, đã kiêu ngạo đặt trái đất vào tình trạng “thất sủng”, nghĩa là tước đi ân sủng của Thiên Chúa. Thế nhưng, nếu ân sủng của Thiên Chúa là Chúa Giêsu, đã chết và sống lại, thì như thế, điều Đức Bênêđíctô XVI đã nói là đúng: “Không phải khoa học cứu chuộc con người. Con người được cứu chuộc bởi tình yêu” (Thông điệp Spe Salvi, số 26), tình yêu của Thiên Chúa trong Chúa Kitô mà không gì và không ai có thể tách rời chúng ta (xem Rm 8, 38-39). Liên tục bị thu hút bởi tương lai của nó, công trình tạo dựng không tĩnh tại hay khép kín nơi chính nó. Ngày nay, cũng nhờ những khám phá của vật lý đương đại, mối liên hệ giữa vật chất và tinh thần ngày càng thu hút sự hiểu biết của chúng ta.
  3. Do đó, việc bảo vệ công trình tạo dựng không chỉ là một vấn đề đạo đức mà còn là một vấn đề thần học nổi bật. Nó thực sự liên quan đến sự đan xen giữa mầu nhiệm con người và mầu nhiệm Thiên Chúa. Sự đan xen này có thể được gọi là “có tính sinh sản” vì nó trở lên tới hành vi yêu thương mà qua đó Thiên Chúa tạo dựng con người trong Chúa Kitô. Hành động sáng tạo này của Thiên Chúa trao ban và thiết lập hành động tự do của con người và mọi nền đạo đức của con người: tự do chính trong việc con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa là Chúa Giêsu Kitô và, vì lý do này, “đại diện” của công trình tạo dựng trong chính Chúa Kitô. Có một động lực siêu việt (thần học-đạo đức) buộc người Kitô hữu phải cổ võ công lý và hòa bình trên thế giới, thông qua nguyên tắc mục đích phổ quát của của cải. Đó là sự mặc khải của con cái Thiên Chúa mà công trình tạo dựng đang chờ đợi, đang rên siết như trong cơn đau sinh nở. Vấn đề không chỉ là cuộc sống trần thế của con người trong lịch sử, nhưng trên hết là số phận của con người trong cõi vĩnh hằng, đích điểm cánh chung (eschaton) của hạnh phúc của chúng ta, Thiên đường bình an của chúng ta, trong Đức Kitô, Chúa của vũ trụ, Đấng Chịu Đóng Đinh – Phục sinh bởi tình yêu.
  4. Hy vọng và hành động với công trình tạo dựng có nghĩa là sống một đức tin nhập thể, biết đi vào thân xác đau khổ và tràn đầy hy vọng của con người, chia sẻ niềm mong chờ sự sống lại của thân xác mà các tín hữu đã được tiền định trong Chúa Kitô. Trong Chúa Giêsu, Người Con vĩnh cửu trong thân xác con người, chúng ta thực sự là con cái của Chúa Cha. Nhờ đức tin và bí tích Rửa Tội, đời sống theo Thánh Thần bắt đầu đối với người tín hữu (xem Rm 8, 2), một đời sống thánh thiện, một cuộc sống như con cái Chúa Cha, như Chúa Giêsu (xem Rm 8, 14-17), vì , nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần, Chúa Kitô sống trong chúng ta (xem Gl 2, 20). Một cuộc sống trở thành bài ca tình yêu dành cho Thiên Chúa, cho nhân loại, với và cho công trình tạo dựng, và tìm thấy sự viên mãn của nó trong sự thánh thiện. [3]

Rôma, Đền thờ Thánh Gioan Latêranô, ngày 27 tháng 6 năm 2024

PHANXICÔ

——————————————-

[1] Spes non confundit, Sắc chỉ triệu tập Năm Thánh Thường lệ Năm 2025 (9/5/2024).

[2] Divine Comédie, Paradis, XII, 141.

[3] Clemente Rebora, linh mục dòng Rosmini, đã diễn đạt điều đó một cách đầy thi vị: “Trong khi công trình tạo dựng hướng về Chúa Cha trong Chúa Kitô, / thì trong bí nhiệm của số phận / mọi sự đều là nỗi đau đớn khi sinh nở: / có bao nhiêu cái chết để một sự sống được sinh ra ! / Tuy nhiên, từ một Người Mẹ Thiên Chúa duy nhất, / chúng ta may mắn đến được với ánh sáng: / sự sống mà tình yêu tạo ra trong nước mắt, / và, nếu nó khao khát, thì ở dưới đây là thơ ca; / nhưng chỉ có sự thánh thiện mới hoàn thành được bài ca” (Curriculum vitae, “Poesia e santità”: Poesie, prose e traduzioni, Milano 2015, tr. 297).

————————————————————————

Tý Linh chuyển ngữ (bản dịch Kinh Thánh của Nhóm CGKPV)

(nguồn: https://xuanbichvietnam.net/trangchu/su-diep-cua-duc-phanxico-cho-ngay-the-gioi-cau-nguyen-cho-viec-bao-ve-cong-trinh-tao-dung-hay-hy-vong-va-hanh-dong-voi-cong-trinh-tao-dung/)

(nguồn : vatican.va)

 

Bài trướcLỜI SỐNG (25/07, Thánh Giacôbê Tông đồ (cả), Lễ kính)
Bài tiếp theoGX. MỸ THANH: RA MẮT HỘI ĐỒNG MỤC VỤ (NK: 2024-2028)