Chú Giải Tin Mừng Chúa Nhật III Phục Sinh, Năm A (Lc 24,13-35)

0
15864

MẮT BỊ NGĂN CẢN – MẮT ĐƯỢC MỞ RA

Lm. Giuse Phạm Duy Thạch, SVD chú giải

Bản văn và dịch sát nghĩa (Lc 24,13-35)

Việt Hy Lạp
13 Và này, vào ngày hôm ấy, có hai người trong số họ đang hành trình đến một ngôi làng, cách Jêrusalem sáu mươi stadios (khoảng 11,4 km), tên là Emmaus,

14 và họ cứ nói với nhau về tất cả những gì mới xảy ra ấy.

15 chuyện xảy ra là đang lúc họ nói chuyện và thảo luận với nhau, thì chính Ðức Giêsu đến gần và đồng hành với họ;

16 nhưng mắt họ cứ bị ngăn cản khiến họ không nhận ra được Người.

17 Người mới nói cùng họ: “Các anh đang thảo luận với nhau về chuyện gì, đang khi đi đường vậy?” Họ đứng lại với bộ mặt buồn bã.

18 Một người tên là Clêôpas đáp lại cùng Người rằng: “Ông là người duy nhất trọ lại Jêrusalem và không biết những chuyện xảy ra ở đó mấy ngày nay”.

19 Và Người nói cùng họ: “Chuyện gì vậy?” Họ nói cùng Người: “Những chuyện về ông Giêsu Nadarét, người đã xuất hiện như một vị ngôn sứ quyền năng trong việc làm và lời nói, trước mặt Thiên Chúa và toàn dân.

20 Làm sao các thượng tế và các lãnh đạo của chúng tôi lại nộp Người, để Người chịu án tử hình, và người ta đã đóng đinh Người.

21 Còn chính chúng tôi từng hy vọng rằng chính Người là Ðấng sẽ giải thoát Israel. Tuy nhiên, với tất cả những chuyện ấy, nay đã là ngày thứ ba rồi, kể từ khi những chuyện ấy xảy ra!

22 Nhưng có vài người phụ nữ trong nhóm chúng tôi đã làm chúng tôi kinh ngạc khi họ đi đến mồ lúc sáng sớm;

23 Và không tìm thấy thi hài của Người, họ đến để nói là đã thấy sự xuất hiện của các sứ giả nói rằng Người đang sống.

24 Có vài người ở với chúng tôi đã đi tới mồ, và đã tìm thấy y như những người phụ nữ đã nói, nhưng họ không thấy Người!”

25 Bấy giờ Người mới nói cùng họ: “Hỡi những kẻ ngớ ngẩn và lòng chậm tin vào tất cả những điều các ngôn sứ đã nói!

26 Không phải là Ðấng Kitô phải chịu khổ nạn như thế đã, rồi mới đi vào vinh quang của Người sao?”

27 Và bắt đầu với ông Môsê và tất cả các Ngôn Sứ, Người giải thích cho họ tất cả những điều đã viết về Người.

28 Khi họ đã tới gần ngôi làng mà họ đang đi đến, Người giả vờ như còn phải đi xa hơn.

29 Nhưng họ cố nài ép Người rằng: “Hãy ở lại với chúng tôi, vì trời đã tối, và ngày đã tàn!” và Người đã đi vào để ở lại với họ.

30 Và xảy ra là đang khi đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, chúc tụng, bẻ ra và bắt đầu trao cho họ,

31 Mắt họ được mở ra và họ nhận biết Người nhưng Người đã biến mất khỏi họ.

32 Họ mới nói cùng nhau: “Không phải lòng chúng ta đã được thiêu đốt khi Người bắt đầu nói cho chúng ta trên đường, và bắt đầu giải nghĩa Sách Thánh cho chúng ta đó sao?”

33 Thế là, ngay giờ đó, họ trỗi dậy và trở về Jêrusalem; tìm thấy nhóm Mười Một đang tụ họp với nhau, cùng với những người đang ở với họ.

34 Những người này nói rằng: “Chúa đã thực sự sống lại và đã hiện ra cho Simôn”

35 Và họ luyên thuyên kể lại những chuyện đã xảy ra dọc đường, và làm sao họ đã nhận biết Người lúc bẻ bánh.

 

13  Καὶ ἰδοὺ δύο ἐξ αὐτῶν ἐν αὐτῇ τῇ ἡμέρᾳ ἦσαν πορευόμενοι εἰς κώμην ἀπέχουσαν σταδίους ἑξήκοντα ἀπὸ Ἰερουσαλήμ, ᾗ ὄνομα Ἐμμαοῦς,

14 καὶ αὐτοὶ ὡμίλουν πρὸς ἀλλήλους περὶ πάντων τῶν συμβεβηκότων τούτων.

15 καὶ ἐγένετο ἐν τῷ ὁμιλεῖν αὐτοὺς καὶ συζητεῖν καὶ αὐτὸς Ἰησοῦς ἐγγίσας συνεπορεύετο αὐτοῖς,

16 οἱ δὲ ὀφθαλμοὶ αὐτῶν ἐκρατοῦντο τοῦ μὴ ἐπιγνῶναι αὐτόν.

17 εἶπεν δὲ πρὸς αὐτούς· τίνες οἱ λόγοι οὗτοι οὓς ἀντιβάλλετε πρὸς ἀλλήλους περιπατοῦντες; καὶ ἐστάθησαν σκυθρωποί.

18 ἀποκριθεὶς δὲ εἷς ὀνόματι Κλεοπᾶς εἶπεν πρὸς αὐτόν· σὺ μόνος παροικεῖς Ἰερουσαλὴμ καὶ οὐκ ἔγνως τὰ γενόμενα ἐν αὐτῇ ἐν ταῖς ἡμέραις ταύταις;

19 καὶ εἶπεν αὐτοῖς· ποῖα; οἱ δὲ εἶπαν αὐτῷ· τὰ περὶ Ἰησοῦ τοῦ Ναζαρηνοῦ, ὃς ἐγένετο ἀνὴρ προφήτης δυνατὸς ἐν ἔργῳ καὶ λόγῳ ἐναντίον τοῦ θεοῦ καὶ παντὸς τοῦ λαοῦ,

20 ὅπως τε παρέδωκαν αὐτὸν οἱ ἀρχιερεῖς καὶ οἱ ἄρχοντες ἡμῶν εἰς κρίμα θανάτου καὶ ἐσταύρωσαν αὐτόν.

21 ἡμεῖς δὲ ἠλπίζομεν ὅτι αὐτός ἐστιν ὁ μέλλων λυτροῦσθαι τὸν Ἰσραήλ· ἀλλά γε καὶ σὺν πᾶσιν τούτοις τρίτην ταύτην ἡμέραν ἄγει ἀφ᾽ οὗ ταῦτα ἐγένετο.

22 ἀλλὰ καὶ γυναῖκές τινες ἐξ ἡμῶν ἐξέστησαν ἡμᾶς, γενόμεναι ὀρθριναὶ ἐπὶ τὸ μνημεῖον,

23 καὶ μὴ εὑροῦσαι τὸ σῶμα αὐτοῦ ἦλθον λέγουσαι καὶ ὀπτασίαν ἀγγέλων ἑωρακέναι, οἳ λέγουσιν αὐτὸν ζῆν.

24 καὶ ἀπῆλθόν τινες τῶν σὺν ἡμῖν ἐπὶ τὸ μνημεῖον καὶ εὗρον οὕτως καθὼς καὶ αἱ γυναῖκες εἶπον, αὐτὸν δὲ οὐκ εἶδον.

25 Καὶ αὐτὸς εἶπεν πρὸς αὐτούς· ὦ ἀνόητοι καὶ βραδεῖς τῇ καρδίᾳ τοῦ πιστεύειν ἐπὶ πᾶσιν οἷς ἐλάλησαν οἱ προφῆται·

26 οὐχὶ ταῦτα ἔδει παθεῖν τὸν χριστὸν καὶ εἰσελθεῖν εἰς τὴν δόξαν αὐτοῦ;

27 καὶ ἀρξάμενος ἀπὸ Μωϋσέως καὶ ἀπὸ πάντων τῶν προφητῶν διερμήνευσεν αὐτοῖς ἐν πάσαις ταῖς γραφαῖς τὰ περὶ ἑαυτοῦ.

28 Καὶ ἤγγισαν εἰς τὴν κώμην οὗ ἐπορεύοντο, καὶ αὐτὸς προσεποιήσατο πορρώτερον πορεύεσθαι.

29 καὶ παρεβιάσαντο αὐτὸν λέγοντες· μεῖνον μεθ᾽ ἡμῶν, ὅτι πρὸς ἑσπέραν ἐστὶν καὶ κέκλικεν ἤδη ἡ ἡμέρα. καὶ εἰσῆλθεν τοῦ μεῖναι σὺν αὐτοῖς.

30 καὶ ἐγένετο ἐν τῷ κατακλιθῆναι αὐτὸν μετ᾽ αὐτῶν λαβὼν τὸν ἄρτον εὐλόγησεν καὶ κλάσας ἐπεδίδου αὐτοῖς,

31 αὐτῶν δὲ διηνοίχθησαν οἱ ὀφθαλμοὶ καὶ ἐπέγνωσαν αὐτόν· καὶ αὐτὸς ἄφαντος ἐγένετο ἀπ᾽ αὐτῶν.

32 καὶ εἶπαν πρὸς ἀλλήλους· οὐχὶ ἡ καρδία ἡμῶν καιομένη ἦν [ἐν ἡμῖν] ὡς ἐλάλει ἡμῖν ἐν τῇ ὁδῷ, ὡς διήνοιγεν ἡμῖν τὰς γραφάς;

33 Καὶ ἀναστάντες αὐτῇ τῇ ὥρᾳ ὑπέστρεψαν εἰς Ἰερουσαλὴμ καὶ εὗρον ἠθροισμένους τοὺς ἕνδεκα καὶ τοὺς σὺν αὐτοῖς,

34 λέγοντας ὅτι ὄντως ἠγέρθη ὁ κύριος καὶ ὤφθη Σίμωνι.

35 καὶ αὐτοὶ ἐξηγοῦντο τὰ ἐν τῇ ὁδῷ καὶ ὡς ἐγνώσθη αὐτοῖς ἐν τῇ κλάσει τοῦ ἄρτου. (Lk. 24:13-35 BGT)

 

Bối cảnh

Lc 24,13-35 thuộc tập hợp những câu chuyện liên quan đến sự kiện Phục Sinh. Trong bối cảnh trực tiếp, câu chuyện này được đặt ngay sau trình thuật về ngôi mộ trống. Hai môn đệ trong câu chuyện này có nhắc đến sự kiện những người phụ nữ đã đi ra mộ, không tìm thấy thi hài của Đức Giêsu, đã đến và thông tin rằng họ đã thấy sứ giả của Chúa hiện ra, nói rằng Chúa vẫn sống. Họ cũng nhắc đến sự kiện “một vài người ở với chúng tôi” cũng đi ra mộ và thấy giống như các bà nói. Đó là toàn bộ những chi tiết căn bản của câu chuyện về “ngôi mộ trống” đã được kể lại trước đó (Lc 24,1-12). Sự nối kết về mặt thời gian là rất rõ ràng. Trạng ngữ “vào chính ngày ấy” (ἐν αὐτῇ τῇ ἡμέρᾳ) diễn tả thời gian cùng ngày mà những người phụ nữ đi ra mộ, tức là “ngày thứ nhất trong tuần” được nói đến trong Lc 24,1. Câu chuyện hai người bộ hành kể về Đức Giêsu Nadarét bao quát toàn bộ cả hành trình rao giảng của Đức Giêsu và mầu nhiệm khổ nạn mà Đức Giêsu vừa mới trải qua (Lc 24,21). Lời giải thích của Đức Giêsu bao quát toàn bộ truyền thống Cựu Ước liên quan đến Đấng Mêsia. Sự hoàn tất của những điều mà Môsê, các Ngôn Sứ và Thánh Vịnh đã chép về Đấng Mêsia, còn được nhắc lại một lần nữa trong 24,44. Cử chỉ “bẻ bánh” gợi nhớ đến các phép lạ hóa bánh ra nhiều và nghi thức Đức Giêsu làm cách đặc biệt trong bữa ăn cuối cùng (Lc 22, 19-20; Mc 14,22-24; Mt 26,26-28; 1 Cr 11,23-25).[1] Trình thuật này được tiếp nối với câu chuyện Đức Giêsu hiện ra lần nữa với tất cả nhóm, bao gồm Nhóm Mười Một, hai người lữ hành về Emmaus, và tất cả những người đang ở với họ (Lc 24,36-43). Trình thuật về cuộc gặp gỡ giữa Đức Giêsu và những người lữ hành trên đường Emmaus là dữ liệu riêng của tác giả Luca. Câu chuyện này cũng được Tin Mừng Máccô (phần thêm vào) nhắc đến cách ngắn gọn: “Người tỏ mình ra trong hình dạng khác với hai người đang trên đường về quê” (16,12).

 

Cấu trúc

(A) Ra đi (13-14): Hai người, về Emmaus

(B) Không nhận ra Người (15-24):

Chính Ðức Giêsu đến gần và cùng hành trình với họ 

Mắt họ cứ bị ngăn cản khiến họ không nhận ra được Người

Kể chuyện về Đức Giêsu Nadarét:

♦Ngôn sứ đầy quyền năng trong lời nói và việc làm

♦Bị các Thượng Tế và các lãnh đạo nộp

♦Chịu bản án tử hình 

♦Chịu đóng đinh

Đã từng hy vọng Người là Đấng giải thoát Israel

Tất cả những chuyện ấy đã xảy ra, nay đã là ngày thứ ba rồi

Vài người phụ nữ không tìm thấy xác Người, tường thuật rằng Người đang sống vài người ở với chúng tôi đã đi tới mồ, thấy y như những người phụ nữ đã nói, nhưng họ không thấy Người!

Lý do không nhận ra (25-26):

Những kẻ ngớ ngẩn và lòng chậm tin vào tất cả những điều các ngôn sứ nói

Ðức Kitô phải chịu khổ nạn như thế, rồi mới đi vào vinh quang của Người 

(B’) Nhận ra Người (27-32)

Giải nghĩa biến cố (27):

Bắt đầu với ông Môsê và tất cả các ngôn sứ,

Người giải thích cho họ tất cả những điều đã viết về Người.

Ở lại và bẻ bánh (28-32): 

Khẩn thiết mời Người ở lại

Người đã vào nhà để ở lại với họ. 

Người cầm lấy bánh, chúc tụng, bẻ ra và bắt đầu trao cho họ 

Mắt họ được mở rahọ nhận biết Người

Lòng chúng ta đã được thiệu đốt khi Người nói và giải nghĩa sách Thánh

(A’) Trở về (33-35):

Ngay giờ đó, họ trỗi dậy và trở về Jêrusalem;

Tìm thấy nhóm Mười Một đang tụ họp với nhau

Chúa đã thực sự sống lại và đã hiện ra cho Simôn” 

Họ luyên thuyên kể lại những chuyện đã xảy ra dọc đường,

Họ đã nhận biết Người lúc bẻ bánh

 

Một số điểm chú giải

  1. Hai người trong số họ (δύο ἐξ αὐτῶν): Hai người này chắc chắn không thuộc Nhóm Mười Một. Có lẽ, họ thuộc nhóm “những người khác” (πᾶσιν τοῖς λοιποῖς) được nhắc đến trong Lc 24,9. Danh tính của một trong hai người được nói đến là ông Clêôpas (Κλεοπᾶς). Đây là lần duy nhất Tân Ước nhắc đến danh xưng này. Tin Mừng Gioan có nhắc đến một nhân vật tên là Clôpas (Κλωπᾶς Ga 19,25). Có một vài nhà chú giải nối kết hai người này lại với nhau, nhưng theo tác giả J. Fitzmyer, hai danh xưng này không liên quan gì đến nhau cả, vì Clêôpas (dạng ngắn của Clêôpatros) có nguồn gốc tiếng Hy Lạp, còn Clôpas có nguồn gốc từ tiếng Sêmít. Nhiều tác giả tìm cách giải thích vì sao một người được kể tên là Clêôpas và người còn lại là ai. Tuy nhiên, không có nguồn nào có thể xác định chính xác được những thắc mắc ấy. Tốt nhất, nên hiểu đó là dữ liệu của tiền Tin Mừng Luca.[2] Điều chúng ta có thể nói về hai người này là họ thuộc nhóm những người đã theo Đức Giêsu, không phải là thành viên của Nhóm Mười Một[3], đã từng hy vọng rằng Đức Giêsu là Đấng giải thoát Israel, không tin vào thông tin mà những người phụ nữ loan báo, và đang trên đường rời bỏ cộng đoàn về quê. Chi tiết họ mời Đức Giêsu ở lại và vào bàn ăn cho thấy họ đã đến nhà của mình. Con số hai có thể liên kết với chủ đề hai chứng nhân hợp pháp cũng như trong 24,4.[4]
  2. Emmaus: Có ba địa danh Emmaus có thể kể đến trên thánh địa.[5]

Emmaus 1, được biết đến thời Macabê, được đề cập đến trong 1 Mcb 3,40.57; 4,3, như là nơi “trong đồng bằng”, nơi mà Giuđa Macabê đã tấn công lực lượng từ Syria và Philitinh. Sau đó, nó được Báckhđê xây pháo đài và thành bảo vệ cùng với Giêrikhô, Bết Khôrôn, Bết El,, Thamnatha, Pharathôn và Têphôn (1 Mcb 9,50). Sử gia Josephus nói đến một địa danh Ammaus (J.W. 2.4,3§ 63; 2.5,1§ 71) hoặc Emmaus (Ant. 17.10.7 § 282; 17.10,9 § 291) như là ngôi làng sau này bị đốt thành bình địa dưới lệnh của Đại Sứ Syria (6 – 4 BCE) tên là Quinlilius Varus. Sau này nó được xây lại vì nó xuất hiện trong một danh sách của các quận của Rôma vào năm 66 CE (J.W. 3.3,5 § 55). Địa danh này ở cách Jêrusalem khoảng 20 dặm về hướng Tây Bắc. Vào năm 223 CE, nó được đổi tên thành Nicôpoli. Đây là một nơi rất xa, khó để đi bộ và trở về trong ngày từ Jêrusalem. Đây là nơi có tàn tích của đền thờ xây từ thời Byzantine (tk.5 – 7), rồi được xây lại thời Thập Tự Chinh khoảng tk. 12. Nơi này ngày nay được nhiều khách hành hương đến thăm.

Emmaus 2, được sử gia Josephus (J.W. 7.6 § 217) nói đến như là một nơi, cách Jêrusalem về hướng Tây Bắc chừng “30 stadia” (5,7 km), nơi định cư của 800 cựu quân nhân xuất ngũ của Rôma. Ngày nay được gọi là Kuloniyeh. Đây là nơi mà người ta có thể đi bộ và trở về lại Jêrusalem dễ dàng hơn. Và nếu tác giả Luca ngụ ý “60 stadia” như là một tua đi trọn lộ trình đi và về thì có vẻ đây là nơi hợp lý hơn.

Emmaus 3, Từ thời Thập Tự Chinh, làng El-Quubeibeh, cách Jêrusalem chừng 63 stadia trên đường đi Lydda, được xem như là Emmmaus của tác giả Luca. Khoảng cách đi bộ có vẻ phù hợp với khoảng cách Tin Mừng Luca đưa ra (60 stadia), nhưng vùng này không được biết đến vào thế kỷ thứ nhất CE.

Cho đến ngày nay vẫn không có một dữ liệu nào chắc chắn cho địa danh này. Điều chúng ta có thể nói được là: đó là một nơi ngoài Jêrusalem và không xa lắm để các môn đệ có thể đi và trở về trong ngày. Đó là một nơi nằm trong vòng địa lý quanh Jerusalem phù hợp với trình thuật của tác giả Luca từ giữa chương 19 của Tin Mừng đến chương 8 của sách Công Vụ.[6]

  1. Cứ nói với nhau … tranh luận … thảo luận: Có ba động từ được dùng để diễn tả hoạt động của hai người lữ hành trên đường về Emmaus. Họ không ngừng nói chuyện với nhau về tất cả những gì đã xảy ra (αὐτοὶ ὡμίλουν πρὸς ἀλλήλους περὶ πάντων τῶν συμβεβηκότων τούτων). Khi họ đang nói chuyện và tranh luận với nhau, thì Đức Giêsu tiến lại gần, đồng hành với họ (ἐν τῷ ὁμιλεῖν αὐτοὺς καὶ συζητεῖν καὶ αὐτὸς Ἰησοῦς ἐγγίσας συνεπορεύετο αὐτοῖς). Đức Giêsu hỏi họ về những điều họ đang “trao đổi” với nhau (ἀντιβάλλετε πρὸς ἀλλήλους). Động từ “nói chuyện” và động từ “đồng hành” được dùng ở thì “vị hoàn”, mô tả những hành động kéo dài liên tục. Họ không ngừng “nói chuyện với nhau” và Đức Giêsu không ngừng “đồng hành” với họ. Hai người lữ hành mặc dù rời khỏi cộng đoàn Jêrusalem để trở về quê nhưng vẫn thao thức, phân vân về ý nghĩa của tất cả “những chuyện đã xảy ra”. Đức Giêsu là người sẽ giải đáp cho họ.
  2. Tất cả những gì đã xảy ra … chuyện đã xảy ra trong thành trong nhưng ngày ấy … chuyện về ông Giêsu Nadarét: “Những chuyện đã xảy ra” mà hai người lữ hành trên đường Emmaus không ngừng trao đổi, cũng là “những chuyện xảy ra trong thành trong những ngày ấy”, cuối cùng được họ kể lại thể theo thắc mắc của Đức Giêsu, vị khách lạ đang đồng hành cùng họ. Đó là “chuyện về ông Giêsu Nadarét”. Đức Giêsu đang nghe câu chuyện về chính mình do hai người lữ hành kể lại. Đức Giêsu Nadarét được mô tả như là “một ngôn sứ uy quyền trong lời nói và việc làm, trước mặt Thiên Chúa và toàn dân”; bị các Thượng Tế và lãnh đạo của chúng ta nộp (Lc 23,13), chịu bản án tử và chịu đóng đinh. Đức Giêsu là vị ngôn sứ quyền năng trong lời nói cũng như việc làm. Người tự nhận mình là một ngôn sứ (Lc 4,24;13,33). Khi Người làm cho con trai bà góa thành Nain sống lại, dân chúng đã tôn vinh Người là “một ngôn sứ vĩ đại” (Lc 7,16). Người ta cho rằng Người là một ngôn sứ (Lc 9,8.19). Dân chúng nhìn nhận uy quyền của Đức Giêsu khi chứng kiến Người trục xuất quỷ (Mc 1,27). Người ta kinh ngạc về lối giảng dạy của Người vì lời của Người có uy quyền (Lc 4,32.36). Những phép lạ trừ quỷ, chữa lành mọi thứ bệnh tật, dẹp yên sóng biển, hóa bánh ra nhiều, cho người chết sống lại, tất cả, minh chứng cho quyền năng trong hành động của Người. Biến cố Người chịu nộp, chịu kết án và chịu đóng đinh là biến cố gần nhất, vừa xảy ra ba ngày trước (Lc 22,71; 23,24-33).
  3. Đức Giêsu đến gần, đồng hành … giải thích Sách Thánh … Đức Giêsu biến mất: Đức Giêsu chủ động đến gần. Đại từ “αὐτὸς” được đặt trước danh xưng Giêsu nhằm nhấn mạnh – “chính Đức Giêsu”. Động từ “đồng hành”, ở thì “vị hoàn” nhấn mạnh đến độ dài khoảng thời gian Đức Giêsu đồng hành với họ. Người đồng hành với họ trong suốt hành trình đến Emmaus. Người hỏi han và lắng nghe câu chuyện của họ. Người phàn nàn về sự ngớ ngẩn và chậm tin của họ, rồi kiên nhẫn giải thích cho họ tất cả những bản văn đã chép về Người từ ông Môsê và tất cả các Ngôn Sứ. Sau đó, Người ở lại theo sự nài nỉ của họ,[7] đồng bàn và thực hiện nghi thức “lấy bánh, chúc tụng, bẻ ra, trao ban”. Nhờ toàn bộ hành trình ấy, họ đã nhận ra Người. Cuối cùng, khi họ đã nhận ra Người, thì Người liền biến mất. Mặc dù Người đã biến mất nhưng niềm tin về sự phục sinh, và về sự sống vĩnh cửu của Người vẫn còn mãi. Đức Giêsu để lại khoảng trống để các chứng nhân có thể lấp đầy. Họ sẽ trỗi dậy, quay trở về, và tường thuật rằng họ đã gặp và nhận ra Chúa Phục Sinh.
  4. Đôi mắt của họ bị ngăn cản (οἱ δὲ ὀφθαλμοὶ αὐτῶ) … lòng ngớ ngẩn và chậm tin … đôi mắt của họ được mở ra (διηνοίχθησαν οἱ ὀφθαλμοὶ): Vấn đề đôi mắt bị ngăn cản lúc đầu được tháo cởi bằng hình ảnh đôi mắt được mở ra sau đó. “Đôi mắt bị ngăn cản” dẫn đến kết quả là họ không “nhận ra” Chúa. Khi “đôi mắt được mở ra”, họ mới “nhận ra” Chúa. Cả hai động từ “ngăn cản/ cầm giữ” và “mở ra” đều được dùng ở thể bị động. Nghĩa là, tác động “ngăn cản” và “mở ra” đều đến từ những tác nhân khác. Hai người lữ hành hoàn toàn bị động. Người ta có thể thắc mắc là liệu hình dáng bên ngoài của Đức Giêsu Phục Sinh có thay đổi không, khiến cho hai người lữ hành không nhận ra Người? Có lẽ, vẻ bề ngoài của Đức Giêsu không hề thay đổi. Không có tác giả Tin Mừng nào cho thấy Người có một diện mạo mới. Điều mới mẻ trên thân thể Người là “những dấu đinh” (Lc 24,40) và “dấu ở cạnh sườn” (Ga 20,20.27). trong câu chuyện của tác giả Gioan (Ga 20,14-15), Maria Magđalênê cũng không nhận ra Đức Kitô Phục Sinh, và tưởng là người làm vườn. Trong câu chuyện này, điều khiến hai nhân vật lữ hành không nhận ra Người được mô tả là vì “mắt họ bị ngăn cản”.[8] Cái gì đã ngăn cản đôi mắt của họ. Đó có thể là “sự buồn bã”, sự thất vọng vì niềm hy vọng rằng Người là Đấng giải thoát Israel không còn, và nói theo ngôn ngữ của Đức Giêsu là “sự ngớ ngẩn và chậm chạp trong cõi lòng để tin vào tất cả những điều các ngôn sứ đã nói”.[9] Trong hai lần Đức Giêsu tiền báo về biến cố khổ nạn – phục sinh, tác giả đều ghi chú rằng “các ông không hiểu gì cả, lời đó còn bị che giấu khỏi họ, khiến họ không biết những điều Người nói” (Lc 18,34; cf. 9,45).
  5. Ngớ ngẩn và lòng chậm tin những điều các ngôn sứ đã nói: Đây có thể là vật cản lớn nhất, khiến cho đôi mắt thể lý và tâm linh của họ không thể nhận ra Chúa. Trước đó, Đức Giêsu đã kéo riêng nhóm Mười Hai ra và nói cùng họ: “Này chúng ta lên Jêrusalem và tất cả những gì các ngôn sứ đã viết về Con Người sẽ được hoàn tất” (Lc 18,31). Rất khó để hiểu được là Đức Giêsu đang nói về đoạn sách ngôn sứ cụ thể nào. Những đoạn sách ngôn sứ Isaia về người tôi trung đau khổ (Is 53) có vẻ rất gần gũi với hình ảnh Đức Giêsu chịu đau khổ. Đức Giêsu đã từng bước giúp cho hai người lữ hành gỡ đi vật cản lớn này để họ có thể nhận ra Người. Việc giải thích những bản văn bắt đầu từ Môsê và các Ngôn Sứ[10] cho thấy sự cần thiết trong việc đọc những bản văn Cựu Ước để hiểu mầu nhiệm khổ nạn Phục Sinh của Người.
  6. Nhất thiết Đấng Kitô phải chịu đau khổ và đi vào vinh quang của Người:[11] Trong câu chuyện của mình, ông Clêôpas đã trình bày về niềm hy vọng và thất vọng của họ. Họ đã từng tin rằng Đức Giêsu là Đấng giải thoát Israel. Niềm hy vọng này được bộc lộ trong “bài ca chúc tụng của ông Dacaria (Lc 1,68) và trong đối tượng mà lời ngôn sứ Anna nhắm đến (Lc 2,38). Nhưng họ thất vọng vì Đức Giêsu đã chịu đóng đinh, chịu chết, tính đến nay đã là ngày thứ ba rồi. Đức Giêsu khơi dậy niềm hy vọng của họ khi nhấn mạnh rằng Đấng Kitô phải đau khổ rồi mới đi vào vinh quang của Người. Động từ không ngôi “ἔδει” (phải) nhấn mạnh đến tính cách bắt buộc trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Trong Bài giảng đầu tiên, ông Phêrô đã nhấn mạnh rằng “Đấng Kitô của Người phải chịu đau khổ” (Cv 3,18). Khi giảng cho dân thành Thêxalônica, ông Phaolô cũng “dựa vào Thánh Kinh để giải thích và xác định rằng Đấng Kitô phải chịu đau khổ rồi mới trỗi dậy từ cõi chết” (Cv 17,2-3). Khi giảng cho ông Acríppa, ông Phaolô khẳng định rằng Môsê và các ngôn sứ đã nói rằng “Đấng Kitô sẽ chịu đau khổ và là người đầu tiên sống lại từ cõi chết” (Cv 26,22-23). Trong thư gửi tín hữu Côrintô, khi bàn về mầu nhiệm Phục Sinh, tác giả Phaolô cũng khẳng định rằng: “Đức Kitô đã chịu chết vì tội lỗi chúng ta, đúng như lời Thánh Kinh. Rồi Người đã được mai táng và trỗi dậy vào ngày thứ ba, đúng như lời Thánh Kinh” (1 Cr 15,3-4). Trong Luca, “vinh quang” có thể chỉ là vinh quang của sự nâng lên ngự bên hữu Thiên Chúa.[12]
  7. Lấy bánh, chúc tụng, bẻ ra, trao ban: Loạt bốn hành động liên tục của Đức Giêsu làm cho mắt của các môn đệ được mở ra. Loạt bốn hành động này gợi nhớ đến sự kiện Đức Giêsu lập Bí Tích Thánh Thể trong Bữa Ăn Cuối Cùng (Lc 22,19).[13] Có lẽ, vì vậy nó có một tác dụng gợi nhớ cách đặc biệt về sự hiện diện của Đức Giêsu trong ký ức của các môn đệ. Riêng hành động “bẻ bánh” được lặp lại 2 lần. Lần thứ nhất là hành động bẻ bánh của chính Đức Giêsu. Lần thứ hai là trong tường thuật của hai người lữ hành (24,35). Lần thứ hai có vẻ là cách gọi tổng thể cho nghi thức gồm bốn hành động Đức Giêsu đã cử hành. Có thể nói rằng, đây là khoảnh khắc mấu chốt của trình thuật Emmaus mà nếu không có nó thì hai môn đệ Emmaus vẫn còn “buồn rầu” như lúc họ rời Jêrusalem về Emmaus, và sẽ không có cuộc trở lại Jêrusalem ngay lập tức. Khoảnh khắc “khi Người bẻ bánh” đã làm cho “mắt của họ được mở ra và họ nhận ra Người” (Lc 24,31). Không những thế, khoảnh khắc ấy còn giúp họ nhớ lại là “lòng của họ đã được thiêu đốt” khi họ nghe Người nói chuyện và giải thích Thánh Kinh (Lc 24,32). Không có khoảnh khắc “khi Người bẻ bánh” thì “sự thiêu đốt kia” cũng đi vào quên lãng và chẳng có tác dụng gì. “Khoảnh khắc ấy” bây giờ lại trở nên lời chứng của hai môn đệ Emmaus cùng với “những chuyện xảy ra dọc đường”. Cả hai làm nên một lời chứng sống động cho sự hiện hữu cách sống động và gần gũi của Đức Kitô Phục Sinh.
  8. Lòng được thiêu đốt: Danh từ “lòng/ trái tim” (ἡ καρδία) được nhắc đến hai lần với hai ý nghĩa trái ngược nhau. Lần thứ nhất Đức Giêsu nhắc đến sự “ngu muội và chậm chạp” của cõi lòng trong việc tin vào tất cả những điều các ngôn sứ đã nói. Lần thứ hai, hai người lữ hành nhớ lại việc “lòng của họ đã liên tục được thiêu đốt” (ἡ καρδία ἡμῶν καιομένη ἦν). Lòng “liên tục được thiêu đốt”, có nghĩa là được khai mở và thúc đẩy, không còn ngu muội và chậm chạp nữa. Họ bắt đầu hiểu mầu nhiệm khổ nạn và phục sinh của Đức Giêsu. Động từ “thiêu đốt” được dùng ở thể bị động với tác nhân rất có thể là chính Đức Giêsu và những lời giải thích của Người.
  9. Chúa đã trỗi dậy và hiện ra với ông Simôn: “Chúa đã trỗi dậy” là mẫu thức Kerygma căn bản nhất trong lời giảng của các Tông Đồ.[14] Bằng chứng làm cho Nhóm Mười Một tin rằng Chúa đã trỗi dậy là việc Chúa đã hiện ra với ông Simon. Trước đó những người phụ nữ đã kể lại cho họ nghe về sự sống lại của Đức Giêsu nhưng họ không tin vì cho đó là điều vớ vẩn (Lc 24,9-11). Thật ra, trong Tin Mừng Nhất Lãm Đức Giêsu đã tiền báo việc Người “sẽ chỗi dậy” không phải một lần mà đến ba lần (Mc 8,31-33; 9,31-32; 10,33-34; Mt 16,21-23; 17,22-23; 19,27-30; Lc 9,22; 9,43b-45; 18,27-30). Thế mà, chẳng hiểu sao họ chẳng nhớ gì về lời tiền báo được lặp lại với mật độ dày đặc này. Có thể cái chết của Đức Giêsu là cú sốc quá lớn đối với họ vì họ không bao giờ tưởng tượng được là Đấng Mêsia phải chết. Chi tiết Đức Giêsu hiện ra với ông Simôn là chi tiết đặc trưng của tác giả Luca. Trong các tác giả Tân Ước, chỉ có Phaolô đề cập đến cuộc hiện ra riêng tư này: “Người đã hiện ra với ông Kêpha, rồi với Nhóm Mười Hai” (1 Cr 15,5). Ngoài ra, tác giả Phaolô còn đề cập đến cuộc hiện ra riêng tư với ông Giacôbê (1 Cr 15,7) và cuối cùng với chính ông (1 Cr 15,8). Có lẽ, vì vị thế của ông Phêrô trong Nhóm Mười Hai, nên tác giả Luca cảm thấy cần phải có cuộc hiện ra riêng tư này. Luca cũng là tác giả có nhiều chi tiết dành ưu tiên cho ông Phêrô (x. 5,1-11; 22,31-34). Nói chung, theo truyền thống Nhất Lãm, tất cả thành viên Nhóm Mười Hai đều phải thấy Chúa, rồi mới tin. Theo truyền thống Tin Mừng thứ tư, có một người không thấy Đức Giêsu Phục Sinh, nhưng đã tin. Đó là “người môn đệ Chúa yêu” (Ga 20,8).
  10. Trỗi dậy … Trở về … liên tục tường thuật: Những hành động trái ngược so với những hành động lúc đầu. Họ đã hành trình đi về Emmaus cách Jêrusalem hơn 11 km. Họ đứng lại với tâm trạng buồn bã. Giờ đây hai người bộ hành đã “trỗi dậy”, biểu hiện một sự sống mới, quay trở về Jêrusalem, nơi có Nhóm Mười Một và những người khác đang ở với họ. Hành động “trở về” (ὑπέστρεψαν) đóng vai trò như là một “inclusio” (đóng khung) khép lại hoàn hảo cho hành trình ra đi của họ. Cụm trạng từ thời gian “ngay giờ đó” (αὐτῇ τῇ ὥρᾳ), được đặt giữa hai động từ “trỗi dậy” và “trở về” như để nhấn mạnh mức độ khẩn cấp của cả hai hành động.[15] Họ đã ra đi và liên tục nói, thảo luận, tranh cãi với nhau về những gì đã xảy, giờ họ trở về với Tin Mừng trọng đại, cùng niềm vui khôn tả. Động từ “kể/ giải thích/ tỏ bày” được sử dụng ở thì “vị hoàn” (ἐξηγοῦντο) diễn tả một hành động liên tục, chưa chấm dứt. Họ vẫn kể, cứ kể, kể hoài về những gì đã diễn ra trên hành trình với Chúa và khoảnh khắc họ nhận ra Người khi Người bẻ bánh. Tin vui của họ kết hợp với tin vui của Nhóm Mười Một là bằng chứng đầy đủ về sự phục sinh của Đức Giêsu.

Bình luận tổng quát

Hai người trong số họ đã rời bỏ cộng đoàn Jêrusalem để đi về Emmaus. Con số hai thường là con số mang tính chứng nhân hợp pháp cho một vụ án tại tòa theo truyền thống Cựu Ước. Lời chứng của hai người đảm bảo tính xác thực. Họ là những người đã từng hy vọng rằng Đức Giêsu Nadarét sẽ là Đấng giải thoát Israel. Họ tràn trề hy vọng vì họ đã biết Đức Giêsu là vị ngôn sứ đầy quyền năng trong lời nói cũng như hành động. Họ thất vọng vì Người đã chịu nộp để chịu án tử đóng đinh, và sự kiện đã diễn ra đã là ngày thứ ba rồi. Sự ra đi cùng với vẻ mặt buồn bã cho thấy họ đang trong tình trạng thất vọng. Họ đã được nghe các nữ chứng nhân, những người đi ra mộ, không tìm thấy thi hài Chúa, về thông báo là đã gặp các thiên sứ và các thiên sứ cho biết là Đức Giêsu đang sống. Họ cũng xác nhận rằng có vài người trong số họ đã đi ra mộ, và kiểm chứng thông tin của những người phụ nữ, và đã thấy đúng như vậy. Tuy nhiên, tất cả những điều ấy chưa làm cho họ tin được. Điểm mấu chốt là họ cần phải thấy chính Đức Giêsu Phục Sinh. Trên hành trình, họ vẫn không ngừng bàn luận, trao đổi với nhau về “những gì đã xảy ra”, và không có lời giải đáp. Đức Giêsu chính là Người duy nhất có thể giải đáp cho họ tất cả những vấn đề họ đang thắc mắc. Người chủ động tiến đến gần bên, đồng hành, gợi chuyện, lắng nghe câu chuyện của họ về chính Người. Người khiển trách họ “ngu muội” và “chậm chạp trong cõi lòng để tin vào tất cả những điều các ngôn sứ đã nói”. Người cho họ biết là “Đấng Kitô phải chịu đau khổ rồi mới vào trong vinh quang của Người”. Rồi Người kiên nhẫn giải thích cho họ tất cả những bản văn liên quan đến Người bắt đầu từ Ông Môsê và các Ngôn Sứ. Lòng của họ được biến đổi cách rõ nét. Từ “lòng chậm chạp” và “ngu muội” biến đổi thành “lòng được thiêu đốt” bởi lời giải thích của Đức Giêsu. Lòng hiếu khách, như một nhân đức quý giá của người du mục vùng Cận Đông cổ xưa, đã khiến họ phải nài nỉ vị khách lạ ở lại với họ. Đức Giêsu, dù là khách lạ, nhưng lại đóng vai trò chủ bàn trong bữa ăn tối hôm ấy. Người chủ động “lấy bánh, chục tụng, bẻ ra, và trao ban” cho họ. Những cử chỉ quen thuộc vừa diễn ra ba ngày trước đó, đêm Tiệc Ly, đã làm cho đôi mắt của họ, đôi mắt trước đó bị ngăn cản, giờ được mở ra, và họ bỗng nhận ra Chúa. Mặc dù Đức Giêsu lập tức biến mất ngay sau đó, nhưng như thế cũng đủ để cho họ xác tín rằng Người đã sống lại và đang sống. Hành trình ra đi trong buồn bã và bối rối, phải được tiếp nối với hành trình trỗi dậy, quay trở về, với lòng háo hức muốn loan tin cho Nhóm Mười Một và những người ở với họ. Thông điệp về “những gì đã xảy ra dọc đường, cùng với khoảnh khắc họ đã nhận ra Đức Giêsu lúc Người bẻ bánh”, hòa nhập với thông điệp “Chúa đã trỗi dậy và đã hiện ra với ông Simôn” là bằng chứng nền tảng cho niềm tin của Nhóm Mười Một, hai khách lữ hành Jêrusalem-Emmaus, và tất cả những ai đang hiện diện với họ. Theo trình thuật của tác giả Luca, Đức Giêsu Phục Sinh còn hiện ra một lần nữa cũng trong ngày hôm đó với cả nhóm đang quy tụ với nhau, rồi sau đó Người lên trời.

Câu chuyện về hành trình đức tin của hai môn đệ trên lộ trình Jêrusalem-Emmaus có thể là câu chuyện lịch sử của những chứng nhân đầu tiên cho biến cố tử nạn – phục sinh của Đức Giêsu Nadarét. Tuy nhiên, đây cũng là câu chuyện về hành trình đức tin của các tín hữu sơ khai và các tín hữu qua mọi thời đại. Để có thể tin rằng Đức Giêsu đã trỗi dậy và đang sống, các tín hữu cần đón nhận sự đồng hành của Đấng Phục Sinh, mở lòng kể cho Người nghe câu chuyện, khúc mắc của đời mình, rồi lắng nghe những đoạn Thánh Kinh liên quan đến Người, tỏ lòng hiếu khách mời Người đồng bàn với mình, để Người làm chủ tọa bữa ăn hằng ngày… Câu chuyện Emmaus có thể được hiểu như là hành trình của một Thánh Lễ hằng ngày, trong đó các tín hữu đến thánh đường với nhiều tâm tư, khúc mắc, đau khổ và cả thất vọng nữa, họ được lắng nghe lời Chúa, đặc biệt là lời của Đức Giêsu Phục Sinh trong Tin Mừng, họ tham dự nghi thức Bẻ Bánh với Người, nhận ra Người và đón rước Người vào lòng. Sau đó, họ trỗi dậy, với niềm tin vững chắc rằng Đức Giêsu Phục Sinh đang ở trong lòng mình và Người sẽ đồng hành với họ trên mọi nẻo đường cuộc sống. Hành trình Thánh Lễ được tiếp nối với lời mời gọi: “Hay đi bình an”. Lời mời  gọi ấy đưa các tín hữu trở về cuộc sống thường ngày với thông điệp Tin Mừng rằng: “Chúa đã sống lại” và tôi đã “nhận ra Người khi Người bẻ bánh” và “Người vẫn đang sống” trong cuộc đời tôi và cuộc đời của tất cả mọi người.

Lm. Jos. Phạm Duy Thạch, SVD

Chú thích:

[1] “These words obviously recall the feeding of the five thousand (9:16) and the Last Supper (22:19). In both accounts as here, Jesus ‘took’ bread (lambano). Here and in 9:16, he ‘blesses’ (eulogeo), whereas in 22:19 he ‘gives thanks’ (eucharisteo). As in 22:19, he breaks (klao) the bread. But rather than the imperfect edidou of 9:16 or the aorist edoken of 22:19, Luke here uses the imperfeet of the compound form epididomi, ‘to hand over’ (4:17;11:11-12).” [L.T. Johnson, The Gospel of Luke (SP 3; Collegeville 1991) 396].

[2] J.A. Fitzmyer, The Gospel according to Luke X-XXIV. Introduction, translation, and notes (New Haven – London 2008) 1563.

[3] Tác giả Fitzmyer nghĩ rằng vẫn có khả năng người lữ hành vô danh là một người trong nhóm Mười Một, tuy nhiên chi tiết “họ quay về tìm gặp Nhóm Mười Một” có thể loại trừ khả năng này.

[4] J. Nolland, Luke 18:35-24:53 (WBC; Dallas 2002) 35C, 1200.

[5] J.A. Fitzmyer, The Gospel according to Luke X-XXIV, 1561 -1562.

[6] “The place itself has significance only because it is in the environs of Jerusalem, the location for all Luke’s appearance accounts and all the major events of the narrative between chapter 19 of the Gospel and chapter 8 of Acts” (L.T. Johnson, The Gospel of Luke, 393).

[7] “the ancient world, hospitality to strangers ranked high as a religious virtue. Both the Jewish and Greco-Roman worlds affirmed this virtue with stories about hospitality extended to incognito gods or angels” (J. Nolland, Luke 18:35-24:53, 1205).

[8] “The failure to recognize Jesus here is normally attributed to divine intention but also occasionally to the state of heart of the disciples” (J. Nolland, Luke 18:35-24:53, 1201).

[9] Xem thêm bài “Đức Giêsu Phục Sinh Khác Với Đức Giêsu Sinh Thời?!?”, trong LỜI BAN SỰ SỐNG ĐỜI ĐỜI ῥήματα ζωῆς αἰωνίου: ĐỨC GIÊSU PHỤC SINH KHÁC VỚI ĐỨC GIÊSU SINH THỜI ?!? (josephpham-horizon.blogspot.com).

[10] X. “Luật Môsê và các Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh” trong LỜI BAN SỰ SỐNG ĐỜI ĐỜI ῥήματα ζωῆς αἰωνίου: TỪ CHỨNG KIẾN ĐẾN CHỨNG NHÂN (josephpham-horizon.blogspot.com).

[11] Xem thêm “Đấng Kitô phải chịu đau khổ và trỗi dậy” trong sđd.

[12] “In the Lukan frame, “glory” can only be the glory of exaltation to the right hand of God” (J. Nolland, Luke 18:35-24:53, 1204); “Here “glory” represents the term of Jesus’ transit to the Father; his destiny has been reached. Even while he converses on the road to Emmaus, he tells the disciples that he has already entered upon that status—he is in “glory,” and from there he appears to them” (J.A. Fitzmyer, The Gospel according to Luke X-XXIV, 1566).

[13] “The stronger language links here are with 9:15-16 rather than with 22:19, but since 9:16 was itself concerned to evoke the Last Supper, and via that, the eucharistic practice of the early church (see at 9:10-17), one should not make too sharp a distinction. Note the way in which Jesus, though the guest, takes upon himself the role of host” (J. Nolland, Luke 18:35-24:53, 1206).

[14] “Luke makes use here of a kerygmatic formula, possibly inserting himself ho Kyrios, though that may have been part of it originally (see pp. 201–204), for it is not at all impossible that the title formed part of the original kerygma” (J.A. Fitzmyer, The Gospel according to Luke X-XXIV, 1569).

[15] “he departure is made more urgent by Luke’s desire to contain the action of Luke 24 within the scope of Easter Day” (J. Nolland, Luke 18:35-24:53, 1206).

Bài trướcAI TÍN: Bà Cố Têrêxa Phan Thị Nhẫn (thân mẫu của Lm. Giuse Cao Đức Trí, SVD)
Bài tiếp theoLời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật 3 Phục Sinh – Năm A