Lời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật 3 Phục Sinh – Năm A

0
1079

Bài Ðọc I: Cv 2, 14. 22-28

“Không thể nào để cho Người bị cầm giữ trong cõi chết”.

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Trong ngày lễ Ngũ Tuần, Phêrô cùng với mười một Tông đồ đứng ra, lên tiếng nói rằng: “Hỡi các người Do-thái và tất cả những ai ở Giêrusalem, xin hãy biết điều này và lắng nghe lời tôi! Hỡi những người Israel, hãy nghe những lời này: Ðức Giêsu Nadarét là người đã được Thiên Chúa chứng nhận giữa anh em bằng những việc vĩ đại, những điều kỳ diệu và những phép lạ mà Thiên Chúa đã dùng Người để thực hiện giữa anh em, như chính anh em đã biết. Theo như Thiên Chúa đã định và biết trước, Người đã bị nộp, và anh em đã dùng tay những kẻ độc ác mà hành hạ rồi giết đi. Sau khi bẻ gãy xiềng xích tử thần, Thiên Chúa đã giải thoát Người khỏi những đau khổ của cõi chết mà cho Người phục sinh, vì không thể nào để cho Người bị cầm giữ trong đó. Vì chưng Ðavít đã nói về Người rằng: ‘Tôi hằng chiêm ngưỡng Chúa trước mặt tôi, vì Người ở bên hữu tôi, để tôi không nao núng. Vì thế, lòng tôi hân hoan, miệng lưỡi tôi hát mừng, và xác tôi yên nghỉ trong niềm cậy trông: vì Chúa không để linh hồn tôi trong cõi chết, và không để Ðấng Thánh của Chúa thấy sự hư nát. Chúa đã cho tôi biết con đường sự sống và cho tôi đầy hân hoan tận hưởng nhan thánh Chúa'”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 15, 1-2a và 5. 7-8. 9-10. 11

Ðáp: Chúa sẽ chỉ cho con biết đường lối trường sinh (c. 11a).

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: 1) Xin bảo toàn con, lạy Chúa, vì con tìm nương tựa Chúa. Con thưa cùng Chúa: “Ngài là chúa tể con, Chúa là phần gia nghiệp và phần chén của con, chính Ngài nắm giữ vận mạng của con”. – Ðáp.

2) Con chúc tụng Chúa vì đã ban cho con lời khuyên bảo, đó là điều lòng con tự nhủ, cả những lúc đêm khuya. Con luôn luôn đặt Chúa ở trước mặt con, vì Chúa ngự bên hữu con, con sẽ không nao núng. – Ðáp.

3) Bởi thế lòng con vui mừng và linh hồn con hoan hỉ, ngay cả đến xác thịt của con cũng nằm nghỉ an toàn, vì Chúa chẳng bỏ rơi linh hồn con trong Âm phủ, cũng không để thánh nhân của Ngài thấy sự hư nát. – Ðáp.

4) Chúa sẽ chỉ cho con biết đường lối trường sinh, sự no đầy hoan hỉ ở trước thiên nhan, sự khoái lạc bên tay hữu Chúa tới muôn muôn đời! – Ðáp.

Bài Ðọc II: 1 Pr 1, 17-21

“Anh em được cứu độ bằng Máu châu báu của Ðức Kitô, Con Chiên tinh tuyền”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phêrô Tông đồ.

Anh em thân mến, nếu anh em gọi Người là Cha, Ðấng không thiên vị ai khi xét đoán mỗi người theo việc họ làm, thì anh em hãy sống trong sự kính sợ suốt thời anh em còn lưu trên đất khách. Anh em biết rằng không phải bằng vàng bạc hay hư nát mà anh em đã được cứu chuộc khỏi nếp sống phù phiếm tổ truyền, nhưng bằng máu châu báu của Ðức Kitô, Con Chiên tinh tuyền, không tì ố. Người đã được tiền định trước khi tác thành vũ trụ và được tỏ bày trong thời sau hết vì anh em. Nhờ Người, anh em tin vào Thiên Chúa, Ðấng làm cho Người sống lại từ cõi chết, và ban vinh quang cho Người để anh em đặt cả lòng tin và niềm hy vọng nơi Thiên Chúa.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: x. Lc 24, 32

Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa Giêsu, xin giải thích cho chúng con những lời Thánh Kinh; xin làm cho tâm hồn chúng con sốt sắng khi nghe Chúa nói với chúng con. – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 24, 13-35

“Hai ông đã nhận ra Người lúc bẻ bánh”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Cùng ngày thứ nhất trong tuần, có hai môn đệ đi đến một làng tên là Emmaus, cách Giêrusalem độ sáu mươi dặm. Dọc đường, các ông nói với nhau về những việc vừa xảy ra. Ðang khi họ nói truyện và trao đổi ý kiến với nhau, thì chính Chúa Giêsu tiến lại cùng đi với họ, nhưng mắt họ bị che phủ nên không nhận ra Người. Người hỏi: “Các ông có truyện gì vừa đi vừa trao đổi với nhau mà buồn bã vậy?” Một người tên là Clêophas trả lời: “Có lẽ ông là khách hành hương duy nhất ở Giêrusalem mà không hay biết những sự việc vừa xảy ra trong thành mấy ngày nay”. Chúa hỏi: “Việc gì thế?” Các ông thưa: “Sự việc liên can đến ông Giêsu quê thành Nadarét. Người là một vị tiên tri có quyền lực trong hành động và ngôn ngữ, trước mặt Thiên Chúa và toàn thể dân chúng. Thế mà các trưởng tế và thủ lãnh của chúng ta đã bắt nộp Người để xử tử và đóng đinh Người vào thập giá. Phần chúng tôi, chúng tôi vẫn hy vọng Người sẽ cứu Israel. Các việc ấy đã xảy ra nay đã đến ngày thứ ba rồi. Nhưng mấy phụ nữ trong nhóm chúng tôi, quả thật, đã làm chúng tôi lo sợ. Họ đến mồ từ tảng sáng. Và không thấy xác Người, họ trở về nói đã thấy thiên thần hiện ra bảo rằng: Người đang sống. Vài người trong chúng tôi cũng ra thăm mồ và thấy mọi sự đều đúng như lời các phụ nữ đã nói; còn Người thì họ không gặp”.

Bấy giờ Người bảo họ: “Ôi kẻ khờ dại chậm tin các điều tiên tri đã nói! Chớ thì Ðấng Kitô chẳng phải chịu đau khổ như vậy rồi mới được vinh quang sao?” Ðoạn Người bắt đầu từ Môsê đến tất cả các tiên tri, giải thích cho hai ông tất cả các lời Kinh Thánh chỉ về Người. Khi gần đến làng hai ông định tới, Người giả vờ muốn đi xa hơn nữa. Nhưng hai môn đệ nài ép Người rằng: “Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã về chiều, và ngày sắp tàn”. Người liền vào với các ông.

Ðang khi cùng các ông ngồi bàn, Người cầm bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho hai ông. Mắt họ sáng ra và nhận ra Người. Ðoạn Người biến mất. Họ bảo nhau: “Phải chăng lòng chúng ta đã chẳng sốt sắng lên trong ta, khi Người đi đường đàm đạo và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta đó ư?” Ngay lúc ấy họ chỗi dậy trở về Giêrusalem, và gặp mười một tông đồ và các bạn khác đang tụ họp. Họ bảo hai ông: “Thật Chúa đã sống lại, và đã hiện ra với Simon”. Hai ông cũng thuật lại các việc đã xảy ra dọc đường và hai ông đã nhận ra Người lúc bẻ bánh như thế nào.

Ðó là lời Chúa.

Bài giảng chủ đề:

TÌM GẶP CHÚA (Lm. Giuse Nguyễn Văn Kha, SVD)

Trong bài hát thánh ca “Gặp Gỡ Đức Ki-tô”, linh mục – nhạc sĩ Tiến Lộc đã viết: “Gặp gỡ Đức Ki-tô, biến đổi cuộc đời mình… Gặp gỡ Đức Ki-tô, đón nhận ơn tái sinh… Gặp gỡ Đức Ki-tô, chân thành mình gặp mình… Gặp gỡ Đức Ki-tô, nảy sinh tình đệ huynh”. Bài hát rất hay. Tiết tấu điệu Valse làm cho chúng ta có cảm tưởng như đang bước đi, đi tới gặp Đức Ki-tô hay hơn và ý nghĩa hơn ở ca từ. Tất cả như muốn nói lên hiệu quả của việc gặp gỡ Đức Ki-tô là: “…biến đổi cuộc đời mình; đón nhận ơn tái sinh; mình gặp mình; nảy sinh tình đệ huynh”. Tôi nghĩ rằng, đã là Ki-tô hữu, ai cũng có lòng khát khao đạt được những điều này, tức là gặp và nhận ra Đấng Phục Sinh, để biến đổi cuộc đời mình! Vậy hãy đi tìm. Nhưng tìm ở đâu? Bằng cách nào để nhận ra Chúa là cả một vấn đề, là cả một quá trình dài hạn, có khi là cả cuộc đời?

Trong kinh bổn cũ, chúng ta được học: Thiên Chúa ở khắp mọi nơi. Có nghĩa là chúng ta có nhiều cơ hội để gặp Chúa. Đúng vậy, có rất nhiều chỗ và trung gian để chúng ta gặp Chúa: Gặp Chúa trong vũ trụ; gặp Chúa nơi con người; gặp Chúa trong Lời Chúa; gặp Chúa trong Giáo Hội; gặp Chúa trong các Bí Tích,… Tuy nhiên, để có thể thấy Ngài và nhận ra Ngài, con mắt xác thịt không đủ (nhiều khi cũng chẳng cần: có nhiều trường hợp mù mà họ vẫn nhận ra Chúa), nhưng cần có con mắt đức tin. Chính con mắt đức tin giúp chúng ta nhận ra Chúa.

Theo Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy có ba phương tiện để nhận ra Đấng Phục Sinh, đó là: Kinh Thánh, việc bẻ bánh (Thánh Lễ) và cộng đoàn.

Câu chuyện của bài Tin Mừng hôm nay bắt đầu từ bối cảnh là các ông đang ở ngoài đường. Khi đang đi đường, “đang trò chuyện với nhau, chính Đức Giê-su tiến đến gần và cùng đi với họ nhưng mắt họ còn bì ngăn cản, không nhận ra Người”. Điều gì gây cản trở, làm cho họ không nhận ra Người? Có thể là do họ đang mải mê bàn tán, nên không nhận ra người thứ ba vừa nhập cuộc và đang đi bên họ. Còn theo thánh Gio-an trong Tin Mừng thứ tư là do: “Người nhà chẳng chịu đón nhận”. Cách hiểu bình dân, họ không nhận ra Người là do mù quáng trong tội, ở trong bóng tối của tội lỗi, hoặc do mù quáng trong định kiến. Theo Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô: “Đôi mắt họ mù do nỗi kinh hoàng của cây thập giá” (số 7, Tông Thư Desiderio Desideravi).

Do đó, để cho họ hiểu được biến cố Thương Khó và Phục Sinh, nhất là để họ tin nhận việc Ngài đã sống lại, Chúa kiên nhẫn đi với họ, lắng nghe họ, giải thích Kinh Thánh nhằm giúp khai mở trí não họ từ từ. Có thể nói việc nhắc lại và giải thích Kinh Thánh được ví như ánh sáng soi vào trong tâm hồn đang rất tối tăm của họ. Nói cách khác, hai môn đệ đang ở trong bóng tối, được ánh sáng Lời Chúa soi vào tận ngõ ngách bóng tối đó, như là bước khởi đầu giúp họ nhìn thấy Chúa. Thánh Vịnh 119, 105 từng ghi lại điều này: “Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi”.

Việc giải thích Kinh Thánh là bước chuẩn bị, còn nhận ra Chúa là nhờ vào các cử chỉ Chúa làm: Cầm bánh, chúc tụng, bẻ ra trao cho họ. Thánh sử Lu-ca kể lại, “khi Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng và bẻ ra trao cho họ… Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người”. Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô từng khẳng định điều này: “Khi Đấng Phục Sinh trở lại từ cõi chết để bẻ bánh cho các môn đệ ở Emmaus, thì cử chỉ bẻ bánh này sẽ làm mắt họ mở ra. Cử chỉ ấy chữa lành đôi mắt mù lòa do nỗi kinh hoàng của cây thập giá, và giúp họ thấy được Đấng Phục Sinh, có thể tin vào sự Phục sinh.” (số 7, Tông Thư Desiderio Desideravi, được công bố ngày 29/6/2022). Như vậy, chúng ta thấy, để nhận ra Chúa, cần có một tiến trình, một thời gian và những dấu chỉ.

Trước hết, Chúa đến đồng hành với họ, lắng nghe họ, nói chuyện với họ, rồi Người mới ngỏ lời với họ bằng việc giải thích Kinh Thánh. Lúc đó, lòng của các ông đã được hâm nóng lên. Tiếp đến là nghi thức bẻ bánh. Lúc đó, họ nhận ra Chúa. Họ nhận ra Chúa lúc họ đang tham dự việc bẻ bánh, họ nhận ra Chúa lúc họ đang ở cùng nhau cầu nguyện,… Thật vậy, nhờ lắng nghe Thánh Kinh và tham dự Bí tích Tạ ơn trong bầu khí của một công đoàn (dù là ít thành viên), hai môn đệ Em-mau đã gặp Chúa và nhận ra Chúa, họ đã tìm lại được niềm tin và cuộc đời của họ đã được đổi mới. Họ “quay trở lại Giê-ru-sa-lem để gặp Nhóm Mười Một và các bạn hữu đang tự họp tại đó… Hai ông thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh”.

Khi thuật lại câu chuyện Em-mau, thánh Lu-ca vừa cho chúng ta thấy niềm hạnh phúc vô bờ của hai môn đệ khi họ nhận ra Chúa, đồng thời Người nhấn mạnh những gì Chúa Phục Sinh làm cho hai môn đệ xưa, thì Người cũng làm cho chúng ta hôm nay. Thật vậy, cuộc đời của chúng ta nhiều lúc gặp những thử thách, khó khăn, cám dỗ, rơi vào tuyệt vọng giống như hai môn đệ xưa. Những lúc như thế, chúng đang đi trong đêm tối cuộc đời… Đó là lúc chúng ta bị khủng hoảng đức tin, muốn bỏ cuộc như hai môn đệ xưa. Khi rơi vào tình cảnh bi đát như vậy, chúng ta hãy ý thức rằng Chúa Phục Sinh vẫn đang hiện diện bên ta, vẫn đồng hành với chúng ta, cho dù đôi mắt thể lý của chúng ta không nhận ra Ngài.

Vậy chúng ta hãy siêng năng đọc và lắng nghe Kinh Thánh, để cho Lời Chúa là ánh sáng thật soi vào trong đêm tối cuộc đời chúng ta. Hầu nhờ đó, chúng ta nhìn thấy được điều cần nhìn, đó là Đấng Phục Sinh. Chúng ta cũng hãy siêng năng chạy đến với bí tích Thánh Thể, trong các Thánh lễ, các giờ chầu Thánh Thể chung cũng như riêng với Chúa. Hầu nhờ đó, chúng ta nhận ra Chúa và chúng ta được múc lấy nguồn ân sủng từ bí tích tình yêu này. Qua đó, giúp chúng ta dấn thân hòa nhập với cộng đoàn đức tin qua những sinh hoạt cộng đoàn, nhất là những giờ sinh hoạt thiêng liêng. Nếu làm được như thế, thì cả ba trụ cột ấy sẽ giữ chúng ta khỏi những khủng hoảng đức tin, khi chúng ta gặp những khó khăn thử thách. Và nếu đức tin của chúng ta có bị lung lay, bị thử thách, chúng ta càng cần đọc Thánh Kinh, càng năng chạy đến với Bí tích Thánh Thể và cộng đoàn sống đức tin nhiều hơn để xây dựng lại. Cả ba cột trụ vững chắc đó là điểm tựa để nâng đỡ niềm tin của chúng ta mỗi ngày trong suốt cuộc đời trần thế. Và một khi vững vàng về đời sống đức tin, chúng ta cần đi đến một bước quan trọng khác đó là làm chứng về Đấng Phục Sinh.

Những câu kết của đoạn Tin Mừng hôm nay cho thấy điều đó: “Ngay lúc ấy, họ đứng dậy, quay trở lại Giê-ru-sa-lem, gặp Nhóm Mười Một và các bạn hữu đang tụ họp tại đó. Những người này bảo hai ông: “Chúa trỗi dậy thật rồi, và đã hiện ra với ông Si-mon”. Còn hai ông thì thuật lại những việc đã xảy ra dọc đường, và mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh” (Lc 24,33-35).

Ước mong rằng mỗi khi tham dự Thánh Lễ, được nghe Lời Chúa, lòng chúng ta cũng bừng lên vì biết Chúa đang hiện diện nói với ta, được chia sẻ Bánh Thánh, mắt chúng ta cũng mở, để biết Chúa Ki-tô hiện diện muốn hiệp thông với ta, và ban cho ta sự sống. Amen.

 


 

EMMAU – HÀNH TRÌNH ĐỨC TIN (Lm. Giuse Võ Lê Thanh Sơn, SVD)

Người đời có câu: “Mất tiền là mất ít, mất tình là mất nhiều, mất niềm tin là mất tất cả”. Có thể nói hai môn đệ trong trình thuật Tin Mừng hôm nay đã mất tất cả, vì niềm tin của các ông đã vỡ vụn. Các ông đã đánh cược cuộc đời mình khi đặt tất cả niềm hy vọng và sự tin tưởng vào Thầy Giêsu, nhưng giờ đây Thầy đã chết, các anh em đồng môn thì sợ hãi trốn chạy mỗi người một góc, riêng hai ông chọn lựa lối đi xưa – trở về quê tiếp tục với con trâu và cái cày.

Tại sao hai môn đệ thất vọng và hoàn toàn mất niềm tin? Thưa, vì hai ông không hiểu hết vai trò và sứ mạng của Thầy Giêsu. Các ông tin Thầy Giêsu sẽ khôi phục vương quốc Israel, sẽ đánh đuổi người La Mã ra khỏi đất nước và các ông sẽ trở nên những “khai quốc công thần”. Các ông chưa hiểu hết những gì Thầy Giêsu đã dạy và mặc khải về sứ vụ của Người. Chính vì thế, bước chân trở về quê của các ông nặng nề, đầy nỗi thất vọng và bi quan, mặc cho Thầy Giêsu đang sánh bước bên cạnh, cắt nghĩa Kinh Thánh và giải thích về vai trò cứu thế của Người.

Trong cuộc đời, nhiều lúc chúng ta cũng rơi vào thất vọng, mất hết niềm tin vì: công việc làm ăn thất bại, thua lỗ;gia đình không hạnh phúc,con cái hư hỏng;bệnh tật hiểm nghèo,các mối tương quan đổ vỡ… khiến cho lòng tin của chúng ta lung lay, mặc cảm bị Thiên Chúa bỏ rơi, bị đối xử bất công… thậm chí quay ra oán trách Thiên Chúa. Vậy làm thế nào để vượt qua những khủng hoảng nói trên? Thưa, bằng những cách thế sau:

  1. Lắng nghe lời Chúa.

Hai môn đệ đang lê bước với một tâm trạng buồn rầu, chán nản thì Thầy Giêsu hiện đến cùng trò truyện với các ông, giải thích Kinh Thánh cho các ông và lòng các ông đã bừng cháy lên. Nhờ đó, bước chân của các ông trở nên bớt nhọc nhằn và thanh thoát hơn, đồng thời cuộc trò chuyện khiến cho đoạn đường như gần hơn.

Hành trình đức tin của mỗi người chúng ta cũng thế.Có những lúc tưởng như đi trong đêm đen của tuyệt vọng và chúng ta tìm lối thoát bằng cách lao vào những cuộc vui sa đọa, mặc cho dòng đời xô đẩy mà quên rằng Chúa vẫn đang đồng hành với chúng ta, vẫn đang chờ đợi chúng ta đến “trò chuyện” với Ngài. Chúng ta hãy chạy đến với Thầy Giêsu trong lời cầu nguyện, lắng nghe lời Chúa nói với chúng ta qua từng trang Kinh Thánh và đem ra thực hành trong cuộc sống. Nhờ đó, đức tin của chúng ta được nuôi dưỡng và lớn lên mỗi ngày.

  1. Mời Chúa vào trong gia đình.

Điểm quan trọng khác của trang Tin Mừng hôm nay chính là việc hai môn đệ mời Chúa vào nhà. Suốt cả ngày đường trò truyện với nhau nhưng các ông vẫn không nhận ra Thầy Giêsu Phục Sinh đang đồng hành với các ông.Chỉ khi mời “người khách lạ” vào nhà và cùng dùng bữa thì các ông mới nhận ra Thầy mình.

Ngày nay, chúng ta đang sống trong một xã hội hiện đại với nhiều mối quan hệ và lo toan nên hầu như các thành viên trong gia đình ít có thời gian trò chuyện, ăn cơm hoặc cầu nguyện chung với nhau. Những chương trình trên truyền hình, những bộ phim dài tập, những ứng dụng trên điện thoại…khiến chúng ta mất khá nhiều thời gian và hầu như làm chủ hết mọi hoạt động của chúng ta. Vì thế, chúng ta quên mất Thiên Chúa đang diện diện trong gia đình; chúng ta quên rằng cần phải để Thiên Chúa làm chủ những suy nghĩ, ước muốn, lời nói và hành động của chúng ta. Chúng ta hãy mời Chúa vào trong gia đình để Ngài làm chủ, hướng dẫn cuộc sống, chia sẻ những vui buồn, thành công, thất bại…nhờ đó, chúng ta vững tin vì có Chúa luôn đồng hành trong cuộc đời của mỗi người chúng ta.

  1. Hăng hái lên đường

Tin Mừng hôm nay gợi lên cho chúng ta một bức tranh tương phản đầy sức sống. Hai bóng người lầm lũi với những bước đi mệt nhọc trong ánh sáng ban ngày, nhưng tâm hồn các ông phủ đầy một màn tăm tối của thất vọng. Lúc trở về báo tin, các ông đi trong đêm tối nhưng bước chân mạnh mẽ, thanh thoát lạ kỳ, đồng thời tâm hồn tràn ngập ánh sáng của niềm vui và bình an. Sự biến đổi kỳ diệu ấy đến từ việc các ông đã gặp và nhận ra Thầy mình – Đức Giêsu Phục Sinh. Niềm vui quá lớn lao, quá bất ngờ nên các ông quên cả mệt nhọc của một ngày đi đường xa, vội vàng trở lại thành Giêrusalem báo tin cho các anh em ngay trong đêm.

Chúng ta, những môn đệ của Thầy Giêsu đang bước đi trong hành trình đức tin, có nhiệm vụ đem tin vui Phục Sinh cho hết thảy mọi người. Bởi vì, chúng ta đã được đón nhận ánh sáng và tin vui từ Đức Kitô Phục Sinh, được biến đổi nhờ gặp gỡ, trò chuyện và dùng bữa với Ngài qua những lần chúng ta cầu nguyện, lắng nghe lời Chúa, tham dự thánh lễ và rước Mình Thánh Chúa. Thì giờ đây, chúng ta cũng mau chóng ra đi loan báo Tin Mừng Phục Sinh cho anh chị em của mình, nhất là những ai chưa biết đến danh Đức Giêsu Kitô.

  1. Người môn đệ vô danh

Trình thuật Tin Mừng cho chúng ta biết có hai môn đệ, một người tên là Cơlêôpát, người còn lại thì không ai biết tên. Người môn đệ vô danh ấy có thể là một trong mỗi người chúng ta.Nhiều khi trong cuộc đời chúng ta cũng bước đi trong đêm tối của thất vọng vì những thất bại, những tai ương, những bất hạnh ập xuống hoặc những đam mê dục vọng, đam mê quyền lực địa vị…mà đánh mất niềm tin vào Thiên Chúa và mọi người xung quanh.

Nhưng “sau cơn mưa trời lại sáng”; chúng ta cần gặp gỡ và để cho Thiên Chúa hoán cải tâm hồn, để cho Ngài chiếu giãi ánh sáng Phục Sinh vào đêm tối cuộc đời. Chỉ duy nhất Thiên Chúa mới có thể làm nên cuộc biến đổi ngoạn mục ấy, với điều kiện chúng ta phải có lòng hướng thiện và ao ước để cho Thiên Chúa tác động trên chúng ta.

Đồng thời, qua hình ảnh người môn đệ vô danh, thánh Luca muốn mời gọi những ai đang gặp khó khăn, tai ương, bất hạnh…hãy vững tin vào tình yêu và sự quan phòng của Thiên Chúa. Ngài vẫn luôn đồng hành và xoa dịu những nỗi đau của chúng ta, nhờ đó chúng ta trở nên những chứng nhân Tin Mừng qua những việc tầm thường nhưng với một đức tin phi thường.

Cầu chúc mọi người một mùa Phục Sinh tràn đầy niềm vui và bình an.

 

 

Bài trướcChú Giải Tin Mừng Chúa Nhật III Phục Sinh, Năm A (Lc 24,13-35)
Bài tiếp theoLỜI SỐNG (Chúa Nhật, Tuần 3 Phục Sinh – A)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.