“Tôi vô can trong vụ đổ máu người này”?

0
531

Giuse Nguyễn Đình Trường – Học viện Ngôi Lời

Có một ngày trong năm mà trọng tâm và cao điểm của phụng vụ Giáo Hội không phải là Thánh Thể, nhưng là thập giá; không phải là bí tích, nhưng là biến cố; không phải là dấu chỉ, nhưng là biểu ý. Đó là Thứ Sáu Tuần Thánh. Ngày đó, chúng ta không cử hành Thánh lễ, nhưng chỉ chiêm ngắm và thờ lạy Đấng bị đóng đinh.[1] Trong ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, chúng ta nhìn ngắm dung mạo của một Đấng vô tội nhưng đã phải chịu một cái chết đau thương và thảm khốc. Dĩ nhiên, phía sau cuộc tử nạn ấy còn đó nhiều lý do và những cái tên phải chịu liên lụy.

“Ai phải chịu trách nhiệm về cái chết của Đức Kitô” trở thành một chủ đề mà người ta đã rất say mê trong những năm sau Thế chiến thứ hai. Một trong những lý do mà người ta say mê đi tìm lời giải cho vấn đề này là vì, một cách nào đó, nó liên quan tới bi kịch mà dân Do Thái phải chịu.[2]

  1. Ai phải chịu trách nhiệm về cái chết của Đức Giêsu?

Vụ án Đức Giêsu không thiếu những yếu tố phức tạp vì lẽ, nó liên hệ đến cả bối cảnh tôn giáo lẫn chính trị thời bấy giờ, không riêng với dân Do Thái mà cách nào đó còn dính dáng đến cả đế quốc Rôma. Thế nên, khi bàn về cái chết của Đức Giêsu, trách nhiệm có thể được gán cho cá nhân hoặc một tập thể, bởi lý do chính trị nhưng cũng có thể chỉ đơn thuần là tôn giáo mà thôi.

Một số người đã quy hết trách nhiệm cho cá nhân Giuđa, người môn đệ phản bội, đã nộp Đức Giêsu vào tay những người đang muốn giết Ngài: “Quý vị muốn cho tôi bao nhiêu? Tôi đây sẽ nộp ông ấy cho quý vị. Họ quyết định cho hắn ba mươi đồng bạc. Từ lúc đó, hắn cố tìm dịp thuận tiện để nộp Đức Giêsu” (x. Mt 26,15-16).

Trách nhiệm đó cũng có thể quy cho một nhóm người mà cụ thể ở đây là đám đông dân chúng đã đòi đóng đinh Đức Giêsu (x. Ga 19,15). Chính họ đã đáp lại lời của Philatô: “Máu hắn cứ đổ xuống đầu chúng tôi và con cháu chúng tôi!” (Mt 27,25). Mở rộng hơn, trách nhiệm tập thể có thể được gán cho toàn bộ dân Do Thái nói chung như trong lời rao giảng của thánh Phêrô: “Anh em đã giết Đức Giêsu Nadarét” (x. Cv 2,23). Lời ấy như tiếng sét ngang tai. Ba ngàn người nghe những lời tố giác kinh khủng của Phêrô chắc chắn không thuộc số những người đã đóng đinh Đức Giêsu trên đồi Canvê; có lẽ họ cũng không thuộc nhóm những người đã đòi Philatô đóng đinh Đức Giêsu. Vậy tại sao Phêrô lại nói vậy? Bởi vì họ thuộc về dân đã giết Đức Giêsu.[3]

Một số khác lại gán cho quyền lực chính trị, tức là cho người Rôma. Cái chết của Đức Giêsu chấm dứt một cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc có vẻ như đang được nhen nhóm.[4] Một số khác lại gán cho quyền lực tôn giáo mà cụ thể là giới lãnh đạo Do thái thời bấy giờ đã gây nên cái chết của Đức Giêsu, “còn các thượng tế và toàn thể Thượng Hội Đồng thì tìm chứng gian buộc tội Đức Giêsu để lên án tử hình” (Mt 26,59).

Đối với một số người chống đối Kitô giáo, họ xem cái chết của Đức Giêsu là lý do để lên án rằng chính Thiên Chúa Cha phải chịu trách nhiệm về cái chết của Đức Giêsu. Họ đã dựa vào lời Kinh Thánh, “đến như chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tiếc” (Rm 8,32) để nói rằng chính Chúa Cha đã muốn Con Mình phải chịu chết. Việc Đức Giêsu chết trên thập giá không cho thấy tình yêu của Chúa Cha, nhưng đúng hơn là sự độc ác của Chúa Cha. Lập trường này được dựa trên nền tảng khoa tâm lý học hiện đại khi bàn về hình ảnh của người cha. Người ta cho rằng nơi tâm hồn mọi người con trai đều ẩn giấu một ước muốn âm thầm giết cha. Điều này áp dụng không chỉ với người cha dưới đất mà còn liên hệ tới người Cha trên trời. Như vậy, người ta đã đi tới tột đỉnh lầm lạc là đặt chính Đức Giêsu chống lại Cha Ngài và cái chết của Ngài là cái giá của sự chống đối.[5]

Nhìn chung, không ít người đã quy kết cho dân tộc Do thái nói chung phải trách nhiệm về cái chết của Đức Giêsu. Dĩ nhiên, họ có những căn cứ để quy gán điều đó. Giáo Hội Công Giáo có lập trường riêng của mình. Quan điểm của Giáo Hội trong vấn đề này được cụ thể hoá nơi số 597 sách Giáo Lý Hội Thánh Công giáo: “Không thể quy trách nhiệm cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa Giêsu một cách không phân biệt cho mọi người Do Thái thời đó, cũng như cho con cháu họ sau này”.

“Vì tính cách phức tạp về lịch sử trong vụ án Chúa Giêsu được các Tin Mừng thuật lại, cũng như lỗi lầm cá nhân của những người tra tay vào vụ án (Giuđa, Thượng Hội Đồng, Philatô)”, do đó, câu hỏi “ai phải chịu trách nhiệm về cái chết của Đức Giêsu” quả là không dễ dàng để có một câu trả lời minh nhiên, có lẽ điều đó “chỉ mình Chúa biết…” (SGLHTCG số 597).

  1. “Tôi vô can trong vụ đổ máu người này”

“Tôi vô can trong vụ đổ máu người này” (Mt 27,24), Philatô vừa rửa tay vừa thốt lên những lời ấy. Ông buông một lời thật nhẹ nhàng mà cảm tưởng như đã chẳng có gì xảy ra với ông, chẳng liên quan gì đến ông. Philatô đã tự cho mình vô can trong vụ án Đức Giêsu vì lẽ, dưới góc nhìn sự kiện, ông đã chẳng tuyên bố một tội danh hay một bản án nào cho Đức Giêsu, ông cũng đã chẳng kết án đóng đinh Đức Giêsu. Trước sự phức tạp của vụ án, ông chọn phương án “vô can”. Xem ra, ông đã chẳng liên hệ gì tới cái chết của Đức Giêsu. Dĩ nhiên, đó chỉ là một sự giũ bỏ trách nhiệm, một sự biện minh để khỏi chịu liên luỵ của ông mà thôi.

“Tôi vô can trong vụ đổ máu người này”, lời này của Philatô, nghe ra có vẻ cũng phù hợp để diễn tả mối liên can của chúng ta tới cái chết của Đức Giêsu. Quả vậy, chúng ta đã chẳng góp mặt trong đám đông đang trơ mắt nhìn một con người vô tội đang bị người ta kết án một cách bất công. Chúng ta cũng không ở trong đám đông hò hét: “Đóng đinh nó vào thập giá” (x. Ga 19,6) hay trong nhóm lính tráng đang ra sức đánh đòn, sỉ vả Người thậm tệ. Dĩ nhiên, chúng ta lại càng không nằm trong số những người thuộc giới lãnh đạo Do thái lúc bấy giờ, những người đang cố gắng đưa ra những cáo buộc, bằng chứng, thậm chí cả chứng gian, hầu tìm cách thuyết phục Philatô và Hêrôđê xử tử Đức Giêsu.

Đức Giêsu chịu chết đã là một biến cố lịch sử, đã là câu chuyện của hơn 2000 năm, ở một mảnh đất xa xôi. Sự thật là chúng ta đã chẳng hiện diện cách thể lý ở đó. Thế nên, chúng ta vô can là đúng rồi. Một lập luận như vậy xem ra có vẻ phù hợp. Thế nhưng, liệu rằng chúng ta thật sự vô can trong vụ đổ máu Đức Giêsu?

  1. “Anh em đã giết Đức Giêsu Nadarét”

Dưới cái nhìn của người đời, Đức Giêsu đã bị giết chết dưới thời quan Philatô, tổng trấn xứ Giuđê. Người đã phải chịu đánh đòn trước khi vác khổ hình thập giá, phải vác chính cây thập giá ấy mà bị điệu đến nơi hành hình, bị lột trần và đóng đinh, ở đó Người phải hấp hối trong những cơn co giật và đau đớn ghê gớm và cuối cùng, Người đã gục đầu tắt thở. Thế nhưng, cần nhớ rằng, chính Đức Giêsu đã nói: “Mạng sống của tôi, không ai lấy được, nhưng chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình. Tôi có quyền hy sinh và có quyền lấy lại mạng sống ấy” (Ga 10,18). Do đó, dưới con mắt đức tin, chúng ta xác quyết chính Người đã tự hiến mạng sống mình, “Đức Kitô đã tự do dâng hiến mình cho Chúa Cha, để chu toàn ý định cứu độ. Người đã trao ban sự sống làm giá chuộc cho nhiều người” (SGLHTCG số 609). Do đó, người ta đã có thể giết chết Đức Giêsu vì lẽ là chính Ngài đã muốn nhận lấy điều đó mà thôi. Thế nên, thay vì đi tìm lời giải cho câu hỏi “Ai phải chịu trách nhiệm về cái chết của Đức Giêsu”, chúng ta có thể đặt lại vấn đề: “Đức Giêsu đã tự hiến chính mình vì ai?” Câu trả lời là “Đức Kitô đã tự hiến vì tội lỗi chúng ta” (Rm 4,25).

Trong Tân Ước, bài giảng Kerygma luôn bao gồm hai yếu tố: (1) yếu tố sự kiện: “Ngài đã chịu khổ nạn, chịu chết”; (2) lý do của sự kiện: “vì chúng ta”, “vì tội chúng ta” (x. Rm 4,25; 1 Cr 15,3).[6] Thật vậy, tất cả chúng ta đều phải chịu trách nhiệm về cái chết của Ngài, vì chúng ta đều phạm tội và nếu chúng ta nói mình vô tội là chúng ta nói dối (x. 1Ga 1,10). Mỗi lần chúng ta phạm tội là chúng ta đóng đinh Chúa vào thập giá một lần nữa như thư Hípri nói về những người sau khi đã chịu phép Rửa mà vẫn phạm tội: “Họ đã tự tay đóng đinh Con Thiên Chúa vào thập giá một lần nữa” (x. Hr 6,6).

Sách Giáo Lý Hội Thánh Công giáo số 598 khẳng định: “Mỗi tội nhân, nghĩa là mọi người, thực sự là nguyên nhân và công cụ gây nên những đau khổ của Đấng Cứu Chuộc. Chịu trách nhiệm nặng nề hơn nữa là những người, đặc biệt nhất là các người Kitô hữu, thường xuyên sa ngã phạm tội và vui thoả trong những điều xấu xa”.

Tuy nhiên, cuộc khổ nạn của Đức Kitô sẽ còn xa lạ với chúng ta bao lâu chúng ta chưa chân nhận rằng “Đức Kitô đã tự hiến vì tội lỗi của chính tôi”, chưa nhận ra rằng chính tội riêng của tôi đã đè nặng tâm hồn Đức Giêsu; chính sự ích kỷ của tôi, sự lạm dụng tự do của tôi đã đóng đinh Ngài. Đặt lại câu hỏi như vậy, chúng ta sẽ khám phá ra: “Ngày hôm đó, chúng ta cũng đã ở đó”. Chúng ta có thể đã cùng đám đông hò hét: “Đóng đinh nó đi!”, cũng có thể đã ở bên Phêrô khi Phêrô chối Chúa hay ở bên Giuđa khi ông này nộp Đức Giêsu. Hay đã cùng lính tráng đánh đòn, thêm những chiếc gai nhọn vào mão gai và sỉ vả Người. Thậm chí, chính chúng ta đã đóng đinh Đức Giêsu vào thập giá. Thật vậy, chúng ta đã chẳng vô can trong vụ đổ máu Đức Giêsu, vì lẽ “Đức Kitô đã tự hiến vì tội lỗi chúng ta” (Rm 4,25).

Tóm lại

Đức Giêsu đã chịu đóng đinh, chịu chết trên cây thánh giá nơi đồi Canvê. Biến cố này đã xảy ra trong dòng lịch sử. Chúng ta có quyền đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: “Ai là người chịu trách nhiệm cho cái chết của Đức Giêsu”. Dĩ nhiên, việc đi tìm lời giải không nhằm để lên án bất kỳ ai nhưng để khám phá ra sự liên hệ của chúng ta trong cuộc khổ nạn của Người. Với lời xác quyết của thánh Phaolô, “Đức Kitô đã tự hiến vì tội lỗi chúng ta” (Rm 4,25), có lẽ, chúng ta sẽ chẳng còn thấy mình vô can trong vụ đổ máu Đức Giêsu nữa. Một khi đã chân nhận điều đó, lời của thánh Phêrô sẽ vang vọng nơi tâm hồn mỗi chúng ta: “Anh em đã giết Đức Giêsu Nadarét”.

Ba ngàn người sau khi đã nghe thánh Phêrô giảng đã đau đớn trong lòng và hỏi ông Phêrô cùng các tông đồ khác: “Thưa các anh, vậy chúng tôi phải làm gì?” (Cv 2,23-27). Họ đau đớn khi nhìn nhận tội của mình, “giết Đức Giêsu Nadarét”. Thái độ của họ thật đáng quý biết bao: nhìn nhận tội lỗi của mình, đau đớn trong lòng, tỏ lòng sám hối và và xin chịu phép rửa như dấu chỉ của sự trở về. 

Ước gì chúng ta có thể học đòi tâm tình đó của họ. Sẽ thật là tốt đẹp biết mấy, nếu ngay ở đây và lúc này, tâm hồn chúng ta cũng cảm thấy đau đớn khi nghĩ mình đã giết Đức Giêsu Nadarét và can đảm thân thưa với Ngài: “Lạy Chúa, xin thương xót con, vì con là kẻ có tội” (Lc 18,13). Đó thật là tâm tình mà mỗi người được mời gọi mang lấy trong ngày Thứ Sáu Tuần Thánh cũng như trong suốt hành trình đức tin của mình. Để rồi, không ai còn có thể tự hào mà thốt lên rằng: “Tôi vô can trong vụ đổ máu người này”?

Chú thích:

[1] Raniero Cantalamessa, Chúng tôi rao giảng một Đức Kitô bị đóng đinh, Dg: Lm. Micae Trần Đình Quảng, Nxb Đồng Nai (2020), Lời nói đầu.

[2] Ngụ ý nói về cuộc thảm sát người Do Thái của Hítle. Thế chiến thứ hai chứng kiến cuộc thảm sát người Do thái của Hítle và Đức Quốc xã. Dựa trên chủ nghĩa bài Do thái (Antisemitism), lý do được đưa ra là người Do thái đã giết Đức Giêsu (dĩ nhiên, đây chỉ là một lý do nguỵ biện mà thôi).

[3] Raniero Cantalamessa, Chúng tôi rao giảng một Đức Kitô bị đóng đinh, Dg: Lm. Micae Trần Đình Quảng, Nxb Đồng Nai (2020), tr.37.

[4] Sđd, tr.38.

[5] Sđd, tr.158.

[6] Sđd, tr.109-110.

Bài trướcLỜI SỐNG (CHÚA NHẬT LỄ LÁ, NĂM C)
Bài tiếp theoSỰ CHỜ ĐỢI THIÊNG LIÊNG