Linh mục Giuse Lâm Văn Việt, SVD
Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Niềm hy vọng vào lòng thương xót của Thiên Chúa mở ra những chân trời và ban cho chúng ta tự do”.
Chúng ta đang sống trong một thế giới đầy những đau khổ, trở ngại và khó khăn, niềm hy vọng là một nhu cầu để sống còn. Nhưng sự hữu ích của nó phụ thuộc vào ý nghĩa chúng ta trao cho nó.
Hy vọng là sự cần thiết, là điều kiện sinh tử của đời sống con người, nếu không có hy vọng người ta không thể sống. Ai cũng nghiệm thấy sống là khát khao và nỗ lực, là một năng lực xuất phát từ một xung lực kín ẩn nào đó, và lúc nào cũng vươn tới một cuộc sống tốt hơn, hoàn hảo hơn, được hạnh phúc bền lâu, thuần khiết. Nhưng vì không bao giờ ước vọng ấy được thực hiện đầy đủ trong cuộc sống trần gian này, con người mới hy vọng sẽ được thỏa mãn trong tương lai này, rồi tương lai nữa. Như vậy, hy vọng là người đồng hành thường xuyên của cuộc sống trần gian.
Vì thế, hiểu theo đúng nghĩa, hy vọng không phải là một nhân đức, mà chỉ là một tình cảm. Thánh Tôma Aquinô định nghĩa: “Hy vọng là ước muốn một điều tốt, tuy khó, nhưng không phải là không thể đạt được” vì người có ước muốn này phải tin rằng sẽ đạt được, nên có thể xác định thêm hy vọng là sự ước muốn có kèm theo mong muốn được thành công.
Niềm hy vọng của Kitô hữu hướng tới tương lai hạnh phúc mà tất cả mọi người đều được mời gọi đạt tới, đó là “Đấng muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý” (1 Tm 2,4). Tương lai này sẽ không phải là thực tại trần thế, đó là “cuộc sống vĩnh cửu” nơi đó con người sẽ giống Thiên Chúa vì “Điều mà chính Đức Kitô đã hứa ban cho chúng ta: sự sống đời đời” (1 Ga 2,25). Ngài ban cho chúng ta là con cái Ngài sự sống vĩnh cửu vì yêu thương: “Chúa Cha yêu chúng ta dường nào, Người yêu đến nỗi cho chúng ta được gọi là con Thiên Chúa, mà thực sự chúng ta là con Thiên Chúa” (1 Ga 3,2).
Chính sự tin tưởng vào Thiên Chúa, và vào sự trung thành với lời hứa của Ngài bảo đảm thực tại của tương lai ấy: “Đức Tin là bảo đảm cho những điều ta hy vọng, là bằng chứng cho những điều ta không thấy ? (Hr 11,1). Bởi đó người tín hữu có thể hy vọng tương lai ấy trong lòng mến và sự tín nhiệm vào Thiên Chúa.
Kinh nghiệm sống của con người được dệt bằng hy vọng. Lương tâm con người không bao giờ trọn vẹn trong suốt, vì thế nó không tự giam mình trong cái nó sống, mà tự do chỉ tự cởi mở để quyết định một viễn tượng của hạnh phúc sắp đến. Cuộc sống trần gian của con người đều phụ thuộc vào sự hiện hữu. Trần gian chỉ có nghĩa như dự phóng của con người về cái có thể trở thành hơn là cái nó đang sống.
Ơn gọi Kitô hữu không miễn cho họ khỏi bị đau khổ và phiền muộn nhờ Hy vọng họ có được sức mạnh và can đảm để đứng vững cả trong những lúc đen tối dày đặc nhất, không thất vọng hay bỏ cuộc. Thái độ cơ bản của các Kitô hữu trước đau khổ là hy vọng, hy vọng vì chúng ta được yêu mến và đáp trả bằng lòng mến yêu: “chúng ta biết rằng trong mọi sự Thiên Chúa đều làm thành tốt cho những ai yêu mến Người” (Rm 8,28), “vì những đau khổ đời này không đáng sánh với những vinh quang sẽ đến” (Rm 8,18).
Hy vọng thêm sức cho họ biết nhìn thẳng vào điều cay đắng nhất, là sự dày vò hối hận về những thiệt hại gây ra cho Thiên Chúa, cho người khác nhờ cậy trông vào lòng thương xót của Thiên Chúa; tội nhân sẽ có can đảm chấp nhận những dày vò hối hận về tội của mình, và sự chỉ trích phê bình vì tội ấy. Hy vọng sẽ ban cho họ khả năng sống đời sống mới, và quay trở về với tình thương của Thiên Chúa, với cuộc sống thân nghĩa với Ngài.
Khi gặp gỡ Thiên Chúa của hy vọng, con người thấy mình đứng trước một mầu nhiệm mới mẻ, bất ngờ, độc đáo và viên mãn. Đời sống của Kitô hữu bởi đó là đời sống của những bắt đầu luôn luôn và của những tâm hồn đang tìm kiếm. Nhờ vậy tư duy, truyền thống và giáo lý sẵn sàng được khai triển và kiện toàn thêm. Vì lý do này con người nhận thấy mình có thể đối thoại với mọi người thiện chí, trên con đường tiến tới sự viên mãn của chân lý.
Hy vọng Kitô giáo không làm cho những nỗ lực của ta trở thành vô ích, nhưng còn đòi hỏi những nỗ lực ấy. Con người hy vọng sẽ được hưởng sự công chính và hòa bình của Thiên Chúa, bằng cách ra công thực hiện dần điều đó, ngay từ bây giờ làm trung gian, trong quá trình đưa vạn vật vào Nước Chúa, và quy thuận chủ quyền cứu độ của Người. Nhưng niềm hy vọng của chúng ta là sự đảm bảo rằng Chúa đang sống và làm việc với chúng ta. Chúng ta có thể bước đi trong đêm tối, nhưng chúng ta đang bước đi với Thiên Chúa, đang ở trong tay Thiên Chúa, trừ khi chúng ta tự ý rút lui. Nếu chúng ta ở với Thiên Chúa, chúng ta có thể hy vọng điều không thể được, vì “đối với Thiên Chúa thì không điều gì là không thể được” (Lc 1,37).
Chúng ta sống niềm hy vọng và luôn bắt đầu trong cái nhìn mới của hành trình sống của mình bằng việc quan sát, phân tích và nhận định về con người và thế giới hôm nay dựa trên mạc khải Thánh Kinh, các suy tư thần học suốt dòng lịch sử Giáo Hội về con người và thế giới, từ đó nhận ra đâu là giá trị của các sinh hoạt nhân loại, bất kể lớn lao quan trọng hay tầm thường nhỏ nhặt với tất cả lòng tin, niềm hy vọng và lòng mến hiệp dâng lên Thiên Chúa Cha trong Đức Giêsu Kitô và Ân sủng của Chúa Thánh Thần để Nước Cha hiển trị.
Niềm hy vọng của người môn đệ Chúa cần phải được thể hiện bằng chính cuộc sống hiện thân của mình. Đó là “làm chứng nhân bằng cuộc sống Kitô chân chính trên bình diện cá nhân cũng như cộng đoàn, đó là bước đầu tiến tới việc thực hiện công cuộc phụng vụ truyền giáo của chúng ta. Người ta phải nhận ra được rằng chúng ta quả là những người đã cảm nghiệm được trong đời sống riêng của chúng ta Nước Trời mà chúng ta loan truyền” (Hiến Pháp Dòng Ngôi Lời, số 106).
Sự thánh hiến đặc biệt ấy phải thấm nhập toàn bộ cuộc sống của chúng ta, và tất cả mọi sinh hoạt hằng ngày của chúng ta. Hoạt động tông đồ là một năng lực từ trong chính con người của ta, đẩy ta tới chỗ quảng đại thực hiện kế hoạch cứu độ của Chúa Cha, trong tình yêu và niềm hy vọng, bằng cách sống các đòi hỏi triệt để của Tin Mừng, tới mức chính cuộc sống của ta trở thành một chất men, một chất men mà người thánh hiến giữa đời được kêu mời đưa vào trong giòng lịch sử nhân loại, vào trong công việc trần thế, trong đời sống cộng đoàn và nghề nghiệp, trong sự liên đới với anh em, và cộng tác với những ai đang làm việc dưới những hình thức Phúc Âm hóa khác. Đó chính là sự hiện diện của Tin Mừng ngay trong môi trường sống, đáp lại lời kêu gọi của vị Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II: “Quyết tâm ấy là của riêng các con, làm thay đổi thế giới từ bên trong”.
Đời sống chứng tá của người thánh hiến giữa đời, phải luôn được nuôi dưỡng trong các Bí tích, trong phụng vụ và trong sự cầu nguyện, với sự hiện diện và biến đổi thế giới từ bên trong, để kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa được thành tựu trong Thánh Ý Ngài.
Qua chiêm ngưỡng dung nhan Thiên Chúa chúng ta càng thấy những bước thật dài của lòng thương xót Chúa. Ngài mở ra con đường đưa chúng ta trở lại với chính Người và qua lòng thương xót của Chúa, chúng ta sống và làm việc để nên những chứng nhân cho Chúa giữa lòng thế giới hôm nay.