♦ Tu sĩ Giuse Nguyễn Đình Trường
– Học Viện Ngôi Lời
Triết học Tây phương thế kỷ XIX chứng kiến sự ra đời của một phương pháp mà người đương thời xem nó là một phương pháp có chủ đích tìm hiểu cho đến nguồn ngọn tri thức của con người dưới tất cả mọi hình thức, từ hình thức thường nghiệm đến hình thức khoa học. Đó là hiện tượng luận của triết gia Husserl (1859-1938). Phương pháp giúp tìm ra bản chất sự vật bằng con đường giản trừ triết học mà cấp độ đầu tiên của việc đi tìm bản chất của sự vật là giản trừ hết đi những định kiến, thành kiến hay những ý niệm sẵn có. Điều đó nghĩa là phải lọc bỏ tất cả những định kiến đang dọi bóng trên suy nghĩ của mình, có vậy chân lý về sự vật mới khai mở cho ta. Thế nên, muốn khám phá ra cái hay, cái đẹp của một sự vật hay của một ai đó, điều thiết yếu là phải loại bỏ những gì là định kiến về đối tượng.
Nhìn chung, định kiến vẫn thường xuất hiện trong tâm lý chung của con người. Trong tương quan giữa người với nhau, định kiến không những “bóp méo” hình ảnh của người anh em trong ánh nhìn của ta mà còn thu hẹp chính tầm nhìn và con tim của ta với tha nhân. Bởi ánh nhìn định kiến, lắm lúc, chúng ta đánh mất cơ hội để khám phá, hiểu và cảm thông với người anh em mình.
Đức Giêsu, nạn nhân của những định kiến
“Bởi đâu ông ta được khôn ngoan và làm được những phép lạ như thế ? Ông không phải là con bác thợ sao ? Mẹ của ông không phải là bà Maria; anh em của ông không phải là các ông Giacôbê, Giôxếp, Simôn và Giuđa sao? Và chị em của ông không phải đều là bà con lối xóm với chúng ta sao?” (Mt 13, 53-57).
Chính Đức Giêsu Nazaret cũng là nạn nhân của những định kiến của người Do thái thời bấy giờ. Đã bao lần Ngài đã sống trên những lối nhìn áp đặt về Ngài, nào là “ông không phải là con bác thợ sao?” hay “ở Nazaret thì làm gì có gì hay?”… Đức Giêsu cũng là nạn nhân của định kiến của người Do thái thời bấy giờ bởi lẽ Đức Giêsu sống trong một bối cảnh xã hội cụ thể và xác định. Ánh nhìn định kiến đã giới hạn tầm nhìn của những người Do thái đương thời. Dẫu chứng kiến bao công việc tốt đẹp mà Đức Giêsu đã làm, người Do thái vẫn không nhìn nhận những giá trị cao quý ấy, thay vào đó, họ đi tìm những luận cứ nhằm phủ nhận rằng Đấng ấy thực là Con Thiên Chúa. Qua lăng kính của định kiến, Đức Giêsu trong mắt họ không gì khác hơn là “con bác thợ” và xuất thân từ một “Nazaret không có gì hay”. Hệ luỵ là “họ vấp ngã vì Người” (Mt 13,57).
Đức Giêsu đã phản ứng lại như thế nào? Trên tất cả, Đức Giêsu không đáp trả dữ dội bằng những lời cãi vã hay dùng những dấu lạ để chứng minh thân phận của Ngài. Thay vào đó, Ngài vẫn tiếp tục rao giảng về tình yêu, ơn cứu độ của Thiên Chúa và làm bao việc tốt đẹp giữa dân chúng. Có lẽ, điều đó là lời minh chứng mạnh thế và hùng hồn hơn tất cả, để rồi dân chúng phải thốt lên: “Ông ấy làm điều gì cũng tốt đẹp cả” (Mc 7,37). Hơn thế nữa, Đức Giêsu còn đụng chạm đến, đỡ nâng và chữa lành tâm hồn những “nạn nhân khác” của cái nhìn định kiến bằng ánh nhìn yêu thương của Thiên Chúa.
Đức Giêsu nhìn chúng ta bằng cái nhìn yêu thương
Trong bối cảnh xã hội Do thái bấy giờ, vẫn còn đó biết bao con người cũng đang bị bao thành kiến của dân chúng bủa vây, họ là người bị phong hủi trong trình thuật Tin Mừng theo thánh Máccô (Mc 1,40-45), là người phụ nữ ngoại tình trong Tin Mừng Gioan (Ga 8,2-11) hay là người thu thuế Dakêu trong Tin Mừng Luca (Lc 19,1-10) … Đâu là tương lai dành cho những con người này?
Dưới cái nhìn của giới lãnh đạo cũng như dân chúng thời bấy giờ, những con người bé nhỏ này không có “tương lai”. Bởi lẽ, họ sẽ bị Thiên Chúa luận phạt, chúc dữ vì đã là kẻ ngoại tình, hay làm nghề thu thuế. Cái nhìn định kiến của đám đông đã bóp nghẹt đi cuộc sống của những con người bé mọn. Tương lai của họ không xuất hiện trong lăng kính định kiến của đám đông thời bấy giờ. Họ không thể có một tương lai tốt đẹp… Dân chúng xa lánh họ và họ bị cô lập với đám đông. Thế nhưng, sự thật có đúng với cái nhìn của dân chúng hay chăng? Có đúng là bệnh tật mà họ mang lấy là do Thiên Chúa trừng phạt hay chăng, hay những người đĩ điếm, thu thuế sẽ không thể được vào Nước Thiên Chúa như những gì mà dân chúng thời bấy giờ vẫn nghĩ? Họ đã dùng ánh nhìn định kiến để quy chụp tương lai của tha nhân, đồng thời, quy chụp luôn cho cả Thiên Chúa. Đó chính là sự nguy hại của cái nhìn định kiến.
Đức Giêsu đã nhìn những con người bé mọn kia với ánh nhìn yêu thương, hoàn toàn khác xa với ánh nhìn định kiến, vì họ “cũng là con cháu tổ phụ Ápraham” (Lc19,9). Không những không xa lánh, trái lại, Đức Giêsu không ngần ngại đụng chạm đến họ. Ngài đã làm gì cho những con người ấy ngoài một cử chỉ đón nhận, yêu thương và hơn hết, Ngài cho họ thấy rằng Thiên Chúa hoàn toàn khác xa với Thiên Chúa được nhìn dưới lắng kính định kiến. Thiên Chúa ấy yêu thương hết tất cả mọi người: “Hôm nay ơn cứu độ đã đến cho nhà này” (Lc 19,9) và “Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu” (Ga 8,11), “Những người thu thuế, đĩ điếm sẽ vào thiên đàng trước các ông” (Mt 21,31). Dẫu những con người bé mọn ấy vẫn mang nơi mình những tội lỗi và yếu đuối, nhưng khi được Thiên Chúa đụng chạm đến, họ đã hoán cải và trở nên những con người công chính trước mặt Thiên Chúa. Họ cũng được đón nhận ơn cứu độ của Thiên Chúa. Đó là lời quả quyết của Đức Giêsu về một tương lai tốt đẹp dành cho họ.
Đó cũng chính là ánh nhìn của Đức Giêsu, ánh nhìn đầy yêu thương. Trên hết, ánh nhìn ấy thấy rõ được tội lỗi của nhân loại. Thế nhưng, ánh nhìn yêu thương ấy đã xoá tan những định kiến để mở ra một chân trời tương lai cho những tội nhân. Nó tròn đầy và bao dung. Ánh nhìn yêu thương không phủ nhận những thiếu sót, yếu đuối của nhân loại nhưng ánh nhìn ấy bao dung hơn rất nhiều. Ánh nhìn ấy phản ánh tình yêu của Đức Giêsu, Đấng đến để “tìm và cứu những gì đã mất” (Lc19,10). Chính ánh nhìn tình yêu của Đức Giêsu đã thu hút và biến đổi tâm hồn con người, chứ không phải là ánh nhìn đầy định kiến.
Cần một ánh nhìn yêu thương để đồng cảm và bao dung
Đức Giêsu đã nhìn chúng ta, những tội nhân bằng cái nhìn yêu thương. Đức Giêsu đã không nhìn chúng ta như những gì chúng ta có: chúng ta có tội, chúng ta có những lầm lỗi, yếu đuối, chúng ta có những toan tính tham-sân-si… nhưng Đức Giêsu nhìn chúng ta như những gì chúng ta là: chúng ta là con Thiên Chúa. Thế nên, người môn đệ Đức Giêsu cũng được mời gọi nhìn tha nhân với một ánh nhìn yêu thương để đồng cảm và bao dung.
Một câu nói đầy ý nghĩa mà đâu đó người ta vẫn thường nói: “Mỗi thánh nhân đều có một quá khứ, mỗi tội nhân đều có một tương lai”. Một khi bỏ lại quá khứ tội lỗi bằng con đường hoán cải, những tội nhân có thể bắt đầu một tương lai mới: “nên thánh”. Điều đó thực sự tuyệt vời biết bao vì ngay chính Đức Giêsu cũng đã nói trong Tin Mừng Luca “giữa triều thần Thiên Chúa, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối”.
Thế nhưng, lắm lúc người ta tự hỏi rằng đứng trước biến cố vấp ngã của bản thân hay của tha nhân, liệu tôi có đủ “lương thiện” để có một cái nhìn tươi sáng rằng “tội nhân sẽ hoá thánh nhân” chăng? Bởi chưng, không dễ gì để người ta có thể vượt thắng được cái nhìn tiêu cực, thành kiến về sự vấp ngã đó. Mạnh dạn nhìn nhận điều đó giúp con người thấy được những yếu đuối, mòng giòn nơi thân phận của mình và cần nương nhờ đến ơn trợ lực của Thiên Chúa.
Tóm lại
Những ánh nhìn định kiến vẫn còn đó trong đời sống nhân lại từ bao đời, trong tương quan giữa người với người. Đức Giêsu, Con Thiên Chúa, cũng không thoát khỏi ánh nhìn này đến từ những người đương thời, “con bác thợ” và xuất thân từ một “Nazaret không có gì hay”. Ánh nhìn ấy che khuất tâm hồn người Do thái để họ không còn thấy bóng dáng của Đấng Cứu Độ, thay vào đó chỉ là một con người bình thường không hơn không kém.
Đức Giêsu đã đến bên những con người bé mọn, sống dưới ánh nhìn định kiến để khai mở cho họ một tương lai mà Thiên Chúa hứa ban cho con người. Ngài bước đến bên họ và âu yếm nhìn những tội nhân với ánh mắt đầy yêu thương. Nhờ đó, bao tội nhân đã hoán cải và bước theo Đức Giêsu. Ngày hôm nay, Ngài cũng nhìn chúng ta, những tội nhân, với ánh nhìn đó. Hạnh phúc thay cho nhân loại vì Thiên Chúa đã không đoái nhìn đến tội lỗi chúng ta nhưng vẫn luôn ban ơn hầu con người được ơn cứu độ.