LỜI SỐNG (Thứ Hai, Tuần 2 TN)

0
547

Tin Mừng: Mc 2,18-22

Bấy giờ các môn đệ ông Gioan và các người Pharisêu đang ăn chay; có người đến hỏi Đức Giêsu: “Tại sao các môn đệ ông Gioan và các môn đệ người Pharisêu ăn chay, mà môn đệ ông lại không ăn chay?” Đức Giêsu trả lời: “Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể ăn chay, khi chàng rể còn ở với họ? Bao lâu chàng rể còn ở với họ, họ không thể ăn chay được. Nhưng khi tới ngày chàng rể bị đem đi rồi, bấy giờ họ mới ăn chay trong ngày đó. Chẳng ai lấy vải mới mà vá áo cũ, vì như vậy, miếng vá mới đã vá vào sẽ kéo vải cũ, khiến chỗ rách lại càng rách thêm. Cũng không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ, vì như vậy, rượu sẽ làm nứt bầu, thế là rượu cũng mất mà bầu cũng hư. Nhưng rượu mới, bầu cũng phải mới!”

SUY NIỆM

ĂN CHAY (Tu sĩ  Giuse Nguyễn Văn Hải, SVD)

Ăn chay là một trong ba việc lành phúc đức mà Chúa Giêsu dạy cho các môn đệ cũng như mỗi Kitô hữu chúng ta. Vậy tại sao người ta chất vấn Chúa Giêsu vì các môn đệ của Người không ăn chay? Và đâu là ý nghĩa đích thực và thái độ cần có khi ăn chay?

Đối với Do Thái giáo, ăn chay là để tỏ lòng sám hối và xin phúc lành từ Thiên Chúa. Ăn chay là để chờ đợi Đấng Cứu Thế đến giải phóng dân khỏi ách đô hộ ngoại bang. Và, ăn chay là để thể hiện lòng đạo đức nhiệt thành. Thế nên, việc ăn chay rất ý nghĩa đối với người Do Thái. Tuy nhiên, việc ăn chay chỉ mang tính tôn giáo, và mang ơn ích khi người giữ chay biết sống đúng tinh thần chay tịnh. Do đó, Chúa Giêsu nhiều lần lên án gay gắt lối sống giả hình, giữ luật bằng hình thức của nhóm biệt phái.

Chúa Giêsu mở ra một cái nhìn mới về việc ăn chay khi Người đặt nó trong mối tương quan với sự hiện diện của Người. Khi chàng rể là Chúa Giêsu còn ở trong tiệc cưới cùng với các môn đệ, thì họ không thể than khóc hay ăn chay; nhưng họ sẽ ăn chay khi chàng rể bị đem đi, tức là sau cuộc khổ nạn của Chúa. Do đó, việc ăn chay phải gắn với sự liên kết với Thiên Chúa thay vì để thể hiện sự đạo đức hay là thước đo để đánh giá người khác mà những người Pharisêu đã làm. Lắm lúc trong cuộc sống, ta cũng trở thành một “Pharisêu” chính hiệu khi ta chu toàn lề luật nhưng chỉ để thể hiện mình là người đạo đức, chứ không vì lòng mến Chúa. Hơn nữa, ta còn lấy mình làm chuẩn mực để đánh giá, chỉ trích người khác. Như thế, ta đang lấy “bầu cũ” để đựng “rượu mới” và kết quả là rượu cũng mất mà bầu cũng hư.

Lạy Chúa, Chúa đã ban rượu mới là giao ước mới cho chúng con, xin Chúa giúp chúng con biến đổi tâm hồn mình thành những bình da mới đầy tình yêu mới, để đời sống chúng con mỗi ngày được hoàn thiện và đẹp lòng Chúa hơn. Amen.


 

TINH THẦN CHAY TỊNH (Lm. GB. Nguyễn Hữu Duy, SVD)


 

SỐNG TINH THẦN MỚI (Tu sĩ Phêrô Trần Văn Dương, SVD)

Ăn chay là một hình thức giúp con người tỏ lòng sám hối trước Đấng Quyền Năng. Đối với người Do thái, họ ăn chay nhằm cầu xin Đấng Cứu Độ đến cứu chuộc họ. Tuy nhiên, việc ăn chay nhằm khoe khoang thì chẳng có giá trị đạo đức nào.

Trong cuộc đối thoại giữa nhóm người Pharisêu với Chúa Giêsu hôm nay, Chúa Giêsu đã đặt việc ăn chay vào trong một mối tương quan đích thực của nó. Ăn chay là một điều kiện cần để đến với Chúa, chứ không phải là hình thức bề ngoài. Các môn đệ không ăn chay không phải vì họ không tuân giữ lề luật nhưng họ nhắm đến sự hiện diện của Chúa ở trong lòng. Như hình ảnh Tân Lang hiện diện nơi tiệc cưới, hành động ăn chay bên ngoài phải hòa điệu với tâm tình yêu mến Chúa bên trong tâm hồn. Từ đó, khi đã xuất phát từ tâm tình yêu mến, dù luật không đòi buộc, nhưng vì lòng kính mến Chúa, ta cũng sẽ dễ dàng giữ chay tịnh.

Hình ảnh “áo mới, rượu mới” đã giải thích cho nhóm người Pharisêu thấy việc các môn đệ của Chúa Giêsu không phải giữ chay. Như vậy, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta phải lựa chọn giữa cái cũ là lối sống đạo, những lề thói xưa cũ của người Do thái và những cái mới là những đòi hỏi của Tin Mừng. Khi chúng ta mang đầy những ích kỷ, dối trá vào trong cuộc sống hiện tại của mình thì chúng ta đã xé miếng vải mới vá vào áo cũ hay đổ rượu mới vào bầu da cũ. Chính sự không tương thích đó làm cho cuộc sống của ta thêm khập khiễng. Trái lại, chúng ta được mời gọi từ bỏ lối sống cũ đó là những dối trá, ích kỷ để sống một tinh thần mới là canh tân theo các giá trị của Tin Mừng, sống theo Lời Chúa dạy dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.

Lạy Chúa Giêsu, dù việc ăn chay là phương thế để chúng con thể hiện tình yêu Chúa nhưng ăn chay cũng có một ý nghĩa đặc biệt không thể thay thế. Xin cho chúng con giữ chạy tịnh với một con tim yêu mến nồng nàn chứ không phải vì luật buộc. Amen.


 

THAY ĐỔI ĐỂ SỐNG (Tu sĩ Giuse Nguyễn Văn Hiền, SVD)

Triết  gia  Heraclitus  đã  từng  nói: “Không ai tắm hai lần trên cùng một dòng sông”. Ý rằng mọi điều, mọi chuyện đều sẽ luôn luôn thay đổi. Con người cũng không nằm ngoài quy luật trên. Mỗi người đều thay đổi từng ngày về mọi phương diện để phù hợp với từng hoàn cảnh sống của mình.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, có người đã phàn nàn với Chúa Giêsu về việc các môn đệ của Người không ăn chay (x. Mc 2, 18). Họ phàn nàn vì theo truyền thống Do Thái việc ăn chay, cầu nguyện và bố thí là ba việc quan trọng trong đời sống sinh hoạt của họ. Họ ăn chay chính là để mong chờ Đấng Cứu Thế xuất hiện. Tuy nhiên, điểm mấu chốt của vấn đề mà họ đang gặp phải, đó là họ đã không chịu thay đổi chính con người của họ. Bởi vì Chúa Giêsu đã đến và đang hiện diện ở giữa họ, nhưng họ không chịu tin, không chịu đón nhận Người.

Cuộc sống hiện đại hôm nay đòi hỏi mỗi người chúng ta phải thay đổi để bắt kịp với sự phát triển không ngừng của khoa học và công nghệ. Không thay đổi, chúng ta sẽ tụt hậu. Tuy nhiên, có một sự thay đổi lớn lao nhất là thay đổi chính con người tội lỗi của chúng ta; thay đi những ích kỷ, nhỏ nhen để sống bao dung với người khác; thay đi con tim khô cứng bằng con tim ấm mềm của tình yêu. Thay đi cái tôi to lớn để biết rằng ta đang sống là nhờ vào tình yêu của người khác và của Thiên Chúa… Thay đổi là khó khăn, nhưng như Les Brown đã nói: “Thay đổi thì khó khăn nhưng thường cần thiết để sống còn”.

Lạy Chúa, xin ban thêm sức mạnh để chúng con dám thay đổi chính mình mỗi ngày, để như thánh Phaolô ngày xưa, chúng con cũng dám tuyên xưng: “Tôi sống nhưng không phải là tôi sống mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20). Amen.

Bài trướcLỜI SỐNG (15/1, Kính Thánh Arnold Janssen, Đấng Sáng Lập Dòng Ngôi Lời)
Bài tiếp theoỞ NAZARET THÌ LÀM GÌ CÓ GÌ HAY?