LỜI SỐNG (Thứ Ba, Tuần 2 TN)

0
423
Photo: guideposts.org

Tin Mừng: Mc 2,23-28

Vào ngày Sabát, Đức Giêsu đi băng qua một cánh đồng lúa. Dọc đường, các môn đệ bắt đầu bứt lúa. Người Pharisêu liền nói với Đức Giêsu: “Ông coi, ngày Sabát mà họ làm gì kia? Điều ấy đâu được phép!” Người đáp: “Các ông chưa bao giờ đọc trong Sách sao? Ông Đavít đã làm gì, khi ông và thuộc hạ bị thiếu thốn và đói bụng? Dưới thời thượng tế Abiatha, ông vào nhà Thiên Chúa, ăn bánh tiến, rồi còn cho cả thuộc hạ ăn nữa. Thứ bánh này không ai được phép ăn ngoại trừ tư tế.” Người nói tiếp: “Ngày Sabát được tạo nên cho con người, chứ không phải con người cho ngày Sabát. Bởi đó, Con Người làm chủ luôn cả ngày Sabát.”


 

 SUY NIỆM 

LUẬT VÌ CON NGƯỜI (Tu sĩ  Phêrô Nguyễn Hữu Hào, SVD)

Bất kỳ một xã hội nào cũng có pháp luật. Đó là một hệ thống quy tắc xử sự chung hầu đảm bảo sự vận hành và phát triển của mỗi cá nhân cũng như cộng đồng đó. Đối với người Do Thái, họ rất hãnh diện về lề luật của họ vì nó xuất phát từ Thiên Chúa.

Cho nên, vào thời bấy giờ, cách giữ luật của họ là rất khắt khe và hình thức. Trong bài Tin Mừng ngày hôm nay, người Pharisêu lên tiếng phản đối việc các môn đệ bứt lúa ăn trong ngày Sabát, vì đó là điều vi phạm luật Môsê. Nhưng Đức Giêsu đã bảo vệ các môn đệ của mình với bằng chứng việc vua Đavít đã làm dưới thời thượng tế Abiatha. Khi bị đói, ông đã cùng với thuộc hạ ăn bánh tiến trong đền thờ, thứ bánh mà chỉ có tư tế mới được ăn. Điều đó cho thấy việc đáp ứng nhu cầu bức thiết của con người thì quan trọng hơn là lề luật. Sau đó, Người khẳng định lại rằng: “Ngày Sabát được tạo nên cho con người, chứ không phải con người cho ngày Sabát”. Ngày Sabát có ý nghĩa nghỉ ngơi khỏi gánh nặng công việc và nghĩa vụ về kinh tế. Luật ngày Sabát là để tôn vinh Thiên Chúa và phúc lợi của con người chứ không phải ngược lại.

Trong đời sống của chúng ta, đôi khi chúng ta quên mất rằng luật pháp nhằm mục đích bảo vệ, thúc đẩy cuộc sống và các mối tương quan. Chúng ta quá quan tâm đến hình thức của luật pháp mà bỏ qua mục đích thực sự của các luật này. Điều đó là cho chúng ta trở thành nô lệ của những luật lệ, quy định và lễ nghi. Thậm chí, nhiều lúc quá nại vào luật pháp mà trở nên quá khắt khe với những người xung quanh. Chúng ta đổ vỡ tương quan, đánh mất đi lòng trắc ẩn và tình yêu thương chỉ vì một vài quy định hết sức nhỏ nhặt so với tính nhân văn trong tương quan con người.

Lạy Chúa, xin cho chúng con hiểu được ý nghĩa của những lề luật, để con sống tự do và xây dựng sự hiệp thông với mọi người trong mối dây tình yêu, như lời khẳng định của thánh Phaolô: “Yêu thương là chu toàn lề luật” (Rm 13,10). Amen.


 

LUẬT YÊU THƯƠNG TRÊN HẾT (Lm. GB. Nguyễn Hữu Duy, SVD)


 

LÀM CHỦ NGÀY SABÁT (Tu sĩ Giuse Tạ Quang Duy, SVD)

Con Người làm chủ luôn cả ngày Sabát (Mc 2,28), là lời đã đánh động tôi qua đoạn Tin Mừng theo thánh Máccô trong ngày lễ kính thánh Antôn viện phụ hôm nay.

Những người đầu tiên theo Chúa Giêsu có lẽ hơi lơ là việc giữ luật ngày Sabát, dù họ là những người có nguồn gốc Do Thái. Vì thế, những người theo đạo Do Thái mới có cớ mà chê trách, bởi lẽ giữ luật ngày Sabát vốn rất quan trọng đối với người Do Thái. Nhưng, phải chăng họ giữ luật lệ theo sát câu chữ? “Nghỉ” là nghỉ, dù là việc nhỏ như bứt lúa cũng thành phạm luật. Đức Giêsu đã trả lời cho các kinh sư bằng cách nhắc cho họ nhớ việc vua Đavid cùng thuộc hạ được ăn bánh thánh khi đói bụng thì Người cùng các môn đệ cũng phải được miễn trừ trong tình huống nào đó. Đồng thời, Người cũng nhắc cho họ nhớ rằng “Con Người thì làm chủ luôn ngày Sabát”. Nghĩa là, Thiên Chúa ban tặng cho con người ta ngày này là để nghỉ ngơi, thực hiện việc thờ phượng Chúa, việc lành đạo đức đối với tha nhân, chứ không phải như một gánh nặng Thiên Chúa đặt đè lên con người. Nhưng điều này cho thấy rằng, dù có xuất thân từ gốc Do Thái nhưng các môn đệ của Chúa Giêsu không phải là những con người được coi là “nghiêm túc” trong việc hiểu luật và giữ luật. Vậy nên, họ mới khiến Thầy bị mắng vốn và Thầy phải giúp họ “chữa thẹn”.

Trong ngày sống của mình, bản thân tôi có thể đôi khi cũng thích mang những câu chữ, nệ luật ra đánh giá người xung quanh mà quên mất đi rằng chỉ Thiên Chúa mới là Đấng duy nhất làm chủ tất cả. Suy niệm Lời Chúa hôm nay giúp tôi soi xét lại bản thân, để tránh vượt quyền Đấng đã sáng tạo ngay cả bản thân tôi.

Lạy Chúa, Đấng đã tạo dựng nên vũ hoàn, Đấng đã ban tặng cho con bao hồng ân trong tình yêu thương của Ngài. Xin giúp con biết chiêm ngưỡng thế giới này, nhìn tha nhân với đôi mắt dịu hiền của Chúa. Amen.


 

LÀM CHỦ… (Lm. GB. Nguyễn Hữu Duy, SVD)


 

NGÀY SABÁT (Tu sĩ G. B. Nguyễn Văn Huân, SVD)

Bài Tin Mừng hôm nay đề cập đến việc giữ luật ngày Sabát. Đây là một trong những điều luật quan trọng đối với người Do Thái. Các môn đệ của Chúa Giêsu đã “bứt lúa” trong ngày này và bị những người Pharisêu khiển trách. Nhân cơ hội này, Chúa Giêsu đã dạy cho họ biết ý nghĩa của việc giữ luật ngày Sabát.

“Ngày Sabát được tạo nên cho con người”. Ngày Sabát, là ngày thứ Bảy, theo tiếng Do Thái có nghĩa là ngày nghỉ ngơi. Đối với người Pharisêu, luật giữ ngày Sabát quan trọng hơn là cứu sống một con người. Họ nghĩ giữ luật nghiêm nhặt thì được Chúa thương và được cứu độ. Luật lệ đã trở nên gánh nặng đè trên vai của những người nghèo “thấp cổ bé miệng”. Họ còn thêm những điều không cần thiết vào luật ngày Sabát như được đi mấy dặm, khiêng bao nhiêu kilô…

Khi Chúa Giêsu đến, Ngài đã dạy các môn đệ hiểu rằng: trước hết, ngày Sabát được lập ra vì lợi ích của con người (x. Mc 2,27), nghĩa là con người làm chủ ngày Sabát. Luật ngày Sabát với mục đích là để phục vụ con người và phải đem đến cho con người sự sống dồi dào hơn. Người đã kiện toàn và thổi vào ngày đó một tinh thần mới, đó là nhằm “phụng sự Chúa trong anh chị em, là cứu sống”. Đó cũng là nguyên do giới lãnh đạo và Pharisêu không chấp nhận và tìm cách chống đối Người.

Là Kitô hữu, xin cho mỗi người chúng ta biết ý thức về việc giữ luật ngày Sabát và luôn biết đặt luật tình yêu trên tất cả mọi giới luật. Xin Chúa giúp chúng ta hiểu và sống đúng tinh thần của ngày Sabát “Ngày Sabát được tạo nên cho con người”. Amen.

Bài trướcỞ NAZARET THÌ LÀM GÌ CÓ GÌ HAY?
Bài tiếp theoGIÁO ĐIỂM QUẾ PHONG MỪNG LỄ BỔN MẠNG LẦN ĐẦU TIÊN