Kinh nghiệm OTP tại Chilê của Tu sĩ Giuse Nguyễn Công Lai,SVD

0
371

MỞ ĐẦU:

            Một trong những chương trình quan trọng của công tác đào tạo những nhà truyền giáo Ngôi Lời tương lai đó chính là chương trình OTP. Sau khi hoàn thành chương trình Triết học, các anh em được gửi đi OTP ở một quốc gia nào đó trên thế giới có Dòng Ngôi Lời để làm chương trình này. Mục đích là để học hỏi ngôn ngữ và văn hoá, làm quen với công tác mục vụ, làm quen với một cộng đoàn đa văn hoá, đa sắc tộc; và cũng là thời gian để tìm hiểu cụ thể hơn về sứ vụ truyền giáo trong tương lai như Hiến pháp của Dòng đòi hỏi: Bất cứ ai muốn gia nhập Hội Dòng của chúng ta phải sẵn sàng đi bất cứ nơi nào mà bề trên sai họ tới để làm chu toàn sứ vụ thừa sai của chúng ta, cho dù việc bổ nhiệm này đòi hỏi phải rời bỏ quê hương xứ sở, tiếng mẹ đẻ cũng như nền văn hoá của mình. Sự sẵn sàng này là điểm chính của ơn gọi truyền giáo của chúng ta (HP số102).

            Thế nên, dù mang trong mình những nỗi lo, nhưng cũng như nhiều anh em khác, tôi quyết định chọn đất nước Chilê để thực hiện chương trình OTP trong thời gian 2 năm với mong muốn tích góp cho mình những kinh nghiệm để phục vụ cho hành trình phía trước của bản thân.

            Hai năm, một quãng thời gian không dài nhưng cũng không phải ngắn khi phải đối mặt với những khó khăn nhưng cũng không kém phần thú vị. Như một người đi xa nhìn lại, tôi muốn ghi lại vài nét về đất nước và con người, về Tỉnh Dòng nơi tôi đã sống, về những phút giây cô đơn và cả những tháng ngày phiêu du đầy háo hức, về những trải nghiệm mục vụ và đời sống cộng đoàn đa văn hoá… Chilê, ở đó đã có gì?

NỘI DUNG:

I. Đất nước và con người Chilê

  1. Địa lý – kinh tế – đời sống

Chilê có tên chính thức là Cộng hòa Chilê (República de Chile). Đây là một quốc gia thuộc vùng Nam Mỹ, có dải bờ biển dài và hẹp xen vào giữa dãy núi Andes và biển Thái Bình Dương. Hình dáng lãnh thổ Chilê khá đặc thù với một dải đất dài 4300 km nhưng chiều rộng trung bình chỉ là 175 km.Chiều dài bờ biển là 6435 kilometres.Tổng diện tích là 756.950 km²,[1]Chilê xếp lớn thứ 38 trong các nước trên thế giới.

Phía Tây giáp biển Thái Bình Dương, phía Bắc giáp Peru, phía Đông – Bắc giáp Bolivia và phía Đông giáp Argentina. Giới hạn phía cực nam Chilê là eo biển Drake. Cùng với Ecuador, đây là một trong hai quốc gia ở Nam Mỹ không có biên giới giáp với Brazil. Lãnh thổ của Chilê còn bao gồm các hòn đảo ở Thái Bình Dương Juan FernándezSalas y Gómez, Desventuradas và đảo Phục Sinh.

Về lịch sử hình thành: Vùng đất Chilê vốn là lãnh thổ của người da đỏ Mapuche, nói tiếng Mapudungun, sống chủ yếuở miền Trung và Nam. Đến thế kỷ 16, người Tây Ban Nha xâm chiếm lãnh thổ này và biến thành vùng đất của họ. Nhiều cuộc nổi dậy của người Mapuche chống lại người Tây Ban Nha đô hộ nhưng bất thành. Thế nhưng phong trào đấu tranh chống lại người Tây Ban Nha vẫn âm ỷ. Đến thế kỷ 18, cuộc đấu tranh này không chỉ là người bản địa với thực dân Tây Ban Nha nhưng còn là cuộc đấu tranh của người Chilê, pha tạp hai dòng máu Mapuche – Tây Ban Nha, chống lại nhà vua Tây Ban Nha để đòi tự trị. Và đến ngày 18 tháng 9 năm 1810 phong trào này tuyên bố tách khỏi Tây Ban Nha thành lập một quốc gia riêng… Sự độc lập của Chilê không dừng lại ở đó, vì họ đã phải trải qua rất nhiều cuộc chiến tranh đẫm máu khác. Vừa là đấu tranh chống lại người Tây Ban Nha, vừa là nội chiến, vừa là chiến tranh với Peru, Argentina, Bolivia… Sang thế kỷ 20, Chilê lại lâm vào tình trạng bi đát hơn khi chịu sự thống trị của nhiều nhà độc tài. Điển hình là Pinochet, người theo chế độ cộng sản đã đưa Chilê đến nghèo đói và cùng cực. Thế nhưng, tháng 12 năm 1989 ứng cử viên Patricio Aylwin của liên doanh đảng Dân chủ Thiên Chúa cùng 17 đảng phái khác được bầu làm tổng thống, mở đầu thời kỳ chuyển tiếp của Chilê về nến chính trị dân chủ. Chỉ trong vòng hơn 20 năm dưới chế độ dân chủ, Chilê từ một quốc gia nghèo và thiếu tự do, giờ đây trở thành một đất nước phát triển nhất vùng nam Mỹ và giàu có về nhiều mặt cùng một nền tự do tiến bộ; kinh tế, giáo dục, y tế… đều phát triển và đứng nhất nhì nam Mỹ hiện nay.

Về hành chính: Chilê được chia thành 15 vùng (región), bao gồm: Tarapacá, Antofagasta, Atacama, Coquimbo, Valparaíso, Libertador General Bernardo O’Higgins, Maule, Bío Bío, Araucanía, Los Lagos, Aisén, Magellan và Địa Cực Chile, Vùng thủ đô Santiago, Arica và Parinacota.Mỗi vùng có Giám vùng đứng đầu do Tổng thống bổ nhiệm. Mỗi vùng lại được chia thành các tỉnh (provencia), đứng đầu là Tỉnh trưởng cũng do Tổng thống bổ nhiệm. Cấp hành chính nhỏ nhất là xã (comuna); mỗi xã có thị trưởng và nghị viên hội đồng xã do cư dân xã bầu ra với nhiệm kỳ bốn năm. Dân số Chilê khoảng 16 triệu, đa phần làngười di dân gốc Tây Ban Nha, gốc Đức; người bảnđịa Maphuche chỉ khoảng 1 triệungười.

Về khí hậu: đây là quốc gia có khí hậu đa dạng, từ sa mạc khô căn nhất trên thế giới, sa mạc Atacama ở phía Bắc, nhiệt độ có thể lên 43 độ C, tới khí hậu Địa Trung Hải ở miền trung, và khí hậu ôn đới mưa nhiều ở miền Nam, có những vùng nhiệt độ có thể lên -40 độ C trong mùa Đông.Nhìn chung, miền Trung có khí hậu tương đối ôn hoà với 4 mùa rõ rệt: mùa Xuân, mùa Hạ, mùa Thu và mùa Đông. Mùa hè nhiệt độ cao nhất khoảng 32 độ C, và mùa Đông nhiệt độ thấp nhất khoảng -2 độ C.

Về kinh tế: Sau nhiều năm trì trệ và nghèođói, ngày nay Chilê là một trong những quốc gia giàu có và phát triển bậc nhất nam Mỹ, với mức tăng trưởng kinh tế trên 8%/ năm. Thu nhập GDP năm 2013 là 3194 tỷ USD/năm; và thu nhập bình quân đầu người là 18400 USD/năm.[2] Chilê có quặng đồng lớn nhất thế giới. Đây là nguồn xuất khẩu và là nguồn thu nhập chính của nền kinh tế. Ngoài ra, Chilê cũng nổi tiếng về rượu vang, các loại nông sản và hải sản.

Tuy kinh tế phát triển nhưng tình trạng phân hoá giàu nghèo rất rõ rệt. Người dân chủ yếu sốngở miền Trung nơi có thủđô Santiago với khoảng 6 triệu dân; niềm Nam dân cư rải rác và miền Bắc rất thưa thớt.

Nhìn chung, Chilê là quốc gia có diện tích rộng lớn và nhiều vùng đất được thiên nhiên ưu đãi về kinh tế và cảnh đẹp. Cuộc sống người dân khá giả và hiền hoà. Y tế và giáo dục phát triển bậc nhất Nam Mỹ. Các cơ sở kinh tế khá phát triển như đường sá, nhà cửa, tàu điện ngầm… Các tệ nạn xã hội rất ít và đặc biệt con người sống trong tự do, hoà nhã và thân thiện.

  1. Tôn giáo

Chilê có khoảng 70% là người Công giáo; 15,1% là người Tin Lành với rất nhiều giáo phái khác nhau; 0,02% là người Hồi giáo; một phần nhỏ Chính Thống giáo; khoảng 8% dân số tuyên bố là vô thần hoặc theo thuyết Bất Khả Tri.[3]

Các tôn giáo ở đây sống trong sựôn hoà, tự do và được nhà nước tạo mọiđiều kiện để thể hiện niềm tin tôn giáo của mình. Tuy nhiên, Công giáo có phần được ưu tiên hơn.

Vì thế, cũng như các nước nam Mỹ, Chilê có số ngày nghỉ lễ tôn giáo khá nhiều. Trong năm, vào dịp lễ Giáng Sinh, Tuần Thánh và Phục Sinh, lễ Đức Mẹ Carmen, lễ thánh Phêrô và Phaolô, lễ Đức Mẹ lên trời, Đức Mẹ Vô Nhiễm, lễ Các Thánh ngày mồng 01 tháng 11 và ngày của Tin Lành 31 tháng 10… được coi là ngày nghỉ của quốc gia.

Ngoài ra, người dân chỉ làm việc từ thứ Hai đến thứ Sáu, còn thứ Bảy và Chúa Nhật là những ngày nghỉ thường niên.

  1. Văn hoá và phong tục tập quán

Người Chilê là sự kết hợp của dòng máu Tây Ban Nha và người da đỏ (Mapuche). Từ thế kỷ 19 có sự pha trộn với người Đức và một số quốc gia Châu Âu. Thế nên, văn hoá và phong tục tập quán có sự pha trộn giữa hai nền văn hoá Mỹ-Âu.

Nét văn hoá này được thể hiện rõ trong những lễ hội tôn giáo của họ. Hàng ngàn người tham gia vào những cuộc diễu hành đầy màu sắc ở trên đường phố với những trang phục rực rỡ và những điệu nhảy bốc lửa

Người Chilê rất hiếu khách và hoà nhã. Bất cứ nơi đâu trên đường, trên xe… họ đều hỏi thăm và trò chuyện. Khi gặp nhau, họ chào nhau bằng nụ hôn trên má (đối với phụ nữ) và một cái ôm hoặc bắt tay (đối với đàn ông). Họ cũng rất thân thiện với người nước ngoài. Nếu bạn là người nước ngoài khi gặp họ luôn cảm thấy được chào đón trong sự cởi mở và nồng nhiệt. Và dĩ nhiên, nếu có thể họ sẵn sàng giúp bạn. Nếu ra đường gặp một người Chilê, bạn có thể làm quen, chuyện trò một cách tự nhiên, và họ sẵn sàng nói chuyện với bạn cả giờ đồng hồ dù mới quen biết.

Người dân sống trong những tỉnh như Pomaire, La Ligua, Donihue, Quincharmali và Rari (ở niềm Nam) thường sống bằng những nghề thủ công truyền thống như làm các đồ mỹ nghệ, các đồ trang sức…. Vì thế, khách du lịch có thể thoải mái chiêm ngưỡng và tự mang về cho mình một món quà kỷ niệm (dĩ nhiên là bạn phải trả tiền rồi).Thế nên, không chỉ dân nông thôn, mà cả thành thị người Chilê đều nhận thức rất rõ về những đặc sắc văn hóa của mình. Họ giữ gìn nó rất mạnh mẽ và làm giàu nó bằng việc rèn luyện, đổi mới, cách tân.

Về trang phục: Quần áo của người Chilê thường đi kèm với những chất liệu ấm như áo choàng poncho, áo khoác và quần dài. Bộ chamanto là trang phục truyền thống ,đặc biệt thường được ở miền trung Chilê. Viền áo được trang trí bằng các dải ruy băng xếp nếp. Điểm khác biệt chính giữa chamanto và các loại poncho khác là những màu trái ngược nhau ở 2 mặt của áo poncho: một mặt có màu nhạt, còn mặt kia thì có màu đậm. Thông thường, người ta mặc áo poncho mặt có màu đậm vào ban ngày, ban đêm thì mặc mặt màu nhạt.
Dù người Chilê rất sành về thời trang và thường hầu như lúc nào cũng ăn mặc nghiêm chỉnh, nhưng họ cũng biết làm thế nào để an mặc thoải mái theo mùa và theo từng vùng.

Về ẩm thực: Ẩm thực Chilê tuy có sựkết hợp giữa ẩm thực Tây Ban Nha với các nguyên liệu bản xứ, với những ảnh hưởng từ những nền ẩm thực châu Âu khác, đặc biệt là từ Đức, Ý, Pháp và trung Đông nhưng khá đơn giản trong ăn uống. Các món ăn truyền thống Chilê nổi bật nhờ vào sự đa dạng về hương vị và màu sắc. Thức ăn chính của họ là các loại thịt bò, heo, cừu, gà, vịt… với khoai tây và bánh mỳ, cùng với những sản phẩm của nông nghiệp như bí, cà chua, cà rốt, đậu, suplơ… Chilê có một diện tích biển rộng và dài thế nên các loại thuỷ hải sản khá phong phú. Thế nhưng người Chilê rất ít ăn cá. Nhưng món cá hồi gần như là món ăn đặc trưng của họ, vì khi có tiệc lớn nếu chủ nhà dọn cá thì chắc chắn đó là món cá hồi. Ngoài ra, nhiều món Chilê còn được làm tăng hương vị vì đi kèm với rượu vang, bởi Chilê là một trong những nước sản xuất rượu vang lớn nhất thế giới. Vì thế, rượu vang không bao giờ thiếu trong mỗi bữa tiệc và thậm chí ngay cả trong những bữa cơm hàng ngày. Với người Chilê, bữa trưa là quan trọng nhất; còn bữa sáng và tối hầu như tự do và tương đối đơn giản, chủ yếu đồ ăn sẵn. Nhưng những ngày cuối tuần thì buổi tối khá thịnh soạn, vì là thời gian gặp gỡ, chuyện trò. Ngày nay, khi việc giao lưu văn hóa mở rộng, ở Chilê cũng không thiếu những món ăn của các nước khác như của Trung Quốc, Nhật, Hàn và cả Việt Nam… Nóichung, thực phẩm của người Chilê khá phong phú nhưng không quá cầu kỳ. Khẩu vị cũng có phần khác đôi chút giữa các vùng với nhau.

II. Tỉnh Dòng Ngôi Lời Chilê

Dòng Ngôi chính thức được thành lập ở Chilê vào năm 1910 với cộng đoàn đầu tiên được đặt tại thủ đô Santiago. Tính đến nay, Dòng Ngôi Lời (La congración del Verbo Divino) đã có 115 tuổi trên đất Chilê. Ở Chilê có khá nhiều dòng tu, nhưng Dòng Ngôi Lời là một trong những dòng hoạt động hiệu quả nhất về cả lĩnh vực truyền giáo và giáo dục.

Tính đến năm 2015, Tỉnh Dòng Ngôi Lời Chilê có 66 thành viên đã khấn trọn gồm 3 Giám mục, 62 Linh mục và 1 Tu huynh. Trong lãnh vực đang đào tạo có1 Thỉnh sinh, 1 Tập sinh (làm nhà tập tại Paraguay ), 5 thầy khấn tạm (2 đang học tập tại Chilê, 3 đang học tập tại Argentina). Tuy chỉ với 66 thành viên nhưng có tới 18 quốc tịch khác nhau trải đều trên 5 châu lục. Trong đó Chilê chiếm 18, Indonesia chiếm 15, Đức và Ba Lan chiếm 9, còn lại các quốc gia khác như Italia, Ấn Độ, Ghana…Điều này cho thấy Dòng Ngôi Lời Chilê là một cộng đoàn đa văn hoá, đa sắc tộc một cách rõ rệt.

Về cơ cấu và phân bổ các cơ sở truyền giáo: Hiện tại, Tỉnh Dòng Chilê có 31 Cộng đoàn,bao gồm:

  • 15  giáo xứ: Santísimo Redentor, Nuestra Señora del Tránsito, Nuestra Señorade la Candelaria, San Andres, Espíritu Santo, San José Obrero (Hạt miền Bắc); Sankt Michael (Hạt Santiago); Ignacio de Loyola, Santiago Apóstol, Nuestra Señoradel Pilar, Sagrado Corazón (Hạt miền Trung tâm), Nuestra Señora de Lourdes, Espíritu Santo,Nuestra Señora de Fátima, Espíritu Santo(Hạt miền Nam).
  • 5 trường học: Colegio del Verbo Divino Las Condes; Colegio del Verbo Divino Chicureo; Colegio Liceo Alemán del Verbo Divino; Colegio Germania del Verbo Divino và Escuela San José Huaqui.
  • Bên cạnh đó còn có 7 nhà tình thương, hai khu tĩnh tâm lớn, các hiệu sách, các văn phòng cộng tác truyền giáo, các nhà nghỉ dưỡng ở những khu vực du lịch và có danh lam thắng cảnh, các khu đất rừng làm kinh tế… Thu nhập chính của SVD Chilê là từ trường học. Trong đó trường Ngôi Lời ở thủ đô Santiago là trường có đóng góp nhiều nhất. Đây cũng là một trong những trường nổi tiếng nhất của Chilê cả về mặt chất lượng giáo dục và đắt đỏ.

Các cộng đoàn đều có cơ sở khá khang trang và ổn định. Mỗi cộng đoàn đều có từ 1 đến 2 xe ôtô. Do đó, việc đi lại hay làm mục vụ cũng thuận lợi hơn.

III. Công việc truyền giáo và cánh đồng truyền giáo

  1. Nhìn chung

Chilê là đất nước có diện tích rộng lớn nhưng dân số lạiít, chỉ khoảng 16 triệu. Thế nhưng không vì thế mà cánh đồng truyền giáo hạn hẹp. Ngược lại, đây là môi trường của các nhà truyền giáo. Như đã nóiở trên, Chilê có trên 70% là người Công giáo, nhưng việc giữ đạo đã xuống cấp và tình trạng chuyển sang đạo Tin Lành cũng khá đông. Bên cạnh đó, là nước phát triển nên ở đây, dân nhập cư cũng khá nhiều, nhất là dân từ các nước Peru, Bolivia… Thêm vào đó, dân bản địa có khoảng 1 triệu người. Đây cũng là một nơi để gieo giống và nếu Chúa muốn sẽ cho những bông lúa trĩu hạt.

Tuy đời sống đạo đã giảm nhưng niềm tin vào đạo vẫn còn, nhất là người già. Song một nỗi băn khoăn của Giáo hội địa phương là số người trẻ bỏ đạo ngày càng tăng, và việc giữ đạo là yếu ớt. Nhiều người trẻ chỉ đến nhà thờ lúc lễ Thêm Sức, lễ cưới và lễ tang… còn lễ Chúa nhật lúc có lúc không. Bên cạnh đó, về nhân sự, các Giáo phận đều thiếu ơn gọi. Mỗi giáo phận chỉ có một vài chủng sinh. Do đó, công tác đào tạo những linh mục cho các giáo phận cũng gặp nhiều khó khăn.

Do ảnh hưởng của tục hoá và lối sống tự do, thế nên việc đổ vỡ hôn nhân chiếm con số khá cao. Nhiều gia đình chỉ có bố hoặc mẹ dù cả hai vẫn còn sống; nhiều phụ nữ chỉ thích có con, sống với con nhưng lại không muốn lập gia đình, một bộ phận thích sống độc thân.

Tuy là nước khá giàu có nhưng cũng không thiếu người nghèo. Đây là một vấn nạn của đất nước vì tình trạng phân hoá giàu nghèo khá rõ rệt. Do đó, việc mục vụ cho người nghèo, người neo đơn, người già; mục vụ cho giới trẻ, gia đình; mục vụ cho người di dân, người bản địa… là những cấp bách hiện nay, và cũng là cánh đồng truyền giáo cho Giáo hội Chilê.

  1. Với Dòng Ngôi Lời

Có mặt tại đây hơn một trăm năm và cũng đã làm được rất nhiều việc nên Dòng Ngôi Lời là một trong những dòng nổi tiếng ở đất nước này.

Sự nổi tiếng này do nhiều điều đem lại. Một mặt vì Nhà Dòng đã đóng góp khá nhiều cho lợi ích của đất nước và Giáo hội, mặt khác vì nhân sự khá dồi dào. Nhân sự ở đây có hai nguồn: một là các linh mục, tu huynh của Dòng, hai là các thành phần giáo dân cộng tác vào công việc truyền giáo. Dòng Ngôi Lời có một đội ngũ giáo dân truyền giáo đông đảo với nhiều văn phòng truyền giáo trực thuộc Tỉnh Dòng.Ở mỗi giáo xứ hay trường học của Dòng cũng có một đội ngũ cộng tác viên truyền giáo.

Trong suốt chiều dài lịch sử, Dòng Ngôi Lời đã tham gia hầu hết vào các công việc truyền giáo của Giáo hội địa phương như: mục vụ giáo xứ; mục vụ người nghèo; mục vụ cho dân bản địa; truyền thông; truyền giáo; các cơ sở từ thiện; giáo dục…

Với 15 giáo xứ mà Dòng Ngôi Lời đang coi sóc mục vụ, điểm nổi bật là: đây là những xứ nghèo, đời sống người dân khó khăn; nhiều giáo họ trong một xứ, thậm chí có giáo xứ có đến 40 họ đạo. Nhưng điều đáng nói hơn là: ở mỗi giáo xứ Dòng Ngôi Lời coi sóc, tinh thần sống đạo khá thịnh vượng về đời sống đức tin và các tổ chức, hội đoàn, chíít là về mặt bề ngoài. Mỗi giáo xứ đều có các nhóm Kinh Thánh để chia sẻ Lời Chúa hàng tuần, các nhóm Legio, nhóm truyền giáo, giới trẻ… Bên cạnh đó, các giáo xứ đều có từ hai linh mục trở lên, và khi cần thiết các linh mục của Dòng sẵn sàng hỗ trợ như giải tội, giúp Tuần Thánh, Giáng Sinh… Nhìnchung, các giáo xứ của Dòng có một sắc thái riêng mà khi nhìn vào bạn dễ dàng nhận ra đó là giáo xứ do Dòng Ngôi Lờicoi sóc.

Một điểm mạnh nữa của Dòng là công tác từ thiện. Hiện tại Dòng có 7 Nhà Tình Thương, là nơi nuôi dưỡng các em mồ côi, các em khuyết tật, một số các em người bản địa Mapuche. Các trung tâm này là nơi giúp cho những em có hoàn cảnh khó khăn về nhiều mặt, được ăn học đầy đủ. Hiện tại chỉ có 1 cha người Togo làm giám đốc, còn tất cả đều phải thuê nhân viên cai quản cho đến mọi sinh hoạt của từng cơ sở. Mỗi cơ sở đều có một Ban giám đốc lo mọi việc cho cơ sở của mình.Đây là một nhu cầu mục vụ cần thiết nhằm góp phần cùng xã hội tạo cho những em có hoàn cảnh khó khăn được sống trong một môi trường giáo dục lành mạnh, có một cuộc sống đầy đủ, phần nào giúp các em hoà nhập với xã hội, cảm thấy được yêu thương.

Giáo dục cũng là một hoạt động truyền giáo quan trọng của Nhà Dòng. Đây không những là nơi để tạo nền kinh tế cho Nhà Dòng mà còn là môi trường để đào luyện đức tin và đào tạo một con người nhân bảnđúng nghĩa. Các nhà trường của Dòng đều có môn Giáo lý. Học sinh sau khi học các môn thuộc lứa tuổi Rước Lễ và Thêm Sức, các em được nhà trường tổ chứccho Rước Lễ Lần Đầu và Thêm Sức trong nhà trường. Vì thế, nhà trường cũng gần như là một giáo xứ, bởi đều có lễ hàng ngày, lễ Chúa nhật. Thế nên, vào ngày Chúa nhật, Nhà Nguyện của các trường đều chật kín giáo dân, chủ yếu là phụ huynh và các học sinh của trường. Trong mỗi trường học, hiệu trưởng là một cha Dòng Ngôi Lời, còn lại đều thuê giáo viên ngoài. Các cha có thể dạy môn tôn giáo hoặc có thể những thành viên trong Hội truyền giáo của Nhà Dòng đảm nhiệm. Dĩ nhiên là phải có bằng cấp và được trả lương như Nhà Nước qui định.Và trong mỗi trường đều có một cha làm công tác mục vụ trường học. Vị này chịu trách nhiệm về đời sống tâm linh của học sinh, giảng tĩnh tâm cho mỗi lớp. Mỗi lớp học có 2 ngày tĩnh tâm trong năm… Nhìn chung, các trường học của Dòng Ngôi Lời đều có chất lượng khá tốt, đứng đầu là trường Ngôi Lời ở thủ đô – là một trong những trường phổ thông nổi tiếng của Chilê.

Như thế, công tác truyền giáo và cánh đồng truyền giáo của Dòng Ngôi Lời khá phong phú và có những thành tựu nhất định. Hiện nay, đây vẫn là vùng đất của truyền giáo, nhất là trong các lãnh vực giáo dục và mục vụ cho người nghèo.

IV. Một vài cái nhìn khi làm OTP tại Chilê

  1. Thuận lợi

Chilê là đất nước phát triển và tự do cho nên các hoạt động tôn giáo gặp rất nhiều thuận lợi. Tôn giáo được nhà nước bảo hộ và tạo nhiều điều kiện để  người dân thể hiện niềm tin, và để các tổ chức tôn giáo cụ thể hoá vai trò của mình. Điều này được thể hiện trong pháp luật của Chilê. Với Dòng Ngôi Lời, việc đã có mặt ở đây trong một thời gian khá dàiđã cho Dòng có một cơ sở vật chất khá đồ sộ cùng với những cơ cấu khá vững chắc. Thế nên, đây là những thuận lợi cho các anh em làm OTP. Cụ thể:

a. Đất nước – con người Chilê

  • Việc xin visa sang Chilê khá dễ dàng, nhất là linh mục hay chủng sinh. Do đó, bạn có thể xin visa 1 năm, và khi sang Chilê, bạn có thể gia hạn visa một cách dễ dàng. Đồng thời, chính quyền cũng tạo mọi điều kiện thuận lợi trong đời sống cũng như các thủ tục, giấy tờ. Khi đã sống ở đó một năm, bạn có thể làm visa có thời hạn 5 năm và có thể làm visa vĩnh viễn.
  • Thêm vào đó, đời sống kinh tế khá phát triển; giao thông thuận lợi, an toàn; các tệ nạn xã hội ít; con người văn minh, lịch sự, gần gũi và cởi mở…
  • Đây là một sắc tộcđa văn hoá, có sự lai tạp giữa văn hoá Âu – Mỹ, vài thập kỷ nay có sự du nhập văn hoá của nhiều vùng miền trên thế giới. Do đó, khi ở đây, bạn có thể học hỏi được nhiều nét văn hoá khác nhau.

b. Dòng Ngôi Lời

  • Các cơ sở truyền giáo khá vững chắc cả về cơ sở vật chất và hệ thống tổ chức. Do đó, khi đến mỗi cộng đoàn, các anh em sẽ không sợ thiếu thốn về vật chất hay lo lắng quá nhiều về phương thức làm việc.
  • Chilê có một chương trình dành riêng cho OTP về mọi mặt, cả về việc học ngôn ngữ, thực hành ngôn ngữ và công tác mục vụ. Tỉnh Dòng hỗ trợ hoàn toàn kinh phí cho chương trình OTP. Sau hai năm, Tỉnh Dòng sẵn sàng giữ lại học Thần học…
  • Các thành viên đều đến từ nhiều quốc gia trên thế giới, thế nên ta có điều kiện sống và làm quen với một môi trường đa văn hoá, đa sắc tộc. Vì là ngườinước ngoài nên họ hiểu khá rõ về những khó khăn của anh em làm OTP, vì thế họ tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho những anh em làm chương trình này.
  1. Khó khăn

Khó khăn là điều không tránh khỏi cho một tu sĩ truyền giáo, với chương trình OTP khó khăn đó lại càng nhiều hơn.Đó là:

  • Sự khác biệt về thời tiết, văn hoá và lối sống:Văn hoá Chilê hoàn toàn khác với văn hoá Việt Nam trong nhiều mặt, từ cách ăn uống, chào hỏi, cách suy nghĩ, lối làm việc; từ cách thể hiện đức tin và lối sống. Cho nên, khi mới sang tôi có phần bỡ ngỡ và đôi khi cảm thấy khó chịu. Chẳng hạn như thức ăn: họ ăn uống đơn giản, nhiều bơ sữa, ít gia vị và phần lớn là thịt và khoai tây… khiến những tháng đầu tôi gần như ăn uống rất ít. Hay như khí hậu: về mùađông rất lạnh, nhất làở miền Nam, điều này gây khó khăn cho tôi – một người quen sống vùng nhiệt đới. Một thời gian dài tôi bị cảm lạnh, ho nhiều, cơ thể suy nhược. Trong đời sống hàng ngày, nhất là trong bàn cơm, họ tranh luận với nhau rất nhiều, không phân biệt cấp bậc hay lứa tuổi, miễn là thể hiện lập trường của bạn. Nhưng tôi, vốn một ngườitheo văn hoá Việt Nam, nghe nhiều hơn nói, thậm chí nếu biết cũng chỉ nói ít vì nếu nói quá sợ bịđánh giá là thiếu khiêm tốn… cho nên khi ngồi trò chuyện tôi nghe phần nhiều. Nhưng nếu bạn nồi trong bàn cơm mà không nói chuyện, không tranh luận… thì họ nghĩ bạn không hiểu gì, không có lập trường và chủ kiến, không quan tâm đến câu chuyện của họ. Đây là một hạn chế lớn của tôi, và điều này cũng gây khó khăn trong việc học ngôn ngữ. Vì với ngôn ngữ, nếuít nói thì rất khó tiến. Hay đơn giản như cách hỷ mũi cũng là một sự khác biệt. Người Chilê rất tự nhiên trong việc hỷ mũi mà tôi gọi vui là “văn hoá hỷ mũi”. Nếu họđang ngồi ăn cơm hay trò chuyện mà bị chảy nước mũi, họ sẽ rút khăn tay riêng và hỷ vào đó, không cần đi ra chỗ khác giống như Việt Nam. Có lần tôi đang ăn cơm vàđi ra ngoài hỷ mũi vì bị cảm lạnh, họ liền hỏi tại sao lại không làm ở đây mà đi ra? Vì với họ như vậy là mất giờ nói chuyện và thiếu quyền tự do cá nhân.
  • Ngôn ngữ là một trong những khó khăn lớn nhất, vì rằng tiếng Tây Ban Nha rất khó. Trong 5 tháng đầu tôi chỉ nói được vài câu đơn giản và hiểu rất ít. Điều này gây trở ngại trong giao tiếp, và đôi khi nó tạo nên áp lực rất lớn. Hơn nữa, những gì được học ở trường và khi ra tiếp xúc nói chuyện với người dân là hoàn toàn khác biệt. Một khi ngôn ngữ không vững, bạn sẽ cảm thấy mất tự tin, trốn mình và thậm chí bị stress.
  • Trong cộng đoàn Ngôi Lời: việc sống trong một cộng đoàn đa văn hoá cũng gây nên không ít khó khăn cho tôi.Vì rằng, mỗi người có cách nhìn riêng về một vấn đề, rồi thêm mỗi nền văn hoá thì sự khác biệt nàylại càng rất lớn hơn.Điều này dễ gây nên những hiểu nhầm, những bất đồng trong suy nghĩ và trong cách làm việc.
  • Nỗi nhớ nhà, nhớ thức ăn, nhớ lối sống ở quê hương cũng là một thách đố lớn. Khi cuộc sống suôn sẻ thì không sao, nhưng khi gặp những khó khăn thì nỗi nhớ này lại càng da diết hơn. Thế nên, không lạ gì nếu gặp một người Việt ở đây tôi rất sung sướng và hạnh phúc, dù đôi khi cuộc gặp gỡ chỉ là một vài câu chuyện bông đùa hay vài lời thăm…
  1. Công việc mục vụ và kinh nghiệm khi làm OTP

Dù đầy những khó khăn khi làm OTP ở Chilê nhưng so với nhiều nước khác thì chương trình OTP ở đây cơ bản là thuận lợi. Dù khác biệt về văn hoá, lối sống, thức ăn, thời tiết… nhưng điều đó không phải là rào cản quá lớn cho việc thu lượm những kinh nghiệm mục vụ nơi xứ người

a. Thời gian học ngôn ngữ

Tôi đến Chilê vào ngày 31 tháng 10 năm 2015. Khi lên máy bay với một tâm trạng vừa buồn, vừa lo, vừa háo hức và hồi hộp, và có lúc tâm hồn như bay bổng, không hiểu mình đang làm gì… Nhưng khi đặt chân đến nơi, cảm giác đó phần nào vơi đi, vui nhiều hơn buồn. Cha Giám Tỉnh và cha Quản lý đón chúng tôi tại sân bay. Họ đưa chúng tôi đến một cộng đoàn ở thủđô, là nơi chúng tôi sẽ ở và họ ngôn ngữ. Ởđó, họ đã chuẩn bị cho chúng tôi mọi thứ. Chỉ nghỉ ngơi vài ngày, chúng tôi bước vào khoá học ngôn ngữ kéo dài hơn 5 tháng. Thời gian học ngôn ngữ, lúc rảnh rỗi, cha Trưởng Cộng đoàn đã chở chúng tôi đi thăm nhiều nơi của Dòng và nhiều thắng cảnh của Chilê. Việc học khó khăn và áp lực nhưng những giây phút thư giãn giúp chúng tôi vơi đi nỗi buồn, vơi đi sự mệt mỏi.Cũng chính giai đoạn này, tôi có nhiều cơ hội để đi tham quan, bước đầu tiếp xúc với nền văn hoá Chilê và đời sống cộng đoàn đa văn hoá; và cũng là thời gian chuẩn bị cho những hành trình tiếp theo.

b. Thời gian thực tập ngôn ngữ

Sau thời gian học ngôn ngữ, tôi được gửi đến một trường Trung học của Dòng ở miền Nam để thực tập ngôn ngữ trong 5 tháng, trường Germania del Verbo Divino. Đây là một môi trường thực tập ngôn ngữ rất tốt, vì ở đó, tôi có thể tham dự nhiều khoá học với các học sinh; có điều kiện tiếp xúc với học sinh và giáo viên, là cơ hội để nghe, nói, và cũng là cơ hội để hiểu hơn về văn hoá và con người trong một môi trường mới.

Ngoài tham dự các buổi học với học sinh ở nhiều lớp khác nhau, tôi có nhiều giờ hơn để tham gia các hoạt động với học sinh như thể thao, văn nghệ, truyền giáo và các buổi tĩnh tâm của học sinh. Tuy là thời gian thực tập ngôn ngữ nhưng tôi cũng có thể giúp các cha trong cộng đoàn như chuẩn bị cho các thánh lễ và giờ kinh cộng đoàn; chia sẻ Lời Chúa; trò chuyện với các cha già, tham gia vào chương trình quảng bá ơn gọi… Thời gian này, tôi cũng tham gia sinh hoạt và thăm hỏi các em mồ côi ở các cơ sở Nhà Tình Thương của Dòng ở miền Nam cùng với cha Giám đốc.

Đây cũng là thời gian tôi có dịp đi thăm nhiều nơi của Dòng, nhiều danh lam thắng cảnh ở miền Nam và trau dồi ngôn ngữ. Tôi bắt đầu nói và hiểu được ngôn ngữ, điều này làm cho cuộc sống thêm thú vị, bớt căng thẳng hơn. Việc tiếp xúc với học sinh giúp tôi hiểu hơn về giới trẻ Chilê, điều hạnh phúc là chiếm được cảm tình của các em. Tôi cảm được, dù học sinh ở đây có độ tuổi khá nhỏ nhưng có những suy nghĩ rất lớn, tinh thần học tập, tự do cá nhân, tinh thần sáng tạo cùng với sự gần gũi và dễ thương. Khi đến đây, tôi được cha Hiệu trưởng giới thiệu trước toàn trường, là chủng sinh của SVD đến để thực tập ngôn ngữ, nhưng trong trường, họ đều gọi bằng một từ thân thương padre(cha). Dù nhiều lần tôi nói tôi chỉ là chủng sinh nhưng các em đều không thay đổi cách xưng hô. Có thể họ quen với từ padre hơn, vì trong tiếng Tây Ban Nha có từThầy (Frater) nhưng người Chilê ít người biết và hầu như không dùng từ này. Đây là một nét đẹp của người Công giáo Chilê, vì với họ, các tu sĩ vẫn luôn được tôn trọng và yêu mến.

c. Thời gian thực tập Mục vụ

Đầu tháng 10 năm 2014, sau khi kết thúc chương trình thực tập ngôn ngữ, tôi được Nhà Dòng gửi đến một giáo xứ của Dòng ở miền Trung, gần thủ đô Santiago, Giáo xứ San José Obrero. Giáo xứ này nằm ở thành phố Rancagua – một thành phố cổ của Chilê. Giáo xứ này có bề dày lịch sử hơn 50 năm, là một trong những giáo xứ nổi tiếng của Dòng. Giáo xứ có khoảng 3000 giáo dân, 8 giáo họ. Trong Giáo xứ, cơ cấu tổ chức rất chặt chẽ: có Hội đồng mục vụ giáo xứ, Hội đồng mục vụ các giáo họ và các tổ chức, hội đoàn.

Cộng đoàn gồm bốn thành viên nhưng ở bốn quốc tịch khác nhau: cha Jeronimo, chánh xứ, người Inđônêsia; cha Paulo Beker, người Đức; cha Cristoba, người Ghana và tôi, thực tập mục vụ. Sống trong một cộng đoàn như thế đem lại thật nhiều điều thú vị, vì tôi có thể làm quen với môi trường cộng đoàn đa văn hoá; được biết chút ít về văn hoá và con người của nước họ; đôi khi được thưởng thức những mónăn do mỗi người tự đạo diễn… Tuy nhiên, đi kèm với đó là những thách đố của sự khác biệt, điều này đôi lần cũng gây ra nhiều khó khăn nhất định.Đôi khi tôi rơi vào tình trạng kẻ đứng giữa, được lòng người này mất lòng người kia. Trong đời sống cộng đoàn, tôi phụ trách chuẩn bị bữa tối và các ngày thứ Bảy, thứ Hai. Dĩ nhiên là vẫn có sự luân phiên nhưng hầu như tôi đảm trách vì các cha bận công việc mục vụ. Nhìn chung, cộng đoàn tôi sống các cha đều dễ thương và giúp đỡ tôi rất nhiều. Mọi người sống với nhau trong tinh thần cởi mở, thân thiện, lắng nghe và hỗ trợ nhau trong công việc. Và đời sống riêng tư được tôn trọng một cách triệt để. Là người thực tập mục vụ, lại đang làm chương trình OTP nên tôi được các cha yêu mến và giúp đỡ cách đặc biệt hơn.

Công việc chính của tôi là tham gia các hộiđoàn như các nhóm chia sẻ Lời Chúa, hội cầu nguyện với Đức Mẹ, Legio de María, tham gia sinh hoạt với giới trẻ, thăm người bệnh, người nghèo, người già, giúp các công việc phụng vụ. Trong đó có nhiều việc tôi đi theo để cho biết nhiều hơn là làm việc.

Ở giáo xứ này, trước đây có trên 300 nhóm chia sẻ Lời Chúa hàng tuần và nhiều nhóm Legio. Nhưng hiện nay chỉ còn 40 nhóm Kinh Thánh, 4 nhóm Legio, 1 nhóm giới trẻ, 1 nhóm Escoge del Verbo Divino (Nhóm Chọn lựa Ngôi Lời).

Hàng tuần, tôi tham gia các nhóm Kinh Thánh và nhóm cầu nguyện Legio. Số lượng các nhóm khá đông nên tôi phải tham dự luân chuyển hàng tuần để có thể tham dự và biết nhiều nhóm hơn. Việc tham dự các nhóm này lúc đầu đơn thuần chỉ là nghe và chia sẻ vài điều trong bài Phúc Âm. Khi đã quen việc, có nhiều nhóm mời tôi chủ sự buổi chia sẻ. Sau mỗi buổi chia sẻ, thường có một bữa ăn nhẹ gọi là La Once, với cà phê, trà, bánh ngọt, bánh mì… Đây là dịp để tôi hiểu hơn con người Chilê, về văn hoá và suy nghĩ của họ. Khó khăn là ngôn ngữ, vì người Chilê nói rất nhanh. Cũng như bao ngôn ngữ khác, học ở trường một đường nhưng khi ra nói chuyện gặp nhiều vất vả vì người dân có nhiều thành phần, họ chẳng nói theo văn phạm… nên nhiều lúc nghe mà chẳng hiểu… Khi phải chủ sự một giờ chia sẻ Lời Chúa lại càng vất vả hơn. Bởi đa phần các nhóm này là người già, phụ nữ, vì thế họ thích nói chuyện gia đình, cuộc sống hơn là bám vào Lời Chúa để chia sẻ. Thế nên, trong những buổi chia sẻ ấy, tôi phải nắm vững chủ đề, cố nghe để hiểu họ nói gì và hướng dẫn họ quay lại với chủ đề Lời Chúa. Tuy khó khăn nhưng giúp tôi tự tin hơn và vốn ngôn ngữ cũng được nâng cao hơn.

Hàng năm, giáo xứ đều có một tuần Misión (truyền giáo) ở một địa điểm nàođó.Việc truyền giáo này do cha xứ chủ trì cùng với sự tham gia của nhóm giới trẻ và nhóm Escoge del Verbo Divino. Chương trình này nhằm tạo điều kiện cho giới trẻ làm quen với công việc truyền giáo, mặt khác cũng là thời gian và cơ hội để giới trẻ làm việc cùng nhau và tìm kiếm những kinh nghiệm bổ ích. Lẽ dĩ nhiên là tôi không bỏ qua cơ hội này – một cơ hội của sự cảm nghiệm.

Việc tham gia các công việc phụng vụ cũng là điều kiện để tôi dần làm quen với công việc phục vụ bàn thờ. Các cha cũng tạo điều kiện để tôi có dịp thực hành công việc này. Ngoài ra,trong tuần, tôi cũng theo các cha đi thăm các bệnh nhân, người già, người neo đơn và các công tác mục vụ khác. Việc tham gia này giúp tôi có cái nhìn cụ thể hơn về đời sống của người dân; hiểu và đồng cảm với họ. Mỗi lần chúng tôi đến thăm, họ rất hạnh phúc và nhiều khi chúng tôi phải đi cả ngày vì nhu cầu của giáo xứ rất lớn. Đây là giáo xứ của người già, vì người già chiếm số đông, giới trẻ ít, đa phần đi học hoặc đi làm ở nhiều nơi khác, nhất là ở thủ đô.

Hàng tuần giáo xứ có hai buổi cơm từ thiện. Nghĩa là các hộiđoàn cử người đến nấu cơm trưa cho những người nghèo trong các giáo họ. Điều đáng nói là tinh thần của họ khá cao, giáo xứ không phải xếp lịch hay lựa chọn, nhưng ai trong giáo xứ cảm thấy mình là thành phần nghèo thì đến để dùng các bữa cơm miễn phí này. Kinh phí để làm công việc này là từ những nguồn thu của giáo xứ như xin lễ, tiền giỏ… Điều đặt biệt là mỗi thánh lễ Chúa nhật, giáo dân trong giáo xứ thường mang đến nhà thờ các loại thực phẩm để dâng lễ như mỳ, gạo, muối, dầu ăn, thịt hộp, cá hộp… Những thực phẩm này sẽ được dùng để nấu các buổi cơm miễn phí phục vụ người nghèo. Đây là một nét văn hoá đẹp, thể hiện tinh thần bác ái thiết thực. Thường những bữa cơm này rơi vào thứ Bảy ở mỗi cộng đoàn, là thời gian nghỉ ngơi của giáo dân nhưng lại là ngày bận rộn của các linh mục. Ngày này tôi thường phải trực nhà để chuẩn bị công việc cho ngày Chúa nhật. Giáo xứ có thư ký lo công việc liên lạc nhưng thứ Bảy họ nghỉ nên mọi liên lạc giữa giáo dân và cha xứ tôi được giao nhiệm vụ đảm trách. Nhưng đôi khi tôi vẫn sắp xếp để đến tham dự những bữa cơm từ thiện này, vì vừa là cơ hội để hiểu hơn về cuộc sống con người nghèo nơiđây, cũng là dịp để tôi nói chuyện và thực hành ngôn ngữ.

Ngoài những công việc của cộng đoàn và các công việc mục vụ, hàng tháng tôi đều tham dự các cuộc họp của giáo hạt, của Hạt mục vụ Dòng và tham gia các ngày tĩnh tâm cũng như có một vài chuyến dã ngoại với các nhóm, hội đoàn trong giáo xứ…

V. Vài đề xuất

Sau khiđã có một cái nhìn tương đối đầyđủ trong thời gian làm OTP ở Chilê, tôi xin có mấy đề xuất sau:

  • Tiếp tục tạođiều kiện cho anh em đã hoàn thành Triết học được làm chương trình OTP. Vìđây là cơ hội để anhem học ngôn ngữ, văn hoá, mục vụ và đời sống cộng đoàn đa văn hoá. Từ đó, giúp cho cá nhân có một cái nhìn cụ thể và có những kinh nghiệm cho sứ vụ trong tương lai.
  • Nhà Dòng cần tạo điều kiện thuận lợi để anh em có thể thực hiện chương trình này một cách hiệu quả như: liên lạc với cácTỉnh Dòng nhận OTP một cách cụ thể; cần có một thông tin đầyđủ và chính xác trong cả một quá trình, tránh tình trạng hiểu nhầm giữa hai Tỉnh Dòng.
  • Tỉnh Dòng nhà nên thường xuyên thăm hỏi, động viên anhem đang làm OTP ở nước ngoài, vì cuộc sống cô đơn và những khó khăn nơi xứ người, nếu thiếu sự quan tâm đôi khi làm cho cá nhân tủi thân và cảm thấy mủi lòng.
  • Các anh em khi chọn một nước làm để làm OTP nên tìm hiểu kỹ càng: lịch sử, thời tiết, thứcăn, ngôn ngữ… để không bị sốc và có một sự chuẩn bị tâm lý kỹ càng hơn.
  • Khi đang thực hiện chương trình OTP, cần đề xuất và cóý kiến phản hồi cho giám đốc OTP, Giám Tỉnh nơi mà anh em ở… để họ biết, và cũng để nói lên nhu cầu nhằm có nhiều thuận lợi hơn trong việc học ngôn ngữ, thực tập ngôn ngữ, thực tập mục vụ…

KẾT LUẬN

Như thế, có thể thấy chương trình OTP là một chương trình quan trọng trong giai đoạnđào tạo của Dòng Ngôi Lời. Đây là cơ hội để các anh em trẻ cóđiều kiện học tập ngôn ngữ, tìm hiểu văn hoá, con ngườiở một vùng đất mới, để thực tập mục vụ, để làm quen với môi trường cộng đoàn liên văn hoá, để chuẩn bị những hànhtrang  cho tương lai, và để củng cố và tìm hiểuơn gọi truyền giáo một các cụ thể hơn.

Thời gian làm OTP hai năm ở Chilê đã cho tôi nhiều thứ: biết một ngôn ngữ mới, hiểu và cảm văn hoá và con người ở một vùng đất xa xôi, có một kinh nghiệm trong đời sống cộng đoàn quốc tế và những kinh nghiệm mục vụ nơi xứ người. Và dĩ nhiên, những khó khăn, những thất bại cũng là một kinh nghiệm, dùđó là kinh nghiệm không muốn có nhưng thiết nghĩ nó cũng có những giá trị nhất định. Người Chilê có câu: Que vale pena! (giá trị của nỗi buồn). Điềuđó thiết tưởng dù là điều khó khăn nhất vẫn có giá của nó, miễn là ta biết nhìn nó trong chiều hướng tích cực.

Thời gian làm OTP cũng là thời gian tôi cảm nghiệm ơn Chúa một cách sâu sắc nhất. Ơn Chúa đã đổ xuống trên tôi rất nhiều, giúp tôi hoàn thành một giai đoạn đời tu. Ơn Chúa thể hiện qua sự tạo điều kiện của Tỉnh Dòng chấp thuận cho tôi đi Chilê, thể hiện qua những giúp đỡ của Tỉnh Dòng Chilê, thể hiện qua lời động viên và sự yêu mến của nhiều người, thể hiện qua lời cầu nguyện và tình hiệp thông…

Hy vọng rằng, những gì có được qua chương trình này, qua thời gian sốngở nước ngoài sẽ giúp cho ơn gọi của tôi triển nở hơn. Một hành trình mới lại bắt đầu. Xin Chúa hoàn thành những điều tốt đẹp Ngài đã khởi sự.

Tu sĩ Giuse Nguyễn Công Lai,SVD

kinh-nghiem-otp-chile-nguyen-cong-lai-2

kinh-nghiem-otp-chile-nguyen-cong-lai-3

kinh-nghiem-otp-chile-nguyen-cong-lai-4

kinh-nghiem-otp-chile-nguyen-cong-lai-5

kinh-nghiem-otp-chile-nguyen-cong-lai-6

kinh-nghiem-otp-chile-nguyen-cong-lai-7

kinh-nghiem-otp-chile-nguyen-cong-lai-8

kinh-nghiem-otp-chile-nguyen-cong-lai-9

kinh-nghiem-otp-chile-nguyen-cong-lai-10

[1] Atlas universal Chile regionnalizado, 2002.

[2]http://vietnamexport.com/nuoc-lanh-tho/39/tong-quan.html, ngày 25 tháng 9 năm 2015.

[3] Atlas universal Chile regionnalizado, 2002.

Bài trướcLời Cha Tổng Quyền: Việc đào tạo được xét lại, những tâm hồn được canh tân
Bài tiếp theoLời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật XXIX Thường niên – Năm C

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.