Lời Cha Tổng Quyền: Việc đào tạo được xét lại, những tâm hồn được canh tân

0
301

Tổng tu nghị 2012 đã yêu cầu Tổng quyền “nghĩ ra và thực hiện một quy trình để đánh giá thường xuyên về các chương trình đào tạo hậu tập viện” (Gợi ý 2.2.1). Trải qua một tiến trình tham khảo dài, nhiều phương tiện đã được phát triển để tạo thuận lợi cho việc lượng giá toàn diện các chương trình đào tạo như thế. Đầu năm nay, các phương tiện và tiến trình lượng giá đã được thử áp dụng trong bốn “dự án thí điểm”: các chương trình đào tạo của Pieniężno ở Ba Lan, của Tagaytay ở Philippines, của Trung tâm đào tạo chung ở Ghana, và của Thần học viện ở Chicago. Với sự cộng tác rất lớn của các ban đào tạo trong mỗi chương trình đào tạo này, chúng tôi đang duyệt lại quy trình này để nó có thể được dùng nhằm lượng giá tất cả các chương trình đào tạo hậu tập kỳ trong những năm tới. Chúng tôi rất cảm ơn các ban đào tạo đăng cai tổ chức, các người quản trị tỉnh dòng, và các nhóm lượng giá là những người đã tốn nhiều thời gian và sức lực để thực hiện bốn bài lượng giá này.

Khi trình bày mỗi vùng trong bốn vùng, đã có một vài tương đồng được nhìn thấy trong các dự án thí điểm. Đó là một thách đố liên hệ đến tất cả những phương diện định hướng của SVD mà chúng tôi muốn xem xét trong việc đào tạo, bởi vì các chương trình đào tạo được gắn chặt với những yếu tố của việc đào tạo “toàn diện”, với một phương pháp toàn diện để hướng dẫn sự phát triển về thiêng liêng, tình cảm, tinh thần chung và trí thức của những người được đào tạo. Sự làm việc nhóm trong đào tạo tăng cường cách rõ ràng tính hiệu quả của chương trình này. Các ngôi nhà (houses) đào tạo liên văn hóa đang gặp thách đố, nhưng rõ ràng nó giúp cho sự phát triển các khả năng liên văn hóa. Những kinh nghiệm OTP hay những kinh nghiệm xuyên văn hóa khác đã được khẳng định. Trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, tầm quan trọng của việc suy tư về kinh nghiệm thừa tác vụ (ministerial experience) được khẳng định, nó cũng cần thiết cho việc hội nhập thật sự và cho sự học hỏi từ việc thực tập.

Tâm điểm của tiến trình lượng giá lấy lại gợi ý của văn kiện năm 2010 ‘Tái hình dung lại những lối mòn trong hành trình ơn gọi chung của chúng ta’ (Re-imagining the Pathways of our Common Vocation Journey), hầu hết các văn kiện gần đây của hội dòng liên quan đến đào tạo. “Đào tạo cho truyền giáo” là nguyên tắc hướng dẫn hàng đầu. Chúng ta có thể tìm thấy nguồn cảm hứng từ Thánh Arnold, vốn là người đã đưa việc chuẩn bị cho công việc truyền giáo hải ngoại vào trong chương trình ở Steyl, bên cạnh những khoa học xã hội và các nghiên cứu văn hóa cũng như việc thực tập nhiều cách khác nhau. Chúng ta thử làm tương tự như thế trong các chương trình đào tạo của chúng ta, nhưng nguy hiểm là đôi khi chúng ta muốn việc đào tạo cơ bản bao gồm mọi kỹ năng có thể từ khả năng kế toán tài chính đến việc sửa chữa ôtô, từ việc lên dự án phát triển đến việc bảo trì xây dựng.

Đào tạo cơ bản chỉ là: sự khởi đầu, sự bắt đầu, nền tảng. Việc xây dựng trên nền tảng ấy tùy thuộc vào mỗi người chúng ta, và “tất cả mọi người nên ý thức rằng cuộc đời cũng như ơn gọi của chúng ta cần được phát triển và trưởng thành luôn” (Hp. đ. 523). Nếu chúng ta muốn các chương trình đào tạo cơ bản được xét lại liên lỉ và được cải thiện trong ánh sáng của những tu nghị gần đây và trong một thế giới đang thay đổi, mỗi người chúng ta cũng phải sẵn sàng để lớn lên và tiến triển trong ánh sáng như thế. Chỉ khi nào những người thụ huấn nhìn thấy anh em đang tìm kiếm sự phát triển cá nhân, sự phát triển chung và sự phát triển tông đồ, thì họ cũng sẽ dấn mình vào một thời gian sống thích nghi, phát triển và canh tân.

Tổng tu nghị 18 sắp tới mời gọi chúng ta kiểm tra lại đời sống và sứ vụ của chúng ta qua ống kính của việc đào tạo cơ bản và thường huấn để tìm kiếm sự canh tân. Giống như Thánh Arnold, tất cả chúng ta phải liên tục đọc các dấu chỉ thời đại và phải luôn sẵn sàng để thích nghi và tiến triển. Chính Thánh Arnold đã tiến triển từ một người cổ vũ truyền giáo của giáo phận để trở thành đấng sáng lập của một ngôi nhà truyền giáo (mission house), để trở thành một tu sĩ có lời khấn giữa ba hội dòng truyền giáo. Chúng ta cũng đã tiến triển từ thời Thánh Arnold: rõ ràng chúng ta tôn vinh lời chứng mà chúng ta đưa ra như là một cộng đoàn liên văn hóa bao gồm các sư huynh và linh mục. Chúng ta ôm lấy cách rõ ràng sự cộng tác với giáo dân đang tiến triển tốt đẹp. Chúng ta xác định sứ vụ của chúng ta như là cuộc đối thoại ngôn sứ, được đánh dấu bằng những chiều kích riêng biệt. Vậy thì điều này có ý nghĩa gì đối với chúng ta trong việc đào tạo ngày nay? Chúng ta thích nghi, phát triển các chương trình đào tạo như thế nào để ôm lấy cách tốt nhất những ai mà chúng ta là và những gì mà chúng ta muốn là?

Có một sự liên hệ nội tại giữa đào tạo cơ bản và thường huấn: chỉ khi nào tất cả chúng ta muốn tiến triển và thay đổi, thì chúng ta mới có thể hy vọng những người thụ huấn biểu hiện một tầm nhìn tiến triển không ngừng của những người mà chúng ta là và của điều mà chúng ta phải làm. Nếu chúng ta muốn tiến trình chuẩn bị cho tổng tu nghị sắp đến đưa chúng ta đến sự canh tân, tất cả chúng ta hãy mở rộng trái tim để cho chúng ta có khả năng tiến triển như Thánh Arnold đã làm. Nhưng đào tạo cơ bản là một giai đoạn, một “tảng đá kê chân” – không phải là sản phẩm cuối cùng. Vì như Hiến pháp số 523 tiếp tục nhắc chúng ta rằng: “Chúng ta không bao giờ đạt đến mục tiêu, nhưng chúng ta luôn ở trên đường đi tới.”

Lm.Heinz Kulüke – Bề trền Tổng quyền và Ban lãnh đạo SVD

(Lm.Antôn P. Nguyễn Thanh Hà,SVD chuyển ngữ)

Bài trướcVIDEO Tang lễ Tu sĩ Venard Nguyễn Đình Bá,SVD
Bài tiếp theoKinh nghiệm OTP tại Chilê của Tu sĩ Giuse Nguyễn Công Lai,SVD

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.